Nghe Nhắc Tới Cố Hương
Nguyễn Thị Xuân Lộc
Trước đây, tôi có một ý nghĩ rất chủ quan và vô căn cứ là nhạc sĩ không
hề biết hát, nhưng từ lúc nghe Từ Công Phụng hát thì tôi lại tin rằng chỉ có
nhạc sĩ hát nhạc của chính họ, mới diễn tả hết được hồn nhạc, và từ đấy tôi lại
rất cả tin là các nhạc sĩ đều biết ngân nga, chỉ vì họ không muốn đây thôi.
Trở lại với giọng hát của Nguyễn Đình Toàn, ông hát tự nhiên như đang
truyện trò, trao gửi, tôi nhớ mãi và tự hưá sẽ tìm mua đĩa nhạc Nguyễn Đình
Toàn. Ngày qua ngày, tôi không nhớ được bản nhạc tên gì và lời hứa cũng bay đậu
trên ngọn cây cao nhất, tôi với không tới và quên bẵng. Bây giờ bỗng dưng Lan
Anh cho đến hai đĩa của Nguyễn Đình Toàn, âu đấy cũng là nhân duyên. Là quả đất
tròn. Là hội ngộ.
Nói đến nhân duyên cũng chẳng thể không khoe một hạnh ngộ thần kỳ. Có
bao giờ tôi ước mơ được quen với chị Bích Huyền, tác giả của ''Lối cũ chẳng sao
quên''. Bạn tôi có cơ duyên bầu bạn với chị hàng chục năm trời, một bạn thân
khác viết về chị, dẫu cách xa chị cả nửa vòng trái đất, thế mà vòng thân hữu ấy
không có tôi. Một buổi bình minh, trời thật trong vào cuối đông, tôi có được
đĩa nhạc của Nguyễn Đình Toàn, tôi quen được chị Bích Huyền người thực hiện đĩa
nhạc '' Tôi muốn nói với em'' của Nguyễn Đình Toàn, và ngay giây phút này, tôi
đang ở trong vòng tay thân ái của tình bằng hữu với những người bạn của dòng
đời cũ vừa mới quen. Từng phần đời đến và qua đi, là những trao tay giữa người
và thượng đế, nhưng đời sống lại là một chuỗi những phần đời kết lại, vì thế
quá khứ dù đã qua, nhưng không là đã xong. Hạnh phúc tôi vừa nhận, đã được ươm
trong quá khứ, được sắp đặt thật chu đáo trong quá khứ, để hoàn thành một đền
bù, một trao đổi vuông vức, đúng như thuyết nhân duyên của nhà Phật.
Trở lại hai CD của Nguyễn Đình Toàn, một CD tựa đề ''Nhạc Chủ Đề 1970
Tình Ca Việt Nam'' , tôi chọn nghe trước vì có những bản nhạc cũ với những
tiếng hát cũ tôi hằng yêu. Các bản nhạc đều được Nguyễn Đình Toàn giới thiệu đã
trở nên thê thiết lạ kỳ. Tôi bỏ dở, không nghe hết. Lúc hồn thê lương, không
nên trở về chốn cũ...
Sang CD thứ hai, có đến hai bản nhạc đã từng sống với tôi một thời, từng
trở tới trở lui
''Tình khúc thứ nhất'' và '' Em
đến thăm Anh đêm ba mươi ''. Những bước chân rón rén trong đêm tối trời cuối
năm, lần nào cũng cuống quýt thơ ngây. Nỗi vui, nỗi buồn của mối tình thanh
xuân cứ chập choạng ẩn hiện, tôi muốn kéo dài tình trạng này, tôi muốn được
sống hẳn trong không gian ngày cũ, ngày còn trẻ, thật trẻ. Ngày ấy mắt chưa nhạt phai, tóc chưa đổi thay, môi chưa biết dối với
đời... Ngày ấy...Tay em lạnh để cho tình mình ấm, môi em mềm cho giấc ngủ anh
thơm...
Một bản nhạc được yêu và nhớ hoài, là bản
nhạc đã nhắc người nghe một kỷ niệm, một nỗi nhớ, và thường là vì lời lẽ của
bản nhạc chân thật hoặc bóng bảy. ''Tình Khúc thứ nhất'' và ''Em đến thăm Anh
đêm ba mươi'', sẽ không trở thành bất
hủ nếu lời của bài hát không phải của Nguyễn Đình Toàn.
Trong CD ''Tôi muốn nói với em'', bài hát nào cũng thấp thoáng tâm hồn
nhân hậu của Nguyễn đình Toàn, ông hiện hữu trong từng nỗi vui, nỗi đau và cho
dẫu có thế nào, ông cũng luôn là người vỗ về, luôn mong bình yên đến với mọi
người.
... Yêu em bỏ tuổi thơ ngây. Yêu em ngậm ngải trên môi, yêu tim héo đã
xa cành vui...cây xanh đã muốn soi ngày cuối đời... Yêu em khi đất nước không
còn chi, ai đi đi mất, không người quay về... Bóng Bồ Đề che đỡ những tâm
hồn lưu lạc, thơ và nhạc Nguyễn Đình Toàn là một vỗ về an ủi cần thiết trong
nỗi mất mát trắng tay.
Nghe ''Căn nhà xưa'' của Nguyễn đình Toàn, một nơi có những sớm mai nằm nghe nắng ròn trên mái, có
giếng nước soi trời trong, có những sớm em tìm đến... mà cứ ngỡ như có phép
nhiệm màu nào khiến căn nhà xưa ấy bỗng to, bỗng lớn thành căn nhà Việt Nam, có
những tháng năm khốn khó quyết nuôi tình
duyên, đã trốn thoát qua nhiều phen... Nhớ hoài, nhớ mãi, làm sao quên!
...Tôi muốn nói với em, những em bé Việt Nam, đang sống khắp bốn phương,
nghe nhắc tới cố hương, thấy lòng vẫn trạnh buồn, dù Việt Nam có khi chỉ còn là
bóng dáng héo mòn, lắt lay trong hồn giống như ngọn đèn mờ sương...
Lời dặn dò của Nguyễn đình Toàn nghe như
tiếng trối trăn của cả một thế hệ. Thế hệ bỏ đất Bắc vào Nam lánh nạn Cộng Sản,
thế hệ bỏ đất nước vượt trùng dương tìm Tự Do. Đem con đi trong đêm đen, thách
đố với tử thần, băng rừng vượt biển, nhưng chẳng thể nào quên được mảnh đất gầy
gò, nơi có lũ sên, có rêu tường xanh.. đã ấp ủ và thấm máu xương của hàng trăm
thế hệ.
...Tôi muốn nói với em về những tháng năm, Tổ quốc ta nhọc nhằn, người
phơi người trên đau thương, dạy trẻ thơ thù oán... tôi muốn nói với em, nhắc
với em rằng hãy cứu giúp cố hương, dẫu lòng không nợ nần...giọt nước cũng nhớ
nguồn, lá không quên rừng, chắc em sẽ còn nhớ lại Việt Nam .... Bản nhạc
''tôi muốn nói với em'' qua tiếng hát Lệ Thu, theo tôi, đó là một sự chọn lựa
cẩn thận. Tiếng hát Lệ Thu cũng như Mai Hương, Kim Tước, Quỳnh Giao... là những
tiếng hát để cho chúng ta trân trọng gửi gắm những gì dính dấp đến quê hương,
của quê hương, hay những mối duyên tình dở dang, nhưng có nhiều độ lượng.
Tôi chỉ mới biết Nguyễn đình Toàn qua thơ,
nhạc của ông và qua mối cảm tình sâu đậm của bạn tôi dành cho ông. Nhưng tôi
vẫn muốn viết gửi đến ông lời chân thành.
Xin hãy yêu phần đời đang sống. Hãy bằng lòng đặt hạnh phúc, nhân duyên
cũ hay mới xa một sải tay để không còn có cơ hội chìm lỉm, đắm đuối... Cũng
đừng nên sầu bi, kéo định mệnh lại quá gần mình, khiến héo úa những ngày còn
lại...Khỏang đời này chỉ còn ít thôi và thật quý. Đôi khi là quá ít, không đủ
để đón nhận hạnh ngộ đến vào cuối đời, do cõi lòng từ bi mang lại. Mong những
ngày tới nhiều an vui.
(NTXL 12/2002)
Kho nhạc chuông, nhạc chờ của các ca sĩ hiện nay trên thị trường: nhac cho moi nhat
ReplyDelete