Nguyễn Anh Khiêm
Night Birds
20
Một người bạn thuộc loại rất tử tế trách
tôi sao lại viết phải chi ba tôi bớt yêu nước đi một chút, hẳn má tôi đã đỡ khổ
và đời sống chúng tôi cũng khác nhiều. Tôi nói với anh mình thành thật nghĩ vậy
chứ chắng có ý khôi hài hoặc chọc giận ai hết. Tôi ngạc nhiên mấy ông bạn nồng
nàn yêu nước của tôi cứ triền miên kỳ khu lục tìm tài liệu, chứng cứ lịch sử
bốn ngàn năm dựng nước của tổ tiên Việt tộc, có đủ bằng cớ rằng họ Lý họ Trương
Việt Nam không dây dưa gì tới họ Lý họ Trương người Tàu. Hình như vừa có người
công bố bằng cớ mười mấy ngàn năm trước Việt tộc đã có chữ viết! (Trong khi một
ông bạn khác nhắc tôi, cùng thời điểm người Pháp xây nhà thờ Notre Dame thì vua
nhà Lý của ta còn ra vườn sau chặt lá chuối thọc huyết heo đánh tiết canh). Tôi
không nghĩ một dân tộc có lịch sử lâu đời thì văn minh hơn một dân tộc mới mẻ.
Điều quan trọng là quốc gia chứ không phải chủng tộc. Chứng tỏ mình lâu đời và
thuần giống nhất thiên hạ làm gì trong khi người ta tạp chủng, mới lập quốc
nhưng đang chót vót đỉnh trời mà mình mấy ngàn năm gốc gác, dân tình nay vẫn
lao tác như nô lệ, tâm tính mất sạch đức làm người, ngụp lặn trong bùn đất thấp
hèn, “vô sản” thứ thiệt từ vật chất tới tinh thần. Có khi ta nên giấu đi bớt
lịch sử lâu đời của mình để đỡ xấu hổ với và cho tổ tiên, không chừng nhẹ lòng
hơn. Biết bao nhiêu ức thuyết về nguồn gốc tộc Việt, xem ra chẳng ai vô lý hoàn
toàn. Dòm đi dòm lại thấy điều chắc chắn nhất, bởi sống trên dải đất gầy guộc
đời đời hì hục chống đỡ thiên tai, túi bụi đối phó địch họa trên dải đất cằn
ven biển, lại là cửa ngõ giao thương người qua kẻ lại, dân tộc Việt không làm
gì giữ được thuần giống, không làm gì thoát được lai tạp. Văn hóa, ngôn ngữ
cũng pha trộn tứ tung, hiếm có cái gì của riêng ta, chẳng nên tự ái tìm tòi kỳ
khu chứng thực, chẳng hạn, truyện Kiều hoàn toàn là sáng tác của Nguyễn Du,
người Tàu cóp lại cả cốt truyện chứ Tiên Điền tiên sinh không “mượn” của ai
hết. (Làm như cãi vậy khiến truyện Kiều hay hơn chăng?).
Nói chuyện lòng yêu nước, tôi không khỏi
không kính phục quan điểm của Vaclav Hável, một intellectual hero đất Tiệp. Đâu
đó có lần ông bảo rằng thật ra nước Tiệp của ông có hơn gì nước Ba Lan nước Pháp
kế bên mà phải yêu mến tự hào bất tận về nó cho cố. Chẳng qua ông sinh ra trên
đất Tiệp thì có bổn phận làm điều gì ích lợi cho dân Tiệp, trong khả năng mình
có thể, giúp họ sống sao cho ra con người, nghĩa là được hưởng quyền lợi vật
chất, tinh thần -nhất là tinh thần, cụ thể là tự do, dân chủ như mọi con người
văn minh đang thụ hưởng. Chẳng tìm được lý do nào để cam chịu rằng đất nước ông
chưa xứng đáng được hưởng quyền con người toàn nhân loại đã vươn tới. Ông không
xem trọng chức vụ chính trị, thủ tướng tổng thống các thứ, ông ngại chuyện lãnh
tụ anh minh, ai hỏi gì ông cũng xưng mình chỉ là một kịch tác gia thôi, tổng
thống chỉ là món nợ. Tôi yêu mến dân tộc Tiệp Khắc qua tư cách tuyệt vời của
ông. Còn nhớ năm 1969, báo Văn ở Sài Gòn phát hành số chủ đề kỷ niệm cuộc vùng
dậy đòi tự do mùa thu 1968 vang dội của người dân Tiệp Khắc. Phần giới thiệu
chủ điểm của tờ báo có đoạn như sau: “Trong đám đông, trước họng súng, hoặc
trèo lên xe tăng Nga vẫy cao lá cờ tam tài của Tiệp Khắc, đó là hình ảnh người
đàn bà thành Prague trong những ngày sôi động mùa thu năm ngoái.
“Khuôn mặt tái và đẹp trong cơn giận dữ
và lòng can đảm của họ, ráo riết và quyết liệt. Vâng, quả là nàng có mặt, người
đàn bà thành Prague đó; và giờ đây, các tượng, đài kỷ niệm đã có được ý nghĩa,
thì tôi hy vọng rằng một ngày kia một đài kỷ niệm sẽ dựng lên cho nàng- tại
Prague. Nàng da trắng, mảnh mai, đam mê, rất là không cuồng tín, nhưng mãnh
liệt, tràn đầy nhiệt khí. Nàng muốn sống…”(Đọc đoạn này không khỏi không nhớ
tới hình ảnh chàng thanh niên, cũng vô danh như người phụ nữ Tiệp nọ, một mình
lẫm liệt chặn đường tiến của xe tăng
trên quảng trường Thiên An Môn – Ôi, những chiếc xe tăng đen thui lù lù khốn
kiếp sau đó nghiền nát bao tuổi thanh xuân trên quảng trường – hay chiến trường
- ngập máu! Nghĩ mà rung rợn. Thiên An Môn ngày nọ toàn tinh túy của đại hoc
Thanh Hoa, Bắc Kinh, ai vào học ở đó mà không phải con cháu của tầng lớp tư sản
đỏ cầm quyền. Máu xương của đám thanh niên ưu tú của chính họ cũng chẳng là gì
với sự cai trị vững bền của Đảng, huống chi máu và nước mắt của ngư dân Thanh
Hóa, Quảng Ngãi, của Việt tộc…có là gì nếu không phải chỉ chuyện giỡn chơi nhẹ
hẫng.)
Hình ảnh người đàn bà thành Prague trong
đôi mắt của người chứng Heinrich Boll tráng lệ và uy nghi vậy đó.
“Các anh ở Prague giờ chắc cũng qua đêm.
Nếu chỉ nói thầm mãi sao chịu nổi…”
Thơ Hoàng Bảo Việt diễn tả nỗi xúc động
của người nghệ sĩ ở khắp nơi trên thế giới. Tin tức mấy ngày gần đây cho biết
nhân dân Tiệp Khắc đang âm thầm chuẩn bị một cuộc biểu tình vĩ đại để kỷ niệm
ngày ghi dấu năm thứ nhất thủ đô Prague bị chiếm đóng. Sẽ không chỉ nói thầm.
Sẽ có tiếng thét – những tiếng thét tự do, gào lên từ những trái tim uất hận!
Trong tiếng gào thét long trời lở đất đó sẽ có tiếng người đàn bà thành Prague,
nhỏ bé nhưng lảnh lót và ngân vang, cao và xa, say mê và quyến rũ.
Một ngày nào đó, gần đây thôi, chắc chắn
thế, sẽ có tượng người đàn bà thành Prague trong những quảng trường lừng danh
qua thơ văn Apollinaire, Kafka, Brecht…Bức tượng như di tích lịch sử, là hình
ảnh người đàn bà thành Prague leo lên xe tăng quân xâm lược, phất cao ngọn cờ
đối kháng, ngọn cờ tự do…
Tờ báo hơi lạc quan. “Gần đây thôi” của họ
là phải gần phần tư thế kỷ sau bao nhiêu máu và nước mắt, Vaclav Hável mới đưa
được dân tộc ông đến bến bờ tự do và dân chủ. Cũng là cơ may chớ lúc bấy giờ,
Đông Âu muốn thoát khỏi đế quốc CS Nga cũng chỉ là viễn tượng của mộng mơ dông
dài mà thôi. Bởi vậy, nói về khát vọng ấy, Võ Phiến liên tưởng thật hóm hỉnh:
Ví
dù tình bậu muốn thôi
Bậu
gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra
Bậu
ra cho khỏi tay ta
Cái
xương bậu nát cái da bậu mòn
Tình thật, tôi thấy rất khó gần những
người vốn chỉ cuồng tín Chúa của mình, Phật của mình…mà tuyệt đối phủ nhận đạo
giáo của kẻ khác. Tôi lớn lên trong không khí khắt khe của đạo Tin Lành, trong
lúc học Kinh Thánh, thường nghe tín đồ thảo luận về đạo Thiên Chúa La Mã, cùng
tin Chúa nhưng họ cho rằng Công giáo cũng chỉ tà đạo, như nhiều hệ phái Cơ đốc
khác, họ không làm theo kinh thánh nên sẽ không được cứu! Phải chăng Tin Lành
Alliance hiện nay hoàn toàn và tuyệt đối thi hành đúng Thánh kinh?
Tôi không bao giờ quên đôi mắt buồn của
ông nội tôi mỗi lần lúc nhỏ, tôi về nội ăn đám giỗ tổ tiên mà không ăn đồ cúng
nên bà phải để riêng cho chúng tôi vài thứ. Không khí ghẻ lạnh, như chúng tôi
là người xa lạ mặc dù bấy giờ, tôi là cháu đích tôn duy nhất. Ông ơi, bà ơi,
cháu buồn bã biết bao nay nhớ lại buổi ngày ngây thơ nọ. Đã đành mê tín nhảm
nhí thì không nói làm gì chứ các giới luật này nọ của các tôn giáo cũng chỉ con
người bày đặt, cứ mà tuyệt đối tuân thủ khiến người ta sống đạo đờ đờ đẫn đẫn sao
ấy. Những cải biến của công giáo gần đây chứng tỏ sự tương đối của giới luật.
Bạn bè theo Phật của tôi nhiều người giữ ngày chay tịnh quá kỹ, tôi chẳng dám
nói họ lẩm cẩm. Nghĩ vậy nói vậy chớ cũng không chắc gì mình đúng hơn ai, có
điều lần lần mới thấy cuồng tín tôn giáo, cuồng tín học thuyết, chủ nghĩa này
nọ nếu không nhiều ít mắc chứng tâm thần thì cũng cố tình lợi dụng, chỉ tổ gây
thảm kịch cho nhân loại, lợi ích chăng chỉ là cho nhóm người ít oi hoặc cá nhân
ma mảnh, gian xảo khai thác lòng tin mù quáng hạng nông nổi mà thôi. Không rõ
hằng ngàn thanh niên Bắc hà tràn qua sông Thạch Hãn vào thành cổ Quảng Trị để
rồi loe hoe ít người quay được trở lại bờ Bắc, có mấy người là con cán bộ cao
thấp đầy lòng yêu nước?
Tôi còn ngờ và sợ hơn nữa những anh ngày
trước trốn quân dịch nhưng nay bỗng say sưa yêu nước. Ngao ngán những lãnh tụ
sinh viên tranh đấu của phong trào đô thị ngày nọ nay ngậm câm giữ ghế, mặt mo
nang trôi sấp láng lẩy và bụng mỡ chảy tràn che lấp thắt lưng, đêm đêm xuất
hiện họp hành ghi ghi chép chép trên TV. Tôi chẳng sáng suốt hơn ai nhưng vẫn
dè chừng các bậc đế vương, các vĩ nhân nổi danh yêu nước. Cũng chỉ vì họ yêu
nước quá đâm ra không còn chỗ để yêu con người nên gây bao nhiêu thảm cảnh bất
tận cho dân nghèo ít học. Làm sao khỏi nghĩ thật ra họ chỉ dùng lòng yêu nước
của người ta để dựng nghiệp lớn cho triều đại, cho chế độ “ưu việt” thiết lập
bằng máu xương thiên hạ. Làm sao thuận lý thuận tình tin được họ yêu nước,
trong khi mọi hành động, rõ ra ai cũng thấy, họ không một chút yêu dân! Chưa có
chữ nào trong từ vựng tiếng Việt bị khai thác mòn tận mạng bằng các từ huyền
thoại đồng bào, bà con, nhân dân ta…Lúc nào cũng đồng bào ta, bà con ta… mà nhà
thì liên miên mất, đất cát thì tiêu ma. Ông bạn Lâm H Tài kể đi kể lại chuyện từ
trước 30/4 cô bác ông đi định cư nước ngoài, làm đầy đủ giấy tờ cho ông căn nhà
trên đường Trần Hoàng Quân, nay là Nguyễn Chí Thanh. Trong một đợt kiểm kê rầm
rộ, toán cán bộ vào nhà, một ông nói giọng xứ Nghệ dịu dàng và thân thiện:
- Xin cho xem giấy tờ nhà mình nhé!
- Xin ghi số điện thoại nhà mình vào đây…
Ông Tài bảo có sai đâu. Nhà mình tức là nhà
của mấy ông đó, họ cho biết trước chớ có giấu giếm gì đâu. Ổng sợ đại từ mình
tiếng Việt từ ngày đó. Nó hàm hồ, hàm
nghĩa hơn tính từ, mới ghê. Nó mật thiết tới lạnh sống lưng. Thật không
dễ dịch sát nghĩa mấy câu đơn giản đó qua tiếng Anh. Sau khi mất nhà thì mất
việc, vào trại cải tạo xong bỏ trốn, bị bắt nhốt lại. Lấy sạch mọi thứ rồi vẫn
không cho trốn. Thật xưa nay hiếm!
Đố nghĩ cho ra vì sao nhiều dân tộc, với
lịch sử bền lâu, tổ tiên thuộc hàng tử tế, từng một thuở ăn ở có nhân có đức,
bỗng nay con cháu sa đọa tới tận cùng tận đáy nhân quần. Bọn cầm quyền thì vô
liêm sỉ viết bằng chữ vàng, bất lương một cách hoàn hảo, theo ngôn ngữ VN “hiện
đại” là cực xáo trá, siêu độc ác. Lời dẫn đầu sách của cuốn Lịch Sử Văn Minh
Trung Hoa của sử gia Will Durant, Nguyễn Hiến Lê dịch:
“Khi nhà vua biết trị nước thì thi sĩ tự
do làm thơ, kép hát tự do đóng trò, các viên thái sử chép đúng sự thực, các đại
thần biết can gián, người nghèo không giấu nỗi bất bình về thuế má quá cao…dân
bày tỏ ý kiến về mọi việc và ông già, bà cả phàn nàn về đủ thứ” (Lời Thiệu Công
tâu với Lệ vương vào khoảng năm 845 trước Thiên Chúa giáng sinh.)
Gần ba ngàn năm trước, trong khi lịch sử
ta còn mù mờ mọi mặt thì người Tàu đã có những chính trị gia thâm trầm, tư
tưởng đầy nhân bản, sáng suốt tới vậy. Làm sao giải thích được cũng chính dân
tộc đó, gần ba ngàn năm sau, lúc thế giới trở thành thân thuộc, nhỏ bé như ngôi
làng, tin tức lan truyền trong chốc lát…đám con cháu lại vẽ cái đường lưỡi bò
bất chấp công pháp quốc tế, lì mặt tranh giành hải phận một cách gian manh và
ngang ngược khiến thiên hạ kinh hoàng. Ông bạn Tàu lai của tôi dòm phần bản đồ
có đường lưỡi bò cong cong len lỏi đầy tham lam trơ trẽn đó, lắc đầu thở ra,
buông hai tiếng “mất dạy”, quả là “từ dùng đúng chỗ”- nói theo kiểu của đám
thầy giáo hay phê vào bài văn học trò. Khó tin quá chuyện có “truyền thống” lâu
dài thì không hoặc ít làm bậy. Thật buồn bã, hình như, về mấy thói xấu điển
hình, người Việt Nam sao giống người Tàu quá trớn, như chạy trời không khỏi
nắng! Riêng món “tự hào” khơi khơi vô bằng cớ thì vượt trội, khó có Tàu Tây nào
sánh được. Về lý thuyết thì XHCN đâu có quá tệ. Vũ Khắc Khoan có lần bảo rằng
Mã Khắc Tư chỉ cầm bút mà rạch đôi được thiên hạ kia mà. Phải chăng học thuyết
nọ, xem thì hay mà thực ra không đúng và không tưởng nên chẳng thi hành được,
hoặc đám đệ tử vì lợi quyền phe nhóm nên làm ngược lại tín điều của giáo chủ bằng
một thứ bạo quyền tuyệt đối, tưởng như không trở ngại gì nhưng thật ra, cả nhân
quần mất sạch niềm tin vì thấy toàn lừa mị, hồn phách rỗng không, quẩn quanh
trong tuyệt vọng nên bắt đầu thi đua làm bậy vô giới hạn. Và kết quả cuối cùng
chỉ còn bạo lực là đặc trưng. Hoàng Sa, Trường Sa, đường lưỡi bò… là sự nghiệp
của bọn cuồng tín nơi vũ lực. Tịch biên nhà cửa, “thu hồi” vô tội vạ đất đai
của dân…là cơ ngơi của kẻ coi sức mạnh dùi cui và súng đạn là bến bờ cứu rỗi.
Thử nghĩ tới các tiêu chuẩn “biết cầm
quyền” của bậc hiền giả mấy ngàn năm trước được dẫn trên đây xem thiên hạ tiến
tới đâu trong nghệ thuật trị dân. Hỡi ôi, làm gì có chuyện thi sĩ tự do làm
thơ, họa chăng bị tru di cả tộc vì một bài thơ thất ngôn ý tứ vu vơ, bị truy
bức thất điên bát đảo chỉ vì vài câu thơ ám chỉ mơ hồ nhà cầm quyền. Biết bao
giờ nghệ sĩ mới được thoải mái ca kịch hát xướng theo ý mình, chỉ nghe cấm hát
bài này, cấm ca bài nọ. Các sử gia thì chỉ thủ đắc ngòi bút cong vòng, mong gì
họ chép ra sự thật. Đại thần thì dường như chỉ biết xu nịnh, nào có mấy ai can
gián điều chi. Người nghèo âm thầm giấu nỗi uất hận nghẹn nơi cổ họng; và hoang
tưởng thay, chuyện dân bày tỏ ý kiến về mọi việc. Chỉ nghe nói đơn từ kêu than
oan nghiệt chất cao như núi, mười năm không người ngó tới. Còn ông già bà cả,
thay vì phàn nàn về đủ thứ thì lại phải luôn miệng…cám ơn về đủ thứ.
Lấy lý lẽ gì bảo họ không biết cai trị
trong khi đất nước “ổn định” lặng trang. Họ trị dân quá giỏi, chứ sao lại không
biết trị.
Có điều chỉ đáng buồn cho tư tưởng lạc
quan và “lạc hậu” của bậc hiền nhân một thời xưa cũ mà thôi.
NAK
No comments:
Post a Comment