Tuesday, September 25, 2012

KÝ ỨC SƠ SÀI

Nguyễn Anh Khiêm





                                               Phố cổ Hội An. Tranh Tuấn Dũng

 (tiếp theo)
      Năm 1963, tôi phải ra Huế thi Tú Tài 2, ban văn chương C. Lên đến đỉnh đèo Hải Vân phải dừng lại đợi xe cộ bên kia đèo lên hết rồi mới được đổ dốc. Chúng tôi ngồi ăn bánh bèo, chè đậu ván nước, không thấy ngon vì mãi lo chuyện thi cử. Thi xong trở về quê rong chơi, đợi đài phát thanh Huế báo kết quả. Không lo nhiều vì nghĩ mình sẽ đậu. Sau đó tôi vào Sài Gòn ghi danh Đại học Văn khoa với học bổng đủ sống của Hội Thánh Tin Lành Alliance. Tôi chịu ơn hội thánh. Mỗi lần nghĩ tới chuyện này tôi lại buồn buồn, ái ngại nữa, vì nay tôi không còn đi nhà thờ. Tôi không mấy thích nhà thờ, mặc dù thâm tâm vẫn còn tin có Chúa. Nhờ hát thánh ca từ bé, nhạc của Bach, Mendelssohn, Handel… Tôi quen với các giai điệu nhạc cổ điển Tây phương đến nỗi riết rồi không muốn nghe nhạc nào khác, mặc dù tôi mù tịt nhạc lý… Không biết tôi vốn có máu vong bản hay sao, mỗi khi nghe mấy nhạc sĩ VN dựa vào làn điệu dân ca này nọ để viết ca khúc tân nhạc, tôi chán ngán quá lắm.
      Khi tôi vào đến Sài Gòn thì cuộc lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm đã xong, chỉ còn vết tích bom đạn trên đường Thống Nhất, dinh Gia Long… Hai năm sau, thấy học Văn khoa phiêu quá, tôi nộp đơn thi vào Đại học Sư phạm, ban Việt – Hán, một phần cũng lo trốn lính. Thi xong, thấy bài vở hơi bê bối, nghĩ mình không đậu, tôi bỏ lên Đà Lạt chơi. Tôi sững sờ nhận thấy Đà Lạt thông xanh, hồ trong vắt, dân chúng hiền hòa, thiên nhiên đẹp như trong chiêm bao, theo tôi, không có cây gì trên đời đẹp bằng cây thông Đà Lạt mà dân bản xứ gọi cây ngo. Việt nam, ở một khía cạnh nào đó hẳn phải biết ơn nước Pháp, họ khai hóa ta thật sự. Cứ nhìn đất nước từ ngày gọi là độc lập thì thấy ngay. (phải chi độc lập…trễ hơn chút!). Về Sài Gòn, tôi chạy đến trường xem kết quả, thấy thông báo viết bằng phấn cho riêng tôi: N.A.K liên lạc gấp với văn phòng trường để thi vấn đáp. Tôi hết hồn, vào ngay văn phòng, bị thầy nào mắng, tôi không còn nhớ:
      - Anh đi đâu giờ này mới tới? Anh thi cử kiểu gì vậy? Có muốn học không?
        Tôi ngồi đợi một lúc thì thầy Lê Hữu Mục đến. Dĩ nhiên tôi chỉ biết tên thầy sau này lúc thầy dạy chúng tôi chữ Nôm. Thầy hỏi tôi mấy câu, hơi qua loa, tôi nhớ một câu:
      - Theo anh, bầu cử hay bàu cử đúng?
       Tôi nói:
       - Dạ, bầu.
       Thầy nói sai nhưng…  tôi cũng đậu. Bao nhiêu năm học, thú thật, tôi không có thiện cảm với thầy, tôi bực bội vì thầy dạy chúng tôi học chữ Nôm bằng cách chép tự điển Génibrel rồi học thuộc lòng. Về sau, hoàn cảnh buộc phải học thêm Anh ngữ, tôi mới thấy thầy đúng. Học thuộc lòng là “the best way”, tiếng Anh còn vậy, huống gì chữ Nôm. Tôi còn viết bài trong tờ nội san Việt -  Hán có ý chê thầy. Tôi sai trái quá chừng, nghe đâu thầy còn sống bên Canada, con xin thầy tha lỗi. Tôi còn chưa quên có lần thầy nói với lớp tôi lời phê phán của thầy Trần Văn Tấn (tiến sĩ toán đệ tam cấp ở Pháp, Khoa trưởng Đại học Sư phạm, người Bến Tre) như sau:
        - Người Bắc mấy anh nói quá nhiều mà làm thì chẳng bao nhiêu, coi bộ, cái được nhứt của mấy anh là đem theo…phở vào Nam thôi.
        Thầy Mục nói thêm:
      - Cũng đúng chứ, nói nhiều làm ít cũng chướng.
        Về thầy Tấn, thầy là Khoa trưởng, tôi chỉ là sinh viên quèn, chưa bao giờ gặp trực tiếp thầy. Mãi tới sau này, dưới thời cách mạng cai trị, đám sinh viên Sư phạm cũ  gọi tới gặp thầy bàn tính giúp thầy (mà họ bắt chước ngôn ngữ mới gọi là “hỗ trợ” ) về chuyện thầy ra ứng cử Quốc Hội gì đó. Tôi không hiểu thầy ra ứng cử dưới áp lực nào hay tự thầy nghĩ có thể đóng góp chút gì cho giáo dục nước nhà, nhưng dù với mục đích gì, tôi thấy chuyện thầy ra cũng chỉ là thứ hàng thần lơ láo, thật đáng tiếc. Thầy có vẻ sợ rớt nữa mới lạ chứ (ngày xưa thi Tiến sĩ toán bên Pháp không biết thầy có sợ rớt như vậy không) . May sao kỳ đó thầy “đậu”. Từ đó là xong, biệt vô âm tín. Không hề nghe thầy nói gì, không thấy hình ảnh thầy trên TV. Nghĩ cũng buồn.
       Học cổ văn Tàu với thầy Giản Chi, nay không còn nhớ Đào Hoa Nguyên Ký nội dung ra sao nữa. Học chữ Hán với thầy Lưu Khôn, nay chỉ còn nhớ cách giải nghĩa đơn giản dễ hiểu của thầy như độc lập là đứng một mình, tiến bộ, tiến là lên phía trước, bộ là bước, du kích là vừa đánh vừa…chạy, kích thích là đánh và đâm, thích khách là  thằng cha chuyên đi đâm người ta, cảm là dám, tử là chết, cảm tử là dám chết, đầu là bỏ, đầu phiếu là bỏ phiếu vào thùng, đầu tư là bỏ tiền của vào, hy sinh nguyên là hai con vật tế thần tên con hy, con sinh, sau biến thành động từ… Thầy Khôn, ai nói chi thầy cũng “dạ”, sinh viên hỏi gì thầy nghe không rõ, thầy hỏi lại:
      -Dạ chi?
      Ngại quá. Thầy Trần Trọng San hay ngượng, mỗi lần ngượng thì đỏ mặt tía tai (Không biết thầy có họ hàng chi với ông Trần T Đ Đ…, tác giả một quyển sách đồ sộ với tư liệu sai be bét, nhận định hàm hồ và đầy bạo lực về văn học miền Nam mà Nguyễn Thế Cường đọc xong phát hoảng, bảo vô liêm sỉ viết bằng chữ vàng!). Tôi nhớ ngày đi quân sự học đường về, mấy tay giỏi chữ Hán đọc cho thầy nghe bài “Bành Tổ Tòng Quân Ký” cả lớp cùng góp ý viết để chọc ghẹo Lê Ngọc Thơ vì cái vẻ già nua của anh, dù anh không lớn tuổi hơn ai; thầy cười ha hà, mặt đỏ rần, thầy khen không ngớt, bảo hài hước lắm, các anh giỏi lắm. Mấy tay mang tiếng giỏi Hán văn trong lớp phải chịu trách nhiệm việc quên  tác phầm sáng giá nhất của lớp này (nói theo kiểu Nguyễn Thế Cường thì “lấy quyền gì mà quên”) . Thầy Phạm Văn Diêu dạy Việt văn. Hai tác phẩm biên khảo của thầy (Văn Học Việt Nam và Việt Nam Văn Học Giảng Bình), nhất là cuốn sau, không kém gì cuốn của Hà Như Chi lại ít được biết tới trong khi sách của H.N.Chi nổi như cồn. Cả lớp cứ cười nhóm từ trên đầu môi của thầy mỗi lúc giảng văn: tươi tắn như rau vườn mới hái. Thầy hay mang theo bia lon trong cặp, nghỉ giữa giờ hay lôi ra mở lộp bộp để giải khát. Mập mạp, mặt thường đỏ gay, giải khát toàn bia, tôi nghĩ thầy dám bị tension lắm. Và quả vậy, thầy mất vì tai biến mạch máu não sau 1975, nhà thầy cách nhà tôi có cây cầu ngắn, tôi không hay biết để tiễn đưa lần cuối, nay muốn thắp nén nhang tưởng niệm thầy cũng không còn được nữa, nhà thầy dọn đi đâu mất (không biết tủ sách đồ sộ, toàn sách quí của thầy có còn tại VN không). Những ngày gian khó sau 1975, thầy hay đạp xe đến nhà tôi chơi, thầy trở nên dễ thương hẳn. Lúc còn dạy học, thầy rất khó. Công nhận thời cuộc biển dâu cũng khiến lòng người dâu biển. Thầy đọc cho tôi nghe mấy bài Đường luật thầy mới viết, cay đắng một nỗi đau đời. Có năm tới Tết, thầy đạp xe tới cho tôi hai ký thịt heo, trong khi tiêu chuẩn của tôi ở trường chì được nửa ký. Thấy vợ con tôi ngủ nheo nhóc dưới nền gạch, thầy ái ngại bảo:
       - Hay là tôi cho anh mượn ít cây đi vượt biên, qua tới đi làm trả lại tôi, không sao đâu.
       Tôi thực sự cảm động và bất ngờ được thầy tin và thương đến vậy trong một thời hỗn loạn toàn chuyện gạt lừa kiếm vàng bạc để thoát thân. Cái thời mà Tô Thùy Yên bảo “Dân cùng ăn đến cả nhau đẻ / Bán tình thâm mà mua gạo châu...Con tố cha cầu được cất nhắc / Cháu giết bà cướp nửa chỉ vàng”. Tôi nói:
       - Tạ ơn thầy, từ từ cho em tính lại.
       Nói vậy chứ tôi biết mình không làm vì bản tính sợ chịu ơn, lại nhát gan, ngại sóng gió và làm mồi cho cá.
      Về thầy Giản Chi, tôi chưa quên một kỷ niệm vui. Khoảng thời gian trước ngày thầy qua đời đâu vài ba năm, anh Huỳnh Q Vinh lớp Việt Hán trước tôi gọi đến rủ tôi đi thăm thầy, bữa đó có mấy chị lớp anh, cả Lê Trung Hoa học lớp với Lê Phước Quơn, Giám học trường Rạch Sỏi nữa. Chúng tôi gởi xe, lên lầu ba chúng cư đường Hoàng Diệu, quận Tư. Thần sắc thầy tươi tắn, giọng nói vẫn rất khỏe nhưng thính giác thì đã kém nhiều, phải nói lớn thầy mới nghe. Thầy hỏi tên từng người, tới lượt tôi, tôi phải lôi tên mấy người giỏi chữ Hán năm đó như Lê văn Bảy, Lâm Hữu Tài, Quách Thị Trang…ra thì thầy mới ờ ..ờ…ra vẻ nhớ. Thầy hỏi tôi nay sống ra sao, tôi có thưa rằng theo như ông Nguyễn Hiến Lê bảo, người ta, đời sống vật chất nên dưới trung bình, đời sống tinh thần nên trên trung bình. Phần đầu thì tôi không lo, vì tôi dưới trung bình chắc cú, còn phần tinh thần thì e cũng như... vật chất thôi. Nghe vậy thầy mỉm cười vô cùng khả ái. Nhắc tới ông Nguyễn Hiến Lê, ai đó trong nhóm có bảo ông đã được đặt tên đường, thầy  bảo cũng phải, xứng đáng lắm. (đến nay tôi cũng không biết đường đó ở đâu). Mấy chị mời thầy dùng bánh mì thứ mềm mềm, tôi ngạc nhiên thấy thầy ăn được, thế thì ông cụ còn khỏe lắm. Chúng tôi làm thơ trêu để thầy vui, mỗi người làm một câu, sửa đi sửa lại một chút, tôi nhớ như sau:
      Ô hay trăm tuổi vẫn còn…ngon
      Giọng nói sang sảng, cười vẫn giòn
      Quế Sơn bảy chục răng đà rụng
      Giản Chi trăm tuổi răng cứ còn
      Lúc đầu  là “vẫn còn” tôi nói bị lặp quá, nên đổi “cứ còn” đỡ hơn. Nghe vậy thầy nói :
     - Thầy cho con một khuyên đỏ chữ “cứ” đấy nhé.”
      Vui nhất là giờ Anh văn thực hành, học với thầy Trí, người Khánh Hòa (tôi không nhớ tên đầy đủ của thầy). Học nhẹ nhàng, dạy thì tếu, chuyên kể chuyện khôi hài bằng…tiếng Việt. Một chuyện thầy kể: Tay kép hát nọ đóng vai vua trong một tuồng cổ, buổi tối trước khi lên sân khấu, y làm sơ ly chè đậu đỏ bánh lọt, lúc sau, bụng bắt đầu sôi ục ục…Đang hò hét ba quân, bỗng tình thế nguy ngập, vua chạy lại ghế đặt đít xuống rồi ra lệnh nhanh gọn:
     - Quân bay! Khiêng trẩm vô buồng!
      Tôi cũng kể với thầy một chuyện ở quê tôi mà thầy cho là hay nhất thế giới: Một ông nọ say rượu, đi xiêu vẹo ngoài đường, té chổng gọng vào bụi tre gai, miệng lè nhè:
        - Đ M, Tổ cha bay, tre mà trồng giữa đàng.
       (Tôi mới thêm chữ ĐM vào cho đúng…nguyên văn chứ hồi đó tôi đâu dám nói chữ này với thầy.)
(còn tiếp)

NGUYỄN ANH KHIÊM

No comments:

Post a Comment