KÝ
ỨC SƠ SÀI
Phố cổ Hội An
1.
Làng Non Tiên, quê tôi, nằm ven con sông
con chảy ra sông Vu Gia tạo thành ngã ba sông, có đò ba bến nơi làng Hà Tân
- quê hương của nhạc gia cụ Phan Khôi, Cử
Nhơn Lương Thúc Cần. Toàn vùng nằm trong một thung lũng phía tây huyện Đại Lộc,
tỉnh Quảng Nam (Nơi diễn ra hai trận
đánh đẫm máu, trận Thường Đức và trận Đồi 1062 vào những năm cuối cuộc nội chiến.).
Dòng sông trong veo trườn ngoằn ngoèo dưới chân núi, ngồi trên đò ngang có thể
nhìn thấy con tôm bơi lững lờ trong lòng cát trắng. Con sông nhỏ tới nỗi không
có tên riêng, chỉ gọi bằng danh từ chung, Sông Con. Hằng năm, sau mùa mưa lụt,
nước cạn trong mà chảy xiết, muốn qua làng bên chỉ cần xắn quần lội, nước chỉ
quá đầu gối. Đây cũng là mùa câu cá bống vô cùng hào hứng. Lũ cá bống cát mập
tròn, thân trắng trong, kho tiêu ăn với cơm gạo mới thơm lừng trong nhà tới
ngoài vườn. Giao thông dễ dàng chẳng được bao lâu thì người ta bắt đầu dựng xe
gió, đóng cừ ngăn dòng chảy khiến nước đổ về một phía tăng cường sức nước cho
guồng xe quay nhanh, múc được nhiều nước hơn đổ vào ruộng lúa. Nước bắt đầu
dâng lên, qua sông phải chờ đò lâu lắc. Cho tới trước mùa lụt năm sau người ta
lại giở xe vì sợ nước cuốn trôi, sông lại cạn xuống. Loại xe đó không hiểu sao
lại gọi xe gió trong khi nó vận hành hoàn toàn bằng sức nước. Tương truyền kiểu
xe thủy lợi này do cụ Phạm Phú Thứ chỉ vẽ. Nhân chuyến đi sứ bên Tây, cụ nhìn
thấy đâu đó liền vẽ đúng kiểu đem về dạy lại giúp dân.
Cho đến đầu thế kỷ trước, làng tôi hình
như vẫn là làng giàu nhất xứ, nhờ thiên nhiên ưu đãi: Một con suối nhỏ chảy hiền
hòa quanh năm ngang qua cánh đồng đủ cung cấp nước cho cư dân gieo cấy hai mùa
trong khi các làng khác phải đợi mưa cho một mùa lúa duy nhất trong năm (những
ngày chưa có xe gió). Cách nay ngót thế kỷ mà dân cư đã dựng được chục ngôi nhà
rường lợp ngói, vách tường. Trước năm 40, ông tôi đã sắm được xe đạp, súng săn
hai nòng. Muông thú bấy giờ dồi dào, ra ngõ đã thấy chồn đèn ăn chuối chín bói.
Đi ngang Bùng Đình thấy cả bầy gà nước lấp ló trong đám lá sen. Chỉ cần nổ súng
là có bữa chiều thịnh soạn. Thịt rừng gần như không ngớt, không thịt con này
thì con kia, kể cả cọp, gấu… Chúng tôi đã sống trên chốn địa đàng mà bấy giờ
đâu nhận biết.
Từ xa xưa, tổ tiên tôi đã “qui hoạch” một
ngọn đồi trồng gỗ sao để dựng đình chùa, một triền núi trồng mít lấy gỗ tạc tượng
Phật, miền Trung vẫn chuộng loại mít ướt múi mềm, ngọt cay. Không thể nào quên
những trưa nắng với gió Lào khô cháy, bọn nhỏ chúng tôi vẫn bất kể, cởi áo đội
đầu rủ nhau tắm sông. Chúng tôi không quên ghé Gò Chùa tìm mít chín sút cùi rụng
dưới gốc. Không phải lúc nào cũng có nhưng nếu may mắn được thì châu đầu xúm xít dưới bóng cây làm một
ruột đầy sảng khoái trước khi dầm mình vùng vẫy dưới sông trốn nóng. Còn mấy gò
hoang rộng rãi dọc theo cánh đồng thì ông bà chúng tôi cho trồng xoài hầu con
cháu chia nhau ăn. Hằng năm, mỗi nhà đấu giá một cây lúc trái còn xanh, sở hữu
cây đó cho đến hết mùa. Đó là giống xoài cơm nhỏ quả, chín cây, thơm nức và ngọt
lịm. Những đồi xoài chín vàng đung đưa trong mưa giông tháng ba vẫn chập chờn
theo tôi vào giấc ngủ mãi đến tuổi già và con suối róc rách ven bờ tre vẫn chảy
mãi trong hồn tôi tận những ngày xế bóng. (Giống xoài đó, ngạc nhiên thay, khi
vào Sài Gòn, tôi thấy người Pháp trồng xen kẽ với me trên hè phố để lấy bóng
mát, nhiều nhất trên đường Tự Do, tôi bồi hồi như gặp lại cố nhân, nay bị chặt
bỏ hết nhường chỗ cho nhà lầu xi-măng cốt thép). Tất cả đình chùa đồ sộ và đẹp
thần tiên ven sườn núi đã bị Việt Minh đốt
phá trong tháng tám 1945, có lẽ cốt xóa dấu tích phong kiến hơn là tiêu thổ
kháng chiến như họ vẫn thường bảo. Rồi lần
cuối, một buổi chiều 1965, máy bay Mỹ hủy diệt ngôi làng bằng 50 quả bom. Cũng
chẳng rõ của Mỹ hay không quân VN nhưng với lượng bom hào sảng dành cho xóm quê
bé xíu thì chắc của Mỹ thôi. Cửa nhà tan nát, vườn cam chỉ là những hố bom sâu
hoắm nhưng lạ một điều, dân cư nấp trong những chiếc hầm tạm bợ vậy mà không một
người bị thương. Mọi người kháo nhau vì là làng Non Tiên! Sau bom, thuốc khai
quang cũng quét sạch mấy đồi xoài, không một cây sống sót.
Nay thỉnh thoảng tôi vẫn về lại thăm mồ
mả tổ tiên. Về lại để thấy rong chìm, thấy đá nổi và không thể tin làng quê như
một chốn địa đàng ấy đã từng có tại đây chỉ mấy mươi năm trước. Ngày đó, tôi học
Tiểu học cách nhà chừng ba cây số, đi bộ trên bờ ruộng, vượt mấy cây cầu khỉ,
ngang qua gò gỗ sao vắng tanh rờn rợn, nghe con công “tố hộ” trong lũng xa. Mấy
học trò lớn chuyên dọa cọp, nhác ma, chiều đi học về chạy rớt dép, mực đổ tèm
lem khắp mình mẫy. Kỷ niệm “sâu sắc” nhất, năm lớp ba, tôi bị ông thầy, vốn người trong xã, xô mạnh, trán va vào bảng đen đau điếng chỉ vì tôi viết THÌ
MÀ LÀ hơi nhiều trong bài văn miêu tả.
(ông thầy, nếu còn sống đến nay, chắc ông đề nghị xử bắn hầu hết các biên tập
viên đài truyền hình Vờ Tờ Vờ, họ nói một câu với hàng chục tiếng THÌ MÀ LÀ,
nghe “bức xúc” tệ).
Về mấy nhân vật trong làng, tôi không
quên được ông bác họ. Mọi người cứ nhắc mấy chuyện về ông sau 1975. Hồi đó công
an thôn, cũng là con cháu trong làng, phát cho mỗi nhà mấy câu khẩu hiệu để dán
lên vách. Bác tôi chừa lại, không treo lên câu “Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp
của chúng ta”, bị hạch hỏi lý do, bác nói bác đã nghĩ kỹ, bác thấy sự nghiệp của
bác tệ quá, chỉ có mỗi tấm phên rách, Bác Hồ sống ở đây chi cho cực khổ, Bác
nên đi chỗ nhà giàu “sống mãi” khỏe hơn. Môt lần ra thăm đồng, lúa vừa trổ
bông, gió bấc bỗng nhuộm tím núi rừng, thổi lao xao trong buổi chiều u ám, nhìn
bông lúa xác xơ cúi rạp trong giá lạnh, bác lẩm bẩm:
- Gió kiểu này thì rồi ra chỉ còn Bác Hồ
sống mãi thôi, ai cũng chết tiệt hết.
Coi bộ bác tôi “tâm đắc” câu sống mãi… đó dữ. Lại một đêm hội họp, học tập
gì đó tại trụ sở thôn, về khuya ai cũng mỏi mệt, ngủ gà ngủ gật mà viên cán bộ
xã lại cao hứng chỉ ra nguồn gốc tổ tiên
loài người là khỉ, bác giơ tay xin phát
biểu ý kiến:
- Dạ, tôi thấy tổ tiên loài người là con
khỉ hay con chi cũng được, xin cho chúng tôi về ngủ, mai còn đi mần sớm.
Nghe nói, nhưng không chắc, ông là tác
giả câu nhận xét về “lưu thông phân phối”:
Có cứt chi mà phân, có phân cũng như…cứt.
Năm 1956, vào học tại trường Trần Quí
Cáp, chúng tôi phải lội bộ rục giò 25 cây số từ quê nhà tới Ái Nghĩa mới có xe
đò đi Hội An để qua một kỳ thi concours tương đối khó vào lớp Đệ thất. Từ đây bắt
đầu bảy năm trung học ăn cơm tháng ở nhà trọ buồn bã triền miên. Nghề nông
không còn khá nữa, tiền khó kiếm, má tôi vất vả lắm mới chu cấp đủ cho tôi ăn học.
Càng điêu đứng hơn khi mùa đông năm đó ba tôi qua đời vì bạo bệnh, sau khi ra
tù dưới chế độ Ngô Đình Diệm được gần sáu tháng. Ông chỉ mới 37 tuổi. Tháng
ngày tiếp sau, tôi chẳng thiết học hành, không nguôi đau đớn tiếc thương ba. Ba
tôi đang làm công chức cho Pháp, chef
gare Trà Kiệu, Kỳ Lam, năm 1945 bỏ về theo kháng chiến. Phải chi ông bớt yêu nước
một chút hẳn cuộc đời chúng tôi đã khác.
Thị xã Hội An ngày ấy trong trí nhớ tôi
với những cống nước thải lộ thiên bốc mùi tanh nồng dưới nắng hè gay gắt, những
ngày mùa đông mưa dầm áo quần phong phanh đi học ngang qua ruộng rau muống gió
thổi lồng lộng lạnh thấu xương, mặt mày tái mét. Hội An với những ngôi chùa Tàu
diêm dúa, cửa nhà cũ kỹ mái ngói rêu phong, thấp lè tè, rệu rã như muốn đổ nhào
trong cơn lụt sóng vỗ bập bềnh, nước ngập
gần tới nóc phố dọc sông Hoài. Hội An với mì bà Đợi xã Cẩm Châu loe hoe
vài con tôm sông giã giập phảng phất mùi cua biển cùng vài lát thịt heo ba chỉ
với nước lèo cô đặc ăn kèm rau húng lủi và cải con, không bao giờ thấy đâu ngon
bằng.(Nay cũng đã tuyệt tích, tôm sông không còn, cải con cũng tẩm thuốc tăng
trưởng) .Hội An với cách phát âm rặt địa phương, “mắm” thành “múm”, “xuân” thành “xưng”, “cá lác” là “cá
lóc”, lạ nhất là “phim” thành “phin” (Tối nay rạp Hòa bình chiếu phin(!) “Cầu sông
Kwai”). Hội an với món Cao Lầu đặc trưng nấu bằng thịt heo xa-xíu, ăn với cọng
bánh giòn giòn cán từ bột mì ngâm nước tro nước vôi gì đó. Nghe nói phải dùng
nước giếng Bá Lễ mới được. (chắc là huyền thoại
dành cho một món ăn đơn giản). Các bạn tôi, nhất là Mạc Phi Hoàng, con
trai nhà buôn Phi Yến nổi tiếng, hễ có tiền là đi ăn Cao Lầu, ăn hai ba bát.
Như Lâm Ngữ Đường có nói văn hóa là những món ăn mẹ ta cho ta ăn từ ngày bé dại.
Hội An ngày đó thu mình trong chiến
tranh, buôn bán sơ sài, dân cư nghèo khó, hầu hết không có tiền sửa nhà. Đó là
một bất hạnh đầy may mắn, nhờ thế nên tới thời CS cai trị, thị xã trở thành khu
du lịch phố cổ nổi tiếng khắp thế giới. Đúng là Thánh cho ăn lộc. Nếu không còn
mấy ngôi nhà cổ và giả cổ, thành phố sẽ sống bằng gì?
Những năm đầu trung học, hễ có dịp là tôi
đạp xe về quê, được nghỉ lễ vài ngày, tôi tự cho phép mình nghỉ thêm vài bữa nữa.
Tôi hay bị phạt cấm túc vì trốn học. Mặc kệ, miễn được về quê tắm sông câu cá,
lên đồi Sơn Điều hái sim (Ôi, “Ngọn Sơn
Điều đen nhánh một mùa sim” -thơ của ông Nguyễn Anh, chú tôi), vào suối nằm
trên tảng đá dưới vòm cây râm mát nức hương hoa dại nghe chim hót vang lừng
trong hẻm núi là tôi quên hết mấy giờ cấm túc. Gần như lần nào trên đường về
tôi cũng ghé vào quán chỗ Cầu Chìm ăn bát mỳ Quảng nhưn thịt gà. Ngôi quán nhỏ
lợp tranh dựa lưng vào núi, phía trước che rợp một giàn thiên lý thơm lừng. Mỗi lần nhớ tới, không hiểu sao tôi liên tưởng
tới câu lục bát xót xa của Tô Thùy Yên:
Xót
thay hoa đợi trên giàn
Quán xanh còn mở cho chàng về qua.
Đã nửa thế kỷ trôi qua, nay tôi đi ngang đó, quán xưa đâu còn dấu tích.
(còn tiếp)
NGUYỄN
ANH KHIÊM
No comments:
Post a Comment