Monday, July 18, 2011

Tản Mạn Bên Tách Cà Phê

Bên biển Destin,
tiếp tục đọc văn Võ Đình

Nguyễn Xuân Thiệp

                                   Võ Đình 2004

Những ngày ở bãi biễn Destin, ngoài thời gian tắm biển và dạo chơi, Nguyễn tôi nằm dài đọc văn Võ Đình. Thật sự, anh đã đưa Nguyễn vào thế giới của cảm xúc, suy tưởng. Càng đọc, càng phục sự hiểu biết cũng như quý mến nhân cách của anh.
Có những chiều nhìn mây biển giăng giăng như thành trì và nhìn cánh buồm trắng nhấp nhô ngoài khơi xa, không hiểu sao Nguyễn lại chìm vào trầm tư của Michail Lermontov rồi nghĩ tới Võ Đình cùng nhiều bạn bè khác trong cơn giớ lớn của một thời. Về đâu, về đâu khi gió mùa… Chúng ta đã đi tìm gì, ới bằng hữu -niềm vui hay hạnh phúc?- và rồi ta đã gặp gì, phải chăng cuối cùng là bình yên trong bão tố -in storm lurked calm and peace?
     
   Người ta nói Võ Đình khó tính (thuộc loại “khó tính tiền sử”). Khó tính và chuộng cái cổ. Cũng như ông Hai Lâu (Low Tech, nhân vật của VĐ), Võ Đình không mấy ưa cái máy lạnh, máy nóng, cái TV, cái còm-piu-tờ. Không dùng máy sấy mà thích phơi áo quần ngoài nắng gió. Nắng lòng tôi, em đem áo ra phơi? Vợ của nhà văn Trần Long Hồ kể, một hôm đến thăm Võ Đình vào một ngày mùa đông. Ấy vậy mà nhà của Võ Đình không mở “heat”, làm cả bọn rét co ro. Khi nhìn lại Võ Đình thì thấy anh đang ôm cái “lồng ấp”, thảo nào… Cả bọn tự nhủ: Thế này thì ông anh chỉ còn thua ông cọp chớ thua ai! A, cái “lồng ấp”? Tim Nguyễn biết nó từ thời nhỏ, ở Huế. Nó là một cái lồng đan bằng tre, bên trong đặt một cái trách (nồi) đất nhỏ có đựng tro. Mùa đông mưa phùn gió bấc, muốn sưởi ấm cứ việc cho vài cục than cháy đỏ vào trong trách, xong ủ (ấp) cái lồng ấy trước bụng, phủ áo lại, tha hồ mà ấm. Tim thấy các bà cô của Tim hay dùng cái lồng ấp ấy vì trong nhà không có bếp hoặc lò sưởi. Tuy nhiên, ngày nay ở Huế hầu như không còn ai dùng nó nữa. Rõ ràng Võ Đình đã sống theo lối cổ, khác với mọi người.
   Trong sinh hoạt thư từ, Võ Đình thích viết thư tay cho các bạn văn, và anh lưu giữ hầu hết thư từ bằng hữu gởi đến. Mãi tới sau này, thỉnh thoảng lắm anh mới dùng email. Về thơ, anh yêu thích và hay trích dẫn cũng như ngâm thơ tiền chiến: Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Thâm Tâm… Trong các bài viết của anh mà Nguyễn được đọc, không thấy anh trích dẫn bất cứ nhà thơ hiện đại nào. Về hội họa, anh là người nhìn thấy vẻ đẹp trong nét vẽ của các họa sĩ cổ điển Trung Hoa cũng như anh đã yêu hình ảnh cây mai trước sân nhà (Đêm qua sân trước một cành mai?).
   Thật ra, khi tìm hiểu cá tính và văn chương, nghệ thuật của Võ Đình, Nguyễn thấy có một điều không giải thích được: Võ Đình có tinh thần chuộng cổ trong lối sống và thưởng ngoạn văn chương nghệ thuật nhưng quan điểm sáng tác của anh lại rất mới. Chẳng hạn, khi nói về viết và vẽ, Võ Đình đưa ra nhận định:
   “… Lại có lúc tôi đọc sách, thấy viết… trật tùm lum. Trật về văn phạm, trật về cú pháp. Trật cho đến cái chấm, cái phết. Nhưng trật mà hay. Trật mà đọc thật khoái. Sau này, ngồi nghĩ lẩn thẩn, tôi suy ra rằng: Cái đẹp, cái hay không nằm ở cái đúng. Và đúng là một cái gì tương đối. Đúng ở thời nay mà sai ở thời khác, đúng ở nơi nọ mà sai ở nơi kia. Còn cái đẹp, cái hay, chúng đẹp, hay, tự thân. Nếu ta không thấy được cái hay, cái đẹp là… lỗi ở tại ta. Vì ta không, hay chưa có khả năng thấy được. Rồi lại nghĩ: nếu dở về văn phạm, về cú pháp mà có thể viết truyện, làm thơ và làm cho người đọc thích thú thì một người không rành về “nghề” vẽ cũng có thể vẽ được. Mà đã vẽ được thì một ngày có thể vẽ đẹp, vẽ hay…” (Chuyện Vẽ Tranh)
   Như vậy, theo Võ Đình, ai cũng có thể vẽ được mà không cần học “nghề” vẽ! Miễn là có đời sống nội tâm tương đối phong phú , có óc tưởng tượng và tò mò. Và đừng quá lệ thuộc những quan niệm hay thiên kiến đã có về nghệ thuật hội họa. 
   Võ Đình là họa sĩ và là nhà văn. Có vẻ anh nghiêng về họa hơn về văn, nhưng mọi người lại thích văn của anh hơn. Về họa, Võ Đình không chuộng con đường hàn lâm. Theo anh, các trường mỹ thuật chỉ sản xuất ra những giáo sư dạy vẽ, những công chức vẽ… Vincent Van Gogh, Paul Cezanne đâu có học ở trường Mỹ Thuặt mà đều là danh họa thế giới.

                     Tranh Võ Đình. Thăm người chết
  
Có một nhóm người Mỹ, khoảng mươi người, đủ mọi thành phần và lứa tuổi, đều không biết vẽ, nhờ Võ Đình hướng dẫn về hội họa. Mỗi tháng họ gặp nhau một lần, tại nhà bà Katrina, dưới chân núi South MountainMaryland.
   Đây là cái cách Võ Đình chỉ dẫn họ:
   “Tôi cầm một cây cọ mềm, nhúng nước, thấm một chút màu vàng, bôi lên giấy một hình tròn, Và hỏi mọi người: Cái gì đây?”
   Người thì nói trái chanh. Người khác nói mặt trăng, mặt trời, lòng đỏ một quả trứng, cái bông tai… Võ Đình nói tất cả đều sai. Đây chỉ là một vũng nước có pha màu. “Nó là một thực tại khách quan. “To draw” một hình tròn, rồi tô màu vàng lên, rồi gọi đó là trái chanh, cũng được, không ai cấm. Nhưng đó không phải là hội họa, “painting”. Đó là tô màu, “coloring”. Họa là bôi màu vàng lên giấy hay lên vải, rồi cho phép nó biến hóa. Là chơi giỡn, là làm việc với thực tại này, vũng nước màu vàng này, là làm cho nó đầy, ướt thêm, làm cho nó khô, nhỏ bớt đi. Là kéo nó dài ra, là rút nó ngắn lại, quét nó đi, đồ nó lại, là thêm một chút đỏ vào cho nó ửng sắc cam, là thêm một chút xanh vào cho nó đậm sắc lục, v.v… Cho phép nó, xúi giục nó, biến hóa thành hình tượng khác. Cho nó hiện hữu một mình hay giao tiếp với những màu khác. Theo dõi, điều nghiên, chuyển hóa những màu sắc, và tương quan giữa chúng để tạo thành hình tượng, đó là cốt tủy của hội họa, painting.”
  
   “Sau một thời gian, không cần lục lạo tìm tòi, vò đầu bứt tóc gì cả (như chính tôi đã làm, những năm còn là “họa sĩ trẻ”), mỗi người trong nhóm tự nhiên có một đường đi riêng. Bút pháp mỗi người một khác. Vô tình mà có người gợi nhớ Klee. Có người không biết rằng mình làm nghĩ đến Braque. Người thì Pullock. Kẻ thì de Kooning. Lại có người, như “bà lão” Katrina, đôi lúc vẽ như một thiền sư Á đông (mặc dù không biết gì đang kể về Thiền, hoặc về hội họa cổ truyền Hoa, Nhật). Có người hỏi: Vì sao vậy? Tôi trả lời: Bởi vì mỗi người, khi cầm bút vẽ, đã có sẵn những hình tượng cá biệt ấy trong thân tâm. Những “master-image”, những “archetype”, nói theo Jung. Trầm tư với hình tượng thì chúng hiển lộ. Thế thôi.”
   Và Võ Đình gút lại bằng một đoạn như thơ:
   “Tôi nhìn lại các tác phẩm. Màu sắc, nét vẽ, xuất phát từ những tâm hồn phong phú, những tâm hồn biết yêu đời, yêu người, yêu lá cây ngọn cỏ, yêu cái vỏ sò nhỏ mọn, cánh bướm khô tàn, yêu cả viên sỏi nằm bên lề đường. Những tâm hồn của chốn trời Tây có cơ duyên tắm gội trong con suối róc rách chảy sâu đã lâu từ nguồn Đạo của phương Đông.” 
   Võ Đình viết về hội họa quả là hay. Sau đây, Nguyễn trích thêm một hai đoạn nữa: “Ngày xưa, ở Trung Quốc, có vị họa sư được vua vời vào cung vẽ cảnh mùa thu. Họa sư vẽ mấy cây đen điu, cành gầy trơ trụi. Vua phán: Sao thu mà không thấy lá son đỏ thắm đâu cả. Họa sư tâu: Có lá phong đấy ạ. Rồi sai bắt con gà, nhúng hai chân vào chậu son, đoạn thả gà chạy loanh quanh trên mặt tranh. Chân gà in son đỏ lên mặt giấy hệt lá phong rơi rụng tơi bời. Vua vuốt râu cả cười, truyền đem vàng lụa thưởng người họa sĩ độc đáo.”
   Cũng thuộc giai thoại làng họa, Võ Đình kể chuyện về họa sĩ Jackson Pullock ở New York những năm 1940 đã  đục vài lỗ lớn nhỏ dưới đáy thùng sơn rồi cho sơn chảy lòng thòng, rơi tung tóe lên mặt bố trải phẳng trên sàn nhà và tạo thành tranh, trở “họa sĩ lớn nhất” của Hiệp Chủng Quốc.
   Không cần thông ngữ pháp cũng có thể viết văn hay, không cần biết nghề vẽ cũng có thể vẽ giỏi. Quan niệm của Võ Đình quả là mới mẻ. Riêng về hội họa VN cận đại, Võ Đình đặc biệt chú ý tới hai người: Đỗ Quang Em và Nguyễn Trung.  Xem tranh Đỗ Quang Em, anh nhìn thấy được cái ướt ở khóe mắt nhân vật, vẻ mịn và mát của gấm lụa, cái cứng cái khô của khúc tre già, cái quý của viên gạch, cái uy nghi của cây đèn dầu. Cũng như anh cảm được cái ánh sáng và không gian vắng vẻ, hiu quạnh trong tranh Đỗ Quang Em. Anh cũng thưởng thức tranh  Nguyễn Trung trong những đường nét thanh nhã, màu sắc óng chuốt, đầy chất thơ -thưởng thức nhưng không phục. Cho tới khi Nguyễn Trung làm cuộc thay đổi bất ngờ và triệt để vào năm 1990, lúc bấy giờ Võ Đình mới thật sự ngưỡng mộ. Anh viết: “Không còn những màu xanh xám, nhợt nhạt trong veo. Không còn những người nữ “liêu trai” đờ đẫn trong một không gian vắng lặng cô đơn, những thiếu nữ ngực trần thanh tân, núm vú hồng tươi nhưng nét mặt xa xăm, huyền hoặc. Không còn những con cá con chim huyền ảo thấy được trong mơ. Không còn những hình ảnh lãng đãng “như gần như xa” đã làm nên tên tuổi Nguyễn Trung thời trước 1975. Chỉ có những mảng nâu, đen, đậm đặc, mịt mùng. Hình tượng giản đơn cùng cực, đường nét thô lậu, thô bạo, chất liệu dày cộm, sần sùi. Tôi không biết những gì đã xảy ra trong tâm thức Nguyễn Trung và khiến ông thay đổi đến như vậy… Tôi chỉ ngờ rằng dứt khoát đi sâu vào con đường trừu tượng “vật chất” (VĐ dịch từ “matter”, “matière”.NXT), triệt để và toàn diện, ông khẳng định thế đứng của mình giữa một thế giới muôn chiều, muôn ngả, một thế giới đảo điên.”

   Chiều rơi trên biển. Trúc đào đỏ rực. Hải âu bay lượn và kêu thét. Cánh buồm xa chấp chới. Nguyễn tôi nghĩ tới Võ Đình, họa sĩ và là nhà văn tài hoa, đã có những đóng góp cho văn chương và hội họa. Là bông hoa, là cánh hải âu hay cánh buồm. Có thể những hình ảnh thật đẹp vừa kể sẽ mất đi, nhưng rồi về lại trong không gian và thời gian.  Một sớm mai nào đó, vài chục năm sau, hành giả đến từ phương Đông bước vào một quán sách hay thư viện ở Cali sẽ đọc lại Lầu Xép, Xứ Sấm Sét hay Huyệt Tuyết. Hoặc giả một chiều chớm thu, bước vào một bảo tàng viện ở New York bất chợt dừng lại chiêm ngưỡng một họa phẩm của Võ Đình. Và rồi hình bóng người bao năm cũ sẽ chợt sống lại như đã sống, đã sáng tạo, đã yêu thương và hờn giận trong cuộc khóc cười của nhân gian.
Thượng tuần tháng 7.2009
Xem lại tháng 6. 2011

NXT

No comments:

Post a Comment