Friday, July 29, 2011

Sinh hoạt văn hóa
& Tinh thần dân tộc

HH Anh Thư

   “Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn.  Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang...  Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi.  Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi.  Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian”...Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang.  Trên bàn chông hát cười đùa vang vang.  Còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng...” *
   Tiếng hát hùng dũng vang lên tràn ngập hội trường của Trung Tâm Sinh Hoạt Người Việt Cao Niên Dallas hôm Chủ Nhật 10 tháng 7, 2011.   Khuôn mặt mọi người rạng rỡ một niềm kiêu hãnh.  Những cánh tay vung cao đầy khí thế.  Tốp ca ngẫu hứng “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” đã hoàn toàn làm rung động con tim của những người tham gia buổi Hội Ngộ Văn Học Nghệ Thuật do Nhóm Thân Hữu Dallas tổ chức.  Đúng như người ta thường nói “nothing brings people together like art or good food”.  Tạm dịch “không có gì đem con người ta lại với nhau bằng nghệ thuật hay món ăn ngon”.  Mà buổi Hội Ngộ lại có được cả hai. 
   Vừa bước vào cửa là khách tham dự được khao tiệc ngay với những món ăn tinh thần phong phú.  Nào là báo địa phương, báo các tiểu bang gần xa.  Nào là sách, truyện, thơ.  Tiến sâu vào hội trường là tranh triển lãm đa dạng của các họa sĩ Việt Nam ở hải ngoại. 
   Chương trình của buổi Hội Ngộ bao gồm rất nhiều tiết mục đặc sắc.  Bắt đầu là phần thảo luận về văn học và vai trò của Internet của Giáo Sư/Nhà Nghiên Cứu Lý Luận Phê Bình Văn Học Nguyễn Hưng Quốc và Giáo Sư Nhạc Học/Nhạc Sĩ Sáng Tác Hoàng Ngọc-Tuấn.  Sau đó tiếng đàn điêu luyện của Giáo Sư Hoàng Ngọc-Tuấn mở màn cho chương trình văn nghệ. 
   Khán giả còn được thưởng thức giọng ca trầm ấm của các ca sĩ Lê Thành, ca sĩ Tố Uyên, tiếng đàn tranh mượt mà của Ngọc Hân.  Ngay cả giọng ngâm thơ truyền cảm và lối nói chuyện nũng nịu, duyên dáng của Bạch Hạc càng làm sôi động cho buổi Hội Ngộ.  Và còn rất nhiều các tiết mục văn nghệ xuất sắc khác nữa tuy nhiên vì khuôn khổ giới hạn của bài viết tôi không thể liệt kê hết ra được. 
   Khách tham dự cũng không thể bỏ qua những món ăn và món tráng miệng hấp dẫn, thơm lừng khêu gợi khứu giác và thị giác được trưng bày một cách đẹp mắt ở cuối phòng do hội Quảng Đà và báo Trẻ đóng góp.  Đặc biệt những món ăn đậm đà hương vị dân tộc ấy còn được diễn tả bằng những lời thơ ví von, dí dỏm làm người tham dự không khỏi nhoẻn miệng cười.
   Hội trường khá lớn nhưng vẫn đông kín.  Mọi người tay bắt mặt mừng chào hỏi nhau.  Bạn bè thân hàn thuyên ôn lại chuyện cũ.  Người quen có dịp kết tình thân.  Người chưa quen cũng trở thành quen.  Những sinh hoạt văn hóa ở hải ngoại không thuần túy là giới thiệu văn nghệ sĩ hay những tác phẩm nghệ thuật của họ mà nó còn là một phương tiện để duy trì truyền thống dân tộc, bảo tồn ngôn ngữ. 
   Cuộc sống bận rộn bắt buộc con người ta phải bươn chải, hòa nhập và vươn lên.  Nhưng dù là một người với chức tước danh phận gì trong xã hội và sống trên đất Mỹ bao lâu đi nữa người Việt Nam vẫn sẽ mãi mãi là người Việt Nam.  Có gì quí bằng sau một ngày làm việc cực nhọc ở hãng xưởng, cơ quan Mỹ, chúng ta lại được nghe tiếng Việt, nói tiếng Việt, thưởng thức hương vị Việt. 
   Một người bạn Nhật rất thành công trong lĩnh vực kinh tế ở California chia sẻ rằng gia đình anh định cư ở Mỹ đã 6 đời nhưng mỗi khi người Mỹ hỏi anh “Where are you from?” và anh trả lời rằng “California”, họ liền nhấn mạnh “No. . .no where are you really from?” Cái mà họ thực sự thắc mắc không phải đơn thuần là một câu hỏi “anh từ đâu” mà họ muốn biết về nguồn gốc của tổ tiên anh bởi vì khuôn mặt đậm nét Á Đông của anh. 
   Thường thì câu hỏi đó có nghĩa là người hỏi muốn biết nơi người kia sinh ra và trưởng thành khi nó áp dụng cho những chủng tộc khác như người Mỹ da trắng gốc Châu Âu, người Italia, hay ngay cả người da đen đến từ những nước Châu Phi.  Điều này chứng tỏ rằng đối với một số người Mỹ thì người Mỹ gốc Á Châu sẽ mãi mãi là “outsider”, người ngoài, không cần biết người Á Đông đó đã ở Mỹ bao nhiêu đời hay thực sự đã Mỹ hóa như thế nào.  Từ đó anh bạn Nhật nhận ra rằng anh không thể nào thay đổi rằng anh là người Mỹ gốc Nhật.  Nhưng anh có thể thay đổi những quan niệm lệch lạc của người bản xứ về người Mỹ gốc Nhật và anh tự hào về nguồn gốc của dân tộc mình hơn.
   Tôi từng cảm động khi chứng kiến các ngôi sao thể thao của Mỹ to lớn, bặm trợn trong trận đấu nhưng mắt họ lại ngấn lệ khi họ nghe quốc ca Hoa Kỳ vang lên lúc chào cờ mở màn trận đấu.   Và hôm ấy trong buổi Hội Ngộ tôi cũng rưng rưng khi được chứng kiến tinh thần dân tộc dâng trào trong từng lời ca tiếng hát tràn ngập hội trường.  Tôi đưa mắt quan sát chung quanh.  Những màu tóc muối tiêu thỉnh thoảng pha lẫn với những mái đầu xanh.  Ấy cũng là một điều đáng khích lệ.  Các em dù có thể đã “bị” cha mẹ dẫn đi theo tham dự một buổi sinh hoạt văn hóa nhưng đây cũng là bước đầu để các em được dịp học hỏi và gần gủi với môi trường sinh hoạt của người Việt.  Và cũng từ đó nhịp cầu nối liền các thế hệ Việt Nam ở hải ngoại có thể được cải thiện hơn. 
   Hilary Clinton từng công nhận rằng dù ở thời buổi hiện đại công nghiệp “it takes a village to raise a child” (tạm dịch: để nuôi một đứa bé nên người cần sự đóng góp của cả làng).  Thì trong chính các thế hệ người Việt ở hải ngoại nếu chúng ta muốn duy trì truyền thống văn hóa dân tộc cũng như ngôn ngữ, nơi đầu tiên có ảnh hưởng lớn đến nhận định, tâm lý, tình cảm của đứa bé là trong gia đình chúng.  Do đó sự đóng góp của mỗi cá nhân trong các sinh hoạt cộng đồng đều quan trọng trong việc duy trì truyền thống văn hóa dân tộc Việt ở hải ngoại.  Ai có thời gian và khả năng kinh tế nhiều thì đóng góp nhiều.  Ai bị giới hạn hơn thì đóng góp với khả năng của mình dù việc đó có thể chỉ đơn giản là tham gia, có mặt cùng với con em mình trong một sinh hoạt văn hóa cộng đồng để cổ vũ tinh thần, tạo tình đoàn kết.  Làm sao để thực sự đánh thức bầu nhiệt huyết của thế hệ trẻ để họ tham gia trong công cuộc xây dựng bảo toàn văn hóa ở hải ngoại là một vấn đề nan giải không thể thay đổi một sớm, một chiều mà cần sự đầu tư nghiêm túc và bền bỉ. 
   Ngoài ra sức mạnh của cộng đồng người Việt dưới sự lãnh đạo của những bậc trưởng thượng cũng đóng một vai trò không nhỏ trong việc giúp các thế hệ trẻ ở hải ngoại học hỏi, tìm hiểu và tự hào về cội nguồn của mình nhằm duy trì truyền thống văn hóa cũng như ngôn ngữ đúng với tinh thần tự hào dân tộc của phong trào du ca ngày xưa.  Một phong trào tự phát của tuổi trẻ Việt Nam thời chiến ở quê nhà, bàng bạc với những tình tự dân tộc để ra đời những bài hát hùng tráng mãi vang vọng trong lòng mỗi người con Việt mà dù ở bất cứ nơi nào hay trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng:
   “Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người.  Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam.  Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian.  Hỡi những ai gục xuống chỗi dậy hùng cường đi lên.”*

AT

*Lời của bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của Nguyễn Đức Quang.

Sunday, July 24, 2011

TẢN mẠn bên tách cà phê

Caffe Trieste & những tiếng dội

Nguyễn Xuân Thiệp



Caffe Trieste...
   Cũng như Starbucks, CC's Coffee House và PJ's …, Caffe Trieste có một lịch sử. Nói như thế nghe có vẻ trịnh trọng, nhưng đúng vậy. Nó có một lịch sử, mà  theo lời người thi sĩ thiền sư  họ Đỗ tới thăm nơi đây kể lại, lịch sử ấy khời đầu từ một chàng trẻ tuổi, nguyên là ngư dân nghèo của vùng Trieste ở Ý, tên Giovanni Gianni, mười lăm tuổi đi học hát opera, những ngày đầu di cư qua Mỹ làm nghề lau chùi cửa kính ở San Francisco,...
   Vâng, cách đây hơn nửa thế kỷ, Giovanni Gianni mang gia đình tới Mỹ. Họ tìm thấy một thế giới mới, ở đó sự cần cù và quyết định thận trọng chắc chắn mang lại thành công. Nhớ lại hương vị cà phê ưa thích ở quê nhà, và sau một thời gian nghiên cứu tìm hiểu, ông bèn mở quán cà phê Trieste ở vùng vịnh San Francisco. Lúc đầu, chỉ có những người Ý vào quán cà phê này. Nhưng dần dần, cà phê espresso do tiệm ông pha chế trở thành nổi tiếng. Có ai hỏi làm sao mà cà phê ở Caffe Trieste ngon thế, ông chỉ trả lời giản dị “Có gì đâu. Mua hột cà phê ngon đem về rang, rồi pha chế ly cà phê như thể cho chính mình vậy.”

                                     Papa Gianni
   Cà phê Trieste ngon. Đúng. Mà khung cảnh còn có sức hấp dẫn tuyệt vời nữa. Một người khách hơi bụi, đến từ Santa Rosa, CA, ghi lại như sau: “Tôi yêu vẻ cổ kính lãng mạn nơi này, bầu không khí hơi ồn nhưng đẫm chất nghệ thuật, đây là chỗ của những đôi tình nhân và cả anh chàng lãng du bụi bặm. Ở đây, bạn cảm được cái linh hồn đặc thù của quán cà phê nghệ sĩ, nghe dội lại tiếng vang của lịch sử, nhịp đập trái tim vùng North Beach
   Vâng, Caffe Trieste. Cái tên đã đi vào huyền sử dân gian này toạ lạc ở số 601, trên góc phố Vallejo và Grant.  Nó là tiệm cafe expresso & cappuccino đầu tiên mở ở bờ biển phía Tây California vào năm 1956. Ngày nay, với khách một thời từng lui tới, nơi đây vẫn còn  in bóng dáng Francis Ford Coppola ngồi ở góc bàn kia luôn 6 tháng trời hoàn thành kịch bản The Godfather.


                                        Kerouac
Những bài báo rải rác trên các websites kể rắng nơi đây cũng đã từng là điểm hẹn của Jack Kerouac, Allen Ginsberg, William Burroughs, và nói theo nhà thơ họ Đỗ, đây là  nơi gặp gỡ của “những nhà thơ beatniks anh em, nghĩa là cả một Beat Generation”. Một khách lãng du khi ghé thăm Caffe Trieste xác nhận hồn ma của thế hệ Beat, mặc quần jeans rách xơ bạc phếch và áo jacket bằng da, vẫn còn đi lại ở những chiếc bàn của quán cà phê cổ xưa nổi tiếng nép mình bên bờ biển phía bắc này. The ghosts of the Beat generation, clad in scruffy jeans and leather jackets, linger at the tables of this popular oldtimer nestled in North Beach.

  
    Từ khi khai trương cách nay hơn nửa thế kỷ, Caffe Trieste đã nổi tiếng với cách kết hợp từ phong vị lâu đời của nước Ý, đến thơ ca Bohemien, âm nhạc và nghệ thuật và cà phê espresso tuyệt cú mèo. It has become famous across the world for its combination of essences: Old Italy, Bohemian poets, art and music, and excellent Espresso. Caffe Trieste đã đi vào những trang viết của các nhà văn, nhà thơ lưu vong nổi tiếng thế giới như Czeslaw Milosz, Joseph Brodsky... Sau đây là Brodsky và Caffe Trieste viết theo bản dịch của Hoàng Ngọc Biên, nhà thơ họ Đỗ ghi lại ::

To this corner of Grant and Vallejo,
I've returned like an echo
Nothing has changed here.
Neither the furniture nor the weather."…

Tôi đã trở về đây
trên góc phố Grant
Vallejo
như một âm thanh dội lại
vâng. tôi lại trở về
Caffe Trieste
tất cả. dường như. không thay đổi.
bàn ghế cũng vậy. thời tiết vẫn như ngày nào...
(Joseph Brodsky-Cafe Trieste: San Francisco).
   Caffe Trieste... Cách đây ba năm (2006), Caffe Trieste tròn 50 tuổi. Theo ghi nhận của người thi sĩ thiền sư đã nhắc ở đầu bài, đây là nơi hầu hết những nhà thơ danh tiếng thường ngồi, trong những đêm đọc thơ, trình diễn nhạc jazz và nhạc cổ điển... Ông chủ Papa Gianni nay đã ngoài 85 tuổi mà vẫn còn đứng hát khi nỗi niềm nostalgia chợt dậy. Xưa kia và bây giờ là một, như  không hề có sự đổi thay... Ngồi ở đây, trong hơi gió ngàn trùng từ vịnh San Francisco thổi về mà như nghe những tiếng động của nhịp bước thời gian. Ôi, tiếng đàn thùng như lửa cháy... Nguyễn những ước mong một ngày nào đó được ngồi ở đây và viết bài thơ Caffe Trieste, tiếp nối Brodsky... Cũng là lãng du dưới trời lưu xứ.
*Thi sĩ thiền sư họ Đỗ tức Đỗ Trung Quân
(tổng hợp từ internet)

   …Vâng, cách đây mấy tháng, Nguyễn đã có ước mong như vừa kể. Nhưng nay, nghĩ lại, thấy không được. Trong cuộc sống hối hả và phù du này, biết tới bao giờ Nguyễn mới có cơ hội tới San Francisco và ngồi ở Caffe Trieste để làm thơ. Tuần vừa qua, Nguyễn có hỏi người trăm năm rằng mùa thu này ta đi qua vùng vịnh tới Caffe Trieste uống cà phê nhé. Hỏi mà không có tiếng trả lời dội lại. Rõ ràng là không thể chờ được nữa. Nay nhân kỷ niệm 40 năm cuộc hội ngộ âm nhạc, hippie trong mưa và bùn lầy ở Woodstock, nghĩ tới Brodsky và bao nhiêu nghệ sĩ khác, Nguyễn bèn ngồi xuống trên đất Dallas này làm bài thơ lưu lãng gởi bạn bên trời đọc chơi…   
  
                                     Joseph Brodsky

Ngồi ở caffe trieste. trò chuyện với brodsky…

tôi sẽ ngồi với ông
brodsky
và ly cappuccino
ở caffe trieste
vùng bay area
chiều
ngoài kia
hải âu
kêu xé
và những cột  buồm. nghiêng
chói nắng. trong lòng vịnh.
trên góc phố
người thi sĩ thiền sư. với tay nải bụi. đứng chờ
                        chuyến xe buýt cuối ngày
và cô gái hippie. tóc rối. mắt sâu
cài bông trăng. trên rốn
hơi thở. của mùi cỏ say
trong chiều
gợi nhớ về một không gian siêu thực

này. ông. brodsky
xin đừng hỏi
vì sao ta đến nơi này
ngồi ở caffe trieste
trong phố cảng
tưởng tượng. mưa cuối tuần. rơi. trên woodstock
bùn lầy. và âm nhạc
như hoa mọc trên đồng
hay ngọn lửa. cháy. trong những căn nhà gỗ
quê xưa
ôi. jimi hendrix
joan baez,
the byrds, johnny inter,
và janis joplin
đã bốn mươi năm qua
giờ tất cả về đâu
những nhạc sĩ ôm đàn. như thuyền. đi trên biển
người. mưa. và tiếng hát
những cánh hoa vàng. hippie. bùn
ma túy. và tự do
chiều. hửng nắng. bay. từng đàn bướm dại
ơ kìa
ông hay tôi
hay ai kia
một ánh trăng ngoài vịnh frisco
khi ra đi. mưa bên trời. phượng. đỏ
ở sài gòn
và tuyết rơi. trong thành phố moscow

bây giờ. ta ngồi đây
trong caffe trieste
nghe khúc hát. ngày rơi
trên phố
đèn ngoài bến cảng. thắp lên
chiều tím
này. ông. brodsky
thôi. hãy lãng quên
như  tôi. lãng quên
những trại tù
và lũ sói. điên
hú rân đồi trăng. trong rừng người
giờ này
trong quán
nhạc trỗi khúc blues
những nhà thơ bohemien. hồn mơ một tiếng còi
                             tàu cháy bỏng.  nồng hơi gió
                               biển. và mùi khói. trong tóc. bay
rồi
bỗng. như loài cú đêm. người hành giả từ
                                                     phương đông
đứng dậy
đọc thơ
basho. đỗ phủ. ôn như hầu
đền tạ. phủ đường. những mái ngói
trăng lên
trong góc quán
kìa allen ginsberg
cười. ôm vai. kerouac
và coppola. ngồi một mình. cùng the godfather
papa gianni. chủ quán. rót rượu mời
lặng nghe. lặng nghe
người nhạc sĩ gipsy
khóc trên bài ballad
mùi bơ và cà phê
ngồi trong quán
nhìn ra. đêm. trên góc phố vallejo và grant
gã homeless da đen. còn đứng

ở caffe trieste. thật ra. tôi ngồi một mình
chiều xuống
brodsky, ông đã chết. từ mười năm
tôi còn sống. và làm thơ
rồi sẽ ra đi
cũng như ông
chờ nghe tiếng gõ. trên ván mục. vở kịch hạ màn. và
nắng vẫn chảy. trên cầu tàu
trong quán. nhạc blues. ai đó còn đọc
thơ ông. thơ tôi. thơ những người tiếp nối
cuộc đời vẫn trôi
sầm uất hơn. náo động hơn
với mùi hoa lavander
và chim biển. vẫn kêu. khi chiều xuống

tháng 8. 2009

NXT
MƯA PHỐ VEN SÔNG

Lưu Na

                        In the rain - popinlinartstudio.com

Lại một đêm khó ngủ.  Trằn trọc, nhọc nhằn.  Trong đêm vắng, mọi ý nghĩ mọi sự việc ùa vào đầu không làm sao gạt ra được.  Loáng thoáng lời bạn hiền viết thăm “…mày đã đến và mày đã về lại Mỹ.”  Bâng khuâng bùi ngùi.  Một chút gì đó, như là thương nhớ như là
hoang mang.

Thì mình vẫn hằng hoang mang những khi băng đại dương về lại quê nhà ngang qua một nước thứ ba.  Mình ngạc nhiên thấy có một dân tộc khác trên một mảnh đất khác, trường tồn với muôn vạn mầm sống; tưởng như trên đời chỉ có Mỹ và Việt Nam.  Những lúc ấy cảm như mình là một người ngớ ngẩn_nhất thế gian. Hoang mang tấc lòng.

Có đêm hoang mang với cái chết, vừa chợp mắt thấy mình đang chết, tự nói là mình đang chết, chết là thế này đây và giật mình sống dậy.  Có đêm trong mơ thấy đám ma cuả Má, mình là người cuối cùng thắp nhang.  Ba nén nhang đầu mình bắt đầu khóc.  Ba nén nhang sau giông gió nổi lên ào ào lật tung bàn thờ.  Má, Má.  Má đừng sợ.  Con biết bây giờ Má phải đi một mình.  Nhưng Má đừng sợ.  Giật mình thức giấc nước mắt ướt hai bên má.  Lại thiếp vào giấc mơ dang dở.  Bàn thờ đã long trốc, nói càng lúc càng to.  Con cầu Má đi đường bằng an.  Má đừng sợ, đừng sợ.  Phật tổ độ trì cho Má.  Chư tiên phật
độ trì cho Má, dẫn dắt Má về bến bình yên…Má đi bình yên.  Chắc mình la to lắm chắc mình đoan quyết lắm nên trong mơ tưởng như cảm được cái bình an trong lòng Má. Thức giấc, nước mắt vẫn đọng đầy nhưng lạ là chính lòng mình cảm thấy bình an.  Là
mình sợ chết hay sợ Má chết?  Mình có đã hòa giải được với lòng mình, với ám ảnh kiếp nhân sinh?  Hoang mang kiếp sống.

Nhưng Úc, Úc có gì để cho mình thương nhớ hoang mang?

Mưa đêm giọt đều trên mái.  Lạch tạch lộp độp đều mau, mưa giọt nhẹ êm đềm đưa mình vào giấc ngủ.  Sáng dậy mình lái xe đi làm trong màn mưa loáng thoáng, những sợi đan đều nhặt thưa giăng khắp khung trời.  Nghĩ ngợi lung tung.  Đêm qua chắc cỏ cây sung sướng.  Đêm qua chắc Thống đốc bớt lo nỗi thiếu nước.  Đêm qua dân Cali yên tâm tháng sau bớt được ít tiền nước.  Eo sèo nhân thế, mà mình không biết tự bao giờ đã thôi buồn những khi mưa.  Dưng không mình nhớ những sợi mưa ở Bankstown.  Phố ven sông không thấy sông.  Phố ven sông với những sợi mưa buồn như đường Nguyễn Du xưa.  Với hàng quán ngăn nắp vui vẻ nhưng không xô bồ: hè Lê lợi cũ.  Nơi đó mình đã ngồi uống cà phê cùng Tư và anh Thắng.  Như một ngày nào của kiếp xưa mình từng thấy những đại ca tóc phủ ót kiếng mát sơ mi ngồi Bô đa uống cà phê nhả khói thuốc
ngắm người qua lại.  Trong hỗn độn qua lại đó là những hippy sơ mi banh ngực quần bát loe to và một đứa trẻ mới lớn quê muà ngơ ngác đi lang thang một mình không biết tìm cái gì, chỉ biết phải đi tìm.

Những sợi mưa Bankstown, giòng nước chảy cuốn lá cây cùng rác rưởi xuống cống rãnh. Trong hơi mưa lạnh mình tưởng như ngửi được cái mùi hăng hăng ai ải của
nước bờ sông, cuả cống rãnh đường mưa áo ny lông xanh đỏ những ngày học trò xưa
cũ.  Tưởng nghe được cái giọng nghẹn ngào buồn tủi “đường về đêm nay vắng tanh, dạt dào hạt mưa rớt nhanh, lạnh lùng mưa xuyên áo tơi mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh...”  của Thanh Tuyền.  Những sợi mưa Bankstown.  Mưa phố ven sông.  Gợi mình nhớ Tỉnh lẻ đêm buồn của Chế Linh,  bến Ninh kiều mưa lầy lội buồn tênh.
Những sợi mưa Bankstown, thoắt chốc mình nhớ mưa đảo lạnh lùng hoang mang kiếp không nhà không quê, nhớ mưa biển cắt chia con người ra khỏi gốc rễ nguồn cội.  Những sợi mưa Bankstown, mình nhớ lại những ngày đầu của người di tản buồn trên đất Mỹ. Mình phải dầm trong mưa lạnh dù là nửa đêm, vì chỉ có mưa mới làm cho mình thấy gần với mảnh đất xa lạ mà mình đang sống, cho mình cảm giác như vẫn còn đang đứng trên đất quê nhà dưới màn mưa thiên binh vạn mã gieo xuống mái tôn.

Những sợi mưa Bankstown.  Là mình nhớ Úc, nhớ Bankstown, hay là mình nhớ quê hương qua đất Úc?  Tự hỏi lòng mình thích mưa yêu mưa có phải  vì bản năng sinh tồn của kẻ đã mất quê cần phải có một quê hương khác để yêu mến sống còn với nó?  Và mình có thật sống còn với đất mình đang sống ấy?  Sao đứng nơi này lại nhớ một nơi
không phải quê mình?

Mưa sẽ vẫn mưa, trăm năm ngàn năm.  Mình sẽ vẫn là hạt bụi,  nghiêng mình nhớ đất quê mà lại kẹt một nỗi không còn biết đâu là quê để mà thương nhớ. 

Năm tháng đã trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê
(Sơn Nam)

LN
02/2010
Thơ Đỗ Trung Quân

Quán mưa


1.
Giã từ một cơn mơ đẹp
giọt sương trên mắt Hương
gương mặt nghiêm trang mà trẻ ranh của Yên
Huyền bụ bẫm
Thủy hồn nhiên

2.
Giã từ và chiêm ngưỡng
vẻ đẹp thiếu phụ của Nga
tâm hồn đất phương Nam của Diệu
sự ồn ào của Khanh
vẻ trầm tư của Chánh
gương mặt hài hước, buồn phiền của San
màu nâu biển của Loan
Tôi đi…


3.
Gã Di-gan tuổi bốn ba
vui vẻ và muộn phiền
yêu đủ thứ
trừ yêu chính mình

4.
Giã từ một cơn mơ đẹp
bây giờ tôi lầm lũi
với nỗi cô đơn thắp đỏ đầu điếu thuốc của mình
Tôi – gã Di-gan không Đông Âu, không Phi Châu, không Do Thái -
chưa từng ra khỏi biên giới bản đồ.
mang những tên người trong ba lô
để gọi tên
để sống và để chết

5.
Bao giờ Hương lấy chồng
nhớ cho tôi một dòng tin nhắn
bao giờ Diệu thật sự hạnh phúc
nhớ gọi cho tôi hay
bao giờ Chánh cưới được niềm vui
đừng quên tôi nhé
và Khanh nữa
đừng để đá sỏi làm hoang khu vườn của mình
những nốt nhạc xanh gieo xuống
đang mọc thành cây
và Yên – rất gầy
giữ giùm tôi mùi hoa sữa

6.
Trên đường phía hoàng hôn tím đỏ
tôi sẽ quên nỗi ngậm ngùi
trên đường phía chân trời tím đỏ
Tôi nhẹ nhàng mây trôi

ĐTQ
(Nguồn: Bạn Văn Nghệ)
Thà mất nước mà còn đảng?
Nguyễn Ước


    Nhà báo Bùi Tín trong bài gần đây của ông, "Những ngày chủ nhật có làm nên lịch sử?" (9.6.2011) phổ biến trên nhiều trang web đã mô tả khái quát tình thế hiện nay của chính quyền VN rằng: "Thế yếu của chính quyền là bị tố cáo ‘ươn hèn với giặc, tàn bạo với dân’, bán rẻ chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải quốc gia, đi đêm với kẻ thù bành trướng... với nhiều dẫn chứng khó chối cãi.”
   Cuộc trấn áp của chính quyền đối với lần biểu tình hôm Chủ nhật 10.7.2011 vừa qua tại Hà Nội với việc bắt bớ bừa bãi các thanh niên sinh viên nam nữ yêu nước. Khóa họp II của Hội nghi Trung ương Đảng CSVN suốt một tuần lễ cũng kết thúc đúng hôm Chủ nhật đó, nhằm bố trí nhân sự lãnh đạo chính quyền nhưng hoàn toàn không bàn tới vấn đề Biển Đông. Thái độ của chính quyền đối với kiến nghị gởi đi ngày 4.7.2011 của một số nhân sĩ trí thức VN hàng đầu yêu cầu Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin liên quan tới quan hệ với TQ, đặc biệt quan điểm của chính quyền hiện nay đối với bức thư ngoại giao của Ông Phạm Văn Đồng năm 1958.

Tính chính thống và chính đáng
   Thông thường, chính quyền sở hữu tính chính thống do bởi sự chấp nhận của dân chúng, hoặc được chuyển giao hợp pháp, và rồi xây dựng cùng bảo lưu tính chính đáng bằng tinh thần thượng tôn pháp luật cùng các chính sách đối nội và đối ngoại hữu hiệu. Cả hai tính đó có thể bị chính quyền tự đánh mất hoặc bị mất do một cuộc cách mạng.
   Trong quá trình lịch sử của dân tộc Việt, chính quyền được lịch sử thừa nhận là chính thống khi nó phát nguồn từ công cuộc chống ngoại xâm mà đối tượng truyền kiếp là Trung Hoa. Thời Bắc thuộc, các bậc lưu danh đế vương khởi nghiệp từ những dấy binh nhằm giải phóng dân tộc như Trưng Nữ Vương, Triệu Nữ Vương, Lý Nam Đế, Bố Cái Đại Vương, Mai Hắc Đế, và kể cả Việt Vương Triệu Quang Phục, v.v. Kể từ thời độc lập, chúng ta có Ngô Vương Quyền với trận chiến Bạch Đằng giang, và sau đó, các nhà Tiền Lê với Lê Đại Hành, Hậu Lê với Lê Thái Tổ hoặc Tây Sơn với Quang Trung Đại đế, hoặc củng cố tính chính thống của nó bằng chiến thắng ngoại xâm như nhà Lý, nhà Trần. Thậm chí nhà Nguyễn Gia Long ban đầu cũng dự tính lấy quốc hiệu là Nam Việt; về sau bị nhà Thanh buộc phải đổi sang quốc hiệu Việt Nam vì e ngại nó nhắc nhở tới [hay có tham vọng phục hưng] thời Triệu Đà từng hùng cứ từ miền đông của Hoa Nam xuống tới Giao Châu, đóng đô ở Phiên Ngung, nay gần Quảng Châu. Cho tới nay, nhà Mạc cũng vẫn chưa được xem là chính thống có lẽ vì thái độ của Mạc Đăng Dung tự trói mình cùng 40 triều thần ra hàng, phục xuống đất lạy chịu tội ngay ở cửa Nam Quan, đem đất 5 động cùng đất Khâm Châu và vàng bạc dâng cho nhà Minh.
   Như thế đủ biết dân tộc VN xem cực kỳ tối thượng thái độ của chính quyền VN trong việc bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Nhà nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từng kế thừa tính chính thống và chính đáng cả hai mặt. Mặt chính nghĩa là chống ngoại xâm của Thực dân Pháp và sau đó chống cái được ĐCSVN tuyên truyền là cuộc xâm lăng của Đế quốc Mỹ; nếu cái chống thứ hai này bị tranh luận, thì ít ra nhà cầm quyền hiện nay cũng tự nhận họ có góp công vào việc thống nhất đất nước. Mặt pháp lý là kế thừa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam qua cuộc hợp nhất đất nước năm 1976, (CHMNVN cũng mang tính chính thống về pháp lý vì nhận sự đầu hàng và dù gì cũng là bàn giao của Việt Nam Công hòa, qua Tổng thống hợp hiến Dương Văn Minh). Thêm nữa, việc thành lập nước CHXHCNVN do Quốc hội quyết định ngày 2.7.1976 nhằm mưu cầu phúc lợi chính đáng cùa nhân dân VN, được đúc kết làm thành ba tiêu đề đi kèm với quốc hiệu: "(dân tộc) Độc lập – (dân quyền) Tự do – (dân sinh) Hạnh phúc".

Một chính quyền bất xứng
   Ngày nay, thực trạng bang giao đầy khiếp nhược của CHXHCNVN đối với TQ, mức độ thối nát khủng khiếp từ trên xuống dưới và vô phương cứu chữa của chế độ, cũng như các chính sách của chính quyền VN đối với dân chúng công nông, đặc biệt cung cách hành xử đối với các phần tử yêu nước cho thấy chính quyền Việt Nam hiện thời đang đánh mất cả tính chính thống lẫn tính chính đáng của nó. Tình trạng này nếu kéo dài thêm một ngày thì càng cho thấy guồng máy cai trị hiện nay tại VN thêm một ngày bất xứng với danh nghĩa "chính quyền", cho dẫu tập đoàn đầu sỏ cai trị đó có vận dụng hết mọi biện phảp trí trá, hiểm độc, kể cả ti tiện, để duy trì sự tồn tại đang bên bờ vực của nó.
   Nhiều người cho rằng sở dĩ chính quyền này tồn tại là nhờ nỗ lực bám víu quyền lực bằng mọi giá của một nhúm đầu sỏ cùng với khá đông đảng viên trong đảng cai trị vì họ nghĩ rằng “thà mất nước không thà mất đảng”. Có lẽ nay đã tới lúc nên bình tâm xét lại ý nghĩa hay câu nói được thốt ra một cách tùy tiện và đầy quán tính "thà mất nước không thà mất đảng", để các đảng viên CS cùng những kẻ ăn theo nó chuẩn bị đối mặt với một thực tế nhiều khả thi.

Thân phận đảng viên mất nước
   Thật khó có thể không đồng ý với ý kiến cho rằng kéo dài thực trạng chính trị, văn hoá và xã hội thì mất nước là chuyện trước mắt. Trong trường hợp VN rơi vào bàn tay của TQ, trở nên một khu tự trị hay một tỉnh biệt lập của nó thì điều gì xảy ra. Kịch bản có nhiều phần chắc sẽ diễn tiến là:
   1/ Danh xưng Đảng CSVN biến mất, và Đảng trở thành một bộ phận của Đảng CSTQ.
   2/ Các đảng viên người Việt trong ĐCS lúc đó sẽ chỉ giữ hư vị, những chức vụ chủ chốt trong Đảng và trong hậu trường các cấp chính quyền tại Việt Nam sẽ do đảng viên ĐCSTQ điều sang hay đang nằm vùng trồi ra nắm giữ cộng với những tên Việt gian hiểm ác.
   3/ Để thu phục nhân tâm người Việt, ĐCSTQ thế nào cũng tìm cách phát động một cuộc đấu tranh chống “tham nhũng và cường hào (?)” nhằm thanh trừng công khai và tàn mạt để loại trừ và thu hồi tài sản các đảng viên có gốc Đảng CSVN, từ trung ương tới địa phương. Kèm với cuộc thanh trừng này, có thể tiến tới việc xét lại và hủy bỏ từng phần hoặc toàn phần các trợ cấp hưu bổng với hàng chục triệu người thuộc diện cựu viên chức chính quyền, đảng và đoàn, đang thụ lãnh và là gánh nặng cho ngân sách.
   4/ Cuộc thanh trừng này không khỏi lây lan sang các đảng viên "hiền lương" khác vì lúc đó, quần chúng nhân dân nông thôn và thành thị, có thêm nhiều phần tử bất hảo, sẽ thừa thời cơ – với sự thả lỏng hay mặc nhiên khuyến khích của giới chức TQ – xâm phạm luôn cả tài sản cùng tính mạng của các viên chức hay đảng viên nguyên gốc ĐCSVN, dù đối tượng ấy trước đây không là thành phần năng động hay đắc tội cụ thể.
   5/ Đây cũng là cơ hội cho Đảng CSTQ phá vỡ một cách tận gốc và có hệ thống các cơ cấu văn hóa, tôn giáo, thân tộc cùng những nền tảng khác của dân tộc và xã hội VN, nhằm vô hiệu hóa khả năng chống đối, hóa giải tiềm năng chống đối và đẩy nhanh công cuộc đồng hóa sắc tộc Kinh (Việt).
   6/ Tới lúc đó, ngay cả các đảng viên tham ô của đảng CSVN hiện nay cũng không có cơ hội tung cánh bay đi hay có chỗ hạ cánh an toàn, kể cả tại Côn Minh hay Quảng Châu mà theo lời đồn đoán, hiện nay đã xây dựng sẵn các biệt thự trong những khu biệt cư dành cho những người Việt muốn tẩu tán tài sản và ẩn cư tại TQ. Ấy là chưa kể các phần tử công an, cảnh sát chìm nổi ở hạ tầng cơ sở lâm cảnh trơ vơ, không biết "đi đâu về đâu", cam chịu trở thành bầy dê gánh tội và tế thần để Đảng CSTQ xoa dịu người Việt đang đau cơn mất nước và căm phẫn hình bóng ngoại nhân.
7/ v.v.
   Còn nhiều tình tiết khả thi nữa. Cũng có thể tưởng tượng thêm vài kịch bản khác nhưng kinh nghiệm lịch sử về các sách lược chiếm đóng, thanh trừng và bình định của Trung Hoa đặc biệt lốI hành xử của họ trong những chiến dịch đấu tố, khai trừ giữa người CSTQ với nhau trong thế kỷ 20, cho thấy có lẽ các kịch bản ấy không khác nhau bao nhiêu về mức độ tàn mạt.

Câu hỏi dành cho đảng viên

Như thế, ý nghĩ hay câu nói nông cạn “thà mất nước không thà mất đảng" hay “thà mất nước còn hơn mất đảng”, dẫu có đổi thành "thà mất nước mà còn mạng còn của" hay “thà mất nước còn hơn mất mạng mất của” cũng không thể nào hợp lý. Và nếu để cho chính quyền kéo dài thái độ hiện nay đối với TQ thì cơn mơ mộng cầu may đó không còn cơ hội biến thành hiện thực. Đảng viên CSVN nào đang vùi đầu vào giấc mơ mất nước mà còn đảng thì còn mình, hoặc “thà mất nước chứ không thà mất đảng” là còn tự để cho đám đầu sỏ lừa mị trước khi chúng đánh tháo và tự để cho mình bị đẩy mình vào thế kẹt giờ chót, trong tình cảnh mất của cải mất luôn cả sinh mệnh vì hầu như không có lối thoát.
   Thế thì làm sao đây? 
Thời bắt đầu bằng tuyên cáo?
   Câu trả lời xin dành cho các đảng viên đang sinh hoạt hay đã hưu trí của Đảng Cộng sản VN hiện nay. Đã tới lúc nhưng phản biện, đề nghị, khuyến cáo, giải trình, v.v. đầy khí tiết và sĩ khí chẳng những không còn hợp thời mà trở thành bung xung cho những động tác giả của nhà cầm quyền, để nó có đủ thì giờ vừa thực hiện cái mà phía TQ công khai bảo là “những điều đã đồng thuận”, vừa sách nhiễu các công dân yêu nước và gây chia rẽ giữa những người nhiệt tâm nhiệt huyết ở trong lẫn ngoài nước.
    Rõ ràng Đảng và nhà nước hiện nay là một tập thể không đủ yếu tính và khả năng bảo vệ đất nước trong khi vẫn tiếp tục phản bội trắng trợn tầng lớp công nhân và nông dân cùng những kẻ đã đổ xương máu lập nên CHXHCNVN. Chính quyền Việt Nam đang mất hẳn tính chính thống và chính đáng; ngày càng lộ rõ tính chất phản quốc hại dân; và các trí thức, thanh niên sinh viên cùng đồng bào, đặc biệt các đảng viên và cựu đảng viên còn liêm sĩ của ĐCSVN cần phải chuyển sang một giai đọan đấu tranh mới bằng việc thẳng thắn tuyên cáo rằng đã đến lúc không còn có thể chấp nhận việc nó tiếp tục cai trị độc quyền với ảo tưởng và tác phong một thứ quốc chủ chỉ còn biết lấp liếm bán nước buôn dân để tồn tại.

N.U

Bày tranh ở báo Trẻ Dallas

Tin và hình của Phan

                                   
    Trong buổi Hội ngộ Văn học Nghệ thuật hôm 10 tháng 7, 2011, nhằm đáp ứng yêu cầu thưởng ngoạn của đồng hương nên đã có cuộc triển lãm tranh của một số họa sĩ, nhưng bởi thời gian không nhiều và không gian không đủ cho đồng hương thưởng ngoạn những tác phẩm hội họa đã được trưng bày, nên Nhóm Thân Hữu Dallas đã tổ chức lại buổi trưng bày tranh tại tòa soạn báo Trẻ Dallas vào chiều thứ sáu 22 tháng 7, 2011.
   Cuộc trưng bày tranh lần này, ngoài tranh của Trương Vũ và Dương Phước Tấn còn có thêm tranh của Ann Phong, một nữ họa sĩ đang nổi tiếng và được yêu mến.
   Trong không khí hè và nhiệt độ ngoài trời của Dallas đã nhiều ngày trên 100 độ F, người thưởng ngoạn đã tìm thấy sự mát dịu, romantic trong phòng tranh của báo Trẻ với ly vang, tiếng đàn dìu dặt của bác Bảy-Ian Bùi. Điều kiện về không gian và thời gian đã phù hợp với việc thưởng ngoạn những tác phẩm hội họa. Tuy không gian còn có thể hơn nữa nhưng do thời gian chưa đủ để ban tổ chức có thể mời thêm nhiều họa sĩ tham gia trưng bày tranh. Nên ghi nhận qua ống kính, chúng tôi thấy được tác phẩm của ba hoạ sĩ là: Trương Vũ; Dương Phước Tấn và Ann Phong. Tuy tác phẩm không nhiều nhưng đã tạo được không khí nghệ thuật ở Dallas; là một sinh hoạt còn yếu ở địa phương.
   Hy vọng trong tương lai, với những cố gắng của ban tổ chức từ sự khởi đầu đơn sơ, mới mẻ này, Dallas sẽ dần có những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đa dạng và khởi sắc hơn; đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn nghệ thuật của đông đảo đồng hương tại địa phương.

Ghi nhanh tại báo Trẻ
PHAN

                                 Có bánh có rượu 

                             Có tiếng đàn Ian Bùi

                                Có tranh Ann Phong

                                    Tranh Trương Vũ

                             Tranh Dương Phước Tấn

                               Tranh Dương Phước Tấn

 NXT, đại diện Nhóm Thân Hữu Dallas, thông báo các hoạt động trong tương lai: chiếu phim, đọc thơ, giới thiệu sách, nhạc thính phòng, đàm trường, triển lãm tranh...

Tuesday, July 19, 2011

Thơ Nguyễn Xuân Thiệp

mặt trăng
emily dickinson


đêm nay
anh nhìn thấy mặt trăng
qua khung cửa
như bông hoa trong vườn
thơ ấu

vâng
anh đã nhìn thấy mặt trăng
qua khung cửa
mặt trăng. ô. mặt trăng
còn đó sao
qua bao mùa thay lá
như chiếc khăn
em bỏ quên
trên bờ rào
một ngày. trời lộng gió. đã xa

đêm nay
anh ngồi đọc. emily dickinson
gặp những chú ong
ngày nào
và đứa nhỏ
đi tìm mặt trăng
trong chiếc lá khô

mặt trăng
emily dickinson
đứng bên cửa sổ
cô là bạn của trẻ thơ
như trăng

rồi anh sẽ ra đi
như con ong mùa hạ
nhưng mặt trăng
emily dickinson
còn mãi

NXT
Sơn Nam và Rừng U Minh

ởng Năng Tiến

                                 Nhà văn Sơn Nam
  
   Mới đây, khi về lại Việt Nam, giáo sư Nguyễn Văn Lục ghé thăm giáo sư Lý Chánh Trung. Ông có nhận xét như sau về người bạn đồng nghiệp cũ:
   “… sau 1975 … có mấy mấy nhà văn, nhà báo trong Nam được cầm bút lại như Lý Chánh Trung. Con số đếm chưa hết một bàn tay… Trước 75, ông viết như thể một người nhập cuộc, kẻ lên đường, kẻ làm chứng, người trí thức dấn thân. Ông viết với một tấm lòng nhiệt huyết. Sau 1975, ông viết như một kẻ đứng bên lề, xem đá banh và vỗ tay”
   Tôi có ngồi học với giáo sư Lý Chánh Trung đâu chừng… nửa giờ, ở trường Văn Khoa Đà Lạt. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Tôi không dám bàn luận lôi thôi gì (thêm) về một người thầy học cũ của mình.
   Tuy thế, không hiểu sao, nhận xét vừa nêu của giáo sư Nguyễn Văn Lục lại khiến tôi nhớ đến nhà văn Sơn Nam. Ông là một trong những người may mắn hiếm hoi của miền Nam (trong “con số đếm chưa hết một bàn tay”) vẫn được phép cầm viết, sau khi vùng đất này đã được hoàn toàn… giải phóng! Ông cũng là một trong những nhà văn mà tôi thích đọc.
   Tác phẩm (có lẽ) đắc ý nhất của Sơn Nam là cuốn Hương Rừng Cà Mau, trong đó có truyện “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư”. Tác giả kể lại chuyện một người dân ở U Minh Hạ, đặt mua báo dài hạn nhưng không trả tiền nên nhà báo phải cử người đi đòi nợ. Xin trích vài đoạn đọc chơi – cho đỡ ghiền – bảo đảm là không dở:
   - Từ đây tới nhà ông Trần Văn Có gần hay xa vậy thầy?
   Thầy xã trưởng đáp:
   - Ở xóm Cà Bây Ngọp lận! Để tôi ra lịnh cho phó hương ấp đòi tên đó lên công sở…
   Thầy phái viên nhà báo “Chim Trời” giựt mình:
   - Tôi là phái viên, đâu có quyền hạn đó đối với quí vị độc giả thân mến gần xa.
   Thầy xã hỏi:
   -Phái viên là gì vậy thầy?
   - Là người thay mặt cho tờ báo đi cổ động và thu tiền.”
   (Sơn Nam. “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư”. Hương Rừng Cà Mau, tr. 99).(1)
   Nhân vật chính trong truyện, ông Trần Văn Có, theo như lời dân cùng xóm, là một người độc thân, làm nghề giăng câu, nuôi heo, lấy tổ ong, và hơi có máu ba hoa trời biển: “Anh ta công kích tờ Lục Tỉnh Tân Văn của nhà nước Lang Sa gởi xuống công sở; đi ăn giỗ thì nói chuyện Hít-le, chuyện nước Ý đánh nước Á, chừng hỏi kỹ mấy nước đó ở đâu, anh ta bí lối nói lảng qua chuyện Tầu…”
   Nghe nói vậy nhưng không phải vậy đâu. Khi phái viên báo Chim Trời giáp mặt độc giả Trần Văn Có, tại nơi cư trú của ông, cuộc hội kiến – rõ ràng – rất là đàng hoàng và (vô cùng) thắm thiết:
   “Buổi cơm chiều ngon lành làm sao! Ăn cá lóc nướng trui, uống rượu… Tư Có kèm thầy phái viên ở lại ngủ một đêm, chú hứa sáng mai bơi xuồng đưa thầy trở lại công sở mà đón tàu đi. Thếp đèn dầu cá kéo thêm một tim thứ nhì nữa, cháy khá sáng. Bếp un dưới đất tỏa lên cuồn cuộn, tỏ rõ từng sợi khói mịn màng như mành lưới tơ giăng bủa khắp căn chòi nhỏ hẹp.
   Tư Có bỏ mùng xuống, chun vơ tấn ba phía rồi mời:
   - Thầy Hai vơ trong này ngồi nói chuyện cho vui. Ở ngồi muỗi cắn. Khói như vậy mà muỗi cứ bu lại rớt lềnh trong thếp đèn dầu cá đó.
   Ngượng nghịu, thầy phái viên nhà báo Chim Trời rón rén dở mí mùng, chui lẹ vào ngồi kế bên:
   - Xứ gì lạ quá! Anh Tư ở đây hồi sanh bịnh chết.
   Tư Có đáp:
   - Xứ Cà Bây Ngọp, tiếng Khơ Me nghĩa là trâu chết. Hồi đó nghe nói trâu “len” tới đây thất bại, phong thổ ẩm thấp trâu chết nhiều quá. Họ đặt tên kỷ niệm luôn… Bởi vậy dân tình bịnh hoạn, thưa thớt, làng này chưa cất nổi cái trường học.
   Thầy phái viên trố mắt:
   - Vậy à? Còn mấy làng khác?
   - Đông Thái, Đông Hồ, Đông Hưng, Vân Khánh Đông… không làng nào có trường hết. Thầy nghĩ coi…
   - Hèn chi miệt này chỉ một mình anh Tư là độc giả báo Chim Trời của chúng tôi… Báo có thích hợp không anh Tư?
   - Làm báo thì cần nhiều trí óc lắm phải không thầy phái viên? Tiếc là hồi nhỏ cha tôi chết sớm. Hồi đó, ổng làm thầy giáo cũng đặt thơ bát cú, từ cứ. Cha tôi chết, má tôi giữ mấy pho sách, dạy lại tôi. Đó là sách Quốc Văn giáo khoa thư, thầy còn nhớ không?
   Thầy phái viên cười:
   - Nhớ chớ. Làm sao mà quên được! Hồi nhỏ tôi hớt “ca rê”, tay xách toòng teng bình mực đi học ở trường làng. Hồi đó, trí óc minh sáng suốt, nhớ dai lắm. Bây giờ lớn tuổi, đầu bạc hoa râm, đi làm ăn rày đây mai đó, nhớ nhà, nhớ trường học, nhớ làng xưa.
   Tư Có nói:
   - Chắc là thầy muốn nói bài “chốn quê hương đẹp hơn cả” chớ gì?
   Rồi chú đọc một hơi:
   - Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm, láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi: ông đi du sơn du thủy… 
   - Đó đa! Đó đa! Anh Tư nhớ kỹ quá… Người du lịch mới trả lời: ở chốn quê hương… từ cái bụi tre ở xó vườn cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi cho tôi những mối cảm tình chứa chan… Bài đó có hình ông già mang kiếng, chống gậy nói chuyện với mấy người khăn đống áo dài.
   - Thì hình nào cũng khăn đống áo dài. Trừ ra cái hình thằng nhỏ chăn trâu cầm roi: ai bảo chăn trâu là khổ… Không, chăn trâu sướng lắm chứ.
   Thầy phái viên phụ họa theo như cùng hợp xướng:
   - Đầu đội nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như voi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tôi nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ…
   Không ai bảo ai, hai người lại nằm xuống lim dim…
   Giọng Tư Có nói nhỏ:
   - Ngủ chưa, thầy phái viên?
   - Ngủ chưa anh Tư?
   - Chưa!
   - Tơi nãy giờ cũng vậy, muốn ngủ sớm để mai về nhà, mà không thấy mệt.
   Im lặng một hồi lâu, rất lâu, Tư Có nói ngậm ngùi sau một tiếng thở dài:
   - Biết lấy gì làm sở phí cho thầy. Thầy nói thiệt tình nghe coi… Chắc thầy tới đây thâu tiền.
   - Đâu có! Đâu có! Mình là bạn đời với nhau…
   - Thầy hiểu cảnh tôi. Không lẽ gởi cá lóc, rùa, mật ong… nhờ thầy đem về Sài Gòn gọi là tiền của tôi trả cho nhà báo. Tôi “đăng” là vì ái mộ báo Chim Trời chớ ít đọc lắm. Mấy thầy viết cao quá. Tôi mua để dành về sau cho đủ bộ.
   - Anh Tư đừng ngại chuyện đó. Cứ tiếp tục đọc. Lâu lâu dò nơi mục Thư tín không chừng có lời của tôi thăm hỏi anh Tư. Nếu thấy báo đăng đòi tiền các độc giả, xin anh Tư hiểu rằng đó là nhắc nhở các người khác. Tôi hứa nói lại với ông chủ nhiệm mỗi kỳ gởi tặng anh Tư một số báo, hồi hồi cho tới số chót.
Chú Tư Có vô cùng cảm động…”
(sđd 111-116).

  
   Tôi đọc truyện ngắn “Tình Nghĩa Gíao Khoa Thư” khi còn ở tuổi đôi mươi. Tuổi trẻ bao giờ cũng nhiều lý. Tôi và bè bạn vẫn tâm nguyện rằng, sau cuộc chiến, thế hệ của mình sẽ cố góp hết sức để dựng xây những phần đất quê hương (bị lãng quên) như vùng U Minh Hạ.
   Hòa bình, tiếc thay, đã không mang lại cuộc sống an bình như mọi người mong muốn. Không những thế, nó còn khiến cho hàng triệu kẻ đã phải liều mạng rời bỏ quê hương, để mưu cầu một cuộc sống khả kham hơn – nơi đất lạ quê người.
   Tôi là một trong những kẻ đã (đành đoạn) bỏ đi như thế. Vài chục năm sau, khi tóc đã điểm sương, ở một góc trời xa, tình cờ đọc được bài báo (“Tiếng Kêu Giữa Rừng U Minh Hạ” của phóng viên Hoàng Trí Dũng) mà không khỏi băn khoăn nhớ về chốn cũ:
   “Tôi đã đến nhiều miền quê nghèo khó vùng sông nước ĐBSCL, nhưng có lẽ chưa lần nào tơi bị “sốc” như chuyến đi lần này. Nơi tôi đến là một vùng quê giáp ranh giữa hai tỉnh Kiên Giang – Cà Mau, cách không xa trung tâm hai thành phố Rạch Giá và Cà Mau, vậy mà đã 30 năm sau ngày đất nước thống nhất vùng quê ấy vẫn còn là bức tranh buồn thảm với nhiều nỗi bức xúc: không điện, đường, trường, không trạm xá, không hộ khẩu, không đất sản xuất…”
   “Trái ngược với hình ảnh ấy là cơ ngơi của các quan chức địa phương – những người đang giành giật đất đai của dân. Đó là chuyện thật ở ngay một góc Lâm trường U Minh 2, ấp 4, xã Khánh Hịa, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.”
   “Cách đây hai năm một cháu bé tên Hằng, 10 tuổi, con của hai vợ chồng trẻ không may bị bệnh viêm ruột thừa cấp tính, nhưng ở giữa rừng không có trạm y tế, mà lòng kênh trơ đáy khô queo, còn trên bờ thì không có đường đi rốt cuộc đành ngồi nhìn con chết mà bất lực vì không cách nào chuyển đi bệnh viện. ..”
   “Ông chủ nhà Nguyễn Trung Liệt – một lão nông có uy tín trong vùng – vào chuyện: “Trên 60 tuổi rồi, hơn chục năm, ba thế hệ với hơn 30 người sinh ra và lớn lên tại khu rừng này, nhưng ngặt một nỗi nhà tui không ai có được tấm hộ khẩu, cũng chẳng hề có giấy chứng minh nhân dân. Người lớn còn đỡ chứ tội nghiệp sắp nhỏ, năm đứa cháu nội ngoại ra đời trong ruột rừng này hiện tại đều thất học như ông cha nó…
   Chú Ba Vinh thì kêu: “Cả trăm gia đình bà con ở đây khổ lắm, không thua gì thời kỳ Pháp thuộc…
   Chú Ba Vinh (nào đó) tuổi đời – ngó bộ – còn hơi ít nên không biết rõ cảnh sống của dân chúng ở U Minh Hạ vào thời Pháp thuộc. Chớ hồi đó, cứ theo như lời kể của ông già Nam Bộ Sơn Nam, nơi đây đã có người đặt mua dài hạn báo Chim Trời ở tận Sài Gòn, có kẻ giữa bữa giỗ (dám) bàn chuyện quốc sự và lớn tiếng chê bai tờ Lục Tỉnh Tân Văn của nhà nước Lang sa…
   Những chuyện (tầm ruồng) cỡ đó, không tìm thấy trong bài phóng sự “Tiếng Kêu Giữa Rừng U Minh Hạ”. Cũng không nghe phóng viên báo Tuổi Trẻ kể lại chuyện ăn nhậu lai rai mấy con cá lóc nướng trui với người dân địa phương, và dùng chung với họ một bữa cơm chiều (“ngon làm sao”) như đặc phái viên của báo Chim Trời – hồi thời xa xưa cũ. Chuyện người ta ăn ở cư xử tử tế với nhau, theo kiểu “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư”, tất nhiên, cũng miễn có luôn.
   Ở U Minh Hạ bây giờ, theo như nguyên văn tường thuật nhà báo Hoàng Trí Dũng:“ 30 năm sau ngày đất nước thống nhất vùng quê ấy vẫn còn là bức tranh buồn thảm với nhiều nỗi bức xúc: không điện, đường, trường, không trạm xá, không hộ khẩu, không đất sản xuất.” Có chăng chỉ là tiếng kêu gào ai oán, của những người dân khốn cùng và uất hận, vì bị cướp bóc trắng trợn mà thôi.
   Sơn Nam, tiếc thay, đã không còn nghe được những tiếng kêu thương vô vọng như thế từ nơi sinh trưởng của ông – U Minh Hạ. Dường như, nhà văn của chúng ta không còn quan tâm và thiết tha gì đến phần đất này nữa, sau khi… cách mạng đã thành công!
   “Trước 75, ông viết như thể một người nhập cuộc, kẻ lên đường, kẻ làm chứng, người trí thức dấn thân. Ông viết với một tấm lòng nhiệt huyết. Sau 1975, ông viết như một kẻ đứng bên lề, xem đá banh và vỗ tay.”
   Lời nhận xét (vừa dẫn) của giáo sư Nguyễn Văn Lục, về giáo sư Lý Chánh Trung – chả hiểu sao – lại cứ khiến tôi trạnh lòng nhớ đến Sơn Nam, một nhà văn mà mình mến mộ vào lúc thiếu thời.
Tưởng Năng Tiến
5/2006

--------------------------------------------------------------------------------
(1) Sách được in lại (và in “lậu”) tại hải ngoại, tuyệt nhiên không có ghi một chi tiết nào về nhà xuất bản hay năm xuất bản.