Saturday, January 28, 2012


TẢn mẠn bên tách cà phê 

Cây bàng mùa đông &
tiếng dương cầm trong ngôi nhà đổ 

Nguyễn Xuân Thiệp 




Một buổi sáng của tháng 12, bầu trời Garland một màu xám xịt. Trời như đã sang đông. Lá rụng đầy đường. Chợt nhớ màu lá bàng của mái ngói trong tranh Phố Phái. Nhớ cây bàng ở Vương Phủ ngày nào đầu đông lá đỏ rụng đầy sân, mẹ và chị Thoa lấy thúng đi nhặt về đun bếp. Nhớ cây bàng mùa đông trong nhạc Phú Quang. Và nhớ bài “Nhặt Lá Bàng” của Nhất Linh. Nhớ lắm. Từ nhiều hôm nay. Cho nên bảo vợ đi tìm cho bằng được bài văn của Nhất Linh, do nhà văn tự tay chép với lời đề tặng, trong cuốn lưu bút của nàng từ những ngày xa xưa thuở còn là cô bé học trò. Nguyễn muốn ghi lại trang viết đó vì nghĩ “Nhặt Lá Bàng” của Nhất Linh là một áng văn chương hay vào bậc nhất trong văn học cận đại. Chẳng những hay mà nhiều ý nghĩa nhân sinh. Chúng ta hãy đọc và lắng nghe tiếng lá bàng rơi trong những trận gió đêm. 
   “Ở phía sau một gốc bàng, một cái bóng chạy ra. Tôi nhìn kỹ mới biết đó là một đứa bé, vào trạc mười tuổi, đầu nó chít một cái khăn đỏ phủ kín hai bên má, áo nó rách để hở cả hai vai. Một ít lá rụng ở cuối phố. Đứa bé chạy vội lại. Một con bé ở sau một gốc bàng khác cũng chạy ra, rồi hai chị em -tôi đoán lá hai chị em- chạy loăng quăng đuổi những lá bàng gió thổi lăn trên đường.
   Một cơn gió lạnh nổi lên, lá rụng ào ào, một lát đã đầy đường.
   -Mau lên chị ơi. Nhặt cả hai tay chị ạ.
   -Tao bảo mày đem chổi đi, mày lại bỏ quên. Thằng nỡm. Tao đã biết trước là dêm nay có gió to. Mày chẳng nghe tao bao giờ, thằng nỡm.
   Tôi mỉm cười vì thấy con bé mắng một cách thành thạo lắm. Đứa bé không để ý tới lời chị nó, vừa nhặt vừa reo:
   -Gió lên… Lạy giời gió nữa lên.
   Chúng nó nhặt không ngừng tay, lá vẫn rụng không ngớt, nhiều khi vì màu áo lẫn với màu đường, tôi không nom rõ người, chỉ thấy hai cái bóng đen loăng quăng. Chúng chạy vọt ra xa rồi lại quay vòng trở lại, có khi đang chạy về một phía bỗng nhiên đứng dừng: một đám lá rơi lỏa toả trên người khiến chúng ngập ngừng bối rối không biết quay nhặt phía nào.
   -Lạnh quá.
   -Chạy mau lên cho ấm… Thằng nỡm.
   Thắy chị mắng em luôn mồm là thằng nỡm, tôi mỉm cười đoán có lẽ tên đứa bé là Nỡm chăng.
   Tôi tự nhiên thấy vui với chúng và mặc dầu trời rét, tôi cũng như chúng mong mỏi gió thổi thật mạnh.”
   Hay và cảm động quá phải không các bạn. Chúng ta thấy vui với hai đứa bé nhặt lá trong đêm đồng thời thương chúng biết bao. Chúng ta cũng thấy yêu và gần gũi với mùa đông Hà nội cùng với màu lá bàng đầy phố. Với kẻ viết những dòng này, những chiếc lá bàng ấy thật đẹp. Có thể không rực rỡ bằng lá cây maple hay red oak ở đây, nhưng chúng mạnh mẽ và gần gũi với những kỷ niệm ấu thời của ta hơn bất cứ thứ gì khác. Và nghĩ tới lá bàng là nghĩ tới mùa đông Hà Nội. Đây, ta trở về lại với ca từ bài hát Em ơi, Hà Nội Phố của Phú Quang: 
Em ơi, Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm
Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông
Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông
Mảnh trăng mồ côi mùa đông
Mùa đông năm ấy
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ



   Kẻ này phải mượn ca từ trong bài Em Ơi, Hà Nội Phố của nhạc sĩ Phú Quang để nói thêm một điều nữa. Đó là âm nhạc. Vâng. Mùa đông năm ấy / Tiếng dương cầm trong ngôi nhà đổ. Những điều sắp viết ra đây liên quan tới tiếng đàn dương cầm của một nhà soạn nhạc, nhạc sĩ Wladyslaw Szpilman trong phim The Pianist của nhà đạo diễn đầy tài năng và tai tiếng -Roman Polanski. “The Pianist” từng đoạt 3 Oscar năm 2002 về diễn viên chính xuất sắc nhất (Adrien Brody trong vai W. Szpilman), đạo diễn xuất sắc nhất và kịch bản phim hay nhất. Cuốn phim kể chuyện một gia đình ở Warszawa, Ba Lan, bị tan nát vì thảm họa Đức Quốc Xã ở những năm đầu của thập niên 40. Người nghệ sĩ dương cầm Szpilman đã đi qua tầng đầu địa ngục: Cha mẹ, anh chị em cùng với vô số người dân vô tội của xứ Ba Lan bị đánh đập hoặc bắn chết giữa lòng thành phố hoặc bị bức hại trong trại tập trung. Riêng Szpilman, nhờ may mắn, được đưa vào làm công việc khổ sai trong toán sản xuất rồi sau đó nhờ đôi vợ chồng nghệ sĩ Ba Lan cứu thoát. Cuốn phim đầy âm thanh và cuồng nộ với những hình ảnh thảm khốc khiến người xem bàng hoàng đau đớn, nhiều lúc tim thắt lại đến nghẹn thở. Riêng kẻ này đặc biệt xúc động với những sequences cuối cùng của cuốn phim, xúc động đến rưng rưng nước mắt. Đây là nét nhân bản tạo thành giá trị của tác phẩm. Lúc bấy giờ, cả thành phố Warszawa chìm trong đổ nát, hoang vắng. Szpilman chạy trốn từ ngôi nhà này sang ngôi nhà khác, đói khát và lạnh cóng cùng với những thương tích tưởng chừng có thể lấy đi mạng sống của anh bất cứ lúc nào. Anh phải đi sục sạo tìm chút thực phẩm còn sót lại để cầm hơi. Đau đớn, sợ hãi, cô đơn nhưng Szpilman không quên quá khứ âm nhạc và tiếng đàn của mình. Thỉnh thoảng, trong những lúc quạnh vắng, tiếng đàn xưa lại vang lên trong đầu. Những ảnh bóng ngày xưa hiện về với đôi bàn tay bay múa trên phiếm đàn dưới mái thính đường thành phố Warszawa.Thời gian trôi qua, và hạnh phúc cũng tưởng chừng mất dấu tích. Một hôm đang tìm cách đục một hộp đồ ăn, nhìn lên, Szpilman rụng rời thấy một viên sĩ quan Đức Quốc Xã đứng trước mặt mình. Viên sĩ quan hỏi anh làm gì ở đây và biết được Szpilman là nhà soạn nhạc và danh thủ dương cầm lừng danh của xứ Ba Lan. Là người có học và yêu âm nhạc, nghệ thuật, viên sĩ quan đưa Szpilman qua một phòng bên, chỉ chiếc dương cầm đầy bụi và những mảnh vỡ, bảo anh đánh đàn. Ngồi trước chiếc dương cầm như trước người yêu thất tán vừa tìm lại được, Szpilman xúc động nghẹn ngào. Rồi những âm thanh vang lên trong căn nhà đổ, vang lên như lửa reo, suối chảy trong khi ngoài trời bông tuyết bay trên gạch đá của những ngôi nhà mặt trăng. Có vậy sao, trong cảnh địa ngục a tỳ này, còn có được âm nhạc sao, nghĩa là còn có chút hạnh phúc và hy vọng. Viên sĩ quan của phía thù địch đứng lặng người nghe tiếng đàn của Szpillman vang lên thánh thót, có lúc tuôn chảy như đường chim bay, khi ầm ầm như giông tố đi qua bầu trời. Kể từ bữa đó, viên sĩ quan Đức đầy nhân ái tìm cách tiếp tế thực phẩm cho Szpilman, giúp anh sống dậy. Rồi Hồng quân Nga tiến vào giải phóng Ba Lan. Binh lính, sĩ quan Đức trở thành những kẻ bị truy đuổi.
   Viên sĩ quan Đức cùng với các chiến hữu của ông bị bắt nhốt vào một khu tập trung. Ông nhắn tin cho Szpilman biết. Trong những năm tháng sau đó, khi thành phố Warszawa và toàn thể Ba Lan được giải phống, Szpilman cố công đi tìm viên sĩ quan đầy nhân bản đã cứu mạng sống của mình, và cứu âm nhạc của loài người, nhưng anh đã hoàn toàn thất vọng. Cuối cùng, những hàng chữ kết thúc tấn bi kịch có tiếng dương cầm cho biết viên sĩ quan, có tên là Hosenfield, đã chết trong trại tù Liên Xô. 

   Bạn hiền thơ ấu ơi,
   Kết thúc phim buồn quá, phải không bạn nhỏ? Ôi, mùa đông năm ấy / tiếng dương cầm trong ngôi nhà đổ. Vâng ít ra, trong cảnh địa ngục ấy còn có tiếng dương cầm, và trong những giờ phút tuyệt vọng nhất, nghệ thuật cũng đã đem đến cho chúng ta sự ấm áp và cứu rỗi. 

Lập đông 2009
NXT


Wednesday, January 25, 2012


Tản mạn
bên tách cà phê 

Nguyễn Xuân Thiệp


Bay về phía ngọn thác thiên đường




   Trong câu chuyện cảm động và vui nhộn sau đây, nhân vật Carl và Ellie trong trí tưởng của nhiều người là có thực, trong đó có hiền nội của kẻ này. Cho nên, cách đây hơn ba năm trong lúc xem phim UP, hiền nội đã rất xúc động và cảm thương khi Ellie lâm bệnh không còn leo lên nổi ngọn đồi hẹn ước và rồi cuối cùng phải chia tay Carl. Nay hiền nội cũng đã ra đi về phía Ngọn Thác Thiên Đường kia, có lẽ. Do đó, Nguyễn xin phép độc giả được đăng lại bài viết này như một lần tưởng niệm. 

   Carl Fredricksen là một cậu bé hay e thẹn và ít nói. Cậu thường mơ ước bay vòng quanh thế giới với quả bóng bay của mình . Một hôm, Carl  tình cờ lạc vào căn nhà hoang của cô bé sún răng và nghịch như con trai tên Ellie, và rồi phát hiện ra rằng cả hai đứa cùng có chung mơ ước đi khám phá thế giới như thần tượng của chúng là nhà thám hiểm lừng danh Charles F. Muntz. Căn nhà hoang cô bé biến thành “câu lạc bộ phiêu lưu” của hai đứa. Cô gắn cho cậu chiếc huy hiệu câu lạc bộ làm bằng nắp chai nước ngọt, và cô khoe với cậu cuốn "My adventure book", quyển sách phiêu lưu mạo hiểm của cô, trong đó cô dành hẳn phần lớn vẫn còn để trắng, để ghi lại những “chiến công” cô sẽ thực hiện sau này. Trang đầu tiên là bức vẽ ngôi nhà nhỏ bên đỉnh Ngọn Thác Thiên Đường ở vùng rừng Nam Mỹ, một giấc mơ lớn. Và cô bắt Carl giữ lời hứa đi đến nơi đó cùng với cô.
   Thời gian trôi qua, hai đứa cùng chơi đùa hồn nhiên bên nhau. Và rồi lớn lên, họ kết hôn thành vợ thành chồng. Căn nhà hoang câu lạc bộ ngày xưa nay trở thành ngôi nhà của họ. Chỉ trong một vài năm, họ dựng được tổ ấm riêng cho mình. "In a couple of years they have built a home sweet home". Cô gái nắn nót viết tên hai người lên thùng thư, Carl & Ellie, nhưng chàng trai Carl vụng về để lại nguyên dấu một bàn tay trên thùng thư mới sơn, thế là Ellie lập tức quét sơn vào tay in ngay bàn tay mình lên cạnh bàn tay chàng.

   Với nghề bán bong bóng và gác sở thú, hai người sống những năm tháng vui vẻ hạnh phúc bên nhau. Dưới tán cây cổ thụ trên đồi, họ cùng gửi mơ ước của mình qua những đám mây. Tối đến, trên 2 chiếc ghế bành kê sát, anh và cô cùng nắm tay nhau đọc sách.
   Năm tháng qua. Tóc hai người dần bạc. Cho đến một hôm, ôi buồn biết bao bạn ơi, Ellie không còn bước ni lên ngọn đồi ngày xưa nữa. Ellie yếu đi và rồi qua đời. Quyển sách “My Adventure Book” còn đó với những trang để trắng. Thỉnh thoảng Carl vẫn mở ra xem và buông xuống ngậm ngùi. Trong phòng, hai chiếc ghế ngày xưa, giờ một chiếc để trống, trên đó còn vắt chiếc khăn quàng cổ của Ellie. Chiếc bàn cà phê bây giờ chỉ có một cái tách, đầu bàn bên kia không người ngồi.
   Với Carl, thời gian như lá rụng dần... Thành phố bây giờ đổi khác, với những ngôi nhà cao tầng mọc lên chung quanh, nhưng Carl nhất định không chịu rời đi. Cho đến một hôm xảy ra cuộc đánh nhau với một công nhân xây cất vì người này cho xe tới làm gãy thùng thư kỷ niệm của Carl và Ellie, chính quyền thành phố nhân vụ này ra lệnh cho Carl phải về ở tại nhà hưu trí Shady Oaks Retirement Home. Carl lúc này đã 78 tuổi, chợt nhớ lại giấc mơ của Ellie là đem ngôi nhà hai người tới Ngọn Thác Thiên Đường, ông bèn dùng hàng ngàn quả bóng bay để kéo ngôi nhà lên, bắt đầu cuộc hành trình về miền hoang dã xứ Nam Mỹ. Tháp tùng theo ông, bất ngờ có thêm cậu bé Russell, cũng là một nhà thám hiểm vùng đất hoang dã, đang cố gắng đi tìm chiếc huy chương cuối cùng qua công tác giúp đỡ những người già lão.
   Căn nhà của Carl và Ellie giờ đang bay dưới chùm bong bóng khổng lồ. Bay qua thành phố, qua rừng, qua suối. Bỗng cơn bão ầm ầm kéo tới làm ngôi nhà với Carl và Russell trên đó suýt lâm nguy. Nhưng rồi bão qua đi. Lúc này, Carl và Russell đã có thể nhìn thấy Ngọn Thác Thiên Đường từ xa. Họ đang ở trên bờ một con vực lớn. Cả hai bước xuống và kéo ngôi nhà đi theo, hy vọng sẽ tới được Thác Nước lúc những quả bóng còn hơi. Đang đi, Russell bỗng thấy một con chim cao lớn, màu sắc rực rỡ như công, bèn kết bạn và đặt tên cho nó là Kevin. Sau đó, họ gặp con chó Dug. Cả hai con đều biết nói tiếng người nhờ một bộ máy đeo ở cổ. Chủ của Dug chính là nhà thám hiểm Charles Muntz, ông vẫn còn lưu lại vùng Nam Mỹ qua nhiều thập niên với hy vọng  bắt được giống chim lạ còn sống (chính là Kevin) mang về làm chiến tích riêng.
   Lúc đầu, Carl vui mừng vì gặp được thần tượng, nhưng rồi khám phá ra rằng Muntz sẵn sàng làm bất cứ điều gì dẫu tàn ác để bắt cho được Kevin. Do đó, Carl muốn cứu Kevin và chạy trốn khỏi Muntz. Nhờ Kevin và Dug, Carl thoát khỏi đàn chó ngao hung dữ của Muntz, nhưng Kevin không may bị thương. Trong khi giúp Kevin thì Muntz cùng đàn chó ngao kéo tới, phóng lửa đốt ngôi nhà của Carl. Ngôi nhà sau đó được cứu khỏi ngọn lửa nhưng Kevin bị bắt và Muntz cùng đàn chó cao chạy xa bay.
   Và rồi Carl cũng đã đưa được ngôi nhà của Ellie đến bờ Ngọn Thác đúng với ý nguyện của nàng. Trong ngôi nhà kỷ niệm, Carl lại gặp cuốn sách hình của Ellie và tìm thấy lại những kỷ niệm của hai người và lời ghi cuối cùng của Ellie cám ơn Carl đã thực hiện ý nguyện của nàng và giờ đây Carl hãy lên đường một mình. Phấn khởi vì ý nguyện của Ellie đã thành hiện thực, Carl bước ra trước nhà và đưa mắt nhìn trời mây. Lúc này, Russell đã bỏ đi và đang bị Muntz rượt đuổi. Carl quăng hết đồ đạc trong nhà đi để cho ngôi nhà có thể tiếp tục bay, đuổi theo Muntz -lúc này ông có Dug bên cạnh. Russell nhờ sợi dây buộc vào người đã lao vào phi thuyền của Muntz nhưng bị đàn chó vây bắt. Lúc này Carl và Dug cũng đã cặp vào phi thuyền. Cuộc rượt đuổi náo động và vui nhộn tiếp diễn cho đến khi phe của Carl toàn thắng, trở về trái đất. 




   Trong cuộc lễ tiếp đón lúc trở về, Carl gắn huy chương tưởng thưởng công lao và tấm lòng của Russell. Bạn ơi, đó là chiếc huy chương nắp phéng ngày xưa Ellie đã gắn cho Carl buổi đầu hai người gặp nhau. Chỉ một vật nhỏ bé đó thôi (chiếc nắp phéng)  đã khuấy động không gian và thời gian, đem quá khứ nối liền hiện tại, khiến trái tim đau ai đó rung lên như ngọn lá cuối cùng trước gió. Kết thúc như vậy là đẹp. Ngôi nhà của Ellie đã đến được Ngọn Thác Thiên Đường. Uớc nguyện ngày xưa đã trở thành sự thật. Nhưng sao nghĩ tới Ellie và mối tình thơ dại của hai người, lòng Nguyễn này lại cảm thấy bồi hồi. Họ chỉ là những hình họa bằng máy computer chứ có phải người thật đâu, vậy mà cũng gây xúc động. Thương cho Ellie. Và thương cho Carl đã một mình thực hiện cuộc hành trình tới Ngọc Thác Thiên Đường.  Carl hay chính là Nguyễn này. Ôi, nhân sinh huyễn huyễn.
NXT



thơ trần văn sơn 

Hương thời gian




Nắng rãi lửa ruộng khô cằn nứt nẻ
Gỏ sừng trâu mục tử hát ngêu ngao
Lều xiêu vẹo rạ rơm rơi tơi tả
Bếp lửa tình quê sưởi ấm niềm đau

Cây trút lá chờ mưa về nẩy lộc
Cụm hoa xuân bật gốc gió giao mùa
Người ly tán nên thánh đường cô độc
Đất hoang vu còn vọng tiếng chuông chùa

Ta nhiều lần vào thánh đường xin tội
Chúa mỉm cười trao bánh thánh bình an
Rất nhiều lần ta niệm kinh sám hối
Phật phiêu bồng mỗi bước một hoa sen

Ta điên loạn vào rừng sâu ẩn dật
Cõi vĩnh hằng đi, đến để tìm quên
Khi ta đến mang vết thương còn, mất
Khi ta đi chưa phủi sạch bụi trần

Mùa gặt mới não nề con nước lũ
Ta sẩy chân úng thủy trôi xuôi dòng
Phù sa cuộn tro than nuôi mầm nhú
Mạch sống ngầm sôi sục nước tràn sông

Ta ôm mộng theo sông về với biển
Ngặt sông dài biển rộng thác ghềnh xa
Nên không thể hòa tan sông vào biển
Ở nơi đâu cũng thấy bóng quê nhà

Đôi khi gặp người quen nơi góc phố
Kịp chào nhau vội hẹn một ngày gần
Xe chóng mặt ngược xuôi đời sương gió
Hẹn trăm năm thấp thoáng lá vàng sân

Ta gội rửa thân tâm hong nắng hạ
Hương thời gian rộn rã tiếng chim cười
Khu vườn cũ còn nguyên pho tượng Chúa
Khoãng trời xanh tỉnh lặng đón, đưa người

TVS
2011

Saturday, January 21, 2012


HƯƠNG TẾT

Lưu Na



Mỗi năm hoa đào nở…, người mình là dân tộc giàu hoài niệm.  Mà, sao có thể sống mà không hoài niệm một điều gì?  Có lẽ chỉ những bậc tri thức, thiền giả, những kẻ đã thấy ánh sáng mùi vị của chân lý mới có thể không nhớ chuyện đã qua không nghĩ đến phút sắp tới.  Còn tôi, chả hiểu sao có thể quên những chi tiết quan trọng của đời mình mà lại không thể quên những hình ảnh cảm nghĩ thật tào lao đã đến bất chợt trong kiếp người. 

Xa, xa lắm, là những ngày ở ngõ hàng quà.  Những ngày đó tính ngược lại thì tôi chưa quá 5 tuổi.  Những buổi sáng dậy, ra khỏi giường băng ngang một cái phòng tối hù là xuống bếp.  Phòng đó nói theo kiểu 75 là một “hộ” đấy.  Thuở đó là thuở, sau này tôi mới nghĩ ra, người Bắc di cư đang vất vả tạo dựng đời sống mới.  Nhà tôi cũng chỉ thuê một buồng.  Nhà hàng xóm bước vào là thấy một dọc, mỗi cái phản gõ buông mùng cháo lòng là một gia đình.  Nghèo khó và không thấy ngày mai.  Trong cái nghèo khó ấy, những đứa trẻ mũi thò lò như tôi sáng dậy xuống bếp, không còn nhớ là ai đã rửa mặt cho tôi bằng tấm khăn be bé nhúng vào cái chậu thau bằng đồng đã có “teng” (?) xanh đặt trên chiếc ghế xếp loại thường thấy dùng nơi các xe sâm bửu lượng.  Lê la cho đến giờ cơm trưa, rồi chiều.  Trên ban công, các cậu Lộ cậu Kỳ cậu Nghí tóc vắt màng tai nhờ nhờ bi dăng tin đang hát bài Hồn lỡ sa vào đôi mắt em… 

Nghèo, nghèo đau nghèo đớn.  Không rớt mồng tơi vì không có mồng tơi để rớt.  Trong cái nghèo đó, Tết đầu tiên đến với đầu óc tôi bằng cái âm thầm của từng gia đình và bằng mùi hương pháo vương trong không khí.  Xác pháo xám hồng phai phai, dài bằng khoảng cái đầu lọc của điếu thuốc, đầy lòng đường.  Một thứ rác của mùa màng, một thứ rác đợi mong.  tôi không nhớ tôi ra sao, mà lại nhớ tôi đứng trên khoảng lề đường giữa nhà Hòa Phú và đường rầy xe lửa, tay vân vê đồng năm cắc và mắt ngó các hàng quà bánh vặt vãnh không biết phải mua cái gì.  Đồng năm cắc lúc đó to hơn đồng quarter  Mỹ, trong tay tôi nó mới đẹp làm sao.  Và tôi nhớ như đó là cái Tết đầu tiên sau những năm bị cấm đốt pháo vì đảo chánh (?).  Nhưng cái thấy cái cảm không bằng cái nghe, trong âm thầm, tiếng súng.  Nó cứ dội trong óc tôi mãi về sau, dù bức ảnh gia đình chỉ phơi bày 3 đứa trẻ mặt ngây thơ má bầu bầu giống nhau: đứa trai mặc bộ short trắng kiểu Hải quân nắp túi đỏ đầu đội nón tay cầm gươm La mã, 2 đứa gái áo đầm cũng kiểu yếm Hải quân sọc ngang xanh dương lợt tay xách bóp ny lông tay bồng búp bê cũng ny lông.  Bé tí như vậy thì sao nghe được tiếng súng không âm vang? Điều đó có thật không hay chỉ là mơ màng chồng chất?

Năm ba năm nữa qua đi.  Bây giờ, tôi nhớ cái Tết với pháo kích vào trường tiểu học Bàn cờ.  Một góc tường cháy đen và đổ sập.  Má may cho lũ 5 đứa tôi mỗi đứa một cái bị vải kiểu shoulder/travel bag, bên trong hình như có chút gạo chút quần áo gì đó đề phòng tản cư!!!  Buồn cười, tôi chỉ thấy đó là dịp vui cho lũ trẻ con chui qua hàng rào kẽm gai nằm lăn ra giữa lòng đường Trần quí Cáp không xe cộ vì giới nghiêm, vì cái gọi là “thiết quân luật” gì đó.  Lâu lâu tự dưng thấy cay cay khói mờ mờ, một ai đó la to lựu đạn cay.  Thế là nhào vào bếp mỗi đứa cầm một cái khăn mặt nhúng nước đắp vào mặt chờ cho hết cay.  Trong tiếng pháo đẹt câm, tiếng súng bây giờ là thật, mùi khói súng đã được đại biểu bằng hơi lựu đạn cay nồng mũi chẩy nước mắt.  Tôi vẫn chưa hề biết thịt mỡ dưa hành, nhưng biết vành khăn trắng ngày Tết: cậu Nghí đã tử trận, binh nhì Biệt động quân ra chiến trường có lẽ mới được 1 năm.  Và tôi còn mất một thú vui của trẻ nghèo: mua hình tài tử (Hùng Cường Tấn Tài Thanh Sang Bạch Tuyết Mỹ Châu…) trên cái mẹt tròn rộng trước cửa trường Bàn cờ, mua thiệp Xuân rắc kim tuyến vẽ Mai Lan Trúc Cúc với con chim sẻ.   

Những năm vào trung học tôi mới thực thấy cái Tết, thì đã thấy thấm một nỗi buồn.  Vì hương Tết, chả biết sao vẫn cứ là những cái âm thầm thiếu vắng chung quanh những điều sách vở ghi chép nhắc nhở như những hoài niệm.
Bắt đầu vào mùa Tết, ba mua chai thuốc đánh đồng về.  Một chủ nhật nào đó lũ anh chị em tôi sẽ ngồi xổm xuống đất trải giấy báo, lấy giẻ lau ra chà, cọ.  Một cái lư có nắp hình 2 con sư tử châu đầu, 2 cái chân đèn cầy, và một bát nhang mà phải cọ cả ngày, dùng búi chùi xoong loại fine-steel wool để cho nó bóng, rồi lau lại bằng giẻ.  Cái nào chưa sạch teng sẽ phải chùi lại.
Rồi đến quét vôi nhà, do ông Hai thợ hồ hàng xóm đảm trách.  Ban ngày mặt ông cũng đỏ đỏ, nhưng ông rất hiền lành lễ độ.  Ông gọi Ba Má bằng thầy Hai cô Hai, và guaranteed sẽ xong trong một ngày vì nhà của thầy Hai cũng nhỏ thôi.  Chỉ đến đêm về thì ông mới lên đồng, mới dữ như lũ vịt xiêm nhà ông.  Mỗi bận đi ngang sân nhà ông để ra tiệm chạp phô đầu ngõ chúng tôi thường phải mắt trước mắt sau ù té băng ngang, nếu không thì 3 con vịt xiêm lông đen mồng đỏ rượt kịp sẽ mổ vào đít đau chết luôn.  Sợ, mà dần dà thành cái thú.  Nhưng mỗi khi buông mùng và nghe tiếng chậy huỳnh huỵch bên ngoài đúng 10 giờ mỗi đêm, tôi nghĩ bà Sáu không thú gì lắm.  Bà vừa chậy vừa khóc, “em lạy anh, anh tha cho em.”  Anh Hai thợ hồ rượt sau, chửi văng mạng.  Có lần hé cửa lén nhìn tôi thấy ông cầm dao phay, áo thung cháo lòng quần kaki còn lấm lem sơn hồ và mặt đỏ lừng hơi beer.  Không biết lối xóm có cười, chứ tôi cười trong bóng đêm, vì “em” bự gấp đôi “anh” và cao hơn anh chừng 3 inches.
Rồi chị tôi sẽ phải cắt râu kiệu, cắt dối thôi, Má dặn vậy, để ngâm vào chậu muối hột 2 ngày một đêm.  Khi rửa lại, cắt râu cắt chân cho vừa tầm cỡ 5 phân thì lại ngâm nửa buổi vào hàn the.  Má sẽ đảm nhiệm chuyện nấu nước dấm nêm nếm cho vừa ý.  Bọn chúng tôi sẽ phải ngồi còng lưng xếp kiệu vào chai, đầu trắng giáp vòng chai, chân xanh vào giữa.  Chờ nước dấm nguội đổ vào đậy nắp.  Ngó đẹp, chứ tôi thích ăn hành muối hơn.  Củ hành tim tím bên ngoài, trắng phau bên trong, sau khi bóc lớp vỏ ngoài cắt đôi xếp lên dĩa ăn thơm thơm, chua chua ngọt ngọt rất ưng ý.
Lao động dữ dội như vậy thường được đền bù bằng những ngày đi chợ Bến thành mua vải may quần tây, áo kiểu, đi chợ Vườn chuối mua xăng đan, và ra nhà may thử đồ mới.  Mỗi đứa một bộ thôi, nhưng 5 đứa là 5 bộ, mặt Má như vuông thêm. 

Tết bây giờ không có tiếng pháo và không còn tiếng súng vì Hùng Cường Mai lệ Huyền hát rất to, 100 phần trăm, Hờn anh giận em, vui quá chừng, cười oang oang.  Cô gì tên Ngân hát Cái trâm em cài miệng rộng rất tươi.  Nỗi buồn của tôi bắt đầu khi trường nghỉ học.  Tôi không có ai để đàn đúm, ngày như dài ra.  Thằng Lù cũng bị ba má nhốt vào nhà, chỉ có thể nói chuyện với tôi bằng cách ra dấu tay và nhép miệng.  Nó đứng trên ban công thò đầu ra, tôi đứng dưới đất cách 1 căn nhà hóng cổ lên mà ra dấu hỏi nhau Tết này sẽ đi đến nhà ai, làm gì.
Không có bạn, tôi lang thang ra chợ Vườn chuối ngắm chợ hoa.  Hoa mồng gà vàng và đỏ, thuôn thuôn như cọng phi lao, hoa cúc vạn thọ vàng đậm vàng lợt to như cái chén hay nhỏ nhỏ vừa vừa, mai thì từng cành ngâm trong xô nhựa có chút nước.  Ngang cây quất phải lén ngắt một vài trái!!  Hết dẫy hàng hoa tôi đến xem ông đồ viết chữ trên giấy đỏ.  Đó là duyên may còn sót lại cho lứa chúng tôi, mà sau này tôi mới nhận ra.  Ông ngồi trong một gian sạp nhỏ như sạp báo, 4 bề cửa sổ trống treo đầy những tấm giấy đỏ hình thoi chữ vàng kim nhũ.  Ông mặc áo the đen, quần trắng, vấn khăn đàng hoàng, gò lưng viết câu đối cho khách đặt mua.  Tôi ngó chán thì về, lòng mang mang một nỗi buồn mà chả biết buồn gì.
Cái buồn không tên đó ngày một lớn, khi tôi biết theo bạn qua nhà anh nọ chị kia chúc Tết.  Khi chạy xe đạp qua những đường phố vắng, các anh thường bảo chúng tôi vịn vai xe honda của anh để anh kéo cho nhanh, đến nhà chị Châu, chị Phong…  Xóm nhà giàu ngõ quạnh quẽ im lìm, không bầu cua bài cào và quà vặt.  Anh chị nhà giàu mang thùng bánh Tây mở ra cho các em xơi và bàn chuyện đi “ban” chuyện ai sẽ đón ai gặp ai.  Tết trở nên những ngày hiu hắt như tôi đã xa quê nhà, tuổi thơ của tôi như mất hút trong cái xô bồ của xã hội giao thời Mỹ Việt với ban bum và của loạn lạc với người yêu của lính. 
Người ta sống ồn ào như để lấp cái lo thầm lặng, vì chiến tranh không bao giờ dứt, và dù không nghe nhưng tiếng đại bác vẫn ngự trên sách báo, trên radio trong lòng lứa trẻ hoang mang.  Tôi đi trong những ngày Tết thấy như mình bị cướp mà tôi có gì đâu để bị cướp.  Sau 75, khi mọi hào nhoáng mộng mơ đã bị lột sạch tôi tìm ra cảm nhận của mình.  Những ngày cận Tết trong đêm vắng tôi thường ngồi đọc những truyện ngắn, những trang sách rời tìm mua được ở chợ cũ.  Hóa ra ngày Tết, ban đêm khí trời trong và hơi hơi lạnh, và không chỉ hoa huệ tỏa mùi hương mà hoa cúc vạn thọ cũng thơm hương trong đêm.  Hóa ra, cướp được của nhau mọi thứ chứ sao cướp được thời tiết của đất trời, hương của hoa, và cái thanh tịnh khi biết lắng lòng. 

Bây giờ ở Mỹ tôi thường thấy mình đứng dưới trời cao ngửng trông mây.  Với tôi, hương Tết là hương thanh bình, là hương an hòa của tập tục, của lòng mến thương, thứ hương lặng toát ra từ lòng đất từ hồn dân tộc mà tôi sẽ mãi hoài thương nhớ.   

LN





mai nở đầu Đông

nguyễn thị thảo an




   Một ngày cuối năm, người bạn mới quen gửi tặng một cây mai đón Tết. Bạn nói, mai bứng từ vườn ươm ở vùng đất ấm Lousiana, phải vượt cả ngàn dặm mới đến được đây, quý lắm. Trời lạnh, thấy bạn co ro đưa mai tới, tôi hứa bừa, “Ờ, ờ... Đừng lo. Yên chí lớn. Tôi chăm mai thì phải biết.” 
   Biết cái gì? Ngắm mai thì tôi đã, chứ chăm mai thì chưa từng. Nhìn chậu mai, cành nhánh khô khốc như mấy que củi mà phát rầu, không sớm thì muộn chắc mai sẽ chết. 

   Cuối năm gió thốc, tôi cuộn mình trong chăn nằm nghe. Những cơn gió trên cao lồng lộng, lấn quấn đuổi nhau khua động cả đất trời. Chồm mình ngó qua khe cửa sổ. Bên ngoài cây cối ngả nghiêng, con đường bụi lốc mịt mờ, những cột đèn vàng cũng lao chao muốn đổ.
  Sáng hôm sau, trời im. Mai để góc nhà vẫn giơ dăm ba cái cành khô khốc. Tội nghiệp cái cây đang khát đây. Tôi cho nó uống hai ly nước. Mấy ngày sau, trên cành lấm tấm một vài chấm xanh. Rồi những dấu chấm lan nhanh như nấm. Một buổi sáng, chồi con vỡ òa, một cái lá búng ra, với một mầu nâu non nõn nà, mướt rịn. Những ngày tiếp theo, mắt tôi rộn rã vì đếm nụ. Những cái nụ tròn tròn, nho nhỏ treo mình trên cành dễ thương như hoa tai thiếu nữ. Chờ một hai tuần, nụ cứ là nụ, mai vẫn chưa ra hoa, mặc tôi tưới tiêu rất chu đáo.
   Hai tuần có mai, trí nhớ lôi tôi trôi tuột về tuổi thơ. Ngắm mai, tôi thoắt đi thoắt về giữa những kỷ niệm. Hồi ấy, suốt ngày tôi lang thang trong hoang tưởng. Cứ ngờ rằng, mỗi loài cây đều có linh hồn, có tim óc, biết đói khát và biết khóc than. Tôi đâm ra thương cây như thương người. Coi chúng là bạn, sớm hôm chăm sóc tưới tắm cho cây mà hạnh phúc. Lơ mơ với đám hoa cỏ, tôi hầu như bỏ nhà ra ở ngoài vườn. Có những đêm tôi nằm im để mong rình nghe được những lời than van của cây, của gió. Ước mơ nữa lớn, sẽ có dịp thả mình theo gió để bay đi biền biệt không về.  

   Mấy ngày đầu năm, tiết lạnh căm căm. Mây xuống thấp liên tiếp cả tuần lễ. Trời u ám lạ. Không gian dường như sắc lại. Bên ngoài, nhiệt độ xuống tới 100F. Cỏ cây đông đá trong ngần. Mấy nụ mai lần lượt chúc đầu xuống đất. Tôi cuống lên. Vào Google gõ về bệnh trạng của mai và hỏi người mách giúp. Hàng loạt căn bệnh của mai, có cả những hình chụp của những loài sâu bệnh, vi khuẩn li ti, nhưng chưa có ai chỉ về bệnh chúc đầu. Tôi nghi, mai thiếu nắng, nụ chúc xuống đất có thể vì tìm chút hơi hướm ấm áp từ đất chăng? Tôi kiếm ra một góc bếp, đặt chậu mai. Đây là chỗ đắc địa nhất nhà, cạnh cửa sổ hình lục giác, nơi có cả nắng sáng lẫn nắng chiều xuyên qua.
  Nhưng chờ hơn mươi ngày vẫn chưa có nắng. Bây giờ thì người cũng thèm nắng chứ đừng nói chi cây. Có bữa, tuyết còn lắc rắc rơi. Nhiều đêm, chân ló ngoài mền phát lạnh làm tôi tỉnh giấc. Sực nhớ cây mai một mình trong góc bếp, tôi tức tốc tung chăn chụp lấy máy sấy tóc. Trời lạnh, hình như mai cũng thu mình lại, dáng dấp co ro như yên phận. Tôi quơ quơ cái máy sấy, sấy nóng không khí rồi lùa nhiệt quanh mai. Chưa yên tâm, trước khi ngủ lại tôi treo một cái đèn tỏa ngọn gần đó cho ấm.
  Sáng hôm sau, trời trắng xóa. Mai nở. Năm cánh vàng hoe xòe ra rực rỡ. Một cái hoa đơn độc đầu tiên. Tôi sững sờ vì cái màu vàng của mai. Ngẩn ngơ cả ngày tự hỏi, cái màu tươi rói ấy tự đâu ra? Không lẽ màu sắc ẩn trong thân cây khô khốc hay do trời đất tuồn vào? Tôi cứ đăm đăm ngó những nụ mai, muốn được nhìn thấu bên trong những chuyển động biến hóa của một mầm sống lẻ loi.

  Những ngày có mai, mặt mày tôi hớn hở hẳn, tự nhiên cảm thấy lòng ăm ắp những niềm vui. Nhìn quanh không khí cái bếp cũng tươi tắn lạ. Ngẫm nghĩ. Chịu! Không sao hiểu. Chẳng lẽ chỉ có cái hoa mà trời đất lại thay đổi vậy à?
  Ngày mai, hoa lại nở. Mai không nở rộ, mỗi ngày chỉ một vài cánh lai rai. Sáng sáng, tôi bắt đầu có thói quen đếm hoa. Nắng sớm xuyên qua, cắt năm cánh mai thành những mảnh đời sáng tối. Buổi tối, nhắp từng ngụm trà, thưởng mai trong thinh lặng.
 Tàn đêm thì mai rụng. Từng cánh, từng cánh,...Lẫy mình một cái, nhẹ hơn hơi gió, nằm im dưới gốc. 

    Những ngày cuối năm tôi liên tiếp nhận được nhiều tin buồn. Của người quen và những người chưa quen. Không quen nhưng biết. Biết qua tác phẩm, qua chữ nghĩa mà dường như đã quen nhau lắm. Bạn bè thân thiết nhưng không cần gặp. Đọc một bài thơ hay, không nhịn được, nhấc điện thoại lên. Đang viết, nảy ra một ý tưởng lạ, cũng chụp cái cell bấm, bấm bấm,...

    Tôi mắc một chứng bệnh, có thể do bẩm sinh, không chữa được. Hễ chơi với bạn thường hay có cái hoang tưởng. Cứ tưởng tượng những người bạn mình một ngày nào đó sẽ thuộc về cái thế giới bên kia. Cái chỗ vô hình mà mắt không thấy, tai không nghe, nhưng tôi tin linh hồn vẫn biết. Không có cái gì biến mất trong vũ trụ cả. Chúng chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Giống như cái chết của mai, những cánh vàng tàn rơi dưới gốc. Xác mai chỉ nội ngày sau là không còn tìm ra dấu vết. Nó không mất. Nó vẫn nằm đó. Cái màu vàng hôm nao đã biến thành mầu đất.
    Nghĩ vậy mà thương mai quá đỗi.
    Có một lần, họa sĩ Võ Đình viết về một cây chanh vô tình được tặng. Ông là người yêu hoa cỏ chí tình. Ông chăm sóc cây, một chiếc lá rơi cũng khiến ông tỉnh giấc.  Cưng cây chanh như con mọn. Tả này tả nọ cũng chưa đủ, ông viết chỉ còn “Thiếu điều ‘hun’ nó một cái.*
 Tôi cũng bắt chước ông, “hun” mai một cái. 

    Bây giờ Tết đến mà mai không còn. Nhưng tôi biết mùa Xuân vẫn đó. Nó chỉ tiềm ẩn trong cành, trong lá dáng dấp cả một mùa Xuân sau.
“Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết.
  Đêm qua, sân trước, một nhành mai.”
(Thích Mãn Giác)

Jan 20/2012


•Bài Cây Chanh trong tác phẩm Huyệt Tuyết của họa sĩ Võ Đình do nhà xuất bản Văn Nghệ 2002


Saturday, January 14, 2012


TÌNH XUÂN ĐÃ ÚA 

Lưu Na



Năm mười bảy được nghe cô bạn hát một bài thật lạ: tình Xuân chớm nở đêm qua  Âm điệu nhẹ nhàng man mác buồn, tôi nhớ mãi câu yêu người năm trước khiến cho ta giận hờn, không phải vì ý nghĩa cao cả hay ca từ lãng mạn.  Câu hát đó có âm điệu như tủi hờn mà lại hoài niệm một điều đã mất.  Gương mặt cô bạn cũng là một cái lạ gieo vào lòng mình.  Bạn không đẹp nhưng dễ nhìn.  Mặt của cô hơi phẳng, có những nét như thánh mẫu hay Phật bà Quan Âm của Tàu.  Đôi mắt bạn dài và ướt, trong xanh như có một lớp nước bao phủ.  Mi dưới rất đều và dài làm rõ đôi mắt, một điều đặc biệt vì thông thường mọi người có mi trên rõ hơn mi dưới.

Bạn rất vui tính và hiền lành.  Bạn cười khanh khách, nhận mình là thị Mầu.  Nhưng lạ, sau mỗi tràng cười mình cứ nghe như có tiếng ly vỡ, dẫu rất âm thầm.  Ra khỏi trung học thì mỗi mảnh đời trôi một phía.  Lâu lâu đạp xe ghé nhà nhau nói đôi câu.  Thị Mầu thỉnh thoảng đạp xe ghé nhà tôi sau buổi học, ngồi trên xe đạp dựa hàng rào tán dóc.  Trong lúc tôi loay hoay vượt biên, Thị Mầu loay hoay đi học, giúp mẹ buôn bán, giúp em trông con… cái cam chịu nhẫn nhục như dầy lên như trong lên trong mắt.  Cái cô đơn như kéo cặp mắt dài thêm ra.  Rồi tôi đi xa, rồi bạn lấy chồng.  Tôi sống loay hoay ở Mỹ, lâu lắm mới viết một lá thư thăm nhau.  Không nhờ vả kể khổ bao giờ, bạn viết thư nói học Anh văn bằng B (?), mong có cơ hội kiếm sống trên mảnh đất  chết.  Bạn viết thư, nói đã có thêm một đứa con dẫu hai vợ chồng bấy lâu không gắn bó: anh đi buôn chuyến luôn xa nhà, đồng tiền cho sự sống có hệ lụy của nó.  Bạn nói, không muốn nghĩ suy giằng co gì nữa.  Chính cái thật tình bộc bạch đó làm xúc động lòng mình, làm mình nghĩ lại muôn điều của cuộc sống và soi lại mình trong gương.  Tôi về, chỉ gặp một vài người bạn thân quí trong đó có Thị Mầu, dẫu lúc còn trung học không phải là bạn cặp kè.  Gặp lại, mắt bạn vẫn ướt răng vẫn trắng đều phô nụ cười hiền lành.  Bạn chở đi vòng vèo ngõ hẹp cười khanh khách: cho mày nhớ lối xưa.  Chúng tôi vẫn xưng hô mày tao dù nay đã hơi già.  Ra đầu đường Hai bà Trưng cũ ăn đu đủ bò khô.  Bạn bảo mày chờ đây rồi vòng xuống lề đường gửi xe.  Sau vài phút lóng ngóng, một cô mặc đồ bộ tới, dúi vào tay hai miếng vinyl vuông 1 square-foot, loại bên Mỹ dùng lót sàn nhà.  Cô bạn cầm đặt xuống gờ xi măng quanh bồn cây gần sát đất và chễm chệ ngồi xuống.  Thị Mầu cười, vẫn trong trẻo khanh khách, và gọi 2 dĩa.  Chúng tôi ngồi ăn quà rong như thuở học trò, trong xì dầu ớt cay đu đủ dòn vẫn còn nguyên cái tình đơn sơ như chớm nở đêm qua.  Tôi nhớ tha thiết câu hát đó, giọng hát đó.  Tôi muốn nói bạn hát cho mình nghe, như hồi đó chúng tôi vẫn ném vào nhau những yêu cầu ngắn ngủi mày hát bài này coi !!!  Nhưng câu hát thầm có âm vang dội hơn nơi tim mình.  Tôi ngẫm nghĩ trong lúc ăn.  Và cái ẩn nhẫn trong đáy mắt vẫn theo qua hàng bột chiên bên hông trường Gia Long trước cửa chùa Xá lợi. Không có tiếng kinh cầu, nhưng tôi vẫn nghe chiều trên dương thế dâng sầu mênh mang.  Có phải ăn quà rong giữ tâm hồn người ta đơn sơ chân thật dẫu qua nhiều gian nan?  Xì dầu ớt có làm trong thêm màu mắt?  Bạn tiếp tục cười, tôi tiếp tục suy nghĩ và húp.   

Khi lên máy bay về lại Mỹ tôi vẫn tưởng như mình đi giữa độ xuân nồng.  Khi về thăm quê thăm bạn, chúng tôi vẫn nhìn nhau bỡ ngỡ rưng rưng lòng nhớ thương.  Phải chăng Phạm Duy viết bài Xuân thì cho bạn của tôi, cho thế hệ của chúng tôi? 

LN





Tản mạn
BÊN TÁCH CÀ PHÊ 

Nguyễn Xuân Thiệp



                                 Từ trái qua: hàng đứng, Đinh Cường - Lữ Quỳnh
                    hàng ngồi, Nguyễn Đình Toàn - Khánh Trường- Phạm Phú Minh
                                                 (Café Factory, California 2004)


Trăng thiền

Có không, trăng thiền? Hay chỉ do trí óc đầy huyễn hoặc của một con người đang bước xiêu xiêu giữa cõi đời tưởng tượng ra và nghĩ là mình nhìn thấy thật?
Vâng. Quả là đêm nay, một đêm cuối năm, người viết ngồi nhìn qua khung cửa sổ thấy một mảnh trăng treo lơ lửng trên định cây phong trụi lá. Và do ảnh hưởng  những bức tranh thiền của Khánh Trường vừa gởi tới, trong đó có những bức vẽ vầng trăng khuyết, nên Nguyễn đã nghĩ ra như vậy. Một phần nữa cũng là vì mình vừa trải qua một mất mát quá lớn trong đời nên muốn tìm tới ý nghĩa cốt lõi, dung dị mà thâm sâu của đời sống này. Vì vậy nên Nguyễn mượn hình ảnh mảnh trăng nghiêng kia (mà trong bài thơ viết tặng Dung đã gọi là một nét phác thảo  của bức tranh siêu thực Salvador Dali) để nói về những bức tranh Thiền của Khánh Trường. Ôi, cũng thật là đầy mộng và ảo, nên xin bạn đọc tha thứ giùm cho.  

    Nhưng trước hết xin thưa cùng bạn đọc: Người viết và Khánh Trường quen nhau cũng đã hơn mười lăm năm nay, từ hồi Khánh Trường còn khỏe mạnh tươi vui và còn làm tờ Hợp Lưu. Còn nhớ trong lần giới thiệu thơ của Nguyễn Nam An và Phan Ni Tấn tại hội trường báo Người Việt vào năm 1996 có sự hiện diện của Mai Thảo, Phạm Duy, Thái Thanh, Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Nghiêu Đề, Lê Uyên Phương, Thảo Trường,…, Khánh Trường đã mời Nguyễn đi dự tiệc chung với mọi người. Đây là lần đầu tiên Nguyễn tiếp xúc với anh em văn nghệ Cali.
   Tiếp đến những tháng năm sau, Khánh Trường lâm trọng bệnh phải vô ra nhà thương nhiều lần. Do ảnh hưởng của bệnh, Khánh Trường nói rất khó khăn và phải đi xe lăn. Chúng ta hãy nghe Đinh Cường:”Đời sống tâm linh đã cứu rỗi con người, một con người tuởng như đã chết đi và sống lại, sống lại lẫm liệt để Qua Bờ.” Thật vậy, Khánh Trường đã phấn đấu ngày đêm để có thể làm việc và vẽ trở lại. Bây giờ, với 30 bức tranh Thiền sẽ trưng bày ở 11561 Magnolia Street, Garden Grove, CA, vào dịp Tết này Khánh Trường đã cho thấy sự bình an tĩnh lặng trong anh. Thật vậy, Khánh Trường bộc bạch: “Nhẹ nhàng, thoải mái, giữ cho tâm thân lúc nào cũng an bình. Với cá nhân tôi, Thiền chỉ giản dị thế thôi. Nên khi vẽ những bức tranh liên quan đến chủ đề Thiền, tôi luôn tự nhủ sẽ tuyệt đối trung thành với ý niệm trên. Vì vậy 30 bức tranh trong lần triển lãm này đều được gạn lọc, hạn chế tối đa từ đường nét, màu sắc đến đề tài; cũng như không để mình bị cuốn vào những lãnh địa mới, lạ mà hầu hết họa sĩ đều mong thử nghiệm, khai phá. Cũng có nghĩa tôi dùng một bút pháp rất chân phương, mộc mạc để chuyển tải những giáo lý cơ bản nhất của Phật giáo với mong ước ai cũng có thể tiếp cận và hiểu dễ dàng “.


    
    “Lời bộc bạch trên của tác giả -vẫn theo Đinh Cường- như dẫn chúng ta đi vào tranh anh, một thế giới khác so với những thập niên truớc, một con người năng động, đầy sắc màu trong văn chương nghệ thuật, cũng phải kể đến thời sung mãn khi anh đứng mũi chịu sào  làm tờ Hợp Lưu, một tờ nguyệt san đẹp về hình thức lẫn nội dung, cho đến nay Đặng Hiền vẫn tiếp tục, trong tình hình kinh tế khó khăn, hai ba tháng ra một số…”
     Vâng, mười năm trước Khánh Trường bị tai biến mạch máu não. Đôi chân hần như bất khiển dụng, phải ngồi xe lăn, hai tay lọng cọng, cầm đũa rớt lên rớt xuống, viết, vẽ không được Mắt mờ, nhìn một thành hai. Nói năng ngọng nghịu khó khăn. Một năm sau bị thêm 2 bạo bệnh, ung thư thanh quản và loét bao tử …Thế mà Khánh Trường vẫn tiếp tục sáng tác được, dù vô cùng khó khăn . Anh đã hoàn thành đến gần 100 tác phẩm. Đây là lần triển lãm thứ 3 sau cơn bệnh.
   Đinh Cường nhận định tiếp: “Xem qua 30 bức tranh trên internet không bằng đứng truớc những tấm toile nhưng sự xúc động đã đến với tôi, tôi bắt gặp ở đó sự chân thật của xúc cảm và sáng tạo, vẫn Khánh Trường với màu xanh trong mênh mông, vẫn vầng trăng, núi đồi, vẫn tĩnh vật mấy quả táo, vẫn chiếc khăn phơi, vẫn những kỷ niệm từ một thời niên thiếu bên triền cát trắng, đến thời thanh niên với những lần hành quân qua Khe Sanh miền địa đầu giới tuyến trùng điệp núi rừng, bom đạn … để bây giờ là Bầu Rượu Bể, là Tịch Lặng, là Khổ Hải, là Vô Thường … để đi đến Hành Trình Giác Ngộ như trong  Thập Mục Ngưu Đồ..Khánh Trường đã thõng tay vào chợ, chỉ còn một vòng trống không …người trâu đều quên .Và thật sự Khánh Trường, người họa sĩ tài hoa, nhiều nghị lực ấy đã quên chưa Nghiệp Chướng?”

   Với Nguyễn, như đã nói từ đầu, tranh Thiền của Khánh Trường gợi ra trong trí óc Nguyễn một vầng trăng khuyết. Như Nguyễn đã nhìn thấy nó ở buổi ấu thời, nơi Vương Phủ, hay sau này trong những bước trắc trở của cuộc đòi, hay như mới đây khi Dung bỏ Nguyễn ra đi. Nó không hẳn là vầng trăng tật nguyền nổi trên biển khổ như Khánh Trường miêu tả. Mà là những mảnh trăng trong Hành Trình Giác Ngộ của bạn. Nó vẫn là hình ảnh đẹp  của cõi huyễn này nhưng nó bất toàn, bị rơi rụng đâu mắt một phần. Và Nguyễn gọi nó là Trăng Thiền để chứng cho cái mà mình có giữa đời này -hạnh phúc chăng- có thể là thế nhưng đôi khi rưng rưng lệ.

NXT

Đêm Đọc Thơ Nh. Tay Ngàn

Hồ Ngạc Ngữ



Tôi chưa đến Trà Vinh
Nơi Nh. Tay Ngàn cùng đi dạo với người yêu thời mới lớn
Nơi xứ sở của tình yêu và thơ ca nuôi dưỡng tâm hồn chàng
Nơi không thể không sinh ra người lãng mạn cuối cùng
Đã sống như một con người cô đơn
Giữa bầy ốc bươu vàng ngổn ngang mùa nước nổi
Đã chết như một nhà thơ
Trên hoang đảo lòng mình 

Tôi lớn lên
Trong tiếng kèn trống xập xèng của vần điệu ngữ ngôn
Những câu thơ du dương ru ngủ
Những câu thơ không thấy con người
Không thấy nỗi buồn
Không thấy niềm đau
Nghe cay đắng một mùi thù hận
Không có yêu thương
Những câu thơ rơi vào quên lãng

Tôi đọc thơ Nh. Tay Ngàn nghe như có tiếng dội trong lòng mình
Không ai buộc cánh chim ở lại khi chưa tìm thấy bầu trời                                                  
'Un jour sans toi'
Thơ ca không dành cho cơm áo 
Thơ ca là của nỗi đau

Tình yêu
Và niềm hy vọng
Khi mùa thu về ở Trà Vinh
Nh. Tay Ngàn đã mang tiếng hát bay vào vô tận

HỒ NGẠC NGỮ


Friday, January 13, 2012


đêm thắp nến

nguyễn thị thảo an




  Chiều cuối năm, chúng tôi hẹn nhau trong một bữa tiệc trà tất niên ở Việt Family Center.
  Bạn cũ lâu ngày chuyện trò rôm rả. Chúng tôi lan man bàn về sách vở, về những công tác từ thiện, rồi sa đà qua chuyện cộng đồng. Chuyện này thì gay go đây. Năm nào cũng vậy, cứ trước bầu cử vài tuần, hai bên Cộng Đồng đều khủng hoảng nhân sự. Không phải Atlanta có những trái tim nhiệt thành, nhưng ở một nơi có hai tổ chức Cộng Đồng mới thấy khó xử. Sinh hoạt bên này thì lập tức bị bên kia coi như thù nghịch. Như thể, người Việt ở đây chỉ thấy được hai màu: không trắng thì đen. Người ta không biết đến sự tồn tại của vàng cam hồng tím,... Có lẽ cái đặc tính chia rẽ đã bắt rễ trong tận cùng xương cốt của người Việt lâu ngày?
  Mãi đến khi chúng tôi ra về, câu chuyện cũng chưa kết thúc. Anh bạn tôi nói, cộng đồng ở đây ví như một sân  banh không có đồng đội - mạnh ai nấy đá. Đôi khi tôi cũng nghĩ đùa, “Người ta nói, cứ mười ông đánh giày thì bằng một ông Khổng Minh. Mà Cộng Đồng ở đây thì chắc cần tới mười ông Khổng Minh lận.” Nhưng điều này tôi không nói với hai người bạn. Hai anh này có hai trái tim vàng, nói thật quá sẽ “nhụt chí” họ chăng? Tôi không muốn thổi tắt ngọn lửa nhiệt tình đang có mòi tàn lụi.
   Nghĩ vậy thôi, chứ tôi không “ke”. Nước Mỹ chẳng có hai đảng đó sao? Cộng Hòa hay Dân Chủ, đường lối có khác nhưng mục tiêu vẫn là phục vụ cho nước Mỹ.  

  Lúc tôi lái xe ra về, chiều cuối năm úa vàng, tàn tạ. Trên cao, một chiếc lá khô còn chấp chới trôi mình trong nắng. Bật radio, giọng ca khàn đục trữ tình của Ray Charles mượt mà cất cao. Georgia On My Mind, bài ca đẹp như một bài ca dao.
“Georgia,.. Georgia...
The whole day through... Just an old sweet song... Keep Georgia on my mind...
Georgia,... A song of you... Come as sweet and clear... as moonlight through the pines...
Other arms reach out to me... Other eyes smile tenderly...”
   Làn hơi quyện theo lời ca vút cao như những cánh diều lồng lộng rồi bất chợt là đà xuống thấp. Lãng đãng như trời đất còn vướng hơi Thu. Ca từ nồng nàn, trong sáng như bóng trăng xuyên qua những hàng thông. Georgia, đất dang tay rộng mở... Ôi, những mắt cười êm dịu ngọt ngào...
   Người của Georgia, không ai là không yêu bài này. Mà phải nghe với chính giọng Ray Charles của ngày xưa mới thấm. Người ta không chỉ yêu giọng ca tuyệt vời mà còn ngưỡng mộ nghệ thuật sáng tác của người nhạc sĩ da đen mù lòa này. Bởi, ông có khả năng biến những câu chuyện đời thường thành âm nhạc. Đời sống là âm nhạc, âm nhạc là đời sống. Khi có người yêu, ông viết I got a woman. Người yêu bỏ đi, ông hát I can’t stop loving you. Có khi cao hứng, ông vừa sáng tác vừa trình diễn. Tài năng như thế, lẫy lừng như thế, lưu diễn khắp thế giới nhưng ông lại bị cấm hát trên chính quê hương mình. Chì vì có lần vào năm 1961, ông đã từ chối hát trên sân khấu kỳ thị màu da ở Georgia. Thời đó sàn nhảy chỉ ưu tiên cho người da trắng. Khu vực khán giả cũng bị phân chia theo mỗi màu da. Người Georgia lúc đó chỉ thấy được có hai màu đen trắng. Trong khoảng 17 năm Georgia cũng đã từng hất hủi đứa con thiên tài của họ. Mãi đến năm 1979, chính quyền mới công nhận bài hát là bài ca biểu tượng của tiểu bang và bãi bỏ lệnh cấm. Mười bảy năm, thời gian quá dài cho một đời người.
  Khi bản nhạc dứt, một người bạn gọi rủ tham dự Đêm Thắp Nến Cho Thái Hà. Mấy tuần nay trên internet tràn ngập tin tức Thái Hà. Tôi sực nhớ hình ảnh đoàn biểu tình mới đây tuần hành quanh công viên Hà Nội. Một cuộc biểu tình mà làm mọi người thót tim. Người ta sợ cho các ông Cha trẻ bị bắt bớ, bị nhục hình. Ở hải ngoại, từ California, Texas, đến Canada, đến Úc,... đều tổ chức những đêm thắp nến hiệp thông với Thái Hà. Chỉ riêng Atlanta, tiếng là có hai Cộng Đồng nhưng cái gì cũng chậm hơn thiên hạ. Thôi thì an ủi, có còn hơn không. Trong nước, ngoài nước, phải đồng thanh lên tiếng. Mặc dù ai cũng biết chính sách của Đảng là triệt tiêu tôn giáo. Điều ngạc nhiên là lúc này họ dùng những phương cách thô bạo công khai hơn, nhất là đối với Công giáo. Bởi có lần, sau ngày 30 tháng 4, chính quyền đã phổ biến những chính sách về tôn giáo tới tận tổ dân phố. Điều làm tôi nhớ nhất là trong buổi họp tổ, một ông đảng viên chi bộ phường tuyên bố rằng, “Tôn giáo chính là thuốc phiện ru ngủ con người,... Đức Phật Thích Ca thật ra chính là kẻ phản động Số Một của nhân loại,...”
  Nghe tới đây thì cả tổ dân phố đều tái mặt.
  Chưa hết, ông đắc ý, hỏi đố. “Trong ba tôn giáo lớn, đạo nào nguy hiểm nhất?”
  Buổi họp đột nhiên im lặng như tờ. Thời khắc lúc đó trôi qua rất chậm. Tôi mường tượng như nghe được những tiếng nuốt trỏng khó khăn trong cổ họng của người hàng xóm.
  Thấy không ai trả lời, ông cán bộ đảo mắt nhìn quanh. Nhìn tới ai, người đó cúi mặt... né.
  Cán bộ nghiêm giọng, “Đạo Công Giáo có tổ chức, có lãnh đạo, có nhà thờ,... Chúng ta bắt linh mục, tịch thu nhà thờ, tổ chức tan ngay. Triệt Công Giáo: dễ. Còn Lương giáo, thờ cúng ông bà, tổ tiên, đúng ra là một tập tục –Lương giáo cũng không nguy hiểm.” Tới đây, đột nhiên ông cao giọng, “Đạo nguy hiểm nhất chính là đạo Phật. Phật dạy rằng, Phật tại tâm. Có tâm thì có Phật.”
  Thấy mọi người ngơ ngác nhìn nhau. Ông cán bộ ngưng lại một chút để gây sự chú ý, rồi vội vàng giải thích.
  “Cái câu này là phản động nhất đây. Vì Phật tại tâm nên người phật tử không đến cần chùa, không cần đọc kinh, không cần tăng lữ,... Cứ hai tay chắp lại thì người ta có Phật. Phật ở đâu? Phật tại tâm. Chúng ta tịch thu chùa chiền, bắt nhốt tăng lữ: cũng không sao. Vì Phật tại tâm nên tâm người ta thành chùa. Phật tại tâm nên chỉ cần chắp tay, người ta biến thành tăng lữ. Phật dạy con người diệt Tham Sân Si, từ bỏ Thất Tình Lục Dục,... Thế thì lấy đâu ra động cơ đấu tranh? Động cơ thi đua? Thiếu động cơ thì làm sao để phê bình kiểm điểm?... Phật dạy con người an nhiên tự tại, chấp nhận hiện thực để hóa giải những đau khổ, bất công,... Đó là thái độ tiêu cực với cuộc đời. Mà tiêu cực lả kẻ thù nguy hiểm nhất của chế độ. Đó là hình thức chống đối, bất hợp tác với chế độ mà ta không thể vin vào đó để bắt bớ, giam cầm được.”
  Từ đó về sau thì hình ảnh Đức Phật và Tên Phản Động Số Một Không Có Mặt Mũi cứ bám chặt tâm trí tôi không rời, kể cả những lúc tôi vượt biên, lôi trôi trên biển cả hay đã thu mình yên phận trong một góc nhỏ nhoi nào đó nơi xứ người. Ôi, cơ khổ cho Đấng Từ Bi!

  Tôi đến hội trường Đêm Thắp Nến khá sớm. Buổi lễ được tổ chức vào chiều thứ Sáu cuối năm. Lễ đài được chuẩn bị chu đáo và trang trọng. Số người tham dự khoảng 200. Tôi đi loanh hoanh tìm kiếm. Không thấy bạn bè và những khuôn mặt thuộc phía Cộng Đồng bên kia. Điều đáng buồn là đứng trước vấn nạn lớn của đồng bào trong nước mà người Việt ở đây vẫn còn chia rẽ. Không lẽ người ta coi cái tự ái riêng lớn hơn cái áp lực đang đè nặng lên cả một dân tộc của mình? Với cái đà này, giả sử nếu phải đứng chung trong một hội trường, có lẽ người ta phải vẽ một lằn ranh phân chia, người Việt của Cộng Đồng này và người Việt của Cộng Đồng kia. Sự chia rẽ làm người Việt bao giờ cũng mất đi một nửa sức mạnh. Giống như người lực sĩ cử tạ chỉ có thể dùng được một tay. Nhưng với một tay thì chẳng bao giờ người ta cử nổi tạ. Sự chia rẽ làm chúng ta lúc nào cũng ở thế yếu, thế thua. Lần trước, Đêm Thắp Nến Cho Cồn Dầu được khoảng 300. Suốt buổi hôm đó, đầu óc tôi lẩn quẩn nghĩ tới con số 300. Không biết ba trăm người đã từng cầu nguyện thắp nến cho Cồn Dầu đêm đó, họ đang làm gì?
   Vào phần lễ chính, tôi không thể không chú ý tới hai vị diễn giả chính: Linh mục Đinh Xuân Long và Mục sư Lê Trung Hậu. Cả hai vị đều là những vị diễn thuyết hay, hùng hồn và truyền cảm. Theo các vị, vấn nạn không phải ở chỗ đất đai. Bởi nhiều năm qua, Thái Hà đã nhượng hết lần này đến lần khác. Hiện 75% đã nằm trong tay nhà nước. Tu viện, chủng viện thành nhà thương, thành địa điểm kinh doanh, thành chỗ ăn chơi trụy lạc. Vấn đề không còn là sự nhường nhịn, mà là khả năng sẽ nhịn tới khi nào? Mà không phải chỉ có ở Thái Hà, vụ chính quyền ủi nhà giáo dân ở Cồn Dầu, ở Con Cuông vẫn còn đó. Hình như họ muốn dồn giáo dân tới sát chân tường? Hay bắt buộc họ phải tử thủ dưới chân thánh giá?
  Điều tôi thấy lạ là sự vắng mặt của các Cha địa phương và phần đông giáo dân của hai giáo xứ lớn hai phía Nam Bắc của Atlanta. Không lẽ đứng trước vấn nạn của Công giáo mà các Cha không hiệp thông? Lẽ nào người ta lại ngoảnh mặt quay lưng trước tội ác để mưu cầu  sự bình an cho riêng mình? Điều này làm tôi nhớ đến cuốn phim The Passion Of The Christ quá đỗi. Những khúc phim ngày xưa lại quay về trong ký ức.

  Các bạn nào đã từng xem phim The Passion of The Christ của tài tử Mel Gibson trước đây có nhớ. Cuốn phim thành công ở chỗ nhà làm phim đã dựng được những đoạn rất thực với cảnh Chúa chịu nhục hình. Cảnh tra tấn. Cảnh đánh bằng roi, quất bằng xích. Những lằn roi quất xuống, da tróc, thịt rơi. Những xích sắt tung lên tứa máu... Tôi hồi tưởng lại đoạn Chúa đội mũ gai, mặc áo điều, vác cây thập tự, lê lết trên đoạn đường đi lên đồi Golgotha. Thân thể Ngài tiều tụy. Cây thập tự nặng nề đè ngang làm Ngài lảo đảo rồi khụy xuống. Chúa đi chân trần. Bàn chân tím tái, lýnh quýnh lật đật để bấu đất đứng lên. Một ngón bị bật móng, máu rỉ ra từ bên khóe. Chúa lại đứng lên. Rồi lại ngã. Rồi lại đứng lên. Rồi đi. Đi ráo riết để lên tới ngọn đồi khô khốc.
  Từ dưới dốc đồi, người ta đứng đầy hai bên con đường thập tự. Có người cười khoái trá. Có người trêu. Có người quăng đá, có người chọi vu vơ. Người ta lãnh đạm như người đi xem xiếc. Cũng có một hai người khóc. Nhưng những giọt nước mắt lẻ loi không đủ để tiếc thương cho cái chết của loài người.
  Đoạn phim này đã làm tôi rơi nước mắt.
  Ngồi ở hội trường đêm hôm đó nhưng tâm trí tôi lại để đâu đâu.
  Muôn ngàn câu hỏi vu vơ cứ quyện lấy tôi không rời.
  Ai trong chúng ta xem khúc đó mà không tự hỏi mình. Nếu có dịp tình cờ trông thấy Chúa trên con đường thập tự ngày xưa, thì ai sẽ là người ghé vai để chung sức với Chúa?
 Tôi sực nhớ câu truyện trong dụ ngôn ngày xưa.
 Truyện rằng, có một người thương buôn giàu có đi tới kinh thành. Khi ngang qua một thị trấn nọ, ông ta tìm gặp một người họa sĩ tài danh. Người lái buôn dừng lại và thuê người họa sĩ vẽ một bức tượng Chúa Jesus để ông thờ phượng.
 Nửa năm sau, người lái buôn trở về. Khi đi ngang qua thị trấn nọ, ông ghé nhà ông họa sĩ.
 Khi người họa sĩ đem tranh ra, ông liền mở ra xem. Xem xong, đột nhiên người lái buôn đùng đùng nổi giận, mắng.
“Bớ ông họa sĩ kia. Sao ông dám vẽ mặt mày Chúa giống như một tên hung bạo thế hả?”
Người họa sĩ ôn tồn đáp, “Này, trên đời có ai thấy mặt Chúa đâu? Ông thờ phượng Chúa, nên tôi cứ dựa vào con cái Chúa mà vẽ nên Ngài.”

  Tôi là một người ngoại đạo. Và tôi biết Chúa cũng chỉ qua những con cái của Ngài.n
  ntta
  Atlanta, Jan. 2/2012                                           
   

Monday, January 9, 2012


Serenade

Franz. Schubert
Ian Bùi


1. Chìm trong chiều vắng
một hồi chuông trầm. Lắng
từng tiếng, ngân ngân. Chiêu hồn ai?
Còn đâu mùa gió bên
rừng thu. Ngày đó
nắng hoa, tay ôm bàn tay.

Chiều nay nhớ tiếng ai hát, sau đồi
đêm tình yêu hé, môi mời.
(đêm người nằm xuống bên người)
Chiều nay, có tiếng ta hát say trời.
Mơ ngày xanh đã xa rồi,
chỉ còn chiếc bóng mà thôi.

2. Chiều sa vào mây.
Những vần thơ ngày ấy
người hãy mang theo. Cho đời sau.
Kỷ niệm là đoá hoa
Phù Dung ngày đó.
Nhắn cho chuyến gió: xin chờ nhau!

Chiều nay, có ai lau cơn mê đời
khi bàn tay ấm buông xuôi.
Khi bờ mi khép. Khô lời.
Chiều nay, có con tim vẫn yêu người
cho dù lệ đẫm trên môi,
dẫu thời gian có ngừng trôi.

3. Còn lại đây màu nắng úa trên đồi,
hoàng hôn tím chân trời.
Hãy cho nhau thêm một chiều
bên phiếm đời.
Một lần nghe tiếng ai cười
để rồi mãi mãi im hơi.

Tiễn người đi
chiều
rơi 

-ianbui
2012'01 

Lời ghi của NXT
Hồi mới cưới nhau, Nguyễn có mua tặng vợ mình là Dung một cuốn nhạc có tựa đề là ‘14 Tình Ca Bất Tử’ do Phạm Duy tuyển chọn và soạn lời Việt, Trần Dạ Từ giới thiệu. Hình bìa là một bức tranh tuyệt đẹp của Chagall. Bài đầu tiên là bản Dạ Khúc (Serenade) của Franz Schubert.
Trải qua gần nửa thế kỷ cuốn nhạc đó vẫn còn và Dung giữ nó, mang theo trên suốt hành trình của đời mình. Những năm sau này, Dung học chơi piano và thường đàn vào buổi tối, cả trong những lúc bệnh, cùng với những bản nhạc khác. Tiếng đàn vang lên lúc Nguyễn làm việc trước computer hay nằm lơ mơ trên ghế recliner.
Vừa qua, trong tang lễ của Dung, Nguyễn đã nhờ Ian Bùi hát bài này trong tiếng đàn orgue của Tony Tâm Đặng trước lúc Nguyễn đọc bài thơ Khúc Gió Đông viết tặng Dung. Khi mọi việc đã xong, Ian Bùi trở về nhà viết lại lời Việt cho bản Serenade. Ca từ của Ian Bùi hợp với khung cảnh và tâm cảnh Dung và Nguyễn bây giờ, trong đó có dùng lại vài hình ảnh của bài thơ.  Nay xin ghi lại ở đây như một kỷ niệm.

NXT