Monday, March 18, 2013

tản mạn bên tách cà phê


NGUYN XUÂN THIP

Người nghệ sĩ thành Sarajevo 



  

  
Tôi yêu Sarajevo, bởi tôi yêu Sài Gòn. Thật ra giữa hai thành phố không có nhiều điểm tương đồng. Sài Gòn mới có mặt hơn 200 năm, còn Sarajevo là thành phố cổ được mệnh danh là Jerusalem của Châu Âu (Jerusalem of Europe). Sài Gòn nằm giữa bình nguyên còn Sarajevo được dãy núi Dinaric Alps bao quanh, với con sông Miljacha xanh biếc. Nơi đây, qua nhiều thế kỷ các tín đồ Hồi giáo, Thiên Chúa Giáo và đạo Do Thái sống chan hòa với nhau.
Mặc dầu không có những điểm tương đồng nhưng với trí óc mơ mộng của Tim này thì Sarajevo và Sài Gòn dường như cùng chung một nhịp thở. Cứ cho là thế đi bởi đâu có gì ngăn cách giữa hai vùng trời. Cả hai từng trải qua chiến tranh, Sài Gòn với những cuộc pháo kích của Cộng quân và Sarajevo cũng đã bị đổ nát và chết chóc do đạn pháo ngày đêm của quân Serbia vào năm 1992. Gần đây, nhìn lại những nhà cửa, phố xá, những ngõ hẻm và quán cà phê của Sarajevo, Nguyễn này chợt thấy nhớ Sài Gòn chi lạ.
Vậy xin cho được giữ nguyên câu mở đầu: Tôi yêu Sarajevo bởi tôi yêu Sài Gòn. Tôi còn yêu Sarajevo vì nơi đây có người nghệ sĩ mang một tâm hồn lớn.

   Đó là nhạc sĩ Vedran Smailović. Ông sinh ngày 11 tháng 11 năm 1956, đã từng chơi trong Dàn nhạc Opera Sarajevo, Sarajevo Philharmonic Orchestra, The Symphony Orchestra RTV Sarajevo và Nhà hát Quốc gia Sarajevo.
   Sau khởi đầu cuộc chiến 1992 , như hàng trăm ngàn thường dân khác phải chịu đựng cuộc bao vây Sarajevo, Vedran Smailović đã sống sót qua mùa đông lạnh giá, sự thiếu thốn nước, lương thực, những đợt pháo kích liên tục và bắn tỉa trên đường phố.
   Paul Sllivan viết trên Reader’s Diget số  tháng 4. 2013 ghi lại: Trong suốt 22 ngày, sau cái ngày kinh hoàng 27 tháng 5. 1992,  Smailović quyết định chơi đàn cello để tưởng niệm 22 thường dân bị đạn pháo giết khi đang xếp hàng mua bánh mì ở trung tâm Sarajevo. Ý nguyện của ông là dùng âm nhạc mang thông điệp hòa bình và bác ái đến tận nơi đang diễn ra điêu tàn và chết chóc. Mỗi ngày, cứ khoảng từ 4 giờ chiều, Vedran Smailovic khoác bộ áo trình diễn, mang theo cây Cello bước vào vùng đạn pháo. Ông ngồi trên một tảng đá của tòa nhà đổ nát, kéo đàn tưởng niệm những người đã chết. Đó là khúc bi ca Albinoni’s Adagio in G. Minor não nuột. “Tiếng nhạc của ông văng vẳng trên con đường không người qua lại, trên những chiếc sườn xe cháy dở vọng qua các vách tường nhà cháy đen vang dội đến tai những người dân khốn khổ đang tránh đạn trong hầm nhà khi hai bên đang giao tranh. Gạch đá bay tứ tung chung quanh nhạc sĩ  Smailovic. Ông vẫn ngồi yên đánh đàn tin rằng tiếng nhạc từ cây đàn của ông đang nói với những kẻ không may rằng tình người vẫn còn đây, văn minh nhân lại vẫn còn và hòa bình sẽ trở lại. Điều kỳ lạ là giữa bom đạn ông không hề bị thương tích”.








   Hành động của Vedran Smailović đã gây xúc động cho  nhiều người trên thế giới. Nhà soạn nhạc David Wilde đã viết một nhạc phẩm độc tấu cho cello mang tên "The cellist of Sarajevo" (Người chơi cello của Sarajevo) để vinh danh Smailović. Tác phẩm của David Wilde được Yo-Yo Ma diễn tấu tại Đại hội Quốc tế về đàn Cello (International Cello Festival) ở Manchester, Anh quốc năm 1994. Paul Oneil, thành viên của ban nhạc Savatage cũng cho biết hành động can đảm của Smailović là nguồn cảm hứng cho bài hát "Christmas Eve/Sarajevo 12/24" của nhóm này. Ca sĩ nhạc folk John McCutcheon cũng đã viết một bài hát dành tặng ông, với tên gọi "In the Streets of Sarajevo" (Trên những con đường của Sarajevo).
   Smailović cũng được biết đến bởi việc nhiều lần biểu diễn miễn phí cho những đám tang dù biết rằng quân Serbia thường lấy đó làm mục tiêu.
   Ông đã trốn thoát khỏi thành phố bị vây hãm vào cuối năm 1993, và từ đó đã tham gia nhiều dự án âm nhạc với vai trò người biểu diễn, sáng tác và nhạc trưởng.
    Smailović hiện đang sống ở Bắc Ireland.




    Buổi diễn tấu của Yo-Yo Ma được Paul Sullivan thuật lại như sau: “Nhạc sĩ  Ma bước lên sân khấu, nghiêng mình chào khán giả và  ngồi xuống trên chiếc ghế. Ông kéo vài nốt nhạc. Âm thanh vang tỏa trong hội trường im phăng phắc làm cho không khí trở nên âm u, hoang vắng cách kỳ lạ. Chậm rãi, chậm rãi … tiếng đàn trở nên tha thiết, khổ sở, ai oán làm cho cử toạ dường như ngừng thở lắng nghe. Rồi tiếng đàn dịu xuống… lóc cóc lóc cóc … như tiếng một chiếc xe thổ mộ đang chạy qua một bãi tha ma, rồi … im bặt.
    Tiếng đàn ngưng. Yo-Yo Ma hơi nghiêng mình trên chiếc đàn, phím đàn còn gác trên dây. Hội trường im phăng phắc như chưa hoàn hồn sau khi chứng kiến một cuộc tàn sát.
    Ma bỗng ngẩng đầu, đưa cánh tay ra như mời ai đó trong đám cử tọa bước lên sân khấu. Một dòng điện truyền qua cơ thể của 600 con người khi cử tọa nhận ra người được mời chính là nhạc sĩ Vedran Smailovic.
    Nhạc sĩ Smailovic đứng dậy, theo đường giữa hai hàng ghế bước lên sân khấu trong khi nhạc sĩ Ma bước xuống. Hai nhạc sĩ, không một lời, ôm chầm lấy nhau khóc sướt mướt giữa tiếng vỗ tay, hoan hô, la ó tán thưởng của cử tọa. Yo-Yo Ma trong bộ đồ nhạc sĩ biễu diễn tươm tất, trong khi Smailovic bình dị trong chiếc áo da loại dùng để cỡi xe hai bánh đi đường xa. Tóc ông dài, râu rậm, khuôn mặt khắc khổ già trước tuổi. Nước mắt tràn mi ông không giấu được nỗi đau thương chưa xóa nhòa mới hai năm trước, và giờ phút đó còn tàn phá quê hương ông.”
(Tổng hợp)

NXT

No comments:

Post a Comment