Thursday, October 29, 2020

BIỂN CỦA TÔI

Lê Ký Thương
 
Bình minh trên biển Nha Trang
 
Tôi về Nha Trang gặp lại cơn gió biển mùa hè. Gió không hào phóng nhưng cũng đoán được lòng người khát gió, chừng mực thoảng qua vừa đủ mát, đủ thương. Ngồi dưới gốc dừa nhìn suốt biển đêm, hàng đèn câu ngoài khơi sáng trưng như thành phố nổi.        
 
Tôi nhặt chiếc vỏ sò nhẵn nhụi, ném xuống mặt biển dát vàng trăng mười sáu Kiều xinh. Biển như tấm thảm nhiệm mầu trong thần thoại Ba Tư. Thảm đưa tôi bềnh bồng bay về chốn thần tiên tuổi học trò trốn học cùng bạn đi hái trái mai dương dọc bờ biển vắng, gai đâm ứa máu bàn tay, bị phạt cấm túc làm vệ sinh sân trường ngày chủ nhật, dấu cha dấu mẹ vì sợ đòn roi. Những giờ nghỉ học, bốn năm bạn rủ nhau xuống biển ôn bài rồi cởi hết áo quần tồng ngồng tắm. Mười hai, mười ba tuổi đầu vẫn hồn nhiên như trẻ lên ba không hề mắc cở. Tha hồ bơi, tha hồ đùa với sóng, tha hồ vo tròn viên cát  chia phe ném nhau chí tử. Khi nư với biển lại chạy lên bờ ăn dĩa bò khô cay ứa nước mắt rồi uống ly sữa đậu nành mát rượi.        
 
Đến mùa thi trung học, tú tài, buổi tối chín giờ phố đã vắng người, đứa ra phố, đứa lên Nhà thờ đá, đứa xuống biển tìm riêng cho mình một ánh đèn đường đủ sáng học bài thi. (Lâu rồi ánh đèn điện bóng tròn trên đường phố Nha Trang  như người tình đã vĩnh biệt ra đi). Học là học thật tình chớ không phải đợi một bóng hồng qua. Nửa đêm đói bụng ăn bánh ú hay hột vịt lộn của người bán hàng rong bận áo dài đen đi dọc bờ biển rao giọng Huế mùi tai. Vẫn nhớ như in ngọn đèn hột vịt,  sáng lập lòe trong đôi mắt các chị, các o và câu hò chạy suốt những đêm hè dài theo đường biển: ''Học trò sắp sửa đi thi. Không ăn bánh ú chắc gì đậu cao''. Cảm nhận câu hò đêm khuya mà gắng công học. Ai lỡ có người yêu cũng hạn chế hẹn hò. Thi xong tha hồ dung dăng dung dẻ. Giỏi dỡ cũng phải ôn thi đến sói đầu mờ mắt. Không có chuyện học trước những đề thi ôn tập. Lòng tự tin được học từ lớp vỡ lòng. Nhưng năm nào cũng có chuyện ''học tài thi phận'', cũng nghe câu thơ ''thi không ăn ớt thế mà cay'', cũng có người tự tử vì hỏng làm cô tú cậu tú chứ không phải vì người tình phụ rẫy!         
 
Biển Nha Trang tắm được bốn mùa, ngày đêm bất kể. Chỉ có một năm mùa đông sóng dữ. Chín mười giờ đêm rủ bạn bè đi coi sóng đánh. Đã nghe từ khơi xa tiếng sóng vọng vào, những âm thanh dòn dã như tiếng pháo giao thừa, khi đến bờ sóng chồm lên trắng bờm ngựa chứng. Một tiếng nổ vang rền tưởng sét đánh mưa giông, nước vượt qua kè chắn sóng ào lên đường liếm ướt gót chân. Một hai tảng đá to bằng chiếc bàn ăn bị sóng thần ném vào sân Bưu Điện tỉnh, ai thấy cũng lạnh người. Những quán nước dọc theo bờ biển nát tan... Huyền thoại Ông Năm Yersin dùng súng thần công bắn chết sóng thần cứu dân được nhắc lại.         
 
Qua khỏi mùa đông, biển lại hiền hòa, nhu mì như thôn nữ tròn trăng. Biển Nha Trang cưu mang những mối tình lãng mạn. Đôi tình nhân nào cũng có một chỗ ngồi riêng, một góc dừa, một cụm dương mái ấm, một bãi tắm riêng... - một thế giới thơ mộng riêng trên bờ biển bao dung. Ngày, đêm, sóng, gió và cát đều thuận lòng với lời tỏ tình ngây ngô, với nụ hôn tình yêu đầu đời vụng dại. Có ai muốm tìm lại chính xác chỗ ngồi xưa để hồi tưởng một tình yêu sâu đậm cũng hoài công dã tràng se cát. Nhưng cần gì tìm chính xác chỗ ngồi xưa, tiếng sóng rì rào kia sẽ kể lại hết những kỷ niệm ngày nào nếu ai biết lắng lòng nghe tiếng sóng...
 
Biển bây giờ đã đổi khác cảnh quang, nhưng với tôi vẫn là nàng La Joconde quyến rũ với nụ cười bí ẩn.
LKT
 
 

Wednesday, October 28, 2020

BƯỚC CÙNG BÓNG XẾ

 
Hoàng Xuân Sơn
 
Tĩnh vật. Thân Trọng Minh
 
Khi đi qua cầu lúc đứng bóng
hãy lắng nghe từng bước chậm trong đời
có thể lúc nào đó bắt gặp
sự huyền nhiệm tuổi chiều đang rơi
 
lớp da nhăn như cái túi đựng
đã lâu quên những thứ lỉnh kỉnh bên mình
cứ nhớ một điều không quên được
ai rồi cũng tới chỗ cùng đinh
 
ừ.  trút hết cởi hết cho lời đơm nhẹ
chút mật ngôn còn đọng giữa muôn chiều
ngọt với mình.  với người.  tất cả
thương yêu này lắng dịu yêu thương
 
H O À N G  X U Â N  S Ơ N
25 Oct. 2020
 

TRANH CỦA DUYÊN

 
Thu 2020
Acrylic on canvas.


Tuesday, October 27, 2020

THƠ VIẾT VÀO SINH NHẬT MẸ

 Nguyễn Thị Khánh Minh
 
Tranh Ngọc Dũng
 
1.
Đầy tay mẹ dậy thơ thơm ngát
Đời hồng trong những áng văn chương
Mẹ cười nhân ái bừng xuân sắc
Bao nỗi đau kia cũng nhẹ thường
10.1996
 
2.
Mẹ bây giờ. mẹ ở đây
Đàn con ấm lạnh sum vầy sân Hiên
Ơn ngày. Bước hạc reo thềm
Ơn đêm. Ru giấc mẹ Hiền nở hoa
Mẹ ở đâu. Đó quê nhà...
10.2020
(Hiên là bút danh Như Hiên. Hiền là tên của mẹ)
 
3.
Mẹ đến chơi nhà
Vườn nhà  con ấm
Thơm nong nắng  đầy
 
Ấm là lòng mẹ
Ríu rít  chim về
Nắng là mắt mẹ
Nở đóa  tường  vi
 
Mẹ đến chơi nhà
Thềm reo tiếng nhạc
Gió lung linh hoa
 
Nhạc là chân mẹ
Bóng  lá sum vầy
Gió là lời mẹ
Thổi lòng con bay
 
Mẹ đến chơi nhà
Phòng khuya đèn tỏ
Ngoài kia mưa đông
 
Ấm ơi vòng tay
Ôm con rưng rức
BIển mẹ vơi đầy
Con dòng sông nhỏ
Tan vào bao la...
10.2020
NTKM
 
*Nhớ những lần mẹ đến nhà con ở Santa Ana...
 
 
Mẹ. Khánh Minh & hai cháu nội
 

THƠ TRẦN YÊN HÒA

 
Thiếu nữ. Đinh Cường
 
Tiếng Gi
 
Em xa tôi một giòng sông nước chảy
Ngọn nguồn xưa như một cõi lưu đày
Đời đã dựng quách thành mờ khói phủ
Em bên đời tay níu nhánh cây khô
 
Em đâu biết khối tình tôi quá lớn
Phủ tràn qua biển rộng với sông dài
Em vẫn mịt tăm ngoài tầm tay với
Biết bao giờ gặp được mộng liêu trai
 
Cho dù em ngút ngàn trong trí nhớ
Anh vẫn ngồi trong im vắng đợi chờ
Em mùa thu, em mùa đông, mút mắt
Đến bao giờ chạy thoát nỗi bơ vơ
 
 
Em hỡi em! bước em qua có mỏi
Ngoài xa kia, những cơn sóng dập dìu
Tôi hoài hủy kiếm tìm, mưa ướt đất
Có bao giờ mộng thực được nâng niu
 
Anh dang tay kiếm tìm em hoài hủy
Một giòng sông khô cạn lặng lờ trôi
Em hãy mở trái tim mình bé nhỏ
Máu sẽ tràn qua, tim sẽ bồi hồi
 
Em sẽ thấy thịt, xương, da, bùng cháy
Cành cây khô đang bốc lửa rồi em
Em hãy quên ngày cô đơn, rướm máu
Nối vòng tay nóng ấm với môi mềm
  
 
Tâm nhƯ
 
Em như trăng đầu núi
Tạc vào lòng anh xưa
 
Ơi trăng là cổ tích
Biết nói sao cho vừa
 
Em không còn chỗ đó
Em thoát khỏi lồng chim
Tiếng chim kêu riết róng
Nên anh phải đi tìm
 
Tâm anh sẽ không động
Lặng yên trước chân như
Mình sẽ là bóng dáng
Trong hạnh phúc biệt mù
 
Cùng trở về hạt bụi
Từ khi mới sinh ra
Đến bây giờ nhìn núi
Núi cao mấy lũng xa
 
Em trở thành huyền hoặc
Giữa tâm anh quay cuồng
 
Em trở thành giòng sông
Qua bao ngày lạ hoắc
 
Làm sao giữa minh mông
Không giật mình bóng xế
 
Ta nhìn quanh quất ta
Dáng xưa như điệp khúc
Chỉ còn trong giấc mơ
Bên bến bờ lau lách
 
Cũng thật là hoang mang
Như loài chim cánh mỏng
Bay vút lên trời không
Em có còn đâu đó?
 
Ta nhủ lòng thôi, quên
Em về trong quá khứ
Tìm đâu ra thiên đường
Cùng một niềm ẩn dụ
 
 
Ta vuốt ve thân thể
Nhàu nát cõi tâm như
 
 
Tìm
 
Tôi lục tìm trong ký ức tôi
Có giòng sông nào chảy qua tuổi nhỏ
Có con suối nào hồn tôi bỏ ngỏ
Giấc mơ yêu độ đó bồi hồi
 
Ký ức ơi đã quá biệt mù
Quên cây cầu xưa ngày ngày hai buổi
Quên những giọng hò của cô thôn nữ
Ngày xa khơi, tình cũng xa khơi
 
Có những giấc mơ tìm thấy nhỏ nhoi
Giữa những ngày tình nơi xa xăm đó
Giấc mơ tôi! ơi giấc mơ tôi!
 
Kiếm tìm đâu những ngày thơ  dại
 
Và em cũng xa, như mây hoang dại
Buổi chiều mùa đông với em dáng lụa
Ta đứng loay hoay mưa bụi cuối đường
Có một cuộc tình phôi pha héo úa
 
Tôi đi tìm hoài những bước chân quen
Của tuổi thơ qua, ngày đi tập tễnh...
Thôi đã chẳng còn mộng ước chiếu chăn
Tìm đâu ra một thời bé bỏng! 
 
TRN YÊN HÒA

Friday, October 23, 2020

GIỚI THIỆU QUÁN VĂN SỐ 76

 



CẢM NGHĨ RỜI. KHI ĐẾN CÁC ĐẠI VỰC

Nguyễn Thanh Châu
 
Những dãy đá núi dị dạng ở BRYCE CANYON.
 
chiều. đăm đăm
những dãy núi hoang sơ. dị dạng
những giấc mơ của đá tảng u trầm
muôn trùng. muôn trùng
như một cơn say chuếnh choáng
ngó xuống đại vực mang mang lòng mình
bởi đâu. chút sinh phần hư lãng
thôi. mặc kệ
trí lực ta làm sao giải đoán
vết cắt ẩn mật của thiên thu
dầu dãi trời mưa nắng
ôi. mỗi lời quê xưa sau góp nhặt
tha thiết gởi đến nhau
này. đám mây già còn lẫn khuất quanh rừng núi đá. đỏ
hãy trôi mau. bay mau…
 
NTC
 

Wednesday, October 21, 2020

THẢM KỊCH

Trương Vũ
 
Nhà văn/họa sĩ Trương Vũ
 
Tôi xuất thân từ miền Nam, lớn lên trong chiến tranh. Gần nửa đời sống trên quê hương, trải nghiệm hay chứng kiến bao thảm kịch kinh hoàng của đất nước. Nửa đời còn lại, sống tha hương. Nhìn lại cả khoảng đời dài, bỏ qua bên bao mất mát, bao tàn phá, bao cay đắng từ cuộc chiến cùng cách kết thúc của nó, tôi vẫn thấy mình có nhiều may mắn, như rất nhiều đồng bào khác đang sống ở Mỹ. Một trong những may mắn lớn nhất là đã được hưởng một nền giáo dục có tính khoa học và tính nhân văn cao của miền Nam Việt Nam, và sau đó, ở Mỹ. Rồi, sống và làm việc trong một xã hội nhân bản và đa sắc tộc.
 
Đối với những di dân Việt Nam phải rời bỏ đất nước mình cho một tương lai bất định, không thể quên những cái may mắn khác cùng với những ân sủng, những thông cảm, những đón nhận hào hiệp mà quê hương mới đã dành cho. Ở Mỹ, bắt đầu với chương trình đón nhận 130 ngàn tỵ nạn (con số này trong thực tế tăng lên khoảng 150 ngàn) theo quyết định của Tổng Thống Gerald Ford vào tháng 4 năm 1975. Sau đó, kể từ đầu năm 1977, khi hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam bất kể sống chết rời bỏ quê hương, đương đầu với bao thảm kịch trên Biển Đông, Tổng Thống Jimmy Carter đã ra lệnh cho hải quân Mỹ phải cứu vớt, giúp đỡ họ và đưa đến nơi an toàn. Ông cũng kêu gọi các quốc gia khác tiếp tay đón nhận người tỵ nạn VN, đồng thời quyết định tăng gấp đôi số di dân được nhập cảnh và mở rộng chương trình giúp đỡ người tỵ nạn hội nhập vào xã hội Mỹ. Quan trọng nhất là quyết định phối hợp với Liên Hiệp Quốc và chính phủ Việt Nam thực hiện chương trình Ra Đi Trong Trật Tự ODP (Orderly Departure Program) vào năm 1979, giúp đoàn tụ những gia đình chia cách. Kế tiếp là một nỗ lực phi thường của Thượng Nghị Sĩ John McCain, đưa đến kết quả thành công của chương trình HO (Humanitarian Operation) giúp các cựu sĩ quan và viên chức Việt Nam Cộng Hòa bị tù cải tạo từ ba năm trở lên, và gia đình họ, được rời Việt Nam sang Mỹ.
 
Từ một xã hội luôn phải xưng tụng lãnh tụ, luôn phải nhứt trí với chính quyền, tôi càng ấn tượng với nếp sống tự do và dân chủ ở Mỹ, dù sống và làm việc trong thời kỳ tổng thống thuộc đảng nào, Cộng Hòa hay Dân Chủ. Chính cái nếp sống đó, cái xã hội đó, cùng với những nền giáo dục đã hấp thụ giúp tôi được sống thực hơn với chính mình. Và, ý thức rõ hơn cái quyền của con người được sống một đời có phẩm cách. Nghĩa là, được sống và hành xử theo lương tri, theo nhân sinh quan của mình và tôn trọng quyền của người khác cũng được sống như vậy. Trong suốt hơn bốn mươi năm, từ ngày đặt chân đến Mỹ, giữa bạn bè, hay cả trong gia đình, vẫn luôn có những tranh biện sôi nổi về những chọn lựa khác nhau. Nhưng, những tranh biện đó thường diễn ra trong không khí lành mạnh, lắng nghe, thuyết phục, tôn trọng sự thật, và tôn trọng sự khác biệt về quan điểm. Những đổ vỡ thật ra cũng có nhưng không nhiều và không trầm trọng. Chính những khác biệt về quan điểm làm nên sức mạnh của xã hội. Trong một xã hội tự do, dân chủ, mọi quan điểm khác biệt, trong bất cứ lãnh vực nào, có thể được chấp nhận hay không, được đánh giá cao hay thấp, nhưng nó không thể tạo nên kẻ thù. Càng không thể tạo nên “kẻ thù của nhân dân” như tôi từng kinh động trong những ngày còn ở lại trên quê hương sau khi chiến tranh chấm dứt.
 
Dĩ nhiên, xã hội Mỹ không phải lúc nào cũng hoàn toàn lý tưởng như vậy. Cũng có lúc này lúc khác. Nhìn chung, suốt qua bao thập kỷ, nó luôn luôn là một quốc gia đứng hàng đầu về khả năng thu hút tài năng của thế giới. Chính sự thu hút đó làm nước Mỹ càng mạnh hơn, giàu hơn, đẹp hơn, và trở thành siêu cường số một. Tuy nhiên, trong thời gian vài năm gần đây, và đặc biệt khi càng đến cận ngày bầu cử 3 tháng 11 năm 2020, nước Mỹ khác hẳn trước. Cả thế giới nhận thấy điều đó. Tốt hơn hay xấu hơn, tùy cách nhìn, nhưng quả thật, có khác. Khác nhiều. Những đối chọi về chính trị, xã hội, và cả về khoa học đang trở nên trầm trọng một cách đáng báo động. Không thể không nhìn thấy sự chia rẽ sâu sắc ở mức độ có khả năng tạo nên những thù hận rất khó hòa giải. Nỗ lực để hồi phục lại một không khí lành mạnh như đã từng hiện hữu dài lâu ở Mỹ, như đã nhắc đến trên đây, sẽ phải là một nỗ lực phi thường. Cần rất nhiều, rất nhiều thời gian, thông cảm, và kiên nhẫn.
 
Nhìn vào Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại (CĐVNHN), tình trạng còn tệ hại hơn. Không giết nhau bằng súng đạn nhưng những chữ nghĩa độc hại, những nhận thức hời hợt về nhân văn hay khoa học, những tấn công không dựa trên sự thật, những tin tức bị cắt xén ráp nối, những hình ảnh được photoshop với ác ý, cùng những biểu lộ không nhằm thuyết phục bằng logic hay thiện ý mà chỉ nhằm thể hiện sự ngạo mạn và xem thường khả năng phán đoán của người khác, khiến cộng đồng như đang lao vào một cuộc nội chiến. Không khác gì cuộc nội chiến trên quê hương hơn 45 năm trước, nhưng trong một phạm vi nhỏ hơn. Ở đây, tôi không nhằm phê phán ai đúng hơn ai sai hơn. Tôi cũng không nhằm đưa ra những phân tích cá nhân về lý do khởi nguồn. Tôi chỉ muốn trình bày cái thấy của mình về những gì đang xảy ra và nhận định về các hậu quả mà tôi cho là vô cùng tai hại cho cộng đồng. Tai hại ở mức độ của một thảm kịch.
 
Về tình trạng phân hóa của cộng đồng, mỗi người trong chúng ta đều thấy. Nhiều lắm. Ở đây, tôi chỉ muốn nêu ra một dữ kiện điển hình. Nhân đọc bài “BS Fauci khuyên dân Mỹ ẩn mình chống Covid mùa Thu, Đông sắp tới” trên diễn đàn VOA Tiếng Việt ngày 12/09/2020, tôi đọc được những dòng bình luận sau đây của một độc giả về BS Anthony Fauci:
 
“Lại là thằng chó già chuyên thọc gậy bánh xe. Hơn lúc nào hết người dân Mỹ cần sinh hoạt bình thường để đi làm, đi học, vui chơi giải trí. Cứ nhè lúc tình hình bớt căng thẳng thì thằng chó này lại gây hoang mang. Mà cha nó, từ lúc có dịch bệnh tới nay chỉ thấy nó bàn ra không thôi còn chưa thấy nó đưa ra được một biện pháp cụ thể nào! Nói kiểu nó thì đứa thất học nói cũng được…”
 
BS Anthony Fauci là chuyên gia hàng đầu của Mỹ và của cả thế giới về bệnh nhiễm trùng. Ông phụ trách Trung Tâm Quốc Gia Chống Bệnh Nhiễm Trùng của Hoa Kỳ từ 1984 đến nay, trải qua sáu đời Tổng Thống. Ông cũng là vị bác sĩ tận tình chữa trị Ebola cho nữ y tá gốc Việt, Nina Pham, vào năm 2014. Ông cũng đã giúp chận đứng thành công đại dịch Ebola ở Mỹ. Tôi thật sự kinh hoàng khi đọc những dòng chữ trên đây. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam tôi thường có cảm giác ghê rợn khi nghe từ đài phát thanh Hà Nội những từ ngữ dành cho những lãnh tụ chính trị của miền Nam, đại khái như, “thằng Diệm”, “thằng Thiệu”, v.v… Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ đọc được những lời lẽ tương tự như những lời lẽ ghi trên dành cho bất cứ một khoa học gia nào bên này hay bên kia chiến tuyến, trên một diễn đàn có tầm cỡ như VOA Tiếng Việt, kể cả trên các báo lá cải.
 
Nếu theo dõi những bài vở, những lời lẽ công kích nhau trên báo Việt, trên Internet, trên một số đài phát thanh tiếng Việt, trên các mạng xã hội, khó ai không nhận ra những rạn nứt sâu đậm trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ. Kinh hoàng hơn, khi nhìn một số video clip về cảnh chửi bới hung hãn chưa từng thấy khi hai phe vận động bầu cử của người Việt chạm trán nhau. Chia rẽ hay công kích luôn luôn có trong bất cứ cuộc bầu cử nào trong một quốc gia tự do, dân chủ. Tuy nhiên, chưa bao giờ tệ hại như trong cuộc bầu cử này, trong cộng đồng Việt Nam. Ở đây, biểu lộ sự khác biệt không còn là một biểu hiện giá trị của tự do, dân chủ, hay của nhân bản, của lý trí mà rất lắm khi chỉ là biểu hiện của nông cạn, ngạo mạn và hoang tưởng. Nó không làm nên sức mạnh của cộng đồng. Nó tàn phá cộng đồng và tàn phá nhân cách. Nó chia rẽ gia đình, chia rẽ bạn bè, chia cách thế hệ này với thế hệ khác. Nếu cứ tiếp tục, sẽ vô cùng khó để hàn gắn. Nó cần được chấm dứt.
 
Cách đây vài tuần, tôi đọc được lời nhắn gởi cho một người thân trong gia đình. Đại ý của lời nhắn là nếu bạn bỏ phiếu cho ứng cử viên X và ứng cử viên X đắc cử, bạn sẽ phải ân hận suốt đời. Những lời nhắn với nội dung như thế này, tôi cũng từng được nhận và nghe khá nhiều. Do đó, tôi muốn nhân đây đưa ra một góp ý. Nếu tôi bầu cho một ứng cử viên X nào đó chỉ nên là vì tôi dựa vào sự hiểu biết của tôi về X, và dựa trên quan điểm chính trị, xã hội, văn hóa, v.v… của tôi. Tôi có thể sai, dĩ nhiên. Cũng giống như mỗi người trong chúng ta đều có thể sai, có thể đúng. Ngay cả sự lên tiếng vào ngày 2 tháng 9 năm 2020 của 81 nhà khoa học và trí thức Mỹ đoạt giải Nobel trong đó có đề nghị “những lãnh tụ chính trị nên tôn trọng các giá trị của khoa học khi làm chính sách”, cũng có thể sai. Cũng giống như chuyện tạp chí khoa học The Scientific American đã mới đây phá vỡ một truyền thống đã giữ suốt 175 năm để lên tiếng ủng hộ một ứng cử viên nào đó, là một sai lầm. Riêng tôi, nếu sai, tôi có thể buồn, có thể tự điều chỉnh mình để có những quyết định đúng trong tương lai. Nhưng chắc là không có chuyện ân hận suốt đời. Trừ phi, sau đó, tôi nhận ra rằng cái quyết định sai lầm của mình chỉ vì mình đã dựa trên sự thiếu hiểu biết, dựa trên sự tin tưởng mù quáng vào người khác, hay, dựa trên những định kiến, dựa trên những cái không hay vốn tiềm ẩn trong chính con người mình. Dầu sao, trong bất cứ hoàn cảnh nào, điều tốt nhất là không tiếp tục nuôi dưỡng sân hận, cho chính mình hay cho người khác, chỉ vì kết quả không như ý từ một cuộc bầu cử.
 
Trong cái không khí rất không bình thường của cuộc bầu cử này, cuối cùng rồi tôi phải tự đi tìm cho mình và người thân của mình những cái phao cho những niềm tin tốt đẹp vào tương lai. Tôi nghĩ đến cái cách kết thúc cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ cách đây 155 năm. Tôi cũng nghĩ đến một vài cuộc tranh biện chính trị mà tôi đang theo dõi hàng tuần trên truyền hình Mỹ.
 
Nội chiến Nam Bắc trong thế kỷ 19 dưới thời Tổng Thống Abraham Lincoln là một thảm kịch của nước Mỹ. Tuy nhiên, cách kết thúc của nó, nói đúng ra, cách ứng xử giữa vị chỉ huy phe thắng trận (tướng Ulysses Grant) và vị chỉ huy phe bại trận (tướng Robert Lee) đã giúp nước Mỹ xây dựng lại nhanh chóng từ những chia rẽ, đổ vỡ kinh hoàng trong nội chiến. Thắng hay bại, Grant và Lee có những nhân cách lớn. Nội chiến Việt Nam là một thảm kịch. Bi đát hơn nữa là vì nó không được kết thúc như nội chiến Mỹ. Lãnh tụ chính trị và quân sự của hai phe Việt Nam có thể giỏi hay dở, khôn hay dại nhưng không hề có nhân cách lớn.
 
Về nội tình nước Mỹ hiện nay và đặc biệt khi theo dõi những tranh luận chính trị giữa hai phe trong cuộc bầu cử, khó ai lạc quan về những gì sẽ đến. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hy vọng. Tôi thường theo dõi cuộc tranh luận trên truyền hình giữa Jennifer Granholm và Scott Jennings. Jennifer Granholm, thuộc đảng Dân Chủ, tốt nghiệp cử nhân ở Berkeley và tốt nghiệp luật ở Harvard, là người đàn bà đầu tiên đắc cử Thống Đốc Michigan (2003-2011). Scott Jennings, thuộc đảng Cộng Hòa, tốt nghiệp cử nhân ở University of Louisville, thường trú Học Viện Chính Trị của Đại học Harvard (2018), Phụ Tá Đặc Biệt (2005-2006) của Tổng Thống George Bush. Trong những tranh luận chính trị, cả hai đều bênh vực quyết liệt các chính sách hay nhân vật chính trị của đảng mình, nhưng luôn giữ một cung cách rất trí thức, rất hòa nhã với nhau. Không thấy họ đem những sự kiện không có thật vào tranh luận. Cũng không thấy họ dùng những phương thức hạ cấp để thủ thắng. Nếu bị thuyết phục, họ mỉm cười, hoặc im lặng, hoặc gật đầu. Tôi tin rằng, nước Mỹ sẽ qua được những vấn nạn của họ nhờ những con người như vậy.
 
Trở lại chuyện cộng đồng chúng ta, tôi chỉ có một đề nghị:
 
Hãy đi bầu.
Bầu theo lương tri.
Chấp nhận kết quả bầu cử.
Xem kết quả như cách kết thúc hoàn toàn một cuộc chiến.
 
TRƯƠNG VŨ
Maryland, tháng 10 năm 2020

Tuesday, October 20, 2020

LÁ TÌNH & LỀU THU

 Hoàng Xuân Sơn
 
Cabin in Autumn. Julie Hart Beer. 1910
 
LÁ TÌNH
 
Tựa lưng sương
ướt vai cầu
nghe tôi chiếc lá bay mau về tình
 
oct.20
 
 
LU THU
 
thu lây bệnh ngứa da trời
nằm nghiêng nghe thấy cuộc đời chạy rông
đàn kiến tở mở qua sông
lá. lá tấp một bụm hồng thiết thao
trên nóc. quạ khản giọng. gào
trả tôi bạn lữ lời chào muôn xưa
thu đi. còn bợn gió chừa
ngọn tóc bay quá lầu trưa dụi buồn
 
đẩy người. tới một niềm thương
mà rồi đứng lại bên đường thở than
nghe ai hò giọng xuyến vàng
chim đi một nước cầu sang lại về
đời buồn. luẩn quẩn hòn đê
bàn tay rất tội giữa nghề sinh lao
sân chơi đã trụi cây rào
xin đêm còn chống ngọn sào ăn năn
 
bước qua. bước qua ân cần
vuốt ve. nắn lại chút trần gian quên
ngày đi có vạn dốc triền
cứ lăn. lăn mãi cũng quen ngấn chiều
dựa. ngồi với tảng hoang liêu
nghe lều thu vãn đôi điều nhớ thương
ơn nhau. giữ lại vô thường
và môi son nhạt mùi hương giảo trình
 
5 nov. 2014
HOÀNG XUÂN SƠN
 

TÌM BẠN

Lê Ký Thương
 
Huế mùa lũ
 
1
Cha ơi! Mua cho con
Chùm bóng bay xanh đỏ
Con sẽ buộc vào lưng
Bay lên xem thành phố
 
Đâu rồi những tàn cây?
Chim không nơi làm tổ
Đâu bóng mát hàng ngày
Bao che người đi bộ?
 
Trường của con sụp đổ
Bàn ghế nằm ngổn ngang
Thư viện giờ trống trơn
Sách cuốn theo mưa bão.
 
Công viên con thường dạo
Chiếc xích đu không còn
Những cây cảnh mới trồng
Tội tình chi trốc gốc?!
 
Đền đài trong thành nội
Tróc mái, cột kèo bay
Công bao đời dựng xây
Bão cướp đi - vài tiếng.
 
Nhà bạn con cũng biến
Nền đất lạnh giữa trời
Không biết bạn đâu rồi
Con tìm hoài không gặp
 
2
Cha ơi! Mua cho con
Chùm bóng bay xanh đỏ
Con bay tìm bạn con
Nhìn từ cao – cho rõ.
 
Hiền ơi! Mày ở đâu?
Không có mày tao nhớ
Đâu còn ai giận nhau
Rồi làm lành lại nữa!
 
Hôm qua trường phát vở
Cô giáo gọi tên mày
Cả lớp mắt đỏ cay
Cô cắn môi – xúc động.
 
Tao tin mày còn sống
Hãy về với bọn tao
Chúng mình gom nỗi đau
Thành một pho truyện cổ...
 
10-1985
LKT