Ý Nhi
Doll. by Kim Roberti
Nhà
anh ở tầng bốn một chung cư cũ, không có thang máy. Con còn nhỏ, vợ
sau giờ làm ở sở còn phải chợ búa, cơm nước, giặt dũ. Anh có trách
phận hàng ngày xách rác đi đổ. Sáng sớm, khi xuống nhà tranh thủ đi
bộ vài vòng lúc phố phường còn vắng vẻ, anh xách theo bịch rác đã
được vợ thu dọn gọn gàng. Anh làm công việc này giỏi giang đến nỗi
chưa bao giờ bị vợ than phiền. Nhà anh dọn về đây bốn năm, nghĩa là
anh đã đi đổ rác hàng ngàn ngày.
Sáng nay, anh vừa huýt sáo khe
khẽ vừa chạy xuống cầu thang, tâm trạng hoàn toàn thư thái. Anh ném
bịch rác vào cái thùng sắt vuông màu xanh lá cây của công ty vệ sinh,
vừa định quay đi thì nhìn thấy ngay dưới chân mình một con búp bê xinh
xắn. Nó đội mũ đỏ, mặc váy trắng chấm bi xanh, hai tay chắp trước
ngực, đôi mắt cúp xuống, khoe một hàng mi dày. Hơi phân vân một chút
nhưng anh tặc lưỡi, chắc ai đó chơi chán rồi bỏ đi cho đỡ chật nhà.
Nhưng đúng lúc dợm bước đi anh bỗng nghe một tiếng động khe khẽ rồi
trông thấy con búp bê cựa mình, bật kêu lên mấy tiếng kỳ lạ bla, bla,
bla. Anh cúi xuống, con búp bê
nhìn anh bằng đôi mắt xanh biếc màu trời, môi mấp máy, tôi biết khóc, tôi biết kêu bla,
bla, bla. Anh đứng im để định
thần rồi cúi xuống nhặt nó lên, đem đặt trên chiếc ghế đá gần thùng
rác nhất. Dãy ghế này được đặt theo sáng kiến của hội Người cao tuổi trong chung cư. Đó là
nơi chiều chiều các cụ ông cụ bà từ bỏ căn phòng chật chội đến
ngồi bên nhau, than van, kể lể chuyện con chuyện cháu, hỏi han bệnh
tật của nhau, khuyên nhau tập thể dục, bày nhau uống các thứ thuốc
nam, thuốc bắc… Đây cũng là nơi các bà nội trợ nghỉ chân khi tay xách
nách mang từ chợ trở về, lấy sức để leo lên cái cầu thang dựng
đứng. Dân sống trong chung cư gọi đó là đường lên trời.
Anh đi bộ năm vòng, như thường
lệ. Lúc về, anh dừng lại chỗ chiếc ghế, có ý tìm con búp bê nhưng
thay vào đó là bà cụ già ở tầng hai, đang đưa đôi tay gầy guộc xoa
xoa vào chiếc đầu gối sưng lên vì thấp
khớp. Bà thường ngồi đó, lặng lẽ nhìn người qua lại, rên khe khẽ,
không rõ vì cơn đau hay chỉ là một thói quen. Anh đã nhiều lần trông
thấy bà cụ nhỏ bé, mặc áo cánh nâu, đầu vấn khăn ngồi ở chiếc ghế
này nhưng hôm nay trông cụ lạ lạ trong chiếc áo sơ mi màu tím sẫm với
đường viền đăng ten trắng khá diêm dúa. Có lẽ đó là chiếc áo đã
lỗi mốt của người con dâu. Anh
định hỏi bà về con búp bê rồi sợ phiền, lại thôi. Anh nghĩ, chắc có
ai đó đã nhặt nó và cảm thấy an lòng. Anh gật đầu chào bà cụ rồi
đi thẳng về phía cầu thang.Thế nhưng, khi vừa đặt chân lên nấc thang
đầu tiên, anh đột ngột quay ngoắt lại, chạy đến chỗ thùng rác. Khi nhìn thấy con búp bê
nằm xóng xoài, lem luốc giữa các bịch rác, anh bật kêu trời đất, rồi đứng chết trân như
người bị thôi miên. Có ai ở phía sau vừa ném thêm một bịch rác qua
vai anh, che khuất hoàn toàn con búp bê. Người đó hỏi anh, anh tìm gì
vậy. Anh quay lại, gặp ngay khuôn mặt nhăn nhó của tay hàng xóm, không,
tôi có tìm gì đâu. Anh cứ đứng như thế, bất lực nhìn những bịch rác
được ném tới tấp, chồng chất lên nhau. Chẳng mấy chốc cái thùng sắt
to đùng đã ngập ngụa những rác là rác.
Vợ anh hỏi, anh sao vậy, đau
bụng à, khi thấy anh ngồi bần thần trước bát mì đang bốc khói. Anh
đáp, vẻ thản nhiên, anh hả, khỏe như vâm, đau ốm gì đâu. Vợ anh không
trả lời, lẳng lặng đưa thìa đũa cho chồng. Vợ anh là một phụ nữ
xinh đẹp,tháo vát, sắc sảo. Có lần, trong bữa tụ họp gia đình vào
ngày chủ nhật, bố vợ anh nửa đùa nửa thật, bảo con gái, con vừa
vừa phải phải thôi, nhìn mẹ kìa, cả đời chưa nói nặng một câu, chưa
căn vặn, cật vấn chồng lấy một lần. Ông bà dạy, lạt mềm buộc chặt
con ạ. Vợ anh nũng nịu, bố, bố vạch đường cho hươu chạy à. Có mà
chạy đằng trời, anh nghĩ. Anh có cảm giác, nhất cử nhất động của
anh đều không qua khỏi mắt nàng. Anh ăn chưa xong bát mì, nàng đã bưng
đến cốc ca-phe pha sẵn, ánh mắt dò xét, dứt khoát là anh có chuyện.
Anh vừa thổi vừa uống hết chỗ ca-phe, đẩy ly nước ra xa, cười cười,
em có chuyện thì có. Đôi khi, mắt mình mờ mà lại cho rằng hình ảnh
kia không rõ. Nàng đến sát bên anh, anh soi gương mà xem, anh cười kiểu
gì mà như mếu vậy. Anh đột nhiên đứng phắt dậy, anh có chuyện, anh
có vấn đề, chuyện gì, vấn đề gì mới được chứ. Mà anh cười như thế
nào thì liên quan gì đến em. Anh lao ra khỏi phòng trước ánh nhìn ngỡ
ngàng của vợ. Chưa khi nào anh ra mặt chống lại nàng như vậy.
Anh phanh kít xe khi đã đến sát
vạch ngăn cách. Tay công an nhìn anh, không
rõ là bằng lòng vì hành động của anh hay nuối tiếc vì bắt hụt một
con mồi. Đến lúc đèn xanh bật lên, anh lại bị mấy chiếc xe phía sau
rú còi inh ỏi. Một cô váy đỏ khi ngang qua anh, quay lại nhìn soi mói,
rõ là ngẩn ngơ. Thấy cô ta rẽ phải, thay vì rẽ theo cùng hướng để
đến chỗ làm, anh quay xe rẽ trái. Chỉ cách ngã tư một quãng ngắn,
con phố bỗng hẹp lại với hai dãy nhà xây cất giống hệt nhau, các ô
cửa màu xanh đóng im ỉm. Có phần hoang mang nhưng anh vẫn đi tới, cũng
không hiểu để làm gì. Sau căn nhà cuối cùng, có một thanh barrier bằng sắt chắn ngang đường,
giống như chỗ có tàu lửa chạy qua ở đầu phố nhà anh. Phía bên phải
có một lối đi nhỏ và một trạm gác. Anh bước tới, vừa lúc một mái
đầu bù xù thò ra khỏi ô cửa, anh cần gì. Anh lúng túng, không, tôi vô
tình qua đây thôi. Người kia nhại, vô tình, vô tình, ai cũng vô tình.
Vậy anh có vô tình trông thấy cái gì ngoài kia không. Theo hướng mắt
của ông ta, anh nhìn thấy mặt biển
phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ xanh thăm thẳm. Anh đáp,
biển. Người đàn ông cười phá lên, ấy đấy, tôi đã hỏi bao nhiêu người
nhưng chỉ mình anh thấy biển. Những người khác cứ ngây ra nhìn tôi như
thể tôi lừa phỉnh chi họ. Vậy có nghĩa là anh được đi qua cái cửa
này. Anh đi đi, ông ta khuyến khích. Thấy anh lưỡng lự, ông ta dùng tay
đẩy vào yên xe, giọng khào khào ma mị, cuộc đời anh là ở bên kia cái
cổng nhỏ xíu này. Anh muốn cưỡng lại nhưng cái xe đã lọt qua cửa tự
lúc nào và anh chỉ còn cách bám theo nó. Chết tiệt, anh rủa thầm,
không hiểu là rủa cái xe, rủa người đàn ông hay là tự rủa mình.
Câu nói lấp lửng của người đàn
ông khiến anh nghĩ đây là khu vui chơi giải trí tưng bừng nhộn nhịp,
trai tài gái sắc chạy nhảy tung tăng, áo quần phấp phới, nói cười
nghiêng ngả. Nhưng trên mặt cát im lìm, chỉ có mấy chiếc lều lợp lá
sơ sịa và một dãy ghế bố xếp ngay ngắn gần sát mép nước. Anh thả
bộ dọc theo bờ biển vắng, nhìn những ngấn nước nhẹ nhàng liếm vào
đôi chân trần của mình, đầu óc thảnh thơi, vô tư lự. Chỉ đến khi nhận
ra những ngấn nước đã dâng cao hơn, tiếng sóng đã vang to hơn, anh mới
dạt lên phía trên cao, nơi có vài tảng đá, vài cây tùng đứng trơ trọi
giữa khoảng không rộng lớn. Cách đó một quãng, anh lại nhìn thấy
một trạm gác và một thanh chắn giống hệt nơi anh vừa bước vào. Anh
ngồi xuống gốc tùng, chân thả xuôi, tay chống vào phía sau, nheo mắt
nhìn biển. Biển đã không còn vẻ phẳng lặng như thoạt đầu anh nhìn
thấy. Những con sóng dồi lên, dạt xuống khiến biển có vẻ gì đó rất
khó lường. Người anh cứ chuồi dần, chuồi dần xuống trong một giấc
ngủ nhẹ nhàng, không mộng mị. Bỗng anh thấy có ai đó lay lay vai, rồi
nghe thấy tiếng khóc, tiếng kêu bla,
bla, bla văng vẳng bên tai. Anh choàng dậy, thấy mình đang bị lèn
chặt giữa một đám đông, trước ngọn đèn giao thông vừa đổi sang màu
xanh và người ta đang bấm còi inh ỏi phía sau anh. Quái lạ, anh không
hiểu điều gì vừa xảy ra trong 99 giây đợi đèn xanh. Có một cô váy đỏ
thật. Cô ta đứng rất gần anh, gần đến độ anh nghe thấy mùi nước hoa
từ mái tóc nhuộm nâu của cô. Nhưng cô ta không nhìn anh và cũng không
nói lời nào với anh. Cô váy đỏ rẽ phải, anh cũng rẽ phải, lòng dạ
lửng lơ. Anh liếc nhìn đồng hồ. Nếu không bị kẹt xe, anh sẽ kịp giờ
làm. Trưởng phòng của anh là một tay đúng giờ đến từng giây và chi
li đến từng xu. Hắn không ghét gì hơn việc nhân viên đi làm muộn và
người nào cũng nại ra lý do đường đông, ùn tắc giao thông. Hắn hầm
hừ, thế tôi bay từ trên trời xuống à. Mỗi khi có khoản tiền ngoài
lương cần chia cho mọi người, hắn đóng cửa phòng, tính đếm cả buổi
rồi buộc mỗi phần tiền bằng một chiếc dây thun nhỏ. Trên bàn làm
việc của hắn có một chiếc rổ nhựa đựng đầy dây thun. Có lần, vừa
bước ra khỏi phòng sep, anh tình
cờ nghe thấy cuộc trò chuyện giữa tay lái xe và cô nhân viên nhập
liệu mới về phòng. Cô gái hỏi, sep
có vợ chưa. Lái xe đáp, rồi, rất xinh đẹp. Cô gái than, thật phí của
trời. Lái xe vặn, tiếc à. Cô gái nhún vai, tiếc cho người đẹp. Lái
xe bảo, dở hơi à. Người đẹp quyền to lắm, là sep của sep. Sep bà duyệt thì cô mới được vào
đây đấy ạ. Cô gái cười phá lên, để mai xem sep mặc quần hay mặc váy. Trông thấy anh, cậu lái xe đưa tay
bịt miệng cô, muốn mất việc hả. Anh cười, tôi không nghe thấy gì đâu,
chỉ nghe xep, xep thôi. Mà này, nói xấu sep
là một phần của văn hóa công sở đấy. Cô gái dứ dứ ngón tay trước
mặt anh, anh can tội đồng lõa đấy nhé. Nhớ lại hình ảnh cô gái bé
nhỏ đi bên cạnh tay lái xe to như hộ pháp, anh bật cười. Sợ mọi người
nghe thấy, anh hắng giọng, cố ho thêm mấy tiếng nữa rồi nhìn quanh dò
xét. Nhưng các khuôn mặt đều lặng câm, chăm chăm hướng về phía trước.
Anh lầm bầm, bom có nổ mấy người cũng chẳng nhúc nhích, rồi bật kêu
thầm, mình thuổng câu này của trưởng
phòng từ hồi nào vậy. Mỗi khi công việc chậm trễ, hắn thường đứng
giữa phòng gầm gừ, bom có nổ mấy
người cũng chẳng nhúc nhích. Câu nói quen tai đến nỗi chẳng còn
ý nghĩa răn đe, cảnh cáo, thậm chí, nó đã trở thành một trò đùa.
Cứ mỗi lần sep nói chữ bom là cả phòng lại dồn mắt vào
cô nhân viên nhập liệu đang hạ giọng nói tiếp: có nổ mấy người cũng chẳng nhúc nhích. Cả bọn phá lên
cười, sep cũng cười. Có lẽ ưu
điểm lớn nhất của trưởng phòng là không giận lâu và hay quên, nhất
là quên tên người. Giao việc cho ông A thì cứ ông B mà hạch hỏi, giao
đề tài cho bà C thì nhằm ông T mà thảo luận. Có lần hắn túm lấy
anh ngay cửa ra vào, thế nào, muộn cả tuần rồi mà việc của cậu vẫn
chưa xong. Anh hỏi việc gì thì được biết đó là đề tài X của ông Y.
Nhưng hôm nay thì đúng là ngày anh phải trình bày phương án giải
quyết một phần trong kế hoạch chung của cả phòng. Anh chạy xe ngay
phía sau cô váy đỏ, mấy lần muốn vượt lên mà lần nào cũng bị cản
lại, lúc thì một chiếc xe đạp từ trong hẻm lao ra, lúc thì chiếc
tắc-xi bỗng dưng quay đầu, khi thì hai cô cậu chở nhau chạy ào lên từ
bên phải. Rồi bất thần, cô váy đỏ đổ rầm xuống ngay trước mũi xe
của anh. Thiên hạ xúm lại, chỉ trỏ, bàn tán, xuýt xoa. Hóa ra chiếc
váy bị quấn vào bánh xe mà cô ta không biết. Anh thợ khóa bên đường
chạy ra đỡ chiếc xe, mấy bà bán hoa quả giúp cô gỡ váy, đem túi
xách, mũ mão của cô vào vỉa hè, anh cùng một người đi đường đỡ cô
ta dậy. Cô bước đi khập khiễng, một vệt máu đang rỉ ra chỗ mắt cá
chân. Thế là lại phải chạy đi mua
thuốc sát trùng, bông băng về ràng rịt vết đau. Xong xuôi mọi việc
thì anh đã muộn giờ 15 phút. Cô gái ngồi lên xe với một vạt váy bị
rách, quay sang anh. Tim anh đập như muốn vỡ ra khi nhìn thấy đôi mắt
trong biếc của cô ta, đôi mắt của con búp bê bị vứt vào thùng rác
sáng nay. Anh chờ đợi khuôn miệng xinh xắn của cô sẽ thốt lên mấy
tiếng tôi biết khóc nhưng cô chỉ
nói khẽ, cám ơn anh rất nhiều. Cô lại rẽ phải. Anh rẽ trái, chạy
một quãng ngắn, lòng vẫn lơ lửng, phân vân, rồi đột ngột quay đầu xe,
vừa khi ngọn đèn vàng phụt tắt. Cô gái lúc ẩn lúc hiện rồi mất
hút trong đám đông đầu đội mũ bảo hiểm, mặt đeo khẩu trang, dính
chặt vào nhau thành một khối, xô dạt trước mắt anh. Anh thở dài, lắc
lắc đầu, cố thoát ra khỏi trạng thái mê mụ. Thoạt tiên, anh nghĩ
mình quay đầu xe vì muốn theo sau cô váy đỏ nhưng rồi chỉ mấy giây sau
anh lại nghĩ đó không phải là nguyên cớ. Dù vậy, anh không thể tự
cắt nghĩa hành động lạ lùng của mình. Anh muốn trêu chọc gã trưởng
phòng chi ly từng giây từng phút với nhân viên hay anh không muốn gặp
bà thủ quỹ mặt choắt cheo suốt ngày than thở, anh không thích nhìn
cái cổng sắt nặng nề của sở làm, không muốn ngồi tám tiếng trong
căn phòng nhỏ lạnh lẽo… hay chỉ là bỗng nhiên muốn rẽ theo một lối khác. Thôi, kệ,
tới đâu thì tới, anh nói với mình.
Anh
chạy xe từ từ, mặc cho thiên hạ lướt qua mình, vượt lên mình. Khoảng
gần trưa thì anh ra khỏi những con phố. Anh nhìn thấy một dòng sông.
Sông nhỏ, nước trong, bên bờ có những bụi mua nở hoa tím và những dây
lồng đèn bò trên mặt cỏ, lúc lỉu những chùm đèn màu xanh non. Như
người ngủ chưa đẫy giấc, anh ngồi tựa vào gốc muỗm dại, đầu óc lơ
mơ, có cảm giác muốn đổ vật xuống để được ngủ thêm giấc nữa. Anh
chỉ thực sự tỉnh táo khi nghe thấy tiếng động ngay sau lưng mình. Thì
ra là một con kỳ nhông, không hiểu vì cớ gì, vừa rơi bịch từ trên cây
xuống. Nó giương đôi mắt lồi, lấc láo nhìn quanh, đầy vẻ cảnh giác.
Anh vừa giơ tay lên nó đã nhanh như cắt, lủi vào đám lá vàng úa, chỉ
thò ra một mẩu đuôi nhỏ xíu. Anh nhỏm người, lấy chiếc que nhỏ xới
tung chỗ lá thì nó chạy vụt vào một lùm cây, anh chạy qua lùm cây
thì nó chạy tới một lùm cây khác. Cứ như thế, cuộc rượt đuổi khiến
anh vã mồ hôi, chân tay mỏi nhừ mà con rắn mối thì đã chạy thoát
thân, không còn dấu vết. Anh nói to, tao thua, rồi đứng bật dậy, nhận
ra mình đã cách gốc muỗm một đoạn khá xa. Anh lững thững quay lại,
đưa mắt nhìn khắp quãng sông và trông thấy gần như đối diện với
mình, có một người đang ngồi dưới bóng mát của khóm tre lớn, rậm
rịt. Bằng vào dáng ngồi hơi khom khom, hai tay đưa về phía trước, anh
đoán người ấy đang câu cá. Người ấy ngồi im phắc giống hệt ông lão
trong bức Điếu ngư vàng ố của ông nội anh, treo trên bức tường gần
chỗ bàn nước. Ông nội bảo, đó là bản gốc, được truyền từ đời này
sang đời khác như một vật gia bảo. Mặc dù có tuổi thơ ở thôn quê, anh
chưa khi nào cùng chúng bạn đi câu. Anh không đủ kiên nhẫn chờ đợi
những chú cá dại dột cắn phải lưỡi câu của mình. Với anh, đó là
một công việc quá buồn tẻ, dù anh khâm phục sự kiên tâm của họ.
Người kia có vẻ đã ngồi ở đó từ lâu lắm. Có khi ngồi cả đời rồi
cũng nên. Anh bật cười vì câu đùa của chính mình và đột nhiên, muốn
phá tan sự tĩnh lặng kỳ lạ của nơi này. Anh đưa hai tay làm loa
“hú…hú” mấy lần nhưng người ấy vẫn không ngẩng nhìn lên. Bực mình,
anh đứng bật dậy, la to, ươ, ươ, ươ mà cũng chẳng thấy người kia nhúc
nhích. Anh rời chỗ, tìm đường đến sát mép nước, vừa lúc nhìn thấy
người kia giật cần và một con cá trắng lấp lóa vùng vẫy giữa
khoảng không. Người kia lần gỡ con cá khỏi lưỡi câu rồi đứng dậy,
dùng cả hai tay thảy con cá vào dòng nước. Anh bật kêu thật to vì
quá ngạc nhiên, anh gì ơi, ông gì ơi..ơi. Người kia nhìn anh, đưa bàn
tay lên ngang mặt, nửa như che nắng, nửa như chào. Anh chỉ chỉ tay về
phía bên kia sông. Người ấy hiểu rằng anh muốn sang sông nên chỉ cho anh
con thuyền nhỏ đang cắm sào dưới bến nước. Anh lắc đầu, hươ tay, tỏ
ý không biết chèo thuyền. Người kia cười, lẳng lặng thu dọn đồ nghề
rối nhảy ùm xuống sông, bơi về phía anh. Anh nhìn thấy trước mặt
mình một ông già khoảng ngoài bảy mươi với chòm râu và mái tóc bạc
trắng, ướt đẫm nước. Anh nói, cháu phá hỏng buổi đi câu của bác
rồi. Ông già cười, cũng đến lúc phải về. Cậu đi đâu mà lạc đến đây
vậy. Rồi không đợi anh trả lời, ông lại bảo, đứng đây mà không tắm
ùm một cái là uổng phí đấy. Nghe anh bảo không biết bơi, ông lắc
đầu, dân thành thị các anh rõ thật
là. Anh đỏ mặt, cúi xuống vốc nước rửa tay chân, mặt mũi, có
cảm giác nhẹ nhàng, thanh sạch kỳ lạ. Thấy anh cứ đưa tay xoa xoa hai
bên má, ông già bảo, cứ tắm rửa ở đây là da dẻ sạch sẽ, mịn màng,
chẳng cần xà phòng thơm, chẳng cần sữa tắm với kem dưỡng da gì gì
họ cứ nói ra rả trên ti vi ấy. Anh hỏi ông già, bác đi câu sao về tay
không vậy. Ông già cười, cậu nhìn thấy tôi thả cá hử. Tôi sống một
mình, ăn toàn rau đậu. Lúc buồn thì ra đó ngồi cho khuây khỏa thôi.
Cậu có rỗi thì ghé về nhà tôi uống chén nước. Anh theo ông cụ. Dọc
đường, gặp lũ trẻ ở trần bá vai bá cổ kéo ra sông, nói cười, trêu
chọc nhau ầm ĩ. Chúng chào ông già, ông
Tư đi câu /Mà không có cá/ là lá la la… Hóa ra chúng đều biết điều bí mật của ông già.
Nhà ông cụ nằm sâu trong khu
vườn rộng. Nhà nhỏ, đơn sơ nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Ông già mang ấm
tích ra hiên, đặt mọi thứ dưới nền đất. Anh đứng nhìn quanh, như cố
ý tìm bóng dáng của ai đó. Ông già đến sau lưng anh, thực ra thì các
con, các cháu tôi cũng ở quanh đây. Nói một mình là vì bà nhà tôi bỏ tôi mà đi đã ngót mươi năm
nay rồi. Giữa chốn đông mà ta vẫn một mình đấy cậu. Anh giật mình
quay lại, bắt gặp ánh nhìn hiền hậu của ông. Ông rót nước ra hai
chiếc ly thủy tinh cũ, cậu có điều chi bất ưng ư. Anh đáp, dạ cũng
không hẳn. Tự nhiên thấy bứt rứt, buồn bực thôi. Ông cụ uống hết chén
trà, khà một tiếng như kiểu người ta uống rượu, rồi, tôi hiểu rồi,
ai chẳng có một ngày bứt rứt, khó chịu hả cậu. Những ai không có
lúc như vậy mới đáng ngại. Tôi không ưa những kẻ lúc nào cũng phởn
phơ, mặt mũi vênh vác, nói cười hể hả, nhìn người bằng nửa con mắt.
Tôi đoán là đêm qua cậu nằm mơ thấy điềm gở hay sáng sớm đã gặp
phải chuyện đau lòng. Anh dạ khẽ, không biết làm cách nào để kể cho
ông câu chuyên con búp bê biết khóc, biết kêu bla, bla, bla bị ném vào
thùng rác. Ông già khoát tay, cậu tin tôi đi, ngày mai, ngày kia, mọi
việc sẽ lại đâu vào đó thôi. Những bận bịu hàng ngày sẽ lấp kín
nỗi băn khoăn, buồn bực ngày hôm nay. Bây giờ cậu ăn với tôi bữa cơm
rau rồi lên đường về nhà với vợ con, với bạn bè với công việc. Anh
thấy quyến luyến ông già.Ý nghĩ sẽ không còn có dịp gặp lại ông
khiến anh do dự một chút rồi nhận lời ở lại. Ông già vui vẻ, trong
lúc tôi thổi cơm, cậu ra giếng tắm ù một cái đi. Cái giếng đào từ
thời ông nội tôi đấy. Gàu tôi móc chỗ nhánh mít. Gàu nhựa, nhẹ lắm.
Anh vừa rũ tóc vừa kêu to, mát
quá bác ạ. Sống thế này thảo nào bác còn khỏe như thanh niên vậy.
Ông già cười, còn cậu thì như một ông cụ. Thành phố gặm mòn mấy
người. Ô tô, nhà lầu, ti vi, tủ lạnh, máy tính, máy giặt… nhức hết
cả đầu. Rồi ông lẩm bẩm, lại còn không biết bơi, không biết chèo
thuyền, không biết tắm sông, rõ chán.
Trên chiếc mâm nhựa chỉ có một
dĩa rau tập tàng, một chén nước
tương, một chén lạc rang. Anh xuýt xoa, cơm ngon quá bác ạ. Hình như
cả ngày nay cháu chưa ăn chút gì. Ông già bảo, ấy đấy, bao nhiêu ngày
ăn thịt, ăn cá cũng nên có bữa cơm rau, bao nhiêu ngày no cũng phải
biết có ngày đói, bao nhiêu lúc vui cũng phải có lúc buồn. Ông đưa
một cộng rau màu nâu đỏ có những đốm hoa vàng nho nhỏ lên, cậu có
biết thứ rau này. Anh đáp, rau sam phải không ạ. Ông cười lớn, cũng
còn khá. Là vị thuốc giải nhiệt tuyệt vời đấy. Rau củ ta ăn toàn
là vị thuốc mà ta không hiểu đó thôi. Có biết bao thứ ta có mà không biết, ta thụ hưởng mà chẳng hàm
ân trời đất. Cậu có làm tí cay không. Anh từ chối, dạ thôi, cháu còn
phải chạy xe. Ông già đặt đũa xuống mâm, vẻ tư lự, cậu là người đa
cảm, dễ bị tổn thương, cái người khác chỉ thấy như vết sướt ngoài
da, cậu đã đau quặn gan ruột rồi. Người như vậy thì khổ gấp mười
lần người khác. Nhưng cậu được đền bù bởi tình yêu thương của mọi
người. Lẽ thường mà. Anh không đáp, lòng rưng rưng muốn khóc. Anh đưa
tay quẹt ngang mắt, đứng dậy, bác để cháu dọn mâm. Ông già giữ tay
anh, đó là việc của tôi, người ta vẫn bảo, chuyện thường ngày ở huyện ấy mà. Chả biết gốc gác từ
đâu nhưng nghe hoài rồi quen. Cậu sửa soạn mà về đi.
Khi anh rời căn nhà nhỏ, trời
đã nhá nhem tối. Đi một quãng, anh ngoảnh lại. Dưới ánh sáng mờ
nhạt của ngọn đèn đường, căn nhà, khu vườn đã chìm vào bóng
tối. Anh cảm thấy lòng bồn chồn
như thể vừa để lạc mất một cái gì thân thuộc, quý báu. Anh không
biết liệu dòng sông, khu làng, căn nhà nhỏ và, cả ông già nữa, có
thật hiện hữu hay chỉ là một giấc chiêm bao ngắn ngủi khác của anh
trong cái ngày thật dài này.
Anh chạy xe thật nhanh, mong có một
dấu hiệu nào đó khả dĩ xác nhận rằng mình đang tỉnh táo. Quãng
đường đất dài hơn anh nghĩ. Dù vậy, cuối cùng, phố phường cũng hiện
ra, sáng trưng đèn đuốc và tấp nập người xe. Chỗ giáp ranh giữa hai
vùng đất có một quán nước nhỏ vắng khách. Anh vào quán, gọi một ly
ca-phe đen. Cô hàng nước hỏi anh, chú có sao không. Trông như chú bị
cảm nắng. Anh đưa tay xóc lại cổ áo, vuốt nhẹ mái tóc, cố nở một
nụ cười, giọng nhã nhặn, tôi không sao, chỉ mệt một chút thôi ạ. Cô ta
đưa ly nước, dặn dò, chú uống từ từ thôi, kẻo mà sặc. Sặc nước
cũng nguy hại lắm. Anh ngẩng nhìn cô, bất ngờ khi thấy cô chủ quán
còn khá trẻ. Cô có khuôn mặt tròn hiền hậu và một ánh nhìn trong
trẻo. Anh nhận ra ngày hôm nay anh đã để tâm nhiều đến những đôi mắt
của mọi người quanh mình. Anh vừa uống chút cà phê loãng nhạt vừa
đưa mắt quanh gian nhà lợp tôn mỏng mảnh, cái tủ thuốc có dăm bảy
loại thuốc rẻ tiền như Hero, Bastos, Era, Đà Lạt, Hoa mai…rồi những
chai nước giải khát, mấy chiếc bàn nhựa màu nâu đen trầy sướt. Cô
chủ quán đoán được sự e ngại của anh, giải thích nhỏ nhẹ, chỗ này
là đất nằm giữa làng và phố, cũng là chỗ ông A bà B đang tranh chấp.
Thấy họ còn bỏ hoang, còn lo tranh tụng, cãi cọ ở đâu đó, em dựng
liều cái quán lên để kiếm chút ít nuôi con, được ngày nào hay ngày
đó. Lắm khi em thấy mọi thứ cứ rối tung rối mù lên, không sao tìm ra
rường mối, rồi nhiều lúc lại thấy mọi điều sao mà đơn giản, kiếm
được vài chục đong gạo, mua rau đã là niềm vui rồi. Đêm đêm thắp hương
cho bố cháu, em chỉ xin ngày mai lại được như ngày hôm nay. Giọng cô
buồn buồn, đều đều, như chỉ nói một mình. Anh ngồi im, chưa biết
phải trò chuyện với cô ra sao thì thấy một tốp 5, 6 cô cậu trẻ tuổi
ùa vào quán. Có vẻ là khách quen vì trông họ rất tự nhiên, thoải
mái. Một cô kêu lên, khát cháy cổ, chị ơi, cho tụi em uống nước. Anh
lẳng lặng rời quán.
Phố đông lạ thường. Hình như
thiên hạ đã rời bỏ những căn phòng của mình để đổ hết ra đường.
Tiếng xe, tiếng người, bụi khói, mùi xăng xe đã tạo nên một thế giới
xô bồ, ồn ã, ngột ngạt. Anh nhích từng chút một giữa đám đông, mắt
dán vào những tấm lưng đủ màu sắc, đủ kích cỡ. Một lúc nào đó,
ngay trước ngọn đèn đường đỏ quạch, anh nghe thấy tiếng khóc thất
thanh của một đứa bé gái, bố ơi, bố ơi…Tim anh chợt nhói lên. Biết
đâu vợ con anh chẳng ở đâu đó trong đám người đang ngạt thở vì chen
lấn, xô đẩy này. Anh rẽ bừa vào con hẻm bên tay trái, ngay sát chỗ
đứng của anh. Anh chạy xe trong con hẻm nhỏ chen chúc hàng quán, nhà
cửa, thuận đâu rẽ đó, không sao có thể lựa chọn, tính toán điều gì.
Khi bất ngờ nhìn thấy khoảng
đất trống chỗ con đường rẽ về nhà, anh bật kêu lên, lạy Trời Phật rồi cả người, cả xe
ngã vật xuống vệ đường. Hết xăng. Anh ngước nhìn khu chung cư của
mình, một khối vuông với những ô cửa nhấp nháy sáng, giống như một
hành tinh lạ vừa sa xuống mặt đất chật chội này. Hình như chưa bao
giờ anh nhìn toàn khối nhà của mình vì lúc nào cũng vội vàng, sấp
ngửa, lúc nào cũng cắm cúi ra đi, cắm cúi trở về. Anh nhướn mắt
tìm ô cửa nhà mình trên tầng 5 nhưng chỉ nhìn thấy một mảng tối. Anh
đứng bật dậy, lập cập dắt xe về phía nhà.
Tiếng chào của bà cụ làm anh giật mình. Bà ngồi trên chiếc
ghế buổi sáng anh đặt con búp bê, vẫn mặc chiếc áo tím có đăng ten
trắng, vẫn đang đưa tay xoa lên hai đầu gối bị đau nhức. Anh dừng lại,
khuya rồi, bà lên nhà kẻo lạnh. Bà cụ xuýt xoa, lầu bầu điều gì đó mà anh nghe không rõ.
Anh chạy ba bậc một lên cầu
thang, chân lạnh ngắt, lòng thấp thỏm. Anh vừa đưa tay định gõ cửa
thì cánh cửa bật mở, vợ anh bế đứa con gái nhỏ, đổ sập vào người
anh rồi bật khóc nức nở. Anh vỗ vỗ vào vai vợ, không sao, không có
gì, chỉ là một chút trục trặc thôi. Đứa bé rời vai mẹ, thức dậy.
Nó đưa bàn tay nhỏ xíu thơm tho vòng qua cổ anh, miệng thì thầm, bố
ơi, bố ơi, rồi lại ngủ thiếp đi trên vai bố.
Quả như lời ông cụ, những bận
bịu, lo toan thường nhật đã lấp kín cái lỗ hổng của buổi sáng ấy.
Vợ anh không căn vặn lý do anh về
muộn, trưởng phòng không hạch hỏi
vì sao anh không đến nơi làm, vì sao anh chậm báo cáo công việc. Chiếc
ghế anh đặt con bup bê không hiểu vì lẽ gì, đã đem đi nơi khác. Bà cụ
tầng 2 đã về quê cho rộng rãi, dễ thở. Mọi người, mọi việc đều như
muốn giúp anh quên đi một điều không vui. Bản thân anh cũng muốn được
yên ổn. Nhưng cái mối hàn quanh lỗ hổng vẫn hiển hiện, vẫn cộm lên,
vẫn chưa thể liền lạc. Mỗi buổi sáng, khi cầm bịch rác ném vào
thùng anh lại thấy tim đập loạn xạ, nhìn ngó xung quanh, tìm kiếm xem
liệu có ai vừa ném một con búp bê xinh xắn vào thùng rác hay không.
Đêm, đôi khi anh trở dậy, nghe thấy tiếng kêu, tôi biết khóc…Những lần dắt con gái đi chơi, anh đứng sững
người trước những tủ kính bày bán búp bê và khăng khăng không cho vợ
mua chúng cho con gái. Vợ anh không hiểu, tại sao không. Anh đáp, đến
lúc chán lại vứt đi à. Vợ anh nhướn mày, thì sao, chỉ là một đồ
vật thôi mà. Anh cãi, mặt đỏ lên, đó không phải là một đồ vật. Vợ
anh nhún vai, lẳng lặng dắt con đi chỗ khác.
Mọi sự chỉ trở lại bình
thường khi chủ khu đất trống mua lại chung cư để mở rộng diện tích
cho một dự án nào đó. Nhà anh được đền bù một căn hộ trong chung cư
cao cấp, có thang máy. Ở đây, vợ anh có thể ném rác thẳng vào một
đường ống dẫn xuống tầng hầm, rơi vào một cái thùng rác mà anh
không nhìn thấy.
SG 6/2012
( Những ngày Euro )
Ý
Nhi
* Một câu thơ của Vũ Thành Sơn.