Sunday, May 11, 2014

BẢO NHAU NGÀY ẤY VU LAN



tùy bút Nguyễn Thị Khánh Minh




                                                 Mẹ yêu con. Tranh Bé Ký


Cùng các con chương chương hạnh kimmy, nơi, trái tim mẹ biết được nhịp ấm áp của tình mẫu tử…

M is for the million things she gave me
O means only that she’s growing old
T is for the tears she shed to save me
H is for her heart of purest gold
E is for her eyes, with love-light shinning,
R mean right, and right she’ll always be,
Put them all together, they spell “Mother,”a word that means
the world to me.
(Howard Johnson)
Vào ngày Mẹ, cách đây mấy năm, cậu con út 17 tuổi đã mua về cho tôi một tấm gốm trang trí, có hàng chữ God could not be everywhere and therefore He made Mothers, thằng bé ít biểu lộ cử chỉ trìu mến với mẹ, cũng có cách để lấy trái tim, nước mắt mẹ ra đến thế, làm tôi nhớ mẹ tôi ở quê nhà, nhớ con trai lớn đang xa bên trời Tây. Cảm ơn con trai nhỏ, cho mẹ những hạt nước mắt ấm vui trong Ngày Của Mẹ.
Tận cùng hạt lệ mẹ
là nước mắt con rơi
tận cùng tiếng cười mẹ
là nụ cười con vừa mở
và con ơi
tận cùng hư vô mẹ
sẽ một ánh nhìn theo con. trở lại

(ntkm)

…Vào năm 1858, tại quê nhà của mình ở West Virginia, Anna Reeves là người phụ nữ đầu tiên tổ chức một buổi lễ Mother’s Work Day (kiểu như là Ngày Nhớ Công của Mẹ), mục đích là để tăng nhận thức của mọi người về vấn đề an toàn vệ sinh. Vào thời kỳ nội chiến, bà đã mở rộng phạm vi Mother’s Work Day ra nhiều vùng miền hơn, để tăng cường vấn đề an toàn vệ sinh cho cả hai bên tham chiến. Tới năm 1905, Anna Reeves Jarvis đã qua đời và con gái của bà, Anna Jarvis, đã tiếp tục sự nghiệp của mẹ. Anna đã thề trước mộ mẹ rằng cô sẽ tiếp tục cố gắng hoàn thành ước mơ của đời bà là tạo ra một ngày quốc lễ để vinh danh những người mẹ. Năm 1907, Anna đã tổ chức một chiến dịch gửi tặng những bông hoa cẩm chướng trắng cho những người tham gia hội họp ở Nhà thờ của mẹ mình ở West Virginia. Năm 1908, nhà thờ đã đồng ý yêu cầu của Anna về việc tổ chức một ngày chủ nhật đặc biệt để vinh danh những người mẹ. Truyền thống này đã được lan rộng ra nhiều nhà thờ của cả 46 bang vào những năm sau đó. Năm 1909, Anna đã khởi một chiến dịch viết thư cho những chính trị gia, các mục sư và các thị trưởng yêu cầu hỗ trợ một ngày quốc lễ dành cho mẹ. Năm 1912, những nỗ lực của Jarrvis đã đi tới thành công: Quê nhà West Virginia của cô đã công nhận một ngày lễ chính thức dành cho mẹ. Hai năm sau, Quốc hội Mỹ đã thông qua một Nghị quyết chung, được ký bởi tổng thống Wilson, dành một ngày Quốc lễ dành cho mẹ. Từ đó trở đi, ngày lễ này đã ngày càng trở thành một ngày lễ lớn được nước Mỹ tổ chức hàng năm vào ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5.” (hoasaigon.com.vn)
…mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng…
(Đỗ Trung Quân)
Việt Nam mình không có một ngày riêng cho Mẹ. Nhưng có một mùa, gọi là Vu Lan, rằm tháng 7, còn gọi là Mùa Báo Hiếu, vào dịp này, theo một nếp rất đẹp từ Thiền Sư Nhất Hạnh, mọi người đến chùa, gắn một bông hồng đỏ cho những ai còn mẹ, và bông hồng trắng để tưởng nhớ mẹ đã khuất. Tôi nhớ, ở tiền đình chùa An Lạc năm ấy, mẹ mặc áo dài lam, đứng gắn cho tôi một bông hồng đỏ, tôi cười rạng vui. Tôi gắn lên áo mẹ một đoá hồng trắng, mắt mẹ rớm lệ.
Và lúc này, đang mùa hiếu hạnh, tôi nhớ một bài viết của tôi ngày trước, dùng làm lời dẫn trong một CD thơ về Mẹ của nhà thơ Trụ Vũ. Sao lại không. Thêm thắt chút đỉnh, ghi vào đây, để tặng mẹ, để được thấy hạt lệ hay khóc của mẹ, mẹ với nước mắt không biết ai rủ ai khóc trước? Con mong con làm được một điều vui trong triệu điều nhọc nhằn mẹ đã làm, một hạt lệ hạnh phúc trong tỷ giọt nước mắt lo lắng Mẹ đã rơi, vì đàn con. Mẹ ơi. Vậy hãy đọc cùng con nhe Mẹ.
Bảo nhau Ngày Ấy, Vu Lan… (Tựa CD Thơ Trụ Vũ)
Từ thuở mà hiếu tâm Mục Kiền Liên nhấn lên dây thời gian một nốt nhạc rúng động, có một ngày tên gọi Vu Lan. Ngày rằm tháng bảy, kỷ niệm Người xuống ngục A Tỳ cứu mẹ, từ ấy người con Phật lấy ngày này làm cái mốc nhắc nhở hiếu tâm, một ngày có sắc có hương, hương của tấm lòng báo hiếu, sắc xanh ấm của ánh nhìn xuống yêu thương. Âm thanh của muôn triệu trái tim người con mở ra rộn rã để bày tỏ cũng như đón nhận món quà thiêng liêng: Tình Mẹ.
Thử trông lên mầu xanh của bầu trời, ta thấy có đâu là biên giới? Tình Mẹ đấy
Thử nhìn ra biển khơi, ta có biết bao giờ vơi ? Lòng Mẹ đấy (Hát đi cùng tôi, Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình… Nhạc lời Y Vân)
Xin lắng lòng lại mà nghe muôn ngày trong chuỗi thời gian là muôn Vu Lan. Để tâm niệm, lòng hiếu hạnh.
Trong mỗi trái tim
Của mỗi con người
Có mẹ trong đó
Hóa sinh đất trời

(Trụ Vũ)
Một tấm tình thương không tính được bằng tháng bằng năm, một tấm tình thương bao la rộng khắp, mỗi mỗi bước ta đi đều chắp lên từ chắt chiu tình mẹ, mỗi bệ phóng cho tầm cao của ta đều bật lên từ đôi cánh của lòng mẹ, cái hạnh phúc ấy được thể hiện từng giây từng phút sống động và do đó mà mọi vật hiện hữu, thì làm sao có thể nói rằng vũ trụ là hư vô, mọi sự gặp gỡ, chia xa chỉ là tình cờ? Cho tới khi nào ngọn lửa trong tim ta còn cháy đỏ thì tình mẹ mãi mãi, hiện có. Và thời gian vĩnh viễn, Ngày Của Mẹ.
ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng

(Đỗ Trung Quân)
Mẹ ơi. Chỉ một lời gọi mà trùng trùng giây tơ cảm xúc bật reo trong ta, như trên đường dài nắng bỏng ta được cho một ngụm nước mát, như trong cô quạnh bóng đêm có một giấc mơ đẹp cầm tay dắt ta đi, như vòng tay mở rộng đỡ ta khi hụt hẫng khổ đau, như trong bung nở niềm vui có nụ cười dõi theo âu yếm, vì thế mà biết bao người trong phút giây ngã xuống đã bật lên tiếng gọi “mẹ ơi”, như một linh ngữ để tìm về nương tựa. Mẹ ơi, sao hai tiếng toàn năng đến thế, phổ độ đến thế!
Vũ trụ tàn hơi
Trong nỗi đau đời
Mỗi một tiếng lời
Con gọi: Mẹ ơi!

(Trụ Vũ)
Cung bậc rưng rưng mở tới được vô cùng nơi tiếng gọi ấy là âm thanh đập theo từng nhịp tim hiếu tử. Nó bỗng thành nhạc, thành thơ, chỉ cần nhịp tim ấy reo lên thì trời đất hoà âm, chỉ một hạt lệ trong trẻo ấy nhỏ xuống thì nghìn xanh của đại dương rung động.
Con nhìn mãi giọt lệ khô chan chứa
Biển rền vang, núi đồng vọng mênh mang
Ôi thời gian ôi thời gian
Con ôm mẹ giữa chiều ngân giọng sáo

(Nguyễn Lương Vỵ)
Nói về mẹ là nói đến cái vô cùng, ai có thể tả cái vô cùng? Ai có thể vẽ cái vô cùng ? Mọi lời nói về mẹ như thể một tôi bé nhỏ rụt rè đang đối diện với bao la, mỗi giây phút thể hiện tình mẫu tử làm cho vạn vật thấy bình an kỳ diệu, hương cau sau hè quấn quýt bên lời ru ạ ời của mẹ, có trú ẩn nào hơn cõi lòng ấp ưu của mẹ, có từ bi nào đẫm lệ yêu thương và hạnh phúc hơn từ bi tim mẹ, để bước chân con sau bao sóng gió tìm về nương náu?
Mẹ là ngôi chùa nhỏ
Đón con về nương thân
Mẹ là đôi mắt tỏ
Tha cho con lỗi lầm

(Nguyễn Đức Cường)
Cái hiện thực ta đang sống cùng, tận chia sẻ, tận thọ hưởng là chính sinh mệnh ta đây, mà cha mẹ, người tạo tác ra, chăm chút cho, rồi trao lại cho nó sinh mệnh của mình, thì thử hỏi không đâu trên cõi ta đang hít thở này lại không có lòng chở che cũng như phó thác của mẹ? Và có phải vì thế đã đánh thức được ở mỗi người sự trân trọng sinh mệnh mình, sinh mệnh người, cùng thấy được sinh mệnh muôn loài lấp lánh…?
Sinh mệnh mẹ đâu còn
Chỉ còn sinh mệnh con
Mẹ chuyển giao sinh mệnh
Từ bi hỷ xả tròn
(Trụ Vũ)
Từ nơi không bắt đầu không chấm dứt này, miên man nụ cười và hạt lệ mẹ, từ bóng cò cô đơn ngoài ruộng đồng, từ ánh sao trên trời đêm, từ bóng tỳ khưu trên đường dài, từ giấc mơ trên cánh biếc ca dao, từ những nỗi oan khiên nơi cõi trầm luân này, đều thấp thoáng bước về của mẹ. Cõi mênh mông của không gian đâu ngoài ánh nhìn của mẹ, chốn vô cùng của thời gian cũng chỉ vừa một nhịp đong đưa dưới bàn tay ru nôi của mẹ.
Con nhìn mãi chiều thu xanh xanh lắm
Tiếng khóc xanh, xanh đất ấm trời êm
Như lá nõn như cành non mướt đêm
Mẹ ấp ngực ru con theo dòng sữa

(Nguyễn Lương Vỵ)
Và Mẹ ơi bao nhiêu trời đất Mẹ, thì bấy nhiêu đất trời ấy tâm con hướng về. Và vì Mẹ đã Quán Thế Âm, cho nên Mẹ, đã là một biểu tượng đầy thuyết phục cho một niềm tin mãnh liệt để con yêu thương, kiêu hãnh, nương tựa, sống còn.
Muôn đêm rằm Mẹ để muôn lời thơ trên thế gian này theo đó, sáng trăng.
Mùa Vu Lan,
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH

No comments:

Post a Comment