1
Mi viết trong tin nhắn:
“Anh Du có nhớ lúc nhỏ mình cùng bú chung bầu sữa mẹ?”
Du viết trả lời:
“Đúng ra là hai đứa hai bên.”
“Ừa, khỏi cần giành nhau.”
Má thường nhắc:
“Hai đứa, bú chung bầu sữa mẹ, nên thân nhau lắm!”
Một đứa sinh tháng Giêng, một đứa sinh tháng Mười Hai cùng năm. Thế mà lại bú chung bầu sữa mẹ. Mi sinh tháng Giêng nhưng là vai em. Du sinh tháng Mười Hai, là vai anh. Mẹ của Du phải ra ngoài buôn bán phụ bà nội. Mẹ của Mi làm người nội trợ, ở nhà chăm con. Từ ngữ “nội trợ” tự lúc nào đã được dùng như để chỉ một cái nghề, một thứ nghề nghiệp không ăn lương. Nhưng nếu có dịp nào phải khai giấy tờ thì Má ghi “Nghề nghiệp: nội trợ” rất thoải mái.
Hai người mẹ là chị em bạn dâu, nhưng không “như bầu nước lã” mà người ta vẫn nói theo một câu tục ngữ. Má tình nguyện làm người mẹ thứ nhì để thay bác gái cho Du bú sữa. Hai đứa hai bên, khỏi cần giành nhau. Buồn cười mỗi lần nhắc lại.
Người ta nói chia chung bầu sữa mẹ thì tính cách giống nhau. Không hẳn đúng, vì trong thực tế anh chị em ruột có khi tính tình trái ngược nhau. Nhưng có lẽ điều đó đúng với hai anh em này. Khác cha khác mẹ mà tính cách giống nhau nhiều. Mi lớn hơn nên Má bảo nhường cho Du phần được Má bồng. Vâng, thì nhường, không giận hờn ganh ghét. Hai anh em lớn lên bên cạnh nhau trong mái nhà của ông bà
nội. Lúc Mi được bốn tuổi, Ba chuyển về Sài Gòn. Không vì thế mà hai anh em hết thân nhau. Trái lại, còn có cớ để mỗi năm vào dịp nghỉ hè Du được về Sài Gòn hoặc Mi được lên Đà Lạt. Thuở đường sá còn dễ dàng, đi đi về về là chuyện bình thường. Cứ vậy, Du và Mi được đi chung trên những chuyến xe nối hai thành phố, đương nhiên là phải đi chung với người lớn.
Trẻ con thật ngộ, nói những câu chuyện vu vơ không chán, nhưng người lớn nghe sẽ phì cười, đại khái:
“Ngày xưa cái nhà biết nói há!”
“Ừa, ngày xưa cây chổi biết nói há!”
“Ừa, ngày xưa cái cây biết nói.”
“Ngày xưa, trái bí biết nói.”
“Í, ngày xưa con mèo, con chó cũng biết nói.”
“Ờ ha! Vậy ngày xưa tất cả mọi vật đều biết nói.”
Nói ba xàm chán, hai anh em chuyển qua việc khác: đếm nhà thờ, đếm chùa. Chao ơi, trên đường Sài Gòn-Đà Lạt có biết bao là nhà thờ, biết bao là chùa! Đứa này đếm mỏi, giao lại cho đứa kia đếm tiếp. Có khi ngủ gục, mở mắt ra, không biết đã đếm bao nhiêu. Lại đếm. Không bao giờ có con số chính xác. Hai anh em hẹn lần sau đếm lại. Lần sau, có nghĩa là hè năm sau.
2
“Tại sao người ta lại phải tập xe đạp nhỉ?”
Thỉnh thoảng Du và Mi có những câu hỏi bất thình lình mà rất “lãng nhách” như vậy. Nhưng nhờ vậy mới có việc để làm. Trẻ con đúng là có nhiều thì giờ nhàn rỗi.
Du biết đi xe đạp rất sớm, có lẽ do bác trai thường xuyên đi xe đạp. Mi thì không, cho nên có câu hỏi lẩm cẩm như vậy. Mà hóa ra lại hay! Mùa hè năm hai anh em được mười ba tuổi, Mi về Đà Lạt, thấy các bạn nhỏ ở khu Số Bốn đứa nào cũng biết đi xe đạp, cảm thấy mình “quê” quá! Du vốn tính lanh lợi, tình nguyện tập xe đạp cho Mi. Coi dễ mà không dễ! Chiếc xe đạp chỉ có hai bánh, làm sao giữ thăng
bằng đây? Thuở nhỏ tí teo, đứa nào cũng có chiếc xe đạp ba bánh, tha hồ mà chạy.
Bây giờ leo lên chiếc xe đạp hai bánh mà lại cao nữa, biết làm sao đây? Không dám đặt chân lên cả hai bàn đạp, không dám ngồi lên yên, thế là Mi cứ chạy kiểu “cà thọt” làm Du la lên:
“Ngồi lên yên đi! Bỏ hai chân lên!”
“Không được! Ghê lắm!”
“Được mà! Tau nói được là được!”
Mi ngồi lên yên, chân đạp nửa vòng tròn rồi đạp ngược lại. Du đứng bên vệ đường, kêu:
“Đạp tròn đi! Đạp tròn, đừng đạp nửa vòng.”
“Sợ lắm!”
“Đúng là con gái, nhát như thỏ! Đạp tròn mau lên, không thôi tau đi về!”
Mi sợ Du bỏ về, bèn đạp tròn. Chiếc xe chao đảo. Mi hét lên. Cả xe và người lủi xuống cái mương đầy cỏ ướt. Du phá lên cười.
Sau cú té đó, Mi quyết tâm đạp tròn. Hóa ra lại thành công. Tập xe đạp cũng đâu có gì khó! Hai đứa khao nhau một túi xí muội mua ở quán của bà Tư ở cuối dốc.
Trẻ con đúng là có quá nhiều thì giờ nhàn rỗi! Tập xe đạp chán rồi lại lang thang đi nhặt lá thông và hái hoa ngũ sắc, nhiều người gọi đó là hoa trâm ổi. Hai anh em về ngồi ở thềm nhà, xỏ lá thông vào từng nụ hoa ngũ sắc nhỏ xíu, làm thành những xâu hoa đủ màu rất đẹp. Có khi lại còn hái trái trâm ổi để ăn. Mùi vị trái này gần giống trái ổi. Nhưng có người nói trái trâm ổi độc. Tụi con nít nghe độc mà vẫn ăn vì nó ngọt. Ăn hoài mà đâu có chết! Du chơi theo Mi, nhưng thường chê đó là trò của con gái. Rồi thì hai anh em chui tọt lên gác. Ông bà nội mất rồi, bác trai vẫn dành căn gác làm nơi thờ Phật và thờ ông bà. Đối với Mi, căn gác có vẻ bí ẩn lắm, nó quá rộng để làm gác thờ. Mi không dám lên gác một mình, toàn là kéo Du lên theo. Có một nơi hai anh em rất thích, đó là chỗ để cái máy hát cũ. Cái máy hát đĩa không biết có từ bao giờ. Dễ chừng tuổi nó còn hơn cả tuổi của bác trai. Đầu tiên là mở cái nắp hộp sờn cũ lên. Phải “lên dây thiều” cho nó hát. Khi đặt cái đĩa hát to tướng vào xong, phải cầm cái cần đã gắn kim đặt lên đĩa, thế là tiếng hát cất lên. Du và Mi ngồi nghe thích thú. Nhạc tây có, nhạc ta có. Còn có cải lương “Tôn Tẫn Giả Điên” nữa. Hai đứa bò ra cười khi nghe đến chỗ Tôn Tẫn bị “cà lăm” vì gặp chỗ đĩa bị hư, phải nghe một câu lặp đi lặp lại nhiều lần. Thế là người nghe phải nhấc cái cần lên, đặt kim vào vị trí khác. Cứ vậy mà nghe hết đĩa này qua đĩa nọ, có khi mất cả buổi chiều. Khi nhìn ra cửa sổ thấy trời hết sáng, bên trong căn gác tối mù mù, Mi đâm hoảng. Du cười khì khì, chạy đi thắp từng ngọn đèn dầu trên
các bàn thờ. Rồi hai anh em chạy xuống nhà, tìm cái gì ăn.
Trong nhà ai cũng biết Du và Mi thân nhau. Ai cũng biết hai anh em từng chia nhau bầu sữa mẹ. Nhưng có một hôm bác gái nói với hai đứa: “Nè, tụi con lớn rồi, không còn nhỏ nhít gì nữa, không được xưng hô mi mi tau tau nữa. Anh ra anh, em ra em nghen!”
Hai anh em “dạ” và nhìn nhau. Từ nhỏ đã quen miệng gọi nhau như vậy rồi. Hơn nữa, Mi ỷ mình lớn tháng hơn nên mạnh miệng nói mi, tau, giờ nghĩ lại thấy có lỗi quá! Nhưng xưng hô anh em thì… nghe kỳ kỳ thế nào ấy!
3
“Anh Du có nhớ những món đồ xưa ở trong nhà không?”
“Có chứ! Từ đời ông nội để lại. Nhớ nhất là cái máy hát.”
“Còn cái mâm đồng nữa, dùng để dọn cơm ăn. Mình cứ hay giành nhau chùi cho nó sáng bóng. Nhưng nó nặng ơi là nặng, bưng muốn còng cả lưng!”
“Ờ há!”
“Nhiều đồ xưa lắm, nhưng sao nhớ nhất là hai món đó.”
“Chắc tại vì gần gũi với mình nhất.”
“Rồi sau khi nhà sập, mình có lượm lại mấy món đồ xưa đó không?”
“Mất hết, không còn gì.”
“Ôi, tiếc quá!”
Không phải là chuyện ba xàm nữa. Hai anh em ngồi trầm ngâm trên thềm của nơi trước đây là nhà ông bà nội, cũng là nơi Du và Mi được sinh ra. Chỉ là cái nền nhà trơ trụi. Đống đổ nát đã được dọn sạch trước đây hai năm. Vào cái Tết năm đó, Tết Mậu Thân, nhiều nhà trong khu Số Bốn đã tan hoang. Người dân dọn đi nơi khác cũng nhiều. Không còn gặp lại mấy đứa bạn nhỏ năm nào đứng bên vệ đường nhìn
Du tập xe đạp cho Mi. Nhớ nhất là con Gái dễ thương khi cười nhe răng sún. Tụi con nít lóc chóc mà đáng yêu. Đứa nào cũng mặc áo len, đội mũ len, hai gò má đỏ hồng vì trời lạnh.
“Giờ tụi mình không giống con nít nữa ha Mi!”
“Chắc vậy.”
“Mi đã viết văn từ sau cái Tết đó. Mi nhớ viết nhiều về Đà Lạt của mình nữa nghen!”
“Chắc chắn.”
“Du cũng sẽ xin về Sài Gòn học đại học. Ở mãi nơi xứ này thấy buồn quá!”
Không hẹn mà hai anh em cùng thở ra như tiếc rẻ một điều gì. Mi chợt reo lên:
“Đi mua xí muội đi!”
Họ chạy xuống cuối dốc. Không còn cái quán nhỏ của bà Tư ở đó.
4
Nếu hình dung mỗi người chạy trên một đường thẳng, thì Du và Mi đang vẽ hai đường song song. Thỉnh thoảng có nhìn qua nhau, và nhắc chuyện cùng chia bầu sữa mẹ. Vui.
Đổi đời. Con đường học đại học của Mi bị khựng lại. Du cũng vậy. Những ngày cuối, người ta chạy, thất tán. Người yêu của Du xuống tàu đi mất. Mi nhìn bạn bè vơi dần trong lớp, những người thân yêu cũng xa mất trong đời. Ngẩn ngơ…
Du về lại xứ lạnh. Gia đình bị kiểm kê tài sản vì bác có một tiệm bán đồ điện nho nhỏ, cũng bị coi là “tư sản mại bản.” Bác trai xuống tinh thần, tiều tụy, mỏi mòn.
Anh Hy của Du trở về từ chiến trận miền Tây, đi “tù cải tạo” mấy tháng rồi về, bỏ nhà đi vào rẫy sống. Du nản chí, bỏ học, theo cha và anh lên rẫy trồng khoai sắn.
Một đôi lần Du vượt biên không thành, càng nản chí hơn.
Mi tiếp tục học. Rồi cũng ra trường, có việc làm. Ai xui, Mi được phân công lên Đà Lạt. Hai anh em có dịp ở gần nhau hơn. Cuối tuần Mi vào rẫy, còn không thì cùng Du đi cà phê, nghe nhạc Christophe. A! Sao lại là nhạc Christophe? Vì nhạc miền Nam bị cấm, bị cho là ủy mị, đồi trụy, bị đặt tên là “nhạc vàng.” Một số người dân, phần lớn là thanh niên sinh viên, không muốn nghe “nhạc đỏ” nên đã có xu hướng nghe nhạc ngoại quốc. Du và Mi tìm đến các tiệm cà phê có đặt nhạc hòa tấu, thả ý tưởng của mình qua những nốt nhạc; hoặc nghe nhạc Pháp, thưởng thức giọng hát Christophe trẻ trung, dễ thương mà cũng sâu sắc lắm.
Hai anh em lập gia đình cùng một năm, người trước kẻ sau. Lại một lần nữa, Mi dọn về Sài Gòn, Du vẫn ở Đà Lạt.
Hơn hai mươi năm sau, vẫn là hai đường thẳng song song. Vẫn đôi khi nhắc lại “chung bầu sữa mẹ.”
Mi được chị bảo lãnh, cả nhà đi Mỹ. Du ở lại chứng kiến Đà Lạt thay đổi dần. Cái thay đổi này không nằm trong mong ước của Du. Hình như Du co người lại, sống khép kín trong sự yên lặng của chính mình, trong khi Đà Lạt mỗi ngày một ồn ào, đông đúc hơn. Để kiếm sống, Du làm nghề lái xe vận tải chở hàng đi nội trong tỉnh. Chí thú nuôi vợ con. Mỗi tuần một lần chạy xe gắn máy vào rẫy chơi với anh Hy. Du đã có một vẻ ngoài bình an. Du và Mi chỉ còn liên lạc với nhau qua email hoặc đôi khi qua điện thoại.
Du và Mi có một lần điện thoại cho nhau, chỉ để khóc lóc. Anh Hy mất rồi! Một buổi sáng cuối tuần, Du vào rẫy và thấy anh Hy nằm bất động trên chiếc giường bố. Anh đã mất tự đêm qua. Nguyên nhân rất rõ: nhồi máu cơ tim! Không ai hiểu vì sao trái tim anh Hy không muốn đập nữa.
Du im bặt không liên lạc với Mi cả mấy tháng. Thôi thì cứ để cho Du bình tâm.
Dòng đời, có những giây phút buồn bã, rồi cũng cứ trôi. Và đến một ngày, Du gửi cho Mi ảnh chụp những trang nhật ký của anh Hy, dặn Mi đừng cho ai khác đọc.
Hóa ra là anh Hy quá buồn. Anh trở về trong ngày buông súng. Điều đó không nằm trong ý muốn của anh. Anh đã trút sự phẫn uất vào nắm đấm, nện vào tường bật máu. Anh đã thề không bao giờ trở lại Sài Gòn. Anh ẩn mình trên rẫy, sống cô độc cho đến chết.
5
Du viết trong email:
“Mi ơi! Nay thì anh Hy đã yên nghỉ. Đưa đám anh xong, Du trở về với công việc hàng ngày. Cuộc sống sao mà nặng nề như những chuyến xe! Mỗi ngày Du cứ đứng nhìn người ta chất hàng lên đầy xe và mình thì lái xe đi… À, Mi ơi! Những kiện hàng đầy rau và legumes làm Du nhớ đến giàn su của ông nội. Hồi còn bé anh chị em tụi mình mê giàn su đó lắm. Chưa hết, vườn của ông nội có những cây to, trái nhiều bắt mê! Tụi mình còn nhỏ nên thấy cái gì cũng to lớn, lạ kỳ. Khu vườn cũng đầy vẻ bí ẩn, giống như căn gác thờ vậy. Có lúc Du trở về đứng trên nền nhà trơ vơ, mới thấy mọi thứ đã khác. Mình thì già thêm, còn cảnh vật thì như co lại, hoặc biến mất…”
Ở một email khác:
“Mi ơi! Có một ai đó đã nói “anh em là người bạn Trời cho.” Điều này chưa chắc đúng, nhưng hình như nó đúng trong trường hợp anh em mình? Mi còn nhớ những kỳ nghỉ hè, bọn con nít mấy nhà tụi mình xúm lại chơi đùa, nghịch như quỷ sứ?
Nhà nào cũng đông con nên tụi nhóc làm gì cũng như đi đánh trận. Có lúc ngủ chung xúm xít trong một căn phòng, kể chuyện rầm rì suốt đêm. À, Mi có nhớ lúc ông nội mất không? Người lớn không cho tụi mình tới gần ông nội. Cả lũ con nít đứng dọc đầy hết các bậc cầu thang, nhìn từ xa thấy ông nội đi dần trong tiếng tụng kinh. Đêm đó, cả lũ dồn hết vào một phòng, ngồi thắp những khúc đèn cầy ngắn dài. Đèn cầy ở đâu mà nhiều quá! Tụi mình gỡ những miếng sáp vụn dồn vào một cái chén, nung chảy ra, cho mấy sợi tim vào, lại tiếp tục làm thành một cây đèn nến mới, ấy vậy mà hết đêm. Nhớ lại vui thật!”
Hình như lại không có chỗ cho nỗi buồn.
Mi viết trong một email:
“ Anh Du có nhớ chuyện ăn độn su su? Ở Mỹ, trái su không phải là loại rẻ. Vậy mà ở quê mình, có một thời thiếu gạo, nhà vườn trồng được cái gì thì ăn cái nấy, miễn cho no bụng. Nhà vườn Đà Lạt ăn độn với bắp cải, với su su. Còn Mi lúc ra trường, lên Đà Lạt, eo ơi, mỗi tháng chỉ được mua “tiêu chuẩn” nửa ký gạo, còn lại mười mấy ký là độn. Độn khoai sùng, bắp đá, bột mì mốc, và một thứ gọi là bo bo…
Còn hột gạo được coi như hột ngọc. Mi nhớ cái hột bo bo, khủng khiếp thật! Siêng thì đi xay cho nó bể ra, nấu ăn còn đỡ, còn không thì nấu nguyên hột cứng ngắc, ăn muốn chợt cả dạ dày…”
“ …Hết là trẻ con, mình đâu còn thì giờ nhàn rỗi. Anh Du có nhớ lần đi cải táng? Anh Du chở Mi trên chiếc Suzuki, chạy trên đường đất đá gập ghềnh, lên những dốc cao, anh Du “chì” thiệt! Trời chưa sáng, mọi người đã có mặt để chứng kiến người ta đào mộ. Lần đầu tiên, “những đứa trẻ đã lớn” tận mắt thấy rõ tác động của thời gian. Cảm giác sâu đậm nhất, là so sánh ông nội ngày xưa từng bồng ẵm mình với ông nội giờ chỉ còn là những mảnh xương dưới làn vải áo dài chưa phai hẳn màu. Anh Du còn nhớ khu Mả Thánh, được gọi vui tên “Đà Lạt Hai,” rộng thênh thang, nay đã dời hết sang khu Du Sinh? Rồi đây “Đà Lạt Hai” sẽ là nơi người ta cất nhà, trở thành vùng đất cho người sống.”
Rồi đến một email cho thấy Du không vui.
“Du có một cảm giác kỳ lạ lắm Mi ạ! Mi biết là gì không? Là mặc cảm có tội. Không hiểu sao, sau ngày anh Hy mất, Du thường nghĩ đến cuộc sống gian khổ của anh Hy, rồi so sánh với đời sinh viên an lành của mình. Bọn con trai lứa tuổi mình được hoãn dịch để học đại học, trong khi các anh thì đi trận mạc. Xưa thì mình thấy đó là điều bình thường. Nhưng nay, ý nghĩ đã khác. Những trang nhật ký của anh Hy sao cứ ám ảnh Du hoài. Du trách mình vì chưa từng hiểu anh Hy, cho đến khi quá trễ...”
6
Sau một lần mổ tim, Du đã có sự thay đổi trong ý nghĩ. Khi đứng chênh vênh giữa hai trạng thái sống và chết, có lẽ con người sẽ chọn một cách nào đó cho mình được an vui. Phải thoát khỏi sự u hoài và sống vui trong thực tại, nếu còn được sống. Gia đình, người thân, chẳng phải là những báu vật Trời ban hay sao?
Du nghỉ việc, không lái xe hàng nữa vì sức khỏe không cho phép. Du bắt tay vào việc ương cây để bán. Xứ Đà Lạt, vùng đất của hoa cỏ, dù thay đổi thế nào cũng còn chỗ để Du tìm sự êm ả, vừa dưỡng bệnh, vừa giữ sự cân bằng cho chính mình.
“Mi ơi! Chăm cây cối, hoa cỏ, cũng giống như chăm con. Nhất là khi mình gầy
một cái cây lên từ hột giống. Chứng kiến cây lớn lên, rồi khi trao cho khách, nhìn
thấy họ nâng niu, mình cũng thấy hả dạ. Đôi khi Du chợt nghĩ, mình trồng cây bây
giờ sao có vẻ “quý tộc” quá – chữ này anh em mình thường nói vui ấy mà! So sánh
với cái thuở ba của mình cuốc đất trồng khoai trong rẫy, sao buồn ghê! Từ một ông
thương gia cần cù, hiền lành, bị cướp hết tài sản, trở thành ông làm rẫy bất đắc dĩ,
cằn cỗi, tuyệt vọng. Rồi anh Hy nữa. Anh Hy đâu muốn giam đời mình trong rừng
rẫy như một cái bóng. Nghĩ mà đau xót quá!
A, Mi hãy khoan phê bình Du nhé! Vì Du đã nhanh chóng tự điều chỉnh. Du không
dám để mình suy nghĩ yếm thế đâu! Người thân bên cạnh mình là nguồn an ủi lớn
nhất. Có điều, những ý nghĩ từ trong sâu thẳm, Du chỉ có thể chia sẻ với người bạn
Trời cho là Mi thôi. Vì hai anh em có quá nhiều điểm chung. Hi hi, lại điệp khúc
“vì chung bầu sữa mẹ” phải không Mi?
Báo tin vui cho Mi, thằng con đã tốt nghiệp ra trường, lại có bạn gái nữa, giỏi
chưa? Tụi mình già hết rồi!”
7
Mấy đứa con nít chạy vòng quanh như đang chơi đuổi bắt. Chúng nó làm những động tác y hệt mình ngày xưa. Tuổi thơ đẹp và vui quá! Rồi có một đứa trẻ, một thằng bé, gương mặt rất giống với mình, vấp ngã. Nó gượng đứng dậy nhưng không được. Nó mệt mỏi. Nó kiệt sức. Trong giấc mơ mình thấy mình cầu xin Ông Bụt hãy hiện ra. Và Ông Bụt hiện ra. Phải chăng cái gì mình quá ao ước thì sẽ thành sự thật? Thường thì, như trong chuyện cổ tích, Ông Bụt sẽ hỏi câu “Tại sao con khóc?” Nhưng mình không dám khóc. Đàn ông con trai không có khóc. Và Ông Bụt không hỏi gì cả. Nhưng mình đã nói trước:
“Con xin Ông Bụt, Ông Bụt hãy cứu thằng bé!”
Ông Bụt hỏi:
“Nó là gì của con?”
“Nó là con trai của con. Nó bị bệnh nan y. Ông Bụt ơi! Nó còn quá trẻ. Ông Bụt ơi, xin Ông Bụt cứu nó. Con thà chịu thay cho nó.”
Ông Bụt cười thật hiền từ:
“Ta không thay được số mạng của ai. Cuộc sống là đáng quý, đừng đánh đổi.”
“Vì cuộc sống là đáng quý nên con muốn xin cho con của con được sống. Con đã sống đủ, Ông Bụt ơi!”
Ôi, tôi có nằm mơ không? Một giấc mơ dài cả năm trời. Đó thật là một cơn ác mộng. Nhưng có phải nhờ Ông Bụt thương xót, nên giờ đây thằng con đã hết bệnh? Nó đã ra trường, và sắp cưới vợ. Tôi phải làm chút gì cho nó. Tôi cũng quên mất tôi đã nói gì với Ông Bụt. Tôi chỉ biết là tôi rất vui, tôi đã giúp con chuẩn bị cho đám cưới thật hoàn hảo.
Tôi thấy mình quần áo chỉnh tề, đứng trên sân khấu, trước mặt hai họ, nói lời cảm ơn. Gương mặt ai cũng rạng rỡ tươi cười. Tôi bỗng làm một động tác máy móc, đưa tay lên chỗ trái tim. Một cảm giác lạ kỳ chạy qua nơi đó, đàng sau vết mổ. Anh Hy, anh Hy đã từng có cảm giác này chăng?
8
Anh Du có một điều gì chưa nói với mình. Hai anh em, mỗi người một khối việc bận rộn, tuy vậy vẫn thăm hỏi nhau và biết diễn tiến bệnh tình của thằng cháu. Mừng nó đã qua khỏi. Có lẽ vì sức trẻ đã giúp nó thắng bệnh tật. Nghe vui vì cháu lại sắp cưới vợ.
Điều gì anh Du chưa nói? Trực giác bảo Mi như vậy, mà Mi không thể hiểu được,.Nhưng đúng lúc Mi cũng đứng trên sân khấu, trước mặt hai họ, cũng nói lời cám ơn, không những thế, còn đàn hát cho đám cưới của con, thì Mi hiểu hết. Anh Du ơi, chia chung bầu sữa mẹ khi còn bé, ai hiểu mình bằng anh em mình? Mi như thấy rõ trước mắt, hình ảnh Du ngã xuống, miệng còn cười tươi, còn đang muốn nói gì thêm. Bàn tay Du ôm ngay chỗ trái tim, ngay nơi vết mổ. Ngực vẫn ấm. Tiếng người lao xao. Có một người nào gọi thật lớn. Rồi mọi thứ dừng lại hết…
Mi tự rót cho mình một ly nước, ngồi xuống ghế. Trong một động tác vô ý thức, Mi đưa tay ôm ngực. Trái tim của mình sao cũng nhói đau. Không còn nghe tiếng nhạc, mà là một âm thanh nhẹ nhàng đến lạ kỳ. Mi thiếp đi trong một cảm giác ngọt ngào như đang được nếm dòng sữa mẹ.
9
Con đường vẫn như xưa. Chỉ khác là người ngồi trên xe thấy nó không quá dài. Có lẽ vì đi nhiều, sống nhiều, nên những gì của tuổi thơ nay mình thấy như nhỏ bé hơn. Anh Du có nói sẽ cố gắng xin đi Mỹ thăm Mi, nhớ không? Thế nhưng Mi lại về thăm anh Du trước. Hồi trước nói rằng không muốn về Đà Lạt, sợ có cảm giác xa lạ vì Đà Lạt đã đổi thay, nhưng giờ thì Mi đang ngồi trên xe để về đó. Anh Du đã viết rằng Đà Lạt dù có thay đổi, ồn ào đến đâu, vẫn có chỗ cho Du tìm thấy sự yên tĩnh, sống theo ý của mình. Mi sẽ cố gắng tìm những nơi yên tĩnh đó. Du dặn Mi nhớ viết nhiều về Đà Lạt của mình. Vâng, Du ơi, Đà Lạt của lá thông xanh, của hoa ngũ sắc. Đà Lạt của gió núi vi vu, của nhạc Christophe êm ái thời nào. Mi mỉm cười, mở tập giấy ra, hơi cổ điển, ha Du! Tức cười, còn định xưng hô mi mi tau tau!
Khoan đã! Có một việc quan trọng phải làm. Đếm nhà thờ, đếm chùa. Chao ơi, trên đường Sài Gòn-Đà Lạt có biết bao là nhà thờ, biết bao là chùa! Mấy mươi năm qua, cảnh vật hai bên đường có thay đổi, quãng đường vẫn dài bấy nhiêu cây số, không đổi. Nhưng bây giờ số nhà thờ, số chùa tăng hay giảm nhỉ? Không biết. Cứ đếm đi! Bây giờ Mi đếm một mình. Đếm mỏi thì ngưng. Có một lúc, ngủ gục, mở
mắt ra, đếm lại từ đầu.
CAM LI NGUYỄN THỊ MỸ THANH
Mi viết trong tin nhắn:
“Anh Du có nhớ lúc nhỏ mình cùng bú chung bầu sữa mẹ?”
Du viết trả lời:
“Đúng ra là hai đứa hai bên.”
“Ừa, khỏi cần giành nhau.”
Má thường nhắc:
“Hai đứa, bú chung bầu sữa mẹ, nên thân nhau lắm!”
Một đứa sinh tháng Giêng, một đứa sinh tháng Mười Hai cùng năm. Thế mà lại bú chung bầu sữa mẹ. Mi sinh tháng Giêng nhưng là vai em. Du sinh tháng Mười Hai, là vai anh. Mẹ của Du phải ra ngoài buôn bán phụ bà nội. Mẹ của Mi làm người nội trợ, ở nhà chăm con. Từ ngữ “nội trợ” tự lúc nào đã được dùng như để chỉ một cái nghề, một thứ nghề nghiệp không ăn lương. Nhưng nếu có dịp nào phải khai giấy tờ thì Má ghi “Nghề nghiệp: nội trợ” rất thoải mái.
Hai người mẹ là chị em bạn dâu, nhưng không “như bầu nước lã” mà người ta vẫn nói theo một câu tục ngữ. Má tình nguyện làm người mẹ thứ nhì để thay bác gái cho Du bú sữa. Hai đứa hai bên, khỏi cần giành nhau. Buồn cười mỗi lần nhắc lại.
Người ta nói chia chung bầu sữa mẹ thì tính cách giống nhau. Không hẳn đúng, vì trong thực tế anh chị em ruột có khi tính tình trái ngược nhau. Nhưng có lẽ điều đó đúng với hai anh em này. Khác cha khác mẹ mà tính cách giống nhau nhiều. Mi lớn hơn nên Má bảo nhường cho Du phần được Má bồng. Vâng, thì nhường, không giận hờn ganh ghét. Hai anh em lớn lên bên cạnh nhau trong mái nhà của ông bà
nội. Lúc Mi được bốn tuổi, Ba chuyển về Sài Gòn. Không vì thế mà hai anh em hết thân nhau. Trái lại, còn có cớ để mỗi năm vào dịp nghỉ hè Du được về Sài Gòn hoặc Mi được lên Đà Lạt. Thuở đường sá còn dễ dàng, đi đi về về là chuyện bình thường. Cứ vậy, Du và Mi được đi chung trên những chuyến xe nối hai thành phố, đương nhiên là phải đi chung với người lớn.
Trẻ con thật ngộ, nói những câu chuyện vu vơ không chán, nhưng người lớn nghe sẽ phì cười, đại khái:
“Ngày xưa cái nhà biết nói há!”
“Ừa, ngày xưa cây chổi biết nói há!”
“Ừa, ngày xưa cái cây biết nói.”
“Ngày xưa, trái bí biết nói.”
“Í, ngày xưa con mèo, con chó cũng biết nói.”
“Ờ ha! Vậy ngày xưa tất cả mọi vật đều biết nói.”
Nói ba xàm chán, hai anh em chuyển qua việc khác: đếm nhà thờ, đếm chùa. Chao ơi, trên đường Sài Gòn-Đà Lạt có biết bao là nhà thờ, biết bao là chùa! Đứa này đếm mỏi, giao lại cho đứa kia đếm tiếp. Có khi ngủ gục, mở mắt ra, không biết đã đếm bao nhiêu. Lại đếm. Không bao giờ có con số chính xác. Hai anh em hẹn lần sau đếm lại. Lần sau, có nghĩa là hè năm sau.
2
“Tại sao người ta lại phải tập xe đạp nhỉ?”
Thỉnh thoảng Du và Mi có những câu hỏi bất thình lình mà rất “lãng nhách” như vậy. Nhưng nhờ vậy mới có việc để làm. Trẻ con đúng là có nhiều thì giờ nhàn rỗi.
Du biết đi xe đạp rất sớm, có lẽ do bác trai thường xuyên đi xe đạp. Mi thì không, cho nên có câu hỏi lẩm cẩm như vậy. Mà hóa ra lại hay! Mùa hè năm hai anh em được mười ba tuổi, Mi về Đà Lạt, thấy các bạn nhỏ ở khu Số Bốn đứa nào cũng biết đi xe đạp, cảm thấy mình “quê” quá! Du vốn tính lanh lợi, tình nguyện tập xe đạp cho Mi. Coi dễ mà không dễ! Chiếc xe đạp chỉ có hai bánh, làm sao giữ thăng
bằng đây? Thuở nhỏ tí teo, đứa nào cũng có chiếc xe đạp ba bánh, tha hồ mà chạy.
Bây giờ leo lên chiếc xe đạp hai bánh mà lại cao nữa, biết làm sao đây? Không dám đặt chân lên cả hai bàn đạp, không dám ngồi lên yên, thế là Mi cứ chạy kiểu “cà thọt” làm Du la lên:
“Ngồi lên yên đi! Bỏ hai chân lên!”
“Không được! Ghê lắm!”
“Được mà! Tau nói được là được!”
Mi ngồi lên yên, chân đạp nửa vòng tròn rồi đạp ngược lại. Du đứng bên vệ đường, kêu:
“Đạp tròn đi! Đạp tròn, đừng đạp nửa vòng.”
“Sợ lắm!”
“Đúng là con gái, nhát như thỏ! Đạp tròn mau lên, không thôi tau đi về!”
Mi sợ Du bỏ về, bèn đạp tròn. Chiếc xe chao đảo. Mi hét lên. Cả xe và người lủi xuống cái mương đầy cỏ ướt. Du phá lên cười.
Sau cú té đó, Mi quyết tâm đạp tròn. Hóa ra lại thành công. Tập xe đạp cũng đâu có gì khó! Hai đứa khao nhau một túi xí muội mua ở quán của bà Tư ở cuối dốc.
Trẻ con đúng là có quá nhiều thì giờ nhàn rỗi! Tập xe đạp chán rồi lại lang thang đi nhặt lá thông và hái hoa ngũ sắc, nhiều người gọi đó là hoa trâm ổi. Hai anh em về ngồi ở thềm nhà, xỏ lá thông vào từng nụ hoa ngũ sắc nhỏ xíu, làm thành những xâu hoa đủ màu rất đẹp. Có khi lại còn hái trái trâm ổi để ăn. Mùi vị trái này gần giống trái ổi. Nhưng có người nói trái trâm ổi độc. Tụi con nít nghe độc mà vẫn ăn vì nó ngọt. Ăn hoài mà đâu có chết! Du chơi theo Mi, nhưng thường chê đó là trò của con gái. Rồi thì hai anh em chui tọt lên gác. Ông bà nội mất rồi, bác trai vẫn dành căn gác làm nơi thờ Phật và thờ ông bà. Đối với Mi, căn gác có vẻ bí ẩn lắm, nó quá rộng để làm gác thờ. Mi không dám lên gác một mình, toàn là kéo Du lên theo. Có một nơi hai anh em rất thích, đó là chỗ để cái máy hát cũ. Cái máy hát đĩa không biết có từ bao giờ. Dễ chừng tuổi nó còn hơn cả tuổi của bác trai. Đầu tiên là mở cái nắp hộp sờn cũ lên. Phải “lên dây thiều” cho nó hát. Khi đặt cái đĩa hát to tướng vào xong, phải cầm cái cần đã gắn kim đặt lên đĩa, thế là tiếng hát cất lên. Du và Mi ngồi nghe thích thú. Nhạc tây có, nhạc ta có. Còn có cải lương “Tôn Tẫn Giả Điên” nữa. Hai đứa bò ra cười khi nghe đến chỗ Tôn Tẫn bị “cà lăm” vì gặp chỗ đĩa bị hư, phải nghe một câu lặp đi lặp lại nhiều lần. Thế là người nghe phải nhấc cái cần lên, đặt kim vào vị trí khác. Cứ vậy mà nghe hết đĩa này qua đĩa nọ, có khi mất cả buổi chiều. Khi nhìn ra cửa sổ thấy trời hết sáng, bên trong căn gác tối mù mù, Mi đâm hoảng. Du cười khì khì, chạy đi thắp từng ngọn đèn dầu trên
các bàn thờ. Rồi hai anh em chạy xuống nhà, tìm cái gì ăn.
Trong nhà ai cũng biết Du và Mi thân nhau. Ai cũng biết hai anh em từng chia nhau bầu sữa mẹ. Nhưng có một hôm bác gái nói với hai đứa: “Nè, tụi con lớn rồi, không còn nhỏ nhít gì nữa, không được xưng hô mi mi tau tau nữa. Anh ra anh, em ra em nghen!”
Hai anh em “dạ” và nhìn nhau. Từ nhỏ đã quen miệng gọi nhau như vậy rồi. Hơn nữa, Mi ỷ mình lớn tháng hơn nên mạnh miệng nói mi, tau, giờ nghĩ lại thấy có lỗi quá! Nhưng xưng hô anh em thì… nghe kỳ kỳ thế nào ấy!
3
“Anh Du có nhớ những món đồ xưa ở trong nhà không?”
“Có chứ! Từ đời ông nội để lại. Nhớ nhất là cái máy hát.”
“Còn cái mâm đồng nữa, dùng để dọn cơm ăn. Mình cứ hay giành nhau chùi cho nó sáng bóng. Nhưng nó nặng ơi là nặng, bưng muốn còng cả lưng!”
“Ờ há!”
“Nhiều đồ xưa lắm, nhưng sao nhớ nhất là hai món đó.”
“Chắc tại vì gần gũi với mình nhất.”
“Rồi sau khi nhà sập, mình có lượm lại mấy món đồ xưa đó không?”
“Mất hết, không còn gì.”
“Ôi, tiếc quá!”
Không phải là chuyện ba xàm nữa. Hai anh em ngồi trầm ngâm trên thềm của nơi trước đây là nhà ông bà nội, cũng là nơi Du và Mi được sinh ra. Chỉ là cái nền nhà trơ trụi. Đống đổ nát đã được dọn sạch trước đây hai năm. Vào cái Tết năm đó, Tết Mậu Thân, nhiều nhà trong khu Số Bốn đã tan hoang. Người dân dọn đi nơi khác cũng nhiều. Không còn gặp lại mấy đứa bạn nhỏ năm nào đứng bên vệ đường nhìn
Du tập xe đạp cho Mi. Nhớ nhất là con Gái dễ thương khi cười nhe răng sún. Tụi con nít lóc chóc mà đáng yêu. Đứa nào cũng mặc áo len, đội mũ len, hai gò má đỏ hồng vì trời lạnh.
“Giờ tụi mình không giống con nít nữa ha Mi!”
“Chắc vậy.”
“Mi đã viết văn từ sau cái Tết đó. Mi nhớ viết nhiều về Đà Lạt của mình nữa nghen!”
“Chắc chắn.”
“Du cũng sẽ xin về Sài Gòn học đại học. Ở mãi nơi xứ này thấy buồn quá!”
Không hẹn mà hai anh em cùng thở ra như tiếc rẻ một điều gì. Mi chợt reo lên:
“Đi mua xí muội đi!”
Họ chạy xuống cuối dốc. Không còn cái quán nhỏ của bà Tư ở đó.
4
Nếu hình dung mỗi người chạy trên một đường thẳng, thì Du và Mi đang vẽ hai đường song song. Thỉnh thoảng có nhìn qua nhau, và nhắc chuyện cùng chia bầu sữa mẹ. Vui.
Đổi đời. Con đường học đại học của Mi bị khựng lại. Du cũng vậy. Những ngày cuối, người ta chạy, thất tán. Người yêu của Du xuống tàu đi mất. Mi nhìn bạn bè vơi dần trong lớp, những người thân yêu cũng xa mất trong đời. Ngẩn ngơ…
Du về lại xứ lạnh. Gia đình bị kiểm kê tài sản vì bác có một tiệm bán đồ điện nho nhỏ, cũng bị coi là “tư sản mại bản.” Bác trai xuống tinh thần, tiều tụy, mỏi mòn.
Anh Hy của Du trở về từ chiến trận miền Tây, đi “tù cải tạo” mấy tháng rồi về, bỏ nhà đi vào rẫy sống. Du nản chí, bỏ học, theo cha và anh lên rẫy trồng khoai sắn.
Một đôi lần Du vượt biên không thành, càng nản chí hơn.
Mi tiếp tục học. Rồi cũng ra trường, có việc làm. Ai xui, Mi được phân công lên Đà Lạt. Hai anh em có dịp ở gần nhau hơn. Cuối tuần Mi vào rẫy, còn không thì cùng Du đi cà phê, nghe nhạc Christophe. A! Sao lại là nhạc Christophe? Vì nhạc miền Nam bị cấm, bị cho là ủy mị, đồi trụy, bị đặt tên là “nhạc vàng.” Một số người dân, phần lớn là thanh niên sinh viên, không muốn nghe “nhạc đỏ” nên đã có xu hướng nghe nhạc ngoại quốc. Du và Mi tìm đến các tiệm cà phê có đặt nhạc hòa tấu, thả ý tưởng của mình qua những nốt nhạc; hoặc nghe nhạc Pháp, thưởng thức giọng hát Christophe trẻ trung, dễ thương mà cũng sâu sắc lắm.
Hai anh em lập gia đình cùng một năm, người trước kẻ sau. Lại một lần nữa, Mi dọn về Sài Gòn, Du vẫn ở Đà Lạt.
Hơn hai mươi năm sau, vẫn là hai đường thẳng song song. Vẫn đôi khi nhắc lại “chung bầu sữa mẹ.”
Mi được chị bảo lãnh, cả nhà đi Mỹ. Du ở lại chứng kiến Đà Lạt thay đổi dần. Cái thay đổi này không nằm trong mong ước của Du. Hình như Du co người lại, sống khép kín trong sự yên lặng của chính mình, trong khi Đà Lạt mỗi ngày một ồn ào, đông đúc hơn. Để kiếm sống, Du làm nghề lái xe vận tải chở hàng đi nội trong tỉnh. Chí thú nuôi vợ con. Mỗi tuần một lần chạy xe gắn máy vào rẫy chơi với anh Hy. Du đã có một vẻ ngoài bình an. Du và Mi chỉ còn liên lạc với nhau qua email hoặc đôi khi qua điện thoại.
Du và Mi có một lần điện thoại cho nhau, chỉ để khóc lóc. Anh Hy mất rồi! Một buổi sáng cuối tuần, Du vào rẫy và thấy anh Hy nằm bất động trên chiếc giường bố. Anh đã mất tự đêm qua. Nguyên nhân rất rõ: nhồi máu cơ tim! Không ai hiểu vì sao trái tim anh Hy không muốn đập nữa.
Du im bặt không liên lạc với Mi cả mấy tháng. Thôi thì cứ để cho Du bình tâm.
Dòng đời, có những giây phút buồn bã, rồi cũng cứ trôi. Và đến một ngày, Du gửi cho Mi ảnh chụp những trang nhật ký của anh Hy, dặn Mi đừng cho ai khác đọc.
Hóa ra là anh Hy quá buồn. Anh trở về trong ngày buông súng. Điều đó không nằm trong ý muốn của anh. Anh đã trút sự phẫn uất vào nắm đấm, nện vào tường bật máu. Anh đã thề không bao giờ trở lại Sài Gòn. Anh ẩn mình trên rẫy, sống cô độc cho đến chết.
5
Du viết trong email:
“Mi ơi! Nay thì anh Hy đã yên nghỉ. Đưa đám anh xong, Du trở về với công việc hàng ngày. Cuộc sống sao mà nặng nề như những chuyến xe! Mỗi ngày Du cứ đứng nhìn người ta chất hàng lên đầy xe và mình thì lái xe đi… À, Mi ơi! Những kiện hàng đầy rau và legumes làm Du nhớ đến giàn su của ông nội. Hồi còn bé anh chị em tụi mình mê giàn su đó lắm. Chưa hết, vườn của ông nội có những cây to, trái nhiều bắt mê! Tụi mình còn nhỏ nên thấy cái gì cũng to lớn, lạ kỳ. Khu vườn cũng đầy vẻ bí ẩn, giống như căn gác thờ vậy. Có lúc Du trở về đứng trên nền nhà trơ vơ, mới thấy mọi thứ đã khác. Mình thì già thêm, còn cảnh vật thì như co lại, hoặc biến mất…”
Ở một email khác:
“Mi ơi! Có một ai đó đã nói “anh em là người bạn Trời cho.” Điều này chưa chắc đúng, nhưng hình như nó đúng trong trường hợp anh em mình? Mi còn nhớ những kỳ nghỉ hè, bọn con nít mấy nhà tụi mình xúm lại chơi đùa, nghịch như quỷ sứ?
Nhà nào cũng đông con nên tụi nhóc làm gì cũng như đi đánh trận. Có lúc ngủ chung xúm xít trong một căn phòng, kể chuyện rầm rì suốt đêm. À, Mi có nhớ lúc ông nội mất không? Người lớn không cho tụi mình tới gần ông nội. Cả lũ con nít đứng dọc đầy hết các bậc cầu thang, nhìn từ xa thấy ông nội đi dần trong tiếng tụng kinh. Đêm đó, cả lũ dồn hết vào một phòng, ngồi thắp những khúc đèn cầy ngắn dài. Đèn cầy ở đâu mà nhiều quá! Tụi mình gỡ những miếng sáp vụn dồn vào một cái chén, nung chảy ra, cho mấy sợi tim vào, lại tiếp tục làm thành một cây đèn nến mới, ấy vậy mà hết đêm. Nhớ lại vui thật!”
Hình như lại không có chỗ cho nỗi buồn.
Mi viết trong một email:
“ Anh Du có nhớ chuyện ăn độn su su? Ở Mỹ, trái su không phải là loại rẻ. Vậy mà ở quê mình, có một thời thiếu gạo, nhà vườn trồng được cái gì thì ăn cái nấy, miễn cho no bụng. Nhà vườn Đà Lạt ăn độn với bắp cải, với su su. Còn Mi lúc ra trường, lên Đà Lạt, eo ơi, mỗi tháng chỉ được mua “tiêu chuẩn” nửa ký gạo, còn lại mười mấy ký là độn. Độn khoai sùng, bắp đá, bột mì mốc, và một thứ gọi là bo bo…
Còn hột gạo được coi như hột ngọc. Mi nhớ cái hột bo bo, khủng khiếp thật! Siêng thì đi xay cho nó bể ra, nấu ăn còn đỡ, còn không thì nấu nguyên hột cứng ngắc, ăn muốn chợt cả dạ dày…”
“ …Hết là trẻ con, mình đâu còn thì giờ nhàn rỗi. Anh Du có nhớ lần đi cải táng? Anh Du chở Mi trên chiếc Suzuki, chạy trên đường đất đá gập ghềnh, lên những dốc cao, anh Du “chì” thiệt! Trời chưa sáng, mọi người đã có mặt để chứng kiến người ta đào mộ. Lần đầu tiên, “những đứa trẻ đã lớn” tận mắt thấy rõ tác động của thời gian. Cảm giác sâu đậm nhất, là so sánh ông nội ngày xưa từng bồng ẵm mình với ông nội giờ chỉ còn là những mảnh xương dưới làn vải áo dài chưa phai hẳn màu. Anh Du còn nhớ khu Mả Thánh, được gọi vui tên “Đà Lạt Hai,” rộng thênh thang, nay đã dời hết sang khu Du Sinh? Rồi đây “Đà Lạt Hai” sẽ là nơi người ta cất nhà, trở thành vùng đất cho người sống.”
Rồi đến một email cho thấy Du không vui.
“Du có một cảm giác kỳ lạ lắm Mi ạ! Mi biết là gì không? Là mặc cảm có tội. Không hiểu sao, sau ngày anh Hy mất, Du thường nghĩ đến cuộc sống gian khổ của anh Hy, rồi so sánh với đời sinh viên an lành của mình. Bọn con trai lứa tuổi mình được hoãn dịch để học đại học, trong khi các anh thì đi trận mạc. Xưa thì mình thấy đó là điều bình thường. Nhưng nay, ý nghĩ đã khác. Những trang nhật ký của anh Hy sao cứ ám ảnh Du hoài. Du trách mình vì chưa từng hiểu anh Hy, cho đến khi quá trễ...”
6
Sau một lần mổ tim, Du đã có sự thay đổi trong ý nghĩ. Khi đứng chênh vênh giữa hai trạng thái sống và chết, có lẽ con người sẽ chọn một cách nào đó cho mình được an vui. Phải thoát khỏi sự u hoài và sống vui trong thực tại, nếu còn được sống. Gia đình, người thân, chẳng phải là những báu vật Trời ban hay sao?
Du nghỉ việc, không lái xe hàng nữa vì sức khỏe không cho phép. Du bắt tay vào việc ương cây để bán. Xứ Đà Lạt, vùng đất của hoa cỏ, dù thay đổi thế nào cũng còn chỗ để Du tìm sự êm ả, vừa dưỡng bệnh, vừa giữ sự cân bằng cho chính mình.
“Mi ơi! Chăm cây cối, hoa cỏ, cũng giống như chăm con. Nhất là khi mình gầy
một cái cây lên từ hột giống. Chứng kiến cây lớn lên, rồi khi trao cho khách, nhìn
thấy họ nâng niu, mình cũng thấy hả dạ. Đôi khi Du chợt nghĩ, mình trồng cây bây
giờ sao có vẻ “quý tộc” quá – chữ này anh em mình thường nói vui ấy mà! So sánh
với cái thuở ba của mình cuốc đất trồng khoai trong rẫy, sao buồn ghê! Từ một ông
thương gia cần cù, hiền lành, bị cướp hết tài sản, trở thành ông làm rẫy bất đắc dĩ,
cằn cỗi, tuyệt vọng. Rồi anh Hy nữa. Anh Hy đâu muốn giam đời mình trong rừng
rẫy như một cái bóng. Nghĩ mà đau xót quá!
A, Mi hãy khoan phê bình Du nhé! Vì Du đã nhanh chóng tự điều chỉnh. Du không
dám để mình suy nghĩ yếm thế đâu! Người thân bên cạnh mình là nguồn an ủi lớn
nhất. Có điều, những ý nghĩ từ trong sâu thẳm, Du chỉ có thể chia sẻ với người bạn
Trời cho là Mi thôi. Vì hai anh em có quá nhiều điểm chung. Hi hi, lại điệp khúc
“vì chung bầu sữa mẹ” phải không Mi?
Báo tin vui cho Mi, thằng con đã tốt nghiệp ra trường, lại có bạn gái nữa, giỏi
chưa? Tụi mình già hết rồi!”
7
Mấy đứa con nít chạy vòng quanh như đang chơi đuổi bắt. Chúng nó làm những động tác y hệt mình ngày xưa. Tuổi thơ đẹp và vui quá! Rồi có một đứa trẻ, một thằng bé, gương mặt rất giống với mình, vấp ngã. Nó gượng đứng dậy nhưng không được. Nó mệt mỏi. Nó kiệt sức. Trong giấc mơ mình thấy mình cầu xin Ông Bụt hãy hiện ra. Và Ông Bụt hiện ra. Phải chăng cái gì mình quá ao ước thì sẽ thành sự thật? Thường thì, như trong chuyện cổ tích, Ông Bụt sẽ hỏi câu “Tại sao con khóc?” Nhưng mình không dám khóc. Đàn ông con trai không có khóc. Và Ông Bụt không hỏi gì cả. Nhưng mình đã nói trước:
“Con xin Ông Bụt, Ông Bụt hãy cứu thằng bé!”
Ông Bụt hỏi:
“Nó là gì của con?”
“Nó là con trai của con. Nó bị bệnh nan y. Ông Bụt ơi! Nó còn quá trẻ. Ông Bụt ơi, xin Ông Bụt cứu nó. Con thà chịu thay cho nó.”
Ông Bụt cười thật hiền từ:
“Ta không thay được số mạng của ai. Cuộc sống là đáng quý, đừng đánh đổi.”
“Vì cuộc sống là đáng quý nên con muốn xin cho con của con được sống. Con đã sống đủ, Ông Bụt ơi!”
Ôi, tôi có nằm mơ không? Một giấc mơ dài cả năm trời. Đó thật là một cơn ác mộng. Nhưng có phải nhờ Ông Bụt thương xót, nên giờ đây thằng con đã hết bệnh? Nó đã ra trường, và sắp cưới vợ. Tôi phải làm chút gì cho nó. Tôi cũng quên mất tôi đã nói gì với Ông Bụt. Tôi chỉ biết là tôi rất vui, tôi đã giúp con chuẩn bị cho đám cưới thật hoàn hảo.
Tôi thấy mình quần áo chỉnh tề, đứng trên sân khấu, trước mặt hai họ, nói lời cảm ơn. Gương mặt ai cũng rạng rỡ tươi cười. Tôi bỗng làm một động tác máy móc, đưa tay lên chỗ trái tim. Một cảm giác lạ kỳ chạy qua nơi đó, đàng sau vết mổ. Anh Hy, anh Hy đã từng có cảm giác này chăng?
8
Anh Du có một điều gì chưa nói với mình. Hai anh em, mỗi người một khối việc bận rộn, tuy vậy vẫn thăm hỏi nhau và biết diễn tiến bệnh tình của thằng cháu. Mừng nó đã qua khỏi. Có lẽ vì sức trẻ đã giúp nó thắng bệnh tật. Nghe vui vì cháu lại sắp cưới vợ.
Điều gì anh Du chưa nói? Trực giác bảo Mi như vậy, mà Mi không thể hiểu được,.Nhưng đúng lúc Mi cũng đứng trên sân khấu, trước mặt hai họ, cũng nói lời cám ơn, không những thế, còn đàn hát cho đám cưới của con, thì Mi hiểu hết. Anh Du ơi, chia chung bầu sữa mẹ khi còn bé, ai hiểu mình bằng anh em mình? Mi như thấy rõ trước mắt, hình ảnh Du ngã xuống, miệng còn cười tươi, còn đang muốn nói gì thêm. Bàn tay Du ôm ngay chỗ trái tim, ngay nơi vết mổ. Ngực vẫn ấm. Tiếng người lao xao. Có một người nào gọi thật lớn. Rồi mọi thứ dừng lại hết…
Mi tự rót cho mình một ly nước, ngồi xuống ghế. Trong một động tác vô ý thức, Mi đưa tay ôm ngực. Trái tim của mình sao cũng nhói đau. Không còn nghe tiếng nhạc, mà là một âm thanh nhẹ nhàng đến lạ kỳ. Mi thiếp đi trong một cảm giác ngọt ngào như đang được nếm dòng sữa mẹ.
9
Con đường vẫn như xưa. Chỉ khác là người ngồi trên xe thấy nó không quá dài. Có lẽ vì đi nhiều, sống nhiều, nên những gì của tuổi thơ nay mình thấy như nhỏ bé hơn. Anh Du có nói sẽ cố gắng xin đi Mỹ thăm Mi, nhớ không? Thế nhưng Mi lại về thăm anh Du trước. Hồi trước nói rằng không muốn về Đà Lạt, sợ có cảm giác xa lạ vì Đà Lạt đã đổi thay, nhưng giờ thì Mi đang ngồi trên xe để về đó. Anh Du đã viết rằng Đà Lạt dù có thay đổi, ồn ào đến đâu, vẫn có chỗ cho Du tìm thấy sự yên tĩnh, sống theo ý của mình. Mi sẽ cố gắng tìm những nơi yên tĩnh đó. Du dặn Mi nhớ viết nhiều về Đà Lạt của mình. Vâng, Du ơi, Đà Lạt của lá thông xanh, của hoa ngũ sắc. Đà Lạt của gió núi vi vu, của nhạc Christophe êm ái thời nào. Mi mỉm cười, mở tập giấy ra, hơi cổ điển, ha Du! Tức cười, còn định xưng hô mi mi tau tau!
Khoan đã! Có một việc quan trọng phải làm. Đếm nhà thờ, đếm chùa. Chao ơi, trên đường Sài Gòn-Đà Lạt có biết bao là nhà thờ, biết bao là chùa! Mấy mươi năm qua, cảnh vật hai bên đường có thay đổi, quãng đường vẫn dài bấy nhiêu cây số, không đổi. Nhưng bây giờ số nhà thờ, số chùa tăng hay giảm nhỉ? Không biết. Cứ đếm đi! Bây giờ Mi đếm một mình. Đếm mỏi thì ngưng. Có một lúc, ngủ gục, mở
mắt ra, đếm lại từ đầu.
CAM LI NGUYỄN THỊ MỸ THANH
No comments:
Post a Comment