Saturday, August 31, 2013

THƠ HOÀNG XUÂN SƠN


c ò n  a i.   n ắ n g



                                      Đốm nắng chiều thu sau vườn nhà. Đinh Cường

những quả thông trên đồi lẻn xuống đứng tụm
cườicười
[ở một phía nào đó.  vạt xanh.  và réo gọi thất thần]
à phải rồi mắt gió hấp háy nắng
cuộc đời cuộc đời
ở phía trạm hành đi qua chiều ghé lại
xế trưa thảm cỏ dụi mắt cù.  bay nghiêng
một tảng sương trôi vào ngâu
người còn lúng búng ngậm miệng
đản thiêng.  và hạt đùm đề

vịnh sấm còn cách xa tường duyên hải
hãy leo qua bờ giậu những chiếc lá hôn nhau
từ đồi xuống biển đường neo chim.  ghềnh đá
cây hom cài đặt tổ cheo leo
cái với tay sém quàng hư vọng
kẻ lữ nhìn dang xa                              nước
khúc ngân thao thác
đèo
nơi quán đợi nghìn chương
bụi bỏ đồng bằng len về thị tứ
một ngày không còn ai nghe đồi thông
réo gọi nhân tình biển ảo
nắngnắng
trước sau gì cũng gặt
mùa quy
 
HoàngXuânSơn
4/5-8-2013

ĐỌC ‘MƠ CÙNG TÔI GIẤC MƠ ĐÀ LẠT’


Nguyễn Xuân Thiệp


 


đọc ‘mơ cùng tôi giấc mơ đà lạt”
của phạm cao hoàng
tôi gặp. và yêu
những câu thơ lục bàt. anh viết cho cúc hoa
cả những trang văn
về những ngày cúc hoa bị nạn
ôi. một tình yêu thật đẹp. và sắt son
đọc phạm cao hoàng
tôi còn được về lại
đà lạt
với những bông dã quỳ
và những con đường thân quen
cà phê tùng
quán sách nhân văn. chỉ còn cái bóng. và bạn bè. và những con chim én
quán lục huyền cằm
của lê uyên & phương
nơi đây. noel 1973
cùng với thái tú hạp. hoàng khởi phong. lê văn ngăn
trong ‘đêm đọc thơ & hát thơ’
tôi được sống không khí của nghệ thuật. và thi ca
trong mùi của sương mù. của cà phê và trà tường vi
ôi. làm sao quên
cũng tại lục huyền cầm
trong thơ và nhạc. phạm cao hoàng đã gặp cúc hoa. lần đầu
từ đó đi bên nhau trọn kiếp
tôi còn thấy
gốc thông già
nơi hoàng và hoa chụp chung bức ảnh của thời mới yêu nhau
dung cũng đã chụp cho tôi
noel 1961
một bức ảnh đứng dựa gốc thông
thời mới cưới

bao nhiêu năm. như mây. trôi qua
phạm cao hoàng và cúc hoa. lại ngồi bên nhau. trong nhà thủy tạ
hoàng uống ly hennessy. còn hoa ly cà phê sữa
như thuở nào
ôi. tôi biết về đâu để gặp lại người của tôi
dắt tay nhau ra thủy tạ
ngồi chờ trăng lên
phạm cao hoàng và cúc hoa
có đi lên con đường nguyễn trường tộ
chỗ đối diện với khách sạn au sans souci
là nhà tôi thuở đó
nơi điểm hẹn của diễm. thái lãng. lê uyên phương. đinh cường. khánh ly. trịnh công sơn. thanh sâm…
ôi. làm sao nhớ hết
cảm ơn phạm cao hoàng đã cho tôi sống lại
một thời tuổi trẻ dấu yêu
xin cảm ơn

Tháng 8. 2013
NXT

 

TRUYỆN NGẮN Ý NHI


Q. trở lại 



                                                Thiếu nữ. Tranh Nguyễn Trung

    Chị đọc bức thư của Q thêm một lần nữa rồi gấp lại, lấy kính chặn lên.
    Chị nhận ra đây là chiếc kính dùng để làm bếp. Chị có năm chiếc kính. Chiếc để đọc sách có gọng nhựa trong veo, chiếc để xem ti vi có gọng giả đồi mồi, chiếc để đi đường có gọng đen, chiếc ở đầu giường là gọng kim loại nhẹ, chiếc làm bếp có gọng màu nâu.
    Thực ra, các chiếc kính có độ viễn xêm xêm nhau, có thể dùng lẫn lộn được nhưng chị muốn trong nhà mọi sự thật ngăn nắp, không sai lệch, không nhầm lẫn.
     Chị cũng có cả một lô bút đủ màu sắc, đủ kích cỡ, đủ độ đậm nhạt để dùng cho những việc khác nhau. Cái thì để viết bài, cái thì để đánh dấu, cái để ghi chú, cái thì để tẩy xóa…
     Chị không bằng lòng khi các con để sách vở không đúng chỗ, khi chúng vừa học bài vừa ăn kẹo, khi chúng dùng từ ngữ thiếu chính xác hoặc mặc quần áo xộc xệch, quàng khăn đỏ không ngay ngắn.
     Chị bực mình khi Lữ dùng nhầm các loại bút trong chiếc lọ đựng bút lớn trên bàn làm việc của anh. Chị trách cứ khi anh đi nhầm dép trong nhà ra sân hoặc dép từ nhà tắm ra phòng khách.
     Những lúc như vậy Lữ chỉ cười xòa, vỗ nhẹ vào vai vợ, xin lỗi bà chủ.
     Có lần, khi thu dọn giấy tờ trên bàn làm việc của chồng, chị làm mất một bài viết mới, Lữ cũng chỉ bảo không sao, anh còn lưu đề cương chi tiết.
     Lữ chấp nhận thứ trật tự do vợ đặt ra một cách nhẹ nhàng. Anh mặc quần áo của vợ mua, ăn cơm vợ nấu, đi làm đúng giờ, về đúng giờ, không nhìn ngang liếc dọc, không chơi bời bù khú.
     Có một bà cùng viện, không rõ vì cớ gì, chiều nọ bỗng chặn chị lại giữa đường, giọng châm chọc, này, bà phải phổ biến cho chị em chúng tôi kế dạy chồng với chứ, hay là bà viết thành sách, có khi thành tuyệt tác, thành bestseller chứ chả chơi.
     Chị không đáp, cũng không trách giận. Chị nghĩ, bà ta ghen tỵ với hạnh phúc của gia đình chị.
     Vậy mà hôm nay, khi thấy vợ tay cầm chiếc kính nâu, vẻ mặt bần thần, anh lại nói, này em, nhà ở chứ đâu phải tiệm thuốc bắc. Chị đột nhiên nổi giận, nếu em không như vậy, cái nhà này đã thành… Nhưng chị kịp dừng lại, không thốt ra những lời nặng nề.
     Lữ đã định bước vào phòng làm việc (cái cách anh thường dùng để tránh cơn nóng giận của vợ), bỗng dừng lại, giọng từ tốn, sao em lại cứ tự làm khổ mình như vậy.
     Câu nói của chồng giống như một nhát dao đâm thẳng vào tâm can chị. Một cơn đau thắt lòng khiến chị lặng người.
     Chị mở rộng bức thư của Q đặt lên bàn rồi bỏ vào gian bếp.
     Đây là nơi chị yêu thích nhất. Dù ở căn phòng hai lăm mét vuông trong nhà của cha mẹ hay chuyển đến căn hộ hai phòng trong khu tập thể, hay trong căn nhà một trệt một lầu hiện nay, chị luôn tạo dựng cho mình một khu bếp gọn gàng, sạch sẽ. Chị thường nói, gian bếp là chỗ trú ngụ của chị, là vương quốc của chị.
     Chị vừa lau dọn gian bếp đã sạch bong vừa khóc tấm tức. Cái cảm giác mình đã hoài công vô ích cả cuộc đời khiến chị đau đớn, hờn tủi. Để mặc cho nước mắt giàn giụa, chị không còn muốn kìm giữ.
 
***

     Chị bắc ghế ngồi xuống trước chiếc tủ kính đựng đầy ly tách chén đĩa, thìa nĩa. Đó là bộ sưu tập bền bỉ của chị sau mấy chục năm có gia đình riêng. Những lúc rỗi rãi, chị vẫn ngồi như thế, ngắm nhìn từng món đồ, nhớ lại ngày tháng, nơi chốn, cung cách mua chúng.
     Những chiếc chén nhỏ màu trắng có đường viền đỏ tươi kia mua ở Alma Ata trong chuyến đi thực tập. Dịp đó, sau mấy ngày rét buốt ở Moscow, mọi người cảm thấy thật hạnh phúc khi gặp một Alma Ata tươi xanh, ấm áp. Những người dân Trung Á ấy thật nồng hậu, dễ chịu. Người chủ cửa hàng nhất quyết bắt chị phải nhận thêm một chiếc lọ gốm xinh xắn, gọi là quà cho người bạn Việt Nam.
      Những chiếc đĩa màu lam ngọc kia mua ở Napoli, khi cùng Lữ đi thăm một người bạn cũ. Bộ thìa nĩa bằng bạc do đứa cháu con bà chị ruột mua tặng nhân ngày sinh nhật. Bộ ấm chén nâu đen giả cổ thì mua ở Hàng Châu, trong chuyến đi trước khi nghỉ hưu.
     Đoàn hăm hai người mà có tới hai mươi phụ nữ. Có lẽ vì vậy mà ngoài các danh lam thắng cảnh, người ta thường đưa đoàn đến các điểm bán lụa là, gấm vóc, ngọc trai, cẩm thạch. Các bà các cô xúm xít mua bán, quên cả giờ giấc.
     Thấy chị tha thẩn ngoài sân xem hoa, ngắm cây, cô hướng dẫn viên hỏi, bà không thích sắm sửa sao. Đó là một cô gái nhanh nhẹn, tốt tính, có khuôn mặt tròn trịa, xinh xắn. Nghe chị muốn tìm một bộ ấm trà, cô liền đưa chị đến dãy phố nằm đâu lưng với cửa hàng tơ lụa. Chị không sao có thể chọn lựa nổi vì hàng hóa la liệt, đủ màu, đủ cỡ. Những người bán hàng thì luôn miệng chào mời, luôn tay đưa hàng. Lúng túng, chị chọn bừa một bộ gần chỗ mình đứng, may mà khi về nhà được Lữ khen đẹp và khi xếp cạnh những thứ khác, nó có một vẻ đẹp riêng…
    Góc bên phải của tủ kính là đĩa bát, ấm chén, thố việm… của Bát Tràng. Những lúc chồng tiếp khách nước ngoài, chị thường dùng loại chén bát này. Chúng có nét duyên dáng riêng, mộc mạc mà không tầm thường.
    Nơi góc xa của tủ kính có một chiếc lọ pha lê Bohemien trong vắt, giữa thân lọ có một đường viền màu xanh biển mềm mại như chiếc thắt lưng bằng lụa mỏng. Nó nằm đó, xa lạ, bí ẩn, đầy ma lực, như một hiện vật trong bảo tàng.
    Đó là quà cưới của Q.

***

     Lữ, Q và chị cùng học một chuyên ngành tại trường đại học.
     Không hiểu vì nguyên cớ nào mà ngay từ ngày đầu nhập học, chị và Q đã thân thiết với nhau. Q cao ráo, trắng trẻo, dạn dĩ. Chị gầy nhỏ, khiêm nhượng, ít lời. Có lẽ, họ được mọi người chú ý bởi vẻ ngoài trái ngược đó.
     Hồi ấy, bọn con trai trong khoa lập nên một thuyết gọi là “thuyết điểm ngời sáng”. Thuyết này cho rằng, mọi phụ nữ đều có một điểm nào đó đặc biệt, đáng để yêu. Người thì đôi mắt sáng, người thì má lúm đồng tiền, người thì có răng khểnh, người có dáng thanh mảnh, người thì tròn trịa mũm mĩm như búp bê, người lại có giọng nói nhỏ nhẹ, người có tiếng hát, người có nụ cười…
     Họ cho rằng mái tóc dài là ưu điểm của chị. Riêng với Q, bọn con trai khá lúng túng bởi cô quá hoàn hảo. Để bảo vệ cho lý thuyết của mình, họ bảo, Q là tổng hòa của các điểm ngời sáng.
    Nhóm của họ được bạn bè gọi là nhóm Nhị cô nương. Vì Q mà nhóm này luôn được để ý, dòm dỏ, nhất là khi nhóm có thêm thành viên mới và được đổi tên thành nhóm Nhị cô nương +1. Người thứ ba là Lữ, học trên họ một năm.
    Lữ học giỏi, luôn xuất sắc trong các kỳ thi. Các báo cáo của anh tại các hội thảo khoa học được chú ý bởi sự chính xác của cứ liệu, bởi cách lập luận chặt chẽ và những phát kiến sắc sảo. Các thầy cô dường như đã chuẩn bị cho anh công việc ở trường đại học hoặc ở viện nghiên cứu. Dù vậy, việc Q yêu Lữ lại khiến cho nhiều người ngạc nhiên. Dường như giữa người phụ nữ xinh đẹp, rạng rỡ và nhà khoa học tương lai không có mối tương đồng nào. Người ta cho rằng Q chỉ yêu ánh hào quang được tạo ra bởi những thành tựu khoa học của Lữ, rằng cô thích những tràng pháo tay tán thưởng của đám đông, rằng Q muốn chơi trội, muốn khoác tay một nhân vật xuất chúng.
    Khi nghe thấy những bình luận nhiều ác ý đó, chị chỉ bảo, các bạn không thấy họ là một cặp trời định đó sao. Chị tự hào vì họ. Nhưng lại cảm thấy chạnh lòng khi ở bên họ, cảm thấy mình dư thừa khi ở bên họ. Chị muốn rời khỏi nhóm.
    Nhưng chị chưa nói hết câu Q đã giãy nảy, không được. Không có cậu, ai bênh tớ khi tớ bị Lữ bắt nạt, ai dỗ dành tớ khi bị hắt hủi, ai chăm nom tớ khi bị phụ rẫy. Định mệnh đã ràng buộc bọn ta rồi. Cậu không đi đâu cả, ngay cả khi bọn tớ nên vợ nên chồng.
    Vậy mà, đúng vào lúc sắp làm lễ hỏi, Q bỗng phải lòng một chàng kỹ sư người Pháp đến Việt Nam nghiên cứu về rừng nhiệt đới. Q bỏ mặc Lữ và chị, bỏ mặc tất cả mọi việc để lo cho chuyến đi của mình.
    Trước lúc lên máy bay vài giờ, Q tìm gặp chị.
    Bữa đó Q mặc chiếc váy màu xanh da trời in những chấm trắng rất đẹp. Chưa khi nào chị thấy bạn rạng rỡ đến vậy. Q bảo, mình gửi Lữ cho cậu. Mình không dám gặp anh ấy. Có lẽ mình đã nhầm lẫn ở đâu đó, một nhầm lẫn tai hại. Pierre mới là mối tình thực sự của mình.
    Nhưng chị không có cơ hội chăm nom, thăm hỏi Lữ, vì anh đã biến mất khỏi thành phố.

***

    Hai năm sau, chị gặp lại Lữ trong một hội nghị khoa học.
    Anh không thay đổi nhiều. Chị chạy ào về phía anh nhưng rồi bỗng dừng lại khi chỉ còn cách anh vài bước chân. Lữ bước tới, đặt nhẹ hai tay lên vai chị, xem nào, xem bạn cố tri thế nào rồi. Anh cười lớn, vẫn là tiếng cười sảng khoái của ngày nào nhưng chị nhìn thấy mắt Lữ không cười.
    Ít lâu sau, Lữ đến thăm chị tại căn nhà của cha mẹ chị ở ngoại ô.
    Ngày trước, lúc rỗi, ba người thường về nơi này. Mẹ chị nấu cho bọn họ những món ăn họ yêu thích như bún ốc, bún chả, canh riêu cá chép, chân giò giả cầy… Chị và Q giúp mẹ, Lữ ngồi uống trà, đánh cờ hoặc trò chuyện với cha. Cha chị khen Lữ là người trí lự, đàng hoàng.
    Giờ đây, trong câu chuyện, họ tránh nhắc đến những kỷ niệm cũ, tránh nhắc tên Q. Nhưng Q vẫn ở đâu đó, giữa họ. Những câu nói bỏ dở, những ánh nhìn dò hỏi, những nụ cười e dè khiến họ cảm thấy không thực sự yên ổn. Vì lẽ đó, cả cha mẹ và chị đều có phần bất ngờ khi Lữ xin cưới chị.
    Lúc chỉ còn lại hai người trong phòng khách, lần đầu tiên chị thừa nhận với Lữ, chị đã yêu anh từ rất lâu rồi. Chị cũng nói với anh, chị muốn một đám cưới đơn giản. Lữ thuận theo ý vợ, không một lời bàn thêm.
    Chính chị cũng không ý thức được, chị vừa làm phép thử đầu tiên cho cuộc sống chung của họ. Ngay từ những ngày đầu, chị đã lập nên một trật tự nghiêm ngặt cho cuộc sống gia đình. Nó giống như một thành lũy vô hình che chắn cho họ. Và Lữ chấp nhận sống trong thành lũy ấy.
    Thấu hiểu nguyên cớ sâu xa của thứ trật tự đó, anh gần như không bao giờ đặt câu hỏi tại sao, bởi anh biết, anh sẽ nhận được câu trả lời tại sao không của vợ.
    Về phần mình, bằng lòng với những gì mình đã tạo dựng, với các thành tích khoa học của chồng, với sự giỏi giang của các con, chị đã không còn bị ám ảnh bởi Q.

***

    Vậy rồi khi con cái ra riêng, nhất là khi chị nghỉ hưu, khi chị nghĩ đã xong mọi việc, hình bóng Q lại lờ mờ xuất hiện.
    Rồi hình bóng đó ngày một lớn dần lên, đậm nét hơn theo ngày tháng, y như có ai đó cố tình tô vẽ, nhấn nhá vậy.
    Có lần chị nằm mơ thấy Q. Cô xinh đẹp, tươi tỉnh trong chiếc váy màu xanh nhạt với những chấm trắng nho nhỏ, đưa tay vẫy chị rồi cười vang khi rời xa. Lúc thức dậy, chị nhớ lại tiếng cười và cảm thấy nó có chút gì đó như nhạo báng, như thách thức.
   Rồi ngày càng có nhiều những đêm mất ngủ. Trong những đêm đó, tự nhiên những điều chị từng bỏ qua, từng coi là bình thường, là không đáng quan tâm, bỗng trở lại với một sắc thái hoàn toàn khác.
    Đó là một tối nào đó, Lữ trầm ngâm trước ti vi khi xem chương trình du lịch giới thiệu thành phố Q đang sống. Đó là cách anh đặt tên cho đứa con gái đầu lòng: Q.Thư. Đó là những chiều muộn, anh đứng bên cửa sổ, nhìn tận đâu đó, qua khỏi những vòm cây, những mái nhà lô nhô cao thấp. Đó là, thỉnh thoảng, anh cất lời, hát vài câu của Trịnh Công Sơn: Tình ngỡ đã quên đi như lòng cố lạnh lùng/Người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang/Tình ngỡ đã phôi pha nhưng tình vẫn còn đầy/người ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây… Em phụ tôi một thời bé dại/Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi/Hai mươi năm xin trả nợ dài/Trả nợ một đời em đã phụ tôi…
   Thậm chí, câu nói đầy ác ý của người phụ nữ cùng viện ngày trước cũng trở lại. Chị nghe rõ giọng nói sin sít đầy mai mỉa của bà ta, nhớ rõ khuôn mặt nhọn hoắt, đôi mắt ti hí nhìn như xoáy vào tâm can người khác của bà ta. Có thể, chính bà ta đã nhìn thấy sự gắng gỏi vô vọng của chị chăng.
    Chị cố bình tâm để phân tích, lý giải các cứ liệu, theo cái cách của một người làm khoa học vẫn làm. Để có thể có một kết luận, chị đã lược bỏ những tình tiết ngẫu nhiên, vô lý, những lập luận thiếu căn cứ để tự phản bác mình, để tránh những ngộ nhận, để thoát khỏi những ngờ vực…
    Trong một chừng mực nào đó, chị cũng đạt được điều mình mong muốn. Nhưng điều giày vò chị hơn cả, câu hỏi khó nhất cho chị, đó là việc, chị không bao giờ có thể hiểu được, mấy chục năm qua, cuộc sống yên ổn của họ thực chất là như thế nào. Chị có hạnh phúc không. Chị thực sự yêu anh hay tất cả chỉ là tính hiếu thắng, sự vị kỷ của một người đàn bà.
    Và nhất là, Lữ có hạnh phúc không. Anh yêu chị hay chỉ biết ơn chị. Anh chung sống với chị vì yêu thương chính chị hay vì muốn qua chị, tìm chút hình bóng của Q. Anh vô tâm hay đầy ý thức trong cách cư xử nhẹ nhàng với vợ, khi chấp nhận những ràng buộc do chị tạo ra.
   Loay hoay với những suy nghĩ, những đoán định của mình, chị không sao có thể sống thanh thản như ngày trước. Những lúc tĩnh tâm, chị thấy thương chồng, thấy anh chẳng làm gì nên tội nhưng chị không sao dừng những cơn cáu giận, bực bõ của mình.
    Vậy mà, kỳ lạ thay, Lữ càng ngày càng nhẹ nhàng, chu đáo với vợ. Anh mua quà bánh cho vợ, sắm giày dép quần áo mới cho vợ. Anh khệ nệ mang một thùng chén đĩa Minh Long mua ở Bình Dương về, trong một chuyến công tác ở miền Nam. Đó là những việc anh chưa hề làm trong mấy chục năm chung sống.
    Có lần, thấy chị đứng tựa cửa, vẻ không vui, anh đưa cho chị tờ báo giải trí, em xem này, một con chó nuốt tới mười bốn trái banh nỉ mà không hề hấn gì, vẫn chạy nhảy, ăn uống tưng bừng. Chị không nhìn tờ báo, đáp hờ hững, thế à.
    Anh vẫn tiếp tục, một con khác còn nuốt một cái dao gọt trái cây dài bằng một phần tư cơ thể nó kia. Rồi anh cười lớn, thế cũng chưa ăn thua, con phốc nhỏ xíu này còn chén hết sạch một lọ tương ớt nửa ký lô, chủ nhà quên không đậy nắp. Có lẽ nó nghĩ đó là một loại mứt hoa quả đặc biệt chăng.
    Bị lôi cuốn vào câu chuyện, chị bật cười. Anh vui vẻ bảo, phải vậy chứ, em phải cười thật nhiều vào. Các bác sĩ bảo, cười là phương thuốc hiệu nghiệm nhất đấy. Ở Ấn Độ có hẳn những câu lạc bộ cười. Người ta đến đó chỉ để cười thôi. Em cứ mở chương trình giải trí trên ti vi ra mà xem. Nhìn họ cười lăn lộn mình cũng không sao nhịn được.
    Rồi như để thực thi lý thuyết của mình, anh thường về nhà với một nụ cười cùng các món quà và hàng lô những câu chuyện để đùa vui. Khi anh đi vắng, chị ngồi nhớ lại mọi điều. Chị không thực sự hiểu những thay đổi ít nhiều này của chồng.
   Có thể, anh có niềm vui riêng trong công việc, trong các mối quan hệ nào đó. Mà cũng có thể, anh chỉ muốn chị được thanh thản, nhẹ nhõm.

   Rồi một ngày nọ, cũng với nụ cười và giọng nói nhẹ nhàng ấy, anh báo tin, Q làm việc tốt lắm. Rồi nói thêm, họ có điều kiện hơn mình, chí ít thì thời gian dành cho nghiên cứu khoa học của họ là rất lớn.
    Thấy chị im lặng, anh cười cười, anh vừa nhận được cuốn sách của nhóm Q gửi tặng. Rất bổ ích cho đề tài đang làm của anh. Chị nhận thấy chữ nhóm được anh cố ý nhấn mạnh. Lần đầu tiên, sau hơn ba mươi năm, anh đã thốt lên cái từ mà anh cố giữ kín trong lòng, chị nghĩ.
    Giữa tình cảnh như vậy, chị nhận được thư Q báo tin sẽ về nước.

***

    Chị không muốn nói với chồng tin của Q vì ngờ rằng anh đã biết trước cả mình nhưng cũng không thể im lặng.
    Chị chọn cách để mở bức thư trên bàn, nơi chắc chắn anh sẽ đọc.
    Có phần bối rối, không biết cuộc gặp gỡ sẽ ra sao, chị lo thu dọn nhà cửa, sắm thêm vài thứ vật dụng, thay bộ rèm cửa mới.
    Nhân lúc Lữ đi làm, chị chạy ra phố tìm mua vài món mỹ phẩm. Chị loay hoay khá lâu với các màu son. Cuối cùng, chị chọn màu cam đất, một màu trầm nhưng vẫn tươi tắn.
    Ở cửa hàng thời trang bên cạnh, chị ngắm nghía hồi lâu rồi quyết định mua chiếc áo màu đỏ sẫm đang khoác trên thân thể mảnh mai của một ma nơ canh tóc nâu.
    Trong lúc chị lúi húi với mấy thứ mỹ phẩm vừa mua được thì nghe thấy tiếng xe máy của chồng. Chị vội vàng lùa tất cả vào ngăn kéo. Luống cuống, chị làm rơi lọ nước hoa.
    Lữ bước vào, sững lại một chút nhưng không nói gì. Anh đứng, tựa vào bàn, tay đặt lên lưng ghế, nơi chị vắt chiếc áo đỏ mới mua, em có ra sân bay không.
    Chị hiểu câu hỏi của chồng theo nghĩa, anh sẽ đi đón Q một mình. Chị nhẹ nhàng lắc đầu, tránh một lời đáp buồn bã hay giận dữ. Chị biết, anh đã nhận ra mùi nước hoa, anh đã nhìn thấy chiếc áo đỏ. Và có thể, đã nhận ra, đã nhìn thấy nhiều điều khác nữa.
    Chị gập chiếc áo cất vào tủ, lau đi lau lại chỗ nước hoa trên sàn nhà, dẹp hết các loại son phấn, quyết định giữ mọi thứ trong trạng thái bình thường khi đón Q.
   Chị không muốn Lữ nhận ra sự lo âu, bối rối của mình.
    Chị thực sự bất ngờ khi Q đi thẳng từ sân bay về nhà chị. Nhìn vẻ tư lự của Lữ, chị biết đây là ý muốn của riêng Q.
    Q mặc một chiếc sơ mi trắng, một chiếc quần nhung nâu, tóc buộc gọn sau gáy, mặt không trang điểm, chạy ào tới bên chị, cậu chẳng khác gì cả. Hình như ở đây người ta trẻ lâu hơn những nơi khác.
   Q quay lại phía Lữ, cả anh cũng vậy, y như hình dung của em về anh. Mà tóc lại còn không thèm bạc nữa chứ.
   Lữ khoanh tay trước ngực, thủng thẳng, chí ít cũng có điều gì hay ho ở đây chứ, không thì làm sao mà sống. Mà này, hai cô sao thế, ngồi xuống đi chứ.
    Mãi đến lúc này chị mới nhận thấy Q và chị vẫn đứng ngay cửa ra vào. Chị kéo Q ngồi xuống mà không nói được lời nào. Q đã thay đổi quá nhiều. Khuôn mặt cân đối, rạng rỡ của Q bỗng như lệch lạc, mờ nhạt hẳn đi.
    Đó không phải là dấu hiệu của tuổi tác mà là dấu hiệu của thất vọng, của mệt mỏi, cam chịu. Một mối thương cảm chợt dâng lên khiến chị nghẹn ngào, dân dấn nước mắt. Chị thấy lòng nhẹ bẫng, không còn băn khoăn, lo lắng, hờn tủi, trách giận. Chị nắm lấy bàn tay gầy xanh của Q, mấy chục năm rồi nhỉ. Q cười, thực ra, mình có về mấy lần nhưng sợ bị mắng nên không dám gặp mọi người.
    Hồi cậu và Lữ cưới, mình ở đây nên mới biết mà gửi quà. Mà cậu có còn giữ không đấy. Mình cứ hình dung, cậu sẽ cắm những bông cúc trắng mà bọn ta vẫn thích vào đó. Chị đỏ mặt, nghĩ đến việc bao lâu nay mình đã gần như không chạm tay tới chiếc bình. Chị cười giả lả, còn, giữ cẩn thận, còn mới nguyên. Có Lữ làm chứng đấy.
    Nhưng Lữ đã đi từ lúc nào. Có lẽ anh vào phòng làm việc, nhường không gian lại cho hai người phụ nữ. Chị hỏi Q, kế hoạch của cậu thế nào. Q bảo, tớ có một tuần rảnh rỗi. Tớ đã đặt khách sạn ở gần đây. Bọn mình sẽ đi chơi, đi ăn quà, nói chuyện phiếm. Cậu có biết tớ thèm nhất món gì không. Chị đáp, đậu phụ mắm tôm. Q cười ngặt nghẽo, ôm choàng lấy chị, đúng là cậu thật rồi.
   Bọn mình sẽ ăn tất cả những gì ngày trước đã cùng ăn nhé. No nê rồi mới phải đón Pierre. Tuần sau, Pierre cùng với viện trưởng sẽ sang để làm việc. Có cả chương trình làm việc với viện của Lữ nữa. Thấy chị nhíu mày có ý hỏi, Q bảo, mình và Pierre đã chia tay. Chia tay nhưng vẫn là bạn, là đồng nghiệp. Tây mà. Lữ từ phòng bên nói vọng qua, cả ta cũng vậy.
   Chị nhận ra sự chua chát trong giọng nói của Lữ. Chị hiểu, anh đã chờ đợi sự trở về của Q, chờ đợi cuộc gặp gỡ lãng mạn giữa những người yêu cũ, chờ đợi sự tiếc nuối, nỗi ân hận, sự bịn rịn, và biết đâu, cả một lời hứa hẹn… Nhưng có vẻ như Q không hiểu hoặc không quan tâm đến điều đó. Với cô, Lữ chỉ là một người bạn cũ.
   Tự nhiên, chị thấy xót xa thương chồng. Chị gọi to, anh qua đây đi. Bọn mình kéo nhau lên hồ Tây ngắm cảnh chiều, ăn bánh tôm, ôn lại cái thời vui vẻ ngày trước nhé.
   Q reo lên, tuyệt.
   Lữ tư lự, cũng có lý.

***

    Hồ Tây vắng vẻ kỳ lạ.
    Con đường vốn nhộn nhịp người xe bỗng trống trải, im ắng như chỉ dành cho ba người bọn họ. Họ chọn một chỗ ngồi sát bên lan can của quán.
    Những con sóng đập ì oạp vào bờ kè, tạo nên những âm thanh đơn điệu, buồn bã.
    Lữ tì cả hai tay lên lan can, nhìn ra phía hồ, nơi có một con thuyền neo lại, khẽ dập dềnh theo sóng.
    Chị đã quen với Q, đã lại nhìn thấy những nét quen thuộc, thân thiết của người bạn gái. Q đang cúi xuống cuốn thực đơn để chọn món. Tóc trên đỉnh đầu Q đã thưa đi rất nhiều. Chị bảo, hôm nào đi, cậu phải mang theo vài cân bồ kết. Q bảo, không phải tại dầu gội, ở đó chỉ nghe người ta quảng cáo dầu gội cũng đủ phát khùng rồi. Vấn đề nằm ở chỗ khác. Nhận thấy vẻ phân vân trên mặt bạn, Q bảo, nói chung, các vấn đề của tớ không nằm ở những nguyên nhân trực tiếp.
    Lữ quay lại. Chị nhìn thấy một vết hằn sâu giữa hai chân mày của chồng. Cả những nếp nhăn bên khóe miệng. Khuôn mặt anh như vừa chợt già đi mấy tuổi vậy. Chị nói vội vàng, thôi nào, thôi nào, không chuyện nọ xọ chuyện kia nữa. Bọn ta kéo nhau lên đây là để ăn bánh tôm mà.
   Q lắc đầu như chợt tỉnh, phải rồi. Lần này bọn mình nhường cho Lữ “đi chợ” nhé. Q cầm cuốn thực đơn trên hai tay, xoay hẳn người về phía Lữ.
   Chị nhận thấy một thoáng bàng hoàng trong mắt chồng nhưng anh chỉ nói, giọng ôn tồn, xin hân hạnh phục vụ nhị cô nương.
   Bánh tôm bị nguội.
    Lữ chống khuỷu tay lên bàn, mấy ngón tay đan vào nhau, tì cằm vào hai ngón tay cái, ngao ngán, cứ như họ cho mình ăn bánh rán từ hôm qua vậy. Khoai thì ỉu, bột thì không dậy, rau sống thiếu vị, nước chấm lại chua.
    Q đang gắp một cọng rau thơm, dừng lại nhìn Lữ, thật sao. Em thì thấy thật tuyệt vời. Em có thể nấu tất cả các món Tây nhưng món ta thì hơi tệ. Hình như món của ta kỹ càng hơn, tinh tế hơn. Ở bên đó bây giờ có đủ các gia vị để nấu các món Việt Nam nhưng em thường thất bại.
    Lữ nghiêm giọng, có lẽ tại ruồi (*). Q cười giòn tan, khoe hai lúm đồng tiền giờ đã kéo dài như một vết nhăn trên đôi má gầy, dứ dứ đũa về phía Lữ, anh này, anh trở nên ác hiểm từ bao giờ vậy. Lữ không đáp.
    Chị định nói điều gì đó rồi lại thôi. Chị cảm thấy nuối tiếc như thể mình đã làm điều không phải nhưng đó là điều gì thì chị lại không thể biết.
   Ba người ngồi im lặng trong ánh sáng chập chờn của ngọn đèn vàng đong đưa nhè nhẹ giữa vòm lá xanh sẫm.

***

    Trời chuyển gió. Mặt hồ phủ mờ sương khói như rộng thêm ra, bờ bên kia trở nên xa tít tắp.
    Những con sóng mỗi lúc một mạnh hơn, dồn dập hơn, xô đẩy, chồm lên nhau đập vào kè đá, khiến cho cái quán nhỏ trở nên mong manh, yếu ớt, tưởng có thể bất thần bị bứt rời khỏi bờ đất.
    Nếu nó bỗng trôi lênh đênh ra ngoài xa kia thì mọi sự sẽ ra sao nhỉ, chị tự hỏi.
    Q ghé vào bên tai chị, thì thầm, bọn ta như đang sống ngoài một hoang đảo vậy.   

    Ý NHI 

   (*) Lấy ý trong một truyện ngắn của Azit Nesil: nhà văn nọ không thể viết được, bèn đổ thừa tại nhiều ruồi quá.

 

                               

Thursday, August 29, 2013

THƠ ĐINH CƯỜNG


Để nhớ Âu Như Thuy
người họa sĩ nằm chết trên Đèo Cả
 

 


                                                Tình Tôi. Tranh Âu Như Thuy


                Lấy mấy nét quẹt màu của cháu nội Như Tranh, họa sĩ Đinh Cường thêm nét than đen
                                      nhớ Âu Như Thuy nằm chết trên Đèo Cả 1994

trên đèo cả
nằm chết. một mình
ngỡ nằm mơ nắng trưa
mùa hải âu. bay. kêu
bờ cát đỏ

âu như thuy

( Nguyễn Xuân Thiệp )

Những ngày này có những cơn mưa mùa hạ
rất buồn, những ngày này ngồi chơi và vẽ
với Như Thơ Như Tranh hai cháu nội suốt
những nét vẽ trẻ thơ luôn có mặt trời và biển
mặt trời  màu đỏ tươi, biển màu xanh dương
không thấy những vệt màu đen, nâu sẫm
như trong tranh âu như thuy đầy phận người

anh đã nằm chết trên vũng trăng tựa đề tranh anh
khi từ Ghềnh Ráng chuẩn bị làm tượng Hàn Mặc Tử
đi chiếc honda đổ đèo Rù Rì bị tai nạn chết
Một tiếng vang xa rời xuống suối,
Thì thầm trong gió, ngàn phi lao… [1]

Âu như thuy người họa sĩ ấy ít thấy tiểu sử ở đâu
dù đã đoạt huy chương bạc triển lãm hội họa mùa xuân
năm một chín sáu ba với bức Những Chó và Người
những tựa đề tranh anh cũng lạ như Vũ Khúc Bò Cạp
Thú Hoang, Mặt Trời Đêm, Vũng Trăng, Nơi Chúa Ngự

thử nhớ lại những năm năm mươi cùng ở Xóm Lách
dưới dốc con hẻm đường Charles De Gaulle
sau này là đường Công Lý, Sài Gòn, nơi ấy một thời
có Châu Trị ở và Thanh Tâm Tuyền viết một truyện hay:
Đêm Xóm Lách Mịt Mùng. ôi những đêm Xóm Lách chúng ta
một chàng trai tên Thụa hay qua nhà tôi chơi
một chàng trai nói giọng Bắc hình như cô độc lắm
quyết tâm tự học để trở thành họa sĩ Âu Như Thuy
cằm vuông ngậm ống vố cuộc đời bi thảm như Van Gogh

sau một chín bảy lăm anh về Long Xuyên
chạm khắc mấy tảng đá xanh làm bia mộ
sau đó có thời lên Đà Lạt sống thì phải
nên mới quen những người bạn sau đây:
hỡi những tuyển. khánh. thạc. diễm
                                                 và thiệp
là bằng hữu. chúng ta. ngồi ở phía
                                                  hoàng hôn
nhìn                  
giờ này, những ngọn đèn lồng cao áp
tỏa xuống mặt biển. xanh đen
đèo cả

thuỳ dương. xa. tiếng ru

âu như thuy. nằm chết. một mình [2]


trưa nay khi hai cháu nội ngủ, tôi nằm nghỉ trên sofa quen
dưới basement, đọc lại tôi cùng gió mùa của Nguyễn Xuân Thiệp
đọc lại bài thơ âu như thuy chắc ít ai biết
mà nhớ lại một người thân quen hàng xóm hồi xưa, Thụa ơi … 

Virginia, Aug. 24, 2013
Đinh Cường

 [1] Hàn Mặc Tử - Một đêm nói chuyện với gái quê -
     Gái Quê, nhà xb Hội Nhà Văn 2012, trang 73
[2]  Nguyễn Xuân Thiệp - âu như thuy –
       tôi cùng gió mùa, phố văn tái bản 2012, trang 146

Thursday, August 22, 2013

LỜI VIẾT GỞI NGUYỄN XUÂN HOÀNG

Nguyễn Xuân Thiệp



                                                                  NXHoàng. CA



                                                    NXHoàng. Đinh Cường vẽ

mảnh trăng 

                        tặng Nguyễn Xuân Hoàng 

vẫn chiếc áo sờn cổ
đôi giày của gã lãng du
tôi đi. với mảnh trăng. mùa đông
này bạn văn xưa
còn không những nét dao trên đá
về số phận. của một người. một đời
và đốm lửa
tôi nghe thơ anh. cùng tiếng chuông. ngân
giã từ
giã từ
những mùa của quỷ

hồi tưởng
những năm tháng đó
mảnh trăng  mùa đông
cùng ta đi
qua mái nhà. góc phố. đường ray
về hổ khê
về vùng lau thưa. thăm mộ bạn
mùa này cây đào cẩm nhân đã trổ bông
hồn oan. đêm cầm đèn. gọi cửa

đường tăng
đầm suối tây phương như kiếm sắc
dốc hiểm
khe oan
về đâu
ngọn gió mùa đông. thổi. tím
mảnh trăng còi
bay. bay. như chim. qua mây
dưới trăng. trâu bon. ngựa mỏi
hoa ác ăn người
yêu quái. chờ ai. nơi lều cỏ

đường tăng
thuyền đã ghé bờ
hãy quên. như trăng
quán cháo khuya. đèn đỏ
mở chân trời. cuộc đời thôi đã khác
 
tháng mười hai, 1997 

   Tôi viết bài thơ này năm 1997, một thời gian ngắn sau khi qua Mỹ. Bài thơ đề tặng bạn Nguyễn Xuân Hoàng, ghi lại hành trình của một người thơ qua chiến tranh và ngục tù, với tâm nguyện khắc văn mình trên đá và nhóm lên ngọn lửa giã từ thế giới và thời của cái ác. Hành trình đó, ít nhiều Nguyễn Xuân Hoàng cũng đã trải qua như trong tác phẩm Bụi Và Rác của bạn. Tôi hình dung nó như con đường Huyền Trang đi thỉnh kinh, và mỗi nhà văn chúng ta kinh qua nó với sứ mạng của Đường Tăng là mang những nét đẹp nhân văn đến cho cõi người. Con đường đó muôn vàn khó khăn, hiểm trở, cái ác rình chờ khắp mọi nơi. Huyền Trang đã vượt qua được. Còn nhà văn chúng ta, bạn và tôi và Nguyễn Xuân Hoàng đã tới bến bờ nào. Bên kia sông là ánh mặt trời hay một cõi lãng quên nào đó, cũng không là quan trọng.
 

Giấc mơ của Balakirev 

   Trong những dòng viết cho Nguyễn Xuân Hoàng ngày hôm nay, tôi muốn nói tới một cuộc hành trình khác -cuộc hành trình của Balakirev trong mùa đông băng giá trên một chiếc xe ngựa thời cổ. Mily Balakirev (1837- 1910), là pianist, nhạc trưởng và là nhà soạn nhạc danh tiếng của Nga, người đã ảnh hưởng đến nhiều nhạc sĩ đương thời trong đó có Tchaikovsky (1840-1893) trong vở nhạc kịch Romeo and Juliet và bản giao hưởng Manfred Symphony. Bài thơ của tôi gởi Nguyễn Xuân Hoàng được viết lại từ bài Giấc Mơ Của Balakirev (Balakirev’s Dream), thơ Tomas Transtromer, theo bản tiếng Anh và bản dịch của Cao Thu Cúc trên Văn Chương Việt. 

balakirev đang dự một cuộc hòa nhạc
và rồi ông ngủ thiếp đi
chợt ông mơ thấy mình đang đi trên cỗ xe ngựa thời nga hoàng
chiếc xe ngựa lăn bánh trên con đường lát đá
chạy thẳng vào vùng bóng tối của tiếng quạ kêu
balakirev ngồi một mình trong xe. nhìn ra ngoài
có khi ông bước xuống chạy cùng với những chú ngựa
mảnh trăng mùa đông cũng chạy theo cỗ xe. qua những hàng bạch dương. dưới trời khuya a.cuộc hành trình dường như đã dài lâu
trên ngôi nhà thờ cổ. chiếc kim đồng hồ bây giờ chỉ năm. thay vì chỉ giờ
và trên cánh đồng có một chiếc cày bỏ quên
chiếc cày là con chim gãy cánh
trong vịnh. giờ này. một chiếc tàu đang neo đậu
chung quanh tuyết phủ. không một ánh đèn
thủy thủ lên đứng hết trên boong tàu
chiếc xe ngựa chạy qua vùng băng tuyết. bốn bánh quay. quay. tiếng lụa xé
balakirev tới gần một chiếc tàu chiến nhỏ
chiếc sebastopol
giờ đây ông đang ở trên tàu. các thủy thủ vây quanh
một người trao ông cây đàn cổ:
“ông sẽ không chết nếu ông chơi đàn” 

   Như thế đó, cuộc hành trình của Balakirev kết thúc. Như đời tôi, đời bạn, đời Nguyễn Xuân Hoàng sẽ kết thúc. Nó kết thúc với một hy vọng (hay ảo vọng?) rằng “ông sẽ không chết nếu ông chơi đàn”, có nghĩa là nhà nghệ sĩ, người sáng tạo đã ca hát trước cuộc đời và hiến dâng cho đời sẽ sống mãi với thời gian.
   Với hai bài thơ, Mảnh TrăngGiấc Mơ Của Balakirev, tôi muốn trao tới Nguyễn Xuân Hoàng một nhắn gởi và một tâm tình. Hoàng ạ, chúng ta đã cùng với mảnh trăng mùa đông đi qua vòng đầu của địa ngục, ghi khắc lời mình trên đá, và đã tới bờ. Bên kia bờ, cuộc đời thôi đã khác. Và cùng với nhà soạn nhạc lừng danh của nước Nga, chúng ta đi trên chiếc xe ngựa cổ vượt qua mùa đông tuyết phủ tới con tàu nằm trong vịnh giá băng, với hy vọng là những nghệ sĩ đã ca hát cho niềm vui và nỗi buồn của con người sẽ không bao giờ chết.

    Bây giờ, tôi xin trích đọc cùng với Nguyễn Mạnh Trinh một đoạn văn rất đẹp của Nguyễn Xuân Hoàng trong Đoản văn viết ở Cali. Bài “Mưa Cali nhớ Phạm Ngũ Lão”:

“Cali mưa cơn mưa nhỏ chợt đến chiều nay trên đường Westminster như một người khách lạ không hẹn mà tới, Những hạt mưa lớn, thưa, gõ từ tốn trên mặt kính chắn gió nghe như tiếng mưa thuở nào rơi trên mái tôn trước hiên nhà.
Bầu trời ẩm đục, thấp và nóng. Cali đang mùa hè. Cơn mưa tuy không đủ sức làm dịu những cục than hồng, nhưng có thừa cái sắc bén của con dao cau rạch trong tôi những vết thương hoài niệm.
Mưa gõ đi từ góc ngã tư đường Harbor- Westminster là những mũi kim xoi đằm trí nhớ. Mưa dẫn tôi đi trở về trên những con đường quen, khu phố cũ, những bạn bè xa xưa…” 

   Trong những ngày này, ước mong Nguyễn Xuân Hoàng có tâm bình an với hành trình của mình. Trở về hay đi tới thì cũng là hoan ca như cây sáo của Tagore đã được Đấng Chí Tôn phả đầy âm nhạc vào trong đó… Và xin nhắc lại lời chia tay của thi hào xứ Ấn Độ:  Tôi đã được mời tới lễ hội trần gian này, và tôi cảm thấy đời tôi tràn đầy ơn phước. Tôi đã được nhìn và được nghe bao điều. Trong hội vui, phần tôi là chơi nhạc trên cây đàn của mình, và tôi đã chơi hết sức tận tình.
Giờ đây xin hỏi, đã đến giờ chưa để tôi được phép bước vào diện kiến Người và dâng lên Người lời chào kính lặng thầm?
Tôi phải ra đi rồi đây. Anh em ơi, hãy nói lời từ biệt tôi! Tôi cúi đầu chào tất cả và cất bước lên đường.
Đây tôi trả lại chìa khoá cửa, và trao ngôi nhà lại cho anh em. Tôi chỉ xin anh em lời tử tế cuối cùng.
 Khi tôi từ giã nơi đây, xin nhớ lời tôi chia tay, rằng nhũng gì tôi đã được hân thưởng thật đã quá tràn đầy.
 Tôi đã được nếm mật ủ trong lòng bông sen đang nở cánh trên biển ánh sáng, và như thế đã là diễm phúc rồi, và đây là lời từ biệt của tôi. (Gitanjali-Tagore) 

NXT
18.8.2013

 

Wednesday, August 21, 2013

THƠ ĐINH CƯỜNG


Gọi phone thử,
gặp bạn bắt máy nói mấy câu thấy lòng vui
 

 
                                        N.Xuân Hoàng - Photo Huy Phương Tháng 7 2013
 
 
                                           Nhiều mây chim bay không nổi. Tranh Đinh Cường

Lâu không gọi phone để Hoàng nghỉ
chiều nay gọi thử, Hoàng bắt máy
nói chuyện mấy câu thấy lòng vui
luôn mong sao bạn chúng ta mau khỏe lại
cùng ra ngồi Starbucks coffee
hay lên San Francisco ngồi Caffe Trieste
chỗ Nguyễn Xuân Thiệp rất thích
vì có thời Allen Ginsberg, Neeli Cherkovski…
thường ghé, năm rồi đã cùng Minh Quang
cùng Hải Phương cùng Quận ngồi đó

nhớ trời buổi chiều ở vùng vịnh nhiều mây
như nơi đây chiều nay nhiều mây
nhiều mây chim bay không nổi
câu thơ như tranh của Phạm Công Thiện
Thiện hay la cà ở quán Tribu cùng sinh viên
thời dạy ở Toulouse thời hút Chesterfeld
tôi thì ngày nào cũng đi bộ, ghé Starbucks
ngồi nhìn trời nhìn đất, đất anh ở và rừng anh thở [1]
trời chiều thứ hai nhiều mây sau cơn mưa nhỏ
trở về trên con đường mòn xanh rêu
gió se lạnh, mặt hồ trong, hai con quạ đen sà xuống
rồi bay đi, mấy con sóc lên ăn nhả xuống đầy đọt cây non
có xác con ve nằm chết tội nghiệp
 
lâu rồi không nghe tiếng ve lâu rồi không thấy hoa phượng đỏ
em chở mùa hè của tôi đi đâu
câu thơ Đỗ Trung Quân ngày chưa vẽ tranh
nhiều và hay như bây giờ hay đăng trên tienve.org
và Nguyễn Xuân Hoàng ơi hãy nghe lại giọng hát
Lệ Thu bạn yêu thích tôi cùng yêu thích để thấy lao xao biển xanh…

Virginia, Aug. 19, 2013
Đinh Cường 

[1] đất anh ở và rừng anh thở
     sáng anh đi chiều lại trở về
     rừng vi vút những đêm gió thổi
     bóng anh chìm với bóng hư vô
( Phạm Cao Hoàng - Nhớ Cúc Hoa – Mơ Cùng Tôi Giấc Mơ Đà Lạt, trang 142
  Thư Ấn Quán - Hoa Kỳ xuất bản 8 - 2013 )

Saturday, August 17, 2013

THƠ NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH


Hư ảo thu
 



Dường như tôi nghe
Anh đang chờ mùa thu
Nhẹ như cơn gió thoảng
Anh đang chờ mùa thu
Âm man mác buồn. Chờ
Vẽ ra trong nắng bỏng. Ánh mắt im, xa vắng
Chờ một người quen lâu lắm chưa về
Chờ…

Dường như đã lặng gió rồi, mùa cũ
Hôm nay ai quăng viên cuội xuống mặt hồ
Âm âm
Anh đang chờ mùa thu
Xuyến xao vòng nước
Hư huyễn lời thầm thì
Ảo ảnh một người. Có thể đã ngồi đấy, và nói
Anh đang chờ mùa thu

Dường như có ai vừa gọi tôi
Mùa thu tràn dưới phố
Dường như tôi vừa ngoảnh lại
Sợi tóc nào ngược gió
Như tôi vừa trở về
Mùa cúc quỳ hư ảo
Màu vàng ngập hết chiêm bao

Mùa thu 2012
NTKM

TẢN MẠN BÊN TÁCH CÀ PHÊ


Mùa hè,
những cánh diều tuổi thơ,
ve sầu & cà rem

Nguyễn Xuân Thiệp
 
 
Mùa hè là niềm vui bất tận của tuổi thơ.
Thời Nguyễn tôi còn nhỏ, ở xóm cây bàng Vương Phủ ấy, thú vui trong mùa hè là do mình tự tìm ra -gồm thả diều, đá banh trên cánh đồng làng Lại Thế, đi bắt dế, bắt ve, chơi trò chơi đá cỏ, đuổi theo những sợi tơ trời bay lững thững trên cánh đồng, đêm trăng ngồi ăn bắp rang nghe chuyện cổ tích, tắm sông và lội qua sông bẻ trộm bắp, đàn hát, đọc Truyền Bá và Sách Hồng… Thời ấy không có TV, ciné thì chỉ thỉnh thoảng mới được đi mà thường là đi cọp, nghĩa là bám đít người lớn hoặc là rình chờ hễ thằng soát vé lơ đễnh là nhào vô (có lần Nguyễn tôi bị đá đít đuổi ra).  

   Vâng, thú vui mùa hè của lũ nhỏ ngày xưa chỉ có bấy nhiêu, nhưng vui thiệt là vui. Sáng tinh mơ, chờ nắng lên, là bắt đầu một ngày đầy ắp niềm vui. Chẳng thằng nhóc hoặc cô bé sún răng nào thèm bận tâm tới việc đi học hè như bây giờ. Bây giờ thì khác. Các cô bé, cậu bé ngày nay có đồ chơi đầy nhà, rồi nào cầu tuột, xích đu, games, chương trình TV, lại thường xuyên được cha mẹ cho đi ăn kem, đi hồ bơi, sân bóng và vui đùa ở công viên hay nghỉ hè ở bãi biển v.v… Có điều là các bé bây giờ bị bắt học nhiều quá. Mới nghỉ hè chừng đâu một hai tuần là phải đi học thêm.
   Và giờ đây, mùa hè sắp vãn và mùa thu sắp tới. Ngày sẽ nhạt nắng và mưa gió sấm chớp kéo tới chấm dứt những cơn vui mùa hè của tuổi thơ. 
   Mùa hè sắp vãn, khiến Nguyễn tôi không dằn lòng được phải nói thêm lần nữa về những thú vui của mùa hè. Tất nhiên, những thú vui được nói đến ở đây là của tuổi thơ ngày trước, thời của Nguyễn và những vị lớn tuổi đang đọc bài này. Trước hết là thả diều. Thả diều là điều thích thú vô biên, nó đưa tuổi thơ vào thế giới của truyện thần tiên, lại còn gợi cảm hứng về nghệ thuật và khoa học. Ở Việt Nam, và các nước trong vùng châu Á gió mùa, thả diều là thú vui phổ biến trong mùa hè. Sang Mỹ, những năm đầu Nguyễn tôi không thấy con diều giấy nào cả ở miền quê Oklahoma và ngay trên những cánh đồng cò mênh mông của xứ Texas. Chỉ thỉnh thoảng bắt gặp nó trong những trang sách tuổi thơ, và Nguyễn nghĩ rằng diều đã tuyệt tích trên xứ sở này. Nhưng không. khi cùng gia đình đi chơi vùng biển Galveston, Destin, Nguyễn mới thấy vẫn còn những con diều giấy và trẻ con Mỹ cũng rất thích chơi diều. Tuy nhiên, các ông bố Mỹ không phải nhọc công ngồi vót tre, đắp giấy, xe dây như Nguyễn tôi thuở nào. Bây giờ, ở Mỹ đơn giản lắm, chỉ cần vào một tiệm bán đồ chơi trẻ con là có ngay.
    Cánh diều tuổi thơ, hay ước mơ thời bé dại, bao giờ cũng đẹp. Thế giới tuổi thơ toàn những chuyện tốt lành. Công chúa bị con chằng tinh bắt về giam trong hang, cuối cùng sẽ được Thạch Sanh đến cứu. Gã tiều phu hiền từ, tốt bụng sẽ được ông Tiên hay ông Bụt giúp đỡ. Cô bé lọ lem rồi sẽ gặp được hoàng tử của đời mình. Nghĩa là, trong trí tưởng trẻ thơ, ở hiền sẽ gặp lành, những người hiền lương dù có gặp gian nan hoạn nạn, chung cuộc đều được bình yên, sung sướng.
   Như vậy đó, cánh diều của buổi ấu thời. Và Trịnh Công Sơn cũng có một cái nhìn thật bao dung trong bài "Ra Đồng Giữa Ngọ”. Ở đây, Nguyễn tôi chỉ xin dẫn lời của bạn ta Trần Hữu Thục (tức nhà văn Trần Doãn Nho) trong “Tác Giả-Tác Phẩm-Và Sự Kiện”: "(Bài hát) Chỉ có ba hình tượng: thằng bé, con diều giấy và yêu tinh. Bài hát giản dị lập đi lập lại như một câu chuyện vui. Giữa trưa đứng bóng, một thằng nhỏ (là Tôi, là anh, là em, là con người) mang diều ra thả giữa đồng. Trong khi bay cao, con diều bỗng gặp một khuôn mặt yêu tinh. Thay vì tranh chấp, đấu đá, chúng cùng bay lên cao giữa thinh không với nhau. Câu chuyện kết thúc đơn giản, rất đơn giản:

Thằng bé xinh xinh ra đồng giữa ngọ
Ngờ đâu hội ngộ tan giữa hư không.
... tan trong cội nguồn

   Vâng, tan giữa hư không. Cả thằng bé. Cả con diều. Cả khuôn mặt yêu tinh. Cả em, Cả tôi. Cả Cõi thế. Tất nhiên, tất cả: tan trong cội nguồn."
   Thật là đẹp. Thật là lý tưởng. Không còn xấu tốt, thiện ác nữa. Cánh diều tuổi thơ cũng như con yêu tinh. Tất cả, như chúng ta và cõi thế gian này, rồi đều trở về thế giới nhất nguyên, nghĩa là trở về cội nguồn. Lập ý như thế là cao siêu. Thế nhưng, đã có lúc Nguyễn tôi không chia sẻ cách nhìn như vậy, nên đã nêu câu hỏi: Liệu trong cuộc đời này, con yêu tinh có để yên cho cánh diều non nớt, hiền lành giỡn bay trong gió? Con sói già có dung tha cô bé quàng khăn đỏ không? Biết bao ước mơ, mộng tưởng trong sáng hồn nhiên đã tan vỡ, đã bị giết chết (như cô bé quàng khăn đỏ) nếu chúng ta không làm gì để bảo vệ những ước mơ, những mộng tưởng ấy. Đâu có yên bình, hòa hợp như bạn tôi Trần Hữu Thục nói: “Thay vì tranh chấp đấu đá, chúng cùng bay lên cao giữa thinh không với nhau!” Nhưng thôi, hãy cứ tạm hiểu như thế này: Nhạc sĩ muốn xây dựng một hình ảnh trong mơ, đem cái đẹp của mộng tưởng ra để đối chiếu với cái ác trong lòng chế độ và ở giữa đời này. Bây giờ thì Nguyễn tôi đủ bao dung để không làm vỡ mất hình ảnh lý tưởng trong bài nhạc và trong tâm trí trẻ thơ.

   Tạm ngưng chuyện diều để nói chuyện ve. Có một thời, lúc mới qua Mỹ, Nguyễn tôi cứ nghĩ là ở xứ này không có bông sen, bông súng và con ve sầu. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau là Nguyễn được "sáng mắt sáng lòng". Trước hết là về bông sen, bông súng. Bông sen thì được nhìn thấy ở Orlando, Florida. Cả một hồ sen rộng của anh Trần Đệ, nhà báo. Bông súng thì được nhìn thấy ngay tại Garland này trong một ao súng của vườn nhà người ta. Nghe nói anh Lương Thư Trung đi đâu cũng trồng ao bông súng đẹp lắm, Nguyễn tôi những ao ước tới đây về Houston chơi sẽ ghé thăm.* Thế còn ve sầu? Lần đầu tiên Nguyễn tôi được nghe tiếng ve là ngay tại Dallas này, ngay sau tòa soạn báo VN Weekly ngày trước. Lần khác tại vườn nhà trong rừng của Triều Hoa Đại ở Jacksonville, FL.

   Tiếng ve kêu mùa hè? Theo Nguyễn, không ở đâu nhiều ve bằng ở Huế. Cũng không ở đâu ve kêu to và ngân vang như trong những khu vườn nhãn, vườn chùa ở Huế. Như một dàn đại hợp xướng vậy đó, cứ nơi này dứt tiếng là nơi kia trỗi lên. Có ông thi sĩ Trần Dạ Từ làm chứng đấy nhé, bởi vì ông đã viết một kỷ niệm thời trẻ ở Huế như thế này: Lần đầu ta ghé môi hôn / Trăm con ve nhỏ hết hồn kêu vang… Hôn ai, ở đâu, chỉ có trời và một người nữa biết thôi.
   Vâng, nói về ve, thì Nguyễn cũng như các bạn đều có nhiều kỷ niệm. Tuy thế, hiểu biết về ve, đặc biệt ve tại Mỹ, thì có ít người. Sau đây là một đoạn văn tình cờ nhặt được trên lưới, xin gởi đến các bạn thích ve (con ve thôi nhé) để thưởng thức:
   "Là một trong những biểu tượng của mùa hè cho dù là ở Việt Nam hay ở Mỹ. Tiếng ve ngân thường được dùng báo hiệu mùa hè trong tuồng kịch câm của Nhật. Trong một cuốn tiểu thuyết xưa nhất của Nhật, vào khoảng thế kỷ 11, gọi là The Tale of Genji, nhân vật chính là một ông vua thường ngắm người cung phi yêu dấu của mình trút bỏ tấm áo choàng lụa và so sánh với hình ảnh con ve trút bỏ cái vỏ của nó. Ve cũng là đề tải của nhiều bài thơ haiku của Nhật., Trong truyện Tây Du Ký của Trung Hoa, nhân vật Đường Tăng cũng được ví với hình ảnh con ve màu vàng, theo đó bao nhiêu lần con ve lột xác là tượng trưng cho bay nhiêu lần Đường Tăng thoát được những ý niện giả tướng để trở thành giác ngộ hoàn toàn.
   Tiếng ve kêu vang rền phát ra từ đôi cánh của các chú ve treo mình trên các thân cây kéo dài trong suốt mùa hè. Có trên 2,500 loại ve sầu trên thế giới. Các loại ve ở Mỹ có thể xếp thành 2 loại: loại có tuổi thọ 13 năm và loại có tuổi thọ 17 năm. Mặc dù đời sống dài như vậy, từ giai đoạn trứng được đẻ trong đất, qua giai đoạn ấu trùng rồi trưởng thành, chúng chui ra khỏi hang và bay ra không khí, cất tiếng kêu vang, phối giống chỉ có 2 tuần lễ rồi chết. Mỗi một mùa hè như vậy trên thế giới có hàng tỉ con ve chết đi để rồi năm sau một số khác lại ra đời.
   Đấy, ve sầu là vì thế. Nó sầu vì thời gian ca hát quá ngắn. Tội nghiệp là thế, vậy mà ông La Fontaine nỡ chê trách nó là lười biếng, không biết “tích cốc phòng cơ” như con kiến. 

này em có nghe tin
hằng hà sa số những con ve sầu
sau mười bảy năm ngủ vùi trong lòng đất
sắp sửa chui lên
suốt một dọc từ georgia tới new york
và sẽ ca hát trong mùa hè này
cho tình yêu
của chúng ta

   Đoạn thơ trên Nguyễn viết cho cô Camille khi đọc bản tin của đài VOA cách đây hơn tháng: Ve sầu sau 17 năm vắng tiếng sắp trở lại dọc duyên hải miền đông nước Mỹ. Vài tuần lễ trước khi xuất hiện, chúng đào các “đường hầm” để thoát lên mặt đất. và sẽ bắt đầu say sưa ca hát và giao phối vào lúc tái tục chu kỳ đời sống lạ lùng của chúng. Hàng tỷ con ve sầu đó, với thân hình màu đen nổi bật, và cặp mắt đỏ hoe, những cái cánh có gân mầu da cam, sẽ cất lên điệu sầu ca của chúng dọc theo khoảng 900 dặm bờ biển từ miền bắc tiểu bang Georgia cho đến phía bắc tiểu bang New York. Tin khoa học cho biết chỉ những chú ve đực biết ca hát đề rù quyến những o ve cái. Đời sống của loài ve trên mặt đất này chỉ có 6 tới 8 tuần lễ thôi. Chúng sẽ chết sau khi đẻ trứng gởi vào lòng đất, cỏ cây để chờ 17 năm sau tiếp nối giòng ve miên viễn.
   Thông tin về loài ve định kỳ này (gọi là periodical cicadas) trên Wikipedia, the free encyclopedia ghi nhận thêm như sau: Loài ve magicicada là chủng loại ve ở miền Đông Nước Mỹ có chu kỳ từ 13 tới 17 năm để sinh trưởng. Suốt thời gian dài dằng dặc đó chúng cuộn mình nằm dưới đất, sống bằng nhựa của rễ cây rừng. Sau 13-17 năm, con nhộng ve đã trưởng thành tìm cách chui lên hàng đàn hàng lũ và tiếp nối đời ve làm những ca nhân của mùa hè.
   Có ít nhất 15 lứa ve như thế trên nước Mỹ, một vài giống xuất hiện đúng định kỳ 17 năm, những chủng loại khác 13 năm. Hằng năm, hết lứa này tới lứa khác, chúng xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau vào những thời điểm khác nhau tại nửa phần phía Đông của Hoa Kỳ. Những giống khác xuất hiện mỗi mùa hè. Texas và Oklahoma là hai tiểu bang xa nhất của miền Tây có dịp nghe tiếng ve ca hát khi mùa hè hạ cánh. 

   Bây giờ xin được nói về cà rem. Cà rem có từ lúc nào? Lẽ ra trước hết phải hỏi: Lần đầu tiên các bạn ăn cà rem là lúc nào? Riêng Nguyễn tôi thì được ăn lần đầu ở Huế. Hồi đó nhà nghèo lắm, dễ gì có tiền mua cà rem. Một hôm Nguyễn cùng mấy thằng cousins kéo nhau đi xem đua xe đạp -xem cọp, cố nhiên- ở sân vận động lòng chảo gọi là stade. Cả bọn tụ họp tại nhà ông chú gần đó và được Cu Thư kêu ông bán kem vào đãi cho ăn mỗi đứa một ly (cả đại gia đình nhà Nguyễn, con trai đều có chữ Cu đứng đầu tên, do đó đôi khi viết bài, Nguyễn tôi xưng là Cu). Trời, ăn vào mát cả ruột gan, thơm ơi là thơ, sao mê thế! Còn em, hồi nhỏ mẹ cho được đồng nào là chạy ra đầu ngõ mua kem. Kem đậu xanh, đậu đỏ, đôi khi chỉ có chút si rô và nước đá. Vậy mà sướng rem mé đìu hiu. Bây giờ lớn rồi, thành bà rồi, có bao giờ em nhớ những cây kem đầu tiên trong đời? Riêng thầng con trai của anh, chắc nó không thể nào quên được cây kem mà nó đã mút chung với con bé Anh Đào hồi nhỏ ở Đà Lạt.
   Và đây là chút "tư liệu" về người đầu tiên chế ra cà rem cây, xin gởi đến em và các bạn "để tường": Theo bản tác quyền đăng ký chính thức, cà rem cây (popsicle) được phát minh bởi một em bé 11 tuổi tên là Frank Epperson. Lúc đó em gọi cây cà rem là Epsicle. Một lần tình cờ em bỏ quên lon nước trái cây ở ngoài cổng nhà với một cái que để khuấy nước ở trong lon. Vì trời lạnh, nước trái cây đông lại với cái que dính vào đó. Khi lấy vào ăn em thấy ngon và thích lắm. Tới 18 năm sau, Epperson nộp đơn xin tác quyền cho phát kiến này và gọi nó là Epsicle ice pop và trẻ con dần dần kêu là Popsicle. Vào năm 1925, Frank Epperson bán bằng sáng chế lại cho Joe Lowe Company of New York. Lúc đầu, Popsicle được làm với que bằng gỗ birch, sau này được làm bằng nhiều vật liệu khác.  

   Tới đây, xin nói với mùa hè sắp đi qua: Sẽ không bao giờ Nguyễn tôi quên những cánh diều, đàn ve sầu ở Huế và ly kem lạnh đầu đời. 

NXT