Wednesday, February 26, 2020

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI


Văn Hc Press


22 Agostino, Irvine, CA 92614 USA • vmail: +1-949-981-3978
email: vanhocpress@gmail.com • Facebook: Van Hoc Press
PR 02/25/2020

Trân trọng giới thiệu:

chữ nghĩa
văn chương
cuộc đời

Tạp bút @ Trần Doãn Nho

Bìa @ Đinh Trường Chinh
Văn Học Press xuất bản, 2/2020
320 trang, giá bán $20.00

Tìm mua trên:
Barnes & Noble
Search Keywords: chu nghia van chuong cuoc doi
Hoặc bấm vào đường dẫn sau:
https://www.barnesandnoble.com/w/chu-nghia-van-chuong-cuoc-doi-tran-doan-nho/1136513135?ean=9781078778022

Trong cuộc đời thường, chữ làm vui nhau mà cũng làm đau nhau. Giận, lấy chữ mà giận. Thù, lấy chữ mà thù. Yêu, cần chữ để yêu. Nhớ nhung cũng phải có chữ mà nhớ. Lắm lúc, thêm một chữ thì chia lìa, bớt một chữ mà đoàn tụ. Chữ quấn quýt quanh ta không rời. Như hình với bóng. Như mặt trái mặt phải của một đồng tiền. Quay phía nào cũng đụng bức tường chữ. Bên kia bờ chữ là gì, ai mà biết. Có cách gì chúng ta có thể bước ra ngoài ngôn ngữ để tiếp cận một thế giới thực sự? Dường như: không!
(…)
Nhà văn Trần Doãn Nho

Không có đời sống thì không có chữ. Không có chữ thì không có nghĩa. Không có chữ nghĩa thì không có văn chương. Chữ như một tấm kính chắn gió không trong suốt, qua đó, ta nhìn dung nhan cuộc đời. Nó là tấm lưới: lưới chữ. Lưới chữ tuy thưa nhưng xem ra khó thoát! Nó cũng là chiếc xe chở hàng… chế biến. Hiện thực cuộc đời, qua chữ, được chế biến thành thế giới hư ảo mông lung của văn chương. Giống thì có giống nhưng cũng khác biệt vô cùng.
– Chữ/ Trần Doãn Nho

Bằng một khảo hướng suy luận tinh tế, bằng một tấm lòng thiết tha với quê hương Việt Nam và ngôn ngữ Mẹ, bằng một kiến văn trải rộng nhiều lĩnh vực: văn học, nghệ thuật, xã hội, nhân văn, lịch sử, chính trị… và bằng một giọng văn trí thức hàn lâm nhưng không xơ cứng khô khan, ý nhị thâm trầm nhưng không thiếu sôi động, nhà văn Trần Doãn Nho, vào đầu năm 2020 này, đã gửi đến người đọc một tập tạp bút đặc sắc, gồm những tiểu luận, điểm sách, nhận định, phê bình… ông viết rải rác suốt thời gian qua về “chữ nghĩa, văn chương và cuộc đời.” Đó cũng là nhan đề cuốn sách. Tuy vậy, ngoài văn chương / chữ nghĩa, người đọc còn tìm thấy trong cuốn sách thật nhiều những đề tài lý thú khác, từ hội họa cho đến cuộc sống di dân, từ quê người đến quê nhà… Tất cả được nhìn dưới đôi mắt một nhà văn đúng nghĩa, và nhờ đó, tất cả như được một luồng sáng mới phả vào, khai sinh thêm lần nữa trong một không-thời-gian mới mẻ, diệu kỳ.
– Trịnh Y Thư

Monday, February 24, 2020

THÁNG LỊCH SỬ NGƯỜI DA ĐEN. ĐỌC ‘DREAMING ME’


Nguyên Giác

Sách Dreaming Me in lần đầu 2001,
tái bản 2008.

Cứ mỗi tháng 2 dương lịch, Hoa Kỳ lại đón mừng Tháng Lịch Sử Da Đen (Black History Month), nhằm vinh danh thành quả của người da đen Hoa Kỳ, một truyền thống lần đầu tổ chức vào năm 1926 bởi sử gia Carter G. Woodson và kéo dài tới bây giờ.

Đặc biệt trong năm 2020, Tháng Lịch Sử Da Đen mang thêm một ý nghĩa là kỷ niệm 150 năm Tu Chánh Án Thứ 15 (Fifteenth Amendment), nội dung cho người đàn ông da đen quyền đi bầu cử, cũng như kỷ niệm 100 năm Tu Chánh Án Thứ 19, nội dung cho phụ nữ quyền đi bầu cử.

Bên cạnh các hoạt động văn hóa, như phim ảnh, triển lãm, kịch nghệ, diễn hành… trong Tháng Lịch Sử Da Đen có một truyền thống lặng lẽ, nhưng đầy chiều sâu: đọc sách. Bạn có thể đề nghị giới trẻ trong cộng đồng Việt một tác phẩm nào để các em đọc, để ý thức rằng sự kỳ thị màu da là có thực và rất đau đớn, và Phật Giáo đã trở thành nơi nương tựa của rất nhiều người da đen Hoa Kỳ hiện nay.

Một tác phẩm hồi ký nổi bật của Giáo sư Jan Willis-- có nhan đề “Dreaming Me: Black, Baptist, and Buddhist ― One Woman's Spiritual Journey” (Mơ Tôi: Da Đen, Tín Đồ Baptist, và Là Phật Tử -- Hành trình Tâm linh của một Phụ Nữ) -- được nhiều độc giả quan tâm về Phật giáo giới thiệu cho nhau trong tháng này. Sách này in lần đầu năm 2001, và tái bản 2008.

Trong phần giới thiệu trên Amazon, ghi nhận rằng: “Jan Willis không phải tín đồ Baptist hay Phật giáo. Bà đơn giản là cả hai. ‘Dreaming Me’ là chuyện đời của tác giả, khi niên thiếu trưởng thành trong các vùng Jim Crow South (tiếng lóng chỉ: các tiểu bang phía nam có luật kỳ thị da đen để thượng tôn da trắng), đối phó với kỳ thị trong một đại học Ivy League (nhóm đại học nổi tiếng nhất Hoa Kỳ), và rời dính líu với Đảng Báo Đen (Black Panther Party – một đảng cách mạng da đen cực tả, lập năm 1966, giải tán năm 1982). Nhưng chỉ tới khi gặp Lama Yeshe, một nhà sư PG Tây Tạng cư ngụ trong vùng núi Nepal, bà mới nhận ra con người thực của bà, và từ đó bà biết cách sống tận lực cuộc đời của bà.”

Nữ Thiền sư Hoa Kỳ Sharon Salzberg, người có nhiều tác phẩm về Phật giáo, nhận định về sách Dreaming Me: “Sách của Jan Willis là một cẩm nang hướng dẫn đầy thông tin, tuyệt đẹp và lôi cuốn cho những ai muốn tìm sự chuyển hóa. Tác giả khéo léo đan kết chuyện đời riêng và lời Phật dạy, đưa tới hiện thực về hành trình bước đi tới giải thoát.”

Thupten Jinpa, người sáng lập viện nghiên cứu và dịch thuật về Phật giáo Tây Tạng Institute of Tibetan Classics, và là thông dịch riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhận định về hồi ký Dreaming Me: “Một cuốn sách chân thực gợi cảm hứng về thăng hoa cá nhân và là chiến thắng của lòng người. Sách tuyệt vời này chạm vào nhiều chủ đề mà tất cả những người hành hương chân thực – đặc biệt những ai muốn kết hợp di sản văn hóa và tôn giáo với hành trình tâm linh mới tìm ra – đều phải giải quyết ở một điểm nào đó trên hành trình của họ.”

Hai nhà phê bình Frederic và Mary Ann Brussat ghi nhận rằng Jan Willis là người Mỹ da đen đầu tiên trở thàng một học giả chuyên về Phật Giáo Tây Tạng và là một dịch gia về lĩnh vực này. Bà là giáo sư môn tôn giáo học tại đại học Wesleyan University và đã giảng dạy về Phật học trong hơn 25 năm. Với tập hồi ký kể lại hơn 50 năm trong đời bà, tác giả Willis tập trung vào cuộc đi tìm: “Để vượt qua cảm thọ về đau đớn và đau khổ mà tôi gánh chịu, tôi biết tôi sẽ phải tìm chữa lành, để tìm thấy nơi tiềm ẩn rất căn bản cho tất cả chúng ta: cảm thấy là nhà trong chính làn da của mình. Và do vậy, từ những ngày sớm nhất của tôi, nỗ lực đơn độc đi tìm của tôi trở thành đi tìm một phương pháp để chấp nhận chính tôi và để yêu thương tôi.”

Từ bé gái tín đồ Baptist, tới nữ sinh viên theo học Lama Yeshe.
(Photo courtesy Mandala Magazine)

Tác giả Jan Willis sinh năm 1948 và trưởng thành ở thị trấn Docena, tiểu bang Alabama, nơi tổ chức thượng tôn da trắng Ku Klux Klan hoạt động tích cực. Khi còn là vị thành niên, bà chứng kiến những cây thánh giá với lửa còn đốt cháy (do KKK) cắm trước nhà của bà. Willis đã tham dự biểu tình, diễn hành của Tiến sĩ Martin Luther King, Jr. và cảm thấy bà đang trên đường của bà --- đứng dậy vì điều bà thấy là chính nghĩa quan trọng. Bà được nhận vào đại học Cornell University năm 1965 và là một trong 8 sinh viên da đen duy nhất.

Sau khi du học Ấn Độ, nơi bà cũng học tiếng Sanskrit, trong năm junior (năm thứ 3 của bậc Cử nhân Hoa Kỳ), Willis trở về đại học Cornell và tham dự liên đoàn sinh viên da đen Black Student Alliance trong cuộc tấn công vũ trang, chiếm tòa nhà sinh viên trong khuôn viên đại học. Nhưng thay vì gia nhập Đảng Báo Đen, Willis trở về Nepal  để học về PG Tây Tạng dưới hướng dẫn của đại sư Lama Yeshe. Đại sư đã hướng dẫn tác giả trong 15 năm về nan đề lớn nhất của bà: “chấp ngã quá sâu dày.” Willis học được cách dịu dàng đối với sự kiêu hãnh của bà. Phương pháp tu giữ tâm kham nhẫn, trong sáng của PG giúp bà tới chỗ tự chấp nhận chính mình. Bà bây giờ tự gọi là một Phật tử Baptist.

Willis hoàn tất Tiến sĩ về Phật học tại đại học Columbia University và đã học, thực tập và nghiên cứu tại các trung tâm  Phật Giáo Tây Tạng ở Ấn Độ, Nepal, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ trong hơn bốn thập niên. Bà là tác giả nhiều sách về PG, viết trên nhiều tạp chí về Thiền tập, vấn đề phụ nữ và PG, vấn đề PG và màu da.

Trước khi sách Dreaming Me ấn bản đầu ấn hành một năm, Tạp chí Time vào tháng 12/2000 đưa bà vào danh sách “Sáu nhà sáng tạo tâm linh cho thiên niên kỷ mới.” Jan Willis được nhiều giải thưởng và nhiều vinh danh từ cả giới học Phật và các nhà hoạt động phụ nữ và nhân quyền.

Jan Willis sinh ra và lớn lên ở thị trấn Docena, một thị trấn nhỏ với kinh tế chính là hầm mỏ. Willis phải học trường giành riêng cho học sinh da đen, lúc nào cũng xuất sắc, nhưng liên tục là nhân chứng và là nạn nhân bị da trắng kỳ thị. Những đau đớn kỳ thị này đi cả vào trong những giấc mơ của tác giả.

Jan Willis khởi sự tập hồi ký bằng lời kể về một giấc mơ, trong đó bà bị một bầy sư tử xông tới hăm dọa. Giấc mơ đã hình tượng hóa những gì mơ hồ trừu tượng từ thơ ấu – những nỗi sợ và gánh nặng tác gia gặp phải trong vị trí “một thiếu nữ từ miền Nam [Hoa Kỳ].” Trong giấc mơ, mẹ cùa Jan Willis cảnh giác con, “Con phải biết là đầy nguy hiểm ngoài kia!” Dù vậy, trong giấc mơ những nguy hiểm đó hiện hình thành bầy sư tử.

Jan Willis kể lại, “Tôi biết bầy sư tử rượt tôi… Tôi chạy và chạy, mệt thở hết nổi, hổn hển qua không khí nóng. Tôi không thấy ai cả, không ai tới để giúp.” Khi tỉnh giấc mơ là trong tâm chỉ còn lại những nỗi phẫn nộ và cực kỳ đau đớn.

Tác giả Jan Willis kể rằng đại sư Yeshe với lòng từ bi đã xem bà như con. Nhưng vẫn khác, vì nhiệm vụ một người thầy là phải dạy học trò. Jan Willis viết: Lạt Ma Yeshe gọi tôi là đứa con gái ruột. Tôi nghĩ rằng Thầy cũng đã gọi nhiều phụ nữ độc thân khác là con gái tương tự. Nhưng tôi biết Thầy nghĩ về tôi, trong cách nào đó, là rất đặc biệt. Nhiệm vụ của Thầy là làm cho tôi cũng cảm nhận thấy sự đặc biệt đó, và để dạy tôi tin tưởng vào chính năng lực của tôi. Có một khoảng cách mênh mông giữa 'different' (khác biệt) và 'special' (đặc biệt). Mẹ tôi nhìn tôi như là một đứa khác biệt; Lama Yeshe nhìn tôi như là đặc biệt. Và đặc biệt có nghĩa là được yêu thương riêng cho chính tự thân, vì sâu tận nội tâm, nơi tận cùng là trong sạch, trí tuệ, từ bi và vi diệu. Lama Yeshe biết như thế về tôi, như Thầy biết như thế về tất cả các chúng sinh. Và đó là các vị Thầy chân thực ứng xử như thế: quý Thầy yêu thương chúng ta không ngằn mé bởi vì quý Thầy thực sự nhìn chúng ta là rất quý giá, từng người trong mỗi chính riêng tự thân mình – không gì [nơi chúng ta] thấp hơn các vị Phật.”

Một tháng trước khi ấn bản đầu của sách Dreaming Me phát hành, Tập San Phật Học Mandala số tháng 3/2001 phỏng vấn tác giả Jan Willis.

Có chuyện gì lạ khi một học giả viết hồi ký? Vâng, khác biệt lắm, và cũng đặc biệt lắm. Jan Willis lúc đó 52 tuổi (vào năm 2001) là giáo sư dạy Phật học ở Wesleyan University tại thành phố Middletown, tiểu bang Connecticut, lúc đó đã ấn hành 4 sách đều có chủ đề nghiên cứu về Phật Giáo.

Tác giả Jan Willis trả lời phỏng vấn của Mandala rằng trong khi viết tập hồi ký Dreaming Me, nhà biên tập ở nhà xuất bản Riverhead nhắc nhở rằng đừng có viết kiểu như thờ phượng đại sư Lama Yeshe quá mức. Bà Willis biết rằng tất cả những sách viết cho độc giả Tây Phương có thể vướng nỗi nguy hiểm khi viết về các đạo sư phi thường. Bà nói thực sự bà không viết kiểu “thờ phượng đạo sư” mà chỉ kể những chuyện theo học từ khi là một cô sinh viên hai mươi tuổi, lúc đó trong lòng còn đầy những giận dữ, đau đớn và tủi hổ. Tác giả Willis nói phần tập trung là ca ngợi phương pháp Thầy Yeshe dạy bà cách hồi phục tự tin. Thầy đã nói đi nói lại với cô học trò Willis về cách nhận ra và thăng hoa sự kiện rằng “tôi là một phụ nữ mạnh mẽ và thông minh, người có kho tàng nội tâm để đóng góp cho thế giới.” Và cần tới 15 năm học với Lama Yeshe để hoàn toàn nhận ra tự tâm trong sáng, hoàn toàn không vướng mắc chút màu da hay chủng tộc, hay bất kỳ ranh giới nào.

Jan Willis kể rằng câu chuyện bà chuyển hóa tâm linh là phổ quát cho nhiều người, rằng bà không phải là đứa trẻ da đen duy nhất sinh ra và lớn lên trong một thị trấn có luật kỳ thị da đen gay gắt ở Miền Nam Hoa Kỳ, và bất kể những giải thưởng trong thời đi học, khi bà gặp Lama Yeshe, bà vẫn mang đầy những gánh nặng đau đớn, và chính Thầy Yeshe đã giúp bà hàn gắn vết thương, bằng cách chấp nhận sự kiện rằng “đôi khi ngay cả tâm Phật cũng phải phẫn nộ.”

Vâng… xin mời bạn đọc kỹ câu cuối trong đoạn trên. Sẽ không có một Phật Tử Châu Á nào dám viết như thế. Chỉ Phật Tử Mỹ, và chỉ một số thôi, không nhiều, mới viết kiểu như thế, rằng thời thơ ấu của một thiếu nữ da đen bị kỳ thị gay gắt tới nỗi “tâm Phật cũng phải phẫn nộ.”

Tác phẩm hiển nhiên là, hy vọng sẽ giúp được nhiều độc giả tìm được lối đi trong lời dạy của Đức Phật.
NG

Sunday, February 23, 2020

CÂY BÀNG MÙA ĐÔNG & TIẾNG DƯƠNG CẦM TRONG NGÔI NHÀ ĐỔ


nguyễnxuânthiệp

Cành bàng mái ngói

Buổi sang mùa đông. Bầu trời Garland một màu xám xịt. Lá rụng đầy đường. Chợt nhớ màu lá bàng của mái ngói trong tranh Phố Phái. Nhớ cây bàng ở Vương Phủ ngày nào đầu đông lá đỏ rụng đầy sân, mẹ và chị Thoa lấy thúng đi nhặt về đun bếp. Nhớ cây bàng mùa đông trong nhạc Phú Quang. Và nhớ bài “Nhặt Lá Bàng” của Nhất Linh. Nhớ lắm. Từ nhiều hôm nay. Cho nên bảo vợ đi tìm (ôi Dung… ) cho bằng được bài văn của Nhất Linh, do nhà văn tự tay chép với lời đề tặng, trong cuốn lưu bút của nàng từ những ngày xa xưa thuở còn là cô bé học trò. Nguyễn muốn ghi lại trang viết đó vì nghĩ “Nhặt Lá Bàng” của Nhất Linh là một áng văn chương hay vào bậc nhất trong văn học cận đại. Chẳng những hay mà nhiều ý nghĩa nhân sinh. Chúng ta hãy đọc và lắng nghe tiếng lá bàng rơi trong những trận gió đêm.

   “Ở phía sau một gốc bàng, một cái bóng chạy ra. Tôi nhìn kỹ mới biết đó là một đứa bé, vào trạc mười tuổi, đầu nó chít một cái khăn đỏ phủ kín hai bên má, áo nó rách để hở cả hai vai. Một ít lá rụng ở cuối phố. Đứa bé chạy vội lại. Một con bé ở sau một gốc bàng khác cũng chạy ra, rồi hai chị em -tôi đoán lá hai chị em- chạy loăng quăng đuổi những lá bàng gió thổi lăn trên đường.
   Một cơn gió lạnh nổi lên, lá rụng ào ào, một lát đã đầy đường.
   -Mau lên chị ơi. Nhặt cả hai tay chị ạ.
   -Tao bảo mày đem chổi đi, mày lại bỏ quên. Thằng nỡm. Tao đã biết trước là dêm nay có gió to. Mày chẳng nghe tao bao giờ, thằng nỡm.
   Tôi mỉm cười vì thấy con bé mắng một cách thành thạo lắm. Đứa bé không để ý tới lời chị nó, vừa nhặt vừa reo:
   -Gió lên… Lạy giời gió nữa lên.
   Chúng nó nhặt không ngừng tay, lá vẫn rụng không ngớt, nhiều khi vì màu áo lẫn với màu đường, tôi không nom rõ người, chỉ thấy hai cái bóng đen loăng quăng. Chúng chạy vọt ra xa rồi lại quay vòng trở lại, có khi đang chạy về một phía bỗng nhiên đứng dừng: một đám lá rơi lỏa toả trên người khiến chúng ngập ngừng bối rối không biết quay nhặt phía nào.
   -Lạnh quá.
   -Chạy mau lên cho ấm… Thằng nỡm.
   Thắy chị mắng em luôn mồm là thằng nỡm, tôi mỉm cười đoán có lẽ tên đứa bé là Nỡm chăng.
   Tôi tự nhiên thấy vui với chúng và mặc dầu trời rét, tôi cũng như chúng mong mỏi gió thổi thật mạnh.”

   Hay và cảm động quá phải không các bạn. Chúng ta thấy vui với hai đứa bé nhặt lá trong đêm đồng thời thương chúng biết bao. Chúng ta cũng thấy yêu và gần gũi với mùa đông Hà nội cùng với màu lá bàng đầy phố. Với kẻ viết những dòng này, những chiếc lá bàng ấy thật đẹp. Có thể không rực rỡ bằng lá cây maple hay red oak ở đây, nhưng chúng mạnh mẽ và gần gũi với những kỷ niệm ấu thời của ta hơn bất cứ thứ gì khác. Và nghĩ tới lá bàng là nghĩ tới mùa đông Hà Nội. Đây, ta trở về lại với ca từ bài hát Em ơi, Hà Nội Phố của Phú Quang:

Em ơi, Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm

Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông
Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông
Mảnh trăng mồ côi mùa đông

Mùa đông năm ấy
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ

      Kẻ này phải mượn ca từ trong bài Em Ơi, Hà Nội Phố của nhạc sĩ Phú Quang để nói thêm một điều nữa. Đó là âm nhạc. Vâng. Mùa đông năm ấy / Tiếng dương cầm trong ngôi nhà đổ. Những điều sắp viết ra đây liên quan tới tiếng đàn dương cầm của một nhà soạn nhạc, nhạc sĩ Wladyslaw Szpilman trong phim The Pianist của nhà đạo diễn đầy tài năng và tai tiếng -Roman Polanski. “The Pianist” từng đoạt 3 Oscar năm 2002 về diễn viên chính xuất sắc nhất (Adrien Brody trong vai W. Szpilman), đạo diễn xuất sắc nhất và kịch bản phim hay nhất. Cuốn phim kể chuyện một gia đình ở Warszawa, Ba Lan, bị tan nát vì thảm họa Đức Quốc Xã ở những năm đầu của thập niên 40. Người nghệ sĩ dương cầm Szpilman đã đi qua tầng đầu địa ngục: Cha mẹ, anh chị em cùng với vô số người dân vô tội của xứ Ba Lan bị đánh đập hoặc bắn chết giữa lòng thành phố hoặc bị bức hại trong trại tập trung. Riêng Szpilman, nhờ may mắn, được đưa vào làm công việc khổ sai trong toán sản xuất rồi sau đó nhờ đôi vợ chồng nghệ sĩ Ba Lan cứu thoát. Cuốn phim đầy âm thanh và cuồng nộ với những hình ảnh thảm khốc khiến người xem bàng hoàng đau đớn, nhiều lúc tim thắt lại đến nghẹn thở. Riêng kẻ này đặc biệt xúc động với những sequences cuối cùng của cuốn phim, xúc động đến rưng rưng nước mắt. Đây là nét nhân bản tạo thành giá trị của tác phẩm. Lúc bấy giờ, cả thành phố Warszawa chìm trong đổ nát, hoang vắng. Szpilman chạy trốn từ ngôi nhà này sang ngôi nhà khác, đói khát và lạnh cóng cùng với những thương tích tưởng chừng có thể lấy đi mạng sống của anh bất cứ lúc nào. Anh phải đi sục sạo tìm chút thực phẩm còn sót lại để cầm hơi. Đau đớn, sợ hãi, cô đơn nhưng Szpilman không quên quá khứ âm nhạc và tiếng đàn của mình. Thỉnh thoảng, trong những lúc quạnh vắng, tiếng đàn xưa lại vang lên trong đầu. Thời gian trôi qua, và hạnh phúc cũng tưởng chừng mất dấu tích. Một hôm đang tìm cách đục một hộp đồ ăn, nhìn lên, Szpilman rụng rời thấy một viên sĩ quan Đức Quốc Xã đứng trước mặt mình. Viên sĩ quan hỏi anh làm gì ở đây và biết được Szpilman là nhà soạn nhạc và danh thủ dương cầm lừng danh của xứ Ba Lan. Là người có học và yêu âm nhạc, nghệ thuật, viên sĩ quan đưa Szpilman qua một phòng bên, chỉ chiếc dương cầm đầy bụi và những mảnh vỡ, bảo anh đánh đàn. Ngồi trước chiếc dương cầm như trước người yêu thất tán vừa tìm lại được, Szpilman xúc động nghẹn ngào. Rồi những âm thanh vang lên trong căn nhà đổ, vang lên như lửa reo, suối chảy trong khi ngoài trời bông tuyết bay trên gạch đá của những ngôi nhà mặt trăng. Có vậy sao, trong cảnh địa ngục a tỳ này, còn có được âm nhạc sao, nghĩa là còn có chút hạnh phúc và hy vọng. Viên sĩ quan của phía thù địch đứng lặng người nghe tiếng đàn của Szpillman vang lên thánh thót, có lúc tuôn chảy như đường chim bay, khi ầm ầm như giông tố đi qua bầu trời. Kể từ bữa đó, viên sĩ quan Đức đầy nhân ái tìm cách tiếp tế thực phẩm cho Szpilman, giúp anh sống dậy. Rồi Hồng quân Nga tiến vào giải phóng Ba Lan. Binh lính, sĩ quan Đức trở thành những kẻ bị truy đuổi.
      Viên sĩ quan Đức cùng với các chiến hữu của ông bị bắt nhốt vào một khu tập trung. Ông nhắn tin cho Szpilman biết. Trong những năm tháng sau đó, khi thành phố Warszawa và toàn thể Ba Lan được giải phống, Szpilman cố công đi tìm viên sĩ quan đầy nhân bản đã cứu mạng sống của mình, và cứu âm nhạc của loài người, nhưng anh đã hoàn toàn thất vọng. Cuối cùng, những hàng chữ kết thúc tấn bi kịch có tiếng dương cầm cho biết viên sĩ quan, có tên là Hosenfield, đã chết trong trại tù Liên Xô.

   Bạn hiền thơ ấu ơi,
   Kết thúc phim buồn quá, phải không bạn nhỏ? Ôi, mùa đông năm ấy tiếng dương cầm trong ngôi nhà đổ. Vâng ít ra, trong cảnh địa ngục ấy còn có tiếng dương cầm, và trong những giờ phút tuyệt vọng nhất, nghệ thuật cũng đã đem đến cho chúng ta sự ấm áp và cứu rỗi.
NXT

Poster phim The Pianist


TRANH ĐINH CƯỜNG

Hoa quỳnh một đóa
Tranh Đinh Cường



Thursday, February 20, 2020

ĐỌC THƠ NGUYỄN HÀN CHUNG. ‘MÓT CHỮ TRONG KINH’

Phan Tấn Hải

Tác phẩm ‘Mót Chữ Trong Kinh’

       Trong khi nhiều bạn vẫn còn đọc đi đọc lại nhiều bài thơ của Nguyễn Hàn Chung trong thi tập Lục Bát Tản Thần (2018), thi sĩ đã bắt đầu ấn hành tập thơ mới và phát hành trên mạng Lulu.
      Trong khi nhan đề thi tập năm 2018 nghe rất là vang dội giỡn cợt – bạn thử đọc rất chậm từng chữ “Lục Bát Tản Thần” sẽ nghe khúc khích tiếng cười thi sĩ – thì thi tập mới có nhan đề rất mực nghiêm trang, “Mót Chữ Trong Kinh,” dù độc giả đọc cách nào đi nữa, như đọc xuôi rồi đọc ngược, cũng sẽ nghe rất mực nghiêm trang. Như dường đây là chuyện của nhà chùa, hay có nghịch lắm (nếu bạn nhớ tới kiểu thi sĩ Nguyễn Hàn Chung ưa bỡn cợt) thì cũng có thể là những mối tình có bối cảnh sân chùa. Vậy mà không phải.
      Không phải. Kinh đây không hề có nghĩa kinh điển hay đạo học gì. Kinh chỉ đơn giản là kinh, và muốn hiểu sao cũng được, nhưng không mang nghĩa tôn giáo chi cả.
      Nhà văn Hồ Đình Nghiêm trong bài viết dùng làm Bạt cho thi tập “Mót chữ trong kinh” nhận định:
“Người đọc bắt đầu sinh nghi. Kinh gì vậy cà? Cứu khổ? Không. Cứu nạn? Không. Kinh tụng về tình yêu chăng? E là vậy. Vì hơn ai cả, nhà thơ Nguyễn Hàn Chung là người thiết tha yêu, mê man yêu, đắm đuối yêu. Ngây dại. Một sự mù loà gần như giả bộ, gần như bỡn cợt.”
      Có thể đúng là kinh tụng về tình yêu, như nhà văn họ Hồ nhận định. Bởi vì, khi Nguyễn Hàn Chung viết về chùa chiền, sư ni thì đều mang lời giỡn mà vui, nghiêm túc chi hề…
      Thí dụ, như trong bài thơ nhan đề “nghe kinh” thi sĩ cho rằng nhà chùa bây giờ nặng nợ trần ai (may quá, chưa phải là nợ tình):
lên chùa cung thỉnh thiền sư
giảng kinh cứu khổ tiêu trừ tam tai
dường như nặng nợ trần ai
nên nghe kinh giống nghe đài phát thanh

(mót chữ trong kinh - trang 74)
      Nhưng tới như trong bài thơ nhan đề “phải đâu?” Nguyễn Hàn Chung đã sử dụng ngôn ngữ giễu cợt, trong một cách Phật Tử thường cho là bất nhã. Bài này là 4 câu lục bát:  
anh luôn tương kính quý bà
sao em nỡ buộc tội là: anh không?
chắp tay qua xóm không chồng
phải đâu trọc lóc nâu sòng là sư

(mót chữ trong kinh - trang 126)
      Dù vậy, sẽ có những bài thơ sẽ làm bạn ngậm ngùi bất chợt. Có thể khởi lên những nỗi buồn từ sâu thẳm mà bạn tưởng như khó hàn gắn. Đó là khi Nguyễn Hàn Chung làm thơ về quê hương. Như bài nhan đề “đại lộ sài gòn” như sau:
phải qua mấy biển mấy non
mới lưu vong tới houston huê kỳ
sài gòn hai chữ có chi
mà làm nước mắt ù lì ta rơi

(mót chữ trong kinh - trang 67)
      Hay là bài thơ nhan đề “về thăm nhà cũ” trong thi tập, dễ dàng là một số người trong chúng ta ứa nước mắt:   
nằm đêm sùi sụt nhớ quê
về dăm bảy bữa có về mãi đâu
tay rờ nhúm đất mà đau
bụi môn cây khế buồng cau trách người

(mót chữ trong kinh - trang 96)
      Nhưng tuyệt vời trong thi tập vẫn là hình bóng các giai nhân. Ngay cả khi nàng có là bóng, nghĩa là ngoài tầm tay, dòng thơ Nguyễn Hàn Chung vẫn thiết tha tranh biện cho hết Kiều lại Vân, vẫn miệt mài ca ngợi bất kể nàng có là Mỵ Nương hay Mỵ Châu (than ôi, thi sĩ không thấy cô nào là bông hồng đỏ như kiểu trong các phim bộ nữ lưu Thượng Hải lên đường kháng Nhật?). Lời thiết tha như trong bài thơ nhan đề “chụp bóng” với thể thơ 4 chữ:
ngồi bên gái đẹp
càng thấy mình già
mà tìm gái xấu 
suốt đời không ra

(mót chữ trong kinh - trang 68)
      Hay như bài thơ nhan đề “không tặng hoa cho phụ nữ” thi sĩ Nguyễn Hàn Chung nói rất minh bạch rằng chỉ vì trân trọng nàng, cho nên không muốn tặng hoa, vì sợ có khi hoa tàn (hay sợ nếp nhăn nàng sẽ lộ nơi mi mắt?). Tình si như chàng hiển nhiên rất mực là tuyệt vời thượng thừa.
tôi từng từ chối tặng hoa
biết khi tàn sẽ xót xa muôn vàn
thà tôi tặng chiếc lá vàng
mốt mai dẫu có tan hàng nghiêng che

(mót chữ trong kinh - trang 75)
     Tại sao chàng sợ tặng hoa như thế? Nhưng thời này là tặng quà cũng được. Vấn đề là tặng quà gì? Có trời biết thực sự các nàng hy vọng nhà thơ tặng quà gì. Thí dụ, như ngày Tình Yêu, thi sĩ Nguyễn Hàn Chung suy nghĩ tặng quà gì cho nàng? Vậy mà, hình như có lúc, thi sĩ chỉ muốn nàng luôn luôn xa lìa mọi thứ văn minh, như bài thơ “em thành văn minh” ghi như sau:
nhớ em hồi nhỏ chơi thân
tắm sông tắm giếng truồng trần giỡn anh
ai đời cái bọn lưu manh
đem quần lót biến em thành văn minh

(mót chữ trong kinh - trang 77)
     Thế rồi những khi buồn thê thảm với cuộc tình gian nan, khi các con số lung tung hiện ra trong cõi tình… Bài thơ nhan đề “đếm người tình” của Nguyễn Hàn Chung viết rất mực tỉnh queo như sau:
không đau khổ vì em đâu cô nhỏ
anh cù lần chỉ biết ngủ ăn chơi
chỉ có lúc nhớ em ngồi bó rọ
đếm người tình còn lại mấy mà thôi
 
 (mót chữ trong kinh - trang 172)
      Và rồi những lần chàng thích thú khi kể lại trong thơ đã nhiều lần ngộ sát môi nàng, khi đó nàng (hay chàng? hay cả hai?) lúng túng niệm lời kinh và lo sợ sẽ bị nghiệp xô rơi vào ngục, như qua bài thơ “ngộ sát” ghi nhận:
mỗi lần ngộ sát đôi môi
của em ta niệm liên hồi nam mô
sắc không lú lẫn hồ đồ
sợ tu chín kiếp cũng vô a tỳ

(mót chữ trong kinh - trang 12)
      Tuy nhiên, không chỉ là em nhà lành, thi sĩ cũng có lúc lặng lẽ đi giang hồ và nhìn ngắm những nàng múa cột. Lúc này hình như Nguyễn Hàn Chung không thấy tội lỗi gì… vì chợt nhớ một thời thơ mộng với nàng hớ hênh, như qua bài “xem múa cột” sau đây:
em điệu nghệ tưởng rớt ra
tôi mở mắt không phải là mắt tôi
mắt tôi nhắm đã lâu rồi
từ khi váy rách em ngồi lặt rau

(mót chữ trong kinh - trang 14)
      Nhưng không phải lúc nào thi sĩ cũng nghĩ tới trâm cài tóc rối và má đỏ môi hồng… Đó là khi chàng nghiêm túc nhìn lại đời thơ của mình, như trong bài “siết chữ” Nguyễn Hàn Chung tâm sự về một nghiệp lực thi ca… Trời ạ, không thảnh thơi đâu:
còn thở là còn siết
không cho chữ thảnh thơi
nhai nhá chớ không nuốt 
bắt nhả ra thành lời

(mót chữ trong kinh - trang 7)
     Tuy nhiên, có phải làm thơ là nấu lên một nồi cháo, trong đó sẽ là chữ và ý, vần và âm, truyền thống cổ xưa nấu chung với thơ cách tân hiện đại? Bài thơ nhan đề “canh lòng thả” của Nguyễn Hàn Chung gợi lên một hình ảnh nồi lẩu thi ca:
thả bác học với bình dân
trộn mòn sáo với cách tân khuấy rồi
bắc lên lửa tốt nước sôi
cho lòng ai nhuyễn nhừ rồi húp ngon.

(mót chữ trong kinh - trang 23)
      Thơ Nguyễn Hàn Chung như thế đấy, có thương nhớ quê nhà, có lãng mạn dịu dàng với tình nhân, có ỡn cợt tha hồ chữ nghĩa… nhưng trong tận cùng là sống chết không rời với thơ, khi chữ không đơn giản được chép xuống mà là nhai chữ ngấu nghiến cho hả họng siết rên, thơ đã được nấu cho nhuyễn nhừ để húp vào là ngấm vào hiển lộ đầy chữ trên cả chân tay xương thịt gân da.
      Thi tập “mót chữ trong kinh” với 244 bài thơ của Nguyễn Hàn Chung dày 202 trang, do Mở nguồn xuất bản 2020, với Hồ Đình Nghiêm viết Lời Bạt, lưu hành trên mạng Lulu.com.

     Nhà văn Hồ Đình Nghiêm ghi nhận trong Bạt thi tập “mót chữ trong kinh” của Nguyễn Hàn Chung với những hình ảnh thơ mộng như đơn độc xuống núi, khách điếm tửu lần, hay như ngựa hý dặm dài… trích như sau:
Khi nhắc tên Nguyễn Hàn Chung. Chẳng còn ai xa lạ với danh xưng này. Anh hiện ra, khoác áo thi nhân đi trên con đường tự chọn. Thoạt đầu là lữ thứ đơn độc xuống núi, rời khách điếm tửu lầu chẳng mấy lâu thì cớ sự đã thôi còn nguyên trạng. Ngựa hý dặm dài, đã có không ít người lao xao đang thúc vó câu sau bóng chữ anh đánh rơi đâu đó. Hình ảnh một nhà thơ, hãy nên khởi đi bằng lối ví von đó. Rõ nghĩa hơn, người mang tên Nguyễn Hàn Chung đã gây nên tiếng vang từ độ…
…Thơ vốn ngắn, có người đang muốn làm ngắn, muốn giam giữ thơ bằng hình thức chỉ bốn câu thôi. Không thể 5, chẳng cho 6, đừng nên 7, 8… Dạ thưa, người đó là nhà thơ Nguyễn Hàn Chung. Thi nhơn vừa chọn hơn trăm bài, gom lại, làm cho chúng cái giấy khai sinh bằng tên gọi “mót chữ trong kinh”. Bốn chữ này cũng là thứ cầu kỳ trong giản đơn. Chữ mót đã hay mà kinh là đại diện cho những lời răn thậm nghiêm túc. Nhà thơ mót được gì?” (ngưng trích)
     Nếu bạn để ý, sẽ thấy trong thơ Nguyễn Hàn Chung rất nhiều bài lục bát. Phải chăng đó là ngôn ngữ quê hương rất mực, và lục bát là phần lớn ngôn ngữ anh?
     Nhà thơ Luân Hoán trên trang web riêng, khi nhận định về thi tập Lục Bát Tản Thần (2018) của Nguyễn Hàn Chung đã chú ý về điểm này, trích:
Với thể loại lục bát, xưa nay tôi đồng tình với nhận xét "dễ làm, khó hay." Nay tôi bổ túc, thơ lục bát ai cũng làm được và bất cứ ai cũng có vài cặp xuất thần thú vị.
Nhà thơ Nguyễn Hàn Chung, thành danh từ các thi phẩm: Tìm Tôi Trong Bóng (1999), Nói Hộ Phù Du (2002), Nghịch Lưu Của Tuổi (2011), Dự Cảm Rời (2016), Lục Bát Tản Thần (2018) và 3 cuốn sách khác, in chung. Lục bát là một ngón quen tay rất xuất sắc của anh.
Lục bát khác nhau, và nói theo kiểu túc cầu "có đẳng cấp" chỉ ở chỗ sắp xếp vị trí của từ ngữ. Cũng chỉ trong 14 chữ giống nhau, tùy theo sự xáo trộn sắp xếp, 6 trên 8 thành thơ hay không, bên cạnh đó dĩ nhiên phải có tứ thơ, hình ảnh, màu sắc...
Tôi không có ý định bình thơ Nguyễn Hàn Chung, nhưng kết luận gọn bằng câu này: Anh là thi sĩ, thơ hay, thơ đúng nghĩa của nó.”(ngưng trích)

      Trong phần sau tập thơ “mót chữ trong kinh” nơi trang 179-182 có chương “Đọc Thơ Nguyễn Hàn Chung,” trong đó thi sĩ họ Nguyễn được một số bạn văn ghi nhận.

- Trích như sau:
     “Mấy trăm bài thơ của Nguyễn Hàn Chung đều dựa trên cốt lõi trào phúng, giễu nhại của tinh thần Việt Nam, ngay bản thân ông cũng được tác giả đem lên trang giấy soi rọi một cách tận tình không ngần ngại…”(DU TỬ LÊ)
      “Dù có giấu kỹ những suy tưởng của mình về trời đất về thế thái nhân tình thì cái chất trữ tình trong máu huyết ông, cái nỗi dằn vặt trong hồn ông vẫn còn đó một cách nguyên vẹn khó phai lợt…” (LƯƠNG THƯ TRUNG)
      ‘Tác giả nhà thơ ấy, thời gian gần đây “mê hoặc rất lâu” trên hầu hết diễn đàn văn chương hải ngoại, phóng khoáng trao gửi ra giữa đời một chữ tình… qua nhiều góc cạnh kèm một chút thiệt thà, một chút bông lơn, mà đa phần là rút ruột răn đe…” ( HỒ ĐÌNH NGHIÊM)
      “Đọc thơ Nguyễn Hàn Chung càng đọc càng thấm cái hay ho của ngôn ngữ Việt Nam. Từ cái trong sáng của Nguyễn Du đến cái u minh của NHC thấy thơ ai cũng nằm trong ánh đèn LED” (TRẦN VẤN LỆ)
      “Nguyễn Hàn Chung thể hiện cách tân qua cung cách nghiêm nghị pha nghịch ngợm con chữ, ý tình.Ngoài lũy tre , người thân, cõi sau… còn là những hình ảnh dồn nén,tưởng tượng của chốn tình chốn dục, qua cắt ghép số chữ 6-8 qua lên hàng và xuống hàng, nhiều bài khá thành công chứng tỏ tác giả có trăn trở kiếm tìm… hơn 200 bài, một số khá đặc sắc, một số nên đọc lớn tiếng vào buổi bình minh, một số khác chỉ nên đọc khi ở một mình “(NGUYỄN VY KHANH)
     ”Nguyễn Hàn Chung là nhà thơ nổi tiếng nhiều năm nay từ trong nước ra tới nước ngoài … thơ tình nhưng không u sầu than thở mà có giọng đùa cợt nên dễ được nhiều người đồng cảm ưa thích” (NGUYỄN XUÂN THIỆP)
      “Nguyễn Hàn Chung sống trong những trăn trở đó, nên thơ anh khi chạm tới nguồn mạch quê hương ta cảm thấy anh sống lại một cách mãnh liệt nhưng rất hồn nhiên, tiếng lòng của anh bật lên, ta nghe thấy trong sâu thẳm của chữ nghĩa anh dùng, có một tiếng nấc tự đáy lòng phát tiết”(PHAN XUÂN SINH)
“Nguyễn Hàn Chung thuộc nhóm những người chủ trương canh tân đổi mới thi ca từ hình thức đến nội dung. Anh dùng chữ cẩn trọng, cân nhắc, nên trong suốt tập thơ, người đọc không thấy những sáo ngữ, những câu chữ mượt mà, bóng bảy, lê thê, sướt mướt. Ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Hàn Chung song hành với đời sống ý tưởng gồ ghề mà anh thể hiện” (QUỲNH THI).
      “Thơ của Nguyễn Hàn Chung nặng về tự sự, đi thẳng vào lòng người với một phong cách khó lẫn. Đọc thơ Nguyễn Hàn Chung, có cảm tưởng anh viết chỉ để riêng anh đọc, nên trong thơ anh bộc lộ tất cả, thành thật đến trong veo, nhưng... dẫu thế, thơ là sự đồng cảm, đọc lên lại hóa ra anh viết cho mọi người, nhất là những người, trước thế sự đau đớn ,nhăn nhó như thế này không thể không suy nghĩ, không thể không trăn trở.” (TRẦN KỲ TRUNG)
      “Ngôn-ngữ trong thơ NHC: ngôn-ngữ tưởng không bao giờ có thể thấy trong thơ. Nhưng NHC đã dùng nó "tỉnh rụi" bình dị và đi vào lòng người lúc nào không hay. Và nó đã chiếm được cảm tình cuả tôi, tôi đón nhận nó như một người bạn lâu năm, bất ngờ gặp lại. Thơ NHC "lột trần","bóc vỏ" cuộc đời.Thơ cuả anh là cái gì xung quanh chúng ta, nó ngổn-ngang như sỏi đá, nó chồi lên như lau lách nơi bờ bãi, nó thanh thiên bạch nhật như những cao ốc lừng lững trong cuộc sống cuả thế kỷ hôm nay ,nó là trang FB, là cái trạm xăng nơi góc phố, là ly cà-phê buổi sớm, là điếu thuốc đầu ngaỳ, nó mang theo những hoài niệm, nỗi nhớ quê nhà, nó mộc-mạc hiền lành như ruộng luá, bờ tre” (NGHIÊN LONG- TRỌNG NGHĨA)
       “Thơ Nguyễn Hàn Chung thấy vần điệu gần gũi mà ý tứ thăm thẳm, lắt léo…Đọc cách này lóe ra hiểu cách khác nhưng dù đi bằng cách nào đi nữa thì con đường đến thơ ông cũng độc đạo. Đó là con đường đầy cảm thông và yêu thương…” (DƯƠNG DIÊN HỒNG)
      “Đọc thơ Nguyễn Hàn Chung đã thấy anh ở một nơi rất xa những tự sự buồn vui yêu thương tâm cảm như lời nói ra …chỉ có thơ là còn lại…” (HUỲNH LÊ NHẬT TẤN)
“Tôi khám phá trong anh khát vọng yêu thương mãnh liệt, yêu thương thân phận con người phải quay cuồng giữa cõi nhân sinh hỗn loạn, yêu đến độ đụng vào đâu cũng bục ra cả khối xót xa, trăn trở, ray rứt…” (NGÔ THỊ MỸ LỆ)
       “Nhịp thơ hổn hển gấp gáp mà mộng mị đìu hiu. Thi ý vướng mắc trong hư huyễn đời người, nên dễ gì mà không đau. Điệp từ ngữ - cú pháp, cách ngắt câu xuống dòng bất thường lại là ưu điểm hay gặp trong tập thơ. Kệ đi! Miễn nhà thơ nỗ lực làm mới thi pháp, cách tân thể điệu để tránh sa vào lối mòn là đã hết lòng với nghiệp thơ, với bản sắc văn hóa Việt.” (NGUYỄN THOẠI VY)
       “Nguyễn Hàn Chung, một ngòi bút tài hoa đã khắc họa một cung bậc tình cảm tinh tế trong thiên hình vạn trạng yêu-nhớ-hận-quên của cõi đời này.” (TRẦN HẠ VY)
(ngưng trích)

Tiểu sử sơ lược của Nguyễn Hàn Chung nơi bìa sau, viết như sau.
Các bút hiệu khác: Nguyễn Phong Hàn, Nguyễn Đức Mù Sương. Sinh quán Điện Bàn, Quảng Nam. Định cư ở Hoa Kỳ từ 2006. Các tác phẩm thơ đã xuất bản: Tìm Tôi Trong Bóng (1999), Nói Hộ Phù Du (2002), Nghịch Lưu Của Tuổi (2011), Dự Cảm Rời (2016), Lục Bát Tản Thần (2018). Mót Chữ Trong Kinh(2019). 
Thơ in chung: 40 năm thơ hải ngoại (2017), Hư Ảo Tôi (2018), 43 Năm Văn Học VN Hải Ngoại (2018), Tác Giả Việt Nam (2018), Thơ Việt Đầu Thế Kỷ 21 (2018), Soi Bóng Cội Nguồn (2019).
Đã cộng tác với  hầu hết các báo và tạp chí trong và ngoài nước.
Độc giả có thể tìm mua thi tập “Mót chữ trong thơ” bằng cách vào lulu.com và gõ chữ “mot chu trong tho”…