Friday, September 25, 2015

VÀM KINH CŨ TRONG HỒI ỨC CỦA LỘC TƯỞNG



Lâm Chương

Nhà văn Lâm Chương

Lộc Tưởng. Sinh nhật 60 tuổi

Tôi bây giờ hay quên lắm. Một bữa tôi đến nhà chị Lộc Tưởng, chị tổ chức cookout ở sân sau, trên bờ hồ nhìn ra một vùng trời nước mênh mông thơ mộng, chờ trời tối coi pháo bông nhân dịp lễ July 4. Bữa đó được gặp nhiều người thân quen, tôi hừng chí uống hơi nhiều bia rượu, khi ông Đoàn Đông kể chuyện vui về Con Nhỏ Nhà Quê làm tôi ngẫm nghĩ cười hoài. Tôi có nói sẽ viết vài cảm nghĩ về quyển sách chị Lộc Tưởng sắp in. Vậy mà khi về tôi quên mất. Một thời gian sau, chợt nhớ lại thì thời gian đã qua đi hơn tháng trời. Bởi vậy, tôi sợ mình bị chứng alzheimer là bệnh mất trí nhớ. Hồi thời tôi còn đi học, alzheimer người ta dịch là chứng kiện vong. Kiện vong, một chứng bệnh mà dịch ra tiếng Việt cái tên nghe cũng hay. Bây giờ không ai dùng chữ kiện vong nữa. Người ta bảo là mất trí nhớ, nghĩa là bao nhiêu sự kiện xảy ra trong đời đều bị xoá sạch, giống như những dòng chữ được ghi trong tập giấy bỗng dưng bị xoá trắng. Cái lạ là từ đó trở đi, tập giấy trắng này không còn ghi được bất cứ một dòng chữ nào nữa. Tôi, dù hay quên nhưng đầu óc vẫn còn loáng thoáng nhớ lại những gì đã nói trong đêm July 4. Và tôi viết...

Có người bạn trẻ hỏi, sao các ông hay nhắc chuyện quá khứ, đáng lẽ phải hướng tới tương lai để cuộc đời còn vươn lên chứ? Đang trong cuộc nhậu, tôi khề khà giải thích theo kiểu một ông già hết thời rằng, tuổi bạn còn trẻ, phía trước bạn còn có một khoảng thời gian dài, bạn hướng tới tương lai và vươn lên để tạo kế lập thân, xây dựng sự nghiệp là đúng rồi. Chúng tôi đã lớn tuổi. Tôi né tiếng “già” vì nhiều người không thích nghe ai xác định một thực trạng quá date của mình, kể cả tôi nữa. Nói như nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn: Ta như đứa trẻ ngàn năm tuổi. Người già là một đứa trẻ nhiều tuổi. Định nghĩa như thế, các cụ yên tâm tiếp tục sống hùng, sống mạnh nhưng không sống lâu. Bây giờ, người ta hay nói một cách cầu kỳ là quỹ thời gian. Cái quỹ thời gian của chúng tôi còn lại chẳng bao nhiêu. Nhìn về phía trước ư? Con đường trước mặt vừa ngắn, vừa xuống dốc. Và chúng tôi như chiếc xe đứt thắng đang lao dốc, càng lúc càng nhanh. Sức khoẻ hao mòn, ngày tháng cạn kiệt. Mà đằng kia, cuối đường lại thấp thoáng cái hố huyệt bi thảm đen ngòm chờ đợi, hoặc một cái lò thiêu xác đang bừng bừng lửa cháy. Thôi rồi, tấm thân tứ đại bao nhiêu năm gây thù chuốc oán, hoặc tu nhơn tích đức trong phút chốc bỗng tan thành tro bụi. Như thế đó, nếu nhìn về tương lai, người yếu bóng vía dễ bị khủng hoảng tinh thần, nhẹ lắm cũng bị trầm cảm. Để yên tâm và tiếp tục vui vẻ yêu đời, chúng tôi nhìn ngược, nghĩa là ngoái nhìn về quá khứ. Nếu dĩ vãng không là một thời vàng son ấm áp thì cũng đầy ắp bao nhiêu kỷ niệm vui buồn thân thiết. Đó là lý do, và cũng là câu trả lời cho người bạn trẻ hỏi tại sao các ông hay nhắc chuyện cũ.

Sở dĩ tôi dài dòng về câu hỏi của người bạn trẻ là để chuẩn bị bước vào quê hương hoài niệm của chị Lộc Tưởng. Một quê hương “hồi đó” đã lùi sâu vào vùng ký ức. Chị nhìn ngược thời gian để sống lại với thời quá vãng. Địa danh và chốn cũ vẫn còn, nhưng đã mất rồi những kỷ niệm ngày xưa thơ ấu. Đọc Vàm Kinh Cũ, tôi bỗng liên tưởng bài Ánh Mắt Quê Hương của Hoàng Phương:
            Em tìm về chân đê
            Chút hương thầm lá cỏ
            Cánh diều bay chấm nhỏ
            Chốn xa kia gọi về
Những người con của quê hương ngày ấy, lớn lên như bầy vịt trời xiêu tán, một hôm bỗng nghe tiếng vọng từ chốn xa kia gọi về Vàm Kinh Cũ. Và bao nhiêu kỷ niệm kỷ niệm buồn vui một thuở xa xôi ùn ùn sống lại. Từ xóm Chàm gần bến đò Châu Giang sáng chiều vẳng lại tiếng cầu kinh, không hiểu nghĩa nhưng cái âm thanh kỳ lạ ấy mỗi ngày một ít thẩm thấu vào tiềm thức, làm nên một kỷ niệm đặc thù mà chị không thể nào quên, cũng không thể nào tìm được bất cứ ở đâu. Dù bây giờ có tìm về thì cũng không còn cái âm thanh ngày xưa ấy. Nó chỉ còn trong tiềm thức và chị làm tái hiện lại khung trời biệt mù xa khuất ấy bằng những dòng chữ mà chị gọi là bút ký.

Bút ký của chị Lộc Tưởng là những chuyện đời thường, không chuyên chở những triết lý nặng nề, không làm dáng văn chương sáo rỗng. Chị viết một cách tự nhiên, chuyện nọ xọ chuyện kia, từ xưa tới nay, từ đông sang tây, từ quê hương sang qua xứ người. Người đọc cảm thấy nhẹ nhàng, thỉnh thoảng mỉm cười với một vài tình tiết thú vị. Trước ngày đám cưới, bác Hiêm, một người Chàm lớn tuổi ở xóm, chận tôi lại hỏi "Thằng chồng con nó ở đâu?". Tôi trả lời ở Sài Gòn. Bác nói với vẻ không vui "Con ơi! Ở đây thiếu gì thằng sao con không lấy, con lấy thằng Sài Gòn nó gạt con đi bán bar". Tôi phải giải thích với bác, ở Sài Gòn nhưng gốc Châu Đốc. Chừng đó bác cười nói "Ừa! vậy thì được." Cũng may cho ông Đoàn Đông, thằng Sài Gòn nhưng gốc Châu Đốc. Nếu gốc ở xứ nào khác thì đừng hòng rớ tới con gái của quê hương Bảy Núi.

Ông Hai Trầu có bài Lần theo dấu chân Lộc Tưởng. Lần theo, có nghĩa là từ từ theo dấu chân người trước. Ông là người thâm trầm điềm đạm, sự đời đối với ông không có gì vội vã, nên ông từ từ lần theo. Nhưng tôi có cảm nhận khác ông Hai Trầu. Khi đã vào chuyện của chị Lộc Tưởng thì không từ từ được nữa, mà phải chạy theo những tình tiết luôn luôn biến chuyển. Chẳng hạn, bước vô Nghề nơi xứ lạ. Đó là một tiệm Nail. Nghe các bà kháo chuyện với nhau, linh tinh đủ chuyện tầm phào. Tác giả diễn tả đúng tính chất của những người ngồi lê đôi mách. Tôi đặc biệt chú ý nhân vật bà Ba. Bả nói chuyện tào lao nghe phát mệt. Ngoài sáu mươi mà còn nhỏng nha nhỏng nhảnh. Và đây, bà Ba xuất hiện: thình lình tiếng kêu “leng keng” từ cánh cửa tiệm làm tôi giật mình nhìn lên. Một người đàn bà mặt dầy son phấn có khuôn mặt đúc từ lò của đệ nhất phu nhân Hạnh Phước đẩy cửa bước vào, hai tay chấp lại theo phim tàu miệng tía lia: Hé lô, hé lô bà con, năm mới phát tài … Khỏi cần giới thiệu dài dòng, người đọc cũng mường tượng ra một bà Ba mặt mày dao kéo chỉnh sửa cứng đơ thô rám như tượng bằng sáp, và mồm miệng không để kéo da non. Để tả một nhân vật, đôi khi không cần phải rườm rà từ ngữ, chỉ cần phác hoạ vài nét đặc trưng là người đọc hình dung ra ngay. Tác giả cho biết, khuôn mặt “bà Ba” là tác phẩm được phát hành từ nhà xuất bản Hạnh Phước thẩm mỹ viện. Vậy là đủ. Một khuôn mặt vô hồn chết duyên. Hồi còn đi học, bọn học trò chúng tôi gọi những khuôn mặt loại này là điện trở trơ. Nhà văn Nam Cao (hay Vũ Trọng Phụng, tôi không nhớ chắc) là một trong những tác giả tả chân hàng đầu của nền văn chương Việt Nam tiền chiến. Ông tả người đàn bà rằng “nàng có cái nhan sắc của một người đàn ông xấu trai...” Trời ơi, đàn bà mà có cái nhan sắc của đàn ông thì khó coi rồi, đã vậy lại là của một người đàn ông xấu trai nữa. Nói theo ngôn ngữ bình dân, nhan sắc này thuộc loại ma chê quỷ hờn. Nói theo ngôn từ kiếm hiệp thì gọi là Quỷ Kiến Sầu. Quỹ thấy cũng buồn thì ai mà vui cho nổi? Thêm một trường hợp tả chân khác. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du cũng có một lối diễn tả độc đáo khi giới thiệu mụ Tú Bà: Thoắt trông nhờn nhợt mà da. Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao. Chỉ với hai câu lục bát, tác giả cho ta thấy hình ảnh sung mãn của người đàn bà làm chủ thanh lâu, chuyên nghề kinh doanh thân xác kỹ nữ. Người ta làm “má mì” nuôi em út, sống giữa chốn làng chơi mà hỏi ăn gì cao lớn đẫy đà thì thật là mỉa mai và ... độc hơn thịt vịt xiêm. Ai bảo các cụ ngày xưa không thâm?

Trở lại với bút ký của chị Lộc Tưởng. Dù đã lìa xa mấy chục năm khung trời cũ, nhưng chị vẫn mang theo cả một thời thơ ấu, những kỷ niệm từ những bước chân đầu đời. Giựt Giàn là một trong những hồi tưởng lao xao những khuôn mặt một thời tuổi nhỏ đông vui: trẻ con tụ năm tụ bảy ở mấy cây me tây. Đứa dưới gốc, đứa trên cành, mặt mày hớn hở nói chuyện, cười giỡn, múa tay, múa chân, trèo lên, nhảy xuống như bầy khỉ con. Cách diễn tả thì náo nhiệt vui tươi. Sao đọc xong, trong tôi còn đọng lại một chút buồn buồn. Một chút buồn buồn nhớ những gì bỏ lại đằng sau. Quá khứ đã mịt mù theo ngày tháng lưu vong. Đời sống tất bật với mưu sinh xứ người đã nhận chìm một quê hương “hồi đó” vào vùng ký ức.

Để nói về thế sự biến thiên, người Tàu có câu: thương hải biến vi tang điền. Không có ngôn từ nào bao hàm hết ý nghĩa và hay hơn khi nói về sự đổi thay nay vầy mai khác. Một cách thực tế, gần gũi với đời thường, chị Lộc Tưởng nói về Con Kinh Cũ sau thời kỳ vận nước bể dâu. Con kinh Vĩnh An Hà, nối liền giữa hai nhánh sông Tiền và sông Hậu. Người ta lấp đầu kinh phía Tân Châu để xây nhà. Con kinh bị bức tử. Dòng kinh mất dấu. Hình ảnh và cái tên Vĩnh An Hà, từ nay chỉ còn trong trí nhớ của tác giả. Chị bâng khuâng tiếc nuối, Dẫu biết đời không có gì vĩnh cữu, sự vật thay đổi theo năm tháng, người thì sinh sôi nầy nở nhưng đất thì không. Do đó, chỗ ở là nhu cầu của đời sống nhưng lấp một con kinh đã có hằng trăm năm để xây cất nhà cửa thì quá phí công sức của tiền nhân... Hàng trăm năm trước, tâm trạng của người đời xưa cũng không khác người đời nay, khi đứng trước nỗi đời lênh đênh mây chó. Thử đọc bài Sông Lấp của ông Trần Tế Xương (1870 - 1907):
            Sông kia rày đã nên đồng
            Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai
            Đêm nghe tiếng ếch bên tai
            Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Nếu thay hai chữ Sông Lấp bằng con kinh Vĩnh An Hà thì rõ ràng ông Trần Tế Xương đang nói về con kinh mất dấu của xã Châu Phong. Vật đổi sao dời. Giờ đây dòng Kinh Cũ mặt đất đã bằng, chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai. Một hôm nào đó, khách tha hương quay gót tìm về cố lý, trong đêm sâu thẳm mơ màng, thấy hình ảnh con kinh vẫn còn nguyên trong ký ức . Cho nên khi nghe tiếng ếch bên tai, khách bỗng giật minh còn tưởng tiếng ai gọi đò. Bốn câu thơ đã làm ta lặng người xúc động. Chữ nghĩa thi ca tài tình đã đạt tới mức sơn cùng thủy tận!

Đọc bút ký của chị Lộc Tưởng, tôi hay suy nghĩ mông lung, vô tình vượt ra ngoài giới hạn của một bài viết ngắn. Quay lại với chuyện Giựt Giàn. Có lẽ đây là bài viết sinh động và vui nhất trong mùa Vu Lan. Ngoài những nét chấm phá về phong tục tập quán có tính cách địa phương, tác giả nói về bà Ba Đen, một nhân vật điển hình và rõ nét nhất, không chỉ trong bài viết mà cả trong trí nhớ tác giả nữa : bà có tiệm hàng xén, có người gọi tiệm tạp hóa, rất hung dữ. Muốn giựt nợ của bà chỉ khi nào nằm xuống lỗ. Nếu không, dù bệnh liệt giường còn chút hơi thở vẫn nghe giọng chanh chua đòi nợ của bà. Đối với người sống bà đanh đá bao nhiêu, đối với người khuất mặt, bà hiền lành bấy nhiêu. Tối nào bà cũng đốt nhang cúng lạy, ngoài đường cúng trời, trong nhà cúng phật. Qua vài dòng giới thiệu sơ lược, người đọc đã nhìn thấy một bà Ba Đen rất đáng gờm, vừa đanh đá với người đời, vừa thành kính thờ phượng thiêng liêng. Bà thể hiện hai mặt rõ rệt trong một đời sống. Nhưng đó chỉ là khúc mở đầu thôi. Giai đoạn sau, tác giả đem hết tài năng mô tả một người đàn bà rất ác khẩu. Và nhân vật cũng bộc lộ bản chất ghê gớm của mình: Bà cũng có cúng "cô hồn" với đầy đủ bánh trái như bao nhiêu nhà khác, nhưng không bao giờ chúng tôi được phần, dù một khúc mía sâu của bà. Vì sau khi cúng, bà đem đồ ngon để một bên rồi kêu mấy đứa cháu ra lấy, chỉ còn xôi, cháu trắng, đường thẻ trong nia cho mấy đứa giựt giàn. Có một lần chúng tôi bàn nhau và quyết định đến nhà bà làm một chuyện “để đời”, thấy chúng tôi bà ra lệnh: "Tụi bây phải chờ tao cúng xong chừng nào tao cho mới được giựt biết không?". Chúng tôi ngoan ngoãn trả lời: "Dạ biết". Nhìn cái nia nhà bà nào bánh cấp, bánh cúng, mía "thâm diệu" đỏ bầm, có cả mận và quít (ngon ơi là ngon). Cả bọn nhẫn nại nghe bà khấn vái: "Xin cô hồn các đảng bơ vơ không nơi nương tựa, hữu sinh vô dưỡng, sinh non chết dại, chết bờ chết bụi, chết đâm chết chém, đạn lạc tên bay, xe cán cây đè, rắn mổ rít cắn, thần vòng thắt cổ, một lỗ nhiều thây, hãy về đây. Tôi thật không biết bà Ba Đen học thuộc lòng câu khấn vái này từ trong dân gian truyền khẩu, hay tác giả đặt ra để “hù” người đọc. Lời khấn mà như bài thơ có vần điệu, mỗi câu 4 chữ, ý tứ dồi dào, hình ảnh rùng rợn, toàn là những trường hợp chết dữ. Thử sắp xếp lời khấn dưới hình thức một bài thơ để thấy cái hay và độc đáo của nền văn chương truyền khẩu dân gian. Nếu tác giả tự đặt ra rồi gán vào miệng nhân vật thì tôi lại càng bái phục.
            cô hồn các đảng
            không nơi nương tựa
            hữu sinh vô dưỡng
            sinh non chết dại
            chêt bờ chết bụi
            chết đâm chết chém
            đạn lạc tên bay
            xe cán cây đè
            rắn mổ rít cắn
            thằng vòng thắt cổ
            một lỗ nhiều thây
(thằng vòng, tiếng Hán là sợi dây thòng lọng)
Đoạn trên mới nói về bà Ba Đen thôi. Tiếp theo đây là hành động của những người bạn nhỏ: Ôi! sao bà vái dài quá, tay chân bọn tôi bắt đầu ngứa ngáy. Theo chương trình, chờ bà dứt lời mới ra tay nhưng vì bà vái quá dài nên thằng Hiệp đầu đàn nhịn hết nỗi la lên: "Giựt"! Thế là cả bọn nhào vô thích gì lấy đó, phần còn lại "hất" cho đổ xuống đất. "Đánh nhanh rút lẹ", tôi “ụt ịt” nhất cũng phải ráng sức chạy thật nhanh. Nếu để bà ta nắm đầu là mang họa. Bà vừa rượt vừa chưởi: "Đồ cô hồn sống, đồ có cha sanh không có mẹ dạy, quỷ sứ sao không vặn họng tụi bây chết hết cho rồi, bà nội cha bây, tao chưa lạy xong. Đây cũng là một bài thơ tự do, phát ra từ miệng bà Ba Đen:
            đồ cô hồn sống
            có cha sanh không có mẹ dạy
            quỷ sứ sao không vặn họng tụi bây
            chết hết cho rồi
            bà nội cha tụi bây
            tao chưa lạy xong
Chị Lộc Tưởng không cố ý làm văn chương, nhưng qua vài đoạn trích dẫn trên, chị đã thành công trong loại văn tường thuật, và lối mô tả con người rất ư là sống động.

Đó là những gì rộn ràng diễn ra trong mùa Vu Lan trước cổng chùa Châu Viên, hay trước miếu Tiên Sư. Nhưng bước ra phía sau miếu là một bức tranh hoàn toàn khác. Phía sau miếu Tiên Sư là trường học chỉ có 3 lớp: lớp năm, lớp tư và lớp ba. Mỗi lớp không hơn 20 chục học sinh. Trai gái học chung, Việt Chàm lẫn lộn. Con gái Chàm học hết lớp ba là tới tuổi “cấm cung” ở nhà dệt vải, đan lưới, chỉ được ra khỏi nhà ban đêm, lúc nào cũng phải phủ khăn mỏng che mặt sợ gặp người lạ.  Còn con trai Chàm làm nghề đánh cá, bán chăn xà rông hoặc bán lưới.  Học sinh Việt Nam chỉ cần biết đọc biết viết. Nhất là con gái phải ở nhà giúp gia đình cơm nước, giữ em, trưa thì đội khoai lang, khoai mì hoặc mía khúc đi bán dạo. Do đó khi qua chợ học lớp nhì thì chỉ còn vài que.  Tác giả cho ta thấy một xã hội nghèo nàn với cuộc mưu sinh vất vả. Những đứa bé Chàm chưa kịp trưởng thành thì trên vai đã bị đè nặng bởi việc mưu sinh dệt vải, đan lưới. Và con trai thì làm nghề đánh cá, bán chăn xà rông, hoặc bán lưới. Trẻ em Việt Nam cũng không khá hơn trẻ em Chàm. Đời sống cùn mằn nghèo khổ, làm người ta cam phận, không dám nhìn cao hơn những bữa ăn đạm bạc hàng ngày. Cha mẹ quan niệm con em chỉ cần biết đọc, biết viết là đủ. Con gái phải ở nhà giúp gia đình cơm nước, giữ em, trưa thì đội khoai lang, khoai mì hoặc mía khúc đi bán dạo. Tôi nghiệp thì thôi! Thân phận những đứa bé Chàm, bé Việt qua ngòi bút của chị Lộc Tưởng làm người đọc không khỏi động lòng trắc ẩn. Viết tới đây, tôi nhớ lại một câu nói “để đời” của ngoại tôi: “Con gái học nhiều chỉ để viết thư tình cho trai, chứ ích lợi gì!” Hết đời ngoại, đến đời má tôi cũng chẳng khá hơn. Má nói, sở dĩ cho tôi đi học là để cầm chân tôi trong lớp, khỏi chạy nhảy phá làng phá xóm. Lạy trời, nhờ má cầm chân mà hôm nay tôi có được chút chữ nghĩa để viết bài này.

Chị Lộc Tưởng với lối văn bình dị như người kể chuyện, chuyện cũ chuyện mới đan lẫn vào nhau như một bức tranh nhiều màu sắc. Chuyện mới là một cái nhìn rất bình thường của những người Việt xa xứ về một quê hương thứ hai. Mùa thu vùng Đông Bắc, Xúm nhau mua gạo, Bầu cử tổng thống Mỹ, Nghề nơi xứ lạ ..., (và những chuyện khác) là những chuyện mà tôi muốn dành cho người đọc, với những nụ cười nhẹ nhàng ý nhị mà tác giả trang trải qua từng trang bút ký. Trong một bài viết ngắn, tôi không thể cầm cờ chạy trước tác giả, và chiếm nhiều trang của chị.

Chuyện cũ thì đã chìm sâu vào quá khứ, bây giờ chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm dù vui hay buồn, nhưng khi nhắc lại cũng làm ta ngậm ngùi thương nhớ.
            Còn tìm đâu tìm đâu mái nhà
            Còn tìm đâu ngôi trường cũ mến yêu
            Còn tìm đâu mây buông tóc xoã
            Tìm đâu em thơ nho nhỏ
            Tìm đâu tuyết sương mẹ già.
Tôi mượn lời bài nhạc Về Thăm Đất Mẹ của Anh Việt Thu (1939 – 1975) để kết thúc bài viết này, và cũng để nói lên tâm trạng của tôi khi đọc những bài hoài niệm quê hương xưa của chị Lộc Tưởng.

Lâm Chương

No comments:

Post a Comment