Lưu Na
Hôm nay chúng ta
đưa tiễn một người -ông Vũ Quang Ninh-
qua đời ngày 16 tháng 3 năm 2013.
Lái xe trên đường
về nhà, tôi được nghe trực tiếp truyền thanh buổi lễ tưởng niệm ông. Khi anh
Nguyễn Mạnh Chí kể những kỷ niệm với người mới ra đi, bỗng dưng tôi khóc.
Tôi nhớ những ngày
nơi đất này, mừng biết bao nhiêu nghe được tiếng nói của người mình trên đài
radio địa phương. Tiếng nói của một cộng
đồng, một cộng đồng lưu lạc, vang lên như một mầm cỏ bật lên trên mặt đất gian
nan. Sống rồi, chúng ta đã sống… Ngày ngày tôi chờ nghe những bài bình luận,
những bài nhận định, những lời mạch lạc nhân hậu. Tiếng nói dõng dạc ấy như những hồi còi trấn
an, như tiếng nhạc chào cờ đầu tuần thuở còn cắp sách đến trường, có hiệu lực
làm im lắng những xôn xao những eo sèo nhân thế, hướng mọi người về cùng một
mối là đất nước khổ đau, về một niềm tin dân tộc sẽ trường tồn. Tôi hằng lắng nghe ông, dù tôi không biết ông
là ai.
Nhưng ông không
phải là người xa lạ. Khi đất nước phân
chia, Việt Nam Cộng Hòa, khởi đi từ những ngày đầu nơi miền đất mới, đã có
tiếng nói, có sự góp sức của Vũ Quang Ninh cho người dân, cho đất nước. Tiếng nói ấy đã vang ra, cho dù những đứa trẻ
như tôi chưa góp mặt với đời; dẫu âm thanh ấy chưa vọng được đến tai tôi, tiếng
nói ấy vẫn bền bỉ vang ra theo với thăng trầm của đất nước, và theo với bước
chân của những người dân Việt lạc xa khỏi quê nhà.
Một người đã từng
có dịp làm việc cùng Vũ Quang Ninh những năm xưa nhắc đến ông như một người
nhạc trưởng tài ba, biết khéo léo kết tụ nhân sự và cư xử hòa ái, nên những
chương trình truyền thanh do ông phụ trách đã đưa được kiến thức và giao cảm
đến người nghe. Với tôi, ông đã là một
tiếng nói không thể thiếu trong những
ngày định cư nơi đất này, ông đã thành một tiếng nói của người Việt tỵ nạn.
Nhưng tôi đã hưởng
những đóng góp ấy, những âm thanh ấy, như đã thừa hưởng gió mát hương quê, ngọn
rau hạt gạo của đất nước, như đã thừa hưởng máu xương của cha ông, của những
người lính, những người đã đổ xuống cho quê hương. Thừa hưởng trong vô thức. Chỉ khi mất quê hương tôi mới tiếc thương tất
cả mọi điều. Chỉ khi tiếng nói ấy bặt
đi, tôi mới nhận ra một âm thanh. Một âm
thanh vẫn cố vang vọng cho đến giờ phút cuối, của một người tha thiết với quê
hương.
Ông Vũ Quang Ninh
không phải là người duy nhất đóng góp cho quê hương, cho người Việt. Nhưng ông là một trong những người muôn năm cũ đã bền bỉ cả đời cất
tiếng cho quê hương. Bây giờ ông ngã
xuống, như những thẻ domino đều đều tuần tự sập xuống theo thế cờ của thời gian,
chúng ta còn lại bao nhiêu tiếng nói? Trước
khi kiếp sống này qua đi, tôi có còn một dịp nào không để biết đến những người muôn năm cũ ấy?
LƯU NA
No comments:
Post a Comment