Monday, May 20, 2013

Đoản văn Lưu Na


TẬN CÙNG





Khi những ngày lễ Mẹ qua đi, một lúc nào đó tôi chợt nhận ra mình cứ vương vấn nghĩ hoài đến Ba dù tháng Năm chưa qua hết.

Tháng Năm là tháng của những cành hoa tim tím bé xinh xinh _ dẫu tôi biết Jacaranda không phải là loài hoa được nhắc đến trong bài hát đó.  Giữa những ngày nóng gắt cho mùa hè sắp tới sẽ là những ngày xám ướt ủ ê, để hoa tím được đong đưa trong gió, được rơi lả tả tím ngát con đường rợp bóng cây.  Tôi mang máy hình lên xe, định tâm đi tìm những cành hoa tím rồi không hiểu sao lại về nơi dốc đồi nghiêng.  Ngồi dưới trời bao la, nhìn những chiếc máy bay nhỏ lên xuống lượn vòng vèo như đua chen với những lằn xe cộ nhung nhúc bên dưới tôi nhớ những ngày về lại quê nhà để tang Ba. 

Ba qua đời đã lâu, kể như là lâu lắm.  Tôi về, xác Ba ngay ngắn trong hòm đã đóng chặt với một khung kính vuông cho người xa về được thấy mặt.  Màu da dường như vẫn tươi, râu vẫn còn nhú ra lún phún.  Sự sống, không phải mình chết đi là hết cả hay sao? 

Tôi quanh quẩn bên quan tài chứ không đi đâu vì tôi vẫn là kẻ lạ trên quê mình, không chỉ là nỗi cảm nhận mà còn là những ánh mắt tò mò của nhà phường đám ma mà tôi bắt gặp.  Mỗi khi họ hàng chòm xóm người quen ghé thắp nhang, tôi vẫn theo đúng thủ tục lạy trả để người chết không mang nợ ai.  Có người những người nghiêm trang mặc niệm rồi thắp nhang vái lạy, có những người cắm nhang vào bát hương rồi mới quỳ xuống lạy.  Mỗi một cách lạy cho tôi biết một chút về người đến viếng, tôi nhận ra mình cũng đã chân thành đáp lại theo đúng cung cách thọ nhận.  Nghi lễ, khi được làm với trọn lòng cho tôi biết ý nghĩa của thành kính. 

Khi xác Ba đã về lại bụi tro, Ba được đưa vào chùa Vĩnh Nghiêm nơi Ông và Cậu đã ở sẵn.  Mỗi sớm mai khi trời còn trong mát, tôi đạp xe một vòng.  Ra khỏi đầu hẻm thì quẹo phải xuôi xuống đường Trương Tấn Bửu. Con đường hèm hẹp cong cong, dù rộn ràng người đi chợ đi làm cũng vẫn gieo chút bình an trong lòng đứa con gái quê mùa.  Ra tới đường Công Lý thì lại quẹo phải, băng qua cầu vào chùa Vĩnh Nghiêm.  Tôi vào tháp cốt, loay hoay tìm Ba tìm Ông tìm Cậu.  Rồi tôi lại đạp xe xuống Sài Gòn, băng qua những hàng cây những con đường rộng phẳng trước khi lao vào dòng xe cộ ồn ào đầy ối người buôn bán làm ăn.  Tôi quẹo xuống Thủ Khoa Huân, quanh co những con đường nho nhỏ mà đi mãi lúc còn nhỏ bây giờ không nhớ được tên, rồi về lại Trương Minh Giảng.  Đạp xe dưới hàng cây cao và luôn luôn quẹo phải thành ritual hằng ngày, cho đến khi tôi về lại nơi mình đang sống.  Đó là những lúc tôi triền miên nhớ những kỷ niệm vụn vặt nho nhỏ chả ý nghĩa gì lúc Ba còn sống, những chi tiết thật là tào lao mà không hiểu sao tôi vẫn nhớ hoài.  Tôi đạp xe dưới những hàng cây, tưởng như trong mỗi chiếc lá có mắt của Ba nhìn xuống, tưởng trong tiếng lá lao xao có tiếng Ba sắp nói một chuyện vớ vẩn gì đó chỉ với riêng tôi.

Phải nói rằng chúng tôi không thích Ba lúc Ba còn sống.  Ba Má luôn cắn đắng cãi nhau.  Má luôn lớn tiếng phản đối, Ba luôn lẩm bẩm chì chiết đắng cay, và các con luôn theo phe Má quật cường can đảm gồng gánh để chống đối Ba nhu nhược ích kỷ.  Cũng là rituals, những rituals buồn bã trong tuổi thơ tôi.  Ở giữa cái hỗn loạn của đời sống, tính cách của Ba như những giọt nước chầm chậm từ từ và kiên trì.  Ba thủng thỉnh sống cái cách của riêng mình mặc cái chuyện vợ con nghĩ sao.

Nhưng không chỉ có vậy, những điều tôi nhớ về Ba.  Khi Má cằn nhằn Ba vụng về mua trật cỡ cái vòi nước, Ba phân bua với tôi nó bằng đồng thiệt _ Ba giải thích sao tôi không nhớ, nhưng tôi hiểu, tôi đồng ý và thấy như cái lỗi vụng về kia có chỗ để cảm thông.  Như khi Ba nói tại sao Út Bạch Lan được gọi là Sầu Nữ, chỉ cho tôi nghe cái buồn thương tự nhiên trong giọng hát, tại sao giọng Hoàng Oanh trong và khỏe nhưng ngâm thơ không thể hay hơn Hồ Điệp, hay lẩm cẩm hơn là tại sao mình không nên phơi quần áo ngoài sương qua đêm, tại sao Ba thích ăn cơm thố với canh cải xanh dù tiệm Tàu có nhiều món ngon đặc sắc thịt thà…  Những chuyện vụn vặt đó cho tôi thấy một tâm hồn mẫn cảm, mà mấy mươi năm sau tôi mới đủ hiểu biết để nhận ra rằng tâm hồn nghệ sĩ không phải ở văn hóa cao ở tài năng lớn hay dồi dào.  Những điều vụn vặt đó là bước khởi đầu cho tôi hiểu khác biệt giữa nghệ thuật và mỹ thuật.  Tôi ngờ Ba cũng là một “tiếu tự thư sinh lạc đệ thì…,” cũng chỉ là một nhà nho lạc thời lạc quẻ mà chẳng may cái tật lạc quẻ đó đã truyền xuống cho tôi.

Như bây giờ, tôi đi tìm hoa tím mà lại lạc quẻ về nơi dốc đồi nghiêng để lòng tơi tả nghĩ tới những điều đã cũ đã qua và không thể nào khác.  Chắc chắn ở một nơi nào đó người ta đã trồng cây hoa tím, nhưng nó phải nở phải rơi mỗi tháng Năm.  Và nó phải màu tím.  Như Ba phải là Ba, lỡ phận lỡ thời.  Khi hoa tím rơi xuống, khi Ba nằm xuống, một phận một đời qua đi trọn vẹn, và chỉ khi xế bóng khi đã sống qua nhiều nỗi muộn phiền tôi mới hiểu được cái điều không nói nơi cách sống của Ba.  Bây giờ, dẫu muốn từ bỏ cõi đời tôi cũng sẽ như Ba, sống trọn cái phận mình đã sinh ra dẫu thế nào mặc dầu, sống cho hết kỳ hoa nở, hết phấn hương, hết mọi nỗi nhọc nhằn.  Dẫu đời nhẹ khôn kham, dẫu kiếp nhân sinh rất nhẹ, sự sống là một điều to tát lớn lao mà tôi e rằng chỉ khi sống trọn vẹn phận mình mới may ra hiểu được cái đẹp cái huyền nhiệm.

Nơi dốc đồi nghiêng tôi tưởng thấy muôn cánh hoa tim tím bay bay trong gió phủ tím mặt đường, lòng da diết nhớ…

Con đường em về năm xưa
Có biết hay chăng bây giờ
Hoa tím thôi không chờ nữa
Chỉ còn ta đứng dưới mưa…

Tôi nhớ Ba.

Lưu Na
05/16/2013

No comments:

Post a Comment