TÌNH XUÂN ĐÃ ÚA
Lưu Na
Năm mười bảy được nghe cô bạn hát một bài thật lạ: tình Xuân chớm nở đêm qua… Âm điệu nhẹ nhàng man mác buồn, tôi nhớ mãi
câu yêu người năm trước khiến cho ta giận
hờn, không phải vì ý nghĩa cao cả hay ca từ lãng mạn. Câu hát đó có âm điệu như tủi hờn mà lại hoài
niệm một điều đã mất. Gương mặt cô bạn
cũng là một cái lạ gieo vào lòng mình.
Bạn không đẹp nhưng dễ nhìn. Mặt
của cô hơi phẳng, có những nét như thánh mẫu hay Phật bà Quan Âm của Tàu. Đôi mắt bạn dài và ướt, trong xanh như có một
lớp nước bao phủ. Mi dưới rất đều và dài
làm rõ đôi mắt, một điều đặc biệt vì thông thường mọi người có mi trên rõ hơn
mi dưới.
Bạn rất vui tính và hiền lành. Bạn cười khanh khách, nhận mình là thị
Mầu. Nhưng lạ, sau mỗi tràng cười mình cứ
nghe như có tiếng ly vỡ, dẫu rất âm thầm.
Ra khỏi trung học thì mỗi mảnh đời trôi một phía. Lâu lâu đạp xe ghé nhà nhau nói đôi câu. Thị Mầu thỉnh thoảng đạp xe ghé nhà tôi sau
buổi học, ngồi trên xe đạp dựa hàng rào tán dóc. Trong lúc tôi loay hoay vượt biên, Thị Mầu
loay hoay đi học, giúp mẹ buôn bán, giúp em trông con… cái cam chịu nhẫn nhục
như dầy lên như trong lên trong mắt. Cái
cô đơn như kéo cặp mắt dài thêm ra. Rồi
tôi đi xa, rồi bạn lấy chồng. Tôi sống
loay hoay ở Mỹ, lâu lắm mới viết một lá thư thăm nhau. Không nhờ vả kể khổ bao giờ, bạn viết thư nói
học Anh văn bằng B (?), mong có cơ hội kiếm sống trên mảnh đất chết.
Bạn viết thư, nói đã có thêm một đứa con dẫu hai vợ chồng bấy lâu không
gắn bó: anh đi buôn chuyến luôn xa nhà, đồng tiền cho sự sống có hệ lụy của
nó. Bạn nói, không muốn nghĩ suy giằng
co gì nữa. Chính cái thật tình bộc bạch
đó làm xúc động lòng mình, làm mình nghĩ lại muôn điều của cuộc sống và soi lại
mình trong gương. Tôi về, chỉ gặp một
vài người bạn thân quí trong đó có Thị Mầu, dẫu lúc còn trung học không phải là
bạn cặp kè. Gặp lại, mắt bạn vẫn ướt
răng vẫn trắng đều phô nụ cười hiền lành.
Bạn chở đi vòng vèo ngõ hẹp cười khanh khách: cho mày nhớ lối xưa. Chúng tôi vẫn xưng hô mày tao dù nay đã hơi
già. Ra đầu đường Hai bà Trưng cũ ăn đu
đủ bò khô. Bạn bảo mày chờ đây rồi vòng
xuống lề đường gửi xe. Sau vài phút lóng
ngóng, một cô mặc đồ bộ tới, dúi vào tay hai miếng vinyl vuông 1 square-foot,
loại bên Mỹ dùng lót sàn nhà. Cô bạn cầm
đặt xuống gờ xi măng quanh bồn cây gần sát đất và chễm chệ ngồi xuống. Thị Mầu cười, vẫn trong trẻo khanh khách, và
gọi 2 dĩa. Chúng tôi ngồi ăn quà rong
như thuở học trò, trong xì dầu ớt cay đu đủ dòn vẫn còn nguyên cái tình đơn sơ
như chớm nở đêm qua. Tôi nhớ tha thiết câu hát đó, giọng hát
đó. Tôi muốn nói bạn hát cho mình nghe,
như hồi đó chúng tôi vẫn ném vào nhau những yêu cầu ngắn ngủi mày hát bài này coi !!! Nhưng câu hát thầm có âm vang dội hơn nơi tim
mình. Tôi ngẫm nghĩ trong lúc ăn. Và cái ẩn nhẫn trong đáy mắt vẫn theo qua
hàng bột chiên bên hông trường Gia Long trước cửa chùa Xá lợi. Không có tiếng kinh cầu, nhưng tôi vẫn nghe chiều trên dương thế dâng sầu mênh mang. Có phải ăn quà rong giữ tâm hồn người ta đơn
sơ chân thật dẫu qua nhiều gian nan? Xì
dầu ớt có làm trong thêm màu mắt? Bạn
tiếp tục cười, tôi tiếp tục suy nghĩ và húp.
Khi lên máy bay về lại Mỹ tôi vẫn tưởng như mình đi giữa độ xuân nồng. Khi về thăm quê thăm bạn, chúng tôi vẫn nhìn nhau bỡ ngỡ rưng rưng lòng nhớ thương. Phải chăng Phạm Duy viết bài Xuân thì cho bạn
của tôi, cho thế hệ của chúng tôi?
LN
No comments:
Post a Comment