Thực ra,
lá như ráng níu lại chút xanh, và vì níu lại nên có vẻ chặt hơn, xanh hơn lên mà
thôi. Bởi vì rất nhanh, lá bỗng vàng rượm, vàng rực, vàng tía, vàng buốt… và
bầu trời rộng ra, thênh thang, yểu điệu kỳ cục. Mới mấy ngày thôi mà cây cứ tô
dần tô dần cái màu vàng buốt, óng ả, rực rỡ chen lẫn với xanh đậm, xanh lợt
mong manh đó… và sáng hôm sau, rơi từng lá từng lá tràn ngập các lối đi.
Thu ở
Boston hình như lạ hơn thu ở những nơi khác trên nước Mỹ, nên hàng năm cả nước
Mỹ hành hương về Boston giữa mùa thu vàng. Họ không gọi Autumn – mùa Thu, mà
gọi Fall – mùa Rụng, bởi vì chỉ có lúc
lá rụng bời bời như vậy người ta mới thấy hết được nỗi vui mừng, nỗi xót xa,
nỗi buốt nhớ… không rõ vì đâu. Và vì Fall, người ta dễ “fall in love” có phải,
vì vậy mà người qua đường như cũng đẹp thêm ra, luộm thuộm thêm ra với lụa là
gấm vóc, không còn nhếch nhác mùa hè mà cũng chưa cục mịch mùa đông. Tôi chưa có
lần nào được sống thu như vậy, hoặc là chỉ sống với mùa thu sách vở, tưởng tượng
ra cái mùa thu không có thật giữa miền Nam mưa nắng hai mùa nên tôi cứ lang thang,
lang thang mà dòm cho hết cái thu của Boston. Và tôi bỗng nghe. Vâng, lúc đầu tôi
chỉ định dòm thôi nhưng tôi bỗng nghe, không phải là tiếng quạ kêu quang quác
thảng thốt, cũng không phải tiếng chim cu gù rúc rúc quyến rũ mà là một thứ
tiếng lạ, tôi chưa từng nghe bao giờ, tiếng thu. Và tôi giật mình nhớ Lưu Trọng
Lư. Chính Lưu Trọng Lư chứ không phải ai khác. Em không nghe mùa thu. Rõ ràng thu không phải để dòm, để ngó, để
ngắm, để nghía… mà chỉ có thể để nghe. Mà cũng không phải để nghe tiếng, dù là
tiếng lá rụng mà để nghe mùa. Cái tiếng mùa đi, mùa về, cái tiếng đời của mỗi
chúng ta. Nó ở trong không gian dằng dặc, đùng đục thênh thang kia, và ở cả
trong thời gian hun hút, héo hon rơi rụng nọ, một thứ “tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi…” (TCS) đó chăng.
Tôi bước
đi từng bước nhẹ dưới những vòm cây và nghe cho hết tiếng thu về. Dưới chân mình
là từng lớp lá rụng, bước chân bỗng như hẫng đi và tôi chợt ngơ ngác. Thấy mình
như không còn là mình nữa. Hay mình là nai? Có thể chứ? Con nai vàng ngơ ngác của Lưu Trọng Lư? Và… Ơ hay… Có lẽ nào… Hay
cũng chính là… Cũng có thể là… không hề có một con nai nào cả, mà nhà thơ, chính
nhà thơ là nai! Thôi rồi, đừng có hòng mà giấu giếm gì nữa nhà thơ ơi! Chính nhà
thơ là con nai vàng đang bước đi từng bước huyễn hoặc ngơ ngác đó thôi, sao lâu
nay cứ làm cho người ta tưởng là có một con nai thiệt, đến nỗi trong một bài
dịch thơ sang tiếng Mỹ, người ta cứ dịch con nai là con nai, có tội nghiệp không
chứ! Phải rồi chính nhà thơ mới là con nai, một con nai ngơ ngác, nghe tiếng mùa
yêu và fall in love. Với ai, vì sao nên
nỗi? Có phải cái tiếng thổn thức, cái tiếng rạo rực của ai kia đã một hôm thu làm
cho chàng thi sĩ trẻ tuổi trở thành một con nai, lang thang dẫm ngập lá vàng,
hẫng bước đi mà chẳng biết về đâu, vì sao…
Đỗ Hồng
Ngọc
(Boston,
1993)
No comments:
Post a Comment