Saturday, January 4, 2025

KHÁNH TRƯỜNG. RƯỢU BIẾT RÓT VỀ ĐÂU

Lê Chiều Giang

Tranh Khánh Trường
 
“… Soi gương nhìn kỹ mặt mày
Cũng râu cũng tóc đủ đầy giống… ta!
Thế nhưng trong cõi ta bà
Nhiều khi những tưởng mất cha cái mình…”
[Khánh Trường]
 
Tôi bị ám ảnh triền miên bởi những hình tượng ốm đau, kiệt quệ. Những lặng lờ thấp thỏm, sợ hãi đợi chờ cho một ngày cuối cùng, chấm hết… Nên đã rất ít khi tôi còn dám thăm hỏi ai thêm về chuyện thở ít, thở nhiều hay đã gần ngưng thở.
Anh Khánh Trường mỗi khi tôi nhớ đến, phải là hình ảnh của một giang hồ. Một tay chơi luôn cười cợt, ngạo nghễ với đời, để nếu cần, đang ngồi café cứ quăng đại chiếc ghế lên trời cho hả cơn giận dữ. Dễ thương và may mắn nhất là anh có được những tiếng cười xòa thông cảm, những tiếng cười phá chấp từ bè bạn.
Sau 1975, anh Nghiêu Đề và tôi hay ghé phòng dạy vẽ của Khánh Trường bên Phú Nhuận. Phòng tranh nhỏ với xao xác chỉ vài em và là nơi anh nhận vẽ truyền thần, sao lại hình Ông Bà… Khi hăng hái chuyện rong chơi, anh cười cười đuổi học trò về, miễn luôn học phí cho ngày hôm đó. Anh vội vã đóng cửa lớp, phòng tranh cho dễ bề lang thang café thuốc lá. Những ly café mà khề khà từ sáng đến trưa, với những nói cười say sưa cùng khói thuốc, những câu chuyện còn đậm đà hơn cả những bình rượu trắng ngày càng trở nên hiếm hoi.
 
Anh Duy Trác, người sống vô cùng ngăn nắp cũng đã có lần trong một ngày giáp tết, ngồi nhà Khánh Trường cho đến 3 giờ sáng. Chúng tôi ngồi vui với cháo gà của chị Khánh Trường. Một con gà nhỏ, với rất nhiều loại rau, và 12 người bạn. Nước lã, tôi xúi chị Khánh Trường đổ thêm và đổ thêm cho nồi cháo càng lúc càng đầy hơn, chỉ cần thoáng chút hương vị gà thôi chắc là cũng đủ… Chúng tôi và Nguyễn Đình Toàn, Duy Trác, Trần Quang Lộc, Nga Mi, Nguyễn Trọng Khôi, Nguyễn Tôn Nhan… ngồi hát hò, thơ phú cho đến hết đêm. Những đêm Saigon không dài. Đêm xao xác. Đêm hoang mang và đêm rất ngắn.
Đó là những tháng ngày chúng ta vừa vuột mất quê hương. Nói như anh Nguyễn Đình Toàn, thời gian đó nếu chúng tôi không có một nhóm để rong chơi, ca hát thì chắc là đã… chết hết.
Rồi đã chẳng còn những gặp lại, chúng tôi chợt tan tác muôn phương, kể cả có bạn bè đôi ba lần cứ phải vào tù ra khám...
 
oOo
 
California.
Nơi có tiếng réo gọi của rất nhiều gương mặt cũ.
Khi gặp lại anh Nguyễn Trọng Khôi từ Boston qua CA ghé San Diego cùng với Phạm Việt Cường và Khánh Trường. Chúng tôi ngồi… đếm. Những mất mát gần gũi và xa xôi, những bạn bè rớt rơi còn hay mất. Ôm đàn hát mải mê, hát miên man mà Nguyễn Trọng Khôi… khóc.
            Nước mắt, có khi không cần nói gì và hỏi gì thêm. Nước mắt, thông điệp của mọi thứ và mọi điều có khi hiểu ra hết và đôi khi chẳng ai hiểu gì. Nguyễn Trọng Khôi hát cho những ngày lê thê, tê tái ở Saigon trước khi anh lên máy bay ra đi…
Rộn rã nhất chắc là khi Khánh Trường có Hợp Lưu. Văn thơ đủ thứ làm anh bận rộn thêm với cả tỷ những bạn bè cũ, mới. Cái dễ thương của Khánh Trường là dù cuộc vui lớn nhỏ thế nào cũng phải hò hét hết bạn bè đến tham dự. Không đủ ly thì rót rượu đỏ trong ly giấy, không có tiền thì in báo thiếu chứ nhất định phải là… ca múa với rong chơi.
Chuyện hay hay là một trong những lần gật gù, bàn bàn tán tán về văn chương, Mai Thảo lỡ nói vài câu kiểu… Mai Thảo. Cái kiểu rất là Mai Thảo! Lạ là không ai ngạc nhiên gì khi Khánh Trường tạt nguyên chén nước mắm vào anh. Mọi người chỉ đành cười ngượng ngập, trong khi Mai Thảo rất bình tĩnh, giọng khề khà như trầm xuống hẳn: “Ừ, thì ngày mai “nó” sẽ đi tuyên truyền rằng “nó” mới hắt nước mắm vào mặt Mai Thảo”.
Nhưng với tôi, sau ngày không vui đó, chính nước mắm đã là một chất keo sơn đầy hương vị, dán quãng đời còn lại của Mai Thảo với Khánh Trường. Nhất là những tình những nghĩa, những tận tâm chăm lo, săn sóc của Khánh Trường đối với Mai Thảo, suốt từ khi Mai Thảo bắt đầu ốm đau cho đến giờ phút phải ra đi.
Đặc biệt là anh Khánh Trường rất chán và dị ứng với cái phong thái trịnh trọng của một số vị làm văn chương, chữ nghĩa. Anh cứ nhất định gán cho họ là nhóm “Văn nghệ sĩ cung đình”.
Trong tiệc cưới Bé Búp, tôi lúng túng tổ chức một mình vì không còn anh Nghiêu Đề. Bàn 12 người, chỉ có anh Khánh Trường nói ra lời khiếu nại: “Chị ơi, làm ơn xếp tôi chỗ khác, tôi mà phải ngồi với những ông “Văn chương cung đình” này thì vui sao nổi?”. Khánh Trường cứ thế mà tuyên bố khơi khơi, nói ngay tại chỗ, làm 11 người còn lại khó chịu. Tôi vội vàng mời anh ngồi với nhóm bạn của Bé Búp, để chú Khánh Trường tha hồ cụng ly cùng… các cháu. Tiệc cưới rất đông thiên hạ, mà tôi vẫn nghe ra tiếng anh hò hét, nói cười bên một đám trẻ, thế hệ chẳng cần biết, chẳng đoái hoài gì đến văn chương, thi phú… Những thứ mà theo Khánh Trường, nó chỉ làm cho cuộc đời thêm lôi thôi, lung tung và rắc rối.
 
 Chừng tháng sau, tôi lên Santa Ana tham dự hôn lễ con trai của anh chị Hồ Thành Đức. Có chuyện bày ra bốc thăm sao đó, chợt tên tôi được mời lên sân khấu để nhận… tranh tặng. Ngay lập tức thiên hạ nghe anh Khánh Trường nói vọng lên, rất lớn: “Sao hôm nay chị xui quá vậy, còn phải mang tranh Bé Ký về tới tận San Diego". Có tiếng cười vui ào ào của tất cả bạn bè và dễ thương nhất là có cả tiếng cười rất vang của anh Hồ Thành Đức. Đặc biệt, chính Khánh Trường là người tình nguyện mang tranh Bé Ký ra xe giúp tôi.
 
oOo
 
Sau một thời gian dài bỏ San Diego ra đi. Tôi trở lại CA như một người rất mới.
Những Văn nhân, Thi sĩ cung đình hay những vị giang hồ Thơ Văn lang bạt. Nhiều người đã bỏ đời ra đi. Tôi ngồi với các bạn lứa tuổi của mình, những bạn bè rất mới.
Mới đây, chị Nguyễn Thị Khánh Minh ra mắt thơ “Đêm”, là ngày tôi gặp lại chị Thùy Hạnh. Một ánh trăng sáng mơ màng trong văn thơ của nhiều Thi sĩ.
Sức sống mãnh liệt ban cho chúng ta lòng can đảm và có thêm luôn cả sự mạo hiểm không ngờ. Đã không còn dùng được tay phải, chị lái trên freeway với chỉ một tay trái, băng qua những dòng xe như thác, chạy bạt mạng và chạy như điên, chỉ vì: “Cô đơn là điều chúng ta sợ hãi nhất”, chị than thở cùng tôi.
Chị Thùy Hạnh và tôi nhắc lại chuyện từ những năm xưa. Thời Thùy Hạnh đẹp thơ mộng, lúng liếng với đôi mắt rất đa tình. Chị hát và ngâm thơ rất hay, có thêm một giọng nói dịu dàng như lá. Thuở mà chị chưa mang bịnh, chưa ốm đau.
22 năm đã qua đi, chúng tôi còn nhận ra nhau để cùng ngậm ngùi, tiếc nuối nhắc nhớ về lần gặp cuối cùng. Phòng khách nhà chị, nơi có bóng nắng nhạt mờ xuyên qua chút ánh chiều sắp tắt. 22 năm về trước, chúng tôi ngồi hát với nhau, những bản nhạc đẹp ngời của Phạm Duy, Cung Tiến. Cao Xuân Huy, người luôn có nụ cười tươi vui và ấm áp, đỏ mặt với rượu tràn lan cùng Hoàng Khởi Phong và Khánh Trường. Hiếm khi nào cả ba cùng trầm lặng như thế. Thùy Hạnh ngâm thơ Quang Dũng, Hoàng Cầm,  tôi hát Sombre Dimanche, dù hôm đó là chiều thứ bảy.
Chưa bao giờ tôi thấy anh Khánh Trường hăng hái gì với ca ca hát hát. Duy nhất hôm nhà chị Thùy Hạnh anh uống rất nhiều, uống đủ để ngất ngưởng với thơ, ngâm thơ và để say với “Hồ Trường”.
Chí chưa thành, danh chưa đạt
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
Vỗ gươm mà hát
Nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường…
 
oOo
 
Đã rất lâu rồi tôi không gặp lại, cũng chẳng ghé thăm. Vẫn biết anh đã không còn đủ hơi để lo lắng thêm cho bất cứ một điều gì. Nhất là anh đã chẳng bận tâm chi nữa đến chuyện hội họa với văn chương… Dù mới đây thôi tôi còn biết rằng, có lúc Anh đã phải dùng dây và băng keo, bó cây cọ vẽ vào cánh tay phải, rồi dùng bàn tay trái cũng đã rất yếu, di chuyển và lê lết màu sắc lên những tấm canvas. Vẽ, phải chăng chỉ là tiếng kêu la thảng thốt, chút níu kéo, chút trì hoãn thảm thương? 
“... Ta có hai bàn chân
Đi hoài không tới đích
Ta có một sợi xích
Trói hoài đôi bàn tay…”
[Khánh Trường]
 
Kèm theo bài viết này tôi sẽ dùng bức tranh của anh như một minh họa. Bức tranh mà khi anh xuống San Diego trong ngày giỗ Nghiêu Đề, tôi đã phải nói lời xin lỗi vì tranh anh vẫn dựa lẻ loi bên tường. Tôi chưa kịp treo tranh anh cùng tranh bè bạn… Anh liền buông một câu ẩn chứa chút ngạo mạn: “Tranh Khánh Trường, chỗ đúng nhất phải là… dựng ngay dưới đất”. Và, anh đã cùng tôi cười vang, tiếng cười bạt mạng, tiếng cười chỉ có ở Khánh Trường.
Tôi đang viết gửi anh thay cho một lời thăm hỏi.
            Đặc biệt là đã chẳng có một lời hỏi thăm nào dài lê thê bất tận, với rất nhiều thứ kỷ niệm mà gia đình tôi đã có cùng Anh. Nhất là những ngày của năm 1999, dù rất bận với Hợp Lưu, anh đã cùng anh Nguyên Khai bỏ nhiều thì giờ  đẹp cho sách Tranh của anh Nghiêu Đề. Cuốn sách mà mỗi khi đọc lại, tôi vẫn đếm xem đã có bao nhiêu bạn bè viết về, nói đến và góp lời thương tiếc Nghiêu Đề, giờ cũng đã bỏ ra đi…
LÊ CHIỀU GIANG
 

No comments:

Post a Comment