LUÂN HOÁN
ĐÙA VỚI THƠ
Phan Xuân Sinh
Luân Hoán. Đinh Cường vẽ
Nghe phong phanh Thư Quán Bản Thảo của anh Trần Hoài Thư sắp làm một số đặc
biệt về Luân Hoán. Tự nhiên tôi nẩy ra một ý là viết một cái gì đó về Luân Hoán để kỷ niệm. Có lẻ trong tất cả văn nghệ sĩ Luân Hoán là người bề thế có một độ “dày cộm” trong sinh hoạt văn học và người có lòng với anh em bạn bè nhất. Muốn tìm một tài liệu về văn học, về tác giả thì địa chỉ Website Luân Hoán sẽ cung cấp cho ta đầy đủ. Ngoài chuyện làm thơ ra anh còn sưu tầm đủ thứ chuyện trên đời, chuyện nghiêm chỉnh cũng có, chuyện tào lao cũng có, chuyện buồn cũng có mà chuyện vui cũng nhiều. Vài ba hôm tôi lại vào web của anh một lần xem thử có tin gì mới về anh em, đọc bài thơ mới nhất của anh, đọc tin tức văn học từ trong nước ra tới hải ngoại. Có lẽ web nầy cập nhật đầy đủ nhất và có một số lượng độc giả đáng kể.
Cách đây mấy năm, Hà Khánh Quân có viết về một số anh em văn nghệ trong đó có tôi. Hà Khánh Quân gửi cho tôi đọc trước, thật tình lúc ấy tôi không biết Hà khánh Quân là ai, lần đầu tiên tôi mới nghe tên, nhưng cách viết rất chuyên nghiệp. Tôi ngờ ngợ một người nào đó rất quen vì khi viết về tôi có những chi tiết mà anh em bạn bè mới biết, còn người khác làm sao biết được. Tôi có trả lời cám ơn và khen bài viết rất súc tích. Anh có hỏi tôi về một số anh em văn nghệ khác. Tôi tình thật thưa với anh bằng những gì tôi biết về họ. Sau đó tôi hỏi Trần Trung Đạo về Hà Khánh Quân, nhưng Trần Trung Đạo cũng mù tịt như tôi. Vài tháng sau, tôi gọi điện thoại thăm anh Thành Tôn và trong những câu chuyện trao đổi tôi có hỏi anh Thành Tôn về Hà Khánh Quân. Anh Thành Tôn lúc đầu cũng ẩm ờ, tôi biết anh Thành Tôn biết mà không nói, nên tôi hỏi riết, anh Thành Tôn mới bật mí cho biết đó là một bút hiệu khác của anh Luân Hoán. Tôi giật mình, cũng may cho tôi thấy tên lạ mà không khoát lát ba hoa, nếu có, thì bây giờ không biết ăn nói làm sao. Anh Luân Hoán chơi “ngẳng” như vậy, thiệt chết người chứ không phải chơi.
Khi định viết về anh, tôi dạo một vòng trên website của anh. Một lần nữa tôi giật mình, không thiếu gì hết. Chuyện văn nghệ đã đành, chuyện tào lao cũng lắm, có thể nói trong web của anh là một quyển tự điển bách khoa bỏ túi. Có cái mục mà không tìm đâu ra, nhảy vào web của anh hy vọng sẽ có, chẳng hạn như “Nghĩa Trang”. Ngoài những văn nghệ sĩ đã mất mà anh tìm tòi ghi lại, đôi khi anh còn ghi lại cả vợ của họ nữa, chẳng hạn như vợ thi sĩ Thái Can cũng có trong danh sách Nghĩa Trang của anh. Tôi ghé qua phần “Thương Tiếc” xem thử trong đó có gì. Đã có Nghĩa Trang rồi lại thêm Thương Tiếc có dư không? Bên “Nghĩa Trang” chỉ thông báo ngày giờ mất, còn bên “Thương Tiếc” thì mỗi người được anh làm thơ Tống Tiển. Viết về Đynh Hoàng Sa có những câu:
“…bạn biết khóc – tôi không có lệ
giỡn không vui, đùa cũng không hay
nhắm mắt lại thấy ngay ra bạn
Đynh Hoàng Sa ơi, thương nhớ vơi đầy…”
(Tống Biệt Người Tống Tiễn – Luân Hoán)
Trường Kỳ, một nhạc sĩ một người nhận định về âm nhạc. Ông là một trong những người có những dòng nhạc bức phá, mở đầu phong trào nhạc trẻ thập niên 60 – 70 tại Sài Gòn thuở trước, Ông sinh sống tại Montreal gần gủi với Luân Hoán. Khi Trường Kỳ mất, anh làm bài thơ khóc bạn, xin trích một đoạn sau đây:
“…bạn đi thanh thản như không
mà sao ta thấy mênh mông nỗi buồn
bài thơ vịn nắng không suôn
xấu hổ vịn bạn đi luôn mấy dòng
chẳng thơ nào đủ trổ bông
có thưong tiếc cũng lòng vòng bấy nhiêu
đời ta cũng đã xế chiều
nhưng lòng còn rộng ít nhiều luống hoa
ta xin phép được mở ra
làm cái huyệt mộ thiết tha bạn nằm
Kỳ ơi, tâm sống cùng tâm
tại sao nước mắt đôi dòng rưng rưng »
(Vin – Luân Hoán)
Đó là những câu thơ khóc những người văn nghệ đã nằm xuống, trong « Phần I – Vái Tiển », Thực lòng những câu thơ cảm động, những giọt nước mắt chí tình khóc những người bạn văn nghệ nằm xuống. Hình như mục Thương Tiếc nầy buồn quá, anh chêm thêm « Phần II – Vái Sống » để cân bằng khi người đọc thăm viếng mục nầy. « Vái Sống» những văn nghệ sĩ còn sống nhăn răng được anh trịnh trọng đặt trên bàn thờ làm lễ tống tiển trước. Những câu thơ Tống Tiển trên, ta cảm động rơi nước mắt bao nhiêu, thì Vái Sống ta cười ra nước mắt bấy nhiêu. Cái tài hoa của anh ở chỗ thọc lét người ta bằng thơ. Trong mở đầu phần nầy, anh có một bài thơ, tôi trích ra đây 4 câu tiêu biểu :
để tròn chút thân tình
dự trù phúng điếu trước
mỗi bạn mươi câu thơ
thay dòng lệ sướt mướt
Như vậy chúng ta xem đây là chuyện đùa? Thưa không, đây là chuyện nghiêm chỉnh. Trên cõi đời nầy rồi ai cũng phải ra đi, cái tuổi nầy đã đến lúc xếp hàng chờ Chúa gọi, thương tình Chúa gọi sớm một chút, còn như Chúa bận rộn việc khác, Chúa ghét thì cho ở lại chịu thêm cay đắng cho biết thân. Anh Luân Hoán sợ rằng đến lúc Chúa thương anh gọi tới ảnh sớm hơn người khác, ảnh không còn dịp phân ưu với bạn bè, nên anh ấy mang bạn bè lên bàn thờ “vái Sống”. Mang ra một vài người được anh vái sống:
Người hàng xóm của anh nhà văn Song Thao. Hiện giờ Song Thao là người còn sung sức trên văn đàn. Chuyện “Phiếm” của anh hiện nay chiếm một vị trí hạng nhất. Song Thao được Luân Hoán trịnh trọng đặt trên bàn thờ vái sống một cách “duyên dáng”. Tôi nghĩ đến trăm tuổi anh quả thật quy tiên, anh nên trối lại với vợ con đem bài thơ nầy viết trên lá phướng treo trước quan tài cho khách thăm viếng thưởng lảm:
“…Song Thao ơi, nhớ là anh đang ngủ
như một ngày hai cữ một thói quen
anh đừng quên thức dậy để than rằng:
dưới âm phủ đúng là không chơi được
chết một bữa để tỏ ra biết trước
chuyện âm tào về viết Phiêm mà chơi
hẳn cũng là cái thú của cuộc đời
người thông thái nhìn đâu cũng thành chuyện
anh nhớ nhé tôi sẽ không tẩm liệm
xác hồn anh bằng tha thiết câu thơ
dồn nhớ thương tôi tập từ bây giờ
làm dấu thánh cho bàn tay nhuần nhuyễn…”
Người bạn thứ hai tôi đề cập tới là anh Trần Hoài Thư. Riêng với Trần Hoài Thư, anh mở đầu bằng cái tên Quý Sách mà cha mẹ đặt, cái tên gắn liền với cuộc đời văn nghiệp của Trần Hoài Thư, như một định mệnh:
đã mê chữ từ trong bụng mẹ
người cha yêu quả khéo đặt tên
gói kỳ vọng mẹ cha gọn nhẹ
trong bút danh sự nghiệp vững bền
bởi hoài thư nên đời quí sách
tấm lòng thành thở hít văn chương
ngọn đèn thắp từ thời thanh bạch
bừng sáng an nhiên mỗi chặng đường
Sau đó, anh kể về những hoạt động văn nghiệp, những tác phẩm củaTrần Hoài Thư sáng tác. Đời Thám Kích oanh liệt và nếu lỡ…thì Trung Nghĩa Đài sẽ ghi tên trên đó. Ai xuất thân từ trường Bộ Binh Thủ Đức đếu biết đài Tưởng Niệm ở Vũ Đình Trường gọi là Trung Nghĩa Đài. Dụng ý của anh Luân Hoán nói về Trần Hoài Thư là tên tuổi của anh người đời luôn luôn nhắc tới và nhớ ơn, vì công lao của anh không nhỏ đối với văn học Miền Nam :
“…giả dụ như bạn chơi nước rút
tôi trải thơ tiễn bạn lên đường
Trung Nghĩa Đài hẳn còn mở cửa
bạn nhớ ngồi, tôi tạ trầm hương
bốn mươi bốn năm, qua quá lẹ
bạn hiền ơi đùa chút cho vui
bạn đang viết hay ngồi thư viện
nhặt hương người để lại cho đời…”
Và người tiêu biểu thứ ba được anh vái sống là chính tôi. Tôi đọc bài thơ nầy cho vợ tôi nghe, vợ tôi cười quá chừng, sao anh Luân Hoán biết rỏ chồng em quá. Thấy không, anh được người trong cuộc của tôi khen anh nói trúng phong phóc mặc dù anh ở tận Canada :
“….tôi với bạn, nghĩ kỹ
cũng đã là khá thân
cùng quê, gần lứa tuổi
cùng chơi chung một sân
sở trường cùng sở đoản
sàn sàn loại tầm phào
tài năng không mấy sản
chia đều nhau tào lao
ngoài ra cùng điểm nữa
mỗi thằng còn một chân
và một khúc ngọc quý
còn sừng sõ mạnh gân…”
Cuối cùng rồi anh cũng thổ lộ biết đâu anh sẽ biếu cho tôi cái “chân thật” của anh. Tôi không nhận cái chân phải của anh còn lại, mà tôi nhận cái “chân thật” mà anh đã dành cho tôi bấy lâu nay. Cám ơn anh, cám ơn ân tình anh đã dành cho:
“…nhưng chừ sống tiếp đã
mai mốt nhớ ghé chơi
không chừng tặng luôn bạn
cái chân thật của tôi
đời hai thằng què cụt
chi bằng dồn một thằng
thượng đế đỡ ân hận
tạo cuộc đời nhố nhăng…”
*
Trong một bài viết về Luân Hoán trước đây, tôi nhận xét rằng đọc thơ Luân Hoán ta có cảm tưởng anh làm thơ dễ dàng như lấy đồ trong túi. Bây giờ lại thêm một nhận xét khác, tôi thấy anh đùa với thơ ở bất cứ hoàn cảnh nào. Đọc anh tôi thấy anh đang cười, đang đùa giởn thế nhưng không kém phần nghiêm túc. Cái khó của người làm thơ ở chỗ biết vận dụng chữ nghĩa đúng chỗ và anh đã làm điều đó một cách nhuần nhuyển, khi nào phải buồn và khi nào phải vui./
Phan Xuân Sinh
No comments:
Post a Comment