Trần
C.Trí (*)
Tác giả Bùỉ Vĩnh Phúc
Nhà văn Trần C. Trí và nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc
Nhà
phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc là nhà văn, nhà thơ, nhà dịch thuật, nhà giáo và
nhà ngôn ngữ học.
Trong
cõi phê bình văn thơ vừa mênh mông, dàn trải, vừa tỉ mẩn, rạch ròi của Bùi Vĩnh
Phúc, kết quả của một công trình mất nhiều thập niên như cuốn 9 Khuôn Mặt. 9
Phong Khí Văn Chương, tôi chỉ có thể tập trung vào một vài chỗ nhỏ, rất nhỏ,
để nói lên một số nhận xét của mình đối với lối phê bình tài hoa của tác giả về
một số câu thơ của Thanh Tâm Tuyền và Bùi Giáng.
Đôi
khi, chúng ta chợt quên đi nhà thơ Bùi Vĩnh Phúc, có lẽ là vì những tác phẩm
chính của anh là về phê bình văn học, vốn làm nên tên tuổi của anh trong văn
chương hải ngoại.
Vì
vậy, tôi muốn trích một bài thơ bốn câu của nhà thơ Bùi Vĩnh Phúc, để gọi là mời
gọi tất cả chúng ta cùng bước vào không khí thơ ca, mà cũng là đề tài nhỏ của
tôi trong bài này:
Cắt
Biển.
Đêm giông bão. Nhớ chia lìa.
Ghe
cắt vào sông tiếng cắt khuya
Đời
cắt vào ta ngọn gió buốt
Em
cắt vào ta ánh sao khuê.
Bài
thơ thật cô đọng và thấm thía. Chỉ với 28 chữ, nhà thơ đã vẽ nên một bức tranh
chứa đựng một âm thanh duy nhất (Ghe cắt vào sông tiếng cắt khuya) mà độc giả
phải tự “nghe ra”, tuỳ theo trí tưởng tượng của mình (1). Cùng lúc là những
hình ảnh cụ thể (biển, đêm, giông bão, sông, ghe, sao), pha lẫn với những hình ảnh
trừu tượng (đời, em, ta), cảm xúc và cảm giác (nhớ, chia lìa, buốt). Động từ “cắt”
như lưỡi dao bén ngọt, cứa vào những thực thể và cả vào tâm hồn của tác giả, để
lại những chữ, những vần, những tứ thơ đẹp và buồn, đau đớn và mênh mang.
Cái
Tôi ẩn mật và Dương bản thiên nhiên ngày vây hãm trong Thơ Ở Đâu Xa của
Thanh Tâm Tuyền (hay “Biệt khúc cho Thanh Tâm Tuyền”)
Nhưng
bây giờ chúng ta hãy trở lại với nhà Nhà Phê Bình Văn Học Bùi Vĩnh Phúc. Có thể
sự so sánh này của tôi là khá khập khiễng, nhưng tôi nghĩ, một nhà phê bình văn
chương cũng giống như một hướng dẫn viên du lịch. Khi đi ngoạn cảnh, chúng ta sẽ
thấy rõ, thấy sâu, thấy nhiều cảm xúc hơn đối với vẻ đẹp của thiên nhiên đang
bày ra trước mắt, nếu may mắn có được một hướng dẫn viên kinh nghiệm, nhiều kiến
thức, và nhất là nhiều tâm tình, đang cùng chúng ta chiêm ngưỡng một công trình
tuyệt mỹ của tạo hoá.
Một
áng văn hay một bài thơ, tự nó đã có một vẻ đẹp riêng, nhưng qua bàn tay “phù
thuỷ” của một nhà phê bình tài hoa, vẻ đẹp đó sẽ trở lên sống động, tương tác với
người đọc qua từng cung bậc cảm xúc của mình.
Điều
gì sẽ xảy ra khi một nhà phê bình thơ cũng là một nhà thơ, đồng thời là một nhà
ngôn ngữ học? Đó là một sự giao thoa tuyệt diệu giữa thi ca và ngôn ngữ, mà
trong đó nhà phê bình/nhà ngôn ngữ học đã soi sáng cho người đọc thấy hiệu ứng
âm thanh đóng một vai trò trọng yếu trong nghệ thuật làm những vần thơ đang nằm
im lặng trên trang giấy bỗng bừng sống dậy, lấp lánh trong không gian ba chiều,
cộng thêm chiều thứ tư nữa là cảm xúc của người thưởng ngoạn bài thơ.
Thi
ca khác văn xuôi ở chỗ nó dành cho âm thanh, nhịp điệu một vị trí đặc biệt, nếu
không muốn nói là cao hơn những yếu tố cần thiết khác cần có cho một bài thơ,
cho dù đó là một bài thơ tự do. Về vị trí của âm thanh trong thi ca, nhà
văn/nhà thơ/giáo sư Alberto Ríos (Khôi nguyên giải thưởng thi ca Walt Whitman,
1981) có nhận xét: “Âm thanh hiện hữu hay không hiện hữu trong một bài thơ – có
nghĩa là, với tư cách một người đọc, bạn nhận thức điều này rất rõ ràng, nếu
không thì nó chẳng tạo ra điều khác biệt gì đáng kể cả. Hai tình trạng này có
thể được coi là cường độ âm thanh hay khoảng cách âm thanh. Cường độ âm thanh
hiện hữu khi âm thanh là tất cả trong một bài thơ. Khoảng cách âm thanh, trái lại,
hiện hữu khi âm thanh chỉ là một hay nhiều thành phần của bất cứ yếu tố nào làm
cho bài thơ thành công.” (2)
Khi
phê bình một bài thơ, Bùi Vĩnh Phúc xem xét nhiều góc độ khác nhau như lời thơ,
ý thơ, tứ thơ, vần điệu, nhưng đặc biệt nhất đối với tôi là lúc anh “chiếu” thẳng
vào từng từ ngữ, tháo tung nó ra như người thợ sửa đồng hồ, săm soi từng bộ phận
chi li của nó. Bùi Vĩnh Phúc “gỡ” một chữ ra, lắng nghe âm và thanh của từng
thành phần nhỏ nhất cấu tạo nên chữ đó, để cảm nhận những tín hiệu mà các âm
thanh đó mang đến, tạo thành cái hồn của chữ, của câu và của cả bài thơ.
Bùi
Vĩnh Phúc làm đầy đủ tất cả những công việc của một nhà phê bình: anh phân
tích, so sánh, đối chiếu, trích dẫn, tổng hợp, chiêm nghiệm và cảm nhận, nhưng
điều mà anh làm nổi bật lên trên mọi thứ, đó là việc phân tích. Người miền Nam
thường nói hai chữ “phân tích” thành “phân tách”, và tôi muốn dùng cách phát âm
miền Nam này để nói lên tài “phân âm” và “tách thanh” của nhà phê bình, nhà thơ
và nhà ngôn ngữ học Bùi Vĩnh Phúc thú vị như thế nào.
Chúng
ta thường dùng hai chữ “âm thanh” khi nói về một trong những thuộc tính của
ngôn ngữ như một thói quen. Thế nhưng, nếu ngẫm cho kỹ, khi so sánh tiếng Việt
với tiếng Anh, chúng ta sẽ nhận ra rằng mỗi chữ trong tiếng Việt đều có đầy đủ
“âm” và “thanh”, còn từ ngữ tiếng Anh chỉ có “âm” mà không có “thanh”. Tất
nhiên là tiếng Anh có “trọng âm” mà tiếng Việt không có. Dẫu sao đi nữa, nếu chữ
nghĩa trong tiếng Anh hàm chứa hai loại âm, trong khi lại thiếu thanh, thì làm
sao có thể trầm bổng, ngân nga khi đem vào thơ ca như trong tiếng Việt được?
Nam
Lê, một nhà thơ gốc Việt làm thơ bằng tiếng Anh, cũng nhận thấy vai trò
không-thể-thiếu của thanh đối với tiếng Việt (được biểu thị bằng “dấu giọng”/tone
marks trong chính tả). Trong bài thơ Dire Critical của anh, Nam Lê cho thấy
thanh điệu là một phần lớn trong bản sắc của mỗi người Việt (và làm sao có thể
thiếu nó trong thi ca?). Bài thơ tiếng Anh nói về tiếng Việt này đậm chất ngôn
ngữ học, chơi chữ, nhiều ẩn dụ, nhuốm triết lý, nếu cố dịch ra tiếng Việt e sẽ
làm mất đi nhiều màu sắc, hương vị và chiều sâu của nó. Chi bằng chúng ta hãy đọc
thẳng nó trong nguyên tác. Đây là phần đầu của bài thơ:
Dire
Critical (3)
All in the tone.
Give us each day our
diacritics – our low and high, fall
and rise, our horns and
holds:
Flat we are without.
(You like that, no
doubt)
Give us our dau sac, huyen, nga, hoi, nang…
Chắc
cũng cùng trong tâm tình này, Bùi Vĩnh Phúc đã say mê đi thật sâu vào thế giới
âm thanh của từng chữ, từng âm tiết, thậm chí đến từng âm tố, trong một bài
thơ. Muốn cảm nhận hết tài phân tích âm thanh của anh, chúng ta cần có một hiểu
biết nhất định về ngữ âm và âm vị tiếng Việt. Bùi Vĩnh Phúc không nói ra điều
này trong phần phê bình của anh, mà chỉ tế nhị đưa qua phần cước chú (số 4,
84). Trong phần này, anh trình bày một cách tóm tắt nhưng khá đầy đủ về cấu
trúc âm, từ nhỏ đến lớn mà đa số các thứ tiếng trên thế giới cùng có là âm tố,
âm tiết, âm tự và âm cú. Anh phân biệt âm đoạn là tầng có “âm điệu”, với siêu
âm đoạn là tầng có “thanh điệu” (cùng với ngữ điệu và trọng âm).
Về
phần thanh điệu, cước chú cho thấy các thanh trong tiếng Việt chia thành hai
thành phần: cao độ (hay âm vực) – Thanh điệu cao (ngang, ngã, sắc) và thanh điệu
thấp (huyền, hỏi, nặng); đường nét (hay âm điệu) có thanh bằng (ngang, huyền)
và thanh trắc (ngã, sắc, hỏi, nặng). Thanh trắc lại chia thành thanh gãy (ngã,
hỏi) – trong tiếng Anh được gọi là curve tones5, hay contour – và thanh không
gãy (sắc, nặng).
Với
“hành trang” âm vị học đó, chúng ta có thể bắt đầu thưởng thức tài bình thơ của
Bùi Vĩnh Phúc. Khi phê bình thơ của Thanh Tâm Tuyền, ở nhiều chỗ, tác giả cho
thấy rằng chính âm và thanh là những yếu tố quyết định mà nhà thơ sử dụng để tạo
những hiệu ứng về hình ảnh, âm thanh và nhất là tứ thơ, lột tả tâm tình của tác
giả trong bài Vang Vang Trời Vào Xuân. Về bốn câu trong bài thơ này:
Đứng vững không khuỵu
chân
Trên mảnh đất nghèo khổ
Thở hít tận vô cùng
Ngây say đoá hồng rợ
…
Bùi Vĩnh Phúc đã thấu cảm được tâm hồn và ý chí của nhà thơ được diễn đạt,
không chỉ bằng cách chọn từ ngữ, mà còn qua thanh âm của những từ ngữ đó. Cách
vận dụng các thanh bằng trắc của nhà thơ đã giúp nhà phê bình “đọc” được, đồng
cảm được với tính khí khái mà đúng ra chỉ ẩn sâu trong trong tâm thức của một
người tù, khó lòng mà nhận diện được:
Đoạn thơ thứ hai, bốn
câu giữa, xét về vần, về điệu, là những câu đặc biệt. Vần trắc cho những câu
hai, bốn và vần bằng cho những câu một, ba. Nhưng cái vần bằng này là một nỗ lực
kiên cường, bất khuất của thi sĩ, cố giữ cho thân và lòng mình ở cái thế thăng
bằng, không gục ngã, cũng như không biến lòng mình thành một bãi chiến trường của
sự oán thù. Người thi sĩ đã cương quyết đứng vững trong cuộc đời. (66)
Những
thanh trắc trong câu thơ làm Bùi Vĩnh Phúc liên tưởng đến sự cứng rắn, còn những
thanh bằng khiến anh nghĩ đến sự mềm mại, nhưng không phải là sự yếu đuối:
Hai chữ đầu của câu đầu
trong đoạn này, “đứng vững”, đều là những âm tiết trắc, với những thanh trắc
cao, để chỉ sự cương quyết. Từ “không”, thanh bằng, cao, vừa như buông lơi của
thân xác, cho tâm hồn được mềm lại, vừa như một xác quyết không lay chuyển.
(66-67)
Ít
ai trong chúng ta đi vào sâu trong không gian âm và thanh của một chữ tưởng như
là rất bình thường như chữ “không” trong câu thơ Đứng vững không khuỵu chân như
Bùi Vĩnh Phúc. Khi đọc đến đó, phần lớn chúng ta chỉ thấy “không” là “không”,
là một trạng từ phủ định, cùng lắm là thấy nó diễn tả thái độ bất khuất của nhà
thơ, vậy thôi. Còn với Bùi Vĩnh Phúc, trạng từ phủ định này, ngoài lớp vỏ ngoài
về chính tả, hình vị và cú pháp, còn có một lớp vỏ âm thanh bên dưới, chứa đựng
không những là thanh bằng mà còn là thanh bằng cao, tạo nên một sự pha trộn giữa
cái nhu và cái cương tồn tại song song trong một con người không chịu thua số
phận.
Tháo
rời từng chữ ra để săm soi rồi, Bùi Vĩnh Phúc “ráp” chúng lại với nhau, xem
chúng phối hợp nhịp nhàng với nhau thế nào để làm các câu thơ bừng sống dậy6,
thấm đẫm vào tâm tư của người thưởng thức. Trong những bài thơ sau này của
Thanh Tâm Tuyền trong tập Thơ Ở Đâu Xa, Bùi Vĩnh Phúc đã khám phá ra một khuynh
hướng mới lạ, có phần “gai góc”, của nhà thơ khi sáng tác trong một giai đoạn mới
của cuộc sống, một giai đoạn bể dâu, trong thân phận ngục tù.
Khuynh
hướng mới mẻ đó phản ảnh một tâm thức mới, tâm thức phản kháng của một nhà thơ
có cùng thân phận câu thúc như nhiều người quanh ông, tuôn ra những vần thơ thừa
thanh trắc, ít thanh bằng, như vẽ ra một tâm hồn không còn bình yên, một tâm hồn
bời bời tủi hận:
Ông rất hay dùng những
kết hợp ít thấy trong thơ, như kết hợp trắc-trắc theo dạng cao-cao, một không
gãy, một gãy
(đứng vững không khuỵu chân, cháy rỡ mây hồng); thấp-cao (theo dạng ít thấy, dấu hỏi đi với dấu ngã, cả hai đều gãy:
đứng ngây trời ẩm sũng); kết hợp ba âm trắc sát nhau: gọi nghe biển
dậy sóng, thở hít tận vô cùng, tim ta cũng
cháy đỏ, thoáng lơi tay tỉnh thức
ngón tê mê, nhìn nắng loé ánh
trên tàn lá, mưa rối mắt đong đưa búp lá nõn (câu thơ tám âm tiết mà có tới năm thanh trắc cao, thanh cuối lại gãy).
(69)
Bùi
Vĩnh Phúc cảm thụ một câu thơ bằng tâm hồn của một con người, một nhà thơ,
nhưng đồng thời cũng bằng kiến thức sâu rộng về ngữ âm học và âm vị học của
anh. Trong một câu thơ khác của Thanh Tâm Tuyền, âm tố cuối cùng của câu thơ,
theo khiếu thưởng ngoạn của nhà phê bình, chính là yếu tố quan trọng nhất đã gợi
cảm giác mạnh mẽ đối với tâm tình nhà thơ muốn gửi gấm đến người đọc. Mấy ai có
thể thấy thổn thức chỉ vì một phụ âm đến sau cùng trong một câu thơ như Bùi
Vĩnh Phúc? Tôi có cảm tưởng như anh đã đặt phụ âm đó dưới một cái kính lúp và
hào hứng mô tả nó cho người đọc có thể cùng anh cảm nhận được những hình ảnh,
âm thanh và tình cảm đến từ những đặc điểm vật lý tự nhiên của nó.
Câu
thơ đó là Trời xanh cao vút giếng nước ngọc. Và Bùi Vĩnh Phúc đã tận
tình “mổ xẻ” phụ âm cuối trong chữ cuối cùng của câu thơ, phân tích tỉ mỉ những
đặc tính ngữ âm của nó và nắm bắt được hiệu ứng của chúng trong việc gây một cảm
xúc hụt hẫng lẫn ngỡ ngàng cho người đọc đối với phong cảnh được miêu tả trong
câu thơ này:
…
Âm tiết ngọc cuối cùng lại mang trong nó một thanh trắc thấp, cũng không gãy,
nhưng âm tố cuối của nó, “c”, “cờ” [k] lại là một âm tắc, vô thanh7, âm bị tắc
một cách đột ngột như hạ cái nhìn của con người một chút xuống “đáy giếng” và sững
lại ở đó, bàng hoàng, trong một tâm thế và một cái nhìn quán chiếu đầy ảo hóa
và thơ mộng, để thấy cái chất ngọc lung linh lóng lánh thơm và xanh biếc của bầu
trời. (71)
Cảm
xúc của nhà phê bình thơ, như ta đã thấy, đến từ âm thanh trong những câu thơ.
Anh đã nghiêng về phía “cường độ âm thanh”, thay vì “khoảng cách âm thanh”, như
nhà thơ Ríos đã nhắc đến trong phần đầu của bài viết này.
Vấn
Đề Thẩm Thức Một Tác Phẩm Nghệ Thuật
Trích
đoạn bàn về thơ của Bùi Giáng
Bây
giờ chúng ta hãy cùng nhìn qua phần phê bình khác của Bùi Vĩnh Phúc đối với hai
câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng trong một trích đoạn từ tiểu luận của anh. Ngoài một
số chỗ mà Bùi Vĩnh Phúc phân tích rất tỉ mỉ về cú pháp, hình vị và ngữ nghĩa
trong thơ của Trung Niên Thi Sĩ, anh vẫn không bỏ qua phần phân tích ngữ âm sở
trường của mình. Điều hết sức thú vị ở đây là Bùi Vĩnh Phúc đã cho chúng ta thấy
nhiều cách cấu âm của từ ngữ đã gợi ra những hình ảnh độc đáo mà người đọc có
thể hình dung ra một cách vô cùng linh động. Thông thường, người đọc một bài
thơ có thể mường tượng ra một hình ảnh qua cách dùng từ ngữ của nhà thơ hay những
mỹ từ pháp như ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, v.v. Đối với Bùi Vĩnh Phúc, hình ảnh
còn đến từ âm thanh nữa. Bàn về hai câu thơ Bây giờ em ở nơi đâu/Cỏ trên
mình mẩy em sầu ra sao, anh tỉ mỉ phân tích:
Về
phương diện phát âm học, âm “âu” trong “nơi đâu” và “sầu” là một âm chúm. Tôi
muốn nói là khi phát ra âm này, đôi môi người đọc hay nói phải chúm lại. Động
tác chúm môi tạo hình ảnh một cái hôn, một sự trao gửi, yêu thương. (356)
Chưa
hết, đó chỉ là về cách phát âm nhị trùng âm “âu” trong chữ “đâu” mà thôi. Bùi
Vĩnh Phúc còn “giải phẫu” luôn phụ âm đứng đầu trong chữ này, miêu tả vị trí
phát âm của phụ âm đó, cùng với thanh điệu của toàn chữ, và anh cho thấy các đặc
tính ngữ âm này đã góp phần đáng kể trong việc diễn tả thái độ và tình cảm của
người nói:
Từ
“đâu” bắt đầu bằng phụ âm “đờ” trong tiếng Việt, là một âm mà khi phát ra, đầu
lưỡi phải chạm vào thành lợi ở ổ răng phía sau những răng cửa của hàm trên. Tiếng
Anh gọi âm này là “apico-alveolar”. Gần giống như âm [d] của những từ “do, did”
trong tiếng Anh… Từ “đâu” lại có thanh phù bình chứ không phải trầm bình. Bởi
thế, câu hỏi được đặt ra một cách nhẹ nhàng, âu yếm: Em ở nơi đâu? (356)
Bùi
Vĩnh Phúc còn xét đến một khía cạnh trong phương ngữ học trong câu thơ kế tiếp
của Bùi Giáng, Cỏ trên mình mẩy em sầu ra sao. Đối với anh, một câu thơ không
chỉ đơn thuần là dòng chữ mực đen nằm trên giấy trắng một cách câm lặng. Anh
nghe chừng như chàng thi sĩ đã từng “lùa bò vào đồi sim trái chín” thủ thỉ câu
thơ này với người yêu cũ bằng một giọng đậm đà của xứ “khúc ruột miền Trung”, đặc
biệt là cách phát âm của một phụ âm đầu có thể giúp phân biệt một người nói giọng
Bắc với một người nói giọng của miền khác. Ở chỗ này, nhà phê bình bỗng trở
thành một ông giáo đứng trước bảng đen, đang say sưa bình thơ, đồng thời lồng
vào đó là bài học ngữ âm bậc đại học:
Từ
“sầu” bắt đầu bằng phụ âm “sờ”, đọc là [s] (voiceless alveolar fricative) theo
lối Bắc, hoặc đọc là [ȿ] (voiceless postalveolar retroflex fricative) theo lối
Nam hoặc Trung, đều là những âm xát xuýt (fricative), phát ra hơi gió
(sibilant) một cách liên tục. Tuy nhiên, nếu đọc theo lối Nam và Trung [ȿ] (âm
quặt lưỡi) thì cuống lưỡi phải chạm vào phần vòm cứng ở ngay sau ổ răng cửa hàm
trên, hơi gió được cuộn, ép lại, và đẩy ra mạnh hơn. Nếu đọc theo lối Bắc [s]
(âm chân răng) thì nó cũng giống như trường hợp của âm [d] trong “đâu”. Bùi
Giáng sinh ở Quảng Nam, người miền Trung, cho nên chắc đọc “sầu” với âm đầu là
[ȿ]. Từ “sầu”, như thế, sẽ có âm gió thở mạnh ra (dù phần nào nghe nặng và đặc
hơn so với âm [s]), lại thêm thanh trầm bình (huyền) đè xuống một cách thiết
tha, nặng và buồn, da diết, rất hợp với tâm trạng của thi sĩ. (356)
Tôi
nghĩ như thế này, có lẽ là từ trước tới giờ mình đọc chưa đủ nên biết chưa tới,
nhưng cũng có thể là từ trước tới giờ chưa có ai phê bình thơ mà đi vào tận
cùng của thế giới âm và thanh như Bùi Vĩnh Phúc. Anh dùng ngôn ngữ học để lột
trần ngôn ngữ trong thi ca. Tôi vẫn cho rằng thơ văn là nơi thăng hoa tột cùng
của ngôn ngữ loài người. Đặc biệt là trong thơ ca tiếng Việt, ngôn ngữ đã được
thể hiện một cách rốt ráo qua phần tinh hoa nguyên thuỷ của nó: đó là phần âm
điệu và thanh điệu. Đối với những người thưởng thức hay phê bình thơ có khuynh
hướng nhận nhìn “cường độ âm thanh”, thì âm thanh là thế mạnh, là chất liệu
chính của một bài thơ, và Bùi Vĩnh Phúc đã giúp chúng ta soi rọi chói chang vào
phần nổi bật nhất đó bằng khối óc, trái tim, bằng cảm xúc, cảm hứng và bằng tài
hoa của một nhà phê bình văn học mà dòng văn chương Việt hải ngoại may mắn có
được trong thế kỷ 21 này.
TRẦN
C. TRÍ
(*)
Nhà văn, TS. Hiện đang giảng dạy về Romance languages và Vietnamese tại
University of California, Irvine.
[1]Một
dạng của “auditory imagery”, một trong những thi pháp đòi hỏi người đọc phải
“hình dung” ra âm thanh.
2
Nguyên văn “Sound exists or does not exist in a poem – that is, as a reader you
are very aware of it, or else it makes no particular difference. These two conditions may be thought of as
sonic intensity and sonic distance.
Sonic intensity is when the sound is everything in a poem. Sonic distance, on the other hand, is when
sound is simply one more part of whatever makes the poem successful.” Mooring
Against the Tide: Writing Fiction and Poetry.
Ed. Jeff Knorr and Tim Schell.
Upper Saddle River, NJ: Prentice Hall, 2001. "Degas in Vegas: Some Thoughts on Sound
in Poetry." 34-37.
3
Nam Lê chơi chữ trong tựa đề này, biến tính từ “diacritical” (‘thuộc về dấu giọng’)
thành danh ngữ “dire critical” (‘lời phê bình tàn khốc’).
4
Le, Nam. trích trong "36 WAYS OF WRITING A VIETNAMESE POEM." The
American Poetry Review, vol. 52, no. 2, Mar.-Apr. 2023, pp. 23+. Gale
Literature Resource
5
Andrea Hoa Pham, The Key Phonetic Properties of Vietnamese Tones: A
Reassessment – Paper at the 15th International Congress of Phonetic Sciences,
Barcelona, 2003.
6
Bùi Vĩnh Phúc dùng động từ rất gợi hình là “bám” để mô tả sự kết hợp khắng khít
có dụng ý của Thanh Tâm Tuyền giữa các âm tiết trong câu thơ.
7
Thuật ngữ “thanh” dùng trong phần phê bình của Bùi Vĩnh Phúc chỉ hai khái niệm
khác nhau: Khái niệm thứ nhất thuộc về âm vị học/phonology, trong tiếng Anh là
“tone”, ví dụ như “thanh sắc”/high-level tone (như trong cước chú của tác giả về
hệ thống thanh tiếng Việt); khái niệm thứ nhì (dùng trong trích đoạn này) thuộc
về ngữ âm học/phonetics, trong tiếng Anh là “voicing”. Tác giả miêu tả âm [k]
là “vô thanh”/voiceless, đối lại với âm [g] (cũng cùng vị trí phát âm là âm ngạc
mềm/velar consonant) là phụ âm “hữu thanh”/voiced.
TCT
No comments:
Post a Comment