Monday, October 8, 2012

HÌNH ẢNH ẨN DỤ TRONG LỤC BÁT LUÂN HOÁN


Đức Phổ






Đọc thơ Luân Hoán, nhất là lục bát của anh, người đọc có thể hình dung được ngay tác giả. Phải là một tay chơi... ‘chữ nghĩa’ thứ thiệt. Thơ mộng mà lịch lãm, hiền lành mà nóng bỏng, đa tình  mà thủy chung... mới xuất chiêu và dụng chiêu tài tình như thế!

Thơ anh viết tưởng chừng thật dễ dàng. Nhưng khó lắm. Không phải ai muốn viết như anh cũng được. Do anh quá dồi dào cảm hứng chăng?! Tất nhiên. Nhưng cảm hứng của anh thường được xào nấu, pha trộn bằng thứ gia vị độc đáo. Cái độc đáo của cách liên tưởng sự việc, tình cảnh... quả thật tài tình với những nét ẩn dụ quấn quít từng câu thơ, đoạn thơ. ‘xăn quần, em thả gót hồng/ nghịch cho nước chảy lòng vòng quanh chân/ lòng tôi trong nước lăng quăng/ mon men tìm lỗ chân lông bám vào...’

Hình ảnh ẩn dụ được anh lồng vào trong thơ lục bát, ‘ sex’ lắm! Nhưng không trần truồng, dung tục... Dung nhan người nữ trong thơ Luân Hoán thường được anh vẽ lên bằng những nét gợi tình: ‘gót hồng’, ‘em nằm phơi’, ‘lỗ chân lông’, ‘búp da trắng, búp thịt đào’, ‘búp đùi thánh thiện’, ‘cồn hoa’, ‘chân sen duỗi’, ‘em ngủ ở truồng’, ‘hai bàn chân khép’... Đã làm cho anh cảm thấy ‘trục trặc cái chi trong lòng’ khi ‘thu nhãn lực viếng thăm ngọn ngành’để rồi bộc bạch một cách tỉnh táo, không ngượng ngập rằng, ‘cái tâm bằng phẳng là không phải người...’

Với chiều dài chung sống cùng thi ca trên bốn thập niên. Với một bề dày tác phẩm đồ sộ anh đã góp mặt với đời. Tôi vẫn thích thú nghĩ rằng, những người nữ hiện diện thường trực trong lục bát Luân Hoán, được anh phỏng họa từ dung nhan, đức hạnh... của người bạn tình gắn bó gần suốt đời cùng anh, mặc dù anh đã phải hứng chịu nổi bất hạnh lớn lao nhất  của đời mình khi thắp ‘nén hương cho bàn chân trái’... Và, cũng kể từ khi ‘con bướm chở hương sang hiên người/ là lòng gửi sợi thơ tôi/ khiến em lộ mặt, ngó trời, thở ra/ trái tim có dịp la cà/ qua thăm nhánh khế sau nhà người dưng/ rồi vì, em biểu rằng:- đừng!/ nên chi, em với ta cùng của nhau/ một lần, lần nữa, đến đâu.../ đâm ra ở suốt bên nhau đến giờ.’... Hương yêu ngày xa xưa ấy, giờ đây vẫn chưa nguội lạnh trong anh. Anh vẫn luôn tình tứ với người yêu dấu bằng lời dặn nồng nàn: ‘em vào, nhớ khép cửa buồng/ giữ hương xuân ấm chiếu giường quanh năm’...

Nhà thơ Luân Hoán có nội lực thi ca thâm hậu, có trái tim say đắm và hừng hực lửa yêu đương. Vì thế anh luôn giữ cho mình một tâm hồn và thể xác sung mãn, một phong cách sống giản dị, bình thường... Chữ nghĩa trong thơ anh không cầu kỳ, trau chuốt. Anh viết như nói chuyện, như tâm tình. Bởi thế, thơ Luân Hoán không kén chọn độc giả. Người đọc, bất luận ở trong tầng lớp nào cũng thích đọc thơ anh. Anh đã khéo chọn cho mình một chỗ đứng riêng trong lĩnh vực thi ca. Anh đã bơi/ chèo/ ngụp/ lặn... trong cõi-riêng-thơ ấy bao năm một cách thoải mái, vô tư! Ta hãy thử  đưa ra một số thơ lục bát không ghi tên tuổi, của nhiều tác giả khác nhau, người đọc cũng sẽ dễ dàng nhận ra ngay, đâu là bài thơ Luân Hoán! Đó là một ưu điểm mà không phải người làm thơ nào cũng đạt được...

Anh nghĩ suy và cảm hứng từ  những chuyện đời thường tưởng như ai ai cũng nghĩ được như thế. Nhưng viết ra thì có mấy ai! ‘chúc con, cháu là chúc ta/ khuya về ôn lại hương hoa động phòng...’ Và từ những hình ảnh bình thường như khi ‘thấy em thay áo tình cờ...’ đủ làm cho anh  ‘nức lòng thanh xuân...’ hoặc thấy ‘em nằm phơi rốn với chân’ mà anh thấy được hồn ‘trải một sân nắng vàng’...

Thơ hay, thường xuất phát từ một tấm lòng biết rung động chân thành vời đời, với người, với sự vật, với cảnh tình... Cùng với tài hoa của người viết nên tác phẩm. Nhưng qua cách nhìn, thi hứng được tưởng tượng, thi hóa bằng sự nhạy cảm của thi nhân. Với bút pháp điêu luyện, với một âm ngữ nhàn nhã gây nên tiết tấu thơ Luân Hoán có một nhịp điệu khoan thai, dè dặt và rất lạc quan, yêu đời... ...

Lần đầu tiên đọc thơ Luân Hoán, tôi thích thú bởi cái bút hiệu của anh. Nó làm tôi liên tưởng ngay đến cuốn sổ ‘luân hoán’ tôi từng được thầy cô giáo trao cho, với nhiệm vụ trình bày và ghi chép ngày giờ, môn học, nội dung môn học, tên thầy cô giáo phụ trách giảng dạy... Ấy là năm tôi học lớp đệ ngũ. Ấy là năm học được mấy đứa bạn nghịch ngợm ‘nói lái’ để chọc ghẹo đám nữ sinh và đã được mấy cô nường háy nguýt đã đời. Ấy là năm tôi biết đọc thơ Luân Hoán, ắt hẳn phải là cơ duyên!...

Sau đó, một đôi lần biết anh (nhưng chưa quen...) tại quán cà phê Từ Thức của anh ở Đà Nẵng trong mấy dịp tôi từ  Sài Gòn đi phép ra Huế,  ghé qua. Tôi vẫn cứ cảm thấy cái tên ‘Luân Hoán’ hay ghê! Cái tên, đã bao lần dắt dìu ký ức tôi trở về với trường cũ thầy xưa... Cho đến một ngày, đọc được rằng, cái bút hiệu đã gắn bó, sống chung cùng anh qua bao chặng đường thi ca là bửu danh của bậc song thân, được anh ghép lại! Tôi đã cảm động đến dường nào!!!...

Với tình yêu, nhà thơ Luân Hoán được sống trọn một đời tình, tôi không theo kịp được. Nhưng với lòng hiếu thảo của anh đối với bậc sinh thành, tôi nghĩ, cũng chân thành không kém! Anh cùng lớp người được sinh ra với tuổi thơ trắng ngần trang giấy mới, với tuổi mơ mộng văn chương thơ phú. Rồi lớn lên, nổi trôi theo trường lính trường đời, rồi tan hàng rã ngũ... Trang đời anh đặc biệt hơn, có ghi thêm ‘bàn chân trái’ gửi lại sa trường... Khi viết về Cha, về Mẹ anh tỏ ra duyên dáng trong những nét ẩn dụ chứa đựng nỗi ngậm ngùi sâu lắng mà ai cũng có thể dễ dàng chia sẻ cùng anh. ‘cuối tuần ba thuê đấm lưng/ nắng ngoài sân gọi, dòm chừng, đếm gian...’ ‘ba cầm thi phẩm của con/ long lanh mắt lật, ngó, không nói gì...’ ‘con đi học làm sĩ quan/ mỗi tuần ba gửi vài trang chữ đầy...’ ‘dìu nhau về tới hiên nhà/ nạng con ngơ ngác, gậy ba bàng hoàng/ không gian cùng với thời gian/ bỗng dưng khựng dưới ba bàn chân khua...’ Với Mẹ, anh tỏ ra xúc động sâu sắc từ đức tính trung hậu, từ tấm lòng bao dung... của Mẹ. Anh còn đặc biệt thương cảm sự hy sinh, sương khó của Mẹ biết chừng nào! ‘vì ba thích rượu ghiền trà/ cà phê, thuốc lá tà tà quanh năm/ nên mẹ thủ phận gánh gồng/ cho hương hạnh phúc vẫn thơm mỗi ngày...’

Nói chuyện thi ca, tên tuổi và tác phẩm của anh không còn xa lạ gì với người mến mộ! Đôi dòng viết về anh chỉ là sự mạo muội của kẻ múa rìu... Xin hãy xem bài viết ngắn và thô thiển này, chỉ ghi lại từ cảm tính của riêng tôi thay cho lời cảm ơn nhà thơ Luân Hoán đã cho tôi niềm hưng phấn khi cảm nhận thơ anh...

ĐỨC PHỔ
10-05-2004
* chữ in nghiêng: trích thơ Luân Hoán từ các Thi tập ‘Mời Em Lên Ngựa’, ‘Cỏ Hoa Gối Đầu’, ‘Sông Núi Cùng Người Thơm Ngát Thơ’ và Tạp chí Văn số 84&85 Xuân Giáp Thân, 2004.



No comments:

Post a Comment