Mùa
hè,
những
cánh diều tuổi thơ,
ve
sầu & cà rem
Nguyễn
Xuân Thiệp
Thời Nguyễn tôi còn nhỏ, ở xóm cây
bàng Vương Phủ ấy, thú vui trong mùa hè là do mình tự tìm ra -gồm thả diều, đá
banh trên cánh đồng làng Lại Thế, đi bắt dế, bắt ve, chơi trò chơi đá cỏ, đuổi
theo những sợi tơ trời bay lững thững trên cánh đồng, đêm trăng ngồi ăn bắp
rang nghe chuyện cổ tích, tắm sông và lội qua sông bẻ trộm bắp, đàn hát, đọc
Truyền Bá và Sách Hồng… Thời ấy không có TV, ciné thì chỉ thỉnh thoảng mới được
đi mà thường là đi cọp, nghĩa là bám đít người lớn hoặc là rình chờ hễ thằng soát
vé lơ đễnh là nhào vô (có lần Nguyễn tôi bị đá đít đuổi ra).
Vâng, thú vui mùa hè của lũ nhỏ ngày xưa chỉ
có bấy nhiêu, nhưng vui thiệt là vui. Sáng tinh mơ, chờ nắng lên, là bắt đầu
một ngày đầy ắp niềm vui. Chẳng thằng nhóc hoặc cô bé sún răng nào thèm bận tâm
tới việc đi học hè như bây giờ. Bây giờ thì khác. Các cô bé, cậu bé ngày nay có
đồ chơi đầy nhà, rồi nào cầu tuột, xích đu, games, chương trình TV, lại thường
xuyên được cha mẹ cho đi ăn kem, đi hồ bơi, sân bóng và vui đùa ở công viên hay
nghỉ hè ở bãi biển v.v… Có điều là các bé bây giờ bị bắt học nhiều quá. Mới
nghỉ hè chừng đâu một hai tuần
là phải đi học thêm.
Và giờ đây, mùa hè sắp vãn và mùa thu sắp
tới. Ngày sẽ nhạt nắng và mưa gió sấm chớp kéo tới chấm dứt những cơn vui mùa hè
của tuổi thơ.
Mùa hè sắp vãn, khiến Nguyễn tôi không dằn lòng
được phải nói thêm lần nữa về những thú vui của mùa hè. Tất nhiên, những thú
vui được nói đến ở đây là của tuổi thơ ngày trước, thời của Nguyễn và những vị
lớn tuổi đang đọc bài này. Trước hết là thả diều. Thả diều là điều thích thú vô
biên, nó đưa tuổi thơ vào thế giới của truyện thần tiên, lại còn gợi cảm hứng
về nghệ thuật và khoa học. Ở Việt Nam, và các nước trong vùng châu Á gió mùa,
thả diều là thú vui phổ biến trong mùa hè. Sang Mỹ, những năm đầu Nguyễn tôi không
thấy con diều giấy nào cả ở miền quê Oklahoma và ngay trên những cánh đồng cò mênh
mông của xứ Texas. Chỉ thỉnh thoảng bắt gặp nó trong những trang sách tuổi thơ,
và Nguyễn nghĩ rằng diều đã tuyệt tích trên xứ sở này. Nhưng không. khi cùng
gia đình đi chơi vùng biển Galveston, Destin, Nguyễn mới thấy vẫn còn những con
diều giấy và trẻ con Mỹ cũng rất thích chơi diều. Tuy nhiên, các ông bố Mỹ không
phải nhọc công ngồi vót tre, đắp giấy, xe dây như Nguyễn tôi thuở nào. Bây giờ,
ở Mỹ đơn giản lắm, chỉ cần vào một tiệm bán đồ chơi trẻ con là có ngay.
Cánh diều tuổi thơ, hay ước mơ thời bé dại,
bao giờ cũng đẹp. Thế giới tuổi thơ toàn những chuyện tốt lành. Công chúa bị
con chằng tinh bắt về giam trong hang, cuối cùng sẽ được Thạch Sanh đến cứu. Gã
tiều phu hiền từ, tốt bụng sẽ được ông Tiên hay ông Bụt giúp đỡ. Cô bé lọ lem
rồi sẽ gặp được hoàng tử của đời mình. Nghĩa là, trong trí tưởng trẻ thơ, ở
hiền sẽ gặp lành, những người hiền lương dù có gặp gian nan hoạn nạn, chung
cuộc đều được bình yên, sung sướng.
Như vậy đó, cánh diều của buổi ấu thời. Và
Trịnh Công Sơn cũng có một cái nhìn thật bao dung trong bài "Ra Đồng Giữa
Ngọ”. Ở đây, Nguyễn tôi chỉ xin dẫn lời của bạn ta Trần Hữu Thục (tức nhà văn
Trần Doãn Nho) trong “Tác Giả-Tác Phẩm-Và Sự Kiện”: "(Bài hát) Chỉ có ba hình
tượng: thằng bé, con diều giấy và yêu tinh. Bài hát giản dị lập đi lập lại như
một câu chuyện vui. Giữa trưa đứng bóng, một thằng nhỏ (là Tôi, là anh, là em,
là con người) mang diều ra thả giữa đồng. Trong khi bay cao, con diều bỗng gặp
một khuôn mặt yêu tinh. Thay vì tranh chấp, đấu đá, chúng cùng bay lên cao giữa
thinh không với nhau. Câu chuyện kết thúc đơn giản, rất đơn giản:
Thằng bé xinh xinh ra đồng giữa
ngọ
Ngờ đâu hội ngộ tan giữa hư không.
... tan trong cội nguồn
Vâng, tan giữa hư không. Cả thằng bé. Cả con
diều. Cả khuôn mặt yêu tinh. Cả em, Cả tôi. Cả Cõi thế. Tất nhiên, tất cả: tan
trong cội nguồn."
Thật là đẹp. Thật là lý tưởng. Không còn xấu
tốt, thiện ác nữa. Cánh diều tuổi thơ cũng như con yêu tinh. Tất cả, như chúng
ta và cõi thế gian này, rồi đều trở về thế giới nhất nguyên, nghĩa là trở về
cội nguồn. Lập ý như thế là cao siêu. Thế nhưng, đã có lúc Nguyễn tôi không
chia sẻ cách nhìn như vậy, nên đã nêu câu hỏi: Liệu trong cuộc đời này, con yêu
tinh có để yên cho cánh diều non nớt, hiền lành giỡn bay trong gió? Con sói già
có dung tha cô bé quàng khăn đỏ không? Biết bao ước mơ, mộng tưởng trong sáng
hồn nhiên đã tan vỡ, đã bị giết chết (như cô bé quàng khăn đỏ) nếu chúng ta không
làm gì để bảo vệ những ước mơ, những mộng tưởng ấy. Đâu có yên bình, hòa hợp như
bạn tôi Trần Hữu Thục nói: “Thay vì tranh chấp đấu đá, chúng cùng bay lên cao giữa
thinh không với nhau!” Nhưng thôi, hãy cứ tạm hiểu như thế này: Nhạc sĩ muốn xây
dựng một hình ảnh trong mơ, đem cái đẹp của mộng tưởng ra để đối chiếu với cái ác
trong lòng chế độ và ở giữa đời này. Bây giờ thì Nguyễn tôi đủ bao dung để không
làm vỡ mất hình ảnh lý tưởng trong bài nhạc và trong tâm trí trẻ thơ.
Tạm ngưng chuyện diều để nói chuyện ve. Có
một thời, lúc mới qua Mỹ, Nguyễn tôi cứ nghĩ là ở xứ này không có bông sen, bông
súng và con ve sầu. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau là Nguyễn được "sáng
mắt sáng lòng". Trước hết là về bông sen, bông súng. Bông sen thì được nhìn
thấy ở Orlando, Florida. Cả một hồ sen rộng của anh Trần Đệ, nhà báo. Bông súng
thì được nhìn thấy ngay tại Garland này trong một ao súng của vườn nhà người
ta. Nghe nói anh Lương Thư Trung đi đâu cũng trồng ao bông súng đẹp lắm, Nguyễn
tôi những ao ước tới đây về Houston chơi sẽ ghé thăm.* Thế còn ve sầu? Lần đầu
tiên Nguyễn tôi được nghe tiếng ve là ngay tại Dallas này, ngay sau tòa soạn báo
VN Weekly ngày trước. Lần khác tại vườn nhà trong rừng của Triều Hoa Đại ở
Jacksonville, FL.
Tiếng ve kêu mùa hè? Theo Nguyễn, không ở đâu
nhiều ve bằng ở Huế. Cũng không ở đâu ve kêu to và ngân vang như trong những
khu vườn nhãn, vườn chùa ở Huế. Như một dàn đại hợp xướng vậy đó, cứ nơi này
dứt tiếng là nơi kia trỗi lên. Có ông thi sĩ Trần Dạ Từ làm chứng đấy nhé, bởi
vì ông đã viết một kỷ niệm thời trẻ ở Huế như thế này: Lần đầu ta ghé môi hôn / Trăm con ve nhỏ hết hồn kêu vang… Hôn ai,
ở đâu, chỉ có trời và một người nữa biết thôi.
Vâng, nói về ve, thì Nguyễn cũng như các bạn
đều có nhiều kỷ niệm. Tuy thế, hiểu biết về ve, đặc biệt ve tại Mỹ, thì có ít
người. Sau đây là một đoạn văn tình cờ nhặt được trên lưới, xin gởi đến các bạn
thích ve (con ve thôi nhé) để thưởng thức:
"Là một trong những biểu tượng của mùa
hè cho dù là ở Việt Nam hay ở Mỹ. Tiếng ve ngân thường được dùng báo hiệu mùa hè
trong tuồng kịch câm của Nhật. Trong một cuốn tiểu thuyết xưa nhất của Nhật, vào
khoảng thế kỷ 11, gọi là The Tale of
Genji, nhân vật chính là một ông vua thường ngắm người cung phi yêu dấu của
mình trút bỏ tấm áo choàng lụa và so sánh với hình ảnh con ve trút bỏ cái vỏ
của nó. Ve cũng là đề tải của nhiều bài thơ haiku của Nhật., Trong truyện Tây
Du Ký của Trung Hoa, nhân vật Đường Tăng cũng được ví với hình ảnh con ve màu vàng,
theo đó bao nhiêu lần con ve lột xác là tượng trưng cho bay nhiêu lần Đường Tăng
thoát được những ý niện giả tướng để trở thành giác ngộ hoàn toàn.
Tiếng ve kêu vang rền phát ra từ đôi cánh
của các chú ve treo mình trên các thân cây kéo dài trong suốt mùa hè. Có trên
2,500 loại ve sầu trên thế giới. Các loại ve ở Mỹ có thể xếp thành 2 loại: loại
có tuổi thọ 13 năm và loại có tuổi thọ 17 năm. Mặc dù đời sống dài như vậy, từ
giai đoạn trứng được đẻ trong đất, qua giai đoạn ấu trùng rồi trưởng thành, chúng
chui ra khỏi hang và bay ra không khí, cất tiếng kêu vang, phối giống chỉ có 2
tuần lễ rồi chết. Mỗi một mùa hè như vậy trên thế giới có hàng tỉ con ve chết đi
để rồi năm sau một số khác lại ra đời.
Đấy, ve sầu là vì thế. Nó sầu vì thời gian
ca hát quá ngắn. Tội nghiệp là thế, vậy mà ông La Fontaine nỡ chê trách nó là lười
biếng, không biết “tích cốc phòng cơ” như con kiến.
này em có nghe tin
hằng hà sa số những con ve sầu
sau mười bảy năm ngủ vùi trong
lòng đấtsắp sửa chui lên
suốt một dọc từ georgia tới new york
và sẽ ca hát trong mùa hè này
cho tình yêu
của chúng ta
Đoạn thơ trên Nguyễn viết cho cô Camille khi
đọc bản tin của đài VOA cách đây hơn tháng: Ve sầu sau 17 năm vắng tiếng sắp
trở lại dọc duyên hải miền đông nước Mỹ. Vài tuần lễ trước khi xuất hiện, chúng
đào các “đường hầm” để thoát lên mặt đất. và sẽ bắt đầu say sưa ca hát và giao
phối vào lúc tái tục chu kỳ đời sống lạ lùng của chúng. Hàng tỷ con ve sầu đó,
với thân hình màu đen nổi bật, và cặp mắt đỏ hoe, những cái cánh có gân mầu da
cam, sẽ cất lên điệu sầu ca của chúng dọc theo khoảng 900 dặm bờ biển từ miền
bắc tiểu bang Georgia cho đến phía bắc tiểu bang New York. Tin khoa học cho
biết chỉ những chú ve đực biết ca hát đề rù quyến những o ve cái. Đời sống của
loài ve trên mặt đất này chỉ có 6 tới 8 tuần lễ thôi. Chúng sẽ chết sau khi đẻ
trứng gởi vào lòng đất, cỏ cây để chờ 17 năm sau tiếp nối giòng ve miên viễn.
Thông tin về loài ve định kỳ này (gọi là
periodical cicadas) trên Wikipedia, the free encyclopedia ghi nhận thêm như
sau: Loài ve magicicada là chủng loại ve ở miền Đông Nước Mỹ có chu kỳ từ 13
tới 17 năm để sinh trưởng. Suốt thời gian dài dằng dặc đó chúng cuộn mình nằm dưới
đất, sống bằng nhựa của rễ cây rừng. Sau 13-17 năm, con nhộng ve đã trưởng
thành tìm cách chui lên hàng đàn hàng lũ và tiếp nối đời ve làm những ca nhân
của mùa hè.
Có ít nhất 15 lứa ve như thế trên nước Mỹ,
một vài giống xuất hiện đúng định kỳ 17 năm, những chủng loại khác 13 năm. Hằng
năm, hết lứa này tới lứa khác, chúng xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau vào những
thời điểm khác nhau tại nửa phần phía Đông của Hoa Kỳ. Những giống khác xuất
hiện mỗi mùa hè. Texas và Oklahoma là hai tiểu bang xa nhất của miền Tây có dịp
nghe tiếng ve ca hát khi mùa hè hạ cánh.
Bây giờ xin được nói về cà rem. Cà rem có từ
lúc nào? Lẽ ra trước hết phải hỏi: Lần đầu tiên các bạn ăn cà rem là lúc nào?
Riêng Nguyễn tôi thì được ăn lần đầu ở Huế. Hồi đó nhà nghèo lắm, dễ gì có tiền
mua cà rem. Một hôm Nguyễn cùng mấy thằng cousins kéo nhau đi xem đua xe đạp
-xem cọp, cố nhiên- ở sân vận động lòng chảo gọi là stade. Cả bọn tụ họp tại nhà
ông chú gần đó và được Cu Thư kêu ông bán kem vào đãi cho ăn mỗi đứa một ly (cả
đại gia đình nhà Nguyễn, con trai đều có chữ Cu đứng đầu tên, do đó đôi khi
viết bài, Nguyễn tôi xưng là Cu). Trời, ăn vào mát cả ruột gan, thơm ơi là thơ,
sao mê thế! Còn em, hồi nhỏ mẹ cho được đồng nào là chạy ra đầu ngõ mua kem.
Kem đậu xanh, đậu đỏ, đôi khi chỉ có chút si rô và nước đá. Vậy mà sướng rem mé đìu hiu. Bây giờ lớn rồi,
thành bà rồi, có bao giờ em nhớ những cây kem đầu tiên trong đời? Riêng thầng
con trai của anh, chắc nó không thể nào quên được cây kem mà nó đã mút chung
với con bé Anh Đào hồi nhỏ ở Đà Lạt.
Và đây là chút "tư liệu" về người đầu
tiên chế ra cà rem cây, xin gởi đến em và các bạn "để tường": Theo
bản tác quyền đăng ký chính thức, cà rem cây (popsicle) được phát minh bởi một
em bé 11 tuổi tên là Frank Epperson. Lúc đó em gọi cây cà rem là Epsicle. Một
lần tình cờ em bỏ quên lon nước trái cây ở ngoài cổng nhà với một cái que để
khuấy nước ở trong lon. Vì trời lạnh, nước trái cây đông lại với cái que dính vào
đó. Khi lấy vào ăn em thấy ngon và thích lắm. Tới 18 năm sau, Epperson nộp đơn
xin tác quyền cho phát kiến này và gọi nó là Epsicle ice pop và trẻ con dần dần
kêu là Popsicle. Vào năm 1925, Frank Epperson bán bằng sáng chế lại cho Joe
Lowe Company of New York. Lúc đầu, Popsicle được làm với que bằng gỗ birch, sau
này được làm bằng nhiều vật liệu khác.
Tới đây, xin nói với mùa hè sắp đi qua: Sẽ
không bao giờ Nguyễn tôi quên những cánh diều, đàn ve sầu ở Huế và ly kem lạnh đầu
đời.
NXT
No comments:
Post a Comment