Mưa khuya
Lưu Na
Tách cà phê.
Tranh Bửu Chỉ
(tiếp theo)
Sáng dậy Mây tắm rửa rồi qua rước ông.
Đi cà phê nha? Ừ.
Mỹ thật lạ. Họ không chỉ thích
hoa. Họ còn thích lá, thích gốc cây sù
sì, thích đám chim vỗ cánh là là trên hồ như muôn vạn vì sao cánh trắng rơi phủ
mặt nước cạn. Mây ngồi nhấm nháp ly cà
phê yên lặng nghe ông nói. Trước mắt,
cây cổ thụ to trụi lá với cơ man là cành đứng khoe thân trong nắng. Dưới gốc cây, hoa poppy nở rực rỡ khỏe mạnh
vàng cam hồng trắng… Bồ câu từng loạt
đổi chỗ từ sân cỏ qua mái kề bên mỗi khi có một miếng bánh tung ra, hay một con
kêu gọi gì đó. Bên cạnh Mây, một anh
lông tơ vàng óng trên cánh tay, kính đen gác mái tóc, đang đắm chìm với cái máy
tí hon trên tay và ly cà phê bốc khói trước mặt.
Ông nói với Mây tiếng còi tàu những năm 7, 8 tuổi. Ông nói với Mây tiếng chuông chùa khi gieo
trong gió làm im bặt muôn tiếng chim trong cây cổ thụ sát đê. Ông nói với Mây cái ánh vàng đổ xuống mặt
nước lấp loáng, khi một mình đứng trên con đê.
Cái quạnh quẽ của kiếp người, đâu chỉ là khi xa cách người thân. Nó còn là cái quạnh quẽ đơn côi của một tấm
thân trần trụi trước vũ trụ, khi xe lửa băng ngang từng cánh đồng hoang trống
tưởng như mình đang đi ngược về tiền kiếp, về cái dĩ vãng không chịu phai. Khi về tới cái nôi, mình có chấm dứt một vòng
quay dẫu còn đang thở? Phải chăng khi
nhìn quanh chỉ thấy tuổi thơ, thấy quá khứ, là khi mình đã chết, đã xa rời một
kiếp trong muôn kiếp biến hóa của những năm tuổi đời lay lứt trên dương thế?
Mây nhớ một năm nào đó lúc 8, 9 tuổi Mây
theo Ba Má vào một club của lính Mỹ.
Trong ánh đèn mờ mờ, nhạc quay cuồng và người đi lại nhộn nhịp. Kẻ bưng nước, người lôi nhau ra sàn nhảy, kề
vai bá cổ rần rần chung quanh. Mây chợt
thấy một anh lính ngồi đơn độc. Anh trẻ
lắm, chừng 20 thôi. Anh ngồi lặng thinh
uống beer, ánh mắt buồn chảy xuống như những giọt nước lăn từ miệng ly xuống
bàn. Thấy Mây nhìn, anh ngoắc
ngoắc. Bị hút vào ánh mắt trống đó, Mây
bước tới. Anh rút ra tờ bạc trăm dúi vào
tay Mây. Mây lắc đầu. Anh rút thêm tờ nữa, Mây càng lắc. Ánh mắt anh như hoảng loạn ngơ ngác. Mây về bàn của mình. Ba Má trở lại bàn, rồi về. Cả tuần lễ sau Mây vẫn khóc khi nhớ ánh mắt
buồn bã ấy. Bây giờ Mây vẫn không hiểu
sao mình đã khóc. Mây nhớ tuổi ấy Mây đã
có những bước chân lẻ loi trong xóm vắng khi mọi người xúm nhau xem boxing máu
me hay xem phim chiến tranh Combat! Sông
thì chắc không chảy qua một chỗ hai lần, nhưng nó có mang theo những mảnh hồn
lẻ loi?
On the beach by Brooke Howie
Ông nói ra biển. Hôm nay sóng
lớn, trắng xóa. Hình như giờ nước lên,
bãi đầy sóng, và chó, và người!!! Vòng 2
vòng mới có chỗ đậu xe, Mây cùng ông bước chầm chậm theo bờ trên cao, nhìn
xuống bãi dưới chân như từ cõi nhân gian nhìn xuống một thiên đàng. Sự sống đầy ắp lóe mắt trên bãi ngập sóng.
Cô nọ nằm ngay xuống mặt cát ướt mà tập thể
dục bụng. Anh bạn đồng hành vung cây vợt
xanh có một đầu tròn như cái môi múc spaghetti dứ bên phải dứ bên trái. Hai con chó lăng xăng quanh chân, chờ cái vợt
vung lên, trái banh tenis nằm trong đầu môi sẽ văng vào biển trước mặt. Chúng sẽ tranh nhau lượm về. Sau lưng, một anh vện trắng đen tung vó xả
hết tốc lực rượt chim, cái hớn hở bung ra theo từng sãi chân. Quay ra, một anh nâu đen cứ ngoạm trái banh
tenis chậy vài bước nhả vào hốc, chờ em vện vàng tới lấy. Rồi anh lăn ngửa ra dẫy dẫy cái lưng xuống
cát ướt, rồi lại uốn lưng vung dậy, rồi lại ngoạm banh đi thả vào hốc
khác… Bên cạnh cái tưng bừng rộn ràng
của người với vật, sóng cứ đều đều tung trắng xóa từng đợt. Mỗi lượn sóng khi vào bờ đều cuộn lăn êm ả,
cho đến khi một lớp sương trắng mờ bung tỏa trên đầu lượn nước là khi sóng bủa
trắng như domio sập xuống theo hàng ngang.
Giữa sự sống phơi phới mát trong đó Mây chợt thấy đau nhói như đang đi
trên cát ướt mà đạp trúng hòn đá sắc khi nhớ cái chấm câu của Chiến, “chính
xác.” Chữ đó, cách nhấn câu đó, thì
người cũ vẫn nói như vầy, “đúng như thế.”
Sao Mây thấy như vấp phải đá?
***
Mấy bữa rồi không qua, bữa nay Mây ghé chở ông ra bưu điện. Ông mở cửa, rồi trở lại bàn computer, bảo, ngồi đi.
Ông đang chat với bạn. Một lúc
nào đó, Mây liếc thấy hàng chữ trên cả
tình, trên cả sự cảm thông, như mưa tự trời, như vạt nắng… Ông đang nói với bạn về sự đồng cảm tìm được
với một người. Lời nói rung động lòng
Mây, như giọt mưa lạnh soi xuống đáy lòng mình.
Ông nhìn sự việc như thấy luôn kiếp trước đời sau, ông nói lời tự nhiên
như làn sương như ngọn gió. Ngẫm sâu
thêm lời ấy, Mây thấy bàng hoàng. Mây
thấy một chiều khác của những việc đã qua, một cảm niệm cao hơn sức suy nghĩ
của mình. Mây thấy một bề sâu nơi một
tâm hồn xa lạ. Bàng hoàng chứ không giật
mình bối rối hay hụt hẫng không biết trả lời sao như với những lời của Chiến.
Trên đường, ông lại nói cùng Mây những chuyện chẳng ăn thua gì nhau, như
những khúc phim đứt rời không mạch lạc.
Mây chợt nhận ra điều ngược ngạo.
Mây đã bắt đầu nhìn vào con người và tâm hồn ông qua những lời như độc
thoại như bây giờ ông đang nói, ở những câu buông ra không cân nhắc đắn đo sắp
xếp.
Chính những lời ấy bộc lộ tâm hồn
và con người ông, đẩy Mây tới những con chữ của quá khứ.
Mây tưởng đến ông như một cây lúa.
Đâu cần phải có hạt thì lúa mới là cây lúa,
nhưng không có hạt thì lúa uổng đời cây lúa.
Ông đã cho hạt, đã trổ bông, mà Mây thì lại chỉ biết đến ông từ một thân
lúa xanh xưa, một cọng rơm khô bóng.
Không sao, Mây cho rằng Mây đã được thấy, đã được nếm hưởng hơn rất
nhiều những người chỉ biết đến bông lúa hạt gạo!
Mây mơ hồ thấy ra cái khác biệt của Ông và Chiến. Ông, máu trong người là nhựa cây trắng xóa,
rỉ ra từ thuở tấm thân còn non yếu đến vóc vạc trưởng thành và giờ đây héo
rụm. Nơi ông sự sống tuôn chẩy, nơi ông
nhựa trắng yêu đời đổ xuống thành những con chữ đen thê thảm, thành những giọt
máu khô trên đường đi qua. Giữa tiếng
cười diễu cợt đáo để của ông và những con chữ dường như là một đại dương mênh
mông, một lòng giếng sâu bất tận. Nỗi
buồn như ẩn dấu sau những âm thanh.
Những lời ông nói là những thực thể bị phủ mờ sương, là những món ăn tả
trên trang giấy không muối tiêu hành mỡ, là những xác thịt lẩn vào trong ánh
trăng mờ không dấu cong vết trầy, không hơi thở, không buốt xót. Giữa những gì đã viết và những điều muốn
nói_thực nói tới, là một không gian bao la không thể nắm bắt. Giữa mỗi con chữ, giữa hai hàng chữ, thường
là những lỗ đen, những khoảng trống ơ thờ.
Ông có lẽ đã ước mơ và đã sống trong mơ ước, nhưng chưa bao giờ và sẽ
không bao giờ trọn vẹn một niềm mơ. Ông
không là loài cây ăn thịt, ông chỉ dám xăm soi sự sống, vuốt ve sự sống, hít hà
sự sống, chứ chưa chắc dám ngoạm nuốt một miếng to của sự sống. Mây cảm nghĩ, Ông không sao chịu nổi những
tanh nồng của máu me khi nuốt vào một miếng sống, ông chỉ là một thứ “tôi muốn.” Bên cạnh ông Mây thấy mình như vũng nước hồ,
phản chiếu sự sống những khi có sự sống lướt ngang mặt hồ, Mây hiểu ra, những
cảm nghĩ mỏng manh trong chuỗi đời tào lao đã qua đều là thật, đều là sự sống
phản chiếu nơi mặt hồ mình. Ảnh trầm hàn thủy, phải vậy không? Bên ông Mây hiểu ý nghĩa những điều thật nhỏ
nhoi mơ hồ. Bên ông Mây hiểu và chấp
nhận những việc mình đã làm trong vô thức.
Còn Chiến, Chiến về Việt Nam chơi gặp cô gái đẹp ngoan Chiến hỏi cưới
ngay và rồi ở lại. Bây giờ con sắp đến
tuổi vào trường Chiến trở lại Mỹ. Ngày
đầu trở lại, Chiến liên lạc với “buddies.”
Ngày thứ 2, lấy lại bằng lái.
Ngày thứ 3, dọn dẹp nhà cửa cho Bố Mẹ.
Ngày thứ 4, đi mua xe. Trong vòng
1 tuần lễ, Chiến như đã plan xong cuộc tái định cư thứ ba trong đời. Chiến bước tới không chần chừ. Chiến có lời sắc nhọn như dao, có cung cách
lao tới cho đến hết giọt cuối cùng của mồ hôi của sức lực. Có lẽ Chiến cũng mang cái tâm hồn nghệ sĩ như
Ông, nhưng hắn consume sự sống, hắn yêu đời như người ta ăn óc khỉ. Hắn không tuôn tràn những hàng chữ đen thê
thảm mà hắn rực nơi mắt màu đỏ máu, hắn thắm cái xanh lá, hắn vang tiếng cười
thay cho note nhạc chán chường. Dòng máu
nghệ sĩ nơi hắn là cái “tôi là.” Hắn
chính là dương bản, là bức hình nổi của ông_tấm phim xám trong đen nhờ không
tiếng.
Nhưng không thể vì cái tương phản của hắn
với Ông mà Mây mắc nghẹn.
Mây là ai và
sao đứng nơi này, bên âm bản, trước dương bản, của một sự sống xa lạ?
***
Còn 2 tuần nữa là Tết, Mây đi chợ Costco
với anh Tư.
Nơi Mây ở, những khi gần lễ
rất nhộn nhàng ơi ới.
Mây học ra từ khi
vượt biên ý nghĩa câu
tha hương ngộ cố
tri, nhưng 35 năm sau hình như Mây thấy nhiều lúc cố tri nhức nhối hơn cựu
thù.
Ở lối vào, xe nối đuôi chờ quẹo phải vào
parking nên xe quẹo trái cũng phải chờ, nên xe muốn ra đường cũng phải chờ, nên
xe muốn de ra khỏi chỗ đậu cũng phải chờ, nên xe muốn lấy chỗ đậu cũng phải
chờ, nên xe muốn vào parking cũng phải chờ, vân vân. Có thể nói chung rằng xe Lexus, Mercedes,
Honda Pilot, Toyota Sienna dù xe nhỏ hay xe to phần nhiều là của người
Việt. Và có thể nói (và có thể bị đánh),
cái xe chờ chỗ đậu làm nghẽn lối là một xe của người Việt. Sau 20 phút Mây và anh Tư vào được bên trong
chợ. Ở đây chợ đáp ứng nhu cầu người mua
rất nhanh. Christmas, kẹo chocolate đủ
loại, kẹo rượu, và rượu, nhiều hơn ở những Costco nơi khác và bán hết rất
nhanh. Ngày trung thu có bánh trung thu
(dẫu chưa đúng nhãn hiệu !!!) Ngày tết,
cúc đại đóa chất đầy 3 từng kệ, lan đất vàng tía xanh lục lợt tràn lan. Kế bên là những khay mứt, rổ mứt trà gói sẵn
thành từng phần quà đầy ngập kệ.
Đi chợ Costco trở thành một cái vui khám phá những mặt hàng mới_ tốt,
đẹp, giá phải chăng. Chỉ cái tội hàng
tiêu dùng loại nào cũng bán nhiều, gia đình nhỏ mua về không chỗ chứa, không
dùng kịp ngày hết hạn. Mây mua hoa, lủi
vào lựa cúc đại đóa. Bên cạnh, một anh
phân bua với vợ và bầy trẻ con: mình mới lựa được 2 chậu hoa để vào xe, quay
lưng tìm chậu lan trở lại thì xe và cúc đã mất tiêu. Người chung quanh cười rộ, Mây trợn mắt dặn
anh Tư ôm lấy xe. Mây lấy 3 chậu cúc, 2
chậu lan, và 2 bó huệ. Huệ ở đây rất
tươi, mập. Anh Tư hỏi Mây,
-Bộ Mây mua đi bán lại hay sao
mà nhiều vậy
-Đâu phải, Đâu phải, nhiêu đây
là hà tiện đó. Mua biếu, mua cho nhà, nay
mai còn phải trở lại mua hoa để bàn thờ.
-Ừ. (Có vẻ ngao ngán !!)
Mây mở cuốn coupon book ra, tìm những món hàng cần. Cũng lại là một thú vui khác khi đi chợ
Costco. Cứ hễ có “cu bông” thì mua cho
bằng hết theo giới hạn, đem về để dành.
Gọi nhau bê, chỉ nhau mua, mua cho sạch kệ. Sau nhiều lần cúng vài trăm với mấy cái “cu
bông” vài đồng, Mây mới thấm đòn “sale” của Costco. Nhưng Mây vẫn thích đi Costco, vui mắt vui
tai và tiện lợi.
Trẻ em tha hồ tìm games, tìm sách.
Quí bà quí cô lăn vào hàng quần áo, xà bông, thực phẩm. Quí ông dí mũi vào computers, máy hình. Cụ ông cụ bà ra chỗ cây chậu hoa bó kẹo bánh
hộp mà tẩn mẩn_Ồ, cây này xứ mình mọc
hoang mà nó bán. Hoa này to đùng thô
quá. Kẹo bánh này thì ở mình thích biết
mấy…. Thích ăn vặt free? Đi một vòng
là no, đủ món ăn uống bày sẵn từng mẫu nhỏ cho người đi chợ thử, quảng cáo hữu
hiệu lắm nha. Hay nhất, là các đại ca
không cần biết nấu nướng vẫn có thể gầy ra một bữa nhậu hay một bữa ăn thịnh
soạn. Ghé qua hàng rượu vác một chai
Cordon Rouge Grand Manier, 30 đồng trừ 5
đồng cu bông, đãi bạn hiền. Lượm thêm
thùng dầu gió xanh 24 chai Heineken.
Bước tới hàng đồ nguội, lấy đại miếng ham, một thỏi xúc xích. Qua hàng đồ ăn liền bắt một con gà Rotisserie
chỉ có 5 đồng. Một hũ salsa, một bịch
tortilla chips. Ăn hết buổi tối vẫn còn
hàng !!!!
Thú
nhất với Mây là ráng nghe xem họ nói gì với nhau. Tiếng Việt không đấy, nhưng nhiều chữ lạ và
âm thanh véo von lắm. Nơi quầy tính
tiền, một anh có đeo túi nhỏ travel trước bụng hăm hở chất hàng lên quầy. Hai cô tính tiền hỏi thẻ hội viên, anh bèn lục. Anh lục từ ngăn ngoài cùng vào ngăn giữa, đến
ngăn trong. Mắt anh nhìn sang dẫy bên
cạnh tìm kiếm, miệng anh lẩm bẩm đ. mẹ…
thật giầu âm điệu! Anh đưa mắt nhìn Mây
phẩy phẩy tay ra dấu lên trước đi, nhưng hàng của anh nằm ì trên bàn, Mây không
tới được. Anh Tư hỏi Mây anh ta nói gì, Mây lắc đầu -chỉ nghe được tiếng chửi thề, những tiếng
kia như chim hót, không nghe kịp.
Anh ta lấn ngang đầu xe Mây, ra trước để dỡ hàng xuống lại xe đẩy. Mây la rầm, gẫy bông gẫy bông, bồng 2 bó huệ lên tay. Anh ta giả lả, Mây trừng mắt. Im, tự dưng ai cũng im hết. Trả xong tiền Mây mới nghe 2 bà ngoại trẻ nói
chuyện
-Tại sao phải mua lan ở đây,
ra trước tiệm vàng Ngọc Quang mua. Một
chậu 35 đồng 5 nhánh đẹp hết biết. Ở đây
20 đồng 2 nhánh, lỗ
-Nhưng Costco bán hàng uy tín
thiệt thà chất lượng
-Hoa thì đâu ai gạt được ai
-Nhưng phải trả giá
-Họ nói 35 đồng, khỏi kỳ kèo.
Mây tính vòng lại trả chậu lan, anh Tư trợn mắt, “
cho Mây 10 đồng.”
Ok, ok,
Mây đành đi ra.
Ra khỏi Costco Mây vuốt
tóc, giũ sống áo.
Trong xe Mây ông ổng
rao,
muốn đổ mồ hôi trong tháng đông,
muốn thấy nắng hè trong trời giá, xin mời ghé qua… (quát to)
CO..OO..ST CO (xuống giọng)
Garden grove.
Anh Tư càng trợn hơn sau cặp kính.
Mây về nhà cất những thứ đã mua, rồi nhờ anh Tư chở qua căn gác quạnh
quẽ ấy, mang cúc đại đóa sang biếu Ông và cô Năm. Phòng khách chỉ có Ông Bà. “Nó”
nằm trong phòng suốt, Ông nói vậy.
Mây nghĩ, cõi riêng? “Nó” nằm
trong phòng, nhưng Mây vẫn cảm thấy như có cái hố chờ mình. Mây ớn nếu bị tạt vào mặt những câu hỏi,
những lời nhận định mà càng tự phân bua rằng đâu có gì quá đáng thì càng lấn
cấn. Nhưng hôm nay khác.
“Nó” ra. Mây chào nhưng không
nghe Chiến trả lời, Mây nói nghe tiếng
tưởng là Thu, Chiến nói dạ không phải. Chiến phụ mẹ dọn cơm, rồi vào bàn chung với
mọi người. Chiến không nói gì với Mây,
cũng không nhìn Mây trong suốt bữa ăn, như Mây không có mặt, như Mây là “người
cõi trên.” Mây cười với ý nghĩ đó. Chiến im lặng như Thu vẫn im lặng trong mỗi
bữa cơm, chỉ nói chuyện với Bố Mẹ với cô Năm, và chỉ trả lời nếu Mây hỏi. Mây cảm thấy như Chiến không biết nói gì cùng
Mây. Mây càng cười cho sự đảo ngược
đó. Có vẻ như Chiến và Thu không biết cư
xử sao với người chỉ đồng vai vế mà lại là bạn của Bố. Chiến lặng lẽ ăn, nhìn y tưởng như cây mã tấu
chống mũi xuống đất. Mỗi khi hắn nhìn cô
Năm, tưởng như 2 cái đinh nơi chuôi đao lấp lóe sáng. Nhưng trước sau gì, hắn cũng sẽ dọn ra, cũng
sẽ trả cái quạnh quẽ lại cho Bố Mẹ hắn, dầu không thể như xưa. Mây,
Mây, cái không gian này rồi sẽ còn buồn hơn, Mây biết không. Chiến nói với cô Năm, cháu đi mua ly cà phê, và không hề nhìn lại Mây, không bye Mây như Thu mỗi khi ra đi. Cái im lặng đó có phải do bản tính tự nhiên,
hay do không lấn được thì lui? Cho đến
bây giờ Mây vẫn chưa thấy Chiến nhìn thẳng, cái nhìn mạch lạc và thẳng thắn của
người dân địa phương khi nói chuyện cùng người đối diện.
Không muốn nghĩ thêm về những lấn cấn đó, Mây đi bộ về nhà.
***
Young girl seated by Amedeo Modigliani
Thứ bảy đi làm rất buồn chán, vì
lẽ trong sở chỉ lấy được đài radio tiếng Việt, mà chương trình cuối tuần chỉ
thuần quảng cáo.
Mây đành mở MP3 nghe
lại chương trình đọc sách cũ.
Nhưng Mây
chỉ nghe được mấy episodes về Bùi Giáng, về thơ Cao đông Khánh rồi đành phải
tắt máy.
Tự dưng Mây thấy mệt lả, muốn
nằm xuống bên đường.
Từ cái giọng trầm
trầm vang ra những lời viết
như xẻ dọc
trái tim, như thể cái giọng ẩn ước niềm đau đó đã truyền nhiễm vào Mây nỗi mệt
mỏi chán chường.
Đột nhiên Mây thấy ra
một khía cạnh khác của cái đọc.
Những năm tháng xưa khi còn nhỏ thì đọc là một thú vui. Khi ra nước ngoài, đọc thành một nhu cầu -nhu cầu gắn bó với quê hương vừa dứt bỏ,
nhu cầu đắp đỗi vết thương của người dân bại trận, nhu cầu tìm hiểu, nhu cầu
biết có những người chia sẻ nỗi đau đớn của mình, nhu cầu biết mình không phải chỉ
có một mình trong thế giới xa lạ này. Và một nhu cầu thể xác: cho quên nỗi nhọc
nhằn của những ngày dậy từ 4 giờ sáng đi làm đi học, 10 giờ đêm về đến căn
phòng trống lạnh ăn chén cơm buồn. Mây
đọc bất kể là loại gì trừ thể truyện dài nó làm mình mê lậm không làm ăn gì
được. Khi đọc Mây thấy mê mải với mọi
thứ tâm tình mọi ý nghĩ nêu ra. Mê cái u
hoài nghệ sỹ nhưng cẩn trọng của Nguyễn Hiến Lê, mê cái cà tửng bất cần của Hoàng
Chính, mê cái hào sảng kỳ bí của Tô Thùy Yên, mê cái ngậm ngùi ngơ ngác của
những nhà văn nữ thời 80, mê cái đanh đá của Túy Hồng, mê cái cuồng nhiệt của
Nhã Ca, mê cái rề rà chuyện thời “giải phóng” của Nguyễn Đức Lập… Ôi thôi Mây mê đủ thứ. Đọc, giống như đi du lịch khắp nơi, giống như
quen muôn người, giống như thêm được một bồ chữ, nhận được một cuốn sổ đời
sống. Và sướng nhất, là đọc mình không
phải nghĩ_không phải đối diện với lòng mình, với những điều u mê trong tâm
trí. Mê nhất là đọc Võ Phiến. Võ Phiến nhận xét tinh tế lắm, chỉ ra những
tâm lý sâu kín của con người rất độc đáo.
Đọc rồi, 15 năm sau đọc lại vẫn thấy mê.
Lúc đó, Võ Phiến giới thiệu cuốn sách nào thì Mây sẽ đọc cuốn đó khi có
dịp. Rồi cũng có lúc Mây đứng lại, và
xác định với chính mình, nhiều khi mình mê đọc người giới thiệu chứ chưa chắc
mê đọc người được nhắc tới. Đọc với Mây
cứ vẫn là nhìn ra.
Bây giờ, nghe đến câu chữ “…Cuộc
tan vỡ mỗi người mang một ít trong máu, nghe nói thì hiểu ngay, chẳng cần biết
đó là chuyện của ai. Bài vọng cổ không
phải đời sống, nhưng có bao nhiêu đời sống mất đi mới thành bài vọng cổ, hát
lên và nghe hát là có thể khóc, không phải khóc những gì ở ngay trong bài vọng
cổ , mà khóc cái xa hơn -khóc người đã trở thành bóng, khóc xóm củi, khóc cái
bến tắm ngựa, khóc chuyến xe buýt đậu trước cửa chợ Bà Chiểu, em mặc áo dài đen
bước xuống…rồi biển lấp đi tất cả…” Mây thấy rung động tâm can. Cái đồng cảm nó đến cùng mình dẫu qua con
chữ, nhưng sao nói được tần số của nhịp rung?
Tựa như khi Mây ngồi nghe hát chương trình nhạc Lại Tôn Dũng, âm thanh
quá lớn, đến nỗi dội vào 2 tay Mây đang đặt trên tấm áo windbreaker, nhưng tần
số đáp ứng nơi tay chắc chắn không phải là giọng hát. Cái rung động của tâm hồn đồng cảm không đo
bằng con chữ đã viết xuống. Mây thấy ra,
đọc Võ Phiến như nhìn bức hình sinh vật chiếu rọi thân thể người ta, gân xương
mạch máu thần kinh bắp thịt. Mỗi chữ mỗi
lời của Võ Phiến là markers dẫn mình đi tứ tung trong cái thân thể đó. Nhưng
markers luôn còn đó, Mây cứ theo markers mà phiêu lưu, trên thân thể của ai đó. Đọc những câu chữ của NĐT Mây quên ngay con
chữ, không biết mình bị xẻ chỗ nào trên bức họa đồ mà thấy như máu bắt đầu ứa
ra trong cơ thể, tim mình thoi thóp đập một nhịp lạ, óc mình bị chiếm những
hình ảnh không tiếp cận bao giờ. Mây quả
thật muốn nằm xuống. Bị hòa nhập với một
hồn đau, đâu phải mình có chọn lựa.
Đọc thơ Cao Đông Khánh (hay bất cứ ai), thì mỗi người mỗi cảm, Mây không
chắc mình sẽ thích hay mê CĐK. Nhưng
những giòng viết về thơ Cao Đông Khánh dậy cho Mây biết, không chỉ khi viết
mình mới soạn lại lòng mình. Chính là
khi đọc NĐT mà Mây phải lọc lựa lại những gì đã nghĩ, những cảm xúc đã qua; đọc
NĐT Mây không chỉ nhìn ra mà còn nhìn vào chính lòng mình. Nhìn vào rồi hiểu, rằng trong kiếp này không
ai đọc được dùm ai một chữ tình.
Mây lại nghĩ lan man đến những phút hững hờ
im lặng nơi nhà Ông. Có lúc Bà phỏng
tay, ông ngồi nhìn ra cửa sổ tay mân mê những ngón tay nhỏ xương xương của Bà,
miết quanh những cái móng be bé. Có lúc
ăn cơm, Ông cầm cái fork tay run run xắn miếng cá thu rim khô cho Bà, chan
muỗng nước mắm vào chén gỏi cho Bà. Đưa
tay vuốt một lọn tóc xòa, miết ngón tay quanh gò má… Tình, nơi ông không ở lời nói, không ở những
hành động hào nhoáng ước lệ. Nó là những
cử chỉ vẩn vơ bất chợt đến và bất chợt làm, như thể ông cũng bị lên đồng, bị bà
nhập chứ không chủ tâm làm những việc đó.
Và thực ra, chỉ một thoáng giây rồi tất cả qua đi. Mây hên hay xui mà cảm mà nhìn thấy?
***
Hôm nay Ông có vẻ vui. Ông khoe với Mây rằng Thu sợ Chiến một phép,
rằng Chiến trị được tật cà nhỏng của Thu.
Hể hả hơn nữa, ông tỉ tê lời Chiến đã nói, rằng ca sĩ nọ có cuộc sống và
thái độ tệ như vậy thì không thể hát hay được mà sao vẫn hát hay! Chậc!!!
Mưa vẫn từ trời rơi xuống, chứ người đã nghĩ đến nấm mộ của mình từ thuở
còn thơ sao lại không biết chuyện có tật có tài. Còn nhớ khi Mây tỏ ý không muốn qua vào giờ
cơm ông đã nói bâng quơ, “nó” cũng biết
cười đấy. Mây làm thinh. Nước mắt chảy xuôi, dù Mây không nói gì nhưng
chắc ông cảm được cái ngần ngừ của Mây khi gặp Chiến.
Có tiếng chuông, Bà ra mở cửa. Cô Năm qua. Cô mang 2, 3 món đồ ăn bầy ra bàn rồi chạy
vào gọi Chiến. Chiến đi ra, nói cháu vừa ăn xong cô ạ, Cô ăn đi cô, nhỏ giọng lại chị cứ ăn đi chị. Mây cảm tưởng như Chiến là đứa trẻ sợ bố mẹ,
hễ phải nói điều gì không thích bèn lí nhí trong miệng!!! Mây cười thầm với ý nghĩ ngộ nghĩnh đó khi
nhìn lại vóc người đồ sộ của Chiến. Cây
mã tấu sau vài lần huơ rất rộng và dũng mãnh giờ thường chỉ nhỏ giọng chào Mây
và không nói gì với Mây nữa. Đúng ra Mây
và Chiến mới dễ thân nhau chứ, Mây và hắn đến nơi này trước sau vài năm, chênh
lệch nhau vài tuổi, cùng để lại sau lưng một gia đình… Sao Mây thấy gần với Ông hơn với hắn? Sao Mây không thấy cấn cái với Thu dù Thu nhỏ
tuổi hơn Mây nhiều và chỉ mới ở đất này năm ba năm?
Có phải vì cái mười năm ngửa mặt mà Ông có
lần nhắc đến? Mây cũng có riêng một cái
mười năm, và nếu Mây cũng có một cái mười năm thì Chiến cũng như hầu hết người
dân miền Nam sau 75 có lẽ đều có một khoảng mười năm tê liệt với cuộc sống sau
những biến cố dồn dập. Mà nơi đây, có 2
đứa trẻ như bung ngược chiều nhau? Rau
thơm đem trồng xứ lạnh không thơm mà hăng, dẫu tươi tốt mà lạc quẻ khi gói ghém
vào nhau !!! Vô lý, tựa như phim Tàu
nói, thiên địa vô tình, như Việt và
Mây cũng đã dạt hai nẻo đời, từ thuở còn thơ.
Mười năm, Ông nói, tôi ở tù về chỉ nằm ngửa mặt nghiền
ngẫm. Tôi nhìn lại mình, nhìn lại cuộc
đời, nhìn những đổi thay, nhìn xã hội tàn rụi trong khúc phim câm, không còn
được là mình nhưng hiểu mình hiểu người hơn bao giờ hết… Còn Mây, cái khoảng mười năm ấy Mây đang loay
hoay với sương mù trắng và ánh đèn vàng vọt mỗi xế chiều. Không có ai hiểu được cái hoang tàn trong
lòng Mây chỉ vì một ánh đèn nê ông đã mất, và cái im vắng khi mặt trời tắt
nắng. Đường phố, rõ ràng là đông, xe rất
nhiều rất nhanh, mà sao im vắng lạ lùng.
Không ai nói với ai câu nào, không bên nọ bóp kèn bên kia khạc nhổ. Không ai la lối vào tai mình dô, dô, tránh ra, tránh ra…
Mây ở chung với khoảng 15 người dưới một
mái nhà, nên cái thê lương những khi tết lễ mới càng khó chống đỡ. Trong căn phòng ướt lạnh ấy, Mây thấy chuyện
thắp nhang để bàn thờ thành một trò lẩm cẩm vô nghĩa. Ông-Bà là ai và Mây là ai ở chốn này? Mây không còn nẻo về, những đứa con Mây sẽ có
-chắc gì biết ăn bún riêu? Mây cần một
người ruột thịt để có một gia đình, nhưng Mây đơn côi, nhưng Mây không còn bao
giờ thấy lại Má đứng ngơ ngác tìm con trước
ngõ ngày Mây lên xe đến bãi “bốc.”
Đứng trước cái hớn hở rộn ràng của người chung quanh, Mây không biết
phải nói gì cho nỗi thê thảm trên vai mình.
Hai mươi lăm năm sau Má đến đất này trên máy bay. Mây mừng lắm, nhưng trong mắt Má Mây đà mất
gốc, mất bàn thờ, giỗ Ba Mây cũng quên.
Mây chả buồn cúng quảy, vì nén nhang không chỗ cắm giờ thêm thiếu lòng
thành là ngọn đuốc đe dọa lương thiện trong Mây. Má đâu biết, giỗ Ba như làn khói lúc nào cũng
quẩn quanh trong lòng Mây. Dầu sao Mây
cũng đã gắng hết sức mình để làm một đứa con ngoan. Những khi bế tắc, mà thường là bế tắc, Mây
lại qua bên gác hẹp của Ông. Đối diện
với cánh cửa sau cùng, mọi hân hoan khổ đau được mất đều vô nghĩa. Cái đau khổ trong cuộc sống riêng của Mây như
vơi đi, như cũng biến thành khói nhang vô hình trong lòng Mây.
Dường như Chiến không có thứ bế tắc đó.
Chiến mãi là một đứa con Việt Nam, dẫu trong hoàn cảnh nào, phải
vậy không? Em kể chị nghe chuyện buồn cười này… Dường
như cây mã tấu thôi huơ một vòng quanh chỗ đứng, dường như đinh ốc nơi chuôi
đao thôi tóe hào quang.
Mùng một, Mây rủ
anh Tư đi chùa ở San Diego.
Trời mưa tầm
tã, trên xe Mây kể anh Tư nghe giấc mơ về một người bạn văn đã chết.
Mây lẩn thẩn thú nhận là đêm nào cũng nghĩ
đến cái chết, Mây sợ chết, không biết cõi đó ra sao.
Anh Tư cười cười,
anh sẽ đến đó trước Mây, để chừng đó anh kể cho Mây biết nghen.
Nghe sợ.
Lên chùa, thấy phơi phới dẫu ý niệm thiên đàng địa ngục luôn ngự ngay
trong chùa.
Tựa như thấy ánh hào quang
thì Mây đã thấy phần nào được xả tội!!!!
Chùa thì nhỏ nhưng miếng đất to trên đồi thật thoáng mát êm đềm.
Chung quanh các thầy trồng cơ man là đào,
vườn chùa còn rất nhiều cây ăn trái đang trĩu cành và một vườn rau.
Như vậy có trái cây cúng Phật và rau dưa qua
ngày, cũng được…
Mưa đổ xuống.
Mây mừng ơi là mừng, lấy máy ra chụp mấy chục
bức hình hoa đào trong mưa.
Anh Tư đã
quen với thói ham hố của Mây, anh quay sang nói chuyện cùng một thầy đứng
gần.
Mây ra dốc đứng nhìn cây nêu có
treo tràng pháo đỏ.
Thiệt ra, lúc Mây
còn trong nước hình ảnh cây nêu tràng pháo cũng chỉ là thấy trên sách báo.
Những đứa trẻ sinh ra nơi tỉnh thành không
bao giờ có dịp biết đến những tục lệ hình ảnh chưa xa mà đã xưa như ông bành tổ
ấy.
Trời đổ lạnh thật nhanh, anh Tư gọi
về.
Mùng hai, Mây lại rủ anh Tư đi chùa. Không cần đi xa, ngay cạnh phố Bôn-Sa. Ở “thủ đô của người Việt tỵ nạn” thì nhà hàng
quán ăn chợ cửa tiệm tụ ở phố Bolsa. Hội
chợ Tết thì ở đường Westminster. Còn
chùa, thì không cần đi hành hương thập tự ở đâu xa, cứ đi trên đường Hazard,
một con đường nhỏ nằm song song và kẹp ở giữa 2 đường Bolsa với
Westmisnter. Bắt đầu từ gần góc Golden
West là chùa Điều Ngự, mới lập được vài năm.
Chùa vẫn còn đơn sơ trên miếng đất rộng với một cội đào già thật đẹp và
lạ. Cành đào tỏa chúc xuống đất, hoa đào
be bé gọn gàng màu hồng phấn chứ không hồng rực rỡ không ú nụ như các loại đào
bán đầy phố, trồng ở mọi nhà. Trong chùa
tượng Phật đơn sơ vừa phải, và đặc biệt là một khung hình của thầy Thích Quảng
Độ nơi phòng bên. Bức hình và thời điểm
thành lập chùa như không phải tình cờ.
Không cần phải nói, chỉ như một khẳng định mình là ai tại sao ở nơi này.
Mây đi ngang góc Hazard và Beach, nơi đây cũng có một kiểng chùa nhỏ mà
Mây chưa ghé bao giờ. Qua Magnolia Mây
ghé thắp nhang chùa Giác Lý. Chùa Pháp
Hoa thì ở góc Euclid Hazard, rồi quẹo một tí thì sẽ gặp chùa Hương Tích. Chùa này vừa vừa thôi, nhưng rất ngăn nắp,
chung quanh chùa và bãi đậu xe bao bọc bằng những tượng La Hán (?) bằng đá
trắng. Trở lại đường Hazard, Mây ghé
chùa Bảo Quang. Phải nói bây giờ chùa
Bảo Quang to nhất. Nhiều tượng nhiều hòn
non bộ, thêm hồ với tượng tưởng niệm thuyền nhân, rồi khu triển lãm trưng bầy
hình ảnh nghệ thuật, tượng Thích Quảng Đức…
Mây có cảm tưởng chùa BQ là một trung tâm sinh hoạt văn hóa Phật học hơn
là một cái chùa.
Đi xa hơn một chút ra Westminster vào chùa
Huệ quang, sau đó thẳng lên khu Santa Ana vào chùa Bát Nhã.
Anh Tư nói
chắc Mây nhiều tội nên đi nhiều chùa!!!!
Phải nói rằng sự
sống của chúng ta, những người đã xa quê, bao quanh chợ và chùa (hay nhà
thờ). Khi ra đi, chúng ta không còn biết
tìm đâu những kỷ niệm xưa. Nơi sách vở
tài liệu, chúng ta thực chỉ nghe một tiếng dội thấy một bóng nhòa, cái đói khát
tình quê cần một điều gì cụ thể hơn. Vậy
nên, đi chợ, đi chùa. Đi chợ tìm lại
món ăn quen, đi chùa tìm lại mùi hương cũ.
Đến những nơi đó như sống lại thói quen đã tạo nên mình. Ở những nơi đó thấy chân mình vẫn chạm đất,
thấy hồn mình còn chỗ náu nương, không những gặp người quen mà còn gặp lại
chính mình của những năm xưa.
Ý nghĩ đó có thể là
riêng lẻ, nhưng làm sao có thể phủ nhận sức sống và cái thèm chút hồn quê của
người Việt trong những ngày đầu năm.
Giao thừa, khắp chùa có lễ đón giao thừa với ầm vang tiếng pháo.
Ngày mùng một, các chùa đầy nghẹt phật tử đến
lễ bái.
Nào phải chỉ đến để thắp một nén
hương, ăn một bát cơm chay.
Phật tử còn
khệ nệ mang ba bốn bao gạo, năm bảy bịch cải to đùng vào sau chùa để cúng
dường.
Ở xa, họ ghi tên theo các tours
chiêm bái lễ Phật hành hương.
Ở gần thì
cứ chùa quen mà đi.
Và hầu như ai cũng
biết hội chợ Tết của Tổng Hội Sinh viên tổ chức hàng năm.
Bốn, tổng hội sinh
viên phần nhiều là các em trẻ.
Năm,
bảy năm trở lại đây, thấy phần nhiều là hình
ảnh của các em sinh viên đã trưởng thành, rất quan tâm đến quê nhà ở xa, đến những
vấn nạn xã hội, đến tiền đồ dân tộc, đến thế hệ cha anh.
Hội chợ dần dần bao gồm những thành phần
không thể thiếu: hội đoàn tôn giáo, hội đoàn chính trị dòng chính, hội đoàn
người Việt quan tâm những vấn đề của người Việt và Việt
Nam, và “vui Xuân không quên các
anh chiến sĩ”…
Các sinh hoạt văn hóa ngày
Tết là những tiết mục phụ bao quanh những cái trục vững vàng đó.
Dần dà Mây đâm thấy nhàm.
Nhưng năm nay bạn bảo Mây là đã lỡ một dịp may, nên Mây lật đật gọi anh
Tư cùng vác máy ra để vớt vát.
Và Mây
thầm cám ơn bạn đã nhắc nhở Mây.
Năm nay
hội chợ mang sắc thái khác, tươi và mới.
Tươi với hầu hết những khuôn mặt còn non của tuổi teens.
Mới với một theme Tết chắc nịch: hội vui ngày
Xuân.
Các em dựng hội chợ như một phim trường.
Mây có cảm tưởng như các em đã huy động học sinh của cả một trường trung
học vào tham dự với quần áo cổ truyền (phần nhiều là của miền Bắc). Trong trang phục Tết, các em luôn mỉm cười
với vai trò của mình ở vở kịch ngày Xuân.
Hình ảnh ngày xưa được cố gắng dựng lại, tuy thô sơ nhưng vui và làm ấm
không gian. Sạp vải, hàng xén, hàng bún
chợ Bến thành, ghe chợ nổi miền Tây, quán trà, Khuê Văn các, lính tuần giáo đỏ
áo xanh, và cả một cái đám cưới ngày Xuân…
Hội Xuân gồm những trò vui ngày Tết như đánh cờ, thả thơ, đố nhạc, chơi
trò chơi trúng thưởng, văn nghệ giúp vui, biểu diễn võ thuật, viết chữ ngày
Xuân, và ăn quà vặt. Đặc biệt có sạp che
nắng và bàn để ngồi ăn, không phải lóng ngóng như những năm trước. Không nghe tiếng gọi lô tô, nhưng nghe tiếng
rao mua vé số rút thăm trúng thưởng.
Phần văn nghệ trên sân khấu lớn không hay bằng phần văn nghệ do các em
thiếu nhi các trường Việt ngữ và các hội đoàn khác đóng góp, với những bài hát
những điệu múa mang tính dân tộc và nặng phần đóng góp văn hóa, không chuyên
nghiệp nhưng đầy tính cách quê hương và làm sống lại tinh thần vui Xuân. So với những năm trước, hội chợ Tết năm nay
rất ít vẻ thương mại chính trị, làm đậm chủ đề Xuân Bình An hơn, và như nối
được thêm thành phần teens vào thế hệ trước.
Nhiều màu tóc hơn, nhiều tuổi hoa hơn, và nhiều áo dài Tết hơn. Vẫn chỉ năm đồng vào cửa. Mây được một ngày vui và lời được hơn 100 bức
hình để gửi cho anh bạn xa.
Đêm đến rã rời. Mây nằm im, những
hình ảnh của hai ngày Tết tràn ngập trong đầu không sao ngủ được. Giữa rừng người, cả mấy trăm cả ngàn khuôn
mặt mà không gặp được một người của ngày xưa.
Lấn quấn lu bu muôn vạn thứ của cuộc sống, chỗ nào trống cho quá
khứ? Mà sao mãi lằng nhằng. Việt, Lù, mày ở đâu? Mình có xưng mày tao nữa không nếu “rủi” mình
gặp lại? Đêm nay trời khô lạnh. Những hạt mưa tuần trước chắc đã hóa rêu.
***
Sau mấy ngày chộn rộn, giờ Mây mới rảnh qua bên chở ông đi bưu
điện.
Lại bưu điện.
Rồi lại tòa báo, rồi lại cà phê cùng anh
em.
Mây ngồi yên nghe họ nói
chuyện.
Những tràng cười, những lời chọc
ghẹo.
Một lúc nào đó, Mây ngó xéo thấy
ông cầm điếu thuốc trên tay.
Lạ.
Thường Mây chỉ thấy ông hút pipe.
Ai đó nhắc thuở cây còn xanh lá, những cuộc
vui, ông chỉ cười nhẹ nhàng.
Rồi cũng ai
đó nói một điều về cuộc sống, chợt Mây thấy ông rộng miệng cười răng
nghiến
đầu điếu thuốc, ánh mắt mờ đục
chợt lấp lánh, hàm răng úa cũ như bừng sáng, cái nghiến trên điếu thuốc như dội
ra sức sống.
Nơi cử chỉ vô tình đó, Mây
chợt thấy cái nam tính cuối đời của ông, cái nam tính không bằng lời to vóc
lớn, không bằng cư xử dõng dạc.
Nó chỉ
loáng thoáng nét chấm phá của một dòng chữ Nho đen tung hoành trên giấy
lụa.
Nó mơ hồ tựa những lúc ông tiễn cô
Năm ra cửa, vỗ nhẹ vào lưng cô như một lời chào, hay những khi ông thẳng thắn
chĩa mũi dùi vào cô Năm buông lời cà khịa và cười khanh khách.
Nhìn nụ cười rộng nhưng hơi đanh vì răng
nghiến điếu thuốc, Mây chợt thấy một quá khứ sống đầy ăm ắp đã từng ghi dấu
trên cõi địa cầu này.
Mây nghĩ, đời ông
phong phú biết bao, từ hạnh phúc được là mình đến khổ đau không được là mình;
từ bước trên đường hoa đến lạc cảnh máu xương; từ là bức tranh thắm màu tươi
nét, thành bức ảnh thâm sâu, và nay đang trong lại như tấm phim cũ.
Ông có biết Mây có một tuổi thơ còi cọc, Mây
như một nhánh cây mọc oặt ẹo, và mọi lá hoa cây trái về sau đều chỉ là nỗi hối
tiếc?
Mây nhìn ông nói chuyện, nghe cái
im tiếng của không gian, Mây ráng hình dung chiếc ghế trống mà không thể.
Đầu óc Mây thật nghèo nàn… và Mây lại thấy
hết hơi mệt lả.
Dường như ông cảm được cái đuối sức của Mây, đứng lên từ giã ra về.
Bước vào nhà, Bà đang sắp bàn dọn cơm.
Thu đang ở trong phòng. Ông về,
ngồi vào chỗ bên cửa sổ như tìm thấy lại mình.
Ánh mắt nhìn ra cửa sổ như trống rỗng, rồi ông bật ra một câu hát, một
lời nghe chẳng ăn nhập gì đến cái chốn ông đang ngự. Mây mơ màng ngẫm nghĩ. Chợt, Mây thấy nhà hơi trống, đưa mắt nhìn
ông. Ông bâng quơ, Chiến nó tìm được chỗ ở rồi.
Mây cúi đầu liếc mắt ngang vai.
Ông tiếp, Thu nó muốn ở đây với
tôi. Thắc mắc của Mây đã được giải
đáp. Thu đi ra.
-Hi Mây
-Hi Thu
Bà bảo vào bàn ăn cơm.
-Mẹ, chén đó của “con” Mây
(chữ “con” hơi nuốt, nghe nhỏ rí, nhưng không phải lí nhí !!!)
Mây bật cười thầm. Cho cân với
tiếng “chị” ép uổng bữa nọ đây. Thu bưng
chén lên, vẫn im lặng như mọi khi nhưng hôm nay mặt có vẻ dãn ra không lầm lì
bẽn lẽn như mấy bữa trước. Cuối bữa, Thu
nói 2 tuần nữa sẽ chơi nhạc. Trước giờ Mây vẫn nghe Thu kể chuyện chơi nhạc,
nhưng hôm nay Thu nói đến cái sinh hoạt thường lệ đó một cách ngắn gọn như đã
tìm được ghế của mình. Tự dưng Mây đưa
mắt nhìn ông ngồi bên cửa sổ. Mây đứng
lên cáo từ. Ông đứng dậy đưa Mây ra cửa,
lắc nhẹ bàn tay như một lời chào.
Đêm nay trời có mưa?
Lưu Na
02/01/2012