Friday, October 5, 2012

NGẬM NGẢI TÌM TRẦM Kỳ II


Lưu Na





GẦY MỘT LÀN HƯƠNG

Mai Thảo ra hải ngoại có nhắc đến NĐT và bút pháp tiểu thuyết mới (Nouveau Roman/New Novels).  Mai Thảo viết: “Cuối cùng là Nguyễn đình Toàn lại có thêm những đất trời văn chương mới, sau Chị Em Hải.  Sự có thêm này rất đáng ghi nhận.  Mặc dầu nó vừa là một thành tựu vừa là một thất bại trong vận động và đi tới của văn chương Nguyễn đình Toàn.”  (Mai Thảo, Chân Dung mười lăm nhà văn nhà thơ Việt Nam, p 97-99).

Có hai điều nơi lời Mai Thảo: NĐT chủ trương viết mới, và cái viết ấy mang lại kết quả đối nghịch.

Hãy nói đến kết quả: “Thành tựu nơi Tân Tiểu Thuyết [là] đã đem lại cho văn chương tiểu thuyết một chân trời, một khả hữu [?] mới.  Về ngôn ngữ, về kỹ thuật.  Thất bại là Tân Tiểu Thuyết đã không thuyết phục được người đọc tiểu thuyết, trước sau vẫn chỉ muốn nhìn tiểu thuyết như một hình thái văn chương phổ biến, tiểu thuyết giản dị là xã hội và đời sống thuật lại thành truyện kể, qua tâm hồn, ý thức và rung động của nhà văn.”  (Sách đã dẫn).  Tôi cho rằng NĐT không hề viết gì khác hơn, làm gì khác hơn.  Như vậy, Mai Thảo cho rằng tiểu thuyết NĐT thất bại vì nhiều khi nó không có truyện gì cả_không có “truyện kể”, hay thất bại ở cách viết, ở ngôn ngữ, ở kỹ thuật?  Ngôn ngữ kỹ thuật tiểu thuyết mới là gì?  Mai Thảo giải thích:

“…Tiểu Thuyết Mới, còn được gọi là Anti Roman qua cái nghĩa Tiểu Thuyết Mới chống nghịch lại hết thảy mọi khái niệm về văn chương tiểu thuyết cổ điển trước nó, đưa ra những khái niệm tiểu thuyết mới lạ hoàn toàn…

...[M]ấy đặc thù chính yếu về tiểu thuyết của nhóm Tân Tiểu Thuyết thì là: nhà văn cất bỏ hoàn toàn những nhận thức chủ quan, những nhận thức ấy theo lý giải của Trường Phái Cái Nhìn chỉ làm biến tướng biến hình sự vật, chứ không thể hiện được chân tướng uyên nguyên của sự việc.  Như danh từ cái nhìn đã trở thành danh từ trường phái, nhà văn chỉ có nhiệm vụ của một đôi mắt, một ống kính nhiếp ảnh.  Đôi mắt ấy nhìn thấy thôi, không phê phán không tư duy.  Ống kính nhiếp ảnh ấy chụp hình thôi, chụp từ thật nhiều phía càng hay, từ viễn ảnh tới cận ảnh, tơ tóc, tinh vi, nhưng chụp thôi, tuyệt đối chỉ chụp, một cách lạnh lùng gần như vô tri, nghĩa là sự vật đời sống nhìn thấy thế nào thì miêu tả khách quan chứ không gửi gấm vào miêu tả nhận thức hoặc tâm trạng chủ quan của người viết.”

Hãy cứ chấp nhận rằng Mai Thảo nói đúng và hiểu đúng về kỹ thuật tiểu thuyết mới, thì rõ ràng kỹ thuật đó không phục vụ ý hướng của tiểu thuyết NĐT, vì tiên quyết, tất cả nội dung tiểu thuyết NĐT đã viết đều là gửi gấm cái nhìn, cái suy nghĩ, cái cảm nhận riêng, rất riêng, của NĐT về cuộc đời, nghĩa là suy tư và nhận thức chủ quan.  Chụp ảnh, nếu là chụp ảnh nghệ thuật, thường có chủ điểm có tiền cảnh hậu cảnh, có sáng tối chủ quan để gửi gấm điều mình thấy tới người xem.  Nếu là ảnh phóng sự, ảnh tường trình, những bức ảnh đưa ra đều đã qua sự chọn lựa, đôi mắt/cái nhìn đã bị điều kiện hóa bởi chủ đề đến từ ý tưởng, ước muốn của đầu óc.  Như vậy, kỹ thuật tiểu thuyết mới đã hàm chứa trong chính nó điều mâu thuẫn, sao phục vụ được mục đích của tiểu thuyết là sáng tạo, tạo ra một không gian trong đó người viết vẽ lại, kể lại, chụp lại cái gì mình đã thấy?  Nói cho cùng, tiểu thuyết vẫn là nghệ thuật, nói lung tung chụp ảnh lung tung không cần biết mình nói gì không cần biết ảnh có gì, không thể là nghệ thuật, mà nói có đường hướng chụp ảnh có chủ đề thì đâu còn là “chỉ nhìn chỉ tả.”  

Và có nghĩa gì không, nếu người đọc không ai cảm được, thấy được những điều đã nói ấy? 

Tôi đồng ý với Nguyễn Đăng Mạnh, đại khái rằng, để viết về một ngòi viết mình cần phải sống với chính tác giả mới mong hiểu hết ngôn ngữ và suy nghĩ của những gì đã được viết xuống.  Ở ngoài này cũng có Nguyễn Hưng Quốc làm công việc đó với Võ Phiến.  Nhưng còn những người đọc đứng ngoài những hiểu biết về văn chương văn học cùng những lý luận, kỹ thuật; những kẻ lỡ dở như tôi, đã lớn sau một cuộc chiến một thế hệ,  để hiểu một ngòi viết biết phải làm sao? 

Có những cách nhìn nào về tiểu thuyết mới của Nguyễn Đình Toàn?

Thú vị nhất có lẽ là lời của nhà giáo Nguyễn Hiến Lê về tiểu thuyết mới, trong Nguyễn Hiến Lê, Hồi Ký tập II, trang 265:

“báo chí đua nhau giới thiệu phong trào hiện sinh và phong trào tiểu thuyết mới (cũng gọi là  phản tiểu thuyết: Anti-roman).

Nhiều tác phẩm của Sartre (hiện sinh), Camus, Kafka được thanh niên hoan nghinh nhưng hình như không có tiểu thuyết nào của Alain-Robbe-Grillet, Nathalie Saraute, Michel Butor được dịch cả: loại tiểu thuyết này mới thì mới thật, nhưng không hấp dẫn.  Vì không có truyện.  Vả lại chính phong trào tiểu thuyết mới chỉ ồn ào được ít năm, khi nó qua mình thì ở Pháp ít ai còn nhắc tới.  Các tiểu thuyết gia của mình nói tới họ thì nhiều, thích họ thì chắc không, và tuyệt nhiên không có nhà nào theo kĩ thuật của họ.”

Nguyễn Hiến Lê không phải không có kiến thức về văn chương văn học, ngược lại, ông có sức học, hiểu, chứng minh qua hàng trăm sách đã xuất bản.  Nhưng có vẻ nhà giáo khả kính ấy không đọc, hoặc đọc nhưng không cho rằng tiểu thuyết NĐT là tiểu thuyết mới.  Và cũng có người nghĩ khác.

Nguyễn Đức Tùng, Những Kỷ Niệm Của Tôi Về Văn Học Miền Nam, cho rằng:

“Các truyện mới hơn [so với các truyện cổ điển] nhấn mạnh đến cốt cách, hành động bên ngoài, đọc họ thì biết là họ ăn nhưng không biết ăn gì, biết họ làm tình nhưng không biết làm tình như thế nào, biết một nhân vật chết nhưng không biết người ấy chết ra sao.  Như thế, tiểu thuyết ngày càng đi sâu vào nội tâm hay ngày càng đi xa ra khỏi đời sống?”

“Người đọc của Nguyễn Đình Toàn… không để ý lắm đến việc các nhân vật nam và nữ sau khi quen nhau thì sẽ làm gì, cuối cùng họ có lấy nhau không vân vân…mà chỉ quan tâm đến tâm trạng của nhân vật tức là diễn tiến bên trong của đời sống cá nhân…”
           
Tràng Thiên nói về bút pháp NĐT như vầy: “Giọng viết vắn tắt, cố làm ra rắn rỏi, thản nhiên, ngay ở những đoạn gây cấn nhất, không phân tích dài dòng, thích đột ngột… các nhân vật được giới thiệu với cái giọng đùa cợt hóm hỉnh, theo kiểu Duy Lam… trình bày được nhiều nhân vật rất linh động…  Trong cách phô diễn, có khi tác giả cố ý tìm những lối nói khác lạ cầu kỳ: ‘tiếng im lặng hòa lẫn với tiếng mưa’.”… “Nhiều lần, lối diễn tả vắn tắt đột ngột ấy gợi tả tài tình: nói về một thiếu phụ khỏe mạnh dưới nắng, ông bảo: ‘Trông Vinh nóng bức một cách nồng nàn’”. 

Bây giờ hãy thử đọc Ngày Tháng của Nguyễn Đình Toàn song song với một vài tiểu thuyết của những người hiện sinh lãng mạn Thanh Tâm Tuyền (TTT), Dương Nghiễm Mậu (DNM).  Ở đây có lẽ nên nhắc qua, Nguyên Sa, Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ (MBHCVN), đã chỉ ra rằng “văn học nghệ thuật của ta không những tránh thoát được cái tinh thần phe nhóm cực đoan, còn tránh luôn được cả sự gò bó của tư tưởng hệ thống hóa”.  Đoàn Xuân Kiên cũng xác nhận “[khuynh] hướng văn nghệ hiện sinh không phải là khuynh hướng chủ đạo của nhóm Sáng Tạo, càng không phải là của toàn thể văn nghệ miền Nam trong hai mươi năm.”  Cho dù được gọi chung là hiện sinh lãng mạn, Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, và Dương Nghiễm Mậu vẫn mỗi kẻ một con đường, một cách viết.  Tôi đọc truyện của TTT, DNM có chỗ hiểu chỗ không, nhưng chắc chắn một điều, tôi hiểu ngôn ngữ và phần nào suy nghĩ của họ.  Với Nguyễn đình Toàn, ghi nhận đầu tiên tồn tại cho đến những phút này, là văn phong NĐT cũ, ngôn ngữ nhiều khi khó hiểu.  Cũ, không phải cổ điển.  Đều đều hờ hững và bình thường như ngôn ngữ hằng ngày của những người vô danh nói với nhau.  Tôi nói…  Ông ấy nói…  Rồi chúng tôi đi về…  (Ngày Tháng).  Vậy có gì là mới? 

Tiểu thuyết của Nguyễn đình Toàn và của Thanh Tâm Tuyền có chung một vài điểm, thí dụ như sự lãng mạn rõ rệt trong suy nghĩ trong cách nhìn, thí dụ là những câu nói nhiều khi đột ngột khó hiểu, và như là nói tắt_tựa như xuyên qua vài khúc quanh ngõ quặt thì tới cái điểm mà nếu đi đường chính sẽ phải mất năm bẩy chặng.  Nhưng ở đây cũng thấy được cái khác ở trong cái giống.  Bếp Lửa có những câu văn ngắn mà kết cấu như là ở thể passive voice của Anh, Pháp.  Cấu trúc câu văn có vẻ như quen nghĩ bằng tiếng Pháp/Anh, mà viết ra bằng tiếng Việt.  “Con sâu ở giữa tim giữa hồn, giữa não, mày nhớ không?” đọc trong nguyên đoạn văn nó có nghĩa là “mày đừng quên con sâu ở giữa tim giữa hồn giữa não,” không phải một câu hỏi hay một câu gợi nhớ, nhưng nếu nghĩ theo tiếng Anh sẽ biết ngay_remember?_đó là một cách tái khẳng định/nhấn mạnh.  Câu văn của Nguyễn đình Toàn khó hiểu phần nhiều vì ông gói vào nó một cái nghĩa sâu xa hơn cái thông thường mà chữ chuyên chở: “tình muốn bỏ tình chứ không phải người muốn bỏ người” (Không Một Ai, trang 256, trích dẫn của Tạ Tỵ), hay “tự sờ mó thân thể mình là một điều nhục nhã, và tự làm ung thối mình,” nhục nhã không phải ở hành động đó mà là ở chỗ tại sao chúng ta đã phải sống như thế, và không phải hành động tự sờ mó làm ung thối mà chính là sự kiện đẩy mình tới chỗ đó_chiến tranh, mất mát, không thể tìm thấy nhau_ làm hư hoại sự sống.  Đây không phải là nghĩ bằng tiếng Pháp tiếng Anh viết bằng tiếng Việt mà chỉ là những chắt gạn trong suy nghĩ mà Nguyễn Mạnh Côn, Đọc sách mới _ Con Đường, đã nói đến.  Hoặc như “Anh vừa lãnh một cặp tiền không tiêu cũng uổng”_ một câu ngắn không diễn giải gì cả nhưng nó đưa lại một chuỗi những hệ quả khổ đau của chiến tranh và cuộc sống bấp bênh… Lại cũng có câu trong Bếp Lửa có cái dạng hình làm mới chữ nghĩa của Mai Thảo: “thằng Bảo vợ cái be nước mắm,” “Tôi quên lá thư của Ngọc.  Ngọc mở ở bàn đêm đầu giường”_Ngọc đã trở thành lá thư, và Bảo là vợ là be nước mắm…  Trong khi NĐT có câu như là lủng củng khúc khuỷu dù ngắn: “đó là câu hỏi hết sức tránh phải trả lời.”

Đọc Ngày Tháng, cái khác biệt với Thanh Tâm Tuyền hay Dương Nghiễm Mậu rõ hơn cả chính ở chỗ áp dụng kỹ thuật tiểu thuyết mới của NĐT.  Ở truyện của Dương Nghiễm Mậu và Thanh Tâm Tuyền, độc thoại nội tâm cùng những thao thức trăn trở tâm tình suy tư và cốt truyện chưa trộn lộn  thành một, vẫn được nối với con người, với xã hội bên ngoài bằng những lời đối thoại có hình thức rõ rệt (xuống hàng, phân rõ ai nói cái gì), người đọc thấy dễ theo dễ thở chung một không khí. 

Trong Dương Nghiễm Mậu, Tuổi Nước Độc 1965, những lời đối thoại độc thoại, sự kiện sự việc hình ảnh nghĩ suy… cũng dài dằng dặc trong mấy trang, không phải chỉ có NĐT viết như vậy.  Nhưng với DNM Tuổi Nước Độc, đó là một giấc mơ, những giấc mơ, và người đọc vẫn trở về với thực tại truyện, thực tại của người viết và người đọc, khi xuống hàng qua phân đoạn khác. 
Với Ngày Tháng, toàn bộ truyện là giấc mơ, mọi thứ thực đến đau đớn đến chua xót, nhưng như nó không có ở đây giữa chúng ta, nó ở một tinh cầu xa xăm nào đó.  Nhân vật của NĐT dù đơn sơ như Hóa Tro Than, như Tôi_Con Đường; suy tư như Phụng_Đồng Cỏ; lãng đãng như Lan Áo Mơ Phai, tất cả đều như hiện ra trong một giấc mơ, dù là giấc mơ sống động.

Mù Khơi 1970 của Thanh Tâm Tuyền giọng văn đọc lên không lãnh đạm thờ ơ, vẫn cảm được cái xúc cảm của nhân vật, đúng hơn của tác giả.  Ngày Tháng có cái dửng dưng hờ hững không xúc cảm trong lời viết.  NĐT xóa nhòa mọi cảm xúc thông thường mà ta biết để tả cái cảm xúc đớn đau tinh tuyền trong suy nghĩ, trong tâm hồn.  Đọc  NĐT  phải có cái đau thực sự mất mát thực sự mới thấm cái vô cảm trong câu văn, trong khi đọc Bếp Lửa thì cái lãnh đạm trong thái độ của nhân vật là cái lãnh đạm bốc lửa, chỉ ra cái đau đớn tâm tư, mình chỉ cần có mức độ nhậy cảm trong tâm hồn thì cảm thông được, không nhất thiết phải kinh nghiệm qua cái đau đớn tâm hồn.  Tả cái đau đớn của tâm hồn có lẽ không ai tả hay hơn NĐT, và đó là cánh cửa ngăn mình thấm hiểu tiểu thuyết NĐT, mình cứ mắc kẹt ở ngưỡng cửa, không gọi tên chỉ mặt được.  Tức lắm. 

Ở TTT Dọc Đường 1970, những truyện ngắn dù hiểu hay không hiểu ý nghĩ của tác giả, mình vẫn thấy gần gũi và cảm thấy được cái không gian đó thế giới đó còn có chỗ gắn với mình bởi những chi tiết tươi rói của cuộc sống hiện tại.  Với NĐT_Ngày Tháng và những truyện đã đọc, hình như chỉ có sự chán chường rã rời như nắm cát rơi qua kẽ tay, đáng sợ nhất là nó rơi đều đều như trong chiếc đồng hồ.  Ở NĐT, mọi chi tiết đều là chi tiết người viết thu lượm cất riêng ra, rồi sau mới đem vào suy tư của nhân vật trong một cõi cách biệt.  Những chi tiết đó có chất thật, nhưng không mang một sự liên tưởng gần gũi.

Những độc thoại nội tâm của Ngày Tháng dài dằng dặc, dài hơn cả những trang Áo Mơ Phai (1973).  Với Áo Mơ Phai, NĐT xác nhận sự cố ý của bút pháp, nhưng e rằng nhà văn đã dùng nó trước cả khi ý thức nó, vì những trang của Ngày Tháng (1968) là sự tuôn chẩy không ngừng nghỉ của ngày 24 giờ, tuần 7 ngày.  Đối thoại, ai nói với ai nói cái gì, cũng như sự kiện to nhỏ, ý nghĩ cảm xúc bên trong và trao đổi giao tiếp bên ngoài, trộn lẫn vào nhau liên miên, không dứt.  Trong 60 trang sách, 28 trang giấy in, Ngày Tháng chỉ có những xuống hàng phân đoạn, mà cũng không nhiều đâu, có khi vài trang mới thấy một lần, và không hề có phân hàng đối thoại (lời nói qua lại nối tiếp nhau đứng chung với những lời khác, mọi lời khác).  Trộn lẫn đến nhòe tan mọi ranh giới, đó chính là tiểu thuyết mới mà Nguyễn Vy Khanh đề cập trong kỹ thuật viết, nhưng thật khó nhận ra trong tiểu thuyết Nguyễn đình Toàn vì nó bị cái nội dung đặc sệt của suy tư trùm phủ, chữ bị lôi vào suy tư không dứt, chứ chữ không kéo dài, nối dài suy tư.  Ngày tháng là dòng chảy đặc sệt, toàn bộ cuộc sống bị tách ra, mang vào một không gian khác, như không dính líu gì đến xã hội mình đang sống.  Tồn tại một hành tinh khác?  Guy Li Ve du ký? 

Cảm nghĩ tồn tại khi đọc những tác phẩm đã nhắc của TTT, DNM, và NĐT, là đọc NĐT thấy như mình bị lôi ngược lại ở mức đầu, để đi chậm lại từng bước đời mà soi cho rõ từng ý nghĩ, từng cảm nhận về cuộc đời, trong khi hai tác giả kia cho mình cảm nghĩ mình đang cùng họ bước tới cái gì chưa biết ở trước mặt. 

Tôi cho là Nguyễn Đình Toàn thực ra làm cũ cái mới chứ không phải làm mới cái cũ.  Không khí tiểu thuyết của  NĐT  là một thứ mới tinh tuyền trong thực chất, không phải trong bút pháp, vì lời văn  NĐT cũ, cũ trong kết câu và trong từ ngữ.  Tựa như NĐT mang cái nghĩa mới vào ngôn ngữ cũ ý niệm cũ chứ không phải viết cái cũ bằng ngôn ngữ mới.  Ở đây, phải đi ngược lại từ Chị Em Hải, để thấy, cái mới đã bàng bạc nơi tác phẩm, nhưng nó lẫn vào trong nội dung muôn thuở_tình yêu, cuộc sống, trong chữ cũ kỹ trong câu lẫn thẫn lẩm cẩm, và hòa vào đó thành tiểu thuyết NĐT.  Bút pháp NĐT từ Chị Em Hải đã có những nét riêng, cách nói ẩn dụ ví von riêng mang nhiều sắc thái của Neruda của Tagore của Sagan rồi, không đợi đến Con Đường mà NĐT nhận là bước rẽ của kỹ thuật tiểu thuyết mới.  Nghĩa là, tự NĐT đã có một ý niệm viết cá biệt rồi mới dùng cái gì thấy thích hợp (kỹ thuật tiểu thuyết mới) trong một chừng mực mà ông chọn.

Song song với những lời của NĐT nơi bài phỏng vấn, khi đọc một số các tác phẩm của NĐT tôi cho rằng nếu như chúng ta đã không có kỹ thuật tiểu thuyết mới thì trước sau gì rồi NĐT cũng sẽ viết như vậy, vì chính trong tầng sâu của suy nghĩ, NĐT đã có ý hướng riêng để viết cái điều mình muốn nói, để tả cái dằn vặt nội tâm của mình.  Kỹ thuật đó đến chỉ là một phương tiện thích hợp và tiện dụng mà NĐT chộp lấy để sử dụng và hoàn thiện điều mình muốn làm: riêng một văn phong, hẳn ra một không khí tiểu thuyết: hững hờ hoài nghi ray rứt tuyệt vọng.

Nguyên Sa (MBHCVN) đã nói: “anh nào bảo rằng mình không bị ảnh hưởng ai cả là nói khoác.  Bởi thế, sau khi đón nhận và tìm hiểu, làm thế nào tẩy bỏ được tối đa dấu vết trong tác phẩm của chính mình,” và Sartre, cũng theo Nguyên Sa, khi bị “tố” là “‘ám sát văn chương,”  đã trả lời rằng “người ta không phải là nhà văn vì nói một cái gì nhưng vì đã nói lên một cách nào đó…  – Hành văn … cần có một vẻ đẹp chìm không làm người ta chú ý đến… vì nó chỉ là ký hiệu của một nội dung khác, nó chỉ là lớp kính qua đó ta nhìn sự vật, cái nhìn phải đi qua lớp kính ấy chớ không được dừng lại, trượt lên lớp kính nhẵn đẹp.”

Đọc Ngày Tháng có thể nhớ một câu gì của NĐT không hay chỉ nhớ cái điều ông đã gieo vào lòng?
(còn tiếp)

Lưu Na


No comments:

Post a Comment