Phan
Tấn Hải
Tranh bé vẽ. Nguồn Internet
Rất mực gian nan để kể lại chuyện của rất
nhiều thập niên trước. Trí nhớ tôi bây giờ lúc nào cũng lãng đãng, sương mù. Khi
khởi lên ý định kể lại mấy chuyện thời nhỏ, chỉ thấy hiện lại trong tri nhớ một
khoảng sân trắng, mấy đứa nhóc quậy phá, những lọ mực tím, những tập vở kẽ hàng, mấy bàn học, lối
đi có hai hàng tre xanh, âm vang trong đầu là tiếng ê a đánh vần… Tôi đã điện
thoại để hỏi chị tôi về tên của vài người xa thật xa, nhưng cũng chỉ được vài
phần, những nét kể lại
cứ như hư, như thực.
Xóm Chuồng Bò thì nhớ tên rồi. Hình ảnh
con bò thực ra lúc đó không còn nữa. Đúng ra cứ khi rạng sáng, khi nghe lộp cộp
trên đường là biết ngay xe thổ mộ (may quá, còn nhớ chữ này, chứ không lại bảo
là xe ngựa thì chẳng giống ai) từ trong Xóm Chuồng Bò chạy ra Chợ Hòa Hưng. Còn
xóm ao rau muống thì chẳng thể nhớ tên gì. Lối đi từ nhà tôi vào Xóm Chuồng Bò
có vài hẻm, những bụi tre xanh cao vút bên đường, dẫn tới mấy ao rau muống
trong tận mấy xóm sâu. Lúc đó phía dưới là cát trắng.
Tôi hỏi chị tôi về tên của mấy đứa trong
lớp má tôi dạy thời đó. Gọi là lớp cho oai, thực ra chỉ có vài đứa trong xóm.
Liên, Linh, Minh, Hiền… Hồi đó có lẽ là lớp tự phát, chỉ từ mẫu giáo cho tới lớp hai. Tôi không biết
có đúng là lớp tự phát hay không, vì có thể má tôi có giấy phép, vì thấy lớp học
có ba bàn dài có hộc tủ cho học trò, và đứa nào học hết là được dẫn ra trường
ngoài phố học tiếp. Có lý do hiểu được, vì mấy đứa nhỏ quá không thể đi bộ ra
trường lớn, dù có người lớn dắt đi. Thời đó xe đạp cũng là hiếm, nên chủ yếu là
đi bộ. Vì chỉ có má tôi là cô giáo duy nhất cho khoảng năm đứa, có khi là sáu đứa
con nít, nên tới trưa, có một bà dì tôi từ ngoài trường Áo Tím đi học về, là tạm
thay má tôi. Má tôi, dì Hà, dì Hương và dì Hoa đều khuất núi cả rồi.
Cả ba dì lúc đó cũng chưa qua trung học,
nên cũng bận bài vở, nói là dạy có lẽ chỉ là giữ cho mấy đứa khỏi quậy phá, chờ
tới chiều đưa tụi nhỏ về nhà ba má tụi nó. Như thế, có lẽ chức năng chính của lớp
này chỉ là giữ trẻ chứ dạy chỉ là một phần. Vì thực ra, má tôi học cũng không
cao, theo tôi nghĩ. Nhưng trong xóm ai cũng gọi má là Cô Ba. Lẽ ra, phải gọi Cô
Hai mới đúng kiểu Sài Gòn, vì trên má tôi không có ai nữa. Có thể vì hàng xóm
quen gọi như thế với ba tôi? Không nhớ. Nhưng ba tôi làm nghề trên xe lửa, đi
thường xuyên, có khi vắng nhà cả tuần lễ, cũng không có anh hay chị nào để được
gọi thứ tự là Thầy Ba. Hồi đó, hễ thấy làm chính phủ, dù là bấm thẻ hay trưởng
tàu xe lửa, là được dân trong xóm gọi là Thầy liền; thầy đây là thầy ký, không
mang nghĩa thầy giáo hay nhà sư trong chùa.
Không nhớ hết khuôn mặt mấy đứa nhỏ
trong lớp. Nhỏ Liên thì ban đầu tôi nhầm với nhỏ Linh. Chị tôi nói qua điện thoại
rằng nhỏ Liên hồi đó ưa ngồi một chỗ thu lu, có vẻ như thích lặng lẽ. Còn nhỏ
Linh thì ưa quậy phá, lại ưa ồn ào. Tôi không biết chính xác chị tôi nói đúng
không, vì tuổi lớn như chị thì trí nhớ hẳn là còn mù sương hơn mình nữa, tôi tự
nhủ. Trong khi chị nhớ về cá tính ưa tĩnh của Liên, ưa động của Linh, thì tôi
nhớ rằng nhỏ Liên mặt gầy, thường để tóc bum-bê, còn nhỏ Linh mặt chữ xoan, y hệt
hình ảnh xi nê; cả hai đều ưa mặc đồ với vải in hoa, màu dịu. Bây giờ không
nghe gì về hai nhỏ đó nữa. Còn tên Minh thì ưa làm trò, lâu lâu bước ra sân, lấy
cây viết chấm vào lọ mực tím rồi vảy ra sân cát trắng. Tôi nhớ hình ảnh mấy đứa
nhỏ đứng trên sân cát trắng, nơi góc sân là một cây le-ki-ma lớn, lùi phía sau
là một mộ cổ bằng đá tổ ong màu nâu đỏ. Lâu lâu nhớ tới, là thấy những đốm mực
trên cát trắng hiện ra trong đầu. Còn tên Hiền thì tôi không nhớ nổi chút gì.
Còn một hay hai tên học trò nữa, thì chị tôi và tôi không nhớ gì. Chị không nhớ
thì dễ hiểu, vì lúc đó chị đã vào lớp ba ở trường tiểu học Chí Hòa. Nhưng tại
sao chị nhớ tính tình, còn tôi lại chỉ nhớ màu sắc của cát trắng và mực tím,
thì cũng chẳng hiểu.
Sau ngôi mộ cổ là một ngôi chùa. Cả chị
tôi và tôi đều không nhớ chính xác chùa tên gì. Có thể là Phổ Quang hay Phổ
Minh, hay Phổ Hiền. Chùa lúc đó có hai thầy trò, một ông sư và một chú tiểu.
Trí nhớ của tôi về chùa này chỉ là một cổng tam quan nhỏ, căn nhà hai tầng được
biến làm chùa, khoảng sân nhỏ tráng xi măng, bên trong có nhiều tượng Phật và Bồ
Tát. Mấy đứa nhỏ tụi tôi ưa thích vào chùa này. Hễ vào là được ông thầy tặng mỗi
đưa một trái chuối, hay trái quýt… Về sau, tôi dò theo kinh điển thì nghiệm ra
đó hình như là hạnh bố thí, hễ là sư là phải tặng cho chúng sinh cái gì. Người
thọ nhận cái gì từ chùa là có đi đâu xa, nhiều kiếp sau cũng tìm lại mái chùa.
Cũng
có lúc, chú tiểu mang một mâm trái cây sang tặng cho cả lớp má tôi dạy. Chú tiểu
thì chỉ nhớ tên là Đăng, còn gì Đăng thì không nhớ. Thầy Đăng này học đâu đó miệt
Sài Gòn, đi xe đạp hàng ngày tới trường, trong khi ông sư lớn ở chùa. Về sau, đọc
về lược sử Sài Gòn, tôi đoán là Thầy Đăng, lúc đó là học ở Phật Học Viện nào ở
Phú Lâm.
Nhà sư lớn tuổi thì chị tôi cũng không nhớ tên. Chị nói qua
điện thoại, lúc đó giọng chị trầm xuống như đang nói bí mật về những người còn ở
cõi này, rằng có lúc nghe má tôi nói chú tiểu là con nhà sư. Hồi đó nhà sư từ xứ
Huế hay xứ Quảng đó vào Nam, đi vòng vòng mấy tỉnh, có lẽ tìm Thầy học đạo, thế
rồi bị Tây bắt vì nghi ngờ chi đó, bắt giam mấy tháng, đánh gãy giò rồi thả. Có
nữ Phật tử mang về, thế là nhà sư ra đời. Vài năm sau, nhà sư dắt đứa nhỏ về
xóm này, dựng chùa. Còn người nữ Phật tử kia không nghe gì nữa. Có thể họ bí mật
thăm nhau, vì không lẽ má lại bỏ con luôn, chị tôi giải thích thì thầm qua điện
thoại; giọng chị y hệt tiếng gió thổi qua mấy bụi tre. Tôi không tin mấy vào
trí nhớ của chị, nhưng đành chịu. Thôi thì cứ nghe. Vì hiển nhiên, ai cũng có một
bà mẹ.
Hình ảnh tôi thường nhớ là chú tiểu Đăng
khi có gì tặng cho lớp, bước vào là đứng ngay cửa, hai tay bưng mâm trái cây.
Thường là dì Hà, hễ có mặt khi đó, là đứng bật dậy, bước tới cửa và đưa hai tay
nhận mâm này. Bây giờ, nhớ lại, tôi nhớ y hệt như một cuốn phim đen trắng đã
trôi thật xa. Tôi nghĩ, nếu lúc đó dì Hà điểm trang môi son má phấn, mặc áo
dài, trong khi chú Đăng mặc áo dài khăn đóng, thì trông y hệt một đám hỏi.
Nhưng không phải đâu. Tôi nghiệm ra rằng nghĩ lung tung là không nên, kinh gọi
là tâm phan duyên. Huống gì tất cả những người đó đều là bậc trưởng thượng, cho
dù lúc đó họ còn là niên thiếu.
Chị tôi kể rằng ba má tôi cũng là người
Miền Trung vào. Ba tôi là gốc Hà Tĩnh; hồi đó vùng này có phong trào chống Tây,
bị đàn áp dữ dội, rồi ba chạy loạn, tìm được việc trong ngành xe lửa. Khi xe
qua những chuyến ghé Nha Trang, gặp má tôi nơi đây, mới cưới nhau. Khi bà ngoại
khuất núi, ba má tôi dẫn mấy dì vào Sài Gòn ở, ban đầu ở Dĩ An, một thị trấn
đâu đó phía Đông của Sài Gòn, rồi về ngõ Nguyễn Thông nối dài, sau các rặng tre
xanh này.
Tôi nghiệm ra rằng âm thanh dễ nhớ hơn
hình ảnh. Như để hình dung ra các hình ảnh trong khu xóm đó, không thể nhớ nổi
khuôn mặt mọi người. Chỉ là mang máng thôi. Mấy đứa nhỏ vài năm sau là thay đổi,
thì chẳng nói gì. Nhưng hình ảnh nhà sư gầy, tôi không hình dung nổi khuôn mặt.
Chỉ nhớ là giọng Huế hay Quảng gì đó. Mà tại sao nhóc tì như tôi lại nhớ nổi giọng nói mơi lạ.
Có thể vì những thời kinh chăng… Nhưng nhớ nhất là trái cây: ba má tôi thường
qua chùa cúng trái cây, những lúc ba tôi trong các chuyến xe lửa về, thường
mang theo các trái mít khổng lồ mua từ Dầu Giây hay Biên Hòa về.
Có
những lúc má tôi đi khám bệnh hay thăm bệnh đâu đó cả ngày, lớp học bàn giao
cho dì Hà. Lúc đó chú Đăng lại vào lớp ngồi. Làm sao chú Đăng canh ngày giờ để vào lớp thì cũng lạ;
hồi đó làm gì có điện thoại di động mà nhắn nhau. Hình ảnh nhà sư trẻ, tôi nhớ
là cỡ mười mấy tuổi, vào ngồi chung lớp học mầm non là cái gì rất dị kỳ. Nhưng dì tôi, tức là cô giáo
Hà, xem là chuyện tự nhiên. Chị tôi kể lại, chắc họ thích nhau. Sau này, tôi
nghĩ là dùng chữ như thế không chính xác. Cho dù là, trong trí nhớ nhóc tì của
tôi lúc đó vẫn nhớ hình ảnh một chú tiểu ngồi sau lưng bốn hay năm đứa con nít
mầm non hay lớp một, tay chú tiểu chống cằm ngó lên bảng phấn, trong khi dì
tôi, thường lúc đó là lúng túng bắt tụi nhỏ đánh vần, bất kể rằng dì cũng là vị
thành niên. Thế rồi, khi đoán tới giờ má tôi sắp về tới, lại thấy chú Đăng lặng
lẽ biến đi.
Hình ảnh một thời đó y hệt sương khói.
Cho tới khi tình cờ, dì Hoa kể cho má tôi nghe rằng có một học trò ngoài sổ như
thế tới, trong những khi má tôi đi cả buổi hay cả ngày. Chị kể rằng, có lẽ ba
má tôi sang nói gì với nhà sư lớn. Thế là, những lần như thế giảm đi, nhưng lại
thấy dì Hà ưa qua thăm chùa nhiều hơn, bất kể là mấy dì bài vở nhà trường mang
về nhà rất nhiều.
Một lần, trong giờ ra chơi, nhỏ Linh đứng
nhìn tôi, rồi đưa hay tay nắm hai tay tôi. Cảm giác lúc đó của tôi là tự nhiên
giựt ra. Hai đứa nhỏ lớp mầm non nắm tay nhau có lẽ là bình thường bây giờ,
nhưng hồi đó là lạ lắm. Nhỏ Linh nói rằng vậy là đúng như nhỏ này đoán là tôi sẽ
tự động phản xạ giựt tay ra, vì nhỏ này chỉ thử để xem, vì mấy hôm trước nhỏ
này thấy dì Hà đứng nơi sân chùa đột ngột nắm tay Thầy Đăng, rồi nhà sư trẻ này
cũng đột ngột giựt tay ra. Tôi nghĩ, chuyện nắm tay của dì Hà cũng là phản xạ,
rồi nhà sư này giựt tay ra cũng là phản xạ. Vì tất cả những người đó trong trí
nhớ tôi là tuyệt vời đạo đức, không hề làm phiền muộn bất kỳ ai, không hề làm động
gì tới thế gian này, không hề làm chết một con kiến hay con muỗi. Họ là những
phiến thủy tinh trong vắt.
Tuy nhiên, những gì nhìn thấy hay
nghe thấy vẫn cứ thỉnh thoảng lảng vảng trong trí nhớ nhiều năm. Tới hồi năm
tôi học đệ nhất, vào học thi trong sân chùa Xá Lợi, nơi lúc đó thường im vắng,
dễ tập trung tư tưởng. Nhỏ Linh cũng học đệ nhất Gia Long. Một buổi chiều, tôi
và nhỏ Linh đứng nơi cổng tam quan của chùa Xá Lợi, con đường nhỏ bên hông chùa
bỗng vắng dị thường. Tự nhiên nhỏ Linh, lúc đó là một nữ sinh áo trắng xinh đẹp
rồi, nhìn thẳng vào mắt tôi, nói là tụi mình nhìn thẳng mắt nhau đi, xem ai
thành thật thì sẽ không chớp mắt. Tôi không hiểu sao lại có định kiến gì về chớp
mắt hay không chớp mắt như thế. Nhưng tự nhiên, bảo nhìn thì nhìn. Thế là tôi
nhìn và rồi như dường có người vô hình nào sau lưng mình, muốn xô mình tới. Tôi
sợ té vào nhỏ Linh, nghĩa là sẽ bị hiểu là ôm chầm cô bạn dễ thương này, nên gượng lại, hai tay tự nhiên đưa ra nắm
tay nhỏ Linh. Và rồi bất chợt hai tay tôi giựt ra. Nhỏ Linh nói là tôi đã chớp
mắt trước. Hai tay tôi như điện giựt. Về tới nhà, tôi bệnh liệt giường mấy
ngày. Rồi có lúc, tôi chợt thắc mắc, sao nhỏ Linh nói là tôi chớp mắt trước, mà
không nói chuyện tôi đột ngột nắm tay nhỏ này. Và dĩ nhiên, tôi không hề nói gì
với nhỏ Linh là lúc đó như có người vô hình xô tôi, hay phải chăng thầm kín
trong tôi là ôm nhỏ Linh.
Và rồi, học thi nặng nhọc đã làm quên
hết mọi chuyện thường ngày. Tôi nghĩ, có thể vì lúc đó, mùi nước hoa trên tóc
nhỏ Linh có sức hấp dẫn. Tôi kể lại cho chị tôi nghe, rằng mùi nước hoa thoang
thoảng có sức mạnh xô người nam vào người nữ. Chị tôi cười trên điện thoại là
mày làm tao mắc cười gần chết, mới nói chuyện ngó mắt nhau, lại kể chuyện mùi
hương trên tóc, mà phải gần cỡ nào mới ngửi thấy hương tóc được. Tôi nói lãng
đi, có khi mùi hương từ kiếp trước, nhưng thiệt sự là chỉ mới nắm tay thôi, rồi giựt ra, chưa từng
ôm nhỏ Linh bao giờ.
Chị kể, rằng đúng là có chuyện dì Hà
đứng nắm tay Thầy Đăng ở sân chùa, nhưng đó là khi trao nhau kinh sách, hay
sách truyện gì đó, thì tự nhiên, chắc là
dì Hà muốn nắm tay Thầy Đăng thử xem có giống Lan và Ngọc trong tiểu thuyết
Khái Hưng hay không. Chị tôi cười, chẳng có gì đâu. Tôi nói, vậy còn hôm dì Hà
đi bụi đời thì sao. Chuyện dì Hà bụi đời thì tôi không nhớ, chỉ về sau mới nghe
người lớn kể. Thời đó, không ai nói chuyện linh tinh như thế.
Chị tôi kể lại rằng, có một lần, chú
tiểu Đăng rủ dì Hà và dì Hoa đi xe đạp sang miệt Tham Lương để thăm ngôi chùa
nào nơi đó. Khu vực tôi đoán, có thể là Hóc Môn, hay Bà Điểm, vì qua cầu Tham
Lương cũng không chỉ rõ là nơi nào. Nhưng rồi mưa chiều bất chợt lớn kinh khủng,
ào ạt. Thế là ba người, đi trên hai xe đạp, không dám về cho kịp ban chiều, phải ở lại đêm nơi ngôi chùa kia. Thời đó không có
điệtn thoại, cho nên má tôi lo lắm. Nghe kể lại là, ban đầu má bảo dì Hương qua
chùa, hỏi nhà sư lớn xem vì sao chú Đăng biến mất cùng dì Hà và dì Hoa, có đúng
là qua chơi miệt Tham Lương như ba người dặn dì Hương trước khi dì Hoa lên xe đạp
ngồi sau lưng dì Hà đạp theo chú Đăng hay không.
Tôi
hoàn toàn không nhớ mấy chuyện đó, cũng vì sáng hôm sau ba người về. Ba tôi lúc
đó còn trên một chuyến xe lửa nào đó, không có nhà. Má tôi rầy dì Hà và dì Hoa
liên tục, nhưng sau đó chỉ giám sát chặt chẽ; hình như không kể lại cho ba tôi
nghe. Má tôi lúc đó kéo hai dì Hà và Hoa, từng
người ra tra hỏi riêng. Chị tôi kể, lúc đó má hỏi là có bị ai làm gì
không, nấu ăn gì hôm đó, lại còn ngó kỹ từng lai áo, bâu quần xem có dính bùn
hay đất gì không, và các thứ.
Nhưng nhà sư trụ trì hôm sau dẫn chú
tiểu Đăng sang để xin lỗi cô Ba, vì tụi nhỏ đi chơi không về. Nhà sư bắt chú
Đăng ngồi trước mặt má tôi, trước
mặt dì Hà và dì Hoa, lập đi lập lại những câu xin lỗi.
Chị
tôi kể rằng, chị nhớ mang máng là, Thầy trụ trì bảo chú tiểu Đăng lập lại theo
lời Thầy. Trước mặt mấy nữ cư sĩ, lời xin lỗi là bình thường. Nhưng chị kể, là
sau đó chị nghe hai dì kể lại, lời Thầy trụ trì bắt chú Đăng đọc từng câu như lời
xin lỗi Đức Phật. Nghĩa là, Thầy bắt chú Đăng xin lỗi chúng sinh trước, rồi xin
lỗi Đức Phật sau. Nhiều năm trước, có lúc, tôi nghĩ đó là văn sám hối.
Thầy bảo với giọng nghiêm nghị, Đăng,
lập lại lời Thầy, “Con không ưa thích những
gì được thấy.”
Chú
Đăng lập lại lời Thầy trụ trì, giọng đều đều buồn thảm, “Con không ưa thích những gì được thấy.”
Thầy
trụ trì tiếp, “Con không ưa thích những
gì được nghe, được ngửi, được nếm, được cảm thọ, được suy nghĩ…”
Chú Đăng lập lại, trong khi chị kể là
lúc đó, theo chị dòm lén thì thấy, dì Hà và dì Hoa cúi gầm mặt, “Con không ưa thích những gì được nghe, được
ngửi, được nếm, được cảm thọ, được suy nghĩ…”
Thầy
trụ trì nói, lập lại, “Con không ưa thích
những gì được thấy hôm qua, hôm kia, tuần trước, trong quá khứ…”
Chú Đăng lập lại, giọng sầu thảm hơn.
Thầy trụ trì tiếp, “Con không ưa thích những gì được nghe, được
ngửi, được nếm, được cảm thọ, được suy nghĩ… hôm qua, hôm kia, tuần trước,
trong quá khứ.”
Chú
Đăng lập lại y như thế.
Rồi Thầy dẫn chú Đăng về. Hình phạt
cũng lạ. Đọc mấy câu như thế mà gọi là phạt.
Không ưa thích những gì được thấy, được
nghe hôm qua, có phải là ám chỉ rằng chú Đăng phải xóa trong ký ức hình ảnh và
lời nói của mấy dì xinh đẹp của tôi?
Tuy nhiên, chuyện động trời như thế,
chuyện hai dì ngủ một đêm ngoài nhà vì kẹt mưa không về kịp, má dặn mấy dì giấu
ba; lúc đó ba tôi còn trên một chuyến xe lửa, mấy hôm sau mới về. Má chỉ lo là
ba lấy roi đánh mấy dì. Thêm nữa, hên mà hai dì đi kèm nhau, chớ rủi mà chỉ một
dì ngủ đêm ngoài nhà là sẽ bị nghi ngờ táo bạo.
Lần đầu tiên được nghe kể chuyện đó,
khoảng thập niên 1970s, tôi nghĩ rằng câu chuyện giống như tiểu thuyết Kim
Dung. Vì tôi chợt nhớ ra một câu trong một bài kinh của Minh Giáo Ba Tư, hình
như là “sống không lấy gì vui, chết không
lấy gì buồn…”
Về sau, nhiều thập niên sau, tôi nhắc
chị tôi chuyện đó, nhưng nói rằng thực ra, có lẽ là từ một bản Kinh Phật tôi đọc
gần đây.
Tôi đọc qua điện thoại cho chị nghe, một
đoạn từ Kinh Bất Lạc trong Tạp A Hàm: “Vì
nếu Tỳ kheo không ưa sắc, không khen ngợi sắc, không chấp thủ sắc, không đắm
trước sắc, thì đối với sắc sẽ không ưa thích, tâm được giải thoát…” (1)
Chị tôi nói, không hoàn toàn giống, vì
thời đó chưa có bản Việt dịch này. Thêm nữa, sắc gì mà sắc, con nít trân mà…
Tôi nói, hẳn là Thầy trụ trì đọc bản Hán
văn, và bắt chú Đăng đọc để xin lỗi má và hai dì.
Chị
tôi nói, buổi xin lỗi chỉ có khoảng 15 phút, nhưng sau đó dì Hà không dám một
mình đi gặp chú Đăng nữa.
Tôi cãi, sắc đây là cái mình thấy,
không phải nhan sắc, mà thiệt ra, sau đó má dặn dì Hương và dì Hoa là tụi bay
phải bám sát chị Hà, không để một mình đi đâu hết.
Chị tôi bật cười qua điện thoại, hóa ra má chơi trò kềm kẹp, cảnh
sát và công an nơi nào, thời nào cũng có.
Tôi nói, không biết dì Hà sau đó có ý định
lãng mạn gì xa hơn không, mấy chuyện này mà không liều mạng, là không thành tiểu
thuyết.
Thiệt ra, khi tôi nói như thế, là hình ảnh
nhỏ Linh hiện ra trong đầu tôi. Nơi cổng Chùa Xá Lợi, thay vì chỉ ngó vào mắt
nhau, thay vì chỉ đột ngột nắm tay và rồi giựt tay ra, mà ôm nhau là lịch sử đời
tôi biến đổi rồi. Dĩ nhiên, tôi không bao giờ kể cho chị tôi nghe chuyện nhỏ
Linh. Có thể, khi đọc truyện này, chị tôi mới biết.
Từ
khi tôi được nghe kể, đôi khi khởi lên mấy chữ thì thầm bên tai tôi rằng không
có gì để ưa thích… Những lúc như thế, hình ảnh khoảng sân cát trắng và lũ nhỏ ê
a hiện lên trước mắt tôi lãng đãng y hệt như từ một giấc mơ nhiều ngàn đêm trước.
Vài năm sau, cả nhà tôi dọn vào Chợ Lớn.
Những âm vang và hình ảnh từ Xóm Chuồng Bò nhạt dần trong trí nhớ tôi, hệt như
làn khói ban chiều mỏng dần và tan đi.
PTH
GHI
CHÚ:
Kinh
Bất Lạc: https://suttacentral.net/sa60/vi/tue_sy-thang
No comments:
Post a Comment