Nguyễn Quang Chơn
Sài Gòn. Tranh Đặng Kim Long
Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn.
Là đất tổ quê cha. Là nơi ta sinh ra, lớn lên, học hành, cùng nói một ngôn ngữ,
cùng thưởng thức những món ăn quê nhà, những văn hoá địa phương…, quê hương là
đó chớ đâu!…
Nói cho gần, quê hương là quê nhà.
Xa hơn, quê hương là đất nước!…
Những năm 2000 tôi thường sang Mỹ
vì các con tôi học hành bên đó. Gặp bạn bè Việt kiều sống tha hương, có người
chưa một lần về lại quê nhà bởi công việc bề bộn và chẳng còn ai thân thích. Họ
đã ổn định mọi mặt tại vùng đất mới này. Nhắc chuyện cũ, họ say sưa với những
ngày tháng sinh viên sôi nổi hồn nhiên, và tránh nhắc lại những ngày tháng ủ dột
sau 75, tránh nhắc lại những chuyến vượt biển gian nan về với tự do…
Những anh chị bè bạn thân quen là
văn nghệ sĩ với trái tim nhạy cảm và tha thiết quê nhà. Họ cũng không muốn nhắc
nhở về những năm tháng sau chiến tranh, những ngày đầu định cư xứ người. Họ có
buồn nhớ quê cha đất tổ không? Chẳng ai nói với tôi nhưng tôi tự nghĩ, hằn sâu
dưới đáy lòng, ẩn lấp dưới những tiếng cười hằng ngày, có lẽ là những giọt nước
mắt nhớ quê!…
Tôi hỏi và đa số nói với tôi. Họ
cám ơn đất nước đã cưu mang, bảo vệ họ, cho họ có quyền sống, quyền làm người,
cơ hội công việc, phát triển năng lực, và đặc biệt con cái họ được học hành, được
tôn trọng…Họ đã chọn nơi này làm quê hương: “Ở đâu có gia đình con cái, ở đó là
quê hương!”…
…
Tôi không thích ứng được với xã hội
Mỹ. Ở tối đa một tháng là tôi phải về lại VN. Thực phẩm, thời tiết, kỷ luật Mỹ,
v.v… làm tôi mệt mỏi. Nhưng chỉ vài tháng, nhớ con, tôi lại bay qua. Có năm vợ
chồng tôi đón Tết nguyên đán ở Cali cùng bọn trẻ nhưng tôi vẫn nghĩ, mình không
thể rời được VN…
…
Một thời tuổi trẻ tôi học Sài Gòn.
SG là quê hương thứ hai với những kỷ niệm đẹp của đời người. Ngày ba bắt tôi về
Đà Nẵng học, tôi như kẻ mất hồn. Từ khu ký túc xá đại học BK, tiếng còi tàu
xuôi Nam mỗi chiều rúc lên là lòng tôi rạo rực như muốn gởi cả hồn mình theo về
phương ấy…
Rồi năm tháng trôi. Tôi lập gia
đình, con cái, công việc…Sài Gòn vẫn mãi đi-về, nhưng SG không còn hấp dẫn tôi
nữa. Đặc biệt khi tuổi đã cao. Vào SG xong việc là tôi bay về ngay, không thể
chịu được cái ồn ào, ngột ngạt, cái thức ăn ngọt lịm của SG nữa…
Rồi con trai về lại VN, lấy vợ SG,
làm việc SG. Rồi tôi có cháu kháu khỉnh xinh tươi, quấn ông nội không rời. Vậy
là mươi ngày, một tháng, tôi lại có mặt SG. SG không còn làm cho tôi mệt mỏi vì
khói bụi cộ xe, vì ồn ào phố xá, mà đem cho tôi niềm vui và hạnh phúc bên gia
đình con trai, bên khuôn mặt thiên thần cháu nội. SG lại trở về trong tôi thành
một quê hương!…
Tôi thấm thía lời bạn tôi bên Mỹ.
Tôi không còn trách bạn tôi sao chẳng về quê. Bởi quê vẫn chỉ là nơi chứa đựng
tình người, với gia đình con cái. Quê hương không đơn giản là bờ tre, ruộng
lúa, căn nhà. Mà quê hương là sức sống của con người. Bóp nghẹt sự sống là nghiền
nát quê hương. Còn dân tộc là vĩnh cửu . Quê hương có thể thay đổi nhưng dân tộc
mãi trường tồn, hồn dân tộc là bất biến!…
Tôi đồng ý với bạn tôi. Ở đâu có
gia đình, ở đó có quê hương!…
NGUYỄN QUANG CHƠN
20.1.22, cuối năm Tân Sửu
No comments:
Post a Comment