Saturday, September 26, 2015

Ý TƯỞNG RỜI NGÀY ĐẦU THU



Hoàng Mai Đạt


Hoàng Mai Đạt

                                                                    Mùa thu trong vườn

Sáng nay, tôi dậy trễ hơn mọi ngày, đến 7 giờ 30 mới ngồi dậy bước ra khỏi giường. Ngày thường, kể cả thứ Bảy, tôi dậy từ 5 giờ sáng, một phần lớn vì nhu cầu của công việc mà tôi đang làm để sống qua ngày, một phần vì tôi muốn dành một chút thời giờ cho tâm linh, và một phần không nhỏ để chạy bộ với con chó đang mập gần gấp đôi so với ngày mới về nhà này khoảng bảy năm trước. Bữa nay, do dậy quá 7 giờ nên tôi bỏ cuộc chạy với chó, hay nói vắn tắt là bỏ chạy.

Vợ tôi cũng dậy trễ, chỉ trước tôi chừng 15 phút. Ngày thường tôi dậy sớm, nàng cũng dậy sớm theo nên cũng bị thiếu ngủ như chồng. Biết vậy nên cuối tuần (cuối tuần của tôi chỉ có ngày Chủ Nhật, không tính thêm ngày thứ Bảy sướng như bạn đâu à nha) tôi muốn ngủ nướng thêm một chút cho nàng nhà tôi cũng được dưỡng thân cho tới lúc không thể nào nhắm mắt khi biết ánh sáng ban mai đang bắt đầu lan tỏa qua màn cửa sổ, đẩy dần bóng tối trên tường chung quanh khung cửa.

Sáng Chủ Nhật, tôi tự cho phép mình được ngủ thêm như vậy để lấy lại sức sau gần một tuần “cày bừa” kiếm cơm. Thân trâu tôi không ngại dậy sớm, chỉ ngại ngủ trễ. Đêm nào tôi cũng khó leo lên giường trước 11 giờ, nên thời gian ngủ bị rút ngắn đối với một người lúc nào cũng thèm ngủ, mong được nhắm mắt ít nhất tám tiếng mỗi ngày. Mỗi lần nghe tôi rên rỉ, ao ước được nhắm mắt ngủ thật lâu, vợ liền nhắc, “Coi chừng, ước gì được đó à nhen. Anh nằm nhắm mắt ngủ… luôn bây giờ.”

Tôi không ngại ngủ luôn theo chuyến tàu suốt qua bên kia thế giới, chỉ ngại mỗi sáng không có người chạy với con Kiwi ra công viên cho nó được… giảm béo. Nói đến chuyện nhắm mắt… luôn, chẳng bao giờ mở lại để thấy những chiếc lá đang đổi màu theo nắng dịu chớm thu, mấy ngày vừa qua chúng tôi đã nghe những tin gần gũi, gợi nhắc đến chuyện sống chết, chuyện sinh tử của kiếp người. Ở lứa tuổi của chúng tôi, có hai chuyện mà vợ chồng phải làm thường hơn trong năm so với mấy thập niên trước. Đó là đến nhà quàn chia tay người quen và đi dự tiệc cưới của con bạn.

Vào giữa tuần, vợ tôi nghe tin anh Khuê đột ngột qua đời. Ai cũng sửng sốt vì anh Khuê rất khỏe mạnh, ăn uống và sống rất chừng mực, thương vợ và ngoan đạo, các con đều có cuộc sống ổn định. Tôi không quen anh ấy, có lẽ từng gặp anh một vài lần ở một ngôi chùa qua những buổi cầu siêu cho anh Cao Xuân Huy, một người bạn nhậu hay bạn lính chi đó của anh Khuê và bạn văn (đôi khi bạn nhậu) của tôi. Anh Khuê người Công Giáo, biết chút về phương pháp chữa bệnh bằng nhân điện, nên vợ tôi gặp anh để học hỏi, đề phòng những lúc thân thể của mình và của chồng gặp chuyện bất lành thì mang ra áp dụng. Dạo này chúng tôi không có bảo hiểm sức khỏe, lương không đủ để mua bảo hiểm, mà lại quá dư để không được nhận vào chương trình trợ cấp y tế của chính phủ dành cho người… thiệt là nghèo. Trong lúc chờ được chính sách Obamacare chăm sóc, chúng tôi tự lo cho thân bằng những gì mà mình có thể làm được thay vì ngồi với tâm bất an. Nghe anh Khuê mất ở tuổi 69, tôi càng không muốn nấn ná thêm và quyết định phải thăm một người bạn cũng ở tuổi đó đang lâm trọng bệnh.

Thế nên hôm Chủ Nhật cuối tuần trước, chỉ một ngày sau khi anh Khuê được hỏa táng, tôi lái xe đưa vợ lên San Jose thăm một người bạn văn đang phấn đấu trước một cơn bệnh hiểm nghèo. Nói là phấn đấu cho oai thôi, chứ ai mà đấu lại nổi trước số mệnh, phải không bạn? Có làm được gì chăng là giữ cho tâm được an lành, sáng suốt trong lúc thân đang chịu những cơn đau của tật bệnh mà làm người không ai tránh khỏi. Với ý tưởng đó, chúng tôi lên đường rời Quận Cam từ sáng sớm để thăm anh Nguyễn Xuân Hoàng, mong trợ lực cho tâm anh được vững chãi trước một trận bệnh ung thư xương mà nghe anh nói rất hiếm, khó chữa.

Tôi quen anh Hoàng, người cùng quê Nha Trang với tôi, từ ngày mới chân ướt chân ráo đến Quận Cam cuối thập niên 1980, khi phố Bolsa còn là Bolsa, chưa có thêm danh hiệu Little Saigon chính thức như bây giờ. Anh ra mắt cuốn sách “Người Đi Trên Mây” tại quán cà phê Hải Âu ở góc đường Brookhurst – Westminster. Từ buổi chiều ra mắt sách giữa tháng Tám 1987 ấy cho đến nay, quán Hải Âu này đã đổi tên, đổi chủ không biết bao lần, và hình như bây giờ là quán nước boba chi đó.

Ngày ấy anh Hoàng còn trẻ lắm, mới đâu chừng bốn-mươi mấy tuổi, còn tôi thì măng tơ hơn nhiều, mới xong đại học, chưa biết bồ bịch chi ráo (vì hổng có ai để cho mình biết). Nay nhìn lại mới thấy buổi ra mắt sách hôm ấy quả là một biến cố khó quên trong đời của anh Hoàng, và của chính tôi. Quán Hải Âu khá nổi tiếng như quán Coffee Factory bây giờ, mà có lẽ còn trội hơn vì thời đó không có nhiều nơi tụ tập cho hầu hết giới nghệ sĩ đương thời.

Bạn có thể tưởng tượng hiện diện trong ngày vui của anh Hoàng trong quán cà phê hôm ấy đã có những khuôn mặt danh tiếng của người Việt hải ngoại khi ấy như thi sĩ Mai Thảo, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, nhà văn Hà Thúc Sinh, nhà văn Nhật Tiến, ca sĩ Lê Uyên Phương, nhà thơ Viên Linh, thi sĩ Ngu Yên, nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc, và còn khá nhiều người tiếng tăm khác nhưng tôi chỉ biết có bấy nhiêu vì mới đến Bolsa từ miền đông nước Mỹ, một “nhóc con” trong giới giang hồ viết lách mà anh Hoàng thuộc hạng “đại ca.”

Cạnh giường bệnh của anh Nguyễn Xuân Hoàng ở thành phố Milpitas chiều Chủ Nhật tuần rồi, vợ chồng chúng tôi hàn ôn chuyện xưa với anh. Chúng tôi không ngạc nhiên khi nghe anh kể trước ngày chúng tôi đến, hầu hết các bạn văn, bạn làm báo từ xa đã đến thăm anh. Như ở buổi ra mắt sách năm xưa, anh Hoàng được nhiều bạn bè thương mến, không chỉ từ những người cùng thế hệ mà còn từ lớp người viết trẻ sau này, như các bạn trên trang Da Màu đã viết về anh. Do từng là giáo sư ở trường Ngô Quyền, Biên Hòa, anh còn được nhiều đồng nghiệp và học trò từ trường ấy đến thăm hỏi thường xuyên, nhắc nhở anh trên các trang mạng.

Vì ảnh hưởng của thuốc giảm đau, nhà văn và nhà báo có nhiều kinh nghiệm nhất một thời của người Việt hải ngoại thỉnh thoảng chìm vào giấc ngủ giữa lúc chúng tôi đang hàn huyên với chị Gia Vy, vợ của anh. Chị bị bệnh cả chục năm nay, phải tự lọc thận mỗi ngày ở nhà, nay lại càng thêm lo lắng trước căn bệnh của chồng. Ấy vậy mà chị vẫn cười nói vui tươi, giữ cho sắc diện được tươi tắn. Ngồi ở góc phòng bên kia giường bệnh của chồng, chị Vy nói chuyện vui vẻ với hai đứa em như ngày nào ở Bolsa, bày tỏ tinh thần lạc quan và còn khuyên chúng tôi hãy cố gắng tìm cách mua bảo hiểm. Tuy nhắm mắt nhưng anh Hoàng vẫn nghe câu chuyện của ba người. Có lúc tỉnh giấc, anh cũng nhắc chúng tôi lo mua bảo hiểm, giữ gìn sức khỏe. Chúng tôi đến thăm để hỗ trợ tinh thần cho anh chị, vậy mà chính anh chị đã cho chúng tôi những lời khuyên thiết thực, đầy chân tình.

Nhìn nắng hoàng hôn chiếu qua cửa sổ, tôi không đành nhắc vợ lên đường mặc dù chúng tôi đã ngồi khá lâu. Giữa lúc chị Vy và vợ nói chuyện, tôi xoa cánh tay gầy guộc của người bệnh, như mong truyền được những ý tưởng tốt lành đến anh mà tôi không sao diễn tả bằng lời. Thân thể anh đã giảm cân rất nhiều, mái tóc hoàn toàn bạc trắng làm nổi bật làn da còn sắc hồng. Chiếc đồng hồ số treo trên tường trước mặt anh được chỉnh theo 24 giờ thay vì 12 giờ, có lẽ để giúp anh biết thời gian trong một căn phòng luôn khép kín màn cửa, khó biết bên ngoài đang giữa ban ngày hay giữa đêm khuya. Thế rồi giây phút chia tay cũng phải đến. Chúng tôi rời phòng với lời cầu nguyện cho người bệnh được tâm an lạc cho dù thân không còn khỏe mạnh.

Sáng nay làm việc ngoài sân sau nhiều ngày bỏ bê vườn tược, có lúc tôi buông tay ngồi ở gốc cây để nghe gió hiu lạnh đầu mùa thổi nhẹ vào sân. Nắng hè còn đó nhưng đã đượm màu vàng dịu, không còn chói chang như mấy bữa trước. Xem lịch mới biết hôm nay là ngày đầu thu. Từng mùa thu đến, từng mùa thu đi. Đến rồi đi, đi rồi lại đến như bao kiếp người luân lạc trên dòng đời chảy miên man. Ước gì tôi có thể bơi ngược dòng thời gian để trở về một bến bờ tĩnh lặng, không còn thương cảm trước cảnh đời chia lìa bất tận.

Hoàng Mai Đạt

No comments:

Post a Comment