Monday, March 25, 2013

SỔ TAY TUỞNG NĂNG TIẾN


Bun Vào Hn Không Tên

   Có lần, tôi nghe giáo sư Nguyễn Văn Lục phàn nàn:
   “Người cộng sản có một sự sắp xếp rất máy móc, đơn giản về con người và sự việc. Hoặc họ coi là bạn, hoăc là kẻ thù của họ. Miền Nam sau 1975 có chiến dịch đi ‘tìm thù’ và biến miền Nam thành mảnh đất hung bạo với những ngữ từ quen thuộc như: Quét sạch, đánh phá, truy lùng, tố cáo.”



                                            Vũ Đức Nghiêm

   Gần bốn mươi năm sau, sau cái chiến dịch “tìm thù” bắt đầu từ năm 1975, có bữa tôi đang ngồi lơ tơ mơ hút thuốc thì chuông điện thoại reo:
   -Tiến hả?
   -Dạ…
   -Vũ Đức Nghiêm đây…
   -Dạ…
   -Anh buồn quá Tiến ơi, mình đi uống  cà phê chút chơi được không?
   -Dạ …cũng được!
    Tôi nhận lời sau một lúc tần ngần nên tuy miệng nói “được” mà cái giọng (nghe) không được gì cho lắm. Tôi cũng thuộc loại người không biết làm gì cho hết đời mình nên thường rảnh nhưng không rảnh (tới) cỡ như nhiều người trông đợi. Sống ở Mỹ, chớ đâu phải Mỹ Tho mà muốn đi đâu thì đi, và muốn đi giờ nào cũng được – mấy cha?
    Khi Mai Thảo và Hoàng Anh Tuấn còn trên dương thế, thỉnh thoảng, tôi cũng vẫn nghe hai ông thở ra (“anh buồn quá Tiến ơi”) y chang như thế. Chỉ có điều khác là ông nhà văn khi buồn thì thích đi uống rượu, ông thi sĩ lúc buồn lại đòi đi … ăn phở, còn bây giờ thì ông nhạc sĩ (lúc buồn) chỉ ưa nhâm nhi một tách cà phê nóng. Ai sao tui cũng chịu, miễn đến chỗ nào (cứ) có bia bọt chút đỉnh là được!
    Vũ Đức Nghiêm sinh sau Mai Thảo và trước Hoàng Anh Tuấn. Ông chào đời vào năm 1930. Hơn 80 mùa xuân đã (vụt) trôi qua. Cả đống nước sông, nước suối – cùng với nước mưa và nước mắt – đã ào ạt (và xối xả) chẩy qua qua cầu, hay trôi qua cống. Những dịp đi chơi với ông (e) sẽ cũng không còn nhiều lắm nữa. Tôi chợt nghĩ như thế khi cho xe nổ máy.
     Quán cà phê vắng tanh. Nhạc mở nhỏ xíu nhưng tôi vẫn nghe ra giai điệu của một bài hát rất quen:
Gọi người yêu dấu bao lần.
Nhẹ nhàng như gió thì thầm.
Làn mây trôi gợi nhớ chơi vơi thương người xa xôi.
 Gọi người yêu dấu trong hồn.
Ngập ngừng tha thiết bồn chồn.
Kỷ niệm xưa mơ thoáng trong sương cho lòng nhớ thương…
   -Hình như là nhạc Vũ Đức Nghiêm … Anh nghe xem có đúng không? Tôi đùa.
   -Em nói nghe cái gì?
   -Anh thử nghe nhạc coi…
   -Nhạc của ai?
   Tôi chợt nhớ ra là ông anh đã hơi nặng tai nên gọi cô bé chạy bàn:
   -Cháu ơi, người ngồi trước mặt chúng ta là tác giả của bản nhạc Gọi Người Yêu Dấu mà mình đang nghe đó. Cháu mở máy lớn hơn chút xíu cho ổng … sướng nha!
    Thấy người đối diện có vẻ bối rối vì cách nói vừa dài dòng, vừa hơi quá trịnh trọng của mình nên tôi cố thêm vào một câu tiếng Anh (vớt vát) nhưng ngó bộ cũng không có kết quả gì. Đúng lúc, chủ quán bước đến:
   -Cháu nó mới từ Việt Nam sang, ông nói tiếng Mỹ nó không hiểu đâu. Ông cần gì ạ?
   -Dạ không, không có gì đâu. Never mind!
   Tôi trả lời cho qua chuyện vì chợt nhận ra sự lố bịch của mình. Cùng lúc, bản nhạc của Vũ Đức Nghiêm cũng vừa chấm dứt. Tôi nhìn anh nhún vai. Vũ Đức Nghiêm đáp lại bằng một nụ cười hiền lành và  … ngơ ngác!
    Tự nhiên, tôi thấy gần và thương quá cái vẻ ngơ ngác (trông đến tội ) của ông. Tôi cũng bị nhiều lúc ngơ ngác tương tự trong phần đời lưu lạc của mình. Bây giờ hẳn không còn ai, ở lứa tuổi hai mươi – dù  trong hay ngoài nước – còn biết đến tiếng “Gọi Người Yêu Dấu” (“ngập ngừng tha thiết bồn chồn”) của Vũ Đức Nghiêm nữa. Thời gian, như một giòng sông hững hờ, đã vô tình bỏ lại những bờ bến cũ.


                                               Trúc Phương
   

    Vũ Đức Nghiêm, tựa như một cây cổ thụ hiếm hoi, vẫn còn đứng lại bơ vơ bên bờ trong khi bao nhiêu nhạc sĩ cùng thời đều đã ra người thiên cổ. Trúc Phương là một trong những người này. Qua chương trình Bẩy Mươi Năm Tình Ca Trong Tân Nhạc Việt Nam, nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam đã cho biết nhiều chi tiết vô cùng thê thiết về cuộc đời của người viết nhạc (chả may) này.
    Trang sổ tay hôm nay, chúng tôi xin được nắn nót ghi lại đây những nhận xét của Hoài Nam, và mong được xem như một nén hương lòng (muộn màng) gửi đến một người đã khuất:
   Trúc Phương là một trong những nhạc sĩ gốc miền Nam được yêu mến nhất, từng được mệnh danh là ông vua của thể điệu Bolero tha thiết trữ tình. Ông tên thật là Nguyễn Thiện Lộc, ra chào đời năm 1939 tại  xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, tức Vĩnh Bình – một xứ Chùa Tháp thu nhỏ ở vùng hạ lưu sông Cửu Long…”

   Nhạc của Trúc Phương thường buồn, rất buồn. Trong số những ca khúc của ông, hình như, chỉ có hai bản vui. Đó là: “Tình Thắm Duyên Quê” và “Chiều Làng Em”. Riêng bản Chiều Làng Em nói rằng vui là so sánh với những sáng tác khác  của ông. Chứ Thực ra, bản nhạc này tuy có nội dung êm đềm trong sáng nhưng giai điệu của nó cũng man mác buồn. Không hiểu vì cuộc đời của Trúc Phương vốn nhiều chuyện buồn và đã được ông gửi gấm vào dòng nhạc hay vì ông thích sáng tác nhạc buồn nên riết rồi nó ám vào người, chỉ biết những sáng tác phổ biến nhất, nổi tiếng nhất của ông đều là những ca khúc buồn: Chiều Cuối Tuần, Nửa Đêm Ngoài Phố, Tầu Đêm Năm Cũ, Bóng Nhỏ Đường Chiều …”

   Tháng 4 năm 1975, Trúc Phương bị kẹt lại. Năm 1979, ông vượt biên nhưng bị bắt và bị tù. Sau khi được thả, cuộc sống của ông trở nên vô cùng thê thảm về thể xác vật chất cũng như tinh thần. Trong một đoạn video phỏng vấn ông, được Trung Tâm Asia phổ biến tại hải ngoại, Trúc Phương cho biết:.
   “Sau cái biến cố cuộc đời, tôi sống cái kiểu rài đây mai đó,’bèo dạt hoa trôi’… Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no…Tôi không có cái mái nhà, vợ con thì cũng tan nát rồi, tôi sống nhà bạn bè, nhưng mà khổ nổi hoàn cảnh họ cũng bi đát, cũng khổ, chứ không ai đùm bọc ai được…đến nửa lúc đó thì vấn đề an ninh có khe khắc, lúc đó thì bạn bè tôi không ai dám “chứa” tôi trong nhà cả, vì tôi không có giấy tờ tùy thân, cũng chẳng có thứ gì trong người cả.Tôi nghĩ ra được một cách..là tìm nơi nào mà có khách vãng lai rồi mình chui vào đó ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ…Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì phải ra xa cảng thuê một chiếc chiếu, 1 chiếc chiếu lúc bấy giờ là 1 đồng…thế rồi ngủ cho tới sáng rồi xếp chiếc chiếu trả người ta..thế là mình lấy 1 đồng về….như là tiền thế chân…Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng hết 9 tháng…Mà nói anh thương…khổ lắm….Hôm nào mà có tiền để đi xe lam mà ra sớm khoảng chừng năm giờ có mặt ngoài đó thế rồi thuê được chiếc chiếu trải được cái chỗ lịch sự chút tương đối vệ sinh một tí mà hôm nào ra trễ thì họ chiếm hết rồi, những chỗ sạch vệ sinh họ chiếm hết rồi ,tôi đành phải trải chiếu gần chỗ ‘thằng cha đi tiểu vỉa hè’, thế rồi cũng phải nằm thôi.Tôi sống có thể nói là những ngày bi đát…mà lẽ ra tôi nên buồn cho cái hoàn cảnh như thế nhưng tôi không bao giờ buồn …Tôi nghĩ mà thôi , còn sống cho tới bây giờ và đó cũng là một cái chất liệu để tôi viết bài sau này…”
   Chất liệu, rõ ràng, đã có (và có quá dư) nhưng cơ hội để Trúc Phương viết bài sau này (tiếc thay) không bao giờ đến – vẫn theo như lời của nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam:
Vào một buổi sáng năm 1996, Trúc Phương không bao giờ thức dậy nữa. Ông đã vĩnh viễn ra đi. Tất cả gia tài để lại chỉ là một đôi dép nhựa dưới chân. Thế nhưng xét về mặt tinh thần Trúc Phương đã để lại cho chúng ta một di sản vô giá.”

Chúng ta ở đây là những người yêu nhạc, trong nước cũng như hải ngoại, bên này cũng như bên kia chiến tuyến. Bởi vì hơn ba mươi ca khúc nổi tiếng của ông cho dù có một hai bài có nhắc đến chữ ‘cộng hoà’ vẫn phải được xem là những tình khúc viết cho những con người không phải cho một chế độ chính trị nào. Những con người sinh ra và lớn lên trong một cuộc chiến không lối thoát với niềm khắc khoải chờ mong một ngày thanh bình . Cuối cùng thanh bình đã tới nhưng không phải là thứ thanh bình mà những ‘con tim chân chính’ trong nhạc của Lê Minh Bằng hằng mơ ước mà là thứ thanh bình của giai cấp thống trị, của một thiểu số may mắn nào đó. Chính cái thanh bình ấy đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng trong đó có người Việt Nam xấu số đáng thương tên Nguyễn Thiện Lộc, tức nhạc sĩ Trúc Phương nổi tiếng của chúng ta.”  
   Thôi thì cũng xong một kiếp người! Và dòng đời, tất nhiên, vẫn cứ lạnh lùng và mải miết trôi. Sáng nay, tôi lại chợt nhớ đến Trúc Phương sau khi tình cờ đọc được một mẩu tin ngăn ngắn – trên báo Pháp Luật số ra ngày 1 tháng 2 năm 2012:
Ngày 31-1, một số cán bộ hưu trí, người dân ở phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TP.HCM) bức xúc phản ánh cuộc họp mặt đầu năm do phường tổ chức …  Ngay phần khai mạc lúc gần 9 giờ sáng, trên nền nhạc hip hop, hai phụ nữ ăn mặc hở hang, thiếu vải lên nhún nhảy, múa những động tác khêu gợi. Hai thanh niên múa phụ họa. Quan sát đoạn video chúng tôi thấy nhiều cán bộ hào hứng xem tiết mục ‘lạ mắt’ này. Có cán bộ còn dùng điện thoại quay lại cảnh hai cô gái biểu diễn, ưỡn người và ngực về phía khán giả. Nhiều người tham gia rất hào hứng, chỉ trỏ, thì thầm vào tai nhau...

   Chúng tôi tiếp tục liên lạc với bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Phó Chủ tịch phường kiêm Chủ tịch Công đoàn phường … bà Tuyền lý giải: ‘Tiết mục múa chỉ diễn ra gần 3 phút và đây là vũ điệu theo phong cách Hawaii nên hơi lạ...”
   Nếu ngay sau khi chiếm được miền Nam mà qúi vị cán bộ cộng sản cũng có được cách “lý giải” tương tự thì thì Mai Thảo, Hoàng Anh Tuấn … đã không phải bỏ thân nơi đất lạ. Vũ Đức Nghiêm cũng đã tránh được những giây phút bơ vơ, ngơ ngác, lạc lõng ở xứ người. Và Trúc Phương thì chắc chắn vẫn sẽ còn ở lại với chúng ta, vẫn có những đêm khắc khoải buồn vào hồn không tên, thay vì nằm chết cong queo trong đói lạnh – trên một manh chiếu rách – với tài sản duy nhất còn lại chỉ là một đôi dép nhựa.
    Mọi cuộc cách mạng luôn luôn có cái giá riêng của nó. Riêng cái thứ cách mạng của những người cộng sản Việt Nam thì đòi hỏi mọi người đều phải trả cái giá (hơi) quá mắc mà thành quả – xem ra – không có gì, ngoài tội ác!

TNT

KÝ ỨC SƠ SÀI


Nguyễn Anh Khiêm



                                                Night Birds


20
   
    Một người bạn thuộc loại rất tử tế trách tôi sao lại viết phải chi ba tôi bớt yêu nước đi một chút, hẳn má tôi đã đỡ khổ và đời sống chúng tôi cũng khác nhiều. Tôi nói với anh mình thành thật nghĩ vậy chứ chắng có ý khôi hài hoặc chọc giận ai hết. Tôi ngạc nhiên mấy ông bạn nồng nàn yêu nước của tôi cứ triền miên kỳ khu lục tìm tài liệu, chứng cứ lịch sử bốn ngàn năm dựng nước của tổ tiên Việt tộc, có đủ bằng cớ rằng họ Lý họ Trương Việt Nam không dây dưa gì tới họ Lý họ Trương người Tàu. Hình như vừa có người công bố bằng cớ mười mấy ngàn năm trước Việt tộc đã có chữ viết! (Trong khi một ông bạn khác nhắc tôi, cùng thời điểm người Pháp xây nhà thờ Notre Dame thì vua nhà Lý của ta còn ra vườn sau chặt lá chuối thọc huyết heo đánh tiết canh). Tôi không nghĩ một dân tộc có lịch sử lâu đời thì văn minh hơn một dân tộc mới mẻ. Điều quan trọng là quốc gia chứ không phải chủng tộc. Chứng tỏ mình lâu đời và thuần giống nhất thiên hạ làm gì trong khi người ta tạp chủng, mới lập quốc nhưng đang chót vót đỉnh trời mà mình mấy ngàn năm gốc gác, dân tình nay vẫn lao tác như nô lệ, tâm tính mất sạch đức làm người, ngụp lặn trong bùn đất thấp hèn, “vô sản” thứ thiệt từ vật chất tới tinh thần. Có khi ta nên giấu đi bớt lịch sử lâu đời của mình để đỡ xấu hổ với và cho tổ tiên, không chừng nhẹ lòng hơn. Biết bao nhiêu ức thuyết về nguồn gốc tộc Việt, xem ra chẳng ai vô lý hoàn toàn. Dòm đi dòm lại thấy điều chắc chắn nhất, bởi sống trên dải đất gầy guộc đời đời hì hục chống đỡ thiên tai, túi bụi đối phó địch họa trên dải đất cằn ven biển, lại là cửa ngõ giao thương người qua kẻ lại, dân tộc Việt không làm gì giữ được thuần giống, không làm gì thoát được lai tạp. Văn hóa, ngôn ngữ cũng pha trộn tứ tung, hiếm có cái gì của riêng ta, chẳng nên tự ái tìm tòi kỳ khu chứng thực, chẳng hạn, truyện Kiều hoàn toàn là sáng tác của Nguyễn Du, người Tàu cóp lại cả cốt truyện chứ Tiên Điền tiên sinh không “mượn” của ai hết. (Làm như cãi vậy khiến truyện Kiều hay hơn chăng?).
      Nói chuyện lòng yêu nước, tôi không khỏi không kính phục quan điểm của Vaclav Hável, một intellectual hero đất Tiệp. Đâu đó có lần ông bảo rằng thật ra nước Tiệp của ông có hơn gì nước Ba Lan nước Pháp kế bên mà phải yêu mến tự hào bất tận về nó cho cố. Chẳng qua ông sinh ra trên đất Tiệp thì có bổn phận làm điều gì ích lợi cho dân Tiệp, trong khả năng mình có thể, giúp họ sống sao cho ra con người, nghĩa là được hưởng quyền lợi vật chất, tinh thần -nhất là tinh thần, cụ thể là tự do, dân chủ như mọi con người văn minh đang thụ hưởng. Chẳng tìm được lý do nào để cam chịu rằng đất nước ông chưa xứng đáng được hưởng quyền con người toàn nhân loại đã vươn tới. Ông không xem trọng chức vụ chính trị, thủ tướng tổng thống các thứ, ông ngại chuyện lãnh tụ anh minh, ai hỏi gì ông cũng xưng mình chỉ là một kịch tác gia thôi, tổng thống chỉ là món nợ. Tôi yêu mến dân tộc Tiệp Khắc qua tư cách tuyệt vời của ông. Còn nhớ năm 1969, báo Văn ở Sài Gòn phát hành số chủ đề kỷ niệm cuộc vùng dậy đòi tự do mùa thu 1968 vang dội của người dân Tiệp Khắc. Phần giới thiệu chủ điểm của tờ báo có đoạn như sau: “Trong đám đông, trước họng súng, hoặc trèo lên xe tăng Nga vẫy cao lá cờ tam tài của Tiệp Khắc, đó là hình ảnh người đàn bà thành Prague trong những ngày sôi động mùa thu năm ngoái.
      “Khuôn mặt tái và đẹp trong cơn giận dữ và lòng can đảm của họ, ráo riết và quyết liệt. Vâng, quả là nàng có mặt, người đàn bà thành Prague đó; và giờ đây, các tượng, đài kỷ niệm đã có được ý nghĩa, thì tôi hy vọng rằng một ngày kia một đài kỷ niệm sẽ dựng lên cho nàng- tại Prague. Nàng da trắng, mảnh mai, đam mê, rất là không cuồng tín, nhưng mãnh liệt, tràn đầy nhiệt khí. Nàng muốn sống…”(Đọc đoạn này không khỏi không nhớ tới hình ảnh chàng thanh niên, cũng vô danh như người phụ nữ Tiệp nọ, một mình lẫm liệt chặn đường tiến của  xe tăng trên quảng trường Thiên An Môn – Ôi, những chiếc xe tăng đen thui lù lù khốn kiếp sau đó nghiền nát bao tuổi thanh xuân trên quảng trường – hay chiến trường - ngập máu! Nghĩ mà rung rợn. Thiên An Môn ngày nọ toàn tinh túy của đại hoc Thanh Hoa, Bắc Kinh, ai vào học ở đó mà không phải con cháu của tầng lớp tư sản đỏ cầm quyền. Máu xương của đám thanh niên ưu tú của chính họ cũng chẳng là gì với sự cai trị vững bền của Đảng, huống chi máu và nước mắt của ngư dân Thanh Hóa, Quảng Ngãi, của Việt tộc…có là gì nếu không phải chỉ chuyện giỡn chơi nhẹ hẫng.)
      Hình ảnh người đàn bà thành Prague trong đôi mắt của người chứng Heinrich Boll tráng lệ và uy nghi vậy đó.
      “Các anh ở Prague giờ chắc cũng qua đêm.
        Nếu chỉ nói thầm mãi sao chịu nổi…”
        Thơ Hoàng Bảo Việt diễn tả nỗi xúc động của người nghệ sĩ ở khắp nơi trên thế giới. Tin tức mấy ngày gần đây cho biết nhân dân Tiệp Khắc đang âm thầm chuẩn bị một cuộc biểu tình vĩ đại để kỷ niệm ngày ghi dấu năm thứ nhất thủ đô Prague bị chiếm đóng. Sẽ không chỉ nói thầm. Sẽ có tiếng thét – những tiếng thét tự do, gào lên từ những trái tim uất hận! Trong tiếng gào thét long trời lở đất đó sẽ có tiếng người đàn bà thành Prague, nhỏ bé nhưng lảnh lót và ngân vang, cao và xa, say mê và quyến rũ.
      Một ngày nào đó, gần đây thôi, chắc chắn thế, sẽ có tượng người đàn bà thành Prague trong những quảng trường lừng danh qua thơ văn Apollinaire, Kafka, Brecht…Bức tượng như di tích lịch sử, là hình ảnh người đàn bà thành Prague leo lên xe tăng quân xâm lược, phất cao ngọn cờ đối kháng, ngọn cờ tự do…
     Tờ báo hơi lạc quan. “Gần đây thôi” của họ là phải gần phần tư thế kỷ sau bao nhiêu máu và nước mắt, Vaclav Hável mới đưa được dân tộc ông đến bến bờ tự do và dân chủ. Cũng là cơ may chớ lúc bấy giờ, Đông Âu muốn thoát khỏi đế quốc CS Nga cũng chỉ là viễn tượng của mộng mơ dông dài mà thôi. Bởi vậy, nói về khát vọng ấy, Võ Phiến liên tưởng thật hóm hỉnh:
      Ví dù tình bậu muốn thôi
      Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra
      Bậu ra cho khỏi tay ta
      Cái xương bậu nát cái da bậu mòn
     
      Tình thật, tôi thấy rất khó gần những người vốn chỉ cuồng tín Chúa của mình, Phật của mình…mà tuyệt đối phủ nhận đạo giáo của kẻ khác. Tôi lớn lên trong không khí khắt khe của đạo Tin Lành, trong lúc học Kinh Thánh, thường nghe tín đồ thảo luận về đạo Thiên Chúa La Mã, cùng tin Chúa nhưng họ cho rằng Công giáo cũng chỉ tà đạo, như nhiều hệ phái Cơ đốc khác, họ không làm theo kinh thánh nên sẽ không được cứu! Phải chăng Tin Lành Alliance hiện nay hoàn toàn và tuyệt đối thi hành đúng Thánh kinh?
      Tôi không bao giờ quên đôi mắt buồn của ông nội tôi mỗi lần lúc nhỏ, tôi về nội ăn đám giỗ tổ tiên mà không ăn đồ cúng nên bà phải để riêng cho chúng tôi vài thứ. Không khí ghẻ lạnh, như chúng tôi là người xa lạ mặc dù bấy giờ, tôi là cháu đích tôn duy nhất. Ông ơi, bà ơi, cháu buồn bã biết bao nay nhớ lại buổi ngày ngây thơ nọ. Đã đành mê tín nhảm nhí thì không nói làm gì chứ các giới luật này nọ của các tôn giáo cũng chỉ con người bày đặt, cứ mà tuyệt đối tuân thủ khiến người ta sống đạo đờ đờ đẫn đẫn sao ấy. Những cải biến của công giáo gần đây chứng tỏ sự tương đối của giới luật. Bạn bè theo Phật của tôi nhiều người giữ ngày chay tịnh quá kỹ, tôi chẳng dám nói họ lẩm cẩm. Nghĩ vậy nói vậy chớ cũng không chắc gì mình đúng hơn ai, có điều lần lần mới thấy cuồng tín tôn giáo, cuồng tín học thuyết, chủ nghĩa này nọ nếu không nhiều ít mắc chứng tâm thần thì cũng cố tình lợi dụng, chỉ tổ gây thảm kịch cho nhân loại, lợi ích chăng chỉ là cho nhóm người ít oi hoặc cá nhân ma mảnh, gian xảo khai thác lòng tin mù quáng hạng nông nổi mà thôi. Không rõ hằng ngàn thanh niên Bắc hà tràn qua sông Thạch Hãn vào thành cổ Quảng Trị để rồi loe hoe ít người quay được trở lại bờ Bắc, có mấy người là con cán bộ cao thấp đầy lòng yêu nước?
       Tôi còn ngờ và sợ hơn nữa những anh ngày trước trốn quân dịch nhưng nay bỗng say sưa yêu nước. Ngao ngán những lãnh tụ sinh viên tranh đấu của phong trào đô thị ngày nọ nay ngậm câm giữ ghế, mặt mo nang trôi sấp láng lẩy và bụng mỡ chảy tràn che lấp thắt lưng, đêm đêm xuất hiện họp hành ghi ghi chép chép trên TV. Tôi chẳng sáng suốt hơn ai nhưng vẫn dè chừng các bậc đế vương, các vĩ nhân nổi danh yêu nước. Cũng chỉ vì họ yêu nước quá đâm ra không còn chỗ để yêu con người nên gây bao nhiêu thảm cảnh bất tận cho dân nghèo ít học. Làm sao khỏi nghĩ thật ra họ chỉ dùng lòng yêu nước của người ta để dựng nghiệp lớn cho triều đại, cho chế độ “ưu việt” thiết lập bằng máu xương thiên hạ. Làm sao thuận lý thuận tình tin được họ yêu nước, trong khi mọi hành động, rõ ra ai cũng thấy, họ không một chút yêu dân! Chưa có chữ nào trong từ vựng tiếng Việt bị khai thác mòn tận mạng bằng các từ huyền thoại đồng bào, bà con, nhân dân ta…Lúc nào cũng đồng bào ta, bà con ta… mà nhà thì liên miên mất, đất cát thì tiêu ma. Ông bạn Lâm H Tài kể đi kể lại chuyện từ trước 30/4 cô bác ông đi định cư nước ngoài, làm đầy đủ giấy tờ cho ông căn nhà trên đường Trần Hoàng Quân, nay là Nguyễn Chí Thanh. Trong một đợt kiểm kê rầm rộ, toán cán bộ vào nhà, một ông nói giọng xứ Nghệ dịu dàng và thân thiện:
      - Xin cho xem giấy tờ nhà mình nhé!
      - Xin ghi số điện thoại nhà mình vào đây…
    Ông Tài bảo có sai đâu. Nhà mình tức là nhà của mấy ông đó, họ cho biết trước chớ có giấu giếm gì đâu. Ổng sợ đại từ mình tiếng Việt từ ngày đó. Nó hàm hồ, hàm  nghĩa hơn tính từ, mới ghê. Nó mật thiết tới lạnh sống lưng. Thật không dễ dịch sát nghĩa mấy câu đơn giản đó qua tiếng Anh. Sau khi mất nhà thì mất việc, vào trại cải tạo xong bỏ trốn, bị bắt nhốt lại. Lấy sạch mọi thứ rồi vẫn không cho trốn. Thật xưa nay hiếm!
       Đố nghĩ cho ra vì sao nhiều dân tộc, với lịch sử bền lâu, tổ tiên thuộc hàng tử tế, từng một thuở ăn ở có nhân có đức, bỗng nay con cháu sa đọa tới tận cùng tận đáy nhân quần. Bọn cầm quyền thì vô liêm sỉ viết bằng chữ vàng, bất lương một cách hoàn hảo, theo ngôn ngữ VN “hiện đại” là cực xáo trá, siêu độc ác. Lời dẫn đầu sách của cuốn Lịch Sử Văn Minh Trung Hoa của sử gia Will Durant, Nguyễn Hiến Lê dịch:
      “Khi nhà vua biết trị nước thì thi sĩ tự do làm thơ, kép hát tự do đóng trò, các viên thái sử chép đúng sự thực, các đại thần biết can gián, người nghèo không giấu nỗi bất bình về thuế má quá cao…dân bày tỏ ý kiến về mọi việc và ông già, bà cả phàn nàn về đủ thứ” (Lời Thiệu Công tâu với Lệ vương vào khoảng năm 845 trước Thiên Chúa giáng sinh.)
      Gần ba ngàn năm trước, trong khi lịch sử ta còn mù mờ mọi mặt thì người Tàu đã có những chính trị gia thâm trầm, tư tưởng đầy nhân bản, sáng suốt tới vậy. Làm sao giải thích được cũng chính dân tộc đó, gần ba ngàn năm sau, lúc thế giới trở thành thân thuộc, nhỏ bé như ngôi làng, tin tức lan truyền trong chốc lát…đám con cháu lại vẽ cái đường lưỡi bò bất chấp công pháp quốc tế, lì mặt tranh giành hải phận một cách gian manh và ngang ngược khiến thiên hạ kinh hoàng. Ông bạn Tàu lai của tôi dòm phần bản đồ có đường lưỡi bò cong cong len lỏi đầy tham lam trơ trẽn đó, lắc đầu thở ra, buông hai tiếng “mất dạy”, quả là “từ dùng đúng chỗ”- nói theo kiểu của đám thầy giáo hay phê vào bài văn học trò. Khó tin quá chuyện có “truyền thống” lâu dài thì không hoặc ít làm bậy. Thật buồn bã, hình như, về mấy thói xấu điển hình, người Việt Nam sao giống người Tàu quá trớn, như chạy trời không khỏi nắng! Riêng món “tự hào” khơi khơi vô bằng cớ thì vượt trội, khó có Tàu Tây nào sánh được. Về lý thuyết thì XHCN đâu có quá tệ. Vũ Khắc Khoan có lần bảo rằng Mã Khắc Tư chỉ cầm bút mà rạch đôi được thiên hạ kia mà. Phải chăng học thuyết nọ, xem thì hay mà thực ra không đúng và không tưởng nên chẳng thi hành được, hoặc đám đệ tử vì lợi quyền phe nhóm nên làm ngược lại tín điều của giáo chủ bằng một thứ bạo quyền tuyệt đối, tưởng như không trở ngại gì nhưng thật ra, cả nhân quần mất sạch niềm tin vì thấy toàn lừa mị, hồn phách rỗng không, quẩn quanh trong tuyệt vọng nên bắt đầu thi đua làm bậy vô giới hạn. Và kết quả cuối cùng chỉ còn bạo lực là đặc trưng. Hoàng Sa, Trường Sa, đường lưỡi bò… là sự nghiệp của bọn cuồng tín nơi vũ lực. Tịch biên nhà cửa, “thu hồi” vô tội vạ đất đai của dân…là cơ ngơi của kẻ coi sức mạnh dùi cui và súng đạn là bến bờ cứu  rỗi.
       Thử nghĩ tới các tiêu chuẩn “biết cầm quyền” của bậc hiền giả mấy ngàn năm trước được dẫn trên đây xem thiên hạ tiến tới đâu trong nghệ thuật trị dân. Hỡi ôi, làm gì có chuyện thi sĩ tự do làm thơ, họa chăng bị tru di cả tộc vì một bài thơ thất ngôn ý tứ vu vơ, bị truy bức thất điên bát đảo chỉ vì vài câu thơ ám chỉ mơ hồ nhà cầm quyền. Biết bao giờ nghệ sĩ mới được thoải mái ca kịch hát xướng theo ý mình, chỉ nghe cấm hát bài này, cấm ca bài nọ. Các sử gia thì chỉ thủ đắc ngòi bút cong vòng, mong gì họ chép ra sự thật. Đại thần thì dường như chỉ biết xu nịnh, nào có mấy ai can gián điều chi. Người nghèo âm thầm giấu nỗi uất hận nghẹn nơi cổ họng; và hoang tưởng thay, chuyện dân bày tỏ ý kiến về mọi việc. Chỉ nghe nói đơn từ kêu than oan nghiệt chất cao như núi, mười năm không người ngó tới. Còn ông già bà cả, thay vì phàn nàn về đủ thứ thì lại phải luôn miệng…cám ơn về đủ thứ.
      Lấy lý lẽ gì bảo họ không biết cai trị trong khi đất nước “ổn định” lặng trang. Họ trị dân quá giỏi, chứ sao lại không biết trị.
      Có điều chỉ đáng buồn cho tư tưởng lạc quan và “lạc hậu” của bậc hiền nhân một thời xưa cũ mà thôi.

NAK



thơ trần phù thế

MA LỰC
·         gởi cáclan




     
lạ kỳ ma lực nào đâu hở
mà khiến cho anh chết sửng người
tiêng sét trời già đang đánh trúng
khi nghe em hát các lan ơi !

anh sợ em cười nên giả bộ
nói năng lộn xộn như tên khờ
nhưng thật lòng anh đầy bối rối
lòng anh bối rối em biết chưa ?

biết chưa em hở trong mơ ước
như tự nghìn xưa em hẹn về
một phút chiêm bao anh bắt gặp
gặp người trong mộng, trong giấc mê

anh đợi nghìn năm chưa gặp gỡ
hình em sương khói khuất xa mờ
hình như quen biết em lâu lắm
bây giờ em mới hiện trong mơ

em cứ thoát đi và thoát ở
cứ là xa cách đến muôn trùng
cứ là lơ lững như mây trắng
nhờ gió đưa mây đến tận cùng

giờ anh chỉ xin em một điều
cười với anh một cái . em yêu
cười duyên mắt liếc sao tình điệu
là anh vui. vui cả buổi chiều

ma lực nào em hớp hồn anh ?
đời anh một chuỗi sống buồn tênh
may anh còn có em trong mộng
thương em như chính bản thân mình

em yêu. rừng đã thay màu chết
chiếc lá cuối cùng cũng buông tay
nhưng em không phải là chiếc lá
đễ mặc cho đời cuốn hút bay

thương em giấc mộng dù không thật
nhưng cứ tin rằng có phút vui
các lan em biết lòng anh chớ ?
xin hiểu lòng anh chút xíu thôi

TPT