Saturday, August 31, 2013

TRUYỆN NGẮN Ý NHI


Q. trở lại 



                                                Thiếu nữ. Tranh Nguyễn Trung

    Chị đọc bức thư của Q thêm một lần nữa rồi gấp lại, lấy kính chặn lên.
    Chị nhận ra đây là chiếc kính dùng để làm bếp. Chị có năm chiếc kính. Chiếc để đọc sách có gọng nhựa trong veo, chiếc để xem ti vi có gọng giả đồi mồi, chiếc để đi đường có gọng đen, chiếc ở đầu giường là gọng kim loại nhẹ, chiếc làm bếp có gọng màu nâu.
    Thực ra, các chiếc kính có độ viễn xêm xêm nhau, có thể dùng lẫn lộn được nhưng chị muốn trong nhà mọi sự thật ngăn nắp, không sai lệch, không nhầm lẫn.
     Chị cũng có cả một lô bút đủ màu sắc, đủ kích cỡ, đủ độ đậm nhạt để dùng cho những việc khác nhau. Cái thì để viết bài, cái thì để đánh dấu, cái để ghi chú, cái thì để tẩy xóa…
     Chị không bằng lòng khi các con để sách vở không đúng chỗ, khi chúng vừa học bài vừa ăn kẹo, khi chúng dùng từ ngữ thiếu chính xác hoặc mặc quần áo xộc xệch, quàng khăn đỏ không ngay ngắn.
     Chị bực mình khi Lữ dùng nhầm các loại bút trong chiếc lọ đựng bút lớn trên bàn làm việc của anh. Chị trách cứ khi anh đi nhầm dép trong nhà ra sân hoặc dép từ nhà tắm ra phòng khách.
     Những lúc như vậy Lữ chỉ cười xòa, vỗ nhẹ vào vai vợ, xin lỗi bà chủ.
     Có lần, khi thu dọn giấy tờ trên bàn làm việc của chồng, chị làm mất một bài viết mới, Lữ cũng chỉ bảo không sao, anh còn lưu đề cương chi tiết.
     Lữ chấp nhận thứ trật tự do vợ đặt ra một cách nhẹ nhàng. Anh mặc quần áo của vợ mua, ăn cơm vợ nấu, đi làm đúng giờ, về đúng giờ, không nhìn ngang liếc dọc, không chơi bời bù khú.
     Có một bà cùng viện, không rõ vì cớ gì, chiều nọ bỗng chặn chị lại giữa đường, giọng châm chọc, này, bà phải phổ biến cho chị em chúng tôi kế dạy chồng với chứ, hay là bà viết thành sách, có khi thành tuyệt tác, thành bestseller chứ chả chơi.
     Chị không đáp, cũng không trách giận. Chị nghĩ, bà ta ghen tỵ với hạnh phúc của gia đình chị.
     Vậy mà hôm nay, khi thấy vợ tay cầm chiếc kính nâu, vẻ mặt bần thần, anh lại nói, này em, nhà ở chứ đâu phải tiệm thuốc bắc. Chị đột nhiên nổi giận, nếu em không như vậy, cái nhà này đã thành… Nhưng chị kịp dừng lại, không thốt ra những lời nặng nề.
     Lữ đã định bước vào phòng làm việc (cái cách anh thường dùng để tránh cơn nóng giận của vợ), bỗng dừng lại, giọng từ tốn, sao em lại cứ tự làm khổ mình như vậy.
     Câu nói của chồng giống như một nhát dao đâm thẳng vào tâm can chị. Một cơn đau thắt lòng khiến chị lặng người.
     Chị mở rộng bức thư của Q đặt lên bàn rồi bỏ vào gian bếp.
     Đây là nơi chị yêu thích nhất. Dù ở căn phòng hai lăm mét vuông trong nhà của cha mẹ hay chuyển đến căn hộ hai phòng trong khu tập thể, hay trong căn nhà một trệt một lầu hiện nay, chị luôn tạo dựng cho mình một khu bếp gọn gàng, sạch sẽ. Chị thường nói, gian bếp là chỗ trú ngụ của chị, là vương quốc của chị.
     Chị vừa lau dọn gian bếp đã sạch bong vừa khóc tấm tức. Cái cảm giác mình đã hoài công vô ích cả cuộc đời khiến chị đau đớn, hờn tủi. Để mặc cho nước mắt giàn giụa, chị không còn muốn kìm giữ.
 
***

     Chị bắc ghế ngồi xuống trước chiếc tủ kính đựng đầy ly tách chén đĩa, thìa nĩa. Đó là bộ sưu tập bền bỉ của chị sau mấy chục năm có gia đình riêng. Những lúc rỗi rãi, chị vẫn ngồi như thế, ngắm nhìn từng món đồ, nhớ lại ngày tháng, nơi chốn, cung cách mua chúng.
     Những chiếc chén nhỏ màu trắng có đường viền đỏ tươi kia mua ở Alma Ata trong chuyến đi thực tập. Dịp đó, sau mấy ngày rét buốt ở Moscow, mọi người cảm thấy thật hạnh phúc khi gặp một Alma Ata tươi xanh, ấm áp. Những người dân Trung Á ấy thật nồng hậu, dễ chịu. Người chủ cửa hàng nhất quyết bắt chị phải nhận thêm một chiếc lọ gốm xinh xắn, gọi là quà cho người bạn Việt Nam.
      Những chiếc đĩa màu lam ngọc kia mua ở Napoli, khi cùng Lữ đi thăm một người bạn cũ. Bộ thìa nĩa bằng bạc do đứa cháu con bà chị ruột mua tặng nhân ngày sinh nhật. Bộ ấm chén nâu đen giả cổ thì mua ở Hàng Châu, trong chuyến đi trước khi nghỉ hưu.
     Đoàn hăm hai người mà có tới hai mươi phụ nữ. Có lẽ vì vậy mà ngoài các danh lam thắng cảnh, người ta thường đưa đoàn đến các điểm bán lụa là, gấm vóc, ngọc trai, cẩm thạch. Các bà các cô xúm xít mua bán, quên cả giờ giấc.
     Thấy chị tha thẩn ngoài sân xem hoa, ngắm cây, cô hướng dẫn viên hỏi, bà không thích sắm sửa sao. Đó là một cô gái nhanh nhẹn, tốt tính, có khuôn mặt tròn trịa, xinh xắn. Nghe chị muốn tìm một bộ ấm trà, cô liền đưa chị đến dãy phố nằm đâu lưng với cửa hàng tơ lụa. Chị không sao có thể chọn lựa nổi vì hàng hóa la liệt, đủ màu, đủ cỡ. Những người bán hàng thì luôn miệng chào mời, luôn tay đưa hàng. Lúng túng, chị chọn bừa một bộ gần chỗ mình đứng, may mà khi về nhà được Lữ khen đẹp và khi xếp cạnh những thứ khác, nó có một vẻ đẹp riêng…
    Góc bên phải của tủ kính là đĩa bát, ấm chén, thố việm… của Bát Tràng. Những lúc chồng tiếp khách nước ngoài, chị thường dùng loại chén bát này. Chúng có nét duyên dáng riêng, mộc mạc mà không tầm thường.
    Nơi góc xa của tủ kính có một chiếc lọ pha lê Bohemien trong vắt, giữa thân lọ có một đường viền màu xanh biển mềm mại như chiếc thắt lưng bằng lụa mỏng. Nó nằm đó, xa lạ, bí ẩn, đầy ma lực, như một hiện vật trong bảo tàng.
    Đó là quà cưới của Q.

***

     Lữ, Q và chị cùng học một chuyên ngành tại trường đại học.
     Không hiểu vì nguyên cớ nào mà ngay từ ngày đầu nhập học, chị và Q đã thân thiết với nhau. Q cao ráo, trắng trẻo, dạn dĩ. Chị gầy nhỏ, khiêm nhượng, ít lời. Có lẽ, họ được mọi người chú ý bởi vẻ ngoài trái ngược đó.
     Hồi ấy, bọn con trai trong khoa lập nên một thuyết gọi là “thuyết điểm ngời sáng”. Thuyết này cho rằng, mọi phụ nữ đều có một điểm nào đó đặc biệt, đáng để yêu. Người thì đôi mắt sáng, người thì má lúm đồng tiền, người thì có răng khểnh, người có dáng thanh mảnh, người thì tròn trịa mũm mĩm như búp bê, người lại có giọng nói nhỏ nhẹ, người có tiếng hát, người có nụ cười…
     Họ cho rằng mái tóc dài là ưu điểm của chị. Riêng với Q, bọn con trai khá lúng túng bởi cô quá hoàn hảo. Để bảo vệ cho lý thuyết của mình, họ bảo, Q là tổng hòa của các điểm ngời sáng.
    Nhóm của họ được bạn bè gọi là nhóm Nhị cô nương. Vì Q mà nhóm này luôn được để ý, dòm dỏ, nhất là khi nhóm có thêm thành viên mới và được đổi tên thành nhóm Nhị cô nương +1. Người thứ ba là Lữ, học trên họ một năm.
    Lữ học giỏi, luôn xuất sắc trong các kỳ thi. Các báo cáo của anh tại các hội thảo khoa học được chú ý bởi sự chính xác của cứ liệu, bởi cách lập luận chặt chẽ và những phát kiến sắc sảo. Các thầy cô dường như đã chuẩn bị cho anh công việc ở trường đại học hoặc ở viện nghiên cứu. Dù vậy, việc Q yêu Lữ lại khiến cho nhiều người ngạc nhiên. Dường như giữa người phụ nữ xinh đẹp, rạng rỡ và nhà khoa học tương lai không có mối tương đồng nào. Người ta cho rằng Q chỉ yêu ánh hào quang được tạo ra bởi những thành tựu khoa học của Lữ, rằng cô thích những tràng pháo tay tán thưởng của đám đông, rằng Q muốn chơi trội, muốn khoác tay một nhân vật xuất chúng.
    Khi nghe thấy những bình luận nhiều ác ý đó, chị chỉ bảo, các bạn không thấy họ là một cặp trời định đó sao. Chị tự hào vì họ. Nhưng lại cảm thấy chạnh lòng khi ở bên họ, cảm thấy mình dư thừa khi ở bên họ. Chị muốn rời khỏi nhóm.
    Nhưng chị chưa nói hết câu Q đã giãy nảy, không được. Không có cậu, ai bênh tớ khi tớ bị Lữ bắt nạt, ai dỗ dành tớ khi bị hắt hủi, ai chăm nom tớ khi bị phụ rẫy. Định mệnh đã ràng buộc bọn ta rồi. Cậu không đi đâu cả, ngay cả khi bọn tớ nên vợ nên chồng.
    Vậy mà, đúng vào lúc sắp làm lễ hỏi, Q bỗng phải lòng một chàng kỹ sư người Pháp đến Việt Nam nghiên cứu về rừng nhiệt đới. Q bỏ mặc Lữ và chị, bỏ mặc tất cả mọi việc để lo cho chuyến đi của mình.
    Trước lúc lên máy bay vài giờ, Q tìm gặp chị.
    Bữa đó Q mặc chiếc váy màu xanh da trời in những chấm trắng rất đẹp. Chưa khi nào chị thấy bạn rạng rỡ đến vậy. Q bảo, mình gửi Lữ cho cậu. Mình không dám gặp anh ấy. Có lẽ mình đã nhầm lẫn ở đâu đó, một nhầm lẫn tai hại. Pierre mới là mối tình thực sự của mình.
    Nhưng chị không có cơ hội chăm nom, thăm hỏi Lữ, vì anh đã biến mất khỏi thành phố.

***

    Hai năm sau, chị gặp lại Lữ trong một hội nghị khoa học.
    Anh không thay đổi nhiều. Chị chạy ào về phía anh nhưng rồi bỗng dừng lại khi chỉ còn cách anh vài bước chân. Lữ bước tới, đặt nhẹ hai tay lên vai chị, xem nào, xem bạn cố tri thế nào rồi. Anh cười lớn, vẫn là tiếng cười sảng khoái của ngày nào nhưng chị nhìn thấy mắt Lữ không cười.
    Ít lâu sau, Lữ đến thăm chị tại căn nhà của cha mẹ chị ở ngoại ô.
    Ngày trước, lúc rỗi, ba người thường về nơi này. Mẹ chị nấu cho bọn họ những món ăn họ yêu thích như bún ốc, bún chả, canh riêu cá chép, chân giò giả cầy… Chị và Q giúp mẹ, Lữ ngồi uống trà, đánh cờ hoặc trò chuyện với cha. Cha chị khen Lữ là người trí lự, đàng hoàng.
    Giờ đây, trong câu chuyện, họ tránh nhắc đến những kỷ niệm cũ, tránh nhắc tên Q. Nhưng Q vẫn ở đâu đó, giữa họ. Những câu nói bỏ dở, những ánh nhìn dò hỏi, những nụ cười e dè khiến họ cảm thấy không thực sự yên ổn. Vì lẽ đó, cả cha mẹ và chị đều có phần bất ngờ khi Lữ xin cưới chị.
    Lúc chỉ còn lại hai người trong phòng khách, lần đầu tiên chị thừa nhận với Lữ, chị đã yêu anh từ rất lâu rồi. Chị cũng nói với anh, chị muốn một đám cưới đơn giản. Lữ thuận theo ý vợ, không một lời bàn thêm.
    Chính chị cũng không ý thức được, chị vừa làm phép thử đầu tiên cho cuộc sống chung của họ. Ngay từ những ngày đầu, chị đã lập nên một trật tự nghiêm ngặt cho cuộc sống gia đình. Nó giống như một thành lũy vô hình che chắn cho họ. Và Lữ chấp nhận sống trong thành lũy ấy.
    Thấu hiểu nguyên cớ sâu xa của thứ trật tự đó, anh gần như không bao giờ đặt câu hỏi tại sao, bởi anh biết, anh sẽ nhận được câu trả lời tại sao không của vợ.
    Về phần mình, bằng lòng với những gì mình đã tạo dựng, với các thành tích khoa học của chồng, với sự giỏi giang của các con, chị đã không còn bị ám ảnh bởi Q.

***

    Vậy rồi khi con cái ra riêng, nhất là khi chị nghỉ hưu, khi chị nghĩ đã xong mọi việc, hình bóng Q lại lờ mờ xuất hiện.
    Rồi hình bóng đó ngày một lớn dần lên, đậm nét hơn theo ngày tháng, y như có ai đó cố tình tô vẽ, nhấn nhá vậy.
    Có lần chị nằm mơ thấy Q. Cô xinh đẹp, tươi tỉnh trong chiếc váy màu xanh nhạt với những chấm trắng nho nhỏ, đưa tay vẫy chị rồi cười vang khi rời xa. Lúc thức dậy, chị nhớ lại tiếng cười và cảm thấy nó có chút gì đó như nhạo báng, như thách thức.
   Rồi ngày càng có nhiều những đêm mất ngủ. Trong những đêm đó, tự nhiên những điều chị từng bỏ qua, từng coi là bình thường, là không đáng quan tâm, bỗng trở lại với một sắc thái hoàn toàn khác.
    Đó là một tối nào đó, Lữ trầm ngâm trước ti vi khi xem chương trình du lịch giới thiệu thành phố Q đang sống. Đó là cách anh đặt tên cho đứa con gái đầu lòng: Q.Thư. Đó là những chiều muộn, anh đứng bên cửa sổ, nhìn tận đâu đó, qua khỏi những vòm cây, những mái nhà lô nhô cao thấp. Đó là, thỉnh thoảng, anh cất lời, hát vài câu của Trịnh Công Sơn: Tình ngỡ đã quên đi như lòng cố lạnh lùng/Người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang/Tình ngỡ đã phôi pha nhưng tình vẫn còn đầy/người ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây… Em phụ tôi một thời bé dại/Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi/Hai mươi năm xin trả nợ dài/Trả nợ một đời em đã phụ tôi…
   Thậm chí, câu nói đầy ác ý của người phụ nữ cùng viện ngày trước cũng trở lại. Chị nghe rõ giọng nói sin sít đầy mai mỉa của bà ta, nhớ rõ khuôn mặt nhọn hoắt, đôi mắt ti hí nhìn như xoáy vào tâm can người khác của bà ta. Có thể, chính bà ta đã nhìn thấy sự gắng gỏi vô vọng của chị chăng.
    Chị cố bình tâm để phân tích, lý giải các cứ liệu, theo cái cách của một người làm khoa học vẫn làm. Để có thể có một kết luận, chị đã lược bỏ những tình tiết ngẫu nhiên, vô lý, những lập luận thiếu căn cứ để tự phản bác mình, để tránh những ngộ nhận, để thoát khỏi những ngờ vực…
    Trong một chừng mực nào đó, chị cũng đạt được điều mình mong muốn. Nhưng điều giày vò chị hơn cả, câu hỏi khó nhất cho chị, đó là việc, chị không bao giờ có thể hiểu được, mấy chục năm qua, cuộc sống yên ổn của họ thực chất là như thế nào. Chị có hạnh phúc không. Chị thực sự yêu anh hay tất cả chỉ là tính hiếu thắng, sự vị kỷ của một người đàn bà.
    Và nhất là, Lữ có hạnh phúc không. Anh yêu chị hay chỉ biết ơn chị. Anh chung sống với chị vì yêu thương chính chị hay vì muốn qua chị, tìm chút hình bóng của Q. Anh vô tâm hay đầy ý thức trong cách cư xử nhẹ nhàng với vợ, khi chấp nhận những ràng buộc do chị tạo ra.
   Loay hoay với những suy nghĩ, những đoán định của mình, chị không sao có thể sống thanh thản như ngày trước. Những lúc tĩnh tâm, chị thấy thương chồng, thấy anh chẳng làm gì nên tội nhưng chị không sao dừng những cơn cáu giận, bực bõ của mình.
    Vậy mà, kỳ lạ thay, Lữ càng ngày càng nhẹ nhàng, chu đáo với vợ. Anh mua quà bánh cho vợ, sắm giày dép quần áo mới cho vợ. Anh khệ nệ mang một thùng chén đĩa Minh Long mua ở Bình Dương về, trong một chuyến công tác ở miền Nam. Đó là những việc anh chưa hề làm trong mấy chục năm chung sống.
    Có lần, thấy chị đứng tựa cửa, vẻ không vui, anh đưa cho chị tờ báo giải trí, em xem này, một con chó nuốt tới mười bốn trái banh nỉ mà không hề hấn gì, vẫn chạy nhảy, ăn uống tưng bừng. Chị không nhìn tờ báo, đáp hờ hững, thế à.
    Anh vẫn tiếp tục, một con khác còn nuốt một cái dao gọt trái cây dài bằng một phần tư cơ thể nó kia. Rồi anh cười lớn, thế cũng chưa ăn thua, con phốc nhỏ xíu này còn chén hết sạch một lọ tương ớt nửa ký lô, chủ nhà quên không đậy nắp. Có lẽ nó nghĩ đó là một loại mứt hoa quả đặc biệt chăng.
    Bị lôi cuốn vào câu chuyện, chị bật cười. Anh vui vẻ bảo, phải vậy chứ, em phải cười thật nhiều vào. Các bác sĩ bảo, cười là phương thuốc hiệu nghiệm nhất đấy. Ở Ấn Độ có hẳn những câu lạc bộ cười. Người ta đến đó chỉ để cười thôi. Em cứ mở chương trình giải trí trên ti vi ra mà xem. Nhìn họ cười lăn lộn mình cũng không sao nhịn được.
    Rồi như để thực thi lý thuyết của mình, anh thường về nhà với một nụ cười cùng các món quà và hàng lô những câu chuyện để đùa vui. Khi anh đi vắng, chị ngồi nhớ lại mọi điều. Chị không thực sự hiểu những thay đổi ít nhiều này của chồng.
   Có thể, anh có niềm vui riêng trong công việc, trong các mối quan hệ nào đó. Mà cũng có thể, anh chỉ muốn chị được thanh thản, nhẹ nhõm.

   Rồi một ngày nọ, cũng với nụ cười và giọng nói nhẹ nhàng ấy, anh báo tin, Q làm việc tốt lắm. Rồi nói thêm, họ có điều kiện hơn mình, chí ít thì thời gian dành cho nghiên cứu khoa học của họ là rất lớn.
    Thấy chị im lặng, anh cười cười, anh vừa nhận được cuốn sách của nhóm Q gửi tặng. Rất bổ ích cho đề tài đang làm của anh. Chị nhận thấy chữ nhóm được anh cố ý nhấn mạnh. Lần đầu tiên, sau hơn ba mươi năm, anh đã thốt lên cái từ mà anh cố giữ kín trong lòng, chị nghĩ.
    Giữa tình cảnh như vậy, chị nhận được thư Q báo tin sẽ về nước.

***

    Chị không muốn nói với chồng tin của Q vì ngờ rằng anh đã biết trước cả mình nhưng cũng không thể im lặng.
    Chị chọn cách để mở bức thư trên bàn, nơi chắc chắn anh sẽ đọc.
    Có phần bối rối, không biết cuộc gặp gỡ sẽ ra sao, chị lo thu dọn nhà cửa, sắm thêm vài thứ vật dụng, thay bộ rèm cửa mới.
    Nhân lúc Lữ đi làm, chị chạy ra phố tìm mua vài món mỹ phẩm. Chị loay hoay khá lâu với các màu son. Cuối cùng, chị chọn màu cam đất, một màu trầm nhưng vẫn tươi tắn.
    Ở cửa hàng thời trang bên cạnh, chị ngắm nghía hồi lâu rồi quyết định mua chiếc áo màu đỏ sẫm đang khoác trên thân thể mảnh mai của một ma nơ canh tóc nâu.
    Trong lúc chị lúi húi với mấy thứ mỹ phẩm vừa mua được thì nghe thấy tiếng xe máy của chồng. Chị vội vàng lùa tất cả vào ngăn kéo. Luống cuống, chị làm rơi lọ nước hoa.
    Lữ bước vào, sững lại một chút nhưng không nói gì. Anh đứng, tựa vào bàn, tay đặt lên lưng ghế, nơi chị vắt chiếc áo đỏ mới mua, em có ra sân bay không.
    Chị hiểu câu hỏi của chồng theo nghĩa, anh sẽ đi đón Q một mình. Chị nhẹ nhàng lắc đầu, tránh một lời đáp buồn bã hay giận dữ. Chị biết, anh đã nhận ra mùi nước hoa, anh đã nhìn thấy chiếc áo đỏ. Và có thể, đã nhận ra, đã nhìn thấy nhiều điều khác nữa.
    Chị gập chiếc áo cất vào tủ, lau đi lau lại chỗ nước hoa trên sàn nhà, dẹp hết các loại son phấn, quyết định giữ mọi thứ trong trạng thái bình thường khi đón Q.
   Chị không muốn Lữ nhận ra sự lo âu, bối rối của mình.
    Chị thực sự bất ngờ khi Q đi thẳng từ sân bay về nhà chị. Nhìn vẻ tư lự của Lữ, chị biết đây là ý muốn của riêng Q.
    Q mặc một chiếc sơ mi trắng, một chiếc quần nhung nâu, tóc buộc gọn sau gáy, mặt không trang điểm, chạy ào tới bên chị, cậu chẳng khác gì cả. Hình như ở đây người ta trẻ lâu hơn những nơi khác.
   Q quay lại phía Lữ, cả anh cũng vậy, y như hình dung của em về anh. Mà tóc lại còn không thèm bạc nữa chứ.
   Lữ khoanh tay trước ngực, thủng thẳng, chí ít cũng có điều gì hay ho ở đây chứ, không thì làm sao mà sống. Mà này, hai cô sao thế, ngồi xuống đi chứ.
    Mãi đến lúc này chị mới nhận thấy Q và chị vẫn đứng ngay cửa ra vào. Chị kéo Q ngồi xuống mà không nói được lời nào. Q đã thay đổi quá nhiều. Khuôn mặt cân đối, rạng rỡ của Q bỗng như lệch lạc, mờ nhạt hẳn đi.
    Đó không phải là dấu hiệu của tuổi tác mà là dấu hiệu của thất vọng, của mệt mỏi, cam chịu. Một mối thương cảm chợt dâng lên khiến chị nghẹn ngào, dân dấn nước mắt. Chị thấy lòng nhẹ bẫng, không còn băn khoăn, lo lắng, hờn tủi, trách giận. Chị nắm lấy bàn tay gầy xanh của Q, mấy chục năm rồi nhỉ. Q cười, thực ra, mình có về mấy lần nhưng sợ bị mắng nên không dám gặp mọi người.
    Hồi cậu và Lữ cưới, mình ở đây nên mới biết mà gửi quà. Mà cậu có còn giữ không đấy. Mình cứ hình dung, cậu sẽ cắm những bông cúc trắng mà bọn ta vẫn thích vào đó. Chị đỏ mặt, nghĩ đến việc bao lâu nay mình đã gần như không chạm tay tới chiếc bình. Chị cười giả lả, còn, giữ cẩn thận, còn mới nguyên. Có Lữ làm chứng đấy.
    Nhưng Lữ đã đi từ lúc nào. Có lẽ anh vào phòng làm việc, nhường không gian lại cho hai người phụ nữ. Chị hỏi Q, kế hoạch của cậu thế nào. Q bảo, tớ có một tuần rảnh rỗi. Tớ đã đặt khách sạn ở gần đây. Bọn mình sẽ đi chơi, đi ăn quà, nói chuyện phiếm. Cậu có biết tớ thèm nhất món gì không. Chị đáp, đậu phụ mắm tôm. Q cười ngặt nghẽo, ôm choàng lấy chị, đúng là cậu thật rồi.
   Bọn mình sẽ ăn tất cả những gì ngày trước đã cùng ăn nhé. No nê rồi mới phải đón Pierre. Tuần sau, Pierre cùng với viện trưởng sẽ sang để làm việc. Có cả chương trình làm việc với viện của Lữ nữa. Thấy chị nhíu mày có ý hỏi, Q bảo, mình và Pierre đã chia tay. Chia tay nhưng vẫn là bạn, là đồng nghiệp. Tây mà. Lữ từ phòng bên nói vọng qua, cả ta cũng vậy.
   Chị nhận ra sự chua chát trong giọng nói của Lữ. Chị hiểu, anh đã chờ đợi sự trở về của Q, chờ đợi cuộc gặp gỡ lãng mạn giữa những người yêu cũ, chờ đợi sự tiếc nuối, nỗi ân hận, sự bịn rịn, và biết đâu, cả một lời hứa hẹn… Nhưng có vẻ như Q không hiểu hoặc không quan tâm đến điều đó. Với cô, Lữ chỉ là một người bạn cũ.
   Tự nhiên, chị thấy xót xa thương chồng. Chị gọi to, anh qua đây đi. Bọn mình kéo nhau lên hồ Tây ngắm cảnh chiều, ăn bánh tôm, ôn lại cái thời vui vẻ ngày trước nhé.
   Q reo lên, tuyệt.
   Lữ tư lự, cũng có lý.

***

    Hồ Tây vắng vẻ kỳ lạ.
    Con đường vốn nhộn nhịp người xe bỗng trống trải, im ắng như chỉ dành cho ba người bọn họ. Họ chọn một chỗ ngồi sát bên lan can của quán.
    Những con sóng đập ì oạp vào bờ kè, tạo nên những âm thanh đơn điệu, buồn bã.
    Lữ tì cả hai tay lên lan can, nhìn ra phía hồ, nơi có một con thuyền neo lại, khẽ dập dềnh theo sóng.
    Chị đã quen với Q, đã lại nhìn thấy những nét quen thuộc, thân thiết của người bạn gái. Q đang cúi xuống cuốn thực đơn để chọn món. Tóc trên đỉnh đầu Q đã thưa đi rất nhiều. Chị bảo, hôm nào đi, cậu phải mang theo vài cân bồ kết. Q bảo, không phải tại dầu gội, ở đó chỉ nghe người ta quảng cáo dầu gội cũng đủ phát khùng rồi. Vấn đề nằm ở chỗ khác. Nhận thấy vẻ phân vân trên mặt bạn, Q bảo, nói chung, các vấn đề của tớ không nằm ở những nguyên nhân trực tiếp.
    Lữ quay lại. Chị nhìn thấy một vết hằn sâu giữa hai chân mày của chồng. Cả những nếp nhăn bên khóe miệng. Khuôn mặt anh như vừa chợt già đi mấy tuổi vậy. Chị nói vội vàng, thôi nào, thôi nào, không chuyện nọ xọ chuyện kia nữa. Bọn ta kéo nhau lên đây là để ăn bánh tôm mà.
   Q lắc đầu như chợt tỉnh, phải rồi. Lần này bọn mình nhường cho Lữ “đi chợ” nhé. Q cầm cuốn thực đơn trên hai tay, xoay hẳn người về phía Lữ.
   Chị nhận thấy một thoáng bàng hoàng trong mắt chồng nhưng anh chỉ nói, giọng ôn tồn, xin hân hạnh phục vụ nhị cô nương.
   Bánh tôm bị nguội.
    Lữ chống khuỷu tay lên bàn, mấy ngón tay đan vào nhau, tì cằm vào hai ngón tay cái, ngao ngán, cứ như họ cho mình ăn bánh rán từ hôm qua vậy. Khoai thì ỉu, bột thì không dậy, rau sống thiếu vị, nước chấm lại chua.
    Q đang gắp một cọng rau thơm, dừng lại nhìn Lữ, thật sao. Em thì thấy thật tuyệt vời. Em có thể nấu tất cả các món Tây nhưng món ta thì hơi tệ. Hình như món của ta kỹ càng hơn, tinh tế hơn. Ở bên đó bây giờ có đủ các gia vị để nấu các món Việt Nam nhưng em thường thất bại.
    Lữ nghiêm giọng, có lẽ tại ruồi (*). Q cười giòn tan, khoe hai lúm đồng tiền giờ đã kéo dài như một vết nhăn trên đôi má gầy, dứ dứ đũa về phía Lữ, anh này, anh trở nên ác hiểm từ bao giờ vậy. Lữ không đáp.
    Chị định nói điều gì đó rồi lại thôi. Chị cảm thấy nuối tiếc như thể mình đã làm điều không phải nhưng đó là điều gì thì chị lại không thể biết.
   Ba người ngồi im lặng trong ánh sáng chập chờn của ngọn đèn vàng đong đưa nhè nhẹ giữa vòm lá xanh sẫm.

***

    Trời chuyển gió. Mặt hồ phủ mờ sương khói như rộng thêm ra, bờ bên kia trở nên xa tít tắp.
    Những con sóng mỗi lúc một mạnh hơn, dồn dập hơn, xô đẩy, chồm lên nhau đập vào kè đá, khiến cho cái quán nhỏ trở nên mong manh, yếu ớt, tưởng có thể bất thần bị bứt rời khỏi bờ đất.
    Nếu nó bỗng trôi lênh đênh ra ngoài xa kia thì mọi sự sẽ ra sao nhỉ, chị tự hỏi.
    Q ghé vào bên tai chị, thì thầm, bọn ta như đang sống ngoài một hoang đảo vậy.   

    Ý NHI 

   (*) Lấy ý trong một truyện ngắn của Azit Nesil: nhà văn nọ không thể viết được, bèn đổ thừa tại nhiều ruồi quá.

 

                               

No comments:

Post a Comment