Friday, February 10, 2012


Thầy cò mi chữ 

Lưu Na


                                                          Romance book


Thầy cò ở đây là cò-rếch-tưa-rờ, correcteur, hay proofreader, và mi chữ là mi-zăng-pa, mise en page, tức layout.
Với cái vốn tiếng Anh bằng nửa bàn tay, tôi phải tốn một giờ để tra tự điển mạng và Wikipedia, nửa trang này dẫn tới nửa trang kia, kéo qua chữ nọ, để hiểu một việc mà ai có làm ở tòa báo, nhà in, có dính tới việc viết lách, in ấn trước 75 đều biết.

Tôi cũng vẫn chỉ hiểu một cách lơ mơ, và trước khi đầy đủ ý thức về công việc đó, tôi đã quàng vào cổ mình một cái ách.  Đó là bữa tôi bước vào căn gác hẹp của ông bạn và thấy ông đang sửa bản vỗ của một quyển sách tờ rời, cái mà Wikipedia gọi là test copy.  Ông đã check lỗi đến gần cuối sách.  Tò mò, tôi rút ra một trang đã xong.  Thấy 2 lỗi nữa.  Thêm một trang khác, thêm vài lỗi.  Lại thêm một trang khác, lại thêm vài lỗi khác.  Ông cười cười lắc đầu ngao ngán, tôi gật gù, bói ra ma quét nhà ra rác.  Rồi tôi ngồi xuống đọc từ đầu, được 20 trang thì phải cáo từ. 
Hôm sau tôi đến, thêm 20 trang, hôm sau nữa, lại 20 trang.  Ra về, ông nói, tôi xong rồi, cứ cầm về đọc đi.  Tôi hiểu ông không bảo tôi đọc chơi mà là “cò” đi.  Chả phải ông cần tôi làm “thầy cò,” nhưng là tin cậy trao nhau vì thấy tôi “có vẻ” chăm chú cẩn thận và nhất là có vẻ thích thú làm công việc đó. 

Tôi đọc được 180 trang thì oải, phát giác ra cái ách “chữ” làm hoa mắt mờ óc.  Bây giờ, tôi phải mò trên các trang web để verify kiến thức của mình về một câu chữ, một lời viết.  Nhờ vậy, tôi biết thêm một số trang web để tra cứu sau này khi cần.  Tôi còn phải lấy giấy ra ghi chú personal notes.  Và có những câu tôi buộc phải hỏi ông cho rõ ý.  Gần 1000 trang để đọc, nếu không là ách thì là gì?  

Tôi biết rõ mình cứ trả là xong.  Nhưng tôi thấy mình đang hát một bài đã cũ, vì gặp lại.  Tôi thấy mình đang nhẩm một lời ca xem có phải thiếu chữ.  Tôi học được rằng phần nhiều, chữ âm  “d,” nếu là động từ thì sẽ viết là “gi” như giấu=hide, và viết “d” nếu là danh từ hay tĩnh từ, như dấu vết = marks.  Và có nhiều chữ, chính ý nghĩa của nó định ra cách đánh vần: chữ giòng sông nên là “gi” thì mới thấy được chiều dài và cái cong uốn của nó.  Tôi còn hiểu rõ hơn ý nghĩa những chữ vẫn dùng mà không biết tại sao, nên dùng chữ trật bét.  Như chữ nồi da sáo thịt - hồi xưa người ta không chỉ lột da làm trống, còn làm nồi nữa, để nấu, nấu cả thịt của con thú bị lột da (thôi, không đi xa hơn về các loại da bị lột !!!)

Không chỉ học thêm chữ, thêm được những điều cũ mà lạ, xưa mà chưa biết bao giờ, tôi còn thấy thấp thoáng một con người.

Tôi thấy một người Bắc với những lỗi tiêu biểu như trùm/chùm, trèo/chèo, sum/xum.  Tôi thấy một nhà nho với cách nói bâng quơ nhưng ý nhị, gói ghém những điều mình phải gẫm lại sau khi đọc.  Cần thì sẽ nói thẳng, có vẻ cân nhắc, nhưng nếu không cần thì chẳng đao to búa lớn gì mà chỉ thoáng chút ý tần ngần.  Khi gặp một bài hát xưa không biết, tôi còn được nghe ông hát (!!!) cho biết âm điệu, và tôi có thể hỏi một câu hát thật bất chợt để nghe ông đáp ngay tên tác giả như sẵn trong túi áo móc ra.  Rồi còn được nghe những chuyện bên lề của văn nghệ sĩ, những chuyện nghe để cười chứ không viết xuống được.

Nhưng thú nhất, là tôi đã được đọc cuốn sách cùng với người viết.  Tôi có dịp hỏi và hiểu rõ hơn những điều tôi chưa thông, ngay tại chỗ.  Từng đi mua sách về chất trong nhà, tôi hiểu lắm cái chuyện thôi cho thông qua một thắc mắc vì hỏi thì phải tìm cách liên lạc với tác giả, mất thì giờ thư từ, mất công xã giao, mà nào có chi là quan trọng_chỉ là một chi tiết không đóng góp gì hơn cho cuộc sống của mình ngoại trừ cái phần biết chả để làm gì.  Cái lười thường thắng cái tò mò trong tôi những khi ấy.   

Như vậy, bù cho chuyện đọc nổ con mắt, tôi được lợi quá nhiều. 

Gần xong quyển một, tôi được ông báo: nhà in sẽ có “cò” chuyên nghiệp để cò.  Hóa ra bấy nay tôi chỉ mới “cò” phần một.  Nay mai sau khi bản vỗ đã được chỉnh xong, rồi sẽ phải cò lại, so sánh 2 bản in xem lỗi mình marked đã chỉnh đúng chưa, và có thêm lỗi nào khác.  Đây mới thực là công việc gọi là proofreading.  Biết tôi có còn kiên nhẫn cò lại 1000 trang?  Gần 500 trang sách, thực ra tôi không chỉ cò mà là vừa cò chữ vừa đọc sách ở dạng chờ in.  Cò, nếu phải sống bằng công việc ấy, thì không thể làm cái kiểu của tôi, không thể đọc cho hiểu cho thấm để thưởng thức, mà chỉ có thể đọc lướt qua chủ yếu bắt lỗi chính tả, lỗi in ấn, lỗi lộn chữ.  Và công việc editing, proofreading, lấy đi cái thú “đọc” của mình.  Hiểu rồi đâm ái ngại.  Những người bạn chữ của tôi, lớp người đi trước, vì chút lòng yêu chữ mà xây đắp những trang mạng thật đẹp, thật công phu với bài vở nghiêm túc.  Họ phải bớt cái thú đọc cho mình, bớt giờ rảnh để viết bài của mình, cho niềm vui của những người ghé đến trang nhà.  Rồi, nhìn lại trang sách mình đã đọc qua, một trang giấy in ra hóa không chỉ tim óc người viết, còn bao nhiêu công của những người thực hiện.   

Không có gì free trong cõi đời này.  Nhất tướng công thành vạn cốt khô, ở bất cứ mặt nào trong cuộc sống.  Tôi hú vía cho một cái không biết của mình: không biết layout.  Không “mi” cái gì cả!!!
LN




No comments:

Post a Comment