Đặng
Mai Lan
Chân dung Trần Hoài Thư.
Đinh Cường vẽ
Tôi
lấy cuốn sách ra khỏi bao thư. Gáy bìa của tập sách gần như phẳng, dẹp vì bị
tách làm hai. Chưa thấy có dấu hiệu những trang giấy sẽ bung ra. Nhưng tôi đã gấp
nó lại, để trên sách một cái ly bằng sứ được dùng để cắm những cây bút. Trọng
lượng của cái ly đủ giúp cuốn sách khép kín như lúc nó vừa được hoàn tất từ những
máy móc, dụng cụ thủ công, từ hai bàn tay và sức lực của chỉ một người.
Phong
thư màu vàng, thứ màu có vẻ đặc trưng của ngành viễn thông bưu chính Hoa Kỳ.
Hai mảnh kim loại nhìn như hai nhánh của
cánh hoa dầu. Chúng mỏng, mềm và rắn đủ có thể đặt xuyên qua một cái lỗ tròn, nhấc
lên hạ xuống khi cần đóng hay mở phong bì mà không bị gẫy gập. Những bao thư đã
vượt qua bao nhiêu trời biển mênh mông mới tới nơi tôi ở. Từ Mai Thảo, Nguyễn
Xuân Hoàng rồi đến Nguyễn Mộng Giác. Những cây cao bóng cả trong ngôi làng Văn Học Việt Nam nay đã khuất bóng. Có
người hẳn nằm sâu trong đất ngắm sao trời nghiệm lại triệu điều không hiểu của
thế giới, người lơ lửng trên mây, người thả hồn xuôi về giòng Sông Côn Mùa Lũ (1) …
Và bây giờ tới phiên anh. Chỉ khác là bao thư ngày
đó xinh xắn, nhỏ nhắn, vừa để bỏ vào một cuốn sách. Thư tôi nhận hôm nay to gấp
đôi vì sách không là sách nữa. Nó mang tấm áo của hồ sơ, văn thư. Văn chương
đôi khi phải trá hình để qua cái ải "kim tiền".
Nhìn
chữ first class và mẩu giấy in số tiền cước phí của bưu điện chợt thấy nao nao
buồn, cơ hồ một niềm cảm động. Cũng là một bài viết, một tạp chí được biếu tặng
như những ngày xưa. Nhưng xưa và nay tự nó đã khác. Những tình cảm lại càng
khác xa hơn. Ngày xưa nhận báo vì có đăng bài viết của mình, hay dẫu không có
bài, tôi cũng vẫn nhận được hàng tháng. Đó là một thứ nhuận bút tinh thần, chủ
bút tỏ lòng cùng người cộng tác thường xuyên. Có lẽ vì thế mà lòng chẳng mấy
băn khoăn. Chỉ vui khi thấy bài mình xuất hiện. Còn bây giờ sao tôi lại nâng
niu cuốn sách và để ý đến cả giá tiền tem gửi.
Khi
được mời đi ăn bao giờ tôi cũng lựa một món ăn nào không đắt lắm vì e ngại,
không muốn tốn tiền của người mời. Chẳng lẽ cái tính tiết kiệm dùm người cũng
được áp dụng trong trường hợp này chăng? Có đáng gì đâu, tôi nhủ lòng nhưng sao
cứ thấy nằng nặng một nỗi ưu tư.
Xưa,
mỗi khi nhận báo, mở ra đọc, tôi thường đi tìm bài của các nhà văn nữ đọc trước,
háo hức xem họ viết gì. Bình thường thôi, vì tôi cũng là một người viết nữ, lại
mới bước vào thế giới chữ nghĩa. Đương nhiên, tôi đọc không sót một tác giả
nào. Vòng giao tiếp của tôi trong văn giới cũng không nhiều. Kể như tôi không
quen anh, nhưng tên anh thì tôi nhớ rõ qua những trang báo. Một cái tên đọc
lên, nghe êm đềm, chứa chan tình cảm.
Thời
đó, có lẽ theo ước định giá cả của nhà in, người chủ trương làm những tạp chí
văn học bắt buộc phải in một số lớn. Báo được phân phối cho những nhà sách phát
hành và báo sống được phần nào có lẽ nhờ số độc giả mua báo định kỳ. Nhưng cuối
cùng vẫn phải đình bản. Cùng với nhiều nguyên nhân khác, nhưng lý do chính là số lượng phải in quá nhiều mà độc giả thì
càng ngày càng thưa thớt.
Thời
này, chuyện in ấn sách báo dễ dàng hơn trước rất nhiều. Người đọc có thể ngồi
nhà mua báo qua mạng internet. Độc giả mua cuốn nào thì nhà ấn hành in cuốn nấy.
Chẳng cần phải ôm hàng đống sách đi giao cho từng nhà sách, hoặc chồng chất ở
nhà. Nên nhiều tạp chí xuất hiện trở lại trên văn đàn. Những tạp chí có bìa màu
bắt mắt với những bức tranh của các hoạ sĩ tài danh. Trăm hoa lại đua nở trong
những trang sách đẹp vì kỹ thuật in ấn tân kỳ. Sao anh không làm theo cách đó,
sao anh chọn những cực nhọc, cực kỳ tỉ mỉ?
Một
người bạn, một ngôi sao mới đang sáng rực trên bầu trời Văn Học. Từ báo giấy
cho tới báo mạng, báo nào cũng có sự góp mặt của cô. Như một chiến sĩ hào hùng,
đang tham chiến trên khắp cùng mặt trận. Bạn đã từng giới thiệu báo này báo nọ,
rủ tôi gửi bài cùng góp mặt với nhau cho vui. Nghe xong tôi chỉ cười thối thác
rằng tôi lười lắm. Tôi không quen biết những vị chủ bút, lại phải "thưa
ông, thưa bà" mà lâu rồi tôi rất ngại chuyện thưa thốt. Thời gian, tuổi
tác dường như làm tôi co cụm lại.
Ra biển gọi thầm, tựa của một truyện ngắn
hiện ngay trong đầu khi nghe cô bạn nhắc tới anh. Nói điều này anh nghe chắc
anh buồn vì tôi chỉ nhớ cái tựa, nội dung của câu chuyện tác giả kể ra không thể
nào tôi nhớ nổi.
Đã
bảo ngày ấy, tôi chỉ quan tâm đến những cây bút nữ. Bây giờ nhớ tới anh, như
tìm thấy lại một người quen. Không hiểu sao tôi lại có cảm giác như thế. Thứ
tình cảm ấm áp khiến tôi gạt hết những cân nhắc ngại ngùng thưa ông, thưa anh thường có trong những thư đầu gửi cho ai đó,
chưa lần gặp mặt, thiết thân.
Dear anh, đó là hai chữ đầu
tiên tôi gõ trong điện thư gửi anh. Sống lâu nơi quê người, cách nói năng trò chuyện đôi khi tôi phải
dùng thêm những từ ngữ của xứ sở mình đang sống vì nó có thể diễn đạt nhanh
chóng điều muốn nói với người đối thoại, hoặc chưa tìm ra tiếng mẹ đẻ nào cho
trọn nghĩa. Nhưng khi viết thì lại khác, tôi luôn cố gắng tránh dùng tiếng
Pháp. Song cũng có trường hợp ngoại lệ, khỏi mất công bỏ dấu tôi mới phải xen
vào vài từ Anh, Pháp để gõ cho nhanh. Nhưng chữ "dear" tôi dùng hôm
nay thật là tuyệt diệu. Thân, thương, quý, mến đều nằm trong từ ngữ đó. Không
quá cung kính, chẳng màu mè. Lời hay ý đẹp chắc gì nói lên được những tình cảm,
đôi khi lại trở thành khách sáo. Điều này thể hiện trong vài câu chữ ngắn ngủi
anh gửi cho tôi khi nhận bài viết đầu tiên.
Hên
quá ! Không ngờ gần cuối cuộc đời lại tìm gặp nhau.
Chữ
"hên" của anh làm tôi bật cười. Tưởng tượng anh đang loay hoay tìm
bài chuẩn bị cho một số báo thì bất ngờ nhìn thấy tên tôi hiện trên hộp thư điện
tử của anh. Anh quá đổi ngạc nhiên, mừng rỡ mới thốt lên như thế. Và tên tôi có
lẽ cũng gợi trong lòng anh một tương quan thân thiết nên mới có câu gần cuối cuộc đời lại tìm gặp nhau.
Anh
nói cũng đúng thôi, chúng tôi chỉ gặp nhau bằng chữ trên những trang báo ngày
xưa, những dặm đời đã lắc-lơ xa. Mới đầu nghe vui vui, nhưng lắng lòng lại mới
thấy thương bốn chữ gần cuối cuộc đời.
Tôi
bắt đầu đọc trang nhà của Thư Quán Bản Thảo.
Kẻ
sĩ ngày xưa thắp đèn đọc sách trong đêm và ngủ quên trên những trang sách thơm ở
một hiên trăng mộng mị. Thư Quán Bản Thảo ngày nay có người đàn ông gầy gò, tóc
trắng như lau bước trên những bậc thang từ một căn phòng nào đó dưới nhà. Trên
tay ông là những cuốn sách đã cặm cụi trong những đêm khuya, gõ từng con chữ,
in từng trang giấy, chăm chút qua nhiều công đoạn... Sách theo ông vào giấc ngủ.
Sáng thức sớm còn thấy sách nằm ngoan trên ngực và trái tim ông bật lên những
nhịp đập nhẹ nhàng hạnh phúc. Tôi đã nhìn thấy Trần Hoài Thư như thế, qua hình ảnh,
qua những lời chữ câu văn anh chia sẻ cùng thân hữu.
Chữ
theo anh phiêu bạt rày đây mai đó, từ thời thanh niên trai trẻ gian nan nơi những
chiến trường, vất vưởng lam lũ sau ngày oan khốc tù tội và cho đến bây giờ. Chữ
rù quến mời gọi cả người phụ nữ bên anh nhập cuộc. Tình chữ và tình nghĩa tào
khang của anh chị đã biết bao nhiêu người nhắc đến. Tôi có viết thêm cũng bằng
thừa, và viết bao nhiêu cho đủ. Chỉ là một người quen, chưa lần gặp mặt. Nhưng
lòng tôi chùng xuống thương anh khi đọc những bài thơ-văn anh viết cho vợ. Có
nhiệm mầu nào giúp chị bình phục để đọc được, hiểu thấu những gì anh viết. Đó
là mơ ước của tôi.
Cuốn
tạp chí được tôi đọc chậm chạp từng câu, từng chữ. Đọc rốt ráo đến trang cuối
cùng mới nhận ra một điều đã từ lâu biến mất trong cuộc sống tôi. Tình cảm,
lòng quý trọng cho anh, cho chị đã đành. Đời này mấy ai có được tấm lòng tận tuỵ
với văn chương chữ nghĩa như anh chị. Nhưng đâu chỉ có thế. Sao những bài văn
thơ của bao nhiêu thập niên trước, khoảng thời gian tôi còn ngờ nghệch thơ ngây
lại làm tôi cảm thấy thú vị, mê say. Tôi đọc, như một người chưa bao giờ cầm được
một cuốn sách trong tay. Truyện dù vui dù buồn vẫn đọng lại trong tôi một nỗi
bùi ngùi. Buồn như một giấc mơ đêm nào thấy mình trở về ngôi nhà cũ. Ngôi nhà
tôi đã sống từ ấu thơ cho đến trưởng thành. Chỉ là một con ngõ im, một vuông
sân tối mà lòng chợt thẩn thờ khi tỉnh giấc.
Lưu
lạc quê người, bất cứ những hoài niệm thương tưởng nào về cố hương có lẽ đều thu gọn vào hai chữ nhớ nhà.
Và nỗi nhớ ấy chỉ hiện thực sừng sững trong tôi khi gia đình ở Sài Gòn quyết định
bán ngôi nhà trong khu phố sầm uất, về sống ở một vùng ngoại ô yên tĩnh. Nơi có
công viên cây cỏ, không khí trong lành để mẹ tôi có thể dạo chơi mỗi sáng mỗi
chiều dù bà chỉ ngồi trên xe lăn cho con cháu đẩy. Tôi sẽ không còn dịp nào bước chân trên thềm nhà
niên thiếu. Nó đã mất, vĩnh viễn. Nhưng còn một cái mất khác to lớn hơn là khi
mẹ tôi qua đời. Còn mẹ, là còn đau đáu niềm mong muốn trở về, còn giấc mơ hồi
hương. Quê hương đã xa, giờ còn xa hơn nữa. Mẹ tôi ra đi mang theo tất cả. Sự mất
mát, nỗi chia lìa mơ hồ nhưng váng vất trong tôi những trầm tư u uất.
Dạo
sau này tôi hay nhớ về quá khứ. Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Lạt, Biên Hoà, Lái Thiêu.
Tuổi trẻ của những đứa con gái lớn lên nơi đô thị bình yên trong một đất nước
chiến tranh nào có được đi xa. Cố hương, kỷ niệm của tôi chỉ có từng ấy để nhớ
về.
Bây
giờ là Tuy Hoà, Bồng Sơn, Kontum, Quảng Ngãi… những con đường quốc lộ mịt mù nắng bụi, phố chợ đìu hiu. Những bờ
lau, bãi sậy, đồng ruộng xác xơ. Những cánh rừng nám khô vì bom đạn. Đêm mưa
nơi lưng đèo, sương mù giăng đỉnh núi. Tình yêu hạnh phúc, sự bất hạnh gian nan
của tuổi trẻ trong chiến tranh và những điều phi lý… Tôi đang lần từng bước qua
bao miền đất nước, thao thiết cùng tâm tư của những thế hệ đàn anh, đàn chị. Họ
nghĩ gì, họ đã sống ra sao được hiển hiện nơi từng con chữ quá khứ trên Thư
Quán Bản Thảo. Quê hương đâu phải chỉ có ngôi nhà, ngoại ô êm ả và những con phố
xanh ngọc hoa niên mà tôi đã sống.
Phải chăng sau những mất mát cá biệt, tinh thần
liêu xiêu hụt hẫng và ý niệm về một tổ quốc chia lìa nên không gian-thời gian,
câu chuyện của những người viết năm xưa như những chuyến xe văn chương đưa tôi
về bao nơi chốn chưa từng đến và có lẽ sẽ chẳng bao giờ. Tại sao tôi cảm thấy gần
gũi thân thương khi đọc những gì họ viết. Khó mà diễn giải được hiện tượng tâm
lý này.
Họ
bây giờ ở đâu? Người còn, kẻ mất. Có người đã ngừng viết, có người vẫn miệt mài
chữ nghĩa.
Cái bóng in trên vách
Bóng
nào, xưa hay nay
Hôm
qua soi đường trăng
Hôm nay soi trang giấy (2)
Bóng
của anh với từng trang giấy. Từng trang đời mà đa phần là đời của những người
lính. Thời đại của các anh mấy ai tránh được đoạn trường binh lửa. Những người
lính mà thế hệ chúng tôi phải mang ơn. Trong đó có người lính Trần Hoài Thư.
Người đang tận tuỵ đốt lò hương cũ, nhóm lại củi than bằng hữu của một thời
điêu linh khốn khó.
Tôi
phải nói gì với anh, việc "gìn vàng giữ ngọc" anh đang làm. Nói gì về
món quà tặng bằng sức lực, khối óc, tâm huyết của anh. Nói gì về những trang chữ
đã như một nơi để tôi về tìm lại quê nhà. Lời cám ơn chưa đủ. Nhưng nói gì hơn
nữa? Tôi không biết.
Không
cũng là vô, vô cùng, không cùng !
ĐẶNG MAI LAN
1/ Sông Côn Mùa Lũ ( Nguyễn Mộng
Giác)
2/ Đêm Khâu Sách ( Thơ Trần Hoài
Thư)
No comments:
Post a Comment