Sunday, February 3, 2019

LỜI GIÓ MANG XUÂN VỀ


Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Tranh Đinh Trường Chinh

1
Ông pha cho mình một ly trà. Nói là “pha” cũng hơi quá, vì chỉ cần bỏ túi trà vào ly, đổ nước sôi vào, chờ màu nước vừa đủ đậm là có thể uống được. Tự lúc nào, những thói quen hàng ngày đã được đơn giản hóa tối đa. Ông mỉm cười, mở máy. Bài viết dang dở đang chờ ông tiếp tục. Ông nhắp một ngụm nước trà, cúi xuống bàn phím.
“Năm ấy, chàng mãn khóa, chờ ra đơn vị. Những gì cần phải làm là thu xếp mớ “hành trang” còn bề bộn trong trí, là tận hưởng những giây phút “còn được tự do” để thăm hỏi bạn bè, để dạo phố cùng người yêu, và nhất là để về thăm Mẹ nơi quán nhỏ trên đồi…”
Chà, nghe thơ mộng, trẻ trung dữ! Ông cười một mình. Khi viết về chàng trai trẻ, mình dùng chữ “chàng”, nhưng nếu để viết về mình bây giờ, chắc phải gọi là “ông.” Thì cũng như trong các truyện ngắn, truyện dài thế thôi! Hễ có tuổi thì được gọi là “ông.” Ông nhớ bài luận đầu tiên của mình được cô giáo khen và cho tám điểm là bài nói về “ông tôi.” “Ông tôi” trong bài luận đó… còn trẻ hơn mình bây giờ!
Nhắc đến ông, lại nghĩ đến thằng cháu. Ông nhớ nó quá! Đã hơn một tháng nay chưa gặp nó. Ba má nó hứa Tết sẽ cho cháu về thăm. Ừ thì Tết sẽ gặp. Còn tới hơn hai tháng nữa. Ông lắc đầu, cười. Thôi, mình có công việc của mình, thì giờ đâu mà buồn!
Ông lắng tai nghe. Tiếng gió! Phải, tiếng gió. Ông cúi xuống, gõ tiếp.
“Gió tự nó không có tiếng. Chàng nghe tiếng gió nhờ những cành thông. Quanh năm, bốn mùa, đồi thông xanh ngắt lá. Ta đi thôi, lên đồi! Cây xanh, trời xanh. Mùa xuân chan hòa trời đất, tỏa ngát lòng người. Gió cất lời vi vu, vi vu…
“Mẹ chàng, tóc trắng nửa mái đầu, nuôi con lớn lên nhờ cái quán nhỏ này. Quá nửa số khách hàng thường xuyên của quán là những người lính tương lai. Đứa nào thiếu tiền, Mẹ cho ăn và… cho ghi sổ. Khi các con ra trường, Mẹ xóa nợ. Mẹ nói nợ bay theo gió mất rồi.
“Chàng bay trên cánh gió, qua những đồi núi chập chùng. Chàng bay qua thành phố nhỏ quen thuộc, nơi chàng tưởng tượng vẳng lên giọng của người em gái xướng ngôn viên dịu dàng những đêm nhạc lính qua đài phát thanh.”
Ông đứng lên, đến bên cửa sổ. Bên ngoài, lá của một vài cây đã đổi màu. Nhưng năm nay, cảnh vật có một vẻ khô khan lạ lùng. Ngay cả những cây thông cũng cằn cỗi. Trận hạn hán này sẽ còn kéo dài bao lâu nữa?

2
“Anh đeo cái này lên cổ nhé!”
“Cái gì đây?”
“Bùa hộ mạng đó!”
“Dị đoan quá!”
Chàng cười. Nhưng nét mặt của nàng thì thành khẩn. Cả hai cùng quay nhìn đứa con đang ngủ say. Chàng gật đầu:
“Ừ, thì anh đeo.”
 “Mỗi khi chàng chuẩn bị đi, thằng bé con lại theo bố một cách lạ kỳ. Lúc đó, cả hai vợ chồng đều có cảm giác bất an. Trong đơn vị có một anh nghe đâu xem tướng số giỏi lắm, nhưng chàng không bao giờ nhờ xem. Thôi thì, dị đoan hay không dị đoan, đừng xem là tốt nhất. Thế rồi, khi ra khỏi nhà, bóng dáng vợ con lùi lại sau lưng, chàng lại trở thành một người cứng cỏi, gan lì. Chàng là người lính!
“Có một lần, cánh gió chao nghiêng, trúng đạn rồi! Chàng bị thương, nhưng cố hết sức lái máy bay về đến vùng của mình, rồi ngất lịm. Nàng ngồi bên giường bệnh, thức suốt mấy đêm dài chờ chàng tỉnh lại. Đó là khoảng thời gian đẫm đầy nước mắt lo âu của nàng. Rồi sau đó là tiếng reo vỡ òa, là giọt lệ mừng vui, là nụ cười sung sướng… Có những chuyến bay không bao giờ trở về. Chàng may mắn hơn một số bạn đồng ngũ, sống sót qua cuộc chiến tranh.”
Ông hít một hơi dài rồi đứng dậy. Trà đã nguội. Ông nhìn mình trong ly trà, tưởng như nhìn thấy một trời khói lửa.
Trời có gió nhẹ nhàng, đủ lay động những thanh đồng của chiếc chuông gió treo trước hiên nhà. Leng keng, leng keng! Lời gió thì thào. Gió bảo ông chạy đi, chạy mau đi!
“Chỉ còn lại một mình, chàng ngơ ngác như nhìn thấy một trận địa xa lạ. Không có súng đạn, không có ba-lô, không có những cánh chim bay lên, đáp xuống. Cái chiến trận này chỉ có những con người chưa từng gặp nhau nhưng đối mặt nhau không chút thiện cảm. Còn tương lai ư? Chỉ là một cõi mịt mù, tối tăm. Và trong cõi tăm tối ấy, nổi lên gương mặt của nàng, khoan hòa, nhân ái. Vâng, từ lúc chàng bỏ cuộc, không chạy nữa, cả thế giới như chỉ còn một mình nàng là đáng kể. Nhẫn nhục, chịu đựng, tháo vát, cứng cỏi, tất cả là nàng. Không than van, không phiền trách, không giận hờn, nàng là điểm tựa cuối cùng cho một cánh bằng đã gãy.”

3
Xem ai đã đến kìa! À, là “bà bạn quý,” ông thường gọi như vậy. Chẳng gì bà cũng là người hợp ý ông nhiều hơn cả trong hội cao niên. Hôm nay chắc bà lại có một đề tài gì để đàm đạo “giết thì giờ” đây? Ồ không, bà mang đến cho ông một khay thức ăn do bà nấu. Còn ông sẽ đáp lễ bằng cách đãi bà một bình cà phê nóng hổi. Rồi thì ăn uống, rồi thì chuyện trò, có khi bàn về một vài bản nhạc thời xa xưa. Và vẫn theo lệ thường, họ ngồi ở bộ bàn trong hiên bên vườn. Một niềm vui thật đơn giản.
Bà nhìn quanh. Ông thật khéo tay, chăm sóc khu vườn nhỏ rất gọn gàng và vui mắt. Bà đặc biệt thích ngắm cái chuông gió. Ông đã có lần nói với bà:
“Cái chuông gió này quý lắm, nó do bà nhà tôi chọn mua. Quý không phải vì nó đắt tiền, mà vì nó có tiếng nhạc rất hay, như tiếng gió.”
Bà hỏi một cách tình cờ:
“Các cháu có về thường không hở ông?”
Ông lắc đầu:
“Không ạ. Dạo này vợ chồng cháu bận chuyển công việc, chưa về được. Tôi nhớ chúng nó lắm, nhưng đành chịu. Sang bên đó thì cũng bất tiện, không ai coi nhà bên này. Nhớ nhất là thằng cháu cưng, bà ạ!”
“Dạ tôi hiểu. Tôi cũng vậy thôi. Nhưng… sao ông không nghĩ đến chuyện dọn qua ở cho gần con cháu?”
“Ồ, dọn đi thì tôi phải bán hoặc cho thuê căn nhà này. Tôi không nghĩ đến chuyện đó. Đúng ra là tôi chưa nghĩ đến. Có thể sau này… quá già yếu thì sẽ khác.”
“Ông… ở như vậy… không buồn sao?”
“Nhiều người cũng hỏi tôi như vậy. Không bà ạ, tôi quen rồi. Ở đây cũng có láng giềng, ra vào thấy nhau, hỏi thăm nhau.”
“Nhưng… sao bằng sống gần người thân?”
Ông lắc đầu, cười, chịu thua. Bà bạn quý này, lúc nào cũng phải để cho bà ấy là người nói câu sau cùng thì mới được yên thân.
Không biết qua mấy phút im lặng, rồi ông nói như phân trần, như trấn an bà bạn:
“Bà không cần lo lắng quá cho tôi. Tôi không phải là người sống khép kín, như bà thấy đó. Tôi có công việc viết lách, làm vườn, tập thiền, chơi đàn, đi họp hội cao niên, cũng đủ choán hết thì giờ. Tôi không mơ ước gì hơn. Còn nếu bà áy náy rằng sao bằng sống gần người thân, thì… tôi vẫn có đó, bà ạ.”
Bà lắc đầu:
“Con cháu của ông sống tận bên D.C. sao gọi là gần được?”
“À, chúng nó vì công ăn việc làm phải đi xa vậy. Tôi không băn khoăn gì cả. Khi nào thong thả, nghỉ phép thì chúng nó về chơi.”
Bà thở dài, tỏ vẻ không đồng ý, đứng lên thu dọn chén bát. Ông bỗng nói bằng một giọng hơi khác lạ:
“Bà bạn quý, tôi xin cám ơn bà.”
Bà hơi nhướng mắt, hỏi:
“Cám ơn… vì điều gì?”
“Vì tình bạn bà dành cho tôi, quý lắm. Và tôi mong ước… sẽ là như thế mãi.”
Bà gật đầu nhè nhẹ, nhưng ánh mắt tỏ vẻ không hài lòng. Bà nói lảng đi:
“Thôi tôi về nhé! Kỳ tới ông lại đến họp hội cao niên chứ?”
“Chắc chắn rồi.”
Như là cả hai người cùng nghĩ đến những buổi họp mặt vui vẻ. Bà cảm thấy được an ủi. Ít ra, bà cũng được là “bà bạn quý” của ông. Bà sắp chào từ giã, thì bỗng ông lên tiếng:
“Khoan đã, bà bạn quý, hôm nay tôi muốn mời bà…”
“Mời… sao hở ông?
“Tôi mời bà vào trong nhà, nơi phòng sách của tôi.”
“Để làm gì, ông? Tôi chưa hiểu.”
“Vì bà là bạn quá thân, tôi muốn chia sẻ với bà một chuyện.”
Ông mở cửa phòng sách, căn phòng mỗi khi bà đến vẫn thấy đóng kín. Bước vào đó, bà cảm thấy một bầu không khí mát dịu. Ánh sáng tự nhiên từ những ô cửa sổ chiếu vào làm bà thấy thoải mái. Bà ngạc nhiên. Không ngờ ông bạn có một nơi an lành như thế. Ông lặng yên, để bà từ từ khám phá.
Trên chiếc bàn nhỏ kê ở một góc phòng, có một quyển sổ, một cây bút. Bà nhìn vào, trang giấy đang viết dở những điều ghi chú trong ngày. Cây bút thì đặt bên cạnh quyển sổ, như thể người viết định trở lại ngay để viết tiếp. Ở một góc khác, trên chiếc băng ghế dài, một bộ đồ đan len cũng đang dang dở. Hai cây kim đan đặt chéo vào nhau. Mảnh len đan có màu xanh lá, có vẻ sẽ là vạt áo ấm của một người lớn. Ở một góc khác, một chiếc áo dài màu xanh lơ treo sát vách, có thể là chủ nhân của nó chọn ra để chuẩn bị mặc đi đâu đó. Bà nhìn kỹ hơn, có một cây kim may đã xỏ chỉ, đính ngay ở cổ áo, nơi có một hột nút sắp bung ra. Và cuối cùng, một tấm ảnh được phóng lớn treo trên tường. Chàng thanh niên trong ảnh mặc bộ đồ bay, đứng bên cạnh cô thiếu nữ xinh xắn trong nếp áo dài màu xanh.
Giọng của ông vang lên:
“Đã mười năm rồi bà ạ!”
Bà giật mình. Ông nói tiếp:
“Từ mười năm nay, tôi vẫn để nguyên vật dụng của nhà tôi y như vậy. Lúc đột ngột mất đi, nhà tôi có rất nhiều việc đang làm dang dở.  Tôi không muốn làm mất những dấu vết ấy. Tôi chỉ lau bụi cho sạch sẽ mà thôi. Tôi giữ cả một lọn tóc nhỏ của nhà tôi trong bóp giấy tờ đây! Tôi chưa từng xa lìa nhà tôi, người thân của tôi đó! Tôi sống vui vẻ, cởi mở như bà thấy lâu nay. Ai mà biết tôi đã trải qua một thời kỳ đau khổ đến thế nào! Có người bảo mất người phối ngẫu của mình thì phải cần hai năm, ba năm hay năm năm mới có thể trở lại bình thường. Tôi thì không đếm được bao nhiêu lâu. Mỗi ngày của tôi là một cuộc chiến. Nhưng mỗi ngày của tôi cũng là hạnh phúc, vì tôi biết tôi không bao giờ mất người ấy…”
Bà để rơi một giọt nước mắt. Giọng ông vẫn đều đều:
“Tôi cám ơn bà bạn quý đã đến đây. Tôi mong bà sẽ yên tâm về tôi. Tôi không phải là ông thánh đâu. Tôi chỉ là con người, sống với cái lý lẽ rất đơn giản. Đã mười năm. Và không biết sau mười năm sẽ là thế nào, tôi không dám chắc.”

4
Lời gió không thì thào, mà dồn dập, rồi hung hãn. Ông nghe rồi! Gió không còn là gió hiền, mà gào thét như người điên loạn. Người ta gõ cửa, giục ông chạy đi. Lệnh di tản khẩn cấp! Không được chần chừ, đừng mang theo gì vì không đủ thì giờ suy tính, mà phải chạy để giữ lấy mạng. Ông mở cửa phòng sách, nói như trối:
“Xin lỗi em!”
Ông chỉ mang mỗi chiếc điện thoại và bóp giấy tờ. Ông ngồi vào xe, rồ máy, chạy. Lửa từ rừng đang ập đến như một cơn lốc, như muốn liếm gọn những người và xe đang hối hả thoát thân. Như một phản xạ, ông đưa tay lên cổ. “Bùa hộ mạng đó!” Nàng nói như vậy, giọng êm ái. Ông mỉm cười, yên tâm lạ lùng.
Đêm nay ông cùng mọi người trú trong khu parking của một siêu thị. Hồng Thập Tự đến phát lều, mùng mền, thức ăn, nước uống và thuốc men. Ông không ngồi yên, ra phụ giúp những người yếu ớt. Mọi người đều không ngưng đưa đôi mắt tuyệt vọng nhìn về hướng chân trời đỏ rực. Mất hết, mất hết thật rồi! Ông cũng nhìn về hướng đó. Gió vẫn gào rú không ngơi. Ông không dám nghĩ đến cảnh nhà mình, khu vườn, phòng sách… đang ra sao. Ôi, ông thèm viết quá! Thôi chết rồi, ông đã bỏ máy laptop lại trong phòng sách! Bao nhiêu bài viết của ông nằm lại ở đó. Mở cell phone ra để viết ư? Cũng được thôi, nhưng khó chịu lắm, và ông cần để dành pin nói chuyện với con trai. Ông bỗng nhớ lại một cách viết bài của ngày xưa. Ông ngồi xuống, nhắm mắt lại…
“Chàng đã “viết”, vâng, chàng viết trong đầu, không cần giấy bút. Cách viết này, chàng luyện được nhờ bị nhốt trong phòng biệt giam. Chàng bị biệt giam mấy ngày vì tính cương trực, cãi lại tên cai tù hống hách. Khi xung quanh chỉ còn lại một màu đen, thì trí óc trở thành trang giấy trắng. Chàng trải ý nghĩ của mình trên đó. Chính chàng cũng không ngờ mình làm được như vậy.
“Trong cái không gian dị thường ấy, chàng như không phân biệt được giữa thức và ngủ, vì chỉ có bóng tối và tiếng lặng thầm. Bỗng nghe thì thào một tiếng như tiếng người, dần rõ lên một giọng ngâm thơ. Chàng bàng hoàng, định thần, lắng nghe. Không, không phải là giọng ngâm thơ của người em gái trên làn sóng, mà là giọng nam giới. Chàng sờ lên vách và khám phá một lỗ nhỏ. Hóa ra chàng không cô độc. Có một buồng giam bên cạnh, và có người!
“Họ trở thành bạn của nhau. Họ hát, ngâm thơ và tâm sự, dù mỗi người phải cố gắng hết sức mới nghe được tiếng của người kia. Thật bất ngờ, người ở phòng bên là một trong số những anh “lính tương lai” ngày xưa đã được Mẹ cho ăn và ghi sổ rồi… xóa nợ.
“Khi hết bị biệt giam, chàng dò hỏi tin tức về người bạn đó, hoàn toàn không ai biết.”
Rồi ông rời khỏi quá khứ, ông “viết” trong đầu những ý nghĩ về hiện tại.
“Em thương yêu! Anh không thể tưởng tượng được giờ này căn nhà của mình đang ra sao. Khi tiếng gió vẫn còn gầm thét, anh thất vọng quá! Anh nhắm mắt lại là thấy phòng sách của mình đỏ rực. Rồi thì những vật mà anh đã nâng niu suốt mười năm nay tan biến thật nhanh trong màu đỏ ấy.  Rồi thì mảnh sân, khu vườn sẽ tan nát. Ai có ngờ khu nhà thơ mộng ẩn khuất trong rừng đồi xanh ngắt ấy, sau những năm tháng hạn hán đã biến thành một nơi nguy hiểm. Anh đã tưởng tượng ra được hình ảnh của mình, mất hết, cô độc, lang thang. Anh còn nơi nào để mỗi ngày ngồi yên lắng nghe hạnh phúc “có em” bên cạnh? Sẽ không có nơi đâu như ngôi nhà chứa đầy kỷ niệm của mình cả.
“Nhưng rồi, em thương yêu, anh chợt nhận ra một điều, với anh, đó là điều tuyệt đối. Cho dù không còn gì hết, anh vẫn có tất cả. Anh vẫn có em. Cũng như ngày xưa, qua những năm tháng lao khổ trong tù, đến một hôm anh nhận ra mình không mất một thứ gì, miễn là mình vẫn giữ nó trong đầu. Mình vẫn “có” một quê hương để nhớ.”

5
Ông pha cho mình một ly trà. Ông thở nhẹ. Không khí vẫn còn thoang thoảng mùi khói. Mọi người được phép về lại vì nơi đây không còn nguy hiểm, nhờ mưa cuốn đi gần hết những hơi độc. Ông nhớ cái ngày được “hồi hương”, ông vừa mừng vừa lo sợ. Ông đã chuẩn bị tinh thần nhìn thấy những gì xấu nhất. Ôi! Không ngờ được, khu xóm nơi ông ở vẫn vẹn nguyên. Cứ như là gió đã chuyển đi hướng khác vậy. Nhưng không phải hoàn toàn vì thế, mà còn nhờ những người lính cứu hỏa, nam và nữ, đã hết lòng cứu cho những ngôi nhà khỏi bị lửa lan tới. Họ là những vị thần hộ mạng!
Ông ngồi xuống. Chiếc máy laptop để trên bàn trong mái hiên bên vườn. Ông mở máy. Quá khứ và hiện tại đan xen trong truyện dài ông đang viết. Ông chợt nghe một âm thanh rất dịu dàng. Tiếng của chiếc chuông gió! Những thanh đồng chạm vào nhau nhẹ như hơi thở. Và như là lời của gió. Vâng, gió trở lại hiền hòa, nhắc cho ông mùa xuân đang về. Ông rưng rưng cảm động. Bốn mùa cứ sẽ trôi đi, năm này qua năm khác, nơi đây. Cuộc đời sau mười năm sẽ ra sao, ông không thắc mắc. Ông sẽ sống trọn vẹn từng ngày.
CAM LI NGUYN THỊ MỸ THANH
Báo Xuân Việt Báo, Tết Kỷ Hợi 2019



No comments:

Post a Comment