Thursday, September 27, 2012

NGẬM NGẢI TÌM TRẦM

Lưu Na




   Trong mười năm trở lại đây, người ta viết nhiều hơn tìm hiểu nhiều hơn về một thời văn học miền Nam cũ. Bên trong rụt rè quan điểm dù gì thì nó vẫn là dấu vết sinh hoạt của người dân trong một thời, không thể làm ngơ hay xóa bỏ.  Bên ngoài mòn mỏi sưu tầm thu thập hệ thống hóa, quyết khẳng định một cái đã bị thẳng tay bôi xóa.  Nhưng bên cạnh tính cách văn học sử của những công việc lời nói đó, có cần thiết không để đi tìm lại những hình ảnh những ngòi viết của một thời?  Đoàn Xuân Kiên cho rằng cần thiết, bởi vì
   “Có người sẽ nói rằng thế hệ hôm nay đang hình thành một nền văn học khác, không cần phải lưu luyến gì với những tâm tình già cỗi của người đi trước.  Có thể là thế.  Đi tìm bản sắc cho mình luôn luôn là một hành trình gian nan và cô đơn.  Nhưng hình như vẫn là quy luật, là sự vận hành xã hội thường theo những tiến trình của nó.  Chu kì sinh thành và phát triển của thế hệ văn học hôm nay sẽ đi qua tiến trình mà cha anh họ đã trải qua…”  (Đoàn Xuân Kiên, Có một thế hệ văn học mới cũng đang “đoạn tuyệt để lên đường” ?) 
   Tôi có thêm một lý do, ngoài cái tình riêng, để đi tìm chữ của một người trong thế hệ cũ _ Nguyễn Đình Toàn.


DẤU VẾT THỜI ĐẠI

   Sau 1954, chúng ta đã đi qua thời văn trong sáng của Tự Lực văn đoàn.  Cái thời ấy kể là xong. 
   Bây giờ, rừng văn thơ của những năm tháng đầu tiên mang nhiều, quá nhiều sắc thái.  Người ta vừa tiếp thu cái mới của phương Tây vừa đi tìm cái gì vừa phải thích hợp cho hồn Việt, vừa muốn đổi mới vừa không muốn vong thân, vừa hô hào thách nhau làm cái mới vừa tìm kiếm chính mình.  Nơi rừng chữ ấy, biết tìm nơi đâu hình ảnh Nguyễn- đình-Toàn-nhà-văn của 20 năm văn học miền Nam.  Rừng xưa đã khép.  Người ta nói nhìn cây thấy rừng, nhưng tôi bây giờ phải tìm về cánh rừng xưa lao vào kiếm mới mong thấy cây, mới mong gặp mảnh hồn năm cũ.  Không dễ tìm thấy một con người. 
   Đoàn Xuân Kiên nói:  “Trong không khí giao lưu văn hóa rộng rãi thời hai mươi năm Việt Nam Cộng Hòa, văn nghệ có một số thành tựu nhất định.  Những thành tựu của văn học thời kì này không ra ngoài những xu hướng chung của văn học thế giới vào những thập niên 1960 và 1970…”
   Nhìn vào, Thụy Khuê, Văn Học Miền Nam, cho rằng chia nhà văn theo nhóm với khuynh hướng quan điểm lập trường chính trị thì các tờ báo
   “Văn, Phổ Thông, Văn học, qui tụ các nhà văn không có lập trường chính trị biểu hiện rõ rệt mà thuần túy văn thơ cổ điển như Đông Hồ, Mộng Tuyết, Nguyễn Vỹ, Bùi Khánh Đản, hay văn nghệ thời đại, sinh hoạt thành phố như Nguyễn đình Toàn, Nguyễn thị Thụy Vũ, Túy Hồng;”   “Triết học hiện sinh…hậu thuẫn cho tác phẩm: con người quay về khảo sát chính mình, nhận thức chính mình…”

Hiện sinh được gắn với Nguyễn Đình Toàn.
   Rõ hơn, Trần Văn Nam, Các Thời Kỳ Văn Học Miền Nam 1963-1975, cho rằng 
“Ảnh hưởng Triết lý Hiện sinh phổ biến từ trước năm 1963, đến giai đoạn này [1965-1972] mới thật sự táo tợn… trước đó chỉ là hiện sinh pha với lãng mạn, hoặc hiện sinh độc thoại nội tâm.” 
Những nhận định đó dành cho các tác phẩm khác, nhưng nếu đọc NĐT sẽ thấy nó cũng đúng với tiểu thuyết NĐT.
   Bên cạnh, Văn Học Tổng quan của Võ Phiến có Nguyễn đình Toàn thơ, Nguyễn đình Toàn truyện ngắn truyện dài, Nguyễn đình Toàn kịch thơ, có kịch không_đọc hoa cả mắt không còn nhớ.  Nơi những trang viết về 20 năm Văn học miền Nam, tổng kết luận bàn về xu hướng thời đại, về tư duy, về tâm tình về sắc thái vân vân, tên Nguyễn đình Toàn luôn được nhắc với nhóm tiểu thuyết mới. 
   Nguyễn Vy Khanh trong Tiểu Thuyết Thế Kỷ I và II cũng xác nhận một Nguyễn Đình Toàn hiện sinh lãng mạn và tiểu thuyết mới.
   Theo Nguyễn Vy Khanh, sau 1954, nhà văn miền Nam tiếp cận với tư tưởng và kỹ thuật cách tân của thế giới và Âu châu, tiểu thuyết thời kỳ này có một không khí mới chưa thấy trước đó.  Các nhà văn viết như một cách thế để sống sót.
 “[Họ không] phân tích tâm lý để cho có tiểu thuyết, để ăn khách, mà nay trở nên một vấn đề sống chết không lựa chọn…  Với Nguyễn đình Toàn cũng như Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, câu chuyện chỉ là cái cớ để tác giả triết lý, phát biểu nhận định về con người và cuộc đời…  
   …Hoài nghi đã xuất hiện trong tình yêu, trong thế giới tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn …Ý nghĩa cuộc đời chỉ có thể có từ kinh nghiệm cá nhân mỗi người, và tự do chọn lựa, như một số nhân vật...  Nay không còn khuôn mẫu văn hóa chung, phổ quát, trừu tượng,nay chỉ có chủ thể mà không còn khách thể
   …Cái không khí Dostoievski nặng nề và bi quan, cái không khí buồn tột cùng hay bất lực đó đã thấy trong các tác phẩm của Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu,… cũng như cái phi lý dửng dưng trong tác phẩm Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn.  Thanh Tâm Tuyền và Nguyễn Đình Toàn chẳng hạn, đều đi tìm ý nghĩa cuộc sống; trong khi Thanh Tâm Tuyền hăm hở mà dửng dưng, tự hào, không cảm tính, thì Nguyễn Đình Toàn chậm chạp khám phá theo cảm tính và tư duy…”

   Nói ngắn lại, Nguyễn Vy Khanh cho rằng Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn có khuynh hướng hiện sinh, nhưng không khí tác phẩm của Nguyễn Đình Toàn, Hoàng Ngọc Biên, và Huỳnh Phan Anh gần với khuynh hướng tiểu thuyết mới ở Âu châu, “một loại phản tiểu thuyết, [với] đối thoại và độc thoại cùng tình cảm nội tâm trộn lẫn, thứ tự thời gian đảo lộn, không cần đến cốt truyện, có khi không cả người kể.”
   Từ tác phẩm đầu ra mắt, ảnh hưởng của hiện sinh nơi NĐT đã được ghi nhận bởi Tràng Thiên, Qua Hàng Sách _ Chị em Hải của Nguyễn đình Toàn:
   “Cốt truyện về sau như có một ngụ ý răn đời.  Tác giả không đến nỗi dùng bừa bãi những sáo ngữ của thời đại: buồn nôn, thân phận làm người, phi lý…, nhưng đôi khi ông lý luận về cái ‘hiện hữu phi lý’, ta vẫn thấy như một sự trịnh trọng không cần thiết.  Tuy vậy,… không đến nỗi lộ liễu quá.”
   Đến Con Đường thì dấu ấn thời đại nơi tác phẩm đã thực rõ nét.  Nguyễn Mạnh Côn (NMC), Đọc sách mới _ Con Đường đã nêu ý kiến về tư tưởng của NĐT
    “…tôi nghĩ Toàn đã sai lầm…  Toàn đã lạc hậu…  Cũng như Sartre, Camus, Robbe Grillet cùng tất cả các đồng nghiệp văn sĩ Tây phương của họ đã lạc hậu… có nhiều thắc mắc mà Toàn trình bày đã được giải quyết từ khá lâu rồi.  Thứ nhất là sự hiện diện, hữu danh hay vô danh, của cá nhân trong xã hội…  các nhà bác học, toán học đã xác nhận tính hiện hữu của …[định] luật của số đông... thứ số đông mà người ta chỉ biết là có…  Số đông đó làm nên tính mầu nhiệm của sự sống… mỗi đứa trong hai chúng ta là một đơn vị trong số đông đó.  Một đơn vị mang trong bản thân nó sự mầu nhiệm của hàng tỷ tế bào, là đơn vị của một số đông trong những kích thước khác.
    Toàn cần phải nghĩ ngược lại, khởi từ đơn vị.  Đơn vị tự thấy nó nhỏ bé quá, tự thấy nó sống giữa sự lãnh đạm, không chú ý của đám đông, và do đó, tưởng rằng sự sống của nó có thể có, nhưng có thể không có, mà số đông cũng không lay chuyển chút nào.  Ý nghĩ này làm cho nhiều người tuyệt vọng.  Tuyệt vọng vì thấy mình không có gì đáng kể giữa số đông và trong thời gian.  Nhưng nghĩ như thế là không biết rằng sự vận động của số đông có tính chất hoàn toàn ngẫu nhiên.  Sự hiện hữu của mỗi đơn vị không thể nào chịu thêm một định luật, hay một chỉ huy nào khác…  Khoa học đã thấy mỗi tế bào cũng có cái sinh hồn – bioconscience của nó…  Mỗi đơn vị hãy làm tốt hết phần của nó.  Số đông sẽ vì thế mà khá hơn.  Đến lúc đó chúng ta sẽ nhận thấy ngẫu nhiên chỉ là kết quả chứ không phải khởi xướng.” 
   Ở đây có thể hiểu rằng NMC bác tính bi quan và hoài nghi của NĐT về sự sống, về tính cách ngẫu nhiên của mọi sự trong đời tỏ ra trong Con Đường.  Rõ ràng NMC thấy ta có mặt là ta hiện hữu, và sự hiện hữu của ta có một ý nghĩa, nó là mầu nhiệm của sự sống, không cần phải hoài nghi để rồi bi quan.  Về sự ngẫu nhiên, có vẻ nhà toán học NMC cho rằng NĐT đã nhân đôi nhân ba sự ngẫu nhiên (ta có mặt hay không đều đã là ngẫu nhiên, mọi sự đến hay không đến với ta đã nằm trong ngẫu nhiên đó, không thể có ngẫu nhiên “tôi” có mặt trong cuộc đời này rồi ngẫu nhiên chuyện đó xảy ra cho tôi, “chuyện đó” xảy ra hay không đã ngẫu nhiên vì sự có mặt ngẫu nhiên của tôi.)  Nói để mà nói, tôi không biết chắc có phải NĐT cho rằng tất cả mọi sự là ngẫu nhiên, cũng không dám nói hiểu NMC, nhưng tôi cũng tin rằng trong sự có mặt ngẫu nhiên của một cá nhân ta vẫn có một số quyết định trên cuộc sống của mình chứ không phải cái gì đến với ta cũng ngẫu nhiên.  Và dường như NĐT cũng đồng ý với NMC đó chứ: “Cuộc đời như một vở kịch người ta cố dàn xếp để cho nó phải xảy ra như thế, hay không liên quan gì đến thế cũng được…”  Nơi câu nói đó, cái suy nghĩ về cuộc đời vô nghĩa mà người ta chính là yếu tố chủ động dàn xếp, xung đột với cái ý xuyên suốt trong truyện: mọi sự xảy ra dù lớn lao hay nhỏ bé đều là định mệnh đều là sự tình cờ.  Hình như NĐT không chỉ mang trong lòng nỗi hoài nghi bi quan và tuyệt vọng, có phải đó chính là điều NMC cho là NĐT quả là vừa đĩ vừa ngoan?  Nhưng đào bới ra cho rách chuyện, vấn đề ở đây, là suy nghĩ của NĐT về cuộc đời, và suy nghĩ đó xuất hiện trong Con Đường như một luận đề, nhưng đến Ngày Tháng 1968 thì chỉ còn cô đơn tuyệt vọng, và đến Đồng Cỏ 1973, đến Áo Mơ Phai 1973, tuyệt vọng hay ngẫu nhiên gì cũng có vẻ đã mờ nhạt. 
   Về cái viết của mình, Nguyễn Đình Toàn cũng xác nhận chuyển biến trong kỹ thuật viết, trích trong phỏng vấn in trên báo Văn (SG) và Văn học (1974) trg 94-95, tài liệu của Nguyễn Vy Khanh.   Nguyễn Đình Toàn ý thức rõ điều mình muốn chữ mình viết: “Mỗi tác phẩm đã viết ra như que diêm đã được đốt cháy, nhà văn có bổn phận phải sáng tạo, dù rằng toàn bộ tác phẩm chỉ là sự nối dài từ cuốn đầu tiên.” 
   Như vậy, giữa những người tìm hiểu và nhận định, cùng với chính tác giả, cái hiện sinh lãng mạn và tiểu thuyết mới là đặc điểm của tiểu thuyết Nguyễn Đình Toàn. 
(còn tiếp)
Lưu Na


No comments:

Post a Comment