Monday, July 18, 2011

Đọc

Lưu Na


Năm tôi 10 tuổi ba má bảo tôi ghi tên học luyện thi đệ thất ở trường Dũng Tiến.  Trường nằm trên đường Cao Thắng, gần góc Phan đình Phùng, đối diện chùa Tam tông miếu.  Băng qua cái sân sâu 2 bên dựng xe đạp là 2 phòng học cuối sân, tôi học buổi sáng từ 7 đến 9 giờ, 3 ngày một tuần. 

Mỗi ngày học 1 môn, thầy Vinh dậy luận văn.  Thầy gầy ốm nhỏ con, kính cận sơ mi ngắn tay xanh nhạt.  Thầy cho học luận mẫu (nghe nói có bài của anh Hùng tôi mà tôi chả biết bài nào).  Nội dung một bài luận văn phải có những gì tôi chả nhớ, chỉ nhớ thầy chụm năm ngón tay vạch từng thứ trong không gian vị chi là…

Chúng tôi thích thầy Trường hơn.  Thầy ngăm đen và nghiêm nghị, dậy toán đố, sử và thường thức (hay cái gì đó tôi quên rồi).  Thầy cho các anh chị 10 tuổi chúng tôi cùng trả bài học thuộc lòng Vua Quang Trung đại phá quân Thanh.  Chúng tôi hè nhau đọc vang rân, ngắt đúng dấu chấm dấu phẩy rầm rập như một đoàn hùng binh.  Thầy dậy cách ghi bài toán đố, vừa đọc xong đầu bài là lác đác đã có trò dơ tay có đáp số.  Thầy sẽ gọi anh Thanh với chị Thanh, anh Nghĩa với chị Nghĩa v.v… lên bảng.  Những lúc đó nét mặt nghiêm nghị của thầy như có nét cười mà không cười.  Chính là thầy Trường dậy toán giới thiệu mà tôi đọc quyển sách đầu tiên: Tâm hồn cao thượng do Hà Mai Anh dịch.  Sẵn trớn tôi đọc luôn Vô Gia Đình, Trong Gia Đình.  Những lời nhẹ nhàng buồn bã của Tâm Hồn Cao Thượng như khói nhang u uẩn, quẩn quanh trong lòng tôi mãi đến giờ.  Nhưng tôi đã mê truyện chưởng của nhà Cảnh Hưng hơn sách.  Mỗi lần đổi truyện tôi thường bị ông Cảnh Hưng môi trề mỉa mai gọi tôi là tú tài truyện chưởng. 

Thêm vài tuổi, tôi mê Quỳnh Dao do Liêu quốc Nhĩ dịch, thỉnh thoảng vồ được truyện tình Tây Phương do Vân Hạ dịch thì hết chê.  Tuổi Hoa thì cũng đọc cho đỡ buồn.  Nhưng không hay bằng Thằng gù…, Những kẻ khốn cùng…  Lụy tình chưa dứt (The Sound of Music).  Truyện Z28 thì hết biết trời đất.  Truyện của nước người ta hay hơn truyện của nước mình?

Thêm vài tuổi nữa thì cái gì có chữ tôi đều đọc cả, không phân biệt sách hay truyện hay báo.  Tôi đọc quảng cáo rao vặt cũng như truyện cười trong Văn nghệ tiền phong.  Tôi đọc tạp ghi văn nghệ, đọc thơ, đọc Bóng Thuyền Say…, đọc Phụ nữ mới, sách coi bói, sách học làm người...  Tôi đã biết câu thơ Em ơi lửa tắt bình khô rượu / đời vắng em rồi say với ai và thuộc rất nhiều thơ của Nguyễn tất Nhiên.  Hình như cái gì tôi cũng đọc mà lại không biết đọc sách văn hóa!!

Sài gòn sập cái rầm, tôi hết sách, truyện, thơ để đọc.  Đang từ đứa lười học tôi mải miết ra chợ sách cũ tìm mua sách toán sách Anh văn, cái gì có dạng giáo dục như Quẳng Gánh Lo Đi Mà Vui sống thì tôi mua hết và đọc hết.  Những ngày tháng đó ôm một mối hờn mà không biết hờn gì, tôi đọc bất cứ cái gì còn tìm được của thời trước, đọc Chinh phụ ngâm.  Vừa đọc bài dịch vừa đọc giải nghĩa vừa học luôn ký tự.  Được gần 400 câu thì tôi chán cái đoạn kết có hậu và quay ra đọc Kinh Thánh.  Bây giờ chuyện tình ái học trò và vượt biên lôi cuốn hơn, tôi tạm xa chữ.

Sau những ngày đầu trên xứ lạ, đi làm có chút tiền dư tôi mua sách.  Thoạt tiên tôi đọc tiếp loại sách học làm người của Nguyễn hiến Lê.  Từ Nguyễn hiến Lê tôi đọc Võ Phiến rồi mê Phan quân của Võ Phiến (Phan Nhật Nam).  Các nhà thơ cũ mỗi người một quyển, rước về.  Tôi mê Trần Vũ, Thế Giang, mê thơ Vũ hoàng Chương, và tôi mê bất cứ chuyện gì viết về quê hương, về sinh hoạt văn hóa của Sài gòn xưa, về lính, về người tỵ nạn.  Khi đã xa quê tôi lại bị cuốn vào chuyện của nước mình!!! 

Đời sống nối tiếp những thất vọng mơ hồ, tôi đọc Trang Tử đọc sách luận giải về thiền và Phật học, đọc Kinh Kim Cang, Kinh Thủ Lăng Nghiêm.  Tôi lại mê Sử ký Tư mã Thiên, mê Tiếu ngạo giang hồ, Thạch kiếm, mê tạp bút… Thêm vào cái mê kiến thức, mê nhiều chuyện, tôi mê biết cảm xúc tâm tư suy nghĩ của người qua chữ viết.

Sau hai mươi năm tạo đời sống mới, tôi cũng tạo cho tôi một vốn hiểu biết chữ Việt và văn hóa Việt kha khá.  Nhưng đọc, được gì và tại sao đọc, vẫn không rõ nét trong tôi.  Qua trang chữ tôi tưởng như mình hiểu được thế giới quanh mình, cái thế giới mà khi tiếp xúc tôi không gặt hái được gì nhiều.  Với trang chữ tôi thấy cái cô đơn của mình được tạm lấp đầy, và những ý niệm về kiếp sống về lòng người như hiện ra rõ nét.  Nhưng, sao tôi vẫn thấy trống không?  Chữ nghĩa, nó có thực làm giàu tâm hồn mình?  Sách và bài viết tiếng Việt vẫn nhan nhản mà sao như có nỗi ngán ngẩm và ngại ngần.  Người trước, thì những chuyện đã qua, tôi không còn muốn nhớ.  Người sau, thì những chuyện tôi không thấy có mình, không cảm được điều gì.  Cùng một lứa bên trời lận đận như tôi, thì biết rồi khổ lắm.  Chuyện muôn đời của đạo lý của kiếp người, thì nó vẫn vậy đến muôn đời sau… Tôi buồn tôi ngớ ngẩn.

Thêm tuổi đời là thêm gạn lọc băn khoăn.  Tâm hồn tôi như không giàu thêm mà khô cạn đi khi tôi thấy ra sau những hàng chữ đã mang lại nhiều xúc cảm hay niềm tin cho tôi đôi khi là những bóng hình nhếch nhác những tư cách dối gian.  Có vị tôi mê lắm nên mua cả 6 quyển sách đã ra, nhớ mãi cái truyện Núi sao viết hay tuyệt vời.  Hóa ra truyện của người ta mình dịch lại in sách mà “quên” không nói.  Cũng vị ấy, cũng truyện dịch, sao có bài dịch giống 95% bài dịch của Giản Chi.  Tôi tự hỏi mình tiếc tiền mua sách hay tiếc lòng tán thưởng bái phục.  Có những nhà thơ, nhạc sĩ, thơ nhạc sáng lòa, mà đời riêng tư là những bản trường ca bôi bác không đẹp như những dòng đã viết.  Có những cây viết thật hay, bật lửa.  Bên ngoài e không thể nhìn nhau.  Cuộc sống hải ngoại tha hóa chăng?  Quay vào trong nước, có nhạc sĩ “vô tình” viết những dòng nhạc y chang nhạc Nhật, có luận án tiến sĩ quên không để dấu trích dẫn, quên không xác nhận nguồn.  Chữ, thì nó vẫn tĩnh vẫn đẹp, thì cứ đọc cho thỏa, sao tôi phải băn khoăn?  Sao tôi phải xấu hổ khi lỡ khóc cười buồn vui thích thú theo hàng chữ?  Nghĩ mình tào lao, tôi buông sách tiếng Việt. 

Bây giờ tôi đọc truyện giật gân trinh thám bắt tội phạm của Mỹ.  Hết loạt sách của Carol O’Connell thì đến Greg Iles và các tác giả cò con khác.  Lúc này tôi đang đọc quyển thứ 2 của bộ Millennium 3 cuốn, và tôi tự hỏi, đọc hết bộ rồi tôi sẽ làm gì để lấp đầy khoảng trống của lòng mình.   

Tự dưng tôi cảm thấy mình giống ông Toàn, ngán chữ nghĩa dù vẫn tha thiết với chữ nghĩa.  “Tôi có thể không biết viết hoặc viết không hay, nhưng nên tin ở cái đọc của tôi.”  Với cái đọc mà ông vững tin ấy, ông đứng trước kệ sách lục lục tìm tìm rồi dúi một quyển vào tay tôi.  Ngay từ lời mở đầu của Mùi Hương Lan, tôi nghĩ không có gì đặc sắc mà ông Toàn lại giới thiệu.  Vài bài đầu qua đi, những suy tư hiểu biết về thiền, về Phật pháp mà tôi đã đọc qua.  Hờ hững.  Ở những dòng cuối của bài Coi Bói Đầu Năm tôi giật mình đọc lại bài.  Tôi đã bỏ qua những ý tứ chân thật riêng biệt mà tôi hằng thích đọc.  Tác giả Mùi Hương Lan đã trộn tâm tư suy nghĩ rất nhẹ nhàng nhưng có chiều sâu của mình lẫn vào những kiến thức hiểu biết mà tôi đã đọc qua nên nhàm chán.  Chưa đọc hết nhưng tôi vẫn gấp sách và nhắm mắt lại.  Tôi cảm ra chút tâm tư mỏng manh thoảng như hương của tác giả ở ngoài con chữ.  Tôi nhớ ra nỗi băn khoăn khi thấy mình thương những vần thơ đắng nghét dù không thấm hiểu lời.  Tôi nhớ ra nỗi cảm động khi đọc những dòng cộc cằn ngắn ngủi của một người thà không viết chứ không vẽ cho ra chữ.  Tôi nhớ ra cái bàng hoàng khi đọc những dòng lê thê không biết nói chuyện gì và chẳng văn hoa gì mà tôi vẫn cảm được cái lãng mạn nhạt nhòa.  Tôi thầm cám ơn ông Toàn đã đưa cho tôi một cuốn sách thường thường. Tôi hiểu ra, khi không dùng trí thức để đọc, khi không tìm cầu kiến thức hay xúc cảm, khi không giới hạn cái đọc của mình vào chữ tôi lại đọc được nhiều. Tôi đã trải nghiệm một điều thật mơ hồ: đọc bằng tâm hồn trống lặng. Phút cảm nhận được tâm tư nhẹ nhàng của tác giả Mùi Hương Lan tôi nghĩ mình đã tìm lại được niềm tin trong cái đọc. 

Chỉ có người viết bôi bác chữ, người đọc bạc bẽo với chữ, chứ chữ nó vẫn là cái tĩnh, vẫn đẹp. Với tôi, đọc được cũng là một ân sủng.

Lưu Na
06/18/2011

No comments:

Post a Comment