Thursday, January 13, 2022

MỘT VÀI CẢM NHẬN VỀ ‘TỪ HUYỀN THOẠI TỚI TÂM KINH’ CỦA NGUYÊN GIÁC PHAN TẤN HẢI

Đỗ Hồng Ngọc

Nguyên Giác. Sách Tâm Kinh

Nguyên Giác Phan Tấn Hải sinh năm 1952 tại Saigon, là một nhà báo, nhà văn quen biết trên văn đàn từ hơn 30 năm nay đang sống và làm việc tại Mỹ, nhưng đặc biệt Nguyên Giác viết nhiều về Phật học, bởi đã theo học tại chùa Tây Tạng Bình Dương trong suốt 3 năm với bổn sư là Hòa thượng Thích Tịch Chiếu (1912-2016). Nguyên Giác đã xuất bản trên 10 cuốn sách về Phật học như Chú giải về Thiền Đốn Ngộ (2001); Thiền tập (2005); Thiền tông qua bờ kia (2017) Kinh Nhật Tụng sơ thời, Kinh Pháp cú Tây Tạng… và mới nhất là cuốn Từ Huyền Thoại tới Tâm Kinh (Nxb Ananda Viet Foundatio, 2021).
Từ Huyền Thoại tới Tâm Kinh tổng hợp các bài viết về Thiền tập tâm đắc của Nguyên Giác, từ chương Bồ Đề Đạt Ma đến… Lắng nghe bờ bên kia, Hai phong cách Thiền Chánh Niệm, Chìa khóa vào Thiền… “có tính thực tiễn, thực dụng, giúp độc giả không chỉ nắm bắt căn bản về Phật pháp mà còn có thể thực hành ngay trong đời sống hằng ngày” (Tâm Diệu) với con đường hoàn toàn tự do, tự tại, không theo lối mòn  mà không sợ sai lệch yếu chỉ của Phật. Chùa Tây Tạng Bình dương do Hòa thượng Nhẫn Tế sáng lập vào năm 1928 với tên gọi ban đầu là Bửu Hương Tự, đến năm 1935, khi thiền sư vân du tu học ở Tây Tạng trở về thì được đổi tên thành Tây Tạng Tự tại tỉnh Bình Dương đến nay vẫn là một ngôi chùa danh tiếng về Thiền học ở nước ta.
Với tôi, một người học Phật “lõm bõm”, “thấp thoáng” thì những cuốn sách viết về Phật học của Nguyên Giác Phan Tấn Hải giúp tôi rất nhiều bởi cách nghiên cứu của ông là dựa trên kinh sách, trích dẫn từ Trường bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ kinh, Tăng Chi bộ kinh v.v…, với những chọn lọc so sánh đối chiếu các nghiên cứu của các vị Thầy đáng tin cậy ở trong cũng như ngoài nước.
Không chỉ thế, đọc Từ Huyền Thoại tới Tâm Kinh ta biết thêm Nguyễn Du vốn là nhà sư Chí Hiên (Từ Nhà sư Chí Hiên tới Nhà thơ Nguyễn Du), rồi về Tuệ Trung Thượng Sỹ mà với “tâm không”, mỗi ngày đọc lại mỗi thấy cái mới (tr 119); rồi ta có thể mở rộng tầm nhìn với những bài dịch từ “Chìa khóa vào thiền” của Horada Roshi, “Hai phong cách Thiền Chánh niệm” của Bodhi, “Đại thủ ấn của Tipola”…  Cũng vậy, giữa mùa Covid không thể không học “Hộ trì sáu phương”, “Đối trị dịch bệnh”…
Bất ngờ là những bài thơ ở cuối sách “Thêm một ngày, học vô cùng” “Lắng Nghe Hơi Thở” “Hoa Bay khắp trời”…
Thật là một cuốn sách về Phật học thú vị, vừa khoa học, vừa văn chương với lối viết trong sáng, chú giải cẩn thận, tham khảo đầy đủ của một Cư sĩ vừa là nhà báo, nhà văn và một thiền giả…
Có những trường hợp cùng một câu kinh Pali mà các vị đại sư sử dụng những từ ngữ khác nhau thì Nguyên Giác đã trích dẫn, so sánh, đối chiếu và chú giải rất kỹ, đưa ra ý kiến riêng của mình để giúp làm sáng tỏ, như bản dịch một bài kệ của Bhante Vadaro, Thanissaro Bhikkhu, Khantipalo… Điều này rất quý cho người đọc, giúp mở rộng cách thấy và cách biết, khi ứng dụng vào thực hành, tự thể nghiệm theo nguyên tắc “… không nắm giữ một giáo thuyết nào…”. (tr 31) của tinh thần Thiền tông. Krishnamurti cũng từng nói: "Chân lý là mảnh đất không có đường vào"!
Ta hiểu được vì sao các Thiền sư trong khi dạy đạo, có lúc chẻ tượng Phật làm củi để sưởi ấm (tr 31) hay như Sư phụ Tịch Chiếu dạy đệ tử: “Không có pháp nào để tu hết” (Tu hành cái mốc gì!), nghĩa là phải buông bỏ tất cả, không bám chấp một pháp nào!
Tác giả luôn giữ một thái độ trung lập và khiêm tốn, bởi vì Phật pháp mênh mông, học lấy một nhúm lá trong tay Phật ở rừng Samsapa đã là không thể, còn nói gì đến cả một khu rừng mênh mông phía sau kia.
Nguyên Giác thường mở đầu các bài viết với sự cẩn trọng: “ Bài viết này sẽ khảo sát Vô Tướng Tam Muội, một pháp môn ít được chú ý hiện nay... Bài viết phần lớn sẽ dựa vào kinh luận vì bản thân người viết không có thẩm quyền nào”(tr 51).
“Bài này phân tích một số khái niệm nhà Phật về Niết Bàn, nhưng không đi sâu vào tranh luận bộ phái¸ chỉ để tìm các phương tiện khả dụng thích nghi cho Thiền tập. Người viết không có thẩm quyền nào; sai sót nếu có xin được sám hối cùng Tam Bảo” (tr 75).
Không đi sâu vào lý thuyết, không tranh luận bộ phái, tác giả chỉ muốn giúp người đọc những gì thực tiễn, thực hành trong Thiền tập, “con đường không có con đường” tự tu, tự chứng, giữa một thời đại tràn ngập thông tin trên không gian mạng.
Kinh Lăng Nghiêm viết: Thanh tịnh bổn nhiên/ Tùy chúng sanh tâm/ Chu biến pháp giới/ Tòng nghiệp phát hiện! Chiếc lá mùa thu rơi trên mặt hồ là nỗi ai hoài của chàng thi sĩ, nhưng là nỗi mừng vui của con kiến đang trôi lạc giữa dòng... Tôi có lần trích mấy câu thơ của Thầy Tuệ Sỹ: Ta hỏi kiến nơi nào cõi tịnh/ Ngoài hư không có dấu chim bay…? Ta có thể trả lời nhà thơ: Có chứ, chắc chắn ngoài hư không có dấu chim bay. Với kỹ thuật multimedia bây giờ, người ta có thể thu hình không khó. Có điều… dấu chim bay đó không để lại một vết gì trên mặt hồ tĩnh lặng. Cũng như bóng người đẹp đi qua gương, gương không buồn giữ một dấu vết! Còn hỏỉ kiến nơi nào cõi tịnh ư? Phải là kiến mới biết. Như con cá của Trang Tử: anh không phải là cá sao biết cá không vui?
Với tôi, chương Vô tướng tam muội (tr 51) có lẽ là một pháp… đáng nghiền ngẫm để thực hành nhất. Lục tổ Huệ Năng bảo pháp “đốn ngộ” của Ngài lấy Vô niệm làm tông, Vô tướng làm thể và Vô trụ làm gốc. “Đốn” để ngộ thì có thể rất nhanh thôi nhưng Lục tổ cũng đã phải mất 15 năm để “Tiệm” tu mới thành tựu! 
Đúc Phật dạy giải thoát có nhiều cửa, không phải chỉ có một. Nhưng có một cửa… phổ biến phải nhớ trong Thiền tông là “không hề có một pháp nào để làm” bởi vì “không có một chỗ nào trong tâm để bấu víu” (tr 51).
Kinh Trường A Hàm nói có nhiều pháp… dẫn tới Niết Bàn (bản dịch của Tuệ Sỹ)
Thế nào là một pháp dẫn tới Niết bàn? Thường tinh cần tu niệm xứ về thân.
Thế nào là hai pháp dẫn tới Niết Bàn? Chỉ và Quán.
Thế nào là ba pháp dẫn tới Niết Bàn? Là Không, Vô tướng, Vô nguyện (Vô tác).
v.v…
Cứ tùy căn cơ mà chọn! Với tôi, một thầy thuốc, thì Thường tinh cần tu niệm xứ về thân là… tốt nhất. Không có thân (sắc) thì thọ, tưởng, hành, thức biết dính vào đâu để mà sinh sự cho sự sinh? “Vô thân hữu hà hoạn?” Lão Tử cũng nói vậy. Trong đồ hình Mạn Đà La thì… thân (sắc) nằm ở trung tâm, Đại Nhựt Như Lai (Vajrocana).
Con đường Thiền có lẽ là con đường… ngắn nhất, chỉ thẳng vào… “thân” đó thôi (Thường tinh cần tu niệm xứ về thân), từ đó mà thấy “Tâm bất sinh”.
Viết về Phật pháp, về Thiền tông, nhưng Nguyên Giác không viết một chiều, luôn đặt ra những câu hỏi của một… nhà báo. Thí dụ bài về Bồ Đề Đạt Ma, ông gọi là “một khuôn mặt ẩn nhiều huyền thoại”, và mời gọi độc giả đặt nghi vấn. Đó là một thái độ khoa học cần thiết, nhờ đó, tránh đi những màu sắc mê tín. Tổ thứ 27 có phải là một Ni sư? Lúc viên tịch Ni sư bay lên trời, hóa thành lửa thiêu rụi, mưa xá lợi rơi xuống cho đệ tử. Tổ 28 Bồ Đề Đạt Ma 9 năm diện bích là sao? Sống đến 150 tuổi. Lúc viên tịch thì trở về Ấn Độ, chỉ mang theo một chiếc dép…
Những huyền thoại đó thú vị quá chớ. Nhưng cốt lõi của câu chuyện này lại nằm ở chỗ cuộc đối thoại ngắn ngủi giữa Lương Vũ Đế và Bồ Đề Đạt Ma:
Thế nào là thánh đế nghĩa thứ nhất?
Rỗng rang không thánh.
Đối diện với Trẫm là ai?
Không biết.
 
Chỉ chừng ấy là đủ! Không thánh không đế gì cả! Chỉ Rỗng Rang. Rỗng Rang là Không (sunyata, emptiness).
Còn trả lời “Không biết” là vì đã Vô ngã, Vô tướng còn biết sao được?
 
Hễ nhìn thấy nội xứ và ngoại xứ rỗng rang không tánh thì là giải thoát. Đức Phật dạy: “Hỡi Mogharaja, hãy luôn tỉnh thức và nhìn thế giới này như rỗng rang, với cái nhìn về tự ngã đã bứng gốc, người đó sẽ vượt qua sự chết. Thần Chết không thể thấy người đã nhìn thấy thế giới này như thế” (tr 19).
“Không biết” theo tôi là cái biết trước khi có “sự can thiệp” (chen vào) của ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, nghĩa là cái biết khi chưa bị méo mó. Tôi vẫn nghĩ Bát Nhã Prajna gồm Pra + Jna: Pra là trước. Jna là biết. Prajna (Bát Nhã) là một cái biết hồn nhiên, trong sáng, trước khi bị lệch lạc. Vì… “tri kiến lập tri tức vô minh bổn!”, khi đã có ‘Thành kiến” chen vào rồi thì không có cách chi thay đổi được nữa!  Vì thế mà pháp giới ta đang sống cứ luôn quần quật, loanh quanh, đấu đá, chém giết, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh… không ngớt, tưởng là Trời “hành” mà thiệt ra do tư tưởng, do hành vi lối sống của con người.
Có cách nào để nhận ra tánh Không trong các pháp? Đức Phật dạy rằng, nhận ra Pháp Duyên Khởi chính là tương ưng với Không. Và hãy tùy thuận duyên khởi: Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi (tr 55).
Thiền là con đường tiếp cận gần gũi và trực tiếp nhất. Giác ngộ chỉ là một phát kiến đột khởi trong cõi tâm vô niệm, vô tâm, một thứ “đốn”. Nhưng ngộ rồi thì phải Tu, phải Chứng. Bởi có Chánh trí (Thánh trí) Bát Nhã rồi thì mới mong “thấy biết’ như thật, thấy cái đang là, biết cái thấy chỉ là cái thấy, cái nghe chỉ là cái nghe, nghĩa là đã “thấy Tánh”. Thành Phật hay chưa thì chưa biết nhưng đã thoát được cái “tự tánh” giả do biến kế sở chấpy tha khởi để đi đến viên thành thật, là cái thấy của Bát Nhã, từ đó mà có thể “chiếu kiến ngũ uẩn giai Không”.
Thiền không phải là tréo chân, nín thở, bù đầu với công án mà thiền là toàn bộ Thân Khẩu Ý, là mọi hoạt động đi đứng nằm ngồi trong đời sống bình thường nhưng tâm  rỗng rang, vô niệm, như Phật hoàng Trần Nhân Tông bảo: Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền…
Kinh EA (bản dịch Tuệ Sỹ, Đức Thắng):
Hết thảy các hành đều rỗng lặng, cái sanh và cái diệt đều như huyễn hóa, không chơn thật. Cho nên Tỳ kheo hãy ở trong hơi thở ra vào, tư duy về tưởng chết để thoát khỏi sanh già bệnh chết, buồn rầu, khổ não. (tr 57).
Lục tổ Huệ Năng trong Pháp Bảo Đàn Kinh cũng dạy: Các cõi Phật đều đồng như hư không, diệu tánh con người vốn Không, chẳng có một pháp nào có thể đắc, tự tánh chơn không cũng như thế. Dứt niệm lự phân biệt. Tâm vắng lặng mà thường chiếu, chiếu mà thường lặng (tr 59).
***
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng đại bi tâm.
(Kinh Lăng Già)
 
ĐỖ HỒNG NGỌC
Saigon 10 Jan, 2022 

No comments:

Post a Comment