Friday, January 3, 2025

LATERALISATION.

Tố Nghi
 
 
Lateralisation là việc thuận tay (phải hay trái).
Cơ thể bên ngoài, bao gồm đầu mình và tay chơn, bao giờ cũng đối xứng, y chang kiểu ngó kiếng, hàm nghĩa tuyệt đối không sai sẩy khác biệt - nhưng... các phần bên trong lại... phi đối xứng -
Thần kinh não bộ vốn "lắt léo mè dòng lô", cũng bởi luồng thần kinh lan truyền trong cơ thể y chang luồng điện, nên rồi người "mè dòng lô" thường được dán nhãn "dội, đụng, đứt" thần kinh, trong nghĩa điện não bộ bị... chạm !
 
Mà "lắt léo mè dòng lô" là cái chi dzậy ? Thưa nó xuất hiện trong một truyện từng kỳ, đăng ở nguyệt san (hay bán nguyệt san) Phổ Thông của nhà văn nhà báo Nguyễn Vỹ. Nguyệt san Phổ Thông khổ nhỏ, loại Reader's Digest, nội dung văn hóa thường thức, phát hành đâu đó đầu thập niên 60 ở... thế kỷ trước.
Truyện xảy ra ở miền nam lục tỉnh, thời tranh tối tranh sáng khi Việt Minh chống pháp dành độc lập.
Truyện đích xác thế nào tui hết còn nhớ, chỉ biết term lắt léo mè dòng lô được nhắc tới thường xuyên ở vùng nhà quê hẻo lánh, dân làng hiền lành chất phác, để ý tới nương rãy vụ mùa hơn là những vấn đề chánh trị to tát mà họ bị/được học tập từ đám cán bộ giáo dục, lâu lâu tới tuyên truyền chánh sách. Và rồi phát sanh term "lắt léo mè dòng lô" hài hước nọ.
Lắt léo thì ai cũng hiểu, là hổng thẳng thớm "trước sau như một", nhưng lòng vòng quanh co. "mè dòng" phiên âm từ maison tức nhà, và l'eau tức nước - cũng bởi bản chất nhà nước nọ vốn lắt léo. Y hình trong truyện có ông cán bộ đỉnh cao, tỉnh bơ dịch term "nhà-nước" (chánh phủ) thành tiếng tây để đám trẻ nít biết tiếng tây hiểu... cho thông.
 
Thuận tay ở đây là cử động theo phản xạ tự nhiên khi thiếu kiềm kẹp - kiểu của mấy ông ra đường một mình, day qua ngó gái vì phản xạ. Chừng có vợ nhà bên cạnh, y phép phản xạ nọ lập tức bị ức chế liền. Cái ni kêu bằng... phản xạ có điều kiện -
Việc thuận phải thuận trái dính dáng tới bán cầu "dominant" của não. Dominant là tánh "chủ", tánh khuynh soát của quý bà trong hội... thờ chồng.
Và bán cầu não kia trở thành non-dominant tức tánh "tớ", tánh dễ dạy của hầu hết qúi ông trong hội thờ bà.
Do có giao thoa vận động ở cổ, nên bán cầu não trái sẽ điều khiển cử động cơ thể bên phải, và ngược lại.
Thế nghĩa là... người thuận tay phải có dominant bên trái, và người thuận tay trái dominant bên phải.
Thông kê khảo cứu biểu tới 70-80% dân số loài người thuận tay phải, đám thuận tay trái chỉ chiếm 10%.
Lý do : trời cho sao phải nhận vậy, hổng nên cãi, nhứt là... cãi vợ !
Nhưng cũng có những đứa vốn lì (hay bị bắt phải lì) đã mần màn cãi bướng. Và chúng được xếp vô nhóm sửa sai (corrected)
Sửa hầu như ở đây là sửa trái thành phải, cũng bởi thói quen xưa rày coi đám tay trái là nghịch lý, ngược đời.
Để chê ai lọng cọng, đám tây thực dân gắn liền cho nó cái nhãn "trái", il est gauche hàm nghĩa thằng nọ vụng về!
 
Thuận tay trái (dominant phải) có lợi điểm chi thì hổng biết, chưa biết, nhưng khảo cứu y học biểu chúng dễ mắc vài chứng bịnh tâm lý thần kinh, dyslexia, TADH (attention deficit hyperactive), autism và còn cả... schizophrenia (hết hồn hông trời)
Rồi chắc để an ủi bọn tay trái,  khảo cứu y học mới nói vầy: giữa hai bán cầu phải trái có cây cầu nối, là nhửng sợi thần kinh dẩn truyền qua lợi đôi bên. Ở bọn tay trái, đám sợi thần kinh nọ nhiều hơn, rậm đám hơn ở bọn tay phải.
Hổng rõ nhiều và rậm vậy có giúp việc giao hảo khá hơn không, nhưng có vẻ (tức hổng chắc lắm) chúng hổng "gauche" chi ráo trong lãnh vực nghệ thuật!
 
Dà... thuận tay trái nên làm cái chi tui cũng dùng tay trái, trừ cầm bút.
Bị bắt phải viết bằng tay phải từ nhỏ (cứ uýnh miết rồi sợ, và sợ thành quen), chừ cho viết bằng tay trái, tui cũng hổng làm đặng nữa.
Việc nọ dẫn đến hồ nghi, rằng phải trái chi cũng từ học tập mà ra, với cái tựa bắt tai là... corrected right-handed, trong nghĩa vụng về cách chi rồi cứ cố gắng là thành khéo léo hết - hô khẩu hiệu "kiên trì chiến đấu nhứt định thắng lợi" đỉnh cao -
Tay trái vậy nên tui dính dyslexia chút nẹo, chánh xác là dyscalculia (thành hổng giữ tiền nổi). Tui biết mình còn dính cả TADH, và có thể autism sơ sài, nên  ngôn ngữ thường linh tinh, việc nọ xọ việc kia sanh thậm thà thậm thượt.
Nghe tướng công nói có thể tui đang êm ái tiến dần vô schizophrenia cho đủ bộ nữa cà. Nên tui đâm... lo ra, rồi càng lo lại càng thậm thượt thêm nữa !
 
*
Dominant tuy dính dáng tới tất cả mọi vận động nhưng chừa ngôn ngữ ra, cho dù việc nói cần cử động một số cơ mồm miệng (thanh quản, lưỡi, vòm hầu...) Trung tâm ngôn ngữ  của não hầu như luôn luôn ở bán cầu não trái - chưa nghe  sách vở y học đề cập việc ngoại lệ bao giờ, hay có mà tui hổng hay, chưa hay - Ngôn ngữ xuất phát từ trung tâm này ra, và ngôn ngữ là để tiếp xúc, bày tỏ, giao tế với thế giới bên ngoài - có lẽ vậy, nên đám sợi thần kinh chat-online ở bọn tay trái đã rậm đám hơn bọn tay phải chăng ?
Trung tâm ngôn ngữ có hai khu riêng biệt : khu hiểu ở thuỳ trán, và khu diễn đạt ở thuỳ thái dương. Tuy khác "tổ dân phố tức hộ khẩu nóc gia" nhưng lại cùng "phường khóm" nghĩa là cùng bên bán cầu não trái. Hai khu khác biệt rạch ròi nhưng chúng cũng "chat online" để trực tiếp trao đổi tín hiệu thông tin với nhau. Và khu nào bị tổn thương cũng làm ngôn ngữ trục trặc ráo nạo.
 
Đối thoại là qua lợi trong nghĩa đối đáp (hiểu và.. "phản hồi"), tưởng khơi khơi dễ dàng chớ lắt léo mè dòng lô lắm lận.
Khả năng nghe (thu nhận âm) còn nguyên, nhưng nghe mà hổng hiểu. Và nghe rồi hiểu, nhưng lại mất khả năng nói (diễn đạt ý) thì cũng huề tiền.
Term y học kêu chung trục trặc ngôn ngữ là aphasia, nhưng phân biệt aphasia-hiểu và aphasia-nói, dính cái nào cũng kẹt.
Với những người hiểu nhưng nói hổng ra âm, ta nên hỏi những câu giản dị để họ trả lời bằng gật hay lắc.
Với người hổng hiểu nhưng nói vẫn ra, câu trả lời sẽ lộn xộn, tối hù.
 
Khi não bị chấn thương (stroke vs trauma), nếu chấn thương hổng chạm tới trung tâm ngôn ngữ, chiệng nhận thức sẽ giúp học hành hồi phục nhanh hơn.
Tại stroke floor, câu hỏi đầu tiên là thuận tay nào. Chiệng thuận tay nọ sẽ giúp đám therapist dòm ra tiên lượng và trị liệu cho từng trường hợp.
Ở những người hiểu mà nói không ra, nhưng viết trả lời đâu vô đó, là người hổng tổn thương não bộ, nhưng trục trặc cục bộ ở hệ thống phát âm (lưỡi, vòm hầu...)
Nếu phải trị bịnh nhơn dính stroke có aphasia thì... therapist thích người hiểu (nhưng nói hổng ra) hơn là người hổng hiểu (nhưng vẫn nói được). Vậy chớ... lắm khi rất tức cười.
Xin giúp vui một chiệng ngoài lề cho bớt tẻ nhạt - bịnh tật thì tẻ là cái cẳng -
Có ông kia ahasia nói, nghe chi cũng hiểu ráo (dĩ nhiên là những câu giản dị trong khả năng còn có thể hiểu được) nhưng hồi trả lời lại chỉ phát được một âm duy nhứt "f..u..c..k, f..u..c..k, f..u..c..k.... " và ông fuck vậy suốt buổi hổng ngưng.
BS hỏi sức đâu ra mà ép hoài dậy, cái ông nã đại liên fuck tiếp, nguyên floor vui vẻ ồn ào, rần rần như nhóm chợ.
Đồng nghiệp đi ngang, ghé vô cho lời cố vấn, rằng nô để nó nghỉ xả hơi chút đi, chớ ép hoài vậy trước sau cũng khiêng nó vô nhà xác !
Nên rồi... bữa mô bực bội công ăn việc làm, mình bèn ghé vô hỏi hắn một vài câu, để nghe hắn ấm áp ép dùm cho mình... hạ hoả !
Có thể là tiện lợi đôi đàng - bị biết đâu nó đang nói ra cái nó muốn nói trong "ý đồ"... giải toả ẩn ức.
 
Hổng chừng chuyện này vui hơn nè.
Một ông khác cũng aphasia-nói, và là VN - vợ ông đổ bánh xèo bỏ mối ngon số dách -
Ông nọ y chang, nhưng phát được tới hai âm lận :  "đu.. đu.. đu.. me, đu.. đu..đu.. me..."
BS của ổng hỏi chừng : nô ơi nô ổng nói cái chi dzậy ? Nô biểu, ờ ổng nói "tạ ơn trời, tạ ơn trời..."
Từ đó... nhơn viên lầu đó gặp nhau. chúng tạ ơn trời suốt lượt... mãi tới khi tướng công đổi sở sang làm bên này.
Chả hỏi vợ nhà: em dạy chúng nói cái chi dzậy hử ???
TN

  

No comments:

Post a Comment