Monday, December 30, 2013

THƠ NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH

n xưa
 
 
                                                                   Tranh Chagall
 
 
Về.
Khép cánh cổng
Mệt mỏi. Phiền muộn. Cô đơn. Và hình như đãng trí
Quăng đâu đó chiếc chìa khoá
Vườn thở dài
Về.
Đóng đinh ngày tháng trên bước chân
Chiều rất im.
Vườn rất vắng.
Giọt vang đáy ly. Quánh đỏ hoàng hôn. Sẽ không bao giờ uống cạn nữa. Cùng ai.
Đêm khép buồn. Trăng ơi. Khuôn mặt dấu yêu xa
Không còn tiếng cười nào bay ra khỏi khung
Im lặng ngần ngại
Một bức tranh bóng tối
Cây thở bằng âm thanh không còn ngân vang của đoá loa kèn
Những hạt bụi trăng buồn bay. Khô trên môi người
Người vẫn ngồi
Âm u dưới một gốc cây hoa đỏ
Cây rất già
Chiếc ghế rất cũ
Vườn rất xưa
Dòng thời gian ngược trôi
Nỗi nhớ nung một tượng đài. Rờ rỡ. Quyền năng
Dưới bóng mây của Hôm Qua
Người đã quên tất cả
Khi chuông mùa Đông đổ
Khi tiếng chim ngày cũ kêu đỏ trong mưa
Người tan vào nơi không có Hôm Nay hay Ngày Mai
Dưới chân trôi qua bao mùa lá cháy
 
...  

Ở cuối vườn mặt trời đang lên
Tiếng chim hót sáng
Nó hót. Nó hót. Nó giục giã
Đặt vào tay người chiếc chìa khoá nhặt lên từ bụi cỏ
Này, hãy mở cánh cổng thời gian
Ngoài kia có một Hôm Nay chưa là quá khứ

NTKM
12.8.2013

 

TẠP BÚT LƯU NA

Mê nhạc sến
 

 
 
Ngày vọng Giáng Sinh, tôi đi làm vừa đánh máy vừa khóc lai rai.  Tôi khóc phụ anh chị em đài Radio Bolsa vừa mất đi Việt Dũng, tiếng nói đã gắn kết những người lưu lạc lại với nhau như một thứ keo hồ.  Tôi khóc phụ Minh Phượng, cái tên đã kết với Việt Dũng như một tên kép, lòng nghĩ thầm đến cặp bài trùng Eugene Siskel và Roger Ebert trên TV show.  Hồi đó khi Siskel qua đời, Ebert đã im tiếng một thời gian, mọi người ngậm ngùi chờ đợi và thở phào khi Ebert trở lại ngồi vào ghế điểm phim nối tiếp…  Bây giờ, Minh Phượng qua một vài ngày đã cố cất tiếng dù trong nước mắt, sao tôi không cảm thương được chứ. 

Tối đến tôi lại khóc, vì một chuyện khác.  Tôi khóc nức nở, khóc um sùm, khóc sưng cả mắt rồi ngủ thiếp đi.  Sáng dậy vừa mở mắt tôi lại khóc.  Ngày Giáng Sinh không lẽ chỉ khóc.  Tôi ra máy tìm đọc lơ quơ cho qua ngày rồi sửa soạn đi lễ.  Tôi đến nhà thờ ngay gần nhà mà rất ít khi tới vì đã quen đi nhà thờ Tam Biên.  Bắt đầu bài giảng, cha bỗng hát 4 câu nhạc do ông viết khi còn trẻ dù bây giờ thì ông cũng còn rất trẻ.  Bốn câu hát rất mùi mẫn yêu đương, và cha xin các cụ bỏ qua, dù bây giờ chỉ biết có Chúa nhưng những hình ảnh yêu đương nó cứ mò vào đầu thì cũng đâu biết phải làm sao, và nếu có trách thì cũng huề chứ làm gì nhau.  Cả nhà thờ cười với câu nói vui ấy, nhưng tôi thì bừng sống.  Vì mấy câu hát mới nghe lần đầu đó thì cũng vẫn là quen tai với tôi _ nó giống nhạc sến, thứ nhạc tôi hằng mến yêu và đã được phong tặng là đại lý nhạc sến. 

Về, tôi mở trang nhà xem lại bài của Hạ Đình Nguyên về nhạc sĩ Thanh Bình với ca khúc Tình Lỡ và mở link nghe lại bài hát mà tôi đã thuộc năm 13, 14 tuổi.  Hồi đó tôi thấy bài đó hay hết biết, và bây giờ 40 năm sau nghe lại, dẫu âm thanh đã rè tôi vẫn thấy nó hay góa chời.  Nhạc sến muôn năm.  Nhưng giữa lúc lơ mơ nhìn khúc phim cũ và nghe Tình Lỡ, tôi chợt thấy sự mâu thuẫn của mình.  Tôi hằng cho rằng Tình Lỡ là nhạc sến và cũng hằng cho rằng cái gì Khánh Ly- Lệ Thu -Thái Thanh- Mai Hương hát thì không phải nhạc sến.  Rồi đọc câu trích “nghe vàng mùa thu sau lưng ta” tôi lại càng bâng khuâng.  Dường như bài nào bắt tai tôi thì là nhạc sến.  Tôi đâm ngờ cái định giá chung chung của mình về nhạc sến.  Thế nào là sến?  

Trong một cố gắng để trả lời cái dốt của mình, tôi nhớ lời bàn của Hoài Nam đất Úc.  Hoài Nam cho rằng cái mọi người gọi là sến (không nhất thiết phản ảnh quan điểm của Hoài Nam!) có lẽ bắt nguồn từ những âm giai hay âm điệu (không biết cái nào đúng) ngũ cung thường thấy trong những ca khúc của các nhạc sĩ ở miền Nam.  Nhưng có giai điệu ngũ cung không đủ để làm nên nhạc sến.  Ngẫm lại tất cả những bài sến đã thuộc, tôi cho rằng nó còn có đặc điểm là nhạc, đặc biệt là lời rất đơn sơ _ một đôi khi đến chỗ ngây ngô, và cũng là những lời bộc lộ tình cảm tha thiết chứa chan, bộc lộ những xúc cảm cụ thể, chứ không phải là những lời ngậm ngùi dấu kín, những lời gián tiếp, những hàm ý, hay bâng quơ.  Như bài Gánh Lúa của Phạm Duy, lời lẽ chân thật êm đềm vui vẻ ý nhị, nhưng tình cảm đó dù bộc lộ cũng không phải là những cảm xúc dạt dào, nó chỉ được gọi là nhạc tình quê hương.  Trường ca Con Đường Cái Quan thì lại có những lời tuy êm đềm tha thiết, âm điệu cũng rất nhịp nhàng dễ nghe dễ hát theo, nhưng ý tứ thì hàm chứa một cái gì đó xa hơn là nỗi lòng của một phút đau thương hờn giận sung sướng vui tươi.   

Một đặc điểm dễ thấy khác của nhạc sến, hay còn gọi nhạc đại chúng nhạc thời trang vân vân, chính là nội dung của nó.  Đa phần là nói về một chuyện tình, và đa phần trong chủ đề chuyện tình đó là những bất hạnh cách ngăn, trực tiếp bởi chiến tranh (anh đi lính em cũng vừa lên mười) hay gián tiếp vì xã hội bất ổn mà nhiều người nghèo, phải tha phương phải phụ phàng nhau…  Gián tiếp hơn nữa, là sự có mặt của những bài nhạc dễ nghe dễ hát ấy đáp ứng một nhu cầu của tầng lớp nghèo khổ chiếm đa số: nhạc và lời mà cao siêu quá khó thưởng thức, chủ đề xa cách với cuộc sống của họ quá thì chả ai buồn nghe.   

Trở lại với Khánh Ly và bài Tình Lỡ.  Tôi vẫn ngoan cố rằng Khánh Ly hát thì không sến, và nếu ai trả vài triệu đô biểu hát nhạc sến có lẽ Khánh Ly cũng không hát được nếu muốn (thử tưởng tượng KL hát câu chuyện tình đôi mươi chan chứa không bao giờ vơi, hay mỗi năm đến hè lòng man mác buồn... xem có muốn ném đá không!!!)  Như vậy, bài Tình Lỡ nếu không là nhạc sến thì nó đã có những đặc điểm gì để tôi khăng khăng như vậy mấy chục năm trời?

Bài Tình Lỡ mang đủ những đặc điểm của nhạc sến: lời giản dị, rõ ý buồn, tiếc thương một mối tình, âm điệu đầy nỗi xúc động.  Nhưng nơi cách hát của Khánh Ly mà cái khác của Tình Lỡ nổi bật: trong những lời giản dị đó còn có những câu gợi suy nghĩ sâu xa về một cuộc đời _ đó chính là những câu Hạ Đình Nguyên trích dẫn Phương trời mình đi xa thêm xa, nghe vàng mùa Thu sau lưng ta, anh ơi anh ơi thu thiết tha.  Ai khác hát hỡi người bỏ ta trong mưa bay thì câu đó cũng chỉ tàng tàng ướt át, chứ không mang cho mình một hình ảnh cay đắng dù nỗi buồn thì chỉ man mác như khi nghe Khánh Ly hát.  Khác biệt chính ở cái giọng hững hờ lành lạnh mà dung chứa nhiều nỗi niềm của Khánh Ly.

Nói vậy chẳng khác nào xác nhận nhạc sến sến vì nó cũng cần một cách hát riêng, cách diễn tả mùi mẫn với làn hơi ngân nga, giọng uốn sao cho hoặc nức nở nghẹn ngào hoặc oán thương buồn hận lộ rõ.  Như đã nói qua, để KL hát Nỗi Buồn Hoa Phượng thì sến không nổi, hư bột hư đường hết.  Với một số bài hát, cách hát của ca sĩ làm bài nhạc trở nên sến hay hết sến, như bài Tình Lỡ, hay Bão Tình do Mai Hương hát trong phim Bão Tình; nhưng cũng có những bài mang bản sắc cố định, hát làm sao cũng không thể thay đổi được đặc tính của nó.  Thí dụ như Ướt Mi rên rỉ mấy cũng không mùi được, mà Căn Nhà Màu Tím thì nghiêm cẩn đến đâu nó vẫn là nhạc mùi mẫn.   

Từ bài của Hạ Đình Nguyên mà tôi còn biết ra một điều, bài Tình Lỡ là nhạc phim Nàng với Thẩm Thúy Hằng vai chính.  Ở chỗ này nhìn lại, tôi mới hiểu tại sao có những bài không những sến nửa chừng (như hai bài vừa nhắc) mà lại còn mang chút gì rời rạc, một câu chuyện không đâu ra đâu chứ không gọn gàng chặt chẽ như những bài nhạc sến khác, thí dụ Áo Em Chưa Mặc Một Lần…  Cái chỗ trống trong những bài nhạc đó chính là những hình ảnh của phim mà bài hát ấy làm nền.  
 
Hóa ra sến không chỉ một kiểu, một loại.  Gẫm lại, nhạc dễ nghe dễ nhớ của miền Nam xưa nhiều vô kể, nếu gộp hết mọi thứ dễ nghe vào thể loại nhạc sến e không nói hết được cái hay của nó để 40 năm sau tôi vẫn thuộc vẫn ư ử hát theo, để những ca sĩ trẻ sau này vẫn có thính giả khi hát loại nhạc ấy.  Tôi lớn lên trong thời “thịnh trị” của nhạc sến, hít thở không khí ỉ ôi ấy, đâm yêu mến những bài hát mà thở ra tôi thấy tôi ở một góc nào đó trong xóm nghèo, thấy anh tôi ở một chòi gác nhân dân tự vệ, thấy chị Ba Cổ Cò giúp việc nhà lúc đi chợ về.  Có quá đáng không nếu nói nhạc sến là một phần của xã hội miền Nam? 

Thế nào là nhạc sến xin chờ những bậc cao tay chỉ dạy, nhưng trong lúc này, xin vẫn cứ hân hoan làm đại lý nhạc sến dẫu bị phán là đần. 

Lưu Na
12/27/2013

Tuesday, December 24, 2013

THƠ NOEL GỞI BẠN BÈ



Cây thông nhỏ



cây thông nhỏ
nhỏ và  tịnh. im
của mùa giáng sinh
nhỏ
và bé xíu
ôi cây thông
như một bông hoa

ai đã tìm thấy bé
trong khu rừng
và đem về đây
bé có buồn không
khi phải đi xa như vậy
tôi sẽ an ủi bé
tôi sẽ hôn lên cái vỏ khô
và ôm bé thật khắng khít trong lòng

rồi tôi sẽ treo lên cánh tay. và những ngón tay của bé
những sợi dây ánh sáng
những trái chuông
những quả cầu
và ngôi sao bạc. mặt trăng của rừng oải hương
những chú nai biết bay
và chiếc xe. phủ tuyết
cùng lũ lạc đà. chở các đạo sĩ đông phương. về kính lạy chúa hài đồng. trong máng cỏ
suốt năm qua. chúng ngủ yên trong thùng giấy. lãng quên
bây giờ được mang ra. rực sáng
trên cây
ôi cây thông bé nhỏ
của niềm vui. trong khốn khó. nghèo hèn

đêm nay
tôi sẽ cùng người bạn nhỏ
camille
đứng nắm tay nhau
múa. và hát
noel. noel

NXT
(theo E.E. Cummings & Ian Bùi)

Saturday, December 21, 2013

THƠ NGUYỄN THị KHÁNH MINH


Bài thơ sinh nhật

 

Nơi không gian bài thơ
Có thời gian cho lời đọng lại
Thầm thì đi
bước chân đi mãi

Nơi bóng mát bài thơ
Khoảnh khắc chữ cho lời rơi xuống
Nghe lắng nghe
Niềm thơ. Quán tự tại con đường

Nơi ngọn lửa bài thơ
Những con chữ nhóm lời cháy đỏ
Thắp nghìn sao
cho những giấc mơ

Nơi biển bài thơ
Những con chữ bung lời nắng dậy
Đó là ban mai
mỗi ngày được thấy

Bật lên triều xanh của lời
Thắp lên đôi cánh của lời
Bay xa bay xa
trái tim của một người trao gửi

NTKM
tháng 12. 2013

 

TÙY BÚT BAN MAI

Quê nhà tôi


Thời Đại học, năm thứ hai tôi đi sưu tầm Văn học dân gian, thành Đồ Bàn là nơi chúng tôi đến.

Nhà cụ Thãnh ở Nhơn Hậu, nhóm chúng tôi trọ nằm lọt thỏm giữa Tháp Cánh Tiên và Lăng Võ Tánh, cũng là Tử Cấm Thành thời Tây Sơn Nguyễn Nhạc.
Ký ức của tôi thành Đồ Bàn là những đêm trăng sáng, chúng tôi quây quần bên hồ sen trước chùa Thập Tháp để nghe các ông cụ bà cụ kể chuyện ngày xưa. Chúng tôi tách từng nhóm hỏi thăm những cụ già và ghi chép cẩn thận. Hàng đêm xong công việc đồng áng các nông dân nghỉ ngơi là thời gian dành cho chúng tôi.

Ngày ấy, tôi tuổi 20.
Những buổi chiều, khi ánh nắng còn hắt những tia nắng vàng cuối cùng trên cánh đồng, tôi thích lang thang trong thành Hoàng Đế, Tử Cấm Thành. Ngày đó người ta chưa khai quật các Hồ bán Nguyệt nằm xung quanh Lăng Võ Tánh. Tôi thích chạm vào những lớp gạch hoang phế, tường thành đỗ nát … tôi như nghe tiếng cười nói của các cung nữ đâu đó, thấy dáng các phi tần thướt tha lướt qua bên trong tường thành.

Ngôi mộ của Võ Tánh thời tôi đến bỏ hoang vì người ta cho là tướng Nguyễn Ánh, có nghĩa là tướng nhà Ngụy nên không chăm sóc. Nhìn vào ngôi Tháp vị tướng trung kiên, tự thiêu để giữ thành Quy Nhơn, một cảm giác đau xót không nói nên lời khi nhìn Lăng hoang phế. Với tôi, thời nào cũng vậy, tướng nào cũng vậy nếu họ là người có lòng trung với nước, tử tiết vì quốc gia thì mình nên kính trọng. Tôi và nhóm chúng tôi thường đến thắp hương những buổi chiều tà.
Những đêm khuya trằn trọc nơi ở lạ, tôi thường thức giấc, mơ hồ như nghe trong hơi gió tiếng khóc rên của dân tộc Chămpa trên tháp Cánh Tiên, xa xa tiếng ngựa phi trong thành Đồ Bàn, tiếng chạy thình thịch của nghĩa quân Tây Sơn trong thành Hoàng Đế và cả tiếng rống đau đớn của đoàn Voi chiến khi nhà Nguyễn Ánh bắt nữ tướng Bùi Thị Xuân hành hình.
Nơi quê nhà tôi, lớp lớp phế tích là lớp lớp triều đại chồng chất lên nhau. Thành Đồ Bàn của Chế Bồng Nga, Tử Cấm Thành của Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Lăng Võ Tánh của nhà Nguyễn Ánh.
Trên dải đất này, biết bao thể chế đến rồi đi không một dấu tích. Triều đại này bôi xóa triều đại kia. Cuộc đời là hư ảo, huống chi vài thế kỷ vương triều.

BM
14/12/2013




 

 
 
 



 

GỞI THEO VIỆT DŨNG


Đã bỏ ngang đời
 

 

“Tôi còn trẻ, tôi chưa muốn bỏ ngang đời…” 

Việt Dũng đã hát, những tiếng thiết tha, với cả hồn thiết tha, cho quê hương, cho tuổi trẻ.  Không chỉ tiếng hát mà còn là những dòng nhạc, những lời nói, những hoạt động đấu tranh, sự có mặt không mệt mỏi ở khắp mọi nơi trên mọi lãnh vực truyền thông cũng như rất nhiều những cuộc đấu tranh _ Việt Dũng đã làm tất cả những điều ấy cho một quê hương mến yêu, cho những người Việt mến yêu, chỉ với trái tim và đôi nạng.  Trái tim ấy đã đột ngột ngưng đập.  Đôi nạng ấy nay đành xếp lại không còn là một chỗ dựa vững chãi cho rất nhiều con tim Việt ở đất này.  Gọi Việt Dũng là nhà truyền thông, nhà đấu tranh, người làm văn hóa, ca sĩ, hay nhạc sĩ, tất cả đều không nói hết được cái thiết tha anh mang đến, và có lẽ lời khen tặng nào cũng không đủ vẽ được trái tim của con người nồng nhiệt ấy.  Khi âm thanh đã bặt, khi hình ảnh đã mất, khoảng trống “Việt Dũng” chợt mênh mông.  Hôm nay, một ngày nắng vàng thật đẹp, thì quả mặt trời không còn là vàng rơi châu vãi, và những ngày Việt Dũng đã sống _ sống ngày nào biết ngày ấy thôi đã là những ngày vô cùng xứng đáng.  

Lúc 10: 35 sáng ngày hôm nay, 20 tháng 12, 2013, Việt Dũng đã bỏ ngang đời.  Xin gửi theo anh ánh nắng vàng ấm áp, mong ánh thái dương ấp ủ trái tim anh.

Lưu Na
12/20/2013

Friday, December 20, 2013

THƠ NGUYỄN XUÂN THIỆP


mùa đông của tôi


 
                                                                 Photo: Bảo Huân 
đêm mùa đông
ngồi đốt một ngón nến
nhớ
bình trà. mùi hương hoa hồng
và những chiếc lá. trên bàn

giấc mơ
của tranh tĩnh vật
ngoài trời
tuyết chưa tan. những mái nhà. im lặng
con chim. đậu trên cây. sáng nay
đã bay chưa

dường như
không còn ai
không còn ai
về lại
con đường của mùa thu trước. dưới lá khô

NXT

TẠP BÚT ĐỖ HỒNG NGỌC


Thư gởi bạn xa xôi 
                                                        

 
   
    Xin lỗi bạn. Lâu quá chẳng “tường trình” gì như đã hứa khiến bạn phải nhắc.  Nhiều chuyện quá, chẳng biết nên bắt đầu từ đâu nữa! Noel sắp tới rồi và nghe bạn than tuyết  dày đặc quanh nhà. Ở Việt Nam, năm nay cũng lạ. Tuyết tràn ở Sapa, Lào Cai… Người giàu từ Hà nội, các tỉnh ùn ùn đi ngắm tuyết. Người nghèo chết điếng vì hoa màu hư hỏng, gia súc run lập cập. Ngay tại Saigon cũng nghe lạnh. Nhưng lạnh thì lạnh, các cô gái Saigon vẫn rất phong phanh. Phố phường thì giăng cây cảnh trắng xóa, giả làm tuyết. Đám cưới thì ào ạt để bớt lạnh.   

   * Sáng chủ nhật 15.12. 2013 được một cú phone từ Thủ Đức của nhà thơ Trần Thiện Hiệp, niên trưởng nổi tiếng của bọn mình ở trường Phan Bội Châu Phan Thiết ngày xưa. Anh TTH nay đã 79, giọng vẫn sang sảng, đọc thơ tuyệt vời, làm thơ không biết… mệt mỏi! Vợ anh, chị Lệ Hiền thì hát hay, ngâm thơ giỏi và nấu ăn càng giỏi, nên anh thường tụ họp bạn bè tới nhà riêng hát hò ngâm vịnh. Anh phone mời mình đi “nhậu” cuối năm với anh em ở một cái quán nào đó ở Saigon vào sáng thứ hai, do nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên… “đầu mối”.  Mình “OK” ngay dù không biết nhậu, cũng chẳng ưa quán xá. Anh kêu nhớ gọi Đoàn Thuận và Thiếu Khanh nữa nha. Thế mà sáng sớm thứ hai, Nguyễn Phú Yên phone cho hay Trần Thiện Hiệp đưa đi cấp cứu ở BV 115 hồi 3 giờ khuya! Chị Lệ Hiền cho biết đêm anh té mấy lần trong nhà vệ sinh, tay chân cứng ngắc, nghĩ anh bị stroke. May quá, không phải. Nhưng vẫn phải nằm bệnh viện theo dõi. Khi mình vào thăm, anh đã tỉnh táo, vui vẻ, tuy có hốc hác và gầy ốm. Mình gởi gấm anh nhờ mấy bạn đồng nghiệp đàn em, học trò chăm nom giùm nhà thơ...  


 

   * Đinh Cường về lần này khá lâu vì có đợt triển lãm tranh ở Huế và Đà Lạt cùng các họa sĩ Phan Ngọc Minh, Thân Trọng Minh. Mình có dịp cùng ngồi café Bean – trước nhà thờ Đức Bà- với Đinh Cường, Nguyễn Đình Thuần, Nguyễn Quốc Thái, Sâm Thương… rôm rả mấy hôm. Nhớ nhất bữa cơm đạm bạc ở chuồng cu “tòa soạn” Quán Văn nhà Nguyên Minh có khá đông anh em: Lữ Quỳnh, Lê Ký Thương, Lữ Kiều, Chu Trầm Nguyên Minh, Trương Văn Dân-Elena, Đỗ Hồng Ngọc... Hôm đó anh ĐC “làm” luôn mấy chén cơm vun ăn với mắm chưng một cách ngon lành. Có lẽ suốt mấy tuần tiệc lớn tiệc nhỏ ở Huế, Đà Lạt chán quá rồi! Nguyên Minh thì “biểu diễn” máy in mới, in tranh Đinh Cường tại chỗ làm Đinh Cường ký tặng mỏi tay. Trương Văn Dân nói tranh giả mà chữ ký thiệt nên cũng có giá lắm!

   Sau đó ĐC và mình về, trên đường ghé ăn… đậu hũ ở Ru. ĐC chê cái muỗng không đúng điệu. Phải là cái muỗng nhôm, dẹt mới đúng. Đậu hũ phải múc ăn bằng cái “chan xỉ” (?) mới ngon. Rưới nước đường tán nâu sậm lên mấy lát gừng mỏng, rồi nước cốt dừa béo chan vào thứ đậu hũ mềm trắng toát nóng hổi tạo nên một bức tranh… đầy màu sắc sinh động!  Nhà mình có cả lô “chan xỉ” nên gởi tặng ĐC vài cái kỷ niệm. Còn anh gởi mình cây viết để ký tặng sách cùng cái áo pull xanh…  Mình đã dùng cây viết này “ký họa” ngay cho ĐC bức chân dung bên cạnh nhà thờ Đức Bà nơi anh và bạn bè thường ngồi nhâm nhi café nghe gió sông Saigon và ngửi mùi khói xe nhộn nhịp cuối năm. Về đến Mỹ, anh gởi bài thơ thật dễ thương:

(…) sáng chủ nhật có Đỗ Hồng Ngọc ghé Coffee Bean
không uống gì. chỉ ăn khúc bánh mì thịt ngon
Thái mua cho tôi vì biết tôi thích
rồi đi cho kịp buổi nói chuyện ở Chùa


đừng quên chuyện cây trâm nghe Ngọc
cây trâm đã bay qua mấy tầng mây
về nằm im trong mùa băng giá nhất
tháng cuối năm những giọt tuyết đọng
nặng trĩu làm gãy mấy cành cây

…………..
(Đinh Cường) 

 

   * Hôm qua mình lại vừa ghé Bệnh viện An Bình thăm nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà. Bạn nhớ anh Kiên Giang hoa trắng thôi cài trên áo tím chứ? Năm nay anh đã 86, bị té gãy xương đùi, xương chậu. Các bác sĩ ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình đã tích cực chữa trị cho anh và nay đã khá nhiều, hy vọng vài tháng nữa có thể đi lại được.

Đến thăm, anh vui lắm. Nói chuyện thôi là nói chuyện! Mình có “duyên” với anh từ… nửa thế kỷ trước. Lúc đó mình vừa đăng bài thơ “Em còn sống mãi” viết về Quách Thị Trang (năm 1963) trên báo Tình Thương của Sinh viên y khoa Saigon thì anh xin đăng lại  trên báo Điện Tín, rồi sau đó anh còn đăng trên mấy tờ khác nữa. Nói chuyện với anh thật cảm động. Anh ấp ủ in tập thơ có tựa là: “Lối mòn xe trâu” về người Mẹ mình. Anh nhắc đến cây bần, lục bình, mội nước… ở quê Long Xuyên. Anh nói lục bình nó lạ lắm, vừa trôi vừa nở hoa, như mình vừa trôi trong đời vừa sáng tác vậy… Chỉ cần nhắc một chút về “hoa trắng thôi cài trên áo tím” thì anh tuôn kể mênh mang. Hai bạn học cùng trường. Nàng giỏi toán. Anh giỏi văn. Anh giúp nàng làm văn. Nàng cho anh “cọp dê” toán. Anh nói hồi đó anh thường làm “rédaction” mướn cho mấy bạn dân Bạc Liêu, mỗi bài hai cắc! Hai cắc lớn lắm. Ăn nửa tháng mới hết! Bạc Liêu con nhà giàu… làm biếng. Còn với nàng, anh… miễn phí! Anh còn viết bích-báo (báo tường) giùm nàng, cho nàng ký tên! Chuyện tình đẹp, chân thật, vì chưa có nắm tay, chưa có hun hít lần nào! Anh nói. Nàng công giáo kỹ lưỡng lắm. Anh thì nghèo không dám bước tới. Khi anh dẫn đoàn ca vũ kịch Thúy Nga về Cần Thơ, mời vợ chồng nàng hai vé VIP, đêm đó không thấy đi chắc chồng ghen. Ông chồng còn trùng tên với anh nữa chứ! Anh thì “ghen nguội”, sửa đoạn cuối bài thơ cho “bả chết”: Lạy Chúa con là người ngoại đạo…   

Thư đã dài, hẹn hồi sau… phân giải.

Thân mến,
ĐHN

 

RA MẮT SÁCH ‘CŨNG CẦN CÓ NHAU’


Hoàng Xuân Sơn sẽ tổ chức giới thiệu tác phẩm
‘Cũng Cần Có Nhau’

lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật ngày 19 tháng giêng năm 2014
tại Viện Việt Học
15355 Brookhurst - Phòng 222
Wesminster, CA 92683
(gần góc Brookhurst và Mc Fadden)





 

Wednesday, December 18, 2013

TÙY BÚT BAN MAI

Huế, ngày mưa

 
                                                                   Huế mưa



                                         Ban Mai & Siphani ở phòng tranh Đinh Cường
                                                       trên Gác Trịnh tháng 11. 2013

   Huế đón tôi dưới cơn mưa phùn, bầu trời xám đục. Chị Hiền xuýt xoa vì gió lạnh tạt vào mặt, tôi vòng tay ôm, dụi mặt vào lưng chị tìm chút hơi ấm, xe len lỏi dưới những con đường rợp bóng cây. Huế khác nhiều so với ngày xưa tôi đến.

    Con đường yên tĩnh nhà chị, với những căn biệt thự xưa cũ, nay trở thành hotel gia đình đèn neon xanh đỏ nhấp nháy, những bảng hiệu choáng hết lề đường. Bên trái, bên phải, trước mặt đều là hotel, chỉ còn ngôi nhà chị lọt thỏm sau cánh cổng. Tôi nói lạy trời, Huế kỳ này đừng làm em thất vọng, như 10 năm trước tìm về thôn Vỹ.

    Bé Bon mở rộng cánh cổng đón tôi, cô bé chút xíu ngày xưa giờ đây là một nữ sinh với mái tóc quăn tự nhiên, đôi mắt đậm nét Trung Đông làm tôi thích thú. Tôi đùa, chị Hiền mua ngay con chó Berger giữ nhà đi chị. Chị bật cười khanh khách, tiếng cười phóng khoáng như tâm hồn của chị. 

    Buổi tối, nhà văn Lữ Quỳnh đón tôi và chị Hiền đến nhà hàng, vợ chồng anh Nguyên Minh, TC Quán Văn, anh chị Trương văn Dân – Elena, em gái và người bạn gái anh Nguyên Minh từ Mỹ về đã đến trước. Nhóm bạn nghệ sĩ ở Huế của anh Đinh Cường đến cùng lúc với anh Bửu Ý và chị Tường Vy (vợ cố họa sĩ Bửu Chỉ). Anh Đinh Cường chiêu đãi các loại bánh Huế. Trời lạnh, ngồi trong căn phòng ấm không gì thú bằng nhâm nhi ly trà nóng, nghe các anh chị kể giai thoại văn chương và thưởng thức những chiếc bánh nhỏ bé, tinh tế của xứ này: nào là bánh nậm, bánh bột lọc, bánh rán, bánh khoái, chả tôm, chả giò và các loại chè cung đình nữa. Ôi trời tôi thích món chả tôm ở nhà hàng này quá, ngon chưa từng thấy. Anh Lữ Quỳnh tặng tập sách mới xuất bản: “Những giấc mơ tôi”, tập nhạc “Thành phố Mùa Đông”;  anh Đinh Cường gửi tặng cuốn “Cũng cần có nhau” của Hoàng Xuân Sơn. Tôi xúc động khi nhận được cuốn sách viết về nhà văn Nguyễn Mộng Giác, kỷ niệm 1 năm ngày mất của ông “Nguyễn Mộng Giác và bằng hữu”. Cuốn sách quý vì có hai trang chữ ký tên tuổi của các nhà văn Miền Nam trước 1975 mà tôi ngưỡng mộ, họ ký tặng anh Lữ Quỳnh làm kỷ niệm, anh mang về tặng lại cho tôi.

    Nhà sưu tầm tranh xứ Huế, mời đến quán cà phê của ông trên đường Nguyễn Huệ. Với khuôn viên rộng, xây kiểu Tây, ông để một mảng sân vườn làm quán. Bài trí trang nhã. Cô vợ trẻ đài các mời chúng tôi vào phòng khách. Ông tiếp đón nồng hậu, chỉ cho chúng tôi xem các bức tranh ông mua vào những năm 60. Nghe anh Bửu Ý nói, ông là một trong những người đầu tiên dấy lên phong trào mua tranh ở Huế. Ông cởi mở kể vanh vách lịch sử các bức tranh mà ông mua, thời nào, bao nhiêu tiền và lý do. Tôi thích ngắm chị Tường Vy nói chuyện, chị duyên dáng, nền nếp đúng chất e ấp của các cô gái Huế xưa.

    Buổi sáng, chị Hiền gọi đi tập thể dục với chị bên bờ sông Hương, nhìn đồng hồ 5h15 nhưng trời vẫn còn mờ mịt tối, tôi làm biếng, lạnh quá chị ơi. Chút xíu nữa bé Bon đi học, đi ăn sáng rồi dạo bờ sông nghen chị. Trùm chăn, tôi ngủ nướng. 

    6h30  bầu trời vẫn xám đục, mưa bay lất phất, sông Hương mờ sương, những con đò trôi lững lờ trên khói sóng. Mặt nước yên tĩnh như lòng tôi yên tĩnh.
   Tự nhiên, chị Hiền nhắc, em còn nhớ QY không? năm thứ tư QY vượt biên bây giờ không biết trôi dạt nơi nào.  QY tay guitar nổi tiếng của Đại học tổng hợp Huế? Em nhớ mà.

    Tôi đến Huế lần đầu tiên khi là sinh viên năm thứ ba. Ngày ấy tôi trong đội văn nghệ trường tham dự Festival các trường Đại học. Ban tổ chức, cho các Trường Đại học tập trung tại khách sạn trên đường Lê Lợi để dễ sinh hoạt. Hôm đầu tiên ráp nhạc, QY phong trần, lãng tử, tự nhận mình bị sét đánh khi gặp tôi. QY theo tôi mải miết suốt thời gian tôi ở Huế. Đêm dạ vũ, Ban tổ chức tổng kết ở hội trường, QY xin phép thầy Tùng cho phép đưa tôi về trước. Hai đứa đi bộ, lang thang khắp các con đường ngập ánh trăng. Huế ngày ấy thơ mộng, không gian thật yên tĩnh, thỉnh thoảng vài chiếc xe đạp lướt qua. Trên con đường rợp bóng cây, chỉ có tiếng bước chân của chúng tôi và tiếng xào xạc của gió. Ngày ấy, tôi biết QY có tình cảm với mình, nhưng tôi lại xem QY như một người anh. Ngày xưa, tâm hồn chúng tôi thật trong sáng. Tôi biết QY thật lòng, khi sáng hôm sau đoàn tôi về Quy Nhơn, anh đã đứng đợi ngoài cổng từ sớm. Và những ngày tháng sau thư từ Huế tới tấp bay về Trường tôi. Rồi một hôm QY viết sẽ ra Quy Nhơn thăm. Tôi sợ, tôi nói tôi đang đi học, và anh đừng ra. Ngày ấy, tôi cũng không ngờ cuối năm thứ ba tôi lại đính hôn.  Và cuộc đời tôi rẻ sang một con đường khác. Năm thứ tư, tôi nghe tin QY vượt biển. 

    Tô bún bò Huế thơm lừng bên bờ sông Hương, với những lát ớt cay nồng làm mắt tôi ướt, tôi vừa ăn vừa xuýt xoa, ngoài hiên mưa đang rơi,  những giọt mưa tí tách bung vỡ trên nền gạch hắt vào người tôi lạnh buốt. Bà chủ quán nói, mưa mây đó mấy cô nì, răng mà mưa suốt mấy tuần ni.  

    Đường Trịnh Công Sơn dọc bờ sông Hương vắng lặng, con đường nhỏ, ngắn với những hàng quán im lìm. Tôi đến nhà sách Phương Nam tìm xem có sách gì mới, thăm phòng tranh Lê Bá Đảng để biết Không gian Lê Bá Đảng là gì? khi đọc bài phê bình của chị Thụy Khuê, để cảm nhận: “ ...Nghệ thuật của ông như muốn “thoát hài”, đập vỡ cổ kính để tạo ra không gian phi thời gian, gồm thâu quá khứ, vị lai, địa tầng, địa chất, cõi này, cõi khác trong khoảnh khắc một cái nhìn. Độc đáo, cô đơn. … Đó là sự gặp gỡ giữa nhiều ngành nghệ thuật: Kiến trúc, điêu khắc, hội họa, Lê Bá Đảng không chỉ vẽ mà ông tạo hình. Đó là mối tương quan giữa người, vật và vũ trụ” (1) 

    Huế, đầu thập kỷ 60 thời kỳ nở rộ của chủ nghĩa hiện sinh Phương tây với Jean Paul Sartre, Albert Camus gây ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ của một tầng lớp thanh niên. Trịnh Công Sơn hợp cùng với Đinh Cường, Trịnh Cung, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lữ Quỳnh, Bửu Ý, Bửu Chỉ…lập thành một nhóm văn nghệ trẻ rất có thế giá. Nói như Hoàng Xuân Sơn: Họ ăn bận theo lối Tây, đội mũ nồi, ngậm pipe, khăn quàng cổ hoa hoè, thong thả dạo chơi dưới trời xám lạnh. Đinh Cường, Trịnh Cung đem những nét mới mẻ Tây Phương vào hội họa, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường là những giáo sư dạy Triết có tiếng ở học đường trung học, Bửu Ý uyên bác, giỏi ngoại ngữ giáo sư dạy Pháp văn thuộc type ăn bận đàng hoàng, cổ điển. Huế của thời Diễm xưa, Lời buồn thánh…nhạc Trịnh Công Sơn ngôn ngữ trừu tượng, siêu hình… những ca từ như…dài tay em mấy thuở mắt xanh xao… hát nghêu ngao mà không hiểu tác giả muốn nói gì. Chỉ hát vậy thôi (2). Nhóm bạn khởi từ Huế, sau đó thành danh khắp Miền Nam. Qua bao bể dâu, tứ tán khắp bốn phương trời, người còn người mất, nay tất cả đều ở lứa tuổi xế chiều, nên họ rất trân quý thời gian. Lần này anh Đinh Cường về Huế bày tranh trên căn gác Trịnh cũng là nhớ đến bạn mình và mong gặp lại bạn xưa. 

    Buổi chiều trời nắng đẹp. Tôi đến dự khai mạc phòng tranh Đinh Cường - Phan Ngọc Minh trên căn gác nhỏ đường Nguyễn Trường Tộ. Không gian nhỏ, ấm áp với những bạn bè cũ của anh. Có lẽ đây là sự kiện văn hóa của thành phố. Gác Trịnh đông kín khách viếng thăm và phóng viên báo đài đưa tin…khó khăn lắm tôi và chị Tường Vy, Siphani, Bửu Ý, Lữ Quỳnh mới chụp chung được một tấm ảnh kỷ niệm. Từ lan can căn gác Trịnh, tôi ngắm nhìn các cô gái thướt tha đi lễ nhà thờ Phú Cam. Có lẽ ngày xưa, Trịnh Công Sơn và các bạn ông cũng đã từng xao xuyến bước chân giai nhân đi dưới hàng cây long não lá li ti này. 

     Buổi tối, anh Bửu Ý mời đến nhà dùng cơm muối. Trong một email trước đây, tôi tưởng anh Đinh Cường đùa khi hứa kỳ này đến Huế anh sẽ đãi món cơm vắt muối sả. Đọc lại tài liệu ẩm thực xứ Huế, tôi bất ngờ vì món cơm muối lại là món ăn cầu kỳ, tinh tế, chế biến công phu của các gia đình hoàng tộc Huế xưa.
    Đêm lạnh, ngồi quanh mâm cơm thân tình, tôi nghe các anh kể chuyện bạn bè ngày cũ. Lần gặp ở Đà Lạt anh Bửu Ý thâm trầm, kiệm lời. Lần này anh cởi mở, nói cười dí dỏm, có lẽ lâu rồi từ ngày cô Lợi mất, hôm nay bạn bè cũ về đông nên anh vui đến vậy.

    Chị Siphani từ Pháp về, chị là bạn của Trịnh Công Sơn và các anh thời trai trẻ. Mới nhìn trông chị bình dị, nhưng anh Bửu Ý nói, chị giả dạng đó em. Chị Siphani lấy người chồng tên Gérard trong dòng Hầu tước, sở hữu một tòa lâu đài ở Pháp, chị than đây là di sản quốc gia nên gia đình chị muốn bán cũng không được, bảo quản trùng tu thì lại quá tốn kém. Anh Bửu Ý đùa đặt cho chị biệt danh là “người mở cửa”, vì anh nói nếu tính thời gian mở tất cả các cánh cửa sổ của tòa lâu đài, cũng là lúc phải đóng các cánh cửa. Nội một việc đóng và mở cửa sổ thôi là đúng một ngày. Anh nói, anh đã đến ngủ ở tòa lâu đài đó một đêm, và hôm sau các anh đi ngay không ngủ lại nữa. Tòa lâu đài của chị tọa lạc ở một nơi hoang vắng, đêm nghe gió hú, và tiếng đập cánh của bầy dơi, tiếng cào cửa của những con sóc, giống tiếng chân người. Chị Siphani cười, kể tiếp. Có lần mấy người bạn Miên đến thăm chơi, chị bố trí mỗi người một phòng ngủ. Sáng dậy chị đến gõ cửa thấy tất cả tập trung một phòng, người nào cũng xanh xao, thì ra nửa đêm họ sợ quá chui vào một phòng ngủ chung. Tôi nghe mà cười ngất, chẳng gì đến họ, em cũng sợ ma kinh hoàng. Các con chị đều ở Paris, không đứa nào chịu về tòa lâu đài sống, tụi nó than buồn. Anh Đinh Cường lúc nào cũng hiền lành, im lặng ngồi nghe anh Bửu Ý và chị Siphani kể chuyện.

   Món muối sả nhà anh Bứu Ý ngon tuyệt, đến nỗi chị Siphani xin đem về Pháp.
   Nói là cơm vắt với muối, nhưng thực chất không phải vậy. Ngoài món chủ đạo muối sả làm bằng thịt nạc băm với sả, với ruốc, với mè, xáo cho đến tơi khô là một kỳ công, còn có món thịt tôm kho riêu, canh thơm cá mó, chả giò, chả tôm. Cơm trắng vắt tròn, xắt thành miếng mỏng, từng lát cơm vắt dẻo thơm chấm với muối sả ăn thật đậm đà, húp một thìa canh thơm cá mó vị ngọt thanh ở đầu lưỡi, đó là bữa cơm ngon ý nhị nhất mà tôi từng ăn. Chị Tường Vy đem đến món bánh ít Huế và món khoai lang luộc anh Đinh Cường nói thèm quá muốn ăn.

    Chị Vy khoe tôi xem cuốn “Bửu Chỉ đường bay nghệ thuật và ký ức trần gian” gia đình và bạn bè mới xuất bản, để tưởng nhớ 10 năm ngày mất chồng chị. Cuốn sách tập hợp các bài viết, tranh ảnh Bửu Chỉ, tự tay chị biên tập, nó là tình yêu của chị dành cho anh. Những ngày làm luận văn, sưu tầm tư liệu tôi đã từng xem hai bức tranh sơn dầu Bửu Chỉ vẽ Trịnh Công Sơn “Tuổi đá buồn” và “Trăng thiên cổ”, nên tôi rất ấn tượng người họa sĩ này. Anh Bửu Ý tặng tôi 3 cuốn sách anh mới vừa in: “Tâm tình với Trịnh Công Sơn”; “Ngày tháng thênh thang”, “Nước chảy qua cầu” tập hợp tất cả những bài viết tản mạn của anh từ trước đến nay. Sách bìa cứng, giấy trắng in đẹp, trang nhã. Cầm trên tay những cuốn sách nặng  tình nghĩa những bậc đàn anh mà tôi kính trọng,  tôi biết mình thật may mắn, bao giờ họ cũng cưng chìu tôi, xem tôi như cô em gái nhỏ.
    Huế, những ngày mưa lạnh buồn bã với tôi đã trở nên ấm áp bởi tình cảm nồng ấm của bạn bè, nó giúp tôi hiểu hơn ý nghĩa tình bạn trong cuộc đời phù du này.

    Xin cho tôi tạ ơn đời, tạ ơn những người bạn mà tôi có hạnh ngộ gặp gỡ trên đường đời. Rồi một ngày nào đó, tất cả rồi cũng sẽ chìm trôi, nhưng tôi tin tình bạn mãi trường tồn, nó là báu vật trần gian mà cuộc đời mang tặng chúng ta. Bạn ơi, hãy yêu thương, tận hưởng và sống như là giây phút cuối. 

BAN MAI
14/12/2013
(Hình & bài Ban Mai gởi)

-----------------
(1)   Họa trường Lê Bá Đảng – Sóng từ trường III – Thụy Khuê, NXB Văn Mới (tr 181)
(2)   Cũng cần Có Nhau – Hoàng Xuân Sơn, NXB Nhân Ảnh (tr 16)

THƠ LỮ QUỲNH

Có một giấc mơ như thế

 

                                      
                                                    Winter landscape by Paul Guauguin

tuyết bắt đầu rơi bên miền đông
miền tây tuyết chỉ rơi trong những giấc mơ
giấc mơ thì không có mùa đông mùa hạ
tuyết đuổi tôi trong nhiều đêm dài

  Trần Hoài Thư ở New Jersey
có nhìn tuyết mà buồn
cũng không thể buồn bằng nỗi buồn tôi
khi tuyết tan trong bóng tối
thức giấc với bàn tay lạnh đặt lên trái tim mình
nghe nhịp đập thời gian

dù đêm vẫn có giấc mơ hồng
nhưng tuyết biến thành cơn bão trắng

thổi hồng tan theo hư không 

LỮ QUỲNH
San Jose, Oct.30-2011
(Nguồn: Blog Trần Hoài Thư)