Cây Mai Của Đồng Nguơn
Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh
Ngày ba mươi Tết. Đồng Nguơn.
Chị đi bằng xe
hàng. Là dân Đà Lạt gốc Huế nên chị gọi xe đò là “xe hàng”. Đi xe hàng, tức là
xe đò, là xe chở người và cả hàng chứ không chở riêng hàng. Tiếng Việt hay như
vậy đó! Đến Gò Công rồi đi xe lam vào Đồng Nguơn. Ấp Đồng Nguơn.
Không phải đây là
lần đầu tiên chị được thấy cảnh đồng quê. Đồng quê miền Nam hầu như đâu đâu
cũng giống nhau. Nhưng có đi nhiều mới thấy mỗi nơi có một chút khác. Phải thế
không? Hay chính là cảm giác của chị mỗi lần một khác?
Trên đường đi, hầu như ở đâu cũng thấy ruộng. Đến những xóm
nhà dân thì ruộng được thay thế bằng những sân phơi thóc. Thóc phơi trước nhà,
nhiều đến nỗi phơi lấn lên mặt đường. Thóc phơi ở sân bên hông nhà. Và chắc
chắn là có cả ở sân sau. Con gái thị thành, lần đầu tiên thấy cái gì cũng lạ,
lạ từ cây cầu tre lắt lẻo cho đến vườn chuối, ao bèo. Nhưng bây giờ chị đã thấy
quen thuộc. Tất cả ẩn hiện trên đường đi. Và khi xe dừng trước ngõ xóm, đi vào
khu dân cư, thì quang cảnh lạ hơn một chút.
Lính đóng trước nhà
dân. Chị hỏi thăm. Và đây rồi! Lời dặn của anh thật chính xác, chị đã tìm ra
anh. “Tìm ra”, là bởi vì anh đang xắn tay áo giúp bà chủ nhà phơi thóc. Một
cảnh rất bình yên.
Anh giới thiệu chị
với bà chủ nhà:
-Thưa bác, đây là
bà xã của cháu.
Hai người chào
nhau. Bà chủ nhà, trạc tuổi mẹ của chị, trầm trồ một cách thật thà:
-Cô… cô đẹp quá!
Chị ngượng nghịu cúi đầu. Anh tự nhiên hơn, khoe ngay:
-Bà xã của cháu là
hoa khôi trong trường đó bác!
-Vậy sao? - Tiếng
“Vậy sao” đặc trưng của người miền Nam. Bà cũng không hỏi là trường nào.
Họ đi vào nhà. Bà
chủ nhà đang lui cui sau chái bếp chuẩn bị đãi họ bữa cơm chiều. Chị trố mắt
ngạc nhiên, khi nhìn thấy bên trong nhà là nền đất, trái ngược hẳn với sân
xi-măng láng bóng sạch sẽ phơi thóc ngoài kia. Anh hiểu ý, giải thích:
-Ở đây nhà nào cũng
vậy, họ coi trọng cái sân phơi thóc, nên tráng xi-măng kỹ lắm! Còn trong nhà
thì đa số rất đơn sơ. Bà chủ nhà bước lên nhà, chỉ vào bộ ván cao, bảo chị:
-Tối nay cô nghỉ ở đây với tôi, không lo gì cả nhé!
-Dạ, cám ơn bác. Mấy ngày cháu ở đây, sẽ làm phiền bác lắm ạ!
-Không sao đâu. Tui có một mình, có cô và các anh đây sẽ vui mà! Con trai tui vài ngày mới về, cháu đi làm ở quận.
Chị hỏi:
-Bác ơi, thóc phơi sau nhà, nhiều quá, một tay bác làm sao xuể ạ?
-Mùa này không mưa, khi con trai về thì nó giúp tui. Nhưng cô biết hôn, mấy ngày nay có các anh đây giúp, tui cũng đỡ lắm!
Bà đưa đôi mắt nhìn anh, tỏ vẻ biết ơn.
Trời tối thật mau. Chị chưa kịp ngắm nhìn trọn vẹn quang cảnh xung quanh.
Những người lính ăn cơm ngoài sân, xong rồi họp lại đàn hát. Anh chị chơi với họ một chốc rồi anh nhắc chị đi ngủ sớm. Bà chủ nhà đã vào mùng. Đèn dầu thắp mù mù. Hai người ngồi ở bậc thềm cửa. Muỗi bay vo ve bên tai. Anh không cho chị ngồi nữa, sợ bị muỗi đốt.
-Ngủ sớm đi em!
Sáng mai mình còn nhiều thời gian nói chuyện. Anh sẽ đưa em ra chợ chơi.
Chị “dạ”. Ngày mai
còn nhiều thời gian. Chị vẫn có đủ thời gian báo cho anh một tin vui.
**
Mới đâu khoảng bốn
giờ sáng. Chị bị đánh thức bởi tiếng lao xao người ta nói chuyện bên ngoài. Bà
chủ nhà cũng thức giấc. Họ cùng lắng tai nghe.
Anh đến bên bộ ván,
nói khẽ:-Anh phải đi.
Chị ngồi ngay dậy:
-Anh đi sao?
-Có lệnh hành quân.
Chị ra khỏi mùng, quơ chân tìm đôi giép mang vào. Bà chủ nhà cũng ra, nói vội:
-Để tui gói cho mấy anh vài đòn bánh tét.
-Dạ cám ơn bác.
Anh quay sang chị:
-Tiếc quá, không được ăn Tết với em. Em về Sài Gòn ăn Tết với chú thím vậy nhé!
-Dạ.
-Hay là em ở lại đây chơi với bác một ngày, mai hãy về.
-Dạ.
-Em đừng buồn nhé!
Rối anh ôm siết lấy chị. Chị muốn nói cho anh về tin vui. Nhưng chị tự ngăn mình lại. Anh sắp ra lại vùng hành quân, nhiệm vụ chắc sẽ rất nặng nề. Anh sẽ có nhiều việc để lo. Thôi, cứ để về nhà, viết thư sau cũng được.
Toán quân đã đi. Nhanh gọn như khi họ đến. Bà chủ nhà không ngủ lại được, ra sau bếp nhóm lửa. Chị đứng một mình trong gian nhà thênh thang.
**
Đứng trong sân phơi thóc, chị thấy rõ tấm lòng trân trọng của người dân thôn quê đối với “hạt ngọc trời cho”. Họ đã dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho việc trồng, gặt, phơi lúa. Bà chủ nhà, tóc đã pha sương, vừa xới những hạt thóc lên, vừa kể cho chị nghe chuyện gia cảnh của bà. Chồng chết khi bà mới sanh đứa con trai, bà ở vậy nuôi con. Phước cho bà, đứa con trai lớn lên cũng ngoan, chăm làm, nên bà không lo lắng gì nữa. Có mấy công ruộng bà cho người ta thuê, bà cũng đủ ăn với số thóc lúa phần bà có được. Trong khi nghe bà kể chuyện, chị dõi mắt nhìn phía vườn cạnh sân phơi thóc. Là một vườn mai. Sắc hoa vàng đã ánh lên một vùng. Mồng một Tết, nhà nông có người cũng vẫn ra ruộng. Nhưng sắc xuân về chan chứa không lầm vào đâu được. Bỗng đâu có vài tiếng nổ vang lên rời rạc. Bà chủ nhà cũng như chị, nghiêng tai lắng nghe. Hai người nhìn nhau. Họ ngầm nói qua ánh mắt: không phải pháo, mà là tiếng súng.
Chị sẽ không thể ở lại đây ăn Tết với bà chủ nhà như anh dặn. Anh không có mặt nơi này. Chị xin phép bà chủ nhà để về lại Sài Gòn. Bà không ép, gói ghém cho chị hai đòn bánh tét. Bà ân cần nói:
-Cô cẩn thận nghen! Có bầu, đi đứng nhẹ nhàng, đừng xách nặng.
Chị cảm động. Mình không có nói gì với bà, vậy mà con mắt của người phụ nữ dạn dày với cuộc sống đã cho bà biết. Vâng, cái điều đã làm cho chuyến đi thăm chồng lần này của chị có một điều đặc biệt khác với những lần trước. Cái điều chị muốn kể cho anh nghe nhưng không đủ thời gian. Cái điều mà chị sẽ phải viết trong thư mà thôi.
Chị như lênh đênh trong cái không khí Tết ở miền quê, nhưng lại không giống Tết. Chị giống như người lữ hành cô độc nhiều hơn. Trên phà Mỹ Lợi về thành phố, màu vàng của hoa mai vẫn còn dịu dàng vương vấn. Tiếng pháo đốt lén rời rạc vang lên như từ mọi phía của mặt sông. Và như có khói bay vào mắt.
**
Ba mươi tháng tư. Đồng Nguơn.
Anh đứng trong sân sau. Sân phơi lúa thóc. Không có thóc. Bà chủ nhà đã gom hết thóc đi xay và trữ gạo vào nhà, như để chuẩn bị cho những ngày mưa tới. Mảnh sân trơ trụi như không có sức sống. Nhịp sống cũng có vẻ đang dừng lại thật. Anh đau đớn như bị ai tước đoạt một cái gì. Những ngày cố gắng chống chọi bằng tàn hơi rồi cũng phải chấm dứt. Anh cho đồng đội giải tán. Họ không còn thấy lại nhau. Mỗi người đi về trú quán của mình. Trên con đường nhỏ trước khi vào ấp Đồng Nguơn, bày ra một cảnh anh chưa từng bao giờ nghĩ đến: áo quần giày mũ của lính vương vãi khắp nơi. Anh cắn chặt môi, cố gắng giữ vẻ bình tĩnh. Bà chủ nhà, vẫn ân cần như trước, dọn cơm cho anh ăn. Bà ái ngại hỏi:
-Anh tính sao?
-Dạ, cháu về Sài Gòn, ra trình diện ạ!
-Phải. Ai cũng vậy hết. Tui nghĩ chắc không sao đâu!
-Dạ, chắc không sao…
-Còn gia đình, còn vợ con, anh hãy ráng…
-Dạ, cháu cám ơn bác, cháu sẽ ráng.
Anh nuốt miếng cơm vào họng. Cơm mặn đắng.
Khi chỉ còn một
mình ngoài vườn, anh đấm mạnh nắm tay vào cột gỗ. Máu chảy. Anh để dòng nước
mắt uất hận chảy tuôn.
Và như thế, như những người thất trận khác, anh trình diện, rồi đi vào trại “cải tạo”. Anh trấn an bà con đừng lo nghĩ nhiều cho anh. Chị đã theo gia đình đi về Đà Lạt sau mấy tuần tạm trú ở Sài Gòn “lánh giặc”. Bây giờ thì hết chỗ để lánh. Đâu đâu cũng là “họ” rồi!
Anh đi “tù cải tạo” hơn hai năm, rồi vì bệnh nặng nên anh được cho về. Bà con Sài Gòn mừng vui, lo lắng cho anh, hỏi anh “tính sao”. Anh đâu biết tính sao. Cuộc đời đã xoay chuyển không ngờ. Người thanh niên lớn lên với bao nhiêu hoài bão xây đắp, bây giờ như đứng trong một cái hố sâu của thất vọng. Anh vẫn còn trẻ quá mà! Hai mươi bảy tuổi. Anh chưa biết “tính sao”.
Trở về Đà Lạt. Gia
đình của cha mẹ anh bị “kiểm kê” mất hết tài sản vì có một cửa tiệm trên chợ,
nên được gọi là “tư sản mại bản”. Ba anh
thất chí. Anh thất chí. Hai cha con vác cuốc đi làm rẫy. Nhiều người Đà Lạt khi
đó cũng đi làm rẫy. Như một cái “mốt” chăng? Không hẳn thế. Mà là một phương
tiện để sinh sống. Không bán được khoai củ như nhà vườn chuyên nghiệp thì cũng
“có cái để ăn”. Thời gian này người dân cao nguyên thiếu gạo hơn cả cái thiếu
của miền xuôi. Gạo bán kèm với thức ăn độn là khoai sắn theo “tiêu chuẩn đầu
người”. Có nhà ăn su ăn sú trừ cơm. Anh tận dụng chiếc xe gắn máy cũ để chở rau
chở sú về nhà. Nhưng ba của anh thì muốn đi bộ. Ông thường mang cái túi lớn
trên vai, oằn lưng vác về những hoa màu thu được. Có khi ông gánh. Ông bảo thời
chạy “tản cư” năm 1945 ông cũng gánh. Bây giờ ông trở lại gánh. Ông chủ tiệm
với ông làm rẫy là một. Ông cuốc bộ đến quen, nhất quyết không đi xe. Cứ như
vậy cho đến ngày ông chết.
Anh càng thất chí
hơn. Anh trở về phố. Hai vợ chồng thuê nhà ra ở riêng. Thằng con trai kháu
khỉnh lớn nhanh. Chị đã nghỉ học lâu nay, ra chợ bán buôn . Nói “bán” cho hay
ho, chứ cái gọi là gian hàng của chị là một khoảng sân nhỏ bên hông chợ, trên
đó chị bày một ít rau để bán. Những chanh, những hành, những ớt. Thế thôi. Cái
“gian hàng” oai phong như thế vẫn phải đóng tiền chỗ mỗi ngày. Nhưng Trời
thương, nhờ cái mảnh gian hàng đó mà chị trang trải được những chi phí cho gia
đình. Cô nữ sinh hoa khôi của trường nữ trung học áo xanh đã đổi khác rất
nhiều, đã nhuốm phong sương đúng theo nghĩa đen, vì sương và gió sớm của xứ
lạnh đâu có tha cho làn da của một ai. Buổi sáng chị ra chợ sớm đón những nhà
vườn mang rau ra bỏ mối, ngồi bán suốt ngày cho đến tắt mặt trời, tối đến lo
cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, đón con từ bà nội về. Chị vẫn mỉm cười, không một
lời than.
Nhưng anh thì mắc
bệnh trầm cảm. Anh đã không quen được với cảnh đời mới dù anh luôn dặn mình hãy
cố gắng. Đêm ngủ anh thường giật mình ngồi bật dậy, nghe ùa đến trong anh nỗi
xót xa thương nhớ đồng đội. Anh nhớ những con suối, những khu rừng, những làng
mạc thôn ấp. Anh nhớ cảnh nhường nhau từng bịch gạo sấy, từng điếu thuốc hút
một nửa. Rồi anh thảng thốt trong một giấc mơ có cảnh các anh em đồng đội vội
vàng cởi bỏ quân phục, tìm đường chạy mỗi người một phương. Anh vẫn còn nghe
rất rõ giọng nghẹn ngào của người lính gần gũi mình nhất: “Thiếu úy! Em sẽ tìm
lại Thiếu úy.” Anh nhớ cái nắm tay chảy
máu của mình. Anh lại hãi hùng với ký ức những ngày trong tù cải tạo. Những lời
thuyết giảng xoáy vào tai. Những lời nhiếc móc. Những ngày nắng lửa lầm lũi đi
lao động. Những buổi mưa dầm ngồi trú ở một góc nào đó nhớ nhà, nhớ cha mẹ vợ
con. Anh đã bị một hậu chứng khó chữa lành. Anh không dễ dãi đi tìm quên ngoài
quán nhậu. Anh tìm vào một thế giới có nhạc, có thơ văn. Nhưng tất cả đều không
giúp gì được cho anh.
Một ngày, người
lính cũ tìm đến nhà anh. Thầy trò mừng tủi. Người lính vẫn gọi anh là “Thiếu
úy”. Và thật cảm động, anh ta tặng “thiếu úy” một chậu mai vàng. Cây mai Đồng
Nguơn, vì anh ta là người dân miền ấy, đã được anh “rinh” lên xe đò đem đến tận
đây để tặng người chỉ huy cũ của mình.
**
Cây mai trồng ở cao nguyên, vẫn sống nhưng không nở hoa. Bao nhiêu mùa xuân vùn vụt trôi. Mỗi Tết đến, anh trông chờ cây mai nở những nụ hoa vàng. Nhưng nó sống èo ọp, thoi thóp như một cơ thể héo úa. Người ta bảo cây mai nếu được chăm sóc tốt có thể sống cả trăm tuổi. Anh quyết định cho nó ra ngoài đất, không để trong chậu nữa. Có người anh em bạn rủ đi làm rẫy dưới chân đèo Prenn, anh đem cây mai về trồng dưới đó.
Anh chọn làm rẫy, sống như một người ẩn dật. Chị thì không muốn. Chị chọn sống ở Đà Lạt, ngay phố chợ để buôn bán. Chị đã sắm được một cửa tiệm nhỏ bán len và đan áo. Anh đi đi về về. Bề ngoài, trông họ vẫn là một gia đình bình thường.
Đứa con trai lớn lên thành một cậu thanh niên tuấn tú. Nhưng cậu có lối sống trầm mặc. Cậu thường tìm mua những mẩu đá quý, và ngồi một mình yên lặng hằng giờ, khắc lên những mẩu đá ấy nào tượng Phật, nào tượng Chúa, nào tượng thần tiên. Cậu thiếu sự gần gũi với cha. Hai mươi mấy năm, hai cha con chỉ nói với nhau những câu thật đơn giản. Mà anh cũng không biết có cái gì để chia sẻ cùng con. Bởi anh còn mang một tâm bệnh chưa chữa lành.
**
Chị khóc khi đọc
những dòng chữ tuyệt vọng của anh:
“Có thể anh sẽ
chết. Như bao người tuyệt vọng. Cây mai anh trồng mãi chẳng nở hoa. Anh không
quên được quá khứ. Anh không quay lưng với mình. Nhưng anh hằng phải đối diện
với những kẻ lãng quên, những kẻ quay lưng. Có lẽ anh sẽ chết. Một ngày nào cây
mai chết vì không muốn nở hoa, anh cũng sẽ chết”.Cả tuần nay anh không về nhà. Tết đến nơi rồi! Một mình chị lo “cúng quảy trong nhà trong cửa”, nói theo cách quen thuộc của người mình. Đứa con đi với bạn bè vào núi tìm mua đá quý. Chị nghe nỗi buồn xót xa bào xé trong lòng. Đã có ai đó nói rằng một người buồn quá có thể “vỡ tim”. Có một anh bạn đã chết vì nhồi máu cơ tim và chết trong giấc ngủ không ai hay biết. Anh rồi cũng thế sao? Chị hoảng hốt. Đứa con về nhà sáng mồng một. Hai mẹ con đèo nhau trên chiếc Honda, xuống rẫy của anh.
Chân đèo Prenn. Rẫy nằm sâu bên trong, cách đường lộ lớn một cây số. Thằng con chở mẹ trên đường đất đỏ gập ghềnh. Họ đến trước sân nhà, một ngôi nhà nhỏ như mọi cái nhà quanh đây dựng sơ sài để trông chừng vườn rẫy. Chị như rú lên khi trông thấy cây mai ủ rũ xơ xác, khô đét. Bao nhiêu năm nay nó vẫn sống tuy rằng sống buồn sống héo. Bây giờ nó muốn chết rồi chăng? Chị chạy như bay vào nhà. Ngôi nhà đơn sơ chẳng mấy khi khóa cửa. Chị sẽ gặp anh như thế nào đây? Ôi, anh ơi!..
-Chúc mừng Năm Mới!
Chị giật mình. Anh trong bộ đồ tươm tất, trông như sắp sửa đi đâu. Chị bàng hoàng. Anh nói tiếp ngay:
-Xin lỗi em. Anh chuẩn bị về trên nhà mình đây! Hôm nay là Tết mà! Mình về ăn Tết chứ em?
-Dạ…
-Con chở em xuống đây à?
-Dạ, hai mẹ con chạy xuống với anh. Em sợ anh…
-Sợ anh buồn à?
-Không… Anh ơi, cây mai héo queo rồi!
Anh thở dài:
-Phải. Mai vàng khó ra hoa nơi miền rừng núi lạnh lẽo. Ăn tết ba ngày xong mình cùng đi Đồng Nguơn đi em! Đi thăm thằng lính cũ của anh. Đi thăm ngôi nhà có lần em đã ghé đấy! Bà chủ nhà chắc bây giờ lụm cụm lắm rồi. Vườn mai của bà chắc nở đẹp phải biết. Phải đi Đồng Nguơn thôi! Thằng con cũng đi nữa. Anh có nhiều điều để chia sẻ với nó.
Nước mắt tràn đầy trong mắt chị. Người con gái hoa khôi trong trường nữ trung học áo xanh, bao năm dạn dày tần tảo vẫn sáng lấp lánh vẻ đẹp nhu lành. Chị gật đầu thật nhanh như sợ anh đổi ý, như sợ những gì mình nghe thấy chỉ là trong mơ.
Trước cổng, cây mai vàng xơ xác như sống lại. Cây mai của Đồng Nguơn.
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Tháng 12, 2011
No comments:
Post a Comment