Monday, August 5, 2013

PHỎNG VẤN CỦA LƯƠNG THƯ TRUNG


Trò chuyện với nhà văn Hoàng ThỊ Bích Ti,
tác giả truyện dài “khi loài sâu biết khóc” và “biển lụa”  


                    
                               Nhà văn Hoàng Thị Bích Ti (phải) và Thu Thuyền trong buổi 
                                                    ra mắt sách của Phan Xuân Sinh
 
Lương Thư Trung (LTT):
Mến chào nhà văn Hoàng Thị Bích Ti,
Hôm thứ Bảy tuần rồi, 20-7-2013, gặp lại chị nhân dịp chị về dự buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật giới thiệu tác phẩm "Tát Cạn Đời Sông" của nhà thơ Phan Xuân Sinh, sau năm sáu năm chị chưa về Houston lần nào. Cảm tưởng của chị thế nào về Houston, về buổi giới thiệu tác phẩm của nhà thơ Phan Xuân Sinh vừa rồi, chị Bích Ti?

Hoàng Thị Bích -Ti (HTBT):
Thưa,
B.Ti xin chào anh Lương Thư Trung. Dạ vâng, cũng khá lâu rồi B.Ti mới trở lại Houston. Nhưng thật ra, B.Ti có rời khỏi Houston bao giờ đâu mà trở lại...bởi vì Houston có những bằng hữu và độc giả rất chân thành, rất đáng quý. Và dù ở bất cứ nơi đâu, B.T lúc nào cung vẫn nhớ Houston.
B.Ti rất cám ơn "Tát cạn đời sông" của PXS vì một lần nữa, những câu thơ lại là những nhịp cầu để cho bằng hữu được gặp nhau và cho tất cả văn nghệ sĩ dù không có mặt cũng đến gần với độc giả hơn. Riêng cái tên Phan Xuân Sinh thi đã khá quen thuộc trên văn đàn và với các độc giả khắp nơi rồi, nên B.Ti có nói gì về "Tát Cạn Đời Sông" thì sẽ rơi vào tình trạng...lặp lại mất.
 B.Ti đã có nhũng ngày rất vui, khi gặp lại được người nghệ sĩ tài hoa Ngu Yên và tiếng hát liêu trai Ngọc Phụng, anh chị Phan Xuân Sinh, anh chị Hai Trầu, nhà thơ-chủ bút Phố Văn, Nguyễn Xuân Thiệp, nhà thơ Đức Phổ, nhà thơ Tô Thùy Yên và chị Bích, nhà văn Thu Thuyền & phu quân, nhà văn Phạm Văn Nhàn- Thư Quán Bản Thảo và vui nhất là gặp lại chị Hàn Song Tường-nhà văn, chủ bút tạp chí Gió Văn cùng anh Đặng Phùng Quân, và những bằng hữu thân yêu khác nữa.

 LTT:
Chị Hoàng Thị Bích-Ti,
Đúng như chị nói :"B.Ti rất cám ơn "Tát cạn đời sông" của PXS vì một lần nữa, những câu thơ lại là những nhịp cầu để cho bằng hữu được gặp nhau và cho tất cả văn nghệ sĩ dù không có mặt cũng đến gần với độc giả hơn"; anh Phan Xuân Sinh là một nhịp  cầu văn nghệ, ở đâu có anh ấy là ở đó có những buổi gặp gỡ rất ấm tình. Chị có còn nhớ hồi anh ấy còn ở trên Boston mà những lần chị đã về đó không?
Giờ xin trở lại một chút về công việc sáng tác của chị. Dường như cũng khá lâu, người đọc ít được đọc các sáng tác mới của chị, đặc biệt kể từ sau loạt bài ký sự chị viết về một chuyến hành hương vùng Phật tích tuốt bên Ấn Độ? Chị có thể chia sẻ một chút về những ngày tháng "ẩn dật" này không?

HTBT:
Thưa,
B.Ti không cố tình... "ẩn dật" gì đâu anh. Ngoài thời gian đi làm,đi học, làm video kinh, nghiên cứu kinh điển, ngồi thiền, mỗi ngày lạy phật, lạy cha mẹ, lạy chúng sinh, B.ti thật sự không còn thời gian để vui chơi nữa.
Sau khi viết xong Biển Lụa vào cuối năm 2005, B.Ti quyết định dành thì giờ để nghiên cứu, học hỏi thêm kinh điển. Say mê đến nỗi, có khi đọc một pho kinh từ lúc ngủ dậy cho đến gần sáng hôm sau, không ăn uống gì cả mà vẫn không thấy đói khát, mệt mỏi. Năm 2011, B.Ti có đi Nepal, Dramasala, Ấn Độ. Chuyen đi 24 ngày, qua những nơi mà đức Phật đã từng đi qua. Đoàn đi gồm 99 người, nhóm của B.Ti, hơn phân nữa đều bị bệnh nặng khi về đến Mỹ. Riêng B.Ti thì phải nghỉ làm thêm một tháng nữa vì bị viêm phổi, bác sĩ nói, nếu trễ thêm một ngày là bị viêm thận luôn.
Chuyến đi gần đây nhất là chuyến về V.N. Ngoài công tác từ thiện và uống cà-phê vỉa hè ra, B.Ti còn gặp được những thiện tri thức và các vị cao tăng như đại lão hòa thượng, Thích Trí Tịnh, v..v.. Và lần đầu tiên đến đảnh lễ, B.Ti có cái duyên được qui y với Ngài.



                                 Nhà văn HT Bích Ti vời các chú tiểu ở VN, tháng 7 2013

LTT:
Chị Hoàng thị Bích Ti,
Với cái tâm hướng về những điều thiện như chị vừa kể, tôi mới hiểu được phần nào khi chị xây dựng các nhân vật của mình trong hai truyện dài "Khi Loài Sâu Biết Khóc"(KLSBK) và "Biển Lụa" (BL) qua những mảnh đời đầy bất trắc. Có lần chị viết:"Khi loài sâu biết khóc là khi đau khổ của con người đã trở thành vô biên, vô vị. Thượng Đế ở trên cao làm sao nghe được tiếng kêu của chúng nó phải không Ngâu? Tiếng kêu thấp lắm,... nhỏ nhoi lắm Ngâu ơi! Cúi xuống. Cúi xuống đi! Cúi xuống! Ngâu sẽ nghe được tiếng khóc của nó! Cúi xuống, Ngâu sẽ nghe được cả tiếng khóc câm lặng của chính mình"(KLSBT, trang 146).
Chị có thể nói rõ thêm về Ngâu, về vài nhân vật khác của mình trong KLSBK không? Và chị bắt đầu viết tập truyện dài "KLSBK" trong bối cảnh nào, chị Bích Ti?

HTBT:
Thưa,
Câu chuyện được dựng lên trong bối cánh ở vào giai đoạn khi người tị nạn vừa mới hội nhập vào nền văn hóa mới, với hành trang là những nỗi đau ngút ngàn của sự mất mát, chia lìa. Sau chiến tranh, những mảnh đời thất lạc đó đã sống và rơi vào những tinh huống xót xa như Đính, như Lâm đã trải qua..
Nhân vật chính của "Khi loài sâu biết khóc", Ngâu, là một người con gái thánh thiện nhưng lớn lên trong cuộc tình nghiệt ngã của cha mẹ và của chính mình. Ngâu can đảm sống chết và chung thủy với cuộc tình của mình, dù cô phải chịu nhiều sự thiệt thòi trong khi người cô yêu thì ngược lại. Và cuối cùng Ngâu chết đi, khi còn quá trẻ và quá nhiều tình yêu dành cho một người đàn ông không biết nhận.
Giữa hai người đàn bà, Huệ và Ngâu cùng sống chết vì hai người đàn ông thì cái tình yêu của Huệ lớn hơn, sâu thẳm hơn, đáng trân trọng hơn bởi vì nó vượt qua khỏi mớ tình cảm bình thường của một người nam và một người nữ. Tình yêu của Huệ, một người đàn bà thất học, yêu Lâm, bằng một tình yêu của một con người với một con người....
"Khi loài sâu biết khóc" là một đúc kết của những câu chuyện có thật ngoài đời. Ngay cả con sâu nhỏ, cũng là nhân vật có thật....Mỗi người trong chúng ta, từ sáng đến chiều, lúc nào cũng chạy đi tìm hạnh phúc của riêng mình, có khi lại quay quắt vì một cái mất mát rất nhỏ nào đó trong đời sống hàng ngày. Có mấy ai có một phút bình tâm để cúi xuống, cúi xuống..., nhìn quanh mình,.. nhìn con sâu nhỏ, và tự hỏi: " Những loài sâu nhỏ nhoi này có bao giờ chảy nước mắt?" …

LTT:
Còn “Biển Lụa” thì sao chị? Có phải đó cũng là những chuyện thực pha chút hư cấu? Và nếu có hư cấu, thì phần hư cấu có nhiều lắm không chị Bích Ti? Chị có thể chia sẻ thêm một chút trường hợp nào “Biển Lụa” ra đời?

HTBT:
Thưa,
'Biển Lụa" được dàn dựng bằng rất nhiều tài liệu, cho nên phần hư cấu rất ít. Một số tài liệu này có đăng kèm theo tác phẩm, thưa anh.
Trong quá trình tìm kiếm tài liệu về tệ nạn đĩ điếm cho một bài viết khác thì computer của B.Ti bị mấy cookies cứ bám sát theo hoài. Trong một thời gian dài, cả ngày, những porno- websites cứ hiện lên đủ thứ hình ảnh, kinh khiếp của những người con gái nhỏ bé Á Đông bên cạnh những người đàn ông ngoại quốc hung dữ... B.Ti đã bị những cặp mắt đau đớn, kinh hoàng của những người con gái đó ám ảnh và B.T đã ngồi xuống viết Biển Lụa trong tình huống đó. Viết như lên đồng. Ý tưởng cứ trào dâng liên tục, không ngừng nghĩ.
B.T đã bất chấp tất cả, chỉ biết viết...và muốn viết một lần cho xong...Khoảng thời gian đó, B.Ti cũng đang mang bệnh trong người, bệnh rất nặng, mất rất nhiều máu....(Cười). Cho nên, Biển Lụa còn có rất nhiều máu của B.Ti trong đó nữa, thưa anh...

LTT:
Chị Hoàng Thị Bích Ti,
Theo nhà văn Nguyễn Hiến Lê, những đức cần thiết mà người viết văn cần tới là "đức sáng sủa, đức tinh xác, đức gọn, hoa mỹ nhưng tự nhiên, đức thành thật và phép miêu tả, đức đặc sắc, đối thoại, đức biến hóa... vân vân…". Dường như qua hai tập truyện dài của chị mà tôi vừa nêu chị đều đạt phần nào những đức cần thiết ấy, nhất là "Biển Lụa" , thuật miêu tả trong cách tả chân của chị làm cho người đọc nhìn thấy được những cảnh tượng đang bày ra trước mắt một cách sống động mà không tục, rất biến hóa   văn chương . Vậy chị viết văn từ khi nào chị Hoàng Thị Bích Ti? Trước "KLSBK" và "BL", chị có tập truyện nào khác không? Văn cách đó là do chị tự tạo lấy cho mình hay chị có chịu ảnh hưởng của nhà văn nào mà chị đã đọc và yêu thích họ không?

HTBT:
Thưa,
B.Ti rất cảm ơn những nhận xét của anh Lương Thư Trung. Thật ra thì ngay chính B.Ti cũng không biết mình chịu ảnh hưởng của nhà văn, nhà thơ nào nữa. Bởi vi, B.Ti lớn lên trong một gia đình rất nghiêm khắc. Từ thuở nhỏ, đã bị cấm đọc truyện, nhất là truyện Quỳnh Dao. Mỗi đêm, vì ngủ gần cái tủ sách của Ba cho nên B.Ti chỉ lén đọc được những cuốn gần mình nhất, như là những cuốn Hán Việt Tự Điển, Phật Học Tự Điển , Đoạn Trường Tân Thanh, Chinh Phụ Ngâm, Tam Quốc Chí, Hán Sở Tranh Húng v..v.. B.Ti rất thích những điển tích trong tự điển, và truyện Kiều, đối với B.Ti mỗi điển tích là một truyện ngắn đầy súc tích… Trong tự điển lại có những câu thơ Đường nữa. Lớn lên một chút, trong khi các bạn cùng lứa đọc Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc và Duyên Anh thì B.Ti vẫn tiếp tục...đọc tự điển. Mãi đến khi lên lớp đệ ngũ, hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên B.Ti đọc ở thư viện trường là cuốn: Đỉnh Gió Hú và Vô Gia Đình.
B.Ti bắt đầu viết vào năm 1995 khi làm tờ báo Sóng Văn với ông anh lớn nhất của B.Ti là anh Nguyễn Sao Mai. Anh Sao Mai thì đã cộng tác với nhiều tờ báo ở Sàigòn dưới nhiều bút hiệu khác nhau, trong khi B.Ti thi chưa. Vì nhu cầu bài vở cho tờ báo nên B.Ti cũng viết rất nhiều, có số phải viết cả ba cái truyện ngắn dưới nhiều bút hiệu. Một năm sau,(1996) thì nhà xuất bản Văn Mới, California-USA cho ra mắt tập truyện đầu tay "Người đàn bà sau tấm quảng cáo" của B.Ti dưới bút hiệu Hoàng Thị Bich Ti. Và cuốn tiếp theo đó là tuyển tập "Yellow MaMa". 

LTT:
Chị Hoàng thị Bích Ti,
Còn "Tay Vin Nhành Quít" (truyện) và "Nhà Văn, Những Con Người Yếu Đuối" (tùy bút) chị có định cho hai đứa con này chào đời không?
Nhớ có lần tôi có thưa với nhà văn Hoàng Chính, đại ý "nhà văn là những người ngoài việc viết về mình, họ còn viết về người khác nữa; viết về mình mới chỉ là viết thôi chứ chưa thực sự là nhà văn". Chị nghĩ sao về ý nghĩ vừa rồi, chị Bích Ti?

HTBT:
Thưa,
B.Ti rất tâm đắc với nhận xét đó…Theo B.Ti thì đó là một nhận xét chính xác..Bởi vì, tại sao lại tự hạn chế mình trong khi nhà văn có thể vươn ngòi bút tới những ngõ ngách khác của các tầng lớp xã hội và với tất cả đề tài. Một người viết có thể cạn kiệt đề tài nhưng một nhà văn không thể cạn đề tài được bởi vì nhà văn viết bằng sự rung cảm. Một mùa hè đang dẫy chết. Một dòng sông lặng lờ. Một ánh mắt. Một chuỗi cười. Tất cả những cái đó đều là những đề tài để cho nhà văn phân tích và lý giải bằng những con chữ...Viết văn là một nghệ thuật, một cống hiến cao quý và sức mạnh của ngòi viết thì thiên hình vạn trạng…
Hiện giờ thì B.Ti vẫn còn những truyện ngắn chưa in, như là "Tay Vin Nhành Quýt" nhưng không còn muốn in nữa. Thứ nhất, những gì B.Ti muốn nói trong luc nay, thì đã nói hết rồi. Thứ hai, bởi vì, khi đưa một bài viết cho một bao nào đăng lên thì tác phẩm đó đã nhanh chóng được chuyền trên mạng, và bỗng nhiên nó không còn thuộc về mình nữa. Tác phẩm của mình được phát hành rộng rãi, khỏi cần in, và nhiều khi họ cũng không buồn để  đúng tên mình, như loạt bài Kim Vân Kiều Tân Truyện của Hoàng thi Bich Ti nhưng một số trang web lại đề tên khác chẳng hạn.....

LTT:
Chị Hoàng Thị Bích Ti,
Còn “VẠN PHÁP VI DIỆU”, chương trình mà chị có nhắc qua ở phần đầu, có phải là cứu cánh của một nhà văn khi nhìn ra những bất trắc, những chông gai, những vô thường của dòng đời để rồi với “Vạn Pháp Vi Diệu” là ngôi nhà nơi cái tâm của mình được trú ngụ an bình hơn, hạnh phúc hơn chăng?

HTBT:
Thưa,
Chắc anh Lương Thư Trung đã biết qua, anh Nguyễn Xuân Thiệp đã từng đặt cho B.Ti cái danh hiệu la "Ni Cô" cả mười năm về trước. "Vạn Pháp Vi Diệu" là một cái tên khác của B.Ti. khi làm việc với kinh sách…
B.Ti không trốn vào những trang kinh vì đời sống này chẳng có gì vui anh à....Đời sống này vui lắm chứ!...Tất cả buồn vui đều là sự chọn lựa của mỗi người thôi...
Tuần vừa rồi, B.Ti có một cô bạn nhỏ ở Dallas, vừa xuất gia cạo đầu khi chỉ hơn ba mươi tuổi. Nhìn hình cô trong chiếc áo cà sa mấy ngày trước, B.Ti không khỏi mừng cho cô và ngậm ngùi cho mình vì không biết khi nào mình mới được như vậy. Bich Ti kể chuyện này chỉ để nói lên một điều duy nhất : một ngày nào đó, ...lỡ mà B.Ti xuất gia thì xin anh phải hiểu rằng, "nhà văn”  xuất gia bởi vì "nhà văn" yêu đời sống này quá đỗi....
 
LTT:
Đúng là một nhân sinh quan rất mới mà tôi vừa mới nghe được lần đầu tiên! Thật cảm phục! Chị có nghĩ rằng một ngày nào đó những ý tưởng vừa kể sẽ có mặt trong những trang sách của chị không hay nó đã có từ lâu lắm rồi mà tôi chưa kịp đọc?

HTBT:
Thưa,
B.Ti không dám nhận lời khen của anh Lương Thư Trung đâu. Bởi vì, những điều B.Ti vừa bày tỏ, thật ra là chỉ đúc kết lại những lời dạy của chư Phật mà thôi anh ạ....Tất cả đều do tâm tạo. Tất cả buồn vui của riêng ai đều là do sự lựa chọn của người đó hết cả.  Hãy tự mình làm chủ nỗi buồn của mình. Tự mình làm chủ niềm vui của mình. Tự mình làm chủ lấy chính mình và sẵn sàng đón nhận những bất trắc do mình gây ra...
Cho đến giờ phút này ngồi thưa chuyện với anh, B.Ti không có ý nghĩ là sẽ tiếp tục viết nữa.. Nhưng biết đâu, ngày mai thức dậy B.Ti lại ngồi vào bàn máy, tiếp tục gõ...để viết lên những câu chuyện mới hơn và đẹp hơn những câu chuyện của ngày hôm qua, phải không anh?

LTT:
Chị Bích Ti,
Xin chị chia sẻ thêm một chút về thời kỳ làm tạp chí Sóng Văn. Giữa viết cho một tờ báo và sáng tác có giúp gì cho những ý nghĩ khi chị viết truyện dài không? Tờ Sóng Văn của nhà văn Nguyễn Sao Mai có nhiều tác giả cọng tác cũng như nhiều bạn đọc dài hạn không?

HTBT:
Thưa,
Lúc đó tuy B.Ti cùng đồng chủ biên với anh Sao Mai, nhưng B.Ti tập trung vào việc sáng tác nhiều hơn vì lúc đó B.Ti cũng ở quá xa anh Sao Mai và hơn nữa, trong giao tế, B.Ti là một người khó tính, không dễ cho người khác thật sự đến gần. Thêm vào đó, B.T còn phải lo việc làm và con nhỏ. Còn anh Sao Mai, thì ngoài việc sáng tác, anh còn phải lo bài vở của những người hợp tác, lay-outs, in ấn và phát hành. Vài năm sau thì Sóng Văn bị đình bản vì lúc bấy giờ, việc phát hành không dễ hơn bây giờ. Sau khi Sóng Văn, đình bản, anh Sao Mai ra tạp chí văn chương bằng tiếng Anh, với tên là Wordbridge. Qua tạp chí này, anh đã giới thiệu được nhiều tác phẩm của các cây viết hải ngoại qua các bản dịch tiếng Anh. Wordbridge vẫn còn hoạt động cho đến bây giờ và cũng có sự góp mặt của các cây viết ngoại quốc nữa. Khi viết, B.Ti không đặt nặng vấn đề truyện dài hay truyện ngắn, mà chỉ viết cho đến khi nào muốn…ngưng thì thôi.    khi dàn dựng Khi Loài Sâu Biết Khóc thì do ý tưởng đưa đẩy, nó trở thành một truyện dài luôn …

LTT:
Chị Hoàng Thị Bích Ti,
Trong phần chia sẻ của chị lúc khởi dầu, chị có viết: "Sau khi viết xong Biển Lụa vào cuối năm 2005, B.Ti quyết định dành thì giờ để nghiên cứu, học hỏi thêm kinh điển. Say mê đến nỗi, có khi đọc một pho kinh từ lúc ngủ dậy cho đến gần sáng hôm sau, không ăn uống gì cả mà vẫn không thấy đói khát, mệt mỏi.". Nay nếu có người đặt câu hỏi :"Tại sao phải lạy cha mẹ và tại sao phải lạy chúng sinh? ", qua các sách vở kinh điển mà chị đã đọc, có trang nào giải thích về điều này không, chị Bích Ti?

HTBT:
Thưa,
Lạy cha mẹ, bởi vì cha mẹ là gốc rễ, là cội nguồn của mình. Hòa Thượng, Tuyên Hóa, một bậc bồ tát đã khai mở Vạn Phật Thành tại Eureka, California đã từng quỳ lạy cha mẹ mỗi ngày khi ngài chỉ là một cậu bé con sau khi ngài hiểu được công đức sâu dày của hai đấng sinh thành. Cha mẹ ngài vì thương con, không cho, nhưng ngài vẫn đứng xa xa mà lạy.
Chử hiếu trong kinh thì nhiều vô số kể, vì hiếu với cha, đức Phật đã từng thuyết pháp cho cha nghe để cha chứng quả A La Hán, thoát khỏi luân hồi. Vì hiếu với mẹ là hoàng hậu Maya, đức Phật đã từng lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho mẹ nghe. Trong kinh Tăng Chi Bộ và Địa Tạng Kinh, Phật còn dạy cách nào để báo hiếu với cha mẹ. Ngoài ra, hai đại đệ tử của Phật là ngài Mục kiền Liên và Xá Lợi Phất đều có hạnh hiếu rất cao sâu.
Thuở nhỏ, B.ti đã từng nhìn thấy một người bạn của ba má, một Đại Tá Tổng Tham Mưu của QLVNCH, vừa đi làm về còn mặc quân phục, mặt mày đỏ gay vì nắng. Khi thấy mẹ già đang ngồi ăn cơm, ông liền sà xuống đỡ chén cơm, măn từng miếng xương cá, đút cho mẹ ăn. Vừa đút, vừa tiếp khách. Nhìn những ngón tay to lớn của ông, mằn từng cái xương cá nhỏ xíu, B.Ti thật là cảm kích. Hình ảnh đó còn ghi sâu trong lòng B.Ti mãi mãi không bao giờ quên. Đẹp làm sao!...
Vì chữ hiếu là nền tảng, cho nên một xã hội, gia đình dạy con người hiếu thảo sẽ sanh ra những con người cao thượng. Và một xã hội, gia đình dạy con người tố cha, tố mẹ thì phải sanh ra một  xã hội băng hoại, tất nhiên.
Ngoài lạy Phật và lạy cha mẹ, Hòa thượng Tuyên Hóa còn lạy chúng sinh là vì để cám ơn những công đức của các bậc hiền tài và mong sao cho nghiệp chướng của những người ác được tiêu tan.
Riêng B.Ti thì,người hiền hay ác nào của B.Ti cũng đều là ân nhân, là thiện tri thức hết. Người ác càng chưởi bới thì B.Ti càng dễ dàng đo lường và trui luyện tính nhẫn nại của mình, bởi vì chữ nhẫn là một đức tính tối quan trọng.
(cười) Cho nên, mỗi ngày, sau khi lạy Phật và lạy cha mẹ xong, B.ti đều hướng về người hiền để lạy và hướng về kẻ mắng nhiếc mình....lạy luôn….

LTT:
Chị Hoàng thị Bích Ti,
Cảm ơn chị rất nhiều đã chia sẻ những suy nghĩ cùng hoàn cảnh ra đời những tác phẩm của chị trong cuộc trò chuyện vừa rồi vừa bổ ích, vừa thú vị. Mến chúc chị thân tâm luôn an lạc và hy vọng bạn đọc sẽ còn có dịp đọc thêm các sáng tác mới của chị dù trong lòng chị nghĩ rằng :"Cho đến giờ phút này ngồi thưa chuyện với anh, B.Ti không có ý nghĩ là sẽ tiếp tục viết nữa.. Nhưng biết đâu, ngày mai thức dậy B.Ti lại ngồi vào bàn máy, tiếp tục gõ...để viết lên những câu chuyện mới hơn và đẹp hơn những câu chuyện của ngày hôm qua, phải không anh? "
Mến chào chị,

HTBT:
Thưa,
 B.Ti rất cám ơn anh Lương Thư Trung đã cho B.Ti một dịp… vui để nói lời chào tạm biệt với những độc giả và những văn thi hữu thân thương của H.T.B.Ti trong nhiều năm qua. Xin cảm ơn họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, người đã làm bìa cho “KLSBK” và “BL” rất là đẹp, cả hai đều là những tuyệt tác hiếm có. Đặc biệt là những độc giả, những người B.Ti chưa từng gặp qua, đã gửi thư và kẹo chocolate đến cho B.T…  Xin thưa, kẹo thì đã ăn hết rồi,… nhưng B.Ti vẫn giữ mãi mãi những lá thư độc giả gửi tới cho B.Ti.. bằng tất cả sư trân trọng…
Thân mến. 

Houston ngày 31 tháng 07 năm 2013 

Phụ chú:
Vài hàng sơ lược về tác giả Hoàng Thị Bích Ti:
-          Nhà văn Hoàng Thị Bích Ti hiện sinh sống tại Falls Church (VA)
Các tác phẩm đã xuất bản:
-          Người đàn bà sau tấm quảng cáo, Văn Mới, Hoa Kỳ, 1996
-          Yellow MaMa, Văn Mới, Hoa Kỳ, 2000.
-          Khi loài sâu biết khóc, Viết xuất bản, Hoa Kỳ, 2004.
-          Biển Lụa, Văn Mới, Hoa Kỳ, 2007.
Liên lạc:
Email: hoangthibichti@gmail.com

No comments:

Post a Comment