Trịnh
Y Thư
Thơ Ngắn Đỗ Nghê
1.
Tôi thích đọc “thơ ngắn” của Đỗ Nghê. Những
bài thơ “ý tại ngôn ngoại,” đọc đi đọc lại, mỗi lần đọc đều nhận ra thêm một
cái gì mới, khác, mở ra những chiều kích bát ngát hương thơm. Hãy giở trang đầu
tiên của tập thơ, bài Trái đất, cả bài thơ chỉ có vẻn vẹn sáu từ:
Giữa
đêm
Thức
giấc
Giữa
ngày…
Boston,
1993
Từ chìa khóa để hiểu bài thơ là “Boston,” mặc
dù nó chỉ là phụ chú cho bài thơ. Giữa đêm thức giấc, bên kia nửa vòng trái đất
là giữa ngày, chợt bàng hoàng tỉnh giấc, thao thức nỗi nhớ nhà, chợt thấy cô
đơn, ôm nỗi sầu vạn cổ, thấy cái tôi bé nhỏ không một chút trọng lượng lọt thỏm
giữa vũ trụ bao la.
Tứ
thơ cô đúc, được nén chặt đến cực độ trong sáu từ, đột ngột phóng ra như một
tia chớp lóe, để người đọc mặc tình buông ra từ trí tưởng của mình những cảm
xúc bát ngát diệu kỳ.
Trên bước đường lữ thứ của cuộc hành trình đời
người, chúng ta ắt hẳn phải có lúc cảm thấy cùng một tâm trạng với bài thơ. Bài
thơ chỉ có sáu từ sao lại có sức mạnh truyền tải cảm xúc mạnh mẽ đến thế!
Ý thức rất rõ về sự hữu hạn của vật thể hữu
hình và tính vô thường của kiếp nhân sinh, thơ Đỗ Nghê chuyển hóa bi kịch đời sống
thành những cung bậc cảm xúc đẹp buồn, trữ tình. Những dấu vết của đau thương,
tan rã, chia lìa gần như được xóa nhòa để cái đẹp – dù là cái đẹp bi ai – thăng
hoa thành nghệ thuật, và sau cùng đạt đến cõi như nhiên, tĩnh tại.
Từ
nỗi đau xót như nhát dao cứa sâu vào da thịt:
Mỗi
năm
Mỗi
người
Thêm
một tuổi
Chỉ
mình con
Mãi
mãi
Tuổi
đôi mươi…
(La
Ngà 3)
Nỗi đau xót ấy, như được sưởi ấm bằng những
đốm lửa yêu thương, biến thành nỗi buồn man mác nhưng dịu ngọt:
Con
cài bông hoa trắng
Dành
cho mẹ đóa hồng
Mẹ
nhớ gài lên ngực
Ngoại
chờ bên kia sông…
(Bông
hồng cho mẹ)
Những câu thơ đẹp, vì được kết tinh một cách
ưu ái và trang trọng từ trái tim, từ trái tim người làm thơ sang thẳng trái tim
người đọc, không cần qua một lăng kính hay một bộ phận chắt lọc nào. Nếu những
cụm từ như “bông hoa trắng,” “đóa hồng” được dùng như một hoán dụ, thì hoán dụ ấy
cũng chẳng thể ngăn cản cảm xúc dạt dào dâng lên như sóng vỗ tràn bờ. Thực chất,
thơ Đỗ Nghê ít sử dụng ẩn dụ hoặc hoán dụ, mà phần nhiều là những câu nói
(vâng, thơ là tiếng nói, tiếng nói tinh tuyền nhất) rất đơn sơ, rất thật và rất
đậm tính người.
Có
gì “người” hơn những câu thơ này?
Mùa
xuân mừng tuổi thơm tho áo
Nắng
cũng vàng phai ngày cũng xa
Anh
thương nhớ quá làm sao nói
Gọi
tên em vang động gốc cây già…
(Quê
nhà)
Nó là tiếng kêu của muôn loài sống trên mặt
đất, tiếng chim gọi nhau buổi ngày nắng tắt trên đầu non, tiếng kêu trầm thống
của loài cá voi dưới mặt nước đại dương sâu thẳm. Nó là chất keo sơn giữ cho cuộc
sống này bền chặt. Không có nó, thế giới vỡ tung mất thôi, và có vẻ như nó đang
vỡ thật. Một mai nếu để mất nó, chúng ta sẽ rơi vào hố thẳm tuyệt vọng, vô
phương cứu vãn, và linh hồn chúng ta sẽ mãi mãi trầm luân trong cõi huyền tẫn mịt
mù, không ai có thể chuộc tội cho chúng ta, ngay cả người đóng đinh trên núi Sọ.
Vâng, tôi xin bắt chước nhà thơ, ngày xuân
“gọi tên em vang động gốc cây già.”
2.
“Nước”, “sóng”, “sông”, “biển” là những thi ảnh
xuất hiện nhiều trong thơ Đỗ Nghê. Trong bài thơ Nước – gồm 20 câu, một
trong những bài thơ dài toàn tập thơ – thi sĩ vẽ hành trình của nước len lỏi
qua nghìn dặm nẻo đường núi non sông lạch, thậm chí “từ cơn gió thoảng, từ làn
mây trôi,” chỉ để bâng khuâng buông ra một suy nghiệm có tính siêu hình:
Nước
vẫn muôn đời
Không
đi chẳng đến
Ai
người nỡ hỏi
Nước
đến từ đâu?
Ai
người nỡ hỏi
Nước
trôi về đâu?…
Nước, trong ngữ cảnh bài thơ, là một hoán dụ
ám chỉ khái niệm Duyên khởi và tính Không trong Phật giáo. Nước “không đi chẳng
đến,” phải chăng ám chỉ khái niệm “vô thỉ vô chung” vốn chủ yếu liên quan đến sự
hiểu biết về thời gian, sự tồn tại và quan hệ nhân quả.
Duyên khởi khẳng định rằng mọi hiện tượng
phát sinh đều phụ thuộc vào các hiện tượng khác. Nó mô tả một chuỗi nhân quả,
trong đó mỗi mắt xích phụ thuộc vào mắt xích trước đó, dẫn đến sự phát sinh của
các hiện tượng tiếp theo. Theo quan điểm này, không có điểm bắt đầu hay điểm kết
thúc biệt lập, độc lập đối với bất cứ điều gì trong chu kỳ tồn tại. Mọi thứ đều
có mối liên hệ với nhau và phụ thuộc lẫn nhau.
Còn khái niệm tính Không thì nhấn mạnh đến
sự thiếu vắng của bản chất nội tại cố hữu của sự vật. Sự vật không có sự tồn tại
cố hữu. Sự tồn tại của chúng phụ thuộc vào các yếu tố khác. Do đó, khởi đầu hay
kết thúc của tồn tại trở nên vô nghĩa. Thay vào đó, sự tồn tại trải qua vô tận
các chu kỳ lặp đi lặp lại gồm có sáng tạo, hủy diệt và tái sinh (mà ta gọi là
luân hồi). Trong những chu kỳ này, không có điểm bắt đầu hay điểm kết thúc cuối
cùng.
Nó chính là “nước” của Đỗ Nghê: Không đi chẳng
đến.
Theo Tứ Diệu Đế, khổ đau là cố hữu do tham
ái và vô minh. Tái sinh được xem là sự tiếp nối của vòng đau khổ này cho đến
khi người ta đạt được giải thoát (niết bàn). Theo nghĩa này, tồn tại được xem
là không có khởi đầu, với khả năng giải thoát đánh dấu sự kết thúc của vòng tái
sinh.
Hiểu được bản chất của “nước” là hiểu được
chu kỳ của tồn tại, là hiểu được con đường dẫn ta đến giải thoát. Tôi đồ nhà
thơ Đỗ Nghê chỉ muốn nói có bấy nhiêu. Một điều vô cùng giản dị mà sao chẳng mấy
ai thực hiện nổi!
Khái niệm “Sắc tức thị không, Không tức thị
sắc” còn được thi sĩ nhắc lại trong bài thơ Có không:
Tràn
vào khắp ngả
Đất
trời mênh mông
Nhẹ
như không có
Có
mà như không…
Thơ Đỗ Nghê thấm đẫm mùi Thiền, rất nhiều
bài trong tập thơ mang phong vị Thiền học, nhưng nó là cái Thiền giúp ta thong
dong đi vào phố chợ, nhập cuộc trần ai, mà lòng an nhiên như đang thảnh thơi dạo
bước trên con đường mòn giữa cánh đồng hoa lá:
Duyên
sinh vô ngã
Ngũ
uẩn giai không
Từ
đó thong dong
Thõng
tay vào chợ…
(Vè
thiền tập)
Bởi thi sĩ hiểu rõ chân lý sinh diệt của vũ
trụ tuần hoàn, từ cát bụi, ta là ta hôm nay, ta là “đất động” hay “sóng thần,”
nhưng rồi một ngày nào đó không xa, ta lại trở về cát bụi:
Đất
động ta cũng động
Sóng
thần ta cũng sóng
Giật
mình chợt nhớ ra
Vốn
xưa ta là đất…
(Đất)
3.
Một người làm thơ trữ tình như Đỗ Nghê ắt hẳn
không thể nào dửng dưng với mảnh đất quê hương mình. Quê hương ông là biển, là
sông, là hồ, là cát, là cây, là đá, tất cả hòa quyện trầm mặc trong thơ. Các địa
danh xa lạ với nhiều người nhưng thân thương với thi nhân, như hòn Bà, đá
Ngãnh, được đem vào thơ, tái hiện hoài hoài trong những giấc mơ, hay một ký ức
không thể bào mòn.
Tôi đặc biệt yêu thích bài Hội An sớm:
Hội
An còn ngái ngủ
Mái
chùa ôm vầng trăng
Giật
mình nghe tiếng chổi
Gà
gáy vàng trong sương…
Như một khúc Đường thi. Thi ảnh, tuy cổ điển,
nhưng đẹp não nùng. Và, chao ơi, tiếng chổi. Sao lại tiếng chổi từ trong sân
chùa một cách mơ hồ vọng ra? Sao không là tiếng tụng kinh, tiếng chuông, tiếng
mõ vào buổi sớm? Chính sự bất ngờ ấy đánh động tâm hồn khiến thi nhân giật
mình, đã làm tăng thú vị khi đọc bài thơ. Bất ngờ hơn chuyện ông Trương Kế lúc
từ Phong Kiều bước xuống thuyền nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn vọng lại. Bài
thơ của Đỗ Nghê là bức tranh hiện thực được vẽ bằng bốn câu thơ năm chữ.
Và tiếng gà. À, thì ra ngôi chùa chẳng ở đâu
xa mà nằm gần kề một thôn xóm quê nghèo. Nó cho ta cảm giác ám áp, gần gũi,
thân thương. Cụm từ “vàng trong sương” là một thủ pháp tu từ mỹ học. Ở đây nó
là điểm nhấn như điểm nhấn trong hội họa, để từ đó người đọc thơ có thể vin
vào, đoạn phóng chiếu ra tổng thể một cảnh tượng lung linh bóng hình thật đẹp,
gồm có cả hình ảnh lẫn ảo ảnh. Hình ảnh là ánh tinh quang nhạt nhòa trong sương
sớm. Ảo ảnh là một thôn làng xa xôi rơi rớt trong mớ ký ức ngổn ngang buồn nhớ.
Ngôi chùa ở Hội An của Đỗ Nghê thân quen, gần
gũi trong một tâm trạng cảm hoài nhưng một tâm thế u tĩnh, yên bình. Ngôi chùa
Hàn Sơn của Trương Kế thì xa lạ, trống vắng trong một cảm giác bất an, mông
lung, thậm chí bồn chồn, hoang mang, lạc lõng.
4.
Tình yêu là đề tài muôn thuở trong thơ của gần
như mọi thi sĩ đông tây kim cổ. Tình yêu trong thơ Đỗ Nghê là một thứ tình yêu
đằm thắm, nhẹ nhàng. Bạn đừng tìm kiếm những tứ thơ nồng cháy nóng bỏng, khốc
liệt trong thơ ông. Ngôn ngữ tình yêu là những nét chấm phá thi vị. Và ý nhị,
thâm trầm:
Cảm
ơn em sợi bạc
Cảm
ơn em sợi hung
Cảm
ơn em năm tháng
Đã
theo già cùng anh.
(Theo
già)
Hay:
Lá
chín vàng lá rụng về cội
Em
chín vàng chắc rụng về anh…
(Lá)
Tôi thích những vần thơ tình nhẹ nhàng của Đỗ
Nghê, bởi dù trong xa vắng, tình yêu của thi sĩ vẫn đẹp. Tháng năm trôi qua,
đôi khi chạnh lòng nhớ lại kèm theo một chút bùi ngùi thương nhớ:
Hoa
vàng đã rụng đầy sân vắng
Tình
cũng ngùi phai theo tháng năm…
(Cố
nhân)
Lòng
còn vương vấn dù thời gian dâu biển bao mùa đã qua. Chẳng còn gì để nhớ, để
thương… Không, hình như vẫn còn… Và chỉ chừng đó thôi đã đủ cho “ta” bồi hồi
sung sướng:
Trái
thông khô rớt vèo chiều tím
May
mà còn ánh mắt dao cau…
(Tím)
Hình ảnh “bạo liệt” nhất trong thơ Đỗ Nghê
là bài sau:
Anh
đọc bài thơ tình
Em
ngồi nghe lặng thinh
Anh
đọc thêm bài nữa
Em
vẫn ngồi lặng thinh
Anh
buồn không đọc nữa
Em
chồm lên hôn anh
Như
đổ dầu vào lửa…
(Thơ
tình)
Và, không kém quan trọng, tình yêu trong
thơ Đỗ Nghê bao giờ cũng hòa quyện với tình yêu quê hương đất nước, với biển,
cát, sóng, trời. Trái tim của thi nhân có đủ chỗ cho cả em lẫn biển:
Anh…
ngoằn ngoèo trên cát
Không
ngờ mà hóa tên em
Biển
xanh nắng vàng sóng bạc
Không
ngờ cùng kéo đến xem…
Tình yêu trong thơ Đỗ Nghê là thứ tình yêu
phổ quát, đẹp muôn đời, đáng ca tụng mãi mãi, thế hệ nào cũng có thể liên kết
cá thể mình vào được. Ngôn ngữ ca ngợi tình yêu của thi sĩ giản dị, chân thành,
biểu hiệu một tấm lòng thương quý dành cho món quà quý giá nhất Thượng đế ban
cho loài người. Một món quà như thế mà hình như chúng ta đang đánh mất nó, đang
để nó vuột khỏi tầm tay. Một mai không còn tình yêu nữa, chúng ta sống vô cảm,
vô tính như một robot AI hay một con người văn minh, chỉ biết có khoái lạc nhục
dục và soma gây mê, như Aldous Huxley miêu tả trong cuốn tiểu thuyết Brave New
World của ông, thì liệu lúc đó con người có còn là con người nữa không? Đọc thơ
tình Đỗ Nghê để giữ gìn, trân quý món quà Trời cho đó, xin bạn đừng bao giờ
đánh mất.
5.
Ngôn ngữ thơ của Đỗ Nghê, nói chung, mang
phong cách truyền thống, trữ tình. Cấu trúc và thi pháp cổ điển. Bởi thế, nhạc
tính và cú điệu trong thơ du dương, trầm lắng. Đêm trên biển Lagi là một bài
thơ với niêm luật chỉn chu theo đúng tinh thần Đường thi. Ông không tìm kiếm sự
cách tân trong thơ mình. Kỹ thuật được ưa chuộng bởi các nhà thơ cách tân, như
thủ pháp đặt cặp phạm trù/ thi ảnh tréo ngoe liền kề, không hề thấy trong suốt
thi tập. Chữ nghĩa ông thâm trầm, dung dị. Ông không nệ chữ, không chuộng sử dụng
những từ lạ, hoa mỹ, không vắt dòng vô cớ, không tra tấn người đọc bằng những
ký hiệu rối rắm, ngớ ngẩn. Nhưng chữ nghĩa của ông là thứ chữ nghĩa có trọng lượng
và buộc người đọc thơ phải suy ngẫm, liên tưởng, để trèo từ tầng chữ nghĩa lên
tầng cảm xúc của thơ, để khám phá, để đắm chìm vào những khung trời, trong đó
tâm hồn mình được vuốt ve, yên ủi.
Tuy vậy, đó không phải loại thơ “khẩu khí”
vốn đè nặng thi ca Việt Nam suốt mấy trăm năm qua và phần nào tiếp diễn cho đến
ngày hôm nay. Thơ ông là tiếng nói, tiếng nói thầm thì nhưng trong veo và có sức
mạnh chuyển tải cảm xúc, biểu hiệu cho một tâm hồn thơ giàu suy cảm.
Có thể có kẻ thấy thiếu vắng một ý thức lịch
sử, xã hội hay chính trị trong thơ Đỗ Nghê, thiếu cả những thao thức, khao khát
nội tâm, do đó, họ biện biệt, thơ thiếu chất sống, không tiếp cận với đời sống
con người, thân phận con người, vốn là cơ bản cho tất cả các thao tác văn học
nói chung, thơ nói riêng.
Tôi phản bác lập luận này. Đồng ý, thơ phải
có một “đời sống thơ,” nhưng đời sống ấy không phải sinh ra để gồng gánh những
trọng trách như minh họa kỷ nguyên lịch sử, miêu tả xã hội, bảo vệ ý thức hệ –
dù là một ý thức hệ tốt đẹp – như Milan Kundera từng phát biểu nhiều lần. Mượn
lời Kundera, tôi có thể nói là, thay vào đó, thơ tự cho nó một nhiệm vụ nói lên
những điều “chỉ thơ mới nói được.” Ngôi nhà chữ nghĩa của thơ vốn ảo diệu, khó
vào, thông thường chỉ mở lối cho người đọc thơ đi vào bằng con đường trực cảm
hoặc linh cảm, thậm chí thần cảm. Khoác chiếc áo sứ mệnh nặng khôn kham lên thơ
chỉ làm thơ thêm tội nghiệp và giết chết thơ.
Ý thức rất rõ về điều đó, nhà thơ Đỗ Nghê
đã không khoác chiếc áo sứ mệnh lên thơ mình.
Nhưng “đời sống thơ” trong thơ Đỗ Nghê là
gì, và ta phải hiểu như thế nào?
Nhờ thấm đẫm Thiền vị, như đã nói bên trên,
thơ Đỗ Nghê thắt buộc sự hiện hữu của con người vào thế giới xung quanh, và
quan trọng hơn, tìm ra được quan hệ hài hòa giữa sự hiện hữu ấy với thế giới.
Con người và thế giới không là chủ thể-khách thể như được hiểu theo ý nghĩa triết
học cổ điển, mà là một tương tác giao thoa. Triết học Hiện sinh đặt vấn nạn
chúng ta bị ném ra ngoài thế gian này mà không biết tại sao. Chúng ta giống
nhân vật thần thoại Hy Lạp Sisyphus, bị kết án vĩnh viễn lăn tảng đá lên đỉnh
núi chỉ để nhìn nó lăn xuống lần nữa. Thơ Đỗ Nghê không thắc mắc chuyện đó. Thơ
ông cho ta thấy khả năng con người nhận thức được thực tế của hiện tồn, để từ
đó biết trực diện với khổ đau và cái chết, đối đầu với những thách đố của đời sống
dựa trên sự thông hiểu sâu sắc về bản chất của hiện tồn.
Nhưng không thể gọi thơ Đỗ Nghê là thơ triết
học. Đó là thơ. Thơ với tất cả những tố chất cố hữu của thơ. Bởi thơ ông không
đưa ra một suy niệm tiên nghiệm nào, và bởi thơ đi thẳng từ trái tim thi nhân
vào trái tim người đọc.
Đọc “thơ ngắn đỗ nghê” giữa một thế giới đảo
điên như hôm nay, giữa một cuộc sống đầy gian truân, trắc trở, với tôi, là một
hạnh phúc.
TRỊNH
Y THƯ
(Nguồn:
Tạp chí Ngôn Ngữ, số đặc biệt Đỗ Nghê Đỗ Hồng Ngọc, tháng 5/2024)