Sunday, May 12, 2024

CON ĐƯỜNG. LA STRADA

nguyễnxuânthiệp
 
Poster phim La Strada

Con đường nào chúng ta đã đi chung
nàng thơ của tôi. tên bạo chúa. gã khùng ơi
gelsomina. zampano. the fool
ôi. tiếng kèn. đã tắt trên môi em
và biển sẽ xóa hết. dấu chân. những người một thời yêu nhau
cùng đi chung một con đường. la strada
(NXT)
     Đã có nhiều tác giả viết về Con Đường - La Strada: Nguyễn Nam Châu, Lữ KIều, Nguyện Thị Hải Hà, Sâm Thương, Trần Hoài Thư… Thơ trên là của Nguyễn tôi. Sở dĩ nhiều người yêu thích và viết về cuốn phim La Strada vì trước hết đó là một phim hay, cực hay, có dính với nụ cười và nước mắt của một thời trẻ tuổi của mỗi người. Mới đây, khi gặp lại Lữ Kiều, nhân bàn về Ca khúc Les Feuilles Mortes của Joseph Kosma và Jacques Prevert, nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ và con đường mà mình và bạn bè đã đi qua. Vậy cho nên Nguyễn tôi về chép lại bài đã viết tự năm nào để tặng bạn mình.
  
     Phim La Strada của đạo diễn lừng danh người Ý Federico Fellini đã ám ảnh tôi những năm trẻ tuổi. Hồi đó, Nguyễn này vừa mới rời trường Quốc Học bước chân vào Sài Gòn mê những hàng me đường Catinat và phố xá rực rỡ, bước chân qua các giảng đường đại học. Tuổi mới đôi mươi, lòng còn trong trắng, yêu đời như yêu những giấc mộng. Thế rồi bỗng bàng hoàng rơi lệ khi cùng người xem phim La Strada.
 
     Ôi, Federico Fellini người nghệ sĩ bi thảm của thời đại chúng ta. Người đã mở ra dòng phim mới với những tuyệt phẩm: La strada (1954), Le notti di Cabiria (1957), La Dolce Vita (1960), Amarcord (1973) -số lớn trong đó đã đoạt Oscars. Riêng bản thân Fellini đã giành giải Oscar về sự nghiệp thành tựu trọn đời vào năm 1993. Là một trong những thiên tài điện ảnh, Federico Fellini đã từng ảnh hưởng đến nhiều đạo diễn Âu Mỹ như Stanley Kubrick, Martin Scorsese, David Lynch hay Pedro Almodovar. Hôm 20/01/2020 vừa qua đánh dấu 100 năm ngày sinh của đạo diễn Fellini, từng được các điện ảnh gia người Mỹ mệnh danh là ‘bậc thầy’ Maestro.
      Mà không riêng kẻ này ngưỡng mộ Fellini và mê La Strada, còn có những cây bút khác như đã nhắc trên. Nguyễn Nam Châu, Lữ Kiều, Nguyễn Thị Hải Hà, Sâm Thương… Và giờ đây, Trần Hoài Thư đang chuẩn bị Thư Quán Bản Thảo ra số chủ đề về Fellini và tuyệt phẩm La Strada. Lữ Kiều: “Bài viết của NNC về Fellini với phim LA STRADA vẫn còn làm tôi xao xuyến mỗi lần nhớ lại. Hình như tôi đã nhiều lần nhắc đến nàng Gelsomina trong những bài văn thời trẻ của mình, nhờ NNC đó.” Trần Hoài Thư: “Vừa đánh máy mà vừa rưng rưng. Con đường của Fellini là con đường mang ý nghĩa triết lý của kiếp nhân sinh: Con đường cũng như cuộc đời, tự nó không biết khởi điểm từ đâu, mà cũng không rõ sẽ ngừng lại chỗ nào. Nó bắt đầu từ cuộc đời của những kiếp người. Người ta vào cuộc đời như người ta khởi sự lên đường. Có lần ta tạm biết mơ hồ mục-đích của cuộc hành-trình và thoáng thấy mình sẽ có ngừng lại ở điểm nào đó trên con đường, nhưng người ta không biết hết được những điều mình sẽ gặp gỡ trên nẻo đường muôn hướng đó, bởi vì Con Đường cũng có nghĩa là sự Gặp Gỡ giữa muôn vàn ngả đường. Cuộc đời cũng thế: Cuộc đời là sự gặp gỡ giữa các tâm hồn. (trích từ bài viết của NNC)
 
      Bây giờ, xin về với nội dung phim La Strada: Câu chuyện được Federico Fellini kể lại bằng một bút pháp điện ảnh đặc biệt. Nhân vật chính trong phim là Gelsomina do nữ diễn viên Ý, Giulietta Masina, thủ vai. Ôi, đôi mắt cô bé tròn xoe, luôn mở lớn, dễ thương quá. Nhất là khi cô buồn và khóc, khiến người xem se thắt lòng. Gelsomina là một cô gái chân chất, thật thà, quê mùa, nhạy cảm. Và nhân vật kia là Zampano, do nam diễn viên nổi tiếng của Mỹ Anthony Quinn đóng. Zampano, là tay nát rượu một người nóng nảy, hung bạo. Gã cao lớn vạm vỡ trong khi Giulietta Masina nhỏ bé để đứng gần Quinn cô như một cô bé mười hai mười ba tuổi.
     Mở màn, anh chàng hát xiệc giang hồ Zampano (Anthony Quinn) quay trở lại miền biển nghèo nước Ý điều đình với mẹ của Gelsomina, để có nàng thay thế Rosa, chị nàng đã qua đời. Để nuôi đàn con sót lại, mẹ nàng bằng lòng trao Gelsomina cho Zampano.
     Thế là Gelsomina theo Zampano rày đây mai đó trên chiếc xe ba bánh cà tàng. Nàng không biết làm gì khác hơn là đánh trống, nhảy múa, mỗi khi Zampano diễn trò bứt sợi xích sắt trước đám đông, nhưng nàng khờ khạo quá, đến nỗi thường bị  Zampano hành hạ đánh đập và chửi mắng. Đã có lần gặp người đàn bà đẹp, sexy hơn ở quán rượu, trong cơn say bỉ tỉ hắn liền kéo người đàn bà này đi bỏ Gelsomina ở lại bên lề đường giữa đêm khuya.  Tuy vậy hắn không thể xa nàng, nàng được dùng để sưởi ấm và thỏa mãn xác thịt những đêm đông không nhà. Nàng nhiều lần bỏ trốn, nhưng không được, nàng không biết đi đâu và không thể sống với ai khác, nên lại tiếp tục sống bên cạnh Zampano, trong gánh xiếc của hắn. 
      Thế rồi, định mệnh run rủi, hai người gặp The Fool Gã Khùng (Richard Baschart), một kẻ làm công cho một gánh xiệc giang hồ khác. Gã có tài đi trên dây cao: một trò chơi điên rồ. Gã lấy hiểm nguy đổi sự sống ư, e cũng không hẳn vậy, vì gã mắc bệnh lao, thấy mình gần với cái chết, nên muốn đùa giỡn với cái chết, mua vui cho người. Ở trên dây cao, chỉ cần một chút xúc động là gã có thể ngã xuống tan xương nát thịt. The Fool tử tế, có cảm tình với Gelsomina nên săn sóc nàng. Cử chỉ này làm Zampano bực mình. Đã thế hắn còn bị The Fool trêu chọc mãi nên ghét The Fool thậm tệ. Một lần nọ, gặp The Fool bị hư xe, Zampano ngừng lại chửi mắng. Kết quả là anh ta giết The Fool rồi vùi xác bên đường. Chứng kiến cái chết của The Fool, Gelsomina rất đau lòng, đến độ ngã bệnh tâm thần, trở nên điên loạn, mất trí. Và trong giấc ngủ mê sảng nàng gọi tên gã khùng làm Zampano sợ hãi, lo bị tù tội. Zampano muốn trả nàng về nhà nhưng nàng không chịu, vì nàng không thể sống thiếu Zampano. Phần Zampano, vì muốn yên thân đã bỏ Gelsomina lại dọc đường với một số tiền và cây kèn, hy vọng nàng có thể tự mình bươn chải. Nhưng Zampano đâu biết, xa chàng Gelsomina không sống được. Khi Zampano nhận thức được nàng là cần thiết, thực sự quan tâm đến nàng và mong muốn gặp lại nàng thì nàng đã không còn nữa.
 
      Nhiều năm sau, hắn đi ngang một làng nhỏ, nghe một cô gái huýt sáo một bài mà ngày xưa Gel thường hay lẩm nhẩm hát một mình. Ngạc nhiên Zampano đến hỏi thăm thì cô gái ấy bảo rằng ngày xưa, bố của cô bắt gặp một cô gái điên, bị ốm nặng sắp chết. Ông mang cô gái điên về cho trú ngụ, chăm sóc cho đến khi cô khỏe lại. Cô chìm vào trong cõi riêng không chú ý đến ai, lang thang trong xóm thường hay hát bài hát này vì thế cô bé con chủ nhà học thuộc bài hát. Một thời gian sau cô gái điên qua đời.
      Đêm đó, Zampano ra bờ biển, trong cơn say túy lúy ông ta gục xuống kêu lên một tiếng thét xé lòng. Rồi im lặng. Im lặng. Chỉ còn tiếng sóng biển.
 
      Ôi con đường. La Strada. Như bao cuộc đời khác, tôi cũng có một con đường với buồn vui sướng khổ, hội ngộ rồi chia ly. Và có Thơ. A, những bài thơ tôi viết cho người cho đời, và tặng những bông phù dung trong vườn chiêm bao ngày nọ. Rồi còn không, mai sau?
(Tổng hợp)
NXT

No comments:

Post a Comment