HƯƠNG TẾT
Lưu Na
Xa, xa lắm, là những ngày ở ngõ hàng quà. Những ngày đó tính ngược lại thì tôi chưa quá
5 tuổi. Những buổi sáng dậy, ra khỏi
giường băng ngang một cái phòng tối hù là xuống bếp. Phòng đó nói theo kiểu 75 là một “hộ”
đấy. Thuở đó là thuở, sau này tôi mới
nghĩ ra, người Bắc di cư đang vất vả tạo dựng đời sống mới. Nhà tôi cũng chỉ thuê một buồng. Nhà hàng xóm bước vào là thấy một dọc, mỗi
cái phản gõ buông mùng cháo lòng là một gia đình. Nghèo khó và không thấy ngày mai. Trong cái nghèo khó ấy, những đứa trẻ mũi thò
lò như tôi sáng dậy xuống bếp, không còn nhớ là ai đã rửa mặt cho tôi bằng tấm
khăn be bé nhúng vào cái chậu thau bằng đồng đã có “teng” (?) xanh đặt trên
chiếc ghế xếp loại thường thấy dùng nơi các xe sâm bửu lượng. Lê la cho đến giờ cơm trưa, rồi chiều. Trên ban công, các cậu Lộ cậu Kỳ cậu Nghí tóc
vắt màng tai nhờ nhờ bi dăng tin đang hát bài Hồn lỡ sa vào đôi mắt em…
Nghèo, nghèo đau nghèo đớn.
Không rớt mồng tơi vì không có mồng tơi để rớt. Trong cái nghèo đó, Tết đầu tiên đến với đầu
óc tôi bằng cái âm thầm của từng gia đình và bằng mùi hương pháo vương trong
không khí. Xác pháo xám hồng phai phai,
dài bằng khoảng cái đầu lọc của điếu thuốc, đầy lòng đường. Một thứ rác của mùa màng, một thứ rác đợi
mong. tôi không nhớ tôi ra sao, mà lại
nhớ tôi đứng trên khoảng lề đường giữa nhà Hòa Phú và đường rầy xe lửa, tay vân
vê đồng năm cắc và mắt ngó các hàng quà bánh vặt vãnh không biết phải mua cái
gì. Đồng năm cắc lúc đó to hơn đồng quarter Mỹ, trong tay tôi nó mới đẹp làm sao. Và tôi nhớ như đó là cái Tết đầu tiên sau
những năm bị cấm đốt pháo vì đảo chánh (?).
Nhưng cái thấy cái cảm không bằng cái nghe, trong âm thầm, tiếng súng. Nó cứ dội trong óc tôi mãi về sau, dù bức ảnh
gia đình chỉ phơi bày 3 đứa trẻ mặt ngây thơ má bầu bầu giống nhau: đứa trai
mặc bộ short trắng kiểu Hải quân nắp túi đỏ đầu đội nón tay cầm gươm La mã, 2
đứa gái áo đầm cũng kiểu yếm Hải quân sọc ngang xanh dương lợt tay xách bóp ny
lông tay bồng búp bê cũng ny lông. Bé tí
như vậy thì sao nghe được tiếng súng không âm vang? Điều đó có thật không hay
chỉ là mơ màng chồng chất?
Năm ba năm nữa qua đi.
Bây giờ, tôi nhớ cái Tết với pháo kích vào trường tiểu học Bàn cờ. Một góc tường cháy đen và đổ sập. Má may cho lũ 5 đứa tôi mỗi đứa một cái bị
vải kiểu shoulder/travel bag, bên trong hình như có chút gạo chút quần áo gì đó
đề phòng tản cư!!! Buồn cười, tôi chỉ
thấy đó là dịp vui cho lũ trẻ con chui qua hàng rào kẽm gai nằm lăn ra giữa
lòng đường Trần quí Cáp không xe cộ vì giới nghiêm, vì cái gọi là “thiết quân
luật” gì đó. Lâu lâu tự dưng thấy cay
cay khói mờ mờ, một ai đó la to lựu đạn cay.
Thế là nhào vào bếp mỗi đứa cầm một cái khăn mặt nhúng nước đắp vào mặt
chờ cho hết cay. Trong tiếng pháo đẹt
câm, tiếng súng bây giờ là thật, mùi khói súng đã được đại biểu bằng hơi lựu
đạn cay nồng mũi chẩy nước mắt. Tôi vẫn
chưa hề biết thịt mỡ dưa hành, nhưng biết vành khăn trắng ngày Tết: cậu Nghí đã
tử trận, binh nhì Biệt động quân ra chiến trường có lẽ mới được 1 năm. Và tôi còn mất một thú vui của trẻ nghèo: mua
hình tài tử (Hùng Cường Tấn Tài Thanh Sang Bạch Tuyết Mỹ Châu…) trên cái mẹt
tròn rộng trước cửa trường Bàn cờ, mua thiệp Xuân rắc kim tuyến vẽ Mai Lan Trúc
Cúc với con chim sẻ.
Những năm vào trung học tôi mới thực thấy cái Tết, thì đã
thấy thấm một nỗi buồn. Vì hương Tết,
chả biết sao vẫn cứ là những cái âm thầm thiếu vắng chung quanh những điều sách
vở ghi chép nhắc nhở như những hoài niệm.
Bắt đầu vào mùa Tết, ba mua chai thuốc đánh đồng về. Một chủ nhật nào đó lũ anh chị em tôi sẽ ngồi
xổm xuống đất trải giấy báo, lấy giẻ lau ra chà, cọ. Một cái lư có nắp hình 2 con sư tử châu đầu,
2 cái chân đèn cầy, và một bát nhang mà phải cọ cả ngày, dùng búi chùi xoong
loại fine-steel wool để cho nó bóng, rồi lau lại bằng giẻ. Cái nào chưa sạch teng sẽ phải chùi lại.
Rồi đến quét vôi nhà, do ông Hai thợ hồ hàng xóm đảm
trách. Ban ngày mặt ông cũng đỏ đỏ,
nhưng ông rất hiền lành lễ độ. Ông gọi
Ba Má bằng thầy Hai cô Hai, và guaranteed sẽ xong trong một ngày vì nhà của
thầy Hai cũng nhỏ thôi. Chỉ đến đêm về
thì ông mới lên đồng, mới dữ như lũ vịt xiêm nhà ông. Mỗi bận đi ngang sân nhà ông để ra tiệm chạp
phô đầu ngõ chúng tôi thường phải mắt trước mắt sau ù té băng ngang, nếu không
thì 3 con vịt xiêm lông đen mồng đỏ rượt kịp sẽ mổ vào đít đau chết luôn. Sợ, mà dần dà thành cái thú. Nhưng mỗi khi buông mùng và nghe tiếng chậy
huỳnh huỵch bên ngoài đúng 10 giờ mỗi đêm, tôi nghĩ bà Sáu không thú gì lắm. Bà vừa chậy vừa khóc, “em lạy anh, anh tha
cho em.” Anh Hai thợ hồ rượt sau, chửi
văng mạng. Có lần hé cửa lén nhìn tôi
thấy ông cầm dao phay, áo thung cháo lòng quần kaki còn lấm lem sơn hồ và mặt
đỏ lừng hơi beer. Không biết lối xóm có
cười, chứ tôi cười trong bóng đêm, vì “em” bự gấp đôi “anh” và cao hơn anh
chừng 3 inches.
Rồi chị tôi sẽ phải cắt râu kiệu, cắt dối thôi, Má dặn vậy,
để ngâm vào chậu muối hột 2 ngày một đêm.
Khi rửa lại, cắt râu cắt chân cho vừa tầm cỡ 5 phân thì lại ngâm nửa
buổi vào hàn the. Má sẽ đảm nhiệm chuyện
nấu nước dấm nêm nếm cho vừa ý. Bọn
chúng tôi sẽ phải ngồi còng lưng xếp kiệu vào chai, đầu trắng giáp vòng chai,
chân xanh vào giữa. Chờ nước dấm nguội
đổ vào đậy nắp. Ngó đẹp, chứ tôi thích
ăn hành muối hơn. Củ hành tim tím bên
ngoài, trắng phau bên trong, sau khi bóc lớp vỏ ngoài cắt đôi xếp lên dĩa ăn
thơm thơm, chua chua ngọt ngọt rất ưng ý.
Lao động dữ dội như vậy thường được đền bù bằng những ngày
đi chợ Bến thành mua vải may quần tây, áo kiểu, đi chợ Vườn chuối mua xăng đan,
và ra nhà may thử đồ mới. Mỗi đứa một bộ
thôi, nhưng 5 đứa là 5 bộ, mặt Má như vuông thêm.
Tết bây giờ không có tiếng pháo và không còn tiếng súng vì
Hùng Cường Mai lệ Huyền hát rất to, 100 phần trăm, Hờn anh giận em, vui quá
chừng, cười oang oang. Cô gì tên Ngân
hát Cái trâm em cài miệng rộng rất tươi.
Nỗi buồn của tôi bắt đầu khi trường nghỉ học. Tôi không có ai để đàn đúm, ngày như dài
ra. Thằng Lù cũng bị ba má nhốt vào nhà,
chỉ có thể nói chuyện với tôi bằng cách ra dấu tay và nhép miệng. Nó đứng trên ban công thò đầu ra, tôi đứng
dưới đất cách 1 căn nhà hóng cổ lên mà ra dấu hỏi nhau Tết này sẽ đi đến nhà
ai, làm gì.
Không có bạn, tôi lang thang ra chợ Vườn chuối ngắm chợ
hoa. Hoa mồng gà vàng và đỏ, thuôn thuôn
như cọng phi lao, hoa cúc vạn thọ vàng đậm vàng lợt to như cái chén hay nhỏ nhỏ
vừa vừa, mai thì từng cành ngâm trong xô nhựa có chút nước. Ngang cây quất phải lén ngắt một vài
trái!! Hết dẫy hàng hoa tôi đến xem ông
đồ viết chữ trên giấy đỏ. Đó là duyên
may còn sót lại cho lứa chúng tôi, mà sau này tôi mới nhận ra. Ông ngồi trong một gian sạp nhỏ như sạp báo,
4 bề cửa sổ trống treo đầy những tấm giấy đỏ hình thoi chữ vàng kim nhũ. Ông mặc áo the đen, quần trắng, vấn khăn đàng
hoàng, gò lưng viết câu đối cho khách đặt mua.
Tôi ngó chán thì về, lòng mang mang một nỗi buồn mà chả biết buồn gì.
Cái buồn không tên đó ngày một lớn, khi tôi biết theo bạn
qua nhà anh nọ chị kia chúc Tết. Khi
chạy xe đạp qua những đường phố vắng, các anh thường bảo chúng tôi vịn vai xe
honda của anh để anh kéo cho nhanh, đến nhà chị Châu, chị Phong… Xóm nhà giàu ngõ quạnh quẽ im lìm, không bầu
cua bài cào và quà vặt. Anh chị nhà giàu
mang thùng bánh Tây mở ra cho các em xơi và bàn chuyện đi “ban” chuyện ai sẽ
đón ai gặp ai. Tết trở nên những ngày
hiu hắt như tôi đã xa quê nhà, tuổi thơ của tôi như mất hút trong cái xô bồ của
xã hội giao thời Mỹ Việt với ban bum và của loạn lạc với người yêu của
lính.
Người ta sống ồn ào như để lấp cái lo thầm lặng, vì chiến
tranh không bao giờ dứt, và dù không nghe nhưng tiếng đại bác vẫn ngự trên sách
báo, trên radio trong lòng lứa trẻ hoang mang.
Tôi đi trong những ngày Tết thấy như mình bị cướp mà tôi có gì đâu để bị
cướp. Sau 75, khi mọi hào nhoáng mộng mơ
đã bị lột sạch tôi tìm ra cảm nhận của mình.
Những ngày cận Tết trong đêm vắng tôi thường ngồi đọc những truyện ngắn,
những trang sách rời tìm mua được ở chợ cũ.
Hóa ra ngày Tết, ban đêm khí trời trong và hơi hơi lạnh, và không chỉ
hoa huệ tỏa mùi hương mà hoa cúc vạn thọ cũng thơm hương trong đêm. Hóa ra, cướp được của nhau mọi thứ chứ sao
cướp được thời tiết của đất trời, hương của hoa, và cái thanh tịnh khi biết
lắng lòng.
Bây giờ ở Mỹ tôi thường thấy mình đứng dưới trời cao ngửng trông mây.
Với tôi, hương Tết là hương thanh bình, là hương an hòa của tập tục,
của lòng mến thương, thứ hương lặng toát ra từ lòng đất từ hồn dân tộc mà tôi
sẽ mãi hoài thương nhớ.
LN
No comments:
Post a Comment