Monday, October 5, 2020

KHOẢNH KHẮC

 Đỗ Hồng Ngọc

  


Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hồng Linh & tác phẩm

Lê Hồng Linh muốn tôi ghé thăm phòng triển lãm ảnh với chủ đề Thấu Cảm của anh lần này một chút- một chút thôi- và ghi lại đôi dòng cảm nghĩ. Tôi đã ở vào cái tuổi tám mươi, lại chẳng biết gì về nghệ thuật, kỹ thuật nhiếp ảnh, nhất là trong một thế giới toàn cầu hóa, mỗi người đều như sẵn có một cái máy ảnh trong tay, bấm hoài chẳng sợ hết phim như những ngày xa xưa đó!

Thấu cảm (Empathy) tôi hiểu, không phải là đồng cảm, thông cảm… mà là Gaté, gaté, paragaté…vượt qua, qua “bờ bên kia” để mà hiểu cho “thấu”, để mà cảm cho “thấu”, rồi như  Quán Thế Âm Bồ-tát nghìn mắt nghìn tay làm một cái gì đó cho cõi nhân sinh.

Thế là tôi bước vào phòng triễn lãm của bạn. Và tôi cảm thấy mình bị shoc. Một nỗi buồn mênh mông xâm nhập hồn tôi. Đất nước tôi, dân tộc tôi đó ư? Sau cuộc chiến tranh đằng đẵng đầy bom đạn chết chóc, tang thương để rồi cũng chỉ là những nỗi buồn mênh mông vậy sao? Hình như nhà nhiếp ảnh muốn bày ra để mọi người thấy và muốn kêu lên để mọi người nghe.

Thấy gì? Thấy ánh mắt  buồn bã của một em bé vùng quê không được đến trường. Thấy những bà mẹ quê gồng gánh con như thời khói lửa, bà mẹ chợ đèo con trên xe đạp trong hai chiếc giỏ… Thấy một người đàn ông thân cò lặn lội trên vùng nước đọng, một người đàn ông khác ráng kéo con ngựa qua dòng thác lũ… Và thấy những nụ cười ngơ ngác của già nua…, ánh mắt sợ hãi của bé thơ…

Nghe gì? Nghe một tiếng kêu thương.

Rồi cũng thấy những tà áo dài trắng tinh khôi lướt qua cây cầu khỉ, soi mình xuống dòng kênh, một “con kênh xanh xanh những chiều êm ả nước trôi…” của ngày xưa, và chiếc xe vua chở ba cô học trò vút bay trong hoa nắng. Chiếc xe vua rồi cũng mất, cây cầu khỉ rồi chẳng còn. Chút kỷ niệm ngọt ngào trong trắng kia làm sao tồn tại trong một thế giới đảo điên, tràn đây vật chất mà thiếu tình người, thiếu hồn nhiên trong sáng…

Tôi thấy dâng lên một nỗi buồn. Sự nghèo khó. Sự cô đơn. Sự bất hạnh… Có thể  từ đó mà có sự “thấu  cảm”, từ đó mà có ánh mắt bàn tay của Quán Thế Âm chăng? Tôi nghĩ Từ bi là không đủ. Một đống rác khổng lồ sặc sở như núi kia bao giờ sẽ thành hoa? Những người già nua kia rồi về đâu? Những bé thơ hồn nhiên nọ bao giờ sẽ bình minh? Và những người tật nguyền…

Tôi cũng chợt nhận ra cái đẹp ở “Khoảng khắc” dưới ống kính của người nghệ sĩ. Bé sợ hãi chới với níu tay mẹ. Bà cõng bé như trốn chạy với những ngón tay quíu lại một vành đai. Cái ánh mắt của con khỉ ôm chặt lấy em bé như một chỗ dựa khi thiên nhiên bị tàn phá không còn là chốn nương thân… Và chiếc xe vua bay giữa ngàn sao…

Lê Hồng Linh chia sẻ về nghề:

Máy ảnh không phát hiện được cái đẹp.

Chỉ có độ nhạy cảm con người mới nhìn thấy và sáng tạo cái đẹp.

Tâm hồn là loại ống kính tốt nhất mà nhà nhiếp ảnh phải gìn giữ sự trong sáng của nó.

Quả thực, ảnh của Lê Hồng Linh là cái hồn, từ nụ cười đến ánh mắt, từ làn sóng đến cơn mưa… Với tôi, anh là một nhà thơ biết ‘tan vào nhau trong từng khoảnh khắc” khi anh viết những câu thơ cho một bức ảnh:

Anh/ như mây/ như sương

Trôi/ đến núi em/ thành thủy mặc

Tan vào nhau/ trong từng khoảnh khắc

Tuyệt mù

(LHL)

 

Tôi bỗng nhớ một bài thơ cổ: 

Chàng như mây mùa thu

Thiếp như khói trong lò

Cao thấp tuy có khác

Một thả cũng tuyệt mù… 

“Một thả”, ấy là “tan vào nhau” đó vậy.

ĐỖ HỒNG NGỌC

(Saigon, Trung thu 2020)

 

No comments:

Post a Comment