Saturday, May 4, 2013

TƯỞNG NIỆM TRẦN PHONG GIAO


Nguyễn Anh Khiêm

                                                       TRẦN PHONG GIAO 



Tên thật Trần Đình Tĩnh. Sinh năm 1932. Mất tại Sài Gòn ngày 13 tháng Tư, 2005. Thọ 73 tuổi.
Trước 1964, làm Tin Sách của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam.
1964, tổng thư ký tạp chí Văn.
1972, rời Văn, làm tờ Chính Văn với Nguyễn Mạnh Côn.
Đầu năm 1975, giữ mục Giải Đáp Thắc Mắc Văn Học tờ Thời Tập của Viên Linh.

Tác phẩm:
Ngồi lại bên cầu
Nửa đêm thức giấc.

Dịch phẩm:
Guồng Máy [L’Engrenage] của Jean-Paul Sartre
Sứ Mệnh Văn Nghệ, diễn từ Nobel Văn chương của Albert Camus
Sự Đã Rồi [Les Jeux Sont Faits] Jean-Paul Sartre [dịch chung với Nguyễn Xuân Hoàng]
Dưới đây là bài Tưởng Niệm của Nguyễn Anh Khiêm




Ngày giỗ Trần Phong Giao, xin ghi đôi dòng tưởng niện người làm báo văn học giỏi nhất, có công thầm lặng quảng bá văn học miền Nam qua tạp chí VĂN nổi tiếng một thời.

   "...Trên đường đến trường thời gian 77,78... mỗi sáng xuống dốc cầu Kiệu tôi đều thấy anh Trần Phong Giao lom khom bưng hủ tiếu cho khách, bà vợ tần tảo của anh kê mấy cái bàn nhựa trên vỉa hè bán quà sáng, anh thì lầm lỳ tự nhiên bưng tô rửa bát, có vẻ chu toàn bổn phận như lúc còn làm thư ký toà soạn báo Văn. Buổi chiều tôi ghé chơi thì thấy anh chăm chút ngồi lựa hột cỏ và cát sạn trong gạo, tập trung cao độ, kỹ càng như lúc chọn…thơ cho báo Văn. Có khi đó là trò giải trí thảm hại giết thì giờ cho một quãng đời thừa trống trải. Nhớ lại, một bữa anh chạy xe đạp vào xóm Cô Giang kiếm tôi, cho tôi xem qua cuốn thơ mỏng của Cao Tần in bên Mỹ. Anh bảo:
    - Cậu đọc qua, thử đoán Cao Tần là ai.
   Tôi đọc vài ba bài đầu, nói với anh:
     - Lê Tất Điều phải không anh?
   Anh nói trống không:
     - Đoán khá lắm.
    Tôi nói với anh kiểu hài hước làm người ta cười mà rưng rưng cảm động chẳng ai qua nổi Lê Tất Điều. Tôi kể với anh tôi đã khóc khi đọc chuyện ngắn “Anh Em” của Lê Tất Điều. Mai kia phải đem vào sách giáo khoa làm điển hình cho nghệ thuật tả tình huynh đệ cao đẹp lay động lòng người. Trần Phong Giao nhắc tới Đặng Tiến với lòng ưu ái, anh bảo Đặng Tiến phê bình thơ miền Bắc rằng mấy chục năm sa mạc thơ nên bị đám văn nghệ ngoài đó ghét dữ. Nếu anh còn sống đến nay thì biết Đặng Tiến dường như không quan niệm như vậy nữa. Anh nghĩ trúng ý tôi là văn xuôi Thanh Tâm Tuyền hay hơn thơ của ổng nhưng bảo “nó” làm biếng viết ghê lắm, thúc hối mãi mới có bài.
     Một bữa tôi ghé anh chơi gặp nhà văn Võ Hồng vừa ở Nha Trang vào. Anh đọc cho chúng tôi nghe bài thơ ngạo đời rất thú vị của cụ Toan Ánh:

                                                    Trường Chay
                                            Ớt chẳng, gừng không, vị vẫn cay,
                                            Nhờ ơn trời đất được trường chay.
                                            Rau đay, rau muống quên thời thế,
                                            Khoai ngứa, khoai lang lấp tháng ngày.
                                            Quen thói dạ dày chê cá thịt,
                                            Đói lòng thân xác sợ mưa mây.
                                           Tòa sen đức Phật cười khen giỏi,
                                            Ngày trước tao tu cũng giống mày.

   Trần Phong Giao lâm bệnh, mổ ở bệnh viện 115, tôi vào thăm anh, thấy anh gầy gò nằm thiêm thiếp trên nệm trắng, cô Phong Lan, con gái cưng của ông bà đang chăm sóc, nhìn tôi rưng rưng. Lúc anh về nhà, tôi ghé thăm, mang theo tờ tạp chí hải ngoại có bài ông Trần Thiện Đạo viết khen ngợi công lao anh, anh đọc hững hờ vẻ như không thiết gì chuyện đời nữa khiến tôi nhớ tới nhân vật ông bác của Võ Phiến trong một truyện ngắn, đọc rồi không quên. Tôi nói ông Thanh Tâm Tuyền gửi lời thăm anh trong thư vừa viết cho tôi, anh nói thế à lạnh nhạt. Chị Phong Giao nói:
    - Chú Khiêm có công mang tới, ông đọc qua loa vậy? Anh chỉ cười cười không nói gì.
    Ông bà dọn về quận 6 ở với cô Phong Lan, xa quá nên tôi ít ghé thăm. Chẳng mấy lâu sau, con trai anh, Phong Nhã, gọi phone báo tin anh mất. Tôi không ngạc nhiên vì biết bệnh anh nan y nhưng vẫn bất ngờ vì thấy anh có vẻ ổn nên tin ít ra cũng được vài năm. Tôi chạy qua quận 6 lúc chưa tẩm liệm, tôi xót lòng không cầm được nước mắt thấy một gương mặt đàn ông tóp teo lạ hoắt cùng một thân thể khô quắt cứng đơ, hoàn toàn không dấu tích gì của Trần Phong Giao ngày trước. Đời người đoạn kết ai cũng thảm thiết vậy sao?

NAK


No comments:

Post a Comment