Saturday, January 14, 2012


Tản mạn
BÊN TÁCH CÀ PHÊ 

Nguyễn Xuân Thiệp



                                 Từ trái qua: hàng đứng, Đinh Cường - Lữ Quỳnh
                    hàng ngồi, Nguyễn Đình Toàn - Khánh Trường- Phạm Phú Minh
                                                 (Café Factory, California 2004)


Trăng thiền

Có không, trăng thiền? Hay chỉ do trí óc đầy huyễn hoặc của một con người đang bước xiêu xiêu giữa cõi đời tưởng tượng ra và nghĩ là mình nhìn thấy thật?
Vâng. Quả là đêm nay, một đêm cuối năm, người viết ngồi nhìn qua khung cửa sổ thấy một mảnh trăng treo lơ lửng trên định cây phong trụi lá. Và do ảnh hưởng  những bức tranh thiền của Khánh Trường vừa gởi tới, trong đó có những bức vẽ vầng trăng khuyết, nên Nguyễn đã nghĩ ra như vậy. Một phần nữa cũng là vì mình vừa trải qua một mất mát quá lớn trong đời nên muốn tìm tới ý nghĩa cốt lõi, dung dị mà thâm sâu của đời sống này. Vì vậy nên Nguyễn mượn hình ảnh mảnh trăng nghiêng kia (mà trong bài thơ viết tặng Dung đã gọi là một nét phác thảo  của bức tranh siêu thực Salvador Dali) để nói về những bức tranh Thiền của Khánh Trường. Ôi, cũng thật là đầy mộng và ảo, nên xin bạn đọc tha thứ giùm cho.  

    Nhưng trước hết xin thưa cùng bạn đọc: Người viết và Khánh Trường quen nhau cũng đã hơn mười lăm năm nay, từ hồi Khánh Trường còn khỏe mạnh tươi vui và còn làm tờ Hợp Lưu. Còn nhớ trong lần giới thiệu thơ của Nguyễn Nam An và Phan Ni Tấn tại hội trường báo Người Việt vào năm 1996 có sự hiện diện của Mai Thảo, Phạm Duy, Thái Thanh, Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Nghiêu Đề, Lê Uyên Phương, Thảo Trường,…, Khánh Trường đã mời Nguyễn đi dự tiệc chung với mọi người. Đây là lần đầu tiên Nguyễn tiếp xúc với anh em văn nghệ Cali.
   Tiếp đến những tháng năm sau, Khánh Trường lâm trọng bệnh phải vô ra nhà thương nhiều lần. Do ảnh hưởng của bệnh, Khánh Trường nói rất khó khăn và phải đi xe lăn. Chúng ta hãy nghe Đinh Cường:”Đời sống tâm linh đã cứu rỗi con người, một con người tuởng như đã chết đi và sống lại, sống lại lẫm liệt để Qua Bờ.” Thật vậy, Khánh Trường đã phấn đấu ngày đêm để có thể làm việc và vẽ trở lại. Bây giờ, với 30 bức tranh Thiền sẽ trưng bày ở 11561 Magnolia Street, Garden Grove, CA, vào dịp Tết này Khánh Trường đã cho thấy sự bình an tĩnh lặng trong anh. Thật vậy, Khánh Trường bộc bạch: “Nhẹ nhàng, thoải mái, giữ cho tâm thân lúc nào cũng an bình. Với cá nhân tôi, Thiền chỉ giản dị thế thôi. Nên khi vẽ những bức tranh liên quan đến chủ đề Thiền, tôi luôn tự nhủ sẽ tuyệt đối trung thành với ý niệm trên. Vì vậy 30 bức tranh trong lần triển lãm này đều được gạn lọc, hạn chế tối đa từ đường nét, màu sắc đến đề tài; cũng như không để mình bị cuốn vào những lãnh địa mới, lạ mà hầu hết họa sĩ đều mong thử nghiệm, khai phá. Cũng có nghĩa tôi dùng một bút pháp rất chân phương, mộc mạc để chuyển tải những giáo lý cơ bản nhất của Phật giáo với mong ước ai cũng có thể tiếp cận và hiểu dễ dàng “.


    
    “Lời bộc bạch trên của tác giả -vẫn theo Đinh Cường- như dẫn chúng ta đi vào tranh anh, một thế giới khác so với những thập niên truớc, một con người năng động, đầy sắc màu trong văn chương nghệ thuật, cũng phải kể đến thời sung mãn khi anh đứng mũi chịu sào  làm tờ Hợp Lưu, một tờ nguyệt san đẹp về hình thức lẫn nội dung, cho đến nay Đặng Hiền vẫn tiếp tục, trong tình hình kinh tế khó khăn, hai ba tháng ra một số…”
     Vâng, mười năm trước Khánh Trường bị tai biến mạch máu não. Đôi chân hần như bất khiển dụng, phải ngồi xe lăn, hai tay lọng cọng, cầm đũa rớt lên rớt xuống, viết, vẽ không được Mắt mờ, nhìn một thành hai. Nói năng ngọng nghịu khó khăn. Một năm sau bị thêm 2 bạo bệnh, ung thư thanh quản và loét bao tử …Thế mà Khánh Trường vẫn tiếp tục sáng tác được, dù vô cùng khó khăn . Anh đã hoàn thành đến gần 100 tác phẩm. Đây là lần triển lãm thứ 3 sau cơn bệnh.
   Đinh Cường nhận định tiếp: “Xem qua 30 bức tranh trên internet không bằng đứng truớc những tấm toile nhưng sự xúc động đã đến với tôi, tôi bắt gặp ở đó sự chân thật của xúc cảm và sáng tạo, vẫn Khánh Trường với màu xanh trong mênh mông, vẫn vầng trăng, núi đồi, vẫn tĩnh vật mấy quả táo, vẫn chiếc khăn phơi, vẫn những kỷ niệm từ một thời niên thiếu bên triền cát trắng, đến thời thanh niên với những lần hành quân qua Khe Sanh miền địa đầu giới tuyến trùng điệp núi rừng, bom đạn … để bây giờ là Bầu Rượu Bể, là Tịch Lặng, là Khổ Hải, là Vô Thường … để đi đến Hành Trình Giác Ngộ như trong  Thập Mục Ngưu Đồ..Khánh Trường đã thõng tay vào chợ, chỉ còn một vòng trống không …người trâu đều quên .Và thật sự Khánh Trường, người họa sĩ tài hoa, nhiều nghị lực ấy đã quên chưa Nghiệp Chướng?”

   Với Nguyễn, như đã nói từ đầu, tranh Thiền của Khánh Trường gợi ra trong trí óc Nguyễn một vầng trăng khuyết. Như Nguyễn đã nhìn thấy nó ở buổi ấu thời, nơi Vương Phủ, hay sau này trong những bước trắc trở của cuộc đòi, hay như mới đây khi Dung bỏ Nguyễn ra đi. Nó không hẳn là vầng trăng tật nguyền nổi trên biển khổ như Khánh Trường miêu tả. Mà là những mảnh trăng trong Hành Trình Giác Ngộ của bạn. Nó vẫn là hình ảnh đẹp  của cõi huyễn này nhưng nó bất toàn, bị rơi rụng đâu mắt một phần. Và Nguyễn gọi nó là Trăng Thiền để chứng cho cái mà mình có giữa đời này -hạnh phúc chăng- có thể là thế nhưng đôi khi rưng rưng lệ.

NXT

No comments:

Post a Comment