Friday, January 31, 2025

NHỮNG CÂU CHUYỆN BÀ KỂ

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
 
Hoàng Tử Bé
 
Người ta được nuôi lớn không chỉ bằng thức ăn, mà còn ở lời ru, tiếng hát, và những câu chuyện kể.
Chú bé cháu của bà thích được bà ôm vác, gối đầu lên vai bà. Có khi bà mở nhạc từ chiếc nôi cho chú nghe thay cho lời hát, chiếc nôi chú bé đã nằm khi mới lọt lòng mẹ. Có khi bà hát. Bà không ru à ơi, nhưng âm điệu dân gian len vào trong từng lời hát. Chú bé mãi rồi ghiền nghe giọng hát của bà.
Rồi thì bà kể chuyện. Từ khi chú bé chưa biết nói, bà đã kể chuyện rồi, những câu chuyện rất ngắn, rất dễ thương, có khi chỉ là tiếng chim hót, tiếng gà gáy. Chú bé tỏ vẻ lắng nghe. Và lớn dần, chú bé nghe những câu chuyện dài hơn, và chú hiểu. Chú còn biết kể lại cho bà nghe, biết hỏi lại cho bà trả lời. Những câu chuyện bà kể, luôn bắt đầu bằng câu “ngày xửa ngày xưa” như một dấu hiệu đó là truyện cổ tích.
Trong trí nhớ của bà, cũng như nhiều người bạn cùng thời, truyện cổ tích nổi bật nhất là Tấm Cám. Bởi vì bà đã được nghe biết bao nhiêu lần từ mẹ của bà. Mẹ là một kho truyện cổ tích. Nhưng cứ nghe đến đoạn cuối thì bà rất sợ. Bà hứa với lòng rằng sẽ không kể nguyên như vậy cho con cháu của mình. Cô Tấm trong truyện là một cô gái nhân hậu, chịu biết bao gian truân vì mẹ ghẻ và em gái độc ác hại mình. Cuối cùng, khi Tấm được Vua cưới về, cô lại dùng quyền lực để trả thù họ một cách ác độc gấp trăm lần. Bà đã thay đổi đoạn cuối. Bà “cho” cô Tấm xin Vua tha cho họ, rồi cô cảm hóa họ, giúp họ trở thành người tốt, có lòng nhân hậu giống như cô.
Lúc chú bé bốn tuổi, bà kể Cha Nào Con Nấy, câu chuyện dạy người ta sống hiếu thảo với cha mẹ. Chú bé ngồi vào lòng bà, nghe say mê, bởi vì trong truyện cũng có một đứa bé bốn tuổi. Cha của đứa bé ấy đã mài một cái mủng vùa, tức phân nửa cái sọ dừa khô, cho ông nội của nó ăn cơm, bởi vì ông nội đã già, đến bữa ăn thường làm rơi vỡ chén bát. Ông nội tủi thân, vừa ăn vừa khóc. Thế rồi đến một hôm, người cha thấy đứa bé vụng về mài một cái mủng vùa, hỏi để làm gì. Đứa bé nói để dành cho cha ăn cơm, khi cha già như ông nội vậy. Cha của nó bừng tỉnh, hối hận. Nghe xong, chú bé tỏ vẻ trầm ngâm. Bà hỏi:
“Con có gì không hiểu?’
Chú bé nói:
“Bà ơi, bây giờ không sợ bị bể chén đâu bà!”
“Vì sao?”
“Con thấy chén nhựa có in hình bông hoa cũng đẹp lắm, mình ăn có làm rơi cũng không sợ bể.”
Bà không nhịn được cười.
“Ừ nhỉ, cuộc sống có những cái rất dễ giải quyết. Nhưng ngày xưa, nhất là ở thôn quê nghèo khó, rất khác, con ạ.”
Hai bà cháu tạm quên câu chuyện đó, vì chú bé lại đòi bà kể chuyện khác ngay.
Bà có một kho truyện cổ tích. Chỉ riêng truyện cổ tích Việt cũng đã rất nhiều rồi, nhiều vô cùng, kể cả tháng cũng chưa hết. Nhưng bà gạn lọc, chọn một số truyện để kể cho chú bé, như Ăn Khế Trả Vàng, Sọ Dừa, Sơn Tinh Thủy Tinh, Sự Tích Quả Dưa Hấu, Sự Tích Bánh Chưng Bánh Dầy, Thánh Gióng, Cây Tre Trăm Đốt, Sự Tích Con Muỗi, Sự Tích Con Thạch Sùng v.v… Bên cạnh đó, bà cũng chọn lọc những truyện cổ tích Tây phương, như Cô Bé Lọ Lem, Công Chúa Ngủ Trong Rừng, Đôi Hia Bảy Dặm, Bạch Tuyết Và Bảy Chú Lùn, Cô Bé Quàng Khăn Đỏ v.v…
Bây giờ, chú bé đã lên mười. Đi học về, cơm nước xong, bài vở học rồi, gần đi ngủ chú bé vẫn thích nghe bà kể chuyện. Có những câu chuyện chú bé nghe cả trăm lần vẫn thích, và biết bình luận nữa, đôi khi làm bà phì cười, nhưng cũng lắm lúc khiến bà nghĩ ngợi. Đúng vậy, trẻ con không phải cứ nhét vào tai là chấp nhận. Mỗi một thời kỳ, mỗi một hoàn cảnh sống, ảnh hưởng rất nhiều đến cách suy nghĩ của con.
Lên mười, chú bé được nghe bà kể những truyện ngụ ngôn của Jean de La Fontaine. Bà nói những truyện ngụ ngôn ấy, bà đã được học ở trường, không phải do truyền miệng. Chú bé say mê nghe những chuyện Cô Hàng Sữa, Con Ve Và Con Kiến, Hội Đồng Chuột, Con Nhái Muốn To Bằng Con Bò v.v… Chú bé thích nhất là thấy những con vật đã được mô tả như con người, biết nói, biết suy nghĩ, biết cư xử. Bà bảo những con vật đã được “nhân cách hóa” để mang lấy những tính nết của con người, đó là lòng tham, sự ích kỷ, tính ham chơi, sự cần cù làm việc, lòng thương yêu v.v… Lên mười, chú bé đã có thể hiểu được hàm ý trong những câu chuyện như vậy.
Lên mười! Cái tuổi tưởng như còn bé dại, thật ra là dấu mốc của sự chuyển mình. Bà còn nhớ, lúc bà lên mười, đã ngâm thuộc lòng bài thơ Lửa Từ Bi của Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, bài thơ có hơn ba trăm chữ. Mọi người trong gia đình bảo bà là con-bé-già-trước-tuổi. Có lẽ đúng. So với các bạn nhỏ cùng tuổi, bà có “già” thật! Và so với chú bé lên mười này, chắc bà ngày đó còn “già” hơn gấp bội. Bởi vậy, bà tự nhủ đừng bao giờ làm điều gì với con trẻ dựa vào chính mình ngày xưa. Thời đại đổi khác, cảnh sống đổi khác, và mỗi một con người cũng đặc biệt. Không có ai giống ai.
Chú bé cháu của bà vẫn cứ mê nghe nhạc và mê nghe kể chuyện. Cái đầu óc biết phân tích khiến chú bé hay hỏi những câu như:
“Bà ơi, sao gọi là truyện cổ tích?”
“Cổ là xưa, tích là dấu vết, là truyện. Cổ tích là dấu vết xưa, hay truyện xưa, nên người ta hay nói “ngày xửa ngày xưa” tức là những chuyện xảy ra đã lâu thật là lâu, khi mình chưa có mặt trên đời.”
“Bà ơi, trong truyện cổ tích, vật gì cũng biết nói hở bà?”
“Ừ, thường là vậy. Truyện cổ tích thì phải là những gì đã xảy ra từ rất xưa, trong đó con người, con vật như chó, mèo, hổ, sư tử, chim chóc… và cả cây cỏ cũng biết nói, con ạ.”
“Và có những ông tiên, bà tiên làm phép giúp cho mọi vật hở bà?”
“Ừ, như Ông Bụt trong truyện Tấm Cám, hay bà tiên trong truyện Lọ Lem đó!”
“Vậy ai đặt ra truyện cổ tích hở bà?”
“Ừ… thì là… người ta đặt ra.”
“Nhưng người ta đâu có sống vào lúc chuyện đó xảy ra hở bà? Nếu có, thì đối với người đặt ra, nó chẳng phải là truyện cổ tích.”
Chà, chú bé lắt léo, lý sự thật! Bà ngẫm nghĩ, nhưng bà công nhận chú bé đúng. Vậy rồi bà và cháu cũng kể đi kể lại những truyện cổ tích, kèm theo lời bình của chú bé lên mười. Kể đi kể lại hoài, mãi rồi không phân biệt truyện tây, truyện ta, vì nội dung và tình tiết khá giống nhau, như Tấm Cám và Cô Bé Lọ Lem vậy. Hoặc như những truyện ngụ ngôn của La Fontaine, qua lời dịch tài tình của Học giả Nguyễn Văn Vĩnh, đã trở thành quen thuộc như thể là chuyện kể của người xứ Việt.
Có một hôm, chú bé đặt giả thuyết, nếu trong truyện Cô Bé Quàng Khăn Đỏ, nhân vật chính không phải là Cô Bé mà là một chú bé thì có khác gì không. Rồi chú tự trả lời rằng chú bé ấy sẽ không dại mà nghe lời phỉnh gạt của một con chó sói đâu! Bởi vì… chú là con trai! Bà cũng phì cười vì ý tưởng ngộ nghĩnh đó. Nhưng thật dễ dãi, chú vẫn thích nghe cái đoạn Cô Bé Quàng Khăn Đỏ đi đến nhà Bà Ngoại, lúc đó bà đã bị Chó Sói nuốt tươi vào bụng rồi, và Chó Sói đã leo lên giường, nằm đắp chăn giả làm Bà Ngoại bệnh. Chú thích chí, bắt bà đóng vai Chó Sói, còn chú sẽ là Cô Bé Quàng Khăn Đỏ.
Chú bé hỏi:
“Bà ơi, hôm nay sao tai bà to thế?
Bà giả giọng ồ ề đáp:
“Tai bà to để bà nghe cháu nói cho rõ.”
“Bà ơi, hôm nay sao mắt bà to thế?”
“Mắt bà to để bà nhìn cháu cho rõ.”
“Bà ơi, hôm nay sao miệng bà to thế?”
“Miệng bà to để bà… ăn thịt cháu. Quàm!!!”
Mọi khi, nghe đến đó là chú bé giả vờ co rúm người lại, sợ hãi, hét lên. Nhưng lần này, đột nhiên chú bé hỏi:
“Bà ơi, sao tóc bà dài và đen thế?”
Bà giật mình, tròn mắt, ngạc nhiên, rồi bà cười xòa:
“Bà ấy hả? Bà… không biết. Ờ… chắc Ông Trời cho bà được vậy thôi!”
“Vậy bà đã gội đầu bằng gì hở bà?”
“Thì bằng dầu gội đầu bình thường, con biết đấy!”
Chú bé gật đầu, còn muốn hỏi thêm. Bà ôm chú bé vào lòng, kể:
“Con biết không, thời xưa, có một khoảng đời, bà và nhiều người khác rất khổ. Những vật dụng hằng ngày rất khan hiếm. Ngay cả xà bông cũng không có mà mua. Mua được một cục xà bông thơm cũng là chuyện xa vời. Bà đã từng pha xà bông bột giặt để gội đầu, con nghe sợ không? Bà sợ lắm, vì làm như vậy tóc sẽ rụng hết, da đầu sẽ bong ra, nhưng ở bẩn thì bà chịu không nổi. Vậy mà Ông Trời thương, cho đến tuổi bảy mươi bà vẫn nuôi được mái tóc đen và dài này.”
“Để… thỉnh thoảng bà lại cắt tặng cho các em bé bị rụng tóc hở bà?”
“Ừ.”
“Hay quá bà ơi, giống như truyện cổ tích!”
Bà ngạc nhiên:
“Là cổ tích sao?”
“Con thấy truyện cổ tích kể về những chuyện khó xảy ra.”
Bà gật gù:
“ Ờ ha! Bà cũng thấy vậy. Bà cám ơn Trời.”
“Bà hay nói cám ơn Trời.”
“Đúng vậy con à! Bà luôn cám ơn Trời vì đã cho bà những điều khó xảy ra.”
 
Hai bà cháu cùng im lặng. Bỗng dưng bà nhớ đến một người bạn thân đã viết một bài văn ngắn, nhắc đến truyện cổ tích kể về một người mẹ mất đi để lại một đứa con quá nhỏ, thằng bé phải sống với một bà mẹ ghẻ. Bị bà mẹ ghẻ đày ải và hà khắc, nó đi chăn bò và luôn phải ăn cơm hẩm. Bà mẹ ghẻ thấy nó ăn cơm hẩm mà vẫn mập mạnh, bà cho con ruột của mình đi chăn bò với nó một bữa để theo dõi. Thằng con bà về kể, tới giờ ăn trưa thằng bé kia tới dưới bụng con bò mẹ, kêu "Mẹ ơi!" thì có một mâm cơm ngon lành hiện ra. Con của bà mẹ ghẻ cũng có ăn nữa, giây sữa ra áo đem về cho bà coi. Nghe kể, bà mẹ ghẻ giết con bò, quăng xương ở gốc cây. Tới trưa, thằng bé ra gốc cây ngồi khóc, mâm cơm lại hiện ra. Cứ thế, cho đến khi đứa bé trưởng thành. Khi nó tự kiếm sống được thì nghe trên không có tiếng mẹ nó giã từ.
Người bạn viết tiếp: “Một truyện cổ tích trong rừng cổ tích của tuổi thơ, tôi đọc và quên bẵng đi mấy mươi năm, cho đến khi má tôi mất. Má tôi mất, tôi không khóc, nhưng lòng không sao nguôi ngoai được.
Một khuya kiểng thức chúng, tự nhiên tôi nghe như tiếng má tôi gọi tôi. Tôi bật dậy, bàng hoàng, chợt nhận ra truyện cổ tích có thật. Lòng tôi nhẹ bổng, thương nhớ như nguôi ngoai. Má vẫn ở cạnh tôi, chăm chút tôi như bao giờ…” (1)
 
****
Tuổi thơ của bà tràn đầy những điều tưởng tượng, do đó mà phong phú. Nhà anh em đông, đồ chơi lại không nhiều, bà tự chế ra các món đồ chơi. Bà cũng biết xếp lồng đèn, vẽ thiệp Nô-en, thiệp Tết. Nào có biết đến sinh nhật hay Nô-en!  Rồi bà cũng làm Ông già Nô-en, rón rén đi cho quà những người trong gia đình. Bà cũng làm cô giáo dạy học một đám học trò tưởng tượng. Bà nghĩ, nếu không có tưởng tượng, cuộc sống của con người ta sẽ khô đét, như cái cây không được tưới.
Nhưng tưởng tượng nhiều quá thì có nên chăng? Không nên chút nào! Như bà thuở bé hay mơ mộng nhìn lên mặt trăng và nghĩ về chú Cuội ngồi gốc cây đa, đó cũng là qua những câu chuyện kể. Nhưng khi đã biết về sự thật trên mặt trăng, bà không kể cho các bé nghe về chú Cuội cây đa nữa. Bà kể về những bước chân kỳ diệu của con người đặt lên mặt đất cung trăng. Nói bằng cách nói của chú bé, đó cũng là những điều khó xảy ra. Nhưng điều khó xảy ra đó lại có trong đời thật. Rất tuyệt vời!
Đến lượt chú bé đặt ra những câu hỏi cho bà suy nghĩ.
“Bà ơi, vậy ngoài cái thế giới của bà cháu mình, và thế giới bao la của vũ trụ, còn có thế giới nào nữa không?”
“À… Có! Là cái thế giới mà bà đã làm việc cùng.”
“Là gì vậy bà?”
“Một thế giới của những sinh vật bé nhỏ li ti, mắt thường của bà và cháu không thể nhìn thấy được.”
“Làm sao để thấy?”
“Không khó. Phải dùng kính hiển vi phóng to lên để thấy. Đó là thế giới của vi sinh vật.”
“Nó có khác biệt với mình không hở bà?”
“Không mấy khác biệt. Vi sinh vật cũng sống, cũng cần thức ăn, cần được nuôi dưỡng tốt. Chúng cũng phát triển, cũng già, cũng chết. Có những loại gây hại cho con người, thú vật và cây cỏ. Nhưng đã có những loại thuốc chống lại chúng. Và cũng có những loại vi sinh vật làm lợi cho con người. Thế giới của chúng cũng có tốt có xấu như thế giới của mình vậy,”
“Bà ơi, vậy bà có nhân cách hóa những con vi trùng của bà không?”
“Có chứ! Mỗi khi làm phản ứng về chúng, bà thường thuận theo sở thích của chúng, vì bà hiểu chúng như hiểu tính con người. Con biết không, chúng cũng thích ăn ngọt như mình vậy, nhờ đó mà bà định danh chúng dễ dàng.”
“Hay quá! Con thích học về chúng, như bà vậy!”
Bà ôm chú bé vào lòng, âu yếm:
“Con học về chúng, hoặc con học về vũ trụ, đều hay cả. Con mong muốn, con sẽ được.”
Chú bé lại tỏ vẻ suy nghĩ…
 “Bà ơi, con muốn tất cả các bạn nhỏ như con đều được nghe kể những chuyện như bà kể.”
Bà im lặng. Có vẻ như chú bé đang nghĩ đến những điều vượt xa cái thực tại của chú. Bà biết nói sao đây, về những em bé sống ở vùng chiến tranh, về những em bé chưa lớn đã thấy súng đạn, về những em bé sinh ra và lớn lên trong cảnh đói nghèo? Quả thật, thế giới vẫn cần có những Ông Bụt của cô Tấm, những Bà Tiên của Lọ Lem. Vâng, những Ông Bụt Bà Tiên bằng người thật.
 
****
Bà từng nghĩ chỉ kể những truyện cổ tích cho chú bé vui. Nhưng chú bé đã tỏ ra biết suy nghĩ và lý luận nhiều. Cho nên bà đã thêm vào “kho” truyện kể cho chú bé, một truyện mà bà rất thích: Hoàng Tử Bé (2). Bà đã dùng lối kể đơn giản thay vì đọc những lời dịch cao siêu thâm thúy của Học giả Bùi Giáng. Có khi bà dùng những chữ trong bản tiếng Anh cho dễ hiểu. Chú bé đã tự đúc kết được những ý chính mà tác giả chuyển tải đến cho người đọc, theo cách nghĩ non nớt của chú, và cũng rất đúng với ý muốn của bà.
“Bà ơi! Ai cũng cần có bạn phải không bà?”
“Đúng vậy. Và cần lắm, những người bạn thiết, con ạ!”
“Muốn có bạn thiết, cần phải làm sao?”
“Cần phải tuần dưỡng (3) – Bà dùng chữ “tuần dưỡng” của cụ Bùi Giáng–  Quen biết không phải là tuần dưỡng. Tuần dưỡng là tạo nên sợi dây liên lạc, muốn vậy phải dành thì giờ cho nhau, hiểu biết về nhau.”
“Như bà cháu mình phải không bà?”
Bà bật cười:
“Đúng rồi! Nhưng xa hơn nữa, như trong truyện, Hoàng Tử Bé và Con Chồn đã tuần dưỡng nhau, và trở thành bạn thiết, vì họ đã dành thì giờ rất nhiều cho nhau, nói chuyện rất nhiều với nhau, hiểu nhau, và cần nhau.”
“Con hiểu rồi! Bà ơi, ai cũng cần có trách nhiệm với một cái gì đó phải không bà?”
“Phải. Như Hoàng Tử Bé có trách nhiệm vĩnh viễn đối với cái gì chú đã tuần dưỡng một phen. Hoàng Tử Bé và Đóa Hồng bé nhỏ của chú ấy đã tuần dưỡng nhau. Cho nên Hoàng Tử Bé quyết có trách nhiệm vĩnh viễn với Đóa Hồng của chú ấy. Bằng mọi cách, chú phải quay về với Đóa Hồng của mình.”
 
Thật đơn giản! Chú bé hiểu hết. Bà đã không nói chuyện với chú bé như nói với một cô-bé-già-trước-tuổi. Bởi ý niệm của truyện rất giản dị, nên dễ hiểu. Khi chú bé lớn lên, ở từng thời điểm của cuộc đời, chú bé sẽ hiểu theo những cách khác nhau, và áp dụng cũng khác nhau. Chú bé sẽ hiểu về trách nhiệm, hay nói cách khác là lòng trung thành với một tình bạn, với một tình yêu, với một đất nước, hay với một lý tưởng… là như thế nào.
 
Tháng 1/2025
CAM LI NGUYỄN THỊ MỸ THANH
 
(1) Cổ Tích, tác giả: Thuần Chánh
(2) Nguyên tác: Le Petit Prince, tác giả:  Antoine de Saint-Exupéry
(3) tame (E), apprivoiser (F)

  

Tuesday, January 28, 2025

THƯ GỞI BẠN XA XÔI. THƯ QUÁN HƯƠNG TÍCH

Đỗ Hồng Ngọc
 
Đã lâu không ghé thăm Hương Tích, Thư quán của Thầy Tuệ Sỹ, nay do Thầy Hạnh Viên, Trưởng tử của Thầy Tuệ Sỹ chăm sóc. Rất nhiều hình ảnh, dấu tích của Thầy Tuệ Sỹ còn đó.
 
Tình cờ mà gặp Tâm Nhiên. Râu tóc xum xuê.
 
Gởi bạn vài hình ảnh thôi nhe.
 
  Tâm Nhiên, Đỗ Hồng Ngọc, Thầy Hạnh Viên.
Thư Quán Hương Tích, 16.01.2025
 

Đỗ Hồng Ngọc và Tâm Nhiên.
 

Gởi tặng Thầy Hạnh Viên cuốn Ngôn Ngữ đặc biệt (ĐN/ĐHN),
có bài viết về Thơ Tuệ Sỹ “Chén trà lão Triệu mà chưng hoa ngàn”…
 

Một bức thư pháp của Thầy Tuệ Sỹ. Chịu, không đọc nổi! Thầy Hạnh Viên bảo đó là
một câu thơ của Lý Hạ, đời Đường: Thiên nhược hữu tình thiên diệc lão.
 
Trời mà có tình thì trời cũng già thôi!
Bạn thấy không? Đừng kêu tại sao mình già… khú đế nhe!
Nhớ Chu Mạnh Trinh không? Ta cũng nói tình thương người đồng điệu!
Cho nên ta… già và già nhanh là phải rồi!
 
Thân mến,
ĐHN

  

Thursday, January 23, 2025

RECUERDOS DE LA ALHAMBRA.

Tố Nghi


Recuerdos de la Alhambra là kỷ niệm ở Alhambra, về Alhambra của Francisco Tarrega.
Tarrega là một trong những sáng tác gia nổi tiếng nhứt của thế kỷ 19 và mãi cho tới bây giờ, là cao thủ danh trấn giang hồ về giai điệu và kỹ thuật, cả trong trước tác lẫn trình diễn.
Giữa thế kỷ 19, ký giả cờ hoa Washington Irving theo dấu chơn viễn du của Christopher Columbus, ghé Alhambra cốt tìm kiếm lục lọi tài liệu về nhà hàng hải, rồi viết sách "Tales of Alhambra", dịch sang spanish là "Recuerdos de la Alhambra", được Tarrega dùng làm tựa tấu khúc viết cho tây ban cầm, Recuerdos de la Alambra.

Nghe nói... thời nhỏ, Tarrega bị tai nạn nên thị lực giảm rồi sanh nhút nhát, tới lớn cứ vẫn ngần ngại mỗi khi phải xuất hiện trước đám đông. Các buổi trình diễn của ông thường giới hạn tại những thính phòng nhỏ. Tarrega có giao tình gắn bó platonic với một bà goá, đẹp xấu hổng biết, nhưng trẻ và giàu có. Cô này trước tiên ghi tên thụ giáo Tarrega, sau thành luôn mạnh thường quân, bảo trợ nhạc sĩ. Cô bưng ông và toàn gia đình vợ con ông về villa của mình ở Barcelonna để thày thong thả trước tác - rất nhiều tác phẩm của Tarrega đã được viết trong thời gian này - Nhơn chuyến thăm viếng Granada, hai thày trò tới cổ thành Alhambra. Nghe nói họ đủng đỉnh đi dạo, rồi ngồi xuống một băng ghế ngó lên cổ thành, đang một màu đỏ rực trong ráng chiều. Tarrega về thai nghén bản nhạc, làm quà sanh nhựt tặng nàng như một lời tri ân (as a humble gift for your birthday...) Khi ấy cơm đang rất lành và canh đang rất ngọt.
Nhưng dzồi...yêu nhau lắm hẳn cắn nhau đau, too close for comfort có lẽ - đời vốn vẫn thế - giao tình giữa Tarrega và ân nhơn sanh trục trặc rối nùi, tới độ... một ngày đẹp trời, cô học trò tống cổ thày cùng gia đình ra khỏi villa ngay tắp lự. Khi này Tarrega đã nổi tiếng lắm dzồi. Đây là lý do vì sao lúc bản nhạc đưa sang nhà xuất bản, tấu khúc lại được đề tặng một người khác - ông bầu show đã tổ chức những buổi lưu diễn cho Tarrega tại âu châu.

Theo dòng lịch sử...

Tại đất trung đông, Ả Rập Saoudite do vua ả rập trị vị và giáo chủ hồi giáo lãnh đạo. Chuyện kế thừa dẫn đến chiến tranh, ngai vàng luân phiên đổi chủ. Sau công nguyên (AD), đám ả rập hồi giáo hùng mạnh lên, rồi nảy sanh khuynh hướng bành trướng lãnh thổ.
Đâu đó y hình vào thế kỷ 7-8, bộ tộc Moor là sắc dân sống rải rác xung quanh địa trung hải, nhưng nhiều nhứt ở bắc phi. Có thể do thất sủng, thua trận, hoặc ngán ngẩm việc gươm đao, tiểu vương Moor và bầu đoàn thê tử từ bắc Morocco vượt eo biển Gibralta tiến sang nam Spain dựng nghiệp, thành lập vương triều Moor, thần phục rồi thành chư hầu của vua Spain.

Bộ tộc Moor cai trị lãnh địa của họ tại nam Spain suốt mấy trăm trăm năm dài, dân Hồi dân Jew và dân Chúa chung sống hòa bình, tự do hành đạo giảng đạo. Kinh tế nam Spain thịnh vượng quá thể. Thành quách La Alhambra tại Granada nổi tiếng với kiến trúc điêu khắc nặng ảnh hưởng văn hóa ả rập được xây dựng dưới triều đại Moor. Nhưng ảnh hưởng và dzăng minh hồi giáo không dừng lợi ở nam Spain, nó còn theo đám thương nhân đi dọc bờ Địa trung Hải lần ngược hướng đông bắc để vào tới đất Catalane (quê hương của Pablo Casals) sát tới biên giới phía nam xứ pháp.

Thế kỷ 13 tại kinh đô Spain, nữ hoàng Isabella nối nghiệp tiên đế, cùng chồng lên ngôi cửu ngũ. Một bữa bà nhảy dựng khi hay tin hổng xa đó lắm, đế quốc thổ hồi giáo thành hình, hùng mạnh và thiện chiến. Trong khi ấy tại miệt nam ngay dưới chơn, chình ình một tên chư hầu hồi giáo, tuy ngoài mặt phục tòng nhưng hẳn chỉ chờ thời cơ tạo phản, nguy quá xá nguy!
Isabella và chồng mang quân chinh nam, 'reconquista' tái chiếm lại đất đai bộ tộc Moor đã 'chụp giựt' của Spain hơn 7 thế kỷ trước. Năm 1492, Reconquista hoàn tất, Isabella phái Christopher Colombus dong buồm ra khơi tìm đất đai mới. Hai năm sau 1494, Colombus khám phá ra châu mỹ, đóng cờ dành chủ quyền lãnh thổ cho vương triều đất Spain.
Nữ hoàng Spain tiếng dậy như cồn, được thần dân trong nước và cả thế giới ngưỡng phục. Thừa thắng xông lên, bà quyết định nhổ cỏ tận gốc ngăn ngừa hậu hoạn, Isabella hạ chiếu chỉ, buộc đám do thái và ả rập tại nam Spain phải cải đạo theo thiên chúa giáo, nếu không sẽ bị đuổi khỏi xứ. Rồi tiện thể được đà, gọn lẹ cho giựt sập luôn các mosques và synagogues tại nam Spain - Nhưng tới đền hồi giáo ở Cordoba Alhambra thì chùn tay, tiếc rẻ hổng nỡ vì thấy quá đẹp, b quyết định giữ lại, bèn thay đổi sơ sài kiến trúc và biến nó thành thánh đường Sta Maria –

Guitare...
Tiếng dziệc là tây ban cầm, nghĩa là cây đờn xứ tây ban nha. Guitare tới xứ mình từ hồi nào và tại sao gọi thế thì thiệt hổng tường, và dễ sanh lẫn lộn. Tui vẫn yên trí guitare là nhạc cụ riêng của xứ Spain - như cây đờn bầu của mình vậy - Dè đâu bé cái lầm!
Guitare xuất xứ thời cổ đại, tại cái nôi văn minh ả rập cũ, cả hàng ngàn năm trước công nguyên, và đã theo vó ngựa viễn chinh ả rập sang tới âu châu. Guitare là chữ ghép của gui (nghĩa là nhạc) với tare (nghĩa là dây). Hình dáng kích thước cây guitare thay đổi dần theo thời gian. Số dây cũng thay đổi, rồi dừng lại và cố dịnh ở năm dây trong một khoảng thời gian dài. Tại Spain năm 1784, nó được Gaetano Vinacci cải biến và cải tiến, cho thêm vào dây thứ sáu, để hoàn chỉnh cây đờn như hiện nay. Rồi từ đó, để phân biệt, ta gọi cây guitare 6 dây nớ là spanish guitare. Có lẽ tây ban cầm là phiên dịch từ tên này.

Có nhạc cụ nào ta ôm gọn vào tay mà hổng thắc thỏm, rằng lạng quạng nó có thể lọt rớt bất tử ? Thưa... cây ghi ta chớ chi. Cùng với mandoline và banjo, guitare thuộc nhóm đờn dây để khảy - nhưng guitare còn để móc nữa cà - Guitare được trời ưu đãi nên khổ người gọn gàng suông sẻ, em tỉnh bơ rơi gọn vào lòng đối phương, để chàng một tay đỡ vai đỡ cổ, tay kia ve vuốt dịu dàng. Ngó thế của guitarist ngồi ôm nhạc cụ, người ta dễ tưởng tượng tới một tình yêu mang rất nhiều say đắm. Vậy hổng lãng mạn tình tứ sao ! Trái lợi, mandoline và banjo nhỏ hìu, ẵm gọn trong hai tay, nhưng ôm chúng hồi hộp thấy bà, y chang trẻ sơ sanh quấn tã, lạng quạng dám rớt cái độp. Chưa kể là hồi o oe, tiếng của chúng là thứ tiếng thiếu cảm xúc - xưa rày tiếng khóc hài nhi vốn là tiếng khóc khô không lệ !

Dòng nhạc tây ban cầm chia ra nhiều nhánh, hai nhánh chính là cổ điển và flamenco. Tây ban cầm xử dụng một số kỹ thuật riêng, đáng kể nhứt là ngón tremolo, tiếng việt là kỹ thuật reo dây. Reo dây nghe nói xuất xứ từ cách chơi mandoline hay banjo. Kỹ thuật reo dây dùng ngón tay móc - hổng khảy hổng búng nhưng móc - và móc liên tục vào cùng một nốt, âm thanh tạo ra sẽ dzéo dzắt dzô cùng.
So với các loại nhạc cụ khác, sáng tác gia viết nhạc cho guitare ngó bộ hổng nhiều, trong đó Francisco Terrega hẳn phải là người nổi tiếng nhứt. Và tấu khúc được trình diễn nhiều nhứt của ông chắn chắn phải là Recuerdos de la Alhambra.

Chút kỷ niệm xưa...

Hồi dọn về con hẻm ở Lý thái tổ, anh hai đã vào trung học. Tối tối anh hai qua chùa phụ giúp thày Tự Đức. Thày mở lớp kèm học miển phí cho đám lối xóm con nhà nghèo hiếu học. Lớp học mở trong hậu liêu, sau giờ cơm tối, đèn đóm lờ mờ. Khi nớ điện chưa phổ cập, phải dùng đèn dầu, đốt ba bốn ngọn cũng chưa soi đủ hết 4 góc bảng nữa lận. Bảng là một miếng liếp ván được chế biến rồi sơn đen - "bảng đen phấn trắng" là vậy. Sau này với thời gian, màu đen thay bằng màu xanh lục dòm thoáng mát hơn - Rồi để "khắc phục khó khăn", thày Tự Đức nhịn ăn nhịn mặc, cộng thêm công quả phụ huynh học trò góp vào, sắm được ngọn đèn măng-sông. Lớp học bỗng dưng khởi sắc.
Cách nào đó hổng hiểu, anh hai được thày truyền thụ ngón mandoline. Đờn địch ở tu sĩ công giáo là thường, ở tu sĩ phật giáo y hình hiếm thấy. Sau tía còn mang về cho anh cái banzo cũ. Tui hổng khoái mandoline, cũng hổng khoái banzo. Tiếng của chúng chán phèo, lạt lẽo vô vị buồn nản thấy bà, nghe rồi chỉ muốn đu liếp cửa leo dzìa, xoa chơn dzô giường trùm mền đi ngủ. Nhưng... đây là vốn liếng khởi đầu đã đưa anh hai vào con đường âm nhạc lâu dài sau đó.

Rồi dượng hai mang về cho thằng cháu vợ cây guitare. Có guitare anh hai y chang cá ong ra biển. Thày Tự Đức mù tịt guitare nên anh hai phải mò mẫm mình ên. Tiền tía má cho ăn sáng dằn bụng để dành đặng mua sách nhạc, cả nhạc lý lẫn bài tập. Thời đó hổng có photocopy nha, sách nhạc được đám con nhà nghèo chuyền nhau mượn qua mượn lợi, rồi nếu thích cứ việc gò lưng ghi chép để dành. Mấy chục năm dzồi, chừ tui vẫn còn nhớ cuốn Carulli giấy đã ngả vàng vì tuổi thọ, bìa chữ đen sờn nát, trong trỏng là những bài tập. Cuốn sách lúc mua đã quá xá cũ, được anh hai gối đầu giường, tụng niệm sớm tối. Rồi thày Tự Đức kiếm ra cho anh một ông thày dạy guitare. Trước tiên anh học classic, sau mới qua flamenco.
Lúc này tui chưa đi học, bàn ngày mải mê bắn bi đánh bông vụ với trẻ lối xóm, bàn đêm lăn ra ngủ, ngay khi anh chưa kịp kéo đờn ra khỏi thùng nữa cà. Má rất ghét nghe đờn (tửng tửng chẳng đâu vào đâu). Buổi tối bà có thói quen chong đèn may vá, đọc Nửa Chừng Xuân hay Đoạn tuyệt, nay sanh chia trí vì tiếng đờn (bài tập) của thằng con, chữ nghĩa lộn tùng phèo, hổng còn nhớ cô Mai cô Loan đang làm chi nói chi trong trang truyện !

Rồi tranh chấp mỗi ngày mỗi tiếp diễn, hai mẹ con cùng làu bàu về nhau tới nỗi tía phải xăn tay áo giải quyết. Tía biểu anh hai ra hàng hiên sau nhà tập đờn, vừa mát vừa yên - từ hiên Lý Thái Tổ sang tới luôn hiên Bùi Viện - Xui cái, hiên sau kế sàn nước lối xóm, môi trường muỗi mòng phát triển thuận lợi. Tối trời, muỗi túa ra nghe recital, nhạc sĩ vừa uýnh đờn vừa đập muỗi. Bữa nào xui xẻo bận xà loỏng, muỗi đột kích luôn cả bình cà phê, thò tay gãi mệt xỉu vẫn hổng đã, chưa đã... ngứa ! Rồi để bảo vệ công suất bình và phin lọc, nhạc sĩ bận quần dài túm ống và chơi luôn đôi vớ, dzồi dùng chiêu song thủ hổ bác, vừa uýnh đờn vừa đập muỗi lia chia. Mùa nào có nỗi khổ riêng của mùa nấy. Mùa mưa hương đồng nội toả ít, bù lợi muỗi nhiều; mùa nắng hương nồng nặc nhưng muỗi ít hằn lợi !

Ai nói dzậy cà, khó nghèo là môi trường huấn nhục tới nơi tới chốn. Có lẽ ngoài cây guitare ra, anh hổng còn chi khác để vui chơi. Anh chăm chỉ học chữ và chăm chỉ tập đờn. Bữa nào cũng dzậy, sau một đêm vừa tập đờn vừa đập muỗi, nhạc sĩ mầm non đạp xe máy ra đi khi trời hừng sáng, cặp-táp ràng dây thung ở porte-bagage, còn đờn trong thùng đeo lủng lẳng trên lưng. Học chữ xong thì anh đi học đờn rồi mới dzìa. Thày đờn của anh là người quen biết của thày Tự Đức, nhận dạy anh hai với học phí tượng trưng. Y hình... thày cũng kết cây đờn của anh hai dữ lắm, gạ mua gạ đổi (các thêm tiền) nhưng hổng xong. Khi mô thày có concert thì anh hai phải ép lòng mang người yêu cho thày xài đỡ.
Nói ngay tui chưa hiểu chi, thấy tiếng guitare nghe dễ chịu hơn tiếng mandoline và banzo. Sau này, thỉnh thoảng anh hai còn chơi cả hạ uy cầm, nghĩa là cây guitare cải biến, đặt nằm ngang, chơi bằng móng sắt và với một thanh sắt nhỏ rà tới rà lui trên cần đờn, thay vì bấm phím. Tiếng hạ uy cầm thoạt nghe réo rắt, nhưng nó cứ một giọng đều đều, nghe một chập sanh ớn ợn.

Tiếng đờn của anh hai hổng chỉ làm má lên ruột chia trí, nhưng y hình cả nhà ai cũng phàn nàn, nghe nó kháng chiến trường kỳ sát lỗ tai thiệt cũng khổ. Nhưng rồi... cách nào đó, hoặc lỗ tai đã quen nên hết còn chú ý, hoặc mầm non từ từ hết non, ngón đờn dần dà upgrade. Rồi... cả nhà hổng ai đế ý tới nó nữa.
Khi về Bến vân Đồn, tui đã đi học. Nhà cơi tầng, phía dưới bán buôn và phía trên để ở, anh hai có chỗ thong thả tập đờn, ngón song thủ hổ bác lùi vào dĩ dzãng. Anh chơi gì ngoài những bài tập trong Carulli thì em út mù tịt. Trừ giờ tập đọc tập viết với tía má, tui y chang gió hoang đồng nội. Mãi cho tới bữa má liệt giường liệt chiếu phải vào ra bịnh viện hà rằm. Suốt nửa năm dài nớ, trong tuần tui được má giao cho anh hai trông chừng sau giờ học, cuối tuần chị ba dẩn tui sang Khánh Hội gởi ở nhà dì hai.

Hồi mua lại căn phố của ông bà tám ốc phía sau, tía biểu: thằng hai nay đã lớn, con dọn đồ sang gác nhà ông Tám thong thả học hành. Đây là thời gian anh hai thu mình lợi trong thế giới riêng - chỉ lên nhà trên vào giờ cơm và lúc có khách - và thay thế tía má giáo dục đám em. Anh lớn hơn tui gần con giáp rưỡi - má sanh tui vào giờ thứ hai mươi lăm - má nói thằng hai lập gia đình sớm dám có con bằng em nó hổng chừng -
Và tui sợ anh hai hơn sợ tía má nữa lận ! Thời gian ở với anh hai trên căn gác, tui rầu rĩ héo hon y chang tội phạm đang thọ khổ hình. Anh hai vốn rất tận tâm với "nghề nghiệp", anh mở sách có những bài tập đọc dài ngoằng bắt tui viết theo, mỗi bữa 5- 6 trang giấy là ít. Kế đó học cửu chương làm toán, cộng trừ nhơn chia, số chẵn lẻ đơn kép, những trang bài tập lê thê loòng thoòng. Rồi... trong khi chờ đợi, anh thong thả lôi đờn ra tập.
Học hành chắc cũng là duyên nghiệp. Cousin Don nhà dì Hai học ít chơi nhiều, bài vở xếp xó cho chó gặm, chừng tới bữa nộp thì quýnh đít. Từ Khánh Hội, Don đạp xe máy qua Vĩnh Hội nhờ anh hai chỉ dùm cho lẹ. Thường anh hai dạy tui và Don cùng lượt. Tui lẹ làng làm sớm nghỉ sớm, xong ở không cũng buồn mà hổng dám phá ngang vì sợ, tui mình ên entertain ngó Don học, và ngấm luôn bài vở của Don hồi nào hổng hay. Để em bận bịu đừng nghịch ngầm, anh hai dạy luôn tui chương trình trung học của Don. Chừng má khỏi bịnh, quý nữ đã thông thái hơn nhiều bực. Lúc anh hai bắt đầu chơi Tarrega thì quý nữ đã lớn dọng dọng!
Tarrega là một trong những sáng tác gia nổi tiếng nhứt của thế kỷ 19 và mãi cho tới bây giờ, là cao thủ danh trấn giang hồ về giai điệu và kỹ thuật, cả trong trước tác lẫn trình diễn.
Giữa thế kỷ 19, ký giả cờ hoa Washington Irving theo dấu chơn viễn du của Christopher Columbus, ghé Alhambra cốt tìm kiếm lục lọi tài liệu về nhà hàng hải, rồi viết sách "Tales of Alhambra", dịch sang spanish là "Recuerdos de la Alhambra", được Tarrega dùng làm tựa tấu khúc viết cho tây ban cầm, Recuerdos de la Alambra.
Nghe nói... thời nhỏ, Tarrega bị tai nạn nên thị lực giảm rồi sanh nhút nhát, tới lớn cứ vẫn ngần ngại mỗi khi phải xuất hiện trước đám đông. Các buổi trình diễn của ông thường giới hạn tại những thính phòng nhỏ. Tarrega có giao tình gắn bó platonic với một bà goá, đẹp xấu hổng biết, nhưng trẻ và giàu có. Cô này trước tiên ghi tên thụ giáo Tarrega, sau thành luôn mạnh thường quân, bảo trợ nhạc sĩ. Cô bưng ông và toàn gia đình vợ con ông về villa của mình ở Barcelonna để thày thong thả trước tác - rất nhiều tác phẩm của Tarrega đã được viết trong thời gian này - Nhơn chuyến thăm viếng Granada, hai thày trò tới cổ thành Alhambra. Nghe nói họ đủng đỉnh đi dạo, rồi ngồi xuống một băng ghế ngó lên cổ thành, đang một màu đỏ rực trong ráng chiều. Tarrega về thai nghén bản nhạc, làm quà sanh nhựt tặng nàng như một lời tri ân (as a humble gift for your birthday...) Khi ấy cơm đang rất lành và canh đang rất ngọt.
Nhưng dzồi...yêu nhau lắm hẳn cắn nhau đau, too close for comfort có lẽ - đời vốn vẫn thế - giao tình giữa Tarrega và ân nhơn sanh trục trặc rối nùi, tới độ... một ngày đẹp trời, cô học trò tống cổ thày cùng gia đình ra khỏi villa ngay tắp lự. Khi này Tarrega đã nổi tiếng lắm dzồi. Đây là lý do vì sao lúc bản nhạc đưa sang nhà xuất bản, tấu khúc lại được đề tặng một người khác - ông bầu show đã tổ chức những buổi lưu diễn cho Tarrega tại âu châu.
Theo dòng lịch sử...
Tại đất trung đông, Ả Rập Saoudite do vua ả rập trị vị và giáo chủ hồi giáo lãnh đạo. Chuyện kế thừa dẫn đến chiến tranh, ngai vàng luân phiên đổi chủ. Sau công nguyên (AD), đám ả rập hồi giáo hùng mạnh lên, rồi nảy sanh khuynh hướng bành trướng lãnh thổ.
Đâu đó y hình vào thế kỷ 7-8, bộ tộc Moor là sắc dân sống rải rác xung quanh địa trung hải, nhưng nhiều nhứt ở bắc phi. Có thể do thất sủng, thua trận, hoặc ngán ngẩm việc gươm đao, tiểu vương Moor và bầu đoàn thê tử từ bắc Morocco vượt eo biển Gibralta tiến sang nam Spain dựng nghiệp, thành lập vương triều Moor, thần phục rồi thành chư hầu của vua Spain.
Bộ tộc Moor cai trị lãnh địa của họ tại nam Spain suốt mấy trăm trăm năm dài, dân Hồi dân Jew và dân Chúa chung sống hòa bình, tự do hành đạo giảng đạo. Kinh tế nam Spain thịnh vượng quá thể. Thành quách La Alhambra tại Granada nổi tiếng với kiến trúc điêu khắc nặng ảnh hưởng văn hóa ả rập được xây dựng dưới triều đại Moor. Nhưng ảnh hưởng và dzăng minh hồi giáo không dừng lợi ở nam Spain, nó còn theo đám thương nhân đi dọc bờ Địa trung Hải lần ngược hướng đông bắc để vào tới đất Catalane (quê hương của Pablo Casals) sát tới biên giới phía nam xứ pháp.
Thế kỷ 13 tại kinh đô Spain, nữ hoàng Isabella nối nghiệp tiên đế, cùng chồng lên ngôi cửu ngũ. Một bữa bà nhảy dựng khi hay tin hổng xa đó lắm, đế quốc thổ hồi giáo thành hình, hùng mạnh và thiện chiến. Trong khi ấy tại miệt nam ngay dưới chơn, chình ình một tên chư hầu hồi giáo, tuy ngoài mặt phục tòng nhưng hẳn chỉ chờ thời cơ tạo phản, nguy quá xá nguy!
Isabella và chồng mang quân chinh nam, 'reconquista' tái chiếm lại đất đai bộ tộc Moor đã 'chụp giựt' của Spain hơn 7 thế kỷ trước. Năm 1492, Reconquista hoàn tất, Isabella phái Christopher Colombus dong buồm ra khơi tìm đất đai mới. Hai năm sau 1494, Colombus khám phá ra châu mỹ, đóng cờ dành chủ quyền lãnh thổ cho vương triều đất Spain.
Nữ hoàng Spain tiếng dậy như cồn, được thần dân trong nước và cả thế giới ngưỡng phục. Thừa thắng xông lên, bà quyết định nhổ cỏ tận gốc ngăn ngừa hậu hoạn, Isabella hạ chiếu chỉ, buộc đám do thái và ả rập tại nam Spain phải cải đạo theo thiên chúa giáo, nếu không sẽ bị đuổi khỏi xứ. Rồi tiện thể được đà, gọn lẹ cho giựt sập luôn các mosques và synagogues tại nam Spain - Nhưng tới đền hồi giáo ở Cordoba Alhambra thì chùn tay, tiếc rẻ hổng nỡ vì thấy quá đẹp, b quyết định giữ lại, bèn thay đổi sơ sài kiến trúc và biến nó thành thánh đường Sta Maria –
Guitare...
Tiếng dziệc là tây ban cầm, nghĩa là cây đờn xứ tây ban nha. Guitare tới xứ mình từ hồi nào và tại sao gọi thế thì thiệt hổng tường, và dễ sanh lẫn lộn. Tui vẫn yên trí guitare là nhạc cụ riêng của xứ Spain - như cây đờn bầu của mình vậy - Dè đâu bé cái lầm!
Guitare xuất xứ thời cổ đại, tại cái nôi văn minh ả rập cũ, cả hàng ngàn năm trước công nguyên, và đã theo vó ngựa viễn chinh ả rập sang tới âu châu. Guitare là chữ ghép của gui (nghĩa là nhạc) với tare (nghĩa là dây). Hình dáng kích thước cây guitare thay đổi dần theo thời gian. Số dây cũng thay đổi, rồi dừng lại và cố dịnh ở năm dây trong một khoảng thời gian dài. Tại Spain năm 1784, nó được Gaetano Vinacci cải biến và cải tiến, cho thêm vào dây thứ sáu, để hoàn chỉnh cây đờn như hiện nay. Rồi từ đó, để phân biệt, ta gọi cây guitare 6 dây nớ là spanish guitare. Có lẽ tây ban cầm là phiên dịch từ tên này.
Có nhạc cụ nào ta ôm gọn vào tay mà hổng thắc thỏm, rằng lạng quạng nó có thể lọt rớt bất tử ? Thưa... cây ghi ta chớ chi. Cùng với mandoline và banjo, guitare thuộc nhóm đờn dây để khảy - nhưng guitare còn để móc nữa cà - Guitare được trời ưu đãi nên khổ người gọn gàng suông sẻ, em tỉnh bơ rơi gọn vào lòng đối phương, để chàng một tay đỡ vai đỡ cổ, tay kia ve vuốt dịu dàng. Ngó thế của guitarist ngồi ôm nhạc cụ, người ta dễ tưởng tượng tới một tình yêu mang rất nhiều say đắm. Vậy hổng lãng mạn tình tứ sao ! Trái lợi, mandoline và banjo nhỏ hìu, ẵm gọn trong hai tay, nhưng ôm chúng hồi hộp thấy bà, y chang trẻ sơ sanh quấn tã, lạng quạng dám rớt cái độp. Chưa kể là hồi o oe, tiếng của chúng là thứ tiếng thiếu cảm xúc - xưa rày tiếng khóc hài nhi vốn là tiếng khóc khô không lệ !
Dòng nhạc tây ban cầm chia ra nhiều nhánh, hai nhánh chính là cổ điển và flamenco. Tây ban cầm xử dụng một số kỹ thuật riêng, đáng kể nhứt là ngón tremolo, tiếng việt là kỹ thuật reo dây. Reo dây nghe nói xuất xứ từ cách chơi mandoline hay banjo. Kỹ thuật reo dây dùng ngón tay móc - hổng khảy hổng búng nhưng móc - và móc liên tục vào cùng một nốt, âm thanh tạo ra sẽ dzéo dzắt dzô cùng.
So với các loại nhạc cụ khác, sáng tác gia viết nhạc cho guitare ngó bộ hổng nhiều, trong đó Francisco Terrega hẳn phải là người nổi tiếng nhứt. Và tấu khúc được trình diễn nhiều nhứt của ông chắn chắn phải là Recuerdos de la Alhambra.
Chút kỷ niệm xưa...
Hồi dọn về con hẻm ở Lý thái tổ, anh hai đã vào trung học. Tối tối anh hai qua chùa phụ giúp thày Tự Đức. Thày mở lớp kèm học miển phí cho đám lối xóm con nhà nghèo hiếu học. Lớp học mở trong hậu liêu, sau giờ cơm tối, đèn đóm lờ mờ. Khi nớ điện chưa phổ cập, phải dùng đèn dầu, đốt ba bốn ngọn cũng chưa soi đủ hết 4 góc bảng nữa lận. Bảng là một miếng liếp ván được chế biến rồi sơn đen - "bảng đen phấn trắng" là vậy. Sau này với thời gian, màu đen thay bằng màu xanh lục dòm thoáng mát hơn - Rồi để "khắc phục khó khăn", thày Tự Đức nhịn ăn nhịn mặc, cộng thêm công quả phụ huynh học trò góp vào, sắm được ngọn đèn măng-sông. Lớp học bỗng dưng khởi sắc.
Cách nào đó hổng hiểu, anh hai được thày truyền thụ ngón mandoline. Đờn địch ở tu sĩ công giáo là thường, ở tu sĩ phật giáo y hình hiếm thấy. Sau tía còn mang về cho anh cái banzo cũ. Tui hổng khoái mandoline, cũng hổng khoái banzo. Tiếng của chúng chán phèo, lạt lẽo vô vị buồn nản thấy bà, nghe rồi chỉ muốn đu liếp cửa leo dzìa, xoa chơn dzô giường trùm mền đi ngủ. Nhưng... đây là vốn liếng khởi đầu đã đưa anh hai vào con đường âm nhạc lâu dài sau đó.
Rồi dượng hai mang về cho thằng cháu vợ cây guitare. Có guitare anh hai y chang cá ong ra biển. Thày Tự Đức mù tịt guitare nên anh hai phải mò mẫm mình ên. Tiền tía má cho ăn sáng dằn bụng để dành đặng mua sách nhạc, cả nhạc lý lẫn bài tập. Thời đó hổng có photocopy nha, sách nhạc được đám con nhà nghèo chuyền nhau mượn qua mượn lợi, rồi nếu thích cứ việc gò lưng ghi chép để dành. Mấy chục năm dzồi, chừ tui vẫn còn nhớ cuốn Carulli giấy đã ngả vàng vì tuổi thọ, bìa chữ đen sờn nát, trong trỏng là những bài tập. Cuốn sách lúc mua đã quá xá cũ, được anh hai gối đầu giường, tụng niệm sớm tối. Rồi thày Tự Đức kiếm ra cho anh một ông thày dạy guitare. Trước tiên anh học classic, sau mới qua flamenco.
Lúc này tui chưa đi học, bàn ngày mải mê bắn bi đánh bông vụ với trẻ lối xóm, bàn đêm lăn ra ngủ, ngay khi anh chưa kịp kéo đờn ra khỏi thùng nữa cà. Má rất ghét nghe đờn (tửng tửng chẳng đâu vào đâu). Buổi tối bà có thói quen chong đèn may vá, đọc Nửa Chừng Xuân hay Đoạn tuyệt, nay sanh chia trí vì tiếng đờn (bài tập) của thằng con, chữ nghĩa lộn tùng phèo, hổng còn nhớ cô Mai cô Loan đang làm chi nói chi trong trang truyện !
Rồi tranh chấp mỗi ngày mỗi tiếp diễn, hai mẹ con cùng làu bàu về nhau tới nỗi tía phải xăn tay áo giải quyết. Tía biểu anh hai ra hàng hiên sau nhà tập đờn, vừa mát vừa yên - từ hiên Lý Thái Tổ sang tới luôn hiên Bùi Viện - Xui cái, hiên sau kế sàn nước lối xóm, môi trường muỗi mòng phát triển thuận lợi. Tối trời, muỗi túa ra nghe recital, nhạc sĩ vừa uýnh đờn vừa đập muỗi. Bữa nào xui xẻo bận xà loỏng, muỗi đột kích luôn cả bình cà phê, thò tay gãi mệt xỉu vẫn hổng đã, chưa đã... ngứa ! Rồi để bảo vệ công suất bình và phin lọc, nhạc sĩ bận quần dài túm ống và chơi luôn đôi vớ, dzồi dùng chiêu song thủ hổ bác, vừa uýnh đờn vừa đập muỗi lia chia. Mùa nào có nỗi khổ riêng của mùa nấy. Mùa mưa hương đồng nội toả ít, bù lợi muỗi nhiều; mùa nắng hương nồng nặc nhưng muỗi ít hằn lợi !
Ai nói dzậy cà, khó nghèo là môi trường huấn nhục tới nơi tới chốn. Có lẽ ngoài cây guitare ra, anh hổng còn chi khác để vui chơi. Anh chăm chỉ học chữ và chăm chỉ tập đờn. Bữa nào cũng dzậy, sau một đêm vừa tập đờn vừa đập muỗi, nhạc sĩ mầm non đạp xe máy ra đi khi trời hừng sáng, cặp-táp ràng dây thung ở porte-bagage, còn đờn trong thùng đeo lủng lẳng trên lưng. Học chữ xong thì anh đi học đờn rồi mới dzìa. Thày đờn của anh là người quen biết của thày Tự Đức, nhận dạy anh hai với học phí tượng trưng. Y hình... thày cũng kết cây đờn của anh hai dữ lắm, gạ mua gạ đổi (các thêm tiền) nhưng hổng xong. Khi mô thày có concert thì anh hai phải ép lòng mang người yêu cho thày xài đỡ.
Nói ngay tui chưa hiểu chi, thấy tiếng guitare nghe dễ chịu hơn tiếng mandoline và banzo. Sau này, thỉnh thoảng anh hai còn chơi cả hạ uy cầm, nghĩa là cây guitare cải biến, đặt nằm ngang, chơi bằng móng sắt và với một thanh sắt nhỏ rà tới rà lui trên cần đờn, thay vì bấm phím. Tiếng hạ uy cầm thoạt nghe réo rắt, nhưng nó cứ một giọng đều đều, nghe một chập sanh ớn ợn.
Tiếng đờn của anh hai hổng chỉ làm má lên ruột chia trí, nhưng y hình cả nhà ai cũng phàn nàn, nghe nó kháng chiến trường kỳ sát lỗ tai thiệt cũng khổ. Nhưng rồi... cách nào đó, hoặc lỗ tai đã quen nên hết còn chú ý, hoặc mầm non từ từ hết non, ngón đờn dần dà upgrade. Rồi... cả nhà hổng ai đế ý tới nó nữa.
Khi về Bến vân Đồn, tui đã đi học. Nhà cơi tầng, phía dưới bán buôn và phía trên để ở, anh hai có chỗ thong thả tập đờn, ngón song thủ hổ bác lùi vào dĩ dzãng. Anh chơi gì ngoài những bài tập trong Carulli thì em út mù tịt. Trừ giờ tập đọc tập viết với tía má, tui y chang gió hoang đồng nội. Mãi cho tới bữa má liệt giường liệt chiếu phải vào ra bịnh viện hà rằm. Suốt nửa năm dài nớ, trong tuần tui được má giao cho anh hai trông chừng sau giờ học, cuối tuần chị ba dẩn tui sang Khánh Hội gởi ở nhà dì hai.
Hồi mua lại căn phố của ông bà tám ốc phía sau, tía biểu: thằng hai nay đã lớn, con dọn đồ sang gác nhà ông Tám thong thả học hành. Đây là thời gian anh hai thu mình lợi trong thế giới riêng - chỉ lên nhà trên vào giờ cơm và lúc có khách - và thay thế tía má giáo dục đám em. Anh lớn hơn tui gần con giáp rưỡi - má sanh tui vào giờ thứ hai mươi lăm - má nói thằng hai lập gia đình sớm dám có con bằng em nó hổng chừng -
Và tui sợ anh hai hơn sợ tía má nữa lận ! Thời gian ở với anh hai trên căn gác, tui rầu rĩ héo hon y chang tội phạm đang thọ khổ hình. Anh hai vốn rất tận tâm với "nghề nghiệp", anh mở sách có những bài tập đọc dài ngoằng bắt tui viết theo, mỗi bữa 5- 6 trang giấy là ít. Kế đó học cửu chương làm toán, cộng trừ nhơn chia, số chẵn lẻ đơn kép, những trang bài tập lê thê loòng thoòng. Rồi... trong khi chờ đợi, anh thong thả lôi đờn ra tập.
Học hành chắc cũng là duyên nghiệp. Cousin Don nhà dì Hai học ít chơi nhiều, bài vở xếp xó cho chó gặm, chừng tới bữa nộp thì quýnh đít. Từ Khánh Hội, Don đạp xe máy qua Vĩnh Hội nhờ anh hai chỉ dùm cho lẹ. Thường anh hai dạy tui và Don cùng lượt. Tui lẹ làng làm sớm nghỉ sớm, xong ở không cũng buồn mà hổng dám phá ngang vì sợ, tui mình ên entertain ngó Don học, và ngấm luôn bài vở của Don hồi nào hổng hay. Để em bận bịu đừng nghịch ngầm, anh hai dạy luôn tui chương trình trung học của Don. Chừng má khỏi bịnh, quý nữ đã thông thái hơn nhiều bực. Lúc anh hai bắt đầu chơi Tarrega thì quý nữ đã lớn dọng dọng!
*
Recuerdos de la Alhambra là một bài thơ viết theo thể "ngũ ngôn tứ tuyệt" gồm hai đoạn A và B, mỗi đoan 4 câu năm nốt. Đoạn A ở cung La thứ (A minor) và đoạn B cung La trưởng (A major). Mỗi đoạn được chơi hai lần, AA BB, trước khi vào kết thúc C.
"Hơi thơ" trôi liên tục nhịp nhàng bằng ngón tremolo nổi tiếng.
Tarrega hổng phải là cha đẻ của kỹ thuật tremolo, nhưng cách nào đó, ngón này được ông xử dụng trong các tác phẩm của mình và biến nó thành một trong những kỹ thuật kinh điển của dòng nhạc tây ban cầm cổ diển đương đại.
Trong Recuerdos de la Alhambra, kỹ thuật tremolo được xử dụng liên tục, suốt từ nốt nhạc đầu tới nốt nhạc cuối. Có lời giải thích của một nhóm thày bàn hồi nẳm, rằng ngón tremolo này chính là tiếng nước phông tên chảy, vì Alhambra có rất nhiều phông tên nước khắp mọi nơi. Dĩ nhiên nói khơi khơi vậy, ai thích cứ việc lập lợi nếu tin... chớ thiệt sự thì hổng căn cơ xứ sở chi ráo.
Vậy rồi ai chơi Recuerdos de la Alhambra hay nhứt? Thưa... một guitarist trẻ xứ củ sâm, cô Kyuhee Park (họ hàng với tổng thống Phác Chánh Hy hổng chừng) Thoạt đầu thấy chỉ vậy vậy, nhưng nghe một chập rồi so sánh với các guitarist khác, mới nhận ra ngón tremolo của cô Phác xuất sắc hổng ngờ.
Tiếng dây reo trong trẻo rõ ràng, cả trường độ lẫn nuances, nốt nào nốt ấy đâu vô đó dứt khoát đàng hoàng, hổng nhèo nhẹo giựt cục cà lăm, cũng hổng làm màn táo bón nhăn nhó, màu mè mụ mị cốt che lấp khuyết điểm kỹ thuật.
Xin thành khẩn khai báo rằng... đó giờ tui vốn yếu nhơn đức tin với phái "tuy đẹp nhưng lại rất yếu"- và... nói khoẻ - Đám nọ làm chi cũng hổng nên hồn (trừ... làm đẹp và làm mẹ). Cứ ngó chúng lăng xăng y phép sanh rét mướt rồi tự thương thân, vì đã bị buộc phải đứng chung hàng ngũ ! Kỳ thị phái tánh hử, hẳn là vậy rồi. Tim óc đờn bà luôn chứa đầy những bất ngờ khó hiểu khó đoán và khó căn. Đứng kế chúng hồi hộp thấy bà, hổng biết lúc mô tarzan sẽ nổi giận. Dà... tui chỉ lập lợi lời ‘tướng công và đồng bọn’ thôi.
Chừ thì nhận ra quá trễ một điều, rằng trong cái mớ bòng bong lạ lùng hổ lốn ấy, thỉnh thoảng đã vẫn nứt ra vài "kỳ hoa dị thảo" ! Và cô Phác là một ngoại lệ đứng đầu. Bàn tay ngón tay cô ngắn và nhỏ, chạy nốt trên cần đờn hẳn phải khó khăn hơn những bàn tay to dài, dềnh dàng chuối nải. Bất ngờ lý thú chớ sao ! Còn Interpretation dòng nhạc của cô thì khỏi chỗ chê !
Ngó và nghe cô Phác chơi một chập, thinh không tui sanh lòng tiếc rẻ cho mình. Ôi phải chi biết cô nghe cô sớm hơn, dám tui cũng học guitare. Chừ thì mọi việc coi như đã quá trễ !
https://www.youtube.com/watch?v=CzNVrr3oHLM
 
TỐ NGHI

  

Tuesday, January 21, 2025

BÌNH TĨNHYÊU NHAU

Ngu Yên
 
 
 
           *Thơ Ngu Yên.
            Viết lúc 3:30 sáng hôm nay,
            21 tháng 1 năm 2025.
 
Ba giờ sáng mở mắt.
Tuyết hóa thành phố mới tinh, tựa đêm qua ai lén sơn màu trắng.
Chuyện hiếm hoi Houston, nơi vương triều của nắng, trị vì những mồ hôi.
Mền dày ấm thua mền da.
Gối bông êm thua cánh tay.
Ba giờ sáng bắt đầu một ngày, khoan bàn chuyện lo lắng, vui trước đã.
Em mở nhạc.
Anh pha cà phê.
Quấn mền ngồi bên lề cuộc ngủ.
Quá đã. Hưởng chút thú tình già.
Em uống ly anh. Anh uống ly em. “Lòng cuồng điên vì nhớ, .. .”
“Chờ hoài nhau trong mơ …” dù cách nhau nửa gang tay.
Bài này mới hay: “Ta đi bằng một sợi tơ. Lung linh luồn trong khói mờ. Ta treo hồn vào tình thu. Thấy mình trôi loãng trăng loà.”
“Đêm đêm người mở lòng ra. Ôm ta trong cánh tay ngà …”
Em ôm tay anh. Anh ôm tay em. Có còn bao nhiêu ngày, ôm nhau mà không khóc?
Có còn bao nhiêu lần, không bận rộn đời ngu, được yêu nhau bình tĩnh? Cấm điện thoại reo.
Ba giờ sáng. Tuyết lạnh. Cà phê nóng. Nhạc hay.
Em nghe này:
“ Người về tay ngà thương nhớ. Kêu ta bằng một lời ru"
NGU YÊN
 
Ghi:
- Ca khúc “Hoài Cảm” của Cung Tiến.
- Ca khúc “Mộng Du” của Phạm Duy.

  

Monday, January 20, 2025

BÔNG GIẤY

Khê Kinh Kha
 

hôm nay nhận được tin mầy chết
mẹ mầy nhận xác đem về chôn
tao không về được dự đám táng
tao ngắm ảnh mầy mà phát điên
 
chẳng biết làm gì cho hết buồn
bày rượu bày cơm ra đầy bàn
nhìn cơm nhìn thịt tao chán ngấy
rượu thì tao tiếp mầy mấy chung
 
chiến tranh, ơi hỡi một chiến tranh
tao thù tao ghét súng, đạn, bom
tao oán đến nỗi phải chửi tục
sao mầy trẻ quá, chưa hai chục
còn mê dạo phố, mỗi khi về
còn mê con gái, mê uống rượu
chưa một lần yêu, chưa ước thề
 
sao mầy chết vội như sương tan
bây giờ tao uống rượu một mình
nhớ mầy tao chỉ biết gọi tên
nhớ mầy tao nhớ hàng bông giấy
bông giấy nhà ai mầy đã thương
bông giấy nhà ai chiều nay nở
nở một bông tươi, phải mầy không?
 
mai mốt ai biết mày chết trận
đời như bông giấy nở rồi tàn
đời như bông giấy nở rồi tàn
 
KHÊ KINH KHA
Michigan-1969
 

Saturday, January 18, 2025

KHUẤT ĐẨU. ĐI TÌM BÓNG MÌNH TRONG CƠN LŨ CUỒNG NỘ CỦA LỊCH SỬ

Trịnh Y Thư
 
 

 

1.
 Tình cờ tôi được một người bạn cho mượn tập truyện nhan đề Người Giữ Nhà Thờ Họ Và Những Truyện khác của nhà văn Khuất Đẩu. Tập truyện do nhà Ý Thức xuất bản năm 2009 gồm hai truyện vừa Người Giữ Nhà Thờ Họ, Huyền Trân Công Chúa, và một số truyện ngắn. Đọc xong tập truyện, tuy muộn màng, nhưng tôi vẫn muốn viết ra đây vài ba cảm nhận chủ quan của mình bởi đây là cuốn sách đáng đọc và có nhiều điều đáng nói trong đó.
 
2. Ngôi nhà của những hồn ma
Hãy tưởng tượng một ngôi nhà bề thế tại ngôi làng xa xôi, xây mất ba năm mới xong với mười sáu cái cột kiềng kiềng vững chắc, mái “da cái”, cùng xà ngang trính dọc, bị một quả bom xăng của giặc đánh trúng, bốc cháy lam nham lở nhở, nhưng không hoàn toàn sụp đổ, và chủ nhân nó lấy những tấm lá tranh và bùn đất vá víu tạm bợ thành một cái chòi rồi chui rúc sống trong đó với người con dâu suốt chín năm kháng chiến chống Pháp.
 
Không, bạn không cần tưởng tượng nhiều bởi nhà văn Khuất Đẩu đã mô tả ngôi nhà đó rất kỹ trong thiên truyện vừa Người Giữ Nhà Thờ Họ của ông in trong tập truyện này. Ngôi nhà là từ đường của dòng họ Phạm, trên bàn thờ trang nghiêm hương khói là 42 cái bài vị của 12 đời. Nó là ngôi nhà của những hồn ma, theo tác giả, và đến đời người thủ từ hiện tại, đời thứ 13, nó như chịu một lời nguyền rủa vô cùng ác độc nào đó, bởi liên tiếp hết người này đến người kia lần lượt qua đời, mà cái chết nào cũng oan khiên, đau đớn. Người em út, cô Chín, treo cổ tự tử trong nhà vì gã chồng cô ham mê cờ bạc; chú Sáu, người em trai đi đò chết chìm; và bà vợ ông một hôm trèo lên cây cau bắt tổ chim cho thằng cháu, cây cau đổ vì gốc nó mục nát, và bà ngã từ trên cao xuống, chết.
 
Với bối cảnh là không gian một ngôi làng tên An Định, thời gian cuộc kháng chiến chống Pháp, ngôi làng nằm trong vùng kiểm soát của phe kháng chiến, Khuất Đẩu đã dẫn dắt người đọc vào một thế giới truyện lạ lùng, bi thiết, xoay quanh cuộc sống tạm bợ, vất vưởng, đói kém của người thủ từ, nói lên thân phận con người trong một thực tại phi lý đến độ kinh hoàng.
 
Khuất Đẩu mở đầu câu chuyện với cảnh ngôi nhà bị trúng bom xăng của địch, bốc cháy. Tác giả nhân cách hóa ngôi nhà cháy: “Ngôi nhà phập phồng như một trái tim rướm máu. Nó hốt hoảng, kinh ngạc và nếu có thể kêu thét lên được thì nó đã rống lên rồi…” Nhưng nó không bị thiêu rụi sụp đổ thành đống tro tàn vì mười sáu cây cột vẫn đứng vững và cái mái “da cái” lợp bằng đất sét không suy suyển hư hao bao nhiêu. Thế là ông cùng người con dâu hì hụi chắp vá lại ngôi nhà ở tạm, riêng cái cửa ra vào bây giờ như lỗ chó, ra vào phải chui luồn qua y như chó. Cuộc sống dù thảm hại như thế nhưng ông không quên bổn phận người giữ nhà thờ họ, đêm đêm ông vẫn gõ đúng 42 tiếng chuông gọi 42 hồn người chết của 12 đời dòng họ trở về.
 
Chiến tranh hình như không bò về ngôi làng hẻo lánh đó của ông thủ từ, ngoại trừ lần bị máy bay địch thả bom làm cháy nhà ông, không thấy có một trận giao tranh hay càn quét nào xảy ra. Nhưng nó hiện về ở hình thức khác, tàn khốc không kém, khiến ông khốn đốn trăm bề: Cách mạng. Nói là cách mạng, nhưng trên thực tế, nó là một vụ trả thù, một vụ kích động lòng căm ghét của giai cấp này đối với giai cấp kia, mượn tay quần chúng để tiêu diệt kẻ thù của mình, một thủ đoạn vô cùng dã man thâm độc nhằm dọn lối đi cho con đường quyền lực. Những nhân vật ngày trước đầy quyền uy trong tay, thuộc thành phần cường hào ác bá như chánh tổng, lý trưởng, hương bộ, hương kiểm, ngày nay được thay thế bởi thành phần mới với tên gọi khác, chủ tịch này, chủ tịch nọ, nhưng bản chất hà hiếp, nhũng loạn người dân thì không thay đổi, thậm chí có phần tàn tệ hơn trước, như tác giả viết như sau:
“Cuộc sống vốn dĩ khó khăn, ai cũng biết vậy nhất là sống trong thời giặc giã, nhưng không ngờ lại khó khăn như thế này. Mà đâu phải trời đất hay Tây đen Tây trắng gì cho cam, chỉ là những người cùng xóm với nhau. Mới đây thôi, khi chưa có phóng tay phát động quần chúng đấu tranh giai cấp, thì dù có không ưa nhau mấy, lúc gặp nhau vẫn còn hỏi đi đâu đó, còn nói giả lả vài lời chứ đâu có nghiệt ngã như lúc này. Còn hơn cả quan phủ, quan huyện, y như cai ngục ở dưới chín tầng Diêm vương.”
 
Những kẻ làm cách mạng chỉ biết làm một việc duy nhất là khơi dậy, kích thích lòng căm thù từ những người dân xưa nay vốn sống hiền hòa bình dị. Họ là những nông dân, tá điền, người làm công, thuộc thành phần nghèo khổ nhất trong tầng lớp thôn làng, bởi thế không ít người mang sẵn máu căm ghét giai cấp có đất có ruộng, và khi lòng thù hận được khơi dậy, họ hò reo vui mừng để lộ ra bản chất thú tính trước cái chết tức tưởi của người hàng xóm:
“Căm thù giống như một dịch bệnh xa lạ từ đâu lan tới. Hệt như bệnh sốt rét, ai cũng run lên vì căm thù mà không hiểu vì sao. Trước thì căm thù thực dân Pháp, phong kiến, tiểu tư sản, giờ căm thù can thiệp Mỹ, địa chủ ác ôn, phú nông ngoan cố. Căm thù đã trở thành thước đo của tiến bộ, của năng lực và dĩ nhiên là của lòng yêu nước. Yêu nước phải căm thù và căm thù là yêu nước! Bọn họ đã nói ra rả suốt ngày đêm như thế.”
 
Ông thủ từ ngày đêm lo sợ mình bị “nâng cấp” lên thành địa chủ, vì mang danh địa chủ có nghĩa là sẽ bị đấu tố, thậm chí bị xử bắn như chơi. Ở vào thời điểm đó, chẳng có luật pháp gì cả, hay đúng hơn, luật pháp là do đám chủ tịch tùy tiện đặt ra theo chỉ thị từ trên ban xuống hay theo cảm hứng bất chợt của họ. Ông thủ từ không bị đấu tố, có lẽ, vì người con trai ông đi bộ đội chiến đấu ở vùng xa, nhưng họ cho đám thiếu niên đêm đêm đến trước vườn nhà ông rồi đứa cầm thùng thiếc, đứa mõ tre, đứa phèng la thi nhau khủng bố tinh thần ông bằng những câu chửi rủa thô tục nặng nề.
Nhưng ông sống sót cho đến ngày kháng chiến thành công. Chiến tranh, cách mạng không giết được ông, nhưng ông chết vì chính hành vi của mình.
Trong cái ổ chó ông sống với người con dâu, một đêm ông hiếp cô. Nó không phải là cái bản năng thú tính của người đàn ông khiến lương tri mờ mịt trong phút giây hoảng loạn. Nó là cái gì đau đớn, chua xót hơn nhiều:
“Ông ôm hai cái chân dựng ngược áp sát vào ngực. Rồi ông lắc như điên như dại với tất cả căm thù, tất cả tủi hận, tất cả xấu hổ trong suốt những ngày qua. Ông cũng kêu lên, rít lên như những con mụ tố khổ, như bọn trẻ hô đả đảo, có lúc gầm gầm gừ gừ như thằng Khứ hỏi cung…”
 
Làm sao ông có thể đối diện với lương tri mình bây giờ? Thêm thằng con trai từ mặt trận trở về, làm sao ông nhìn mặt nó được? Ông không thể đổ thừa cho ai hay cho bất kỳ điều gì được nữa, lại càng không nên xin lỗi, “cái lỗi to như hòn núi Đất thì xin sao được!” Và, trong một đêm tối thanh vắng có hai tiếng “bũm” vang lên từ dòng sông. Tiếng trước nhỏ hơn, đó là chai rượu chỉ còn cái vỏ; tiếng sau to hơn, nhưng nhờ tiếng chuông chùa “đang trôi trên sông đã làm cho cái tiếng ‘bũm’ mờ đi, bớt thô tục.”
 
Không giống dòng họ Buendía tại ngôi làng Macondo trong ‘Trăm Năm Cô Đơn’ của Gabriel García Márquez, dòng họ Phạm của ông thủ từ ở làng An Định không bị tuyệt tự. Người con trai của ông sống sót trở về làng sau hai mươi năm tập kết ra Bắc. Nay đã là một người trung niên, anh về chỉ để chứng kiến cảnh tượng hoang tàn đổ nát của ngôi nhà thờ họ. “Chẳng còn gì cả ngoài một đống đất đầy cỏ dại và những cây tảo nhơn, cây thù đâu.” Anh được người làng báo tin rằng cha anh đã chết và vợ anh về ở bên nhà cha mẹ ruột. Anh tức tốc lội sông qua tìm vợ con. Chị vợ biết anh đến, cô lánh mặt, từ trong nhà nói vọng ra: “Nó là dòng dõi họ Phạm đấy. Nhưng tôi không còn là vợ anh!”
 
Khuất Đẩu kết thúc truyện với câu nói bỏ lửng của người con dâu. Cái kết đột ngột để lại nỗi thắc mắc nhức nhối trong lòng người đọc: Đứa con thừa tự của dòng họ Phạm là con ông thủ từ, đời thứ 13, hay con của người con trai đi tập kết, đời thứ 14? Nó là câu hỏi không có câu trả lời, song nó như tô đậm thêm tính cách bi thảm tuyệt vọng của thân phận con người trong cơn lũ cuồng nộ, như thể tấn bi kịch đến đó chưa đủ, chưa là đoạn cuối, mà có thể còn kéo dài thêm nữa, kéo dài ra mãi.
 
3.
Với truyện vừa Người Giữ Nhà Thờ Họ, nhà văn Khuất Đẩu sử dụng bút pháp phân mảnh, phi tuyến tính, phần tự sự đan xen với hồi ức. Nhà văn cố ý chia nhỏ, trình bày câu chuyện theo cách rời rạc, thường không có trình tự thời gian rõ ràng, để phản ánh thực tế phức tạp. Bút pháp này thường thấy ở các tác phẩm văn học Hiện đại và Hậu hiện đại, nó thách thức các cấu trúc kể chuyện truyền thống, buộc người đọc phải tự ghép lại ý nghĩa từ các yếu tố rời rạc. Với kỹ thuật viết đó, Khuất Đẩu đã vẽ lại toàn cảnh cơn lũ cuồng nộ càn quét qua đất nước Việt Nam trong một bối cảnh lịch sử khốc liệt.
 
Giữa tác phẩm văn học và lịch sử có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, vì cả hai đều tìm cách thể hiện, diễn giải và cố gắng thấu hiểu trải nghiệm của con người nói chung. Tác phẩm văn học phản ánh bối cảnh lịch sử, xã hội, chính trị và văn hóa mà từ đó nó được viết ra. Nó có thể nắm bắt được thái độ, giá trị và hệ tư tưởng của thời đại, đóng vai trò là thấu kính để hiểu rõ hơn các quan điểm lịch sử, có thể đưa ra góc nhìn về lịch sử mà sử học truyền thống có thể bỏ qua. Trong khi các nhà sử học hướng đến sự thể hiện thực tế, nhà văn có thể sử dụng bối cảnh lịch sử để khám phá những sự thật phổ quát về bản chất con người hoặc tính đạo đức. Mối quan hệ giữa  tác phẩm văn học và lịch sử là cộng sinh và phức tạp. Trong khi lịch sử cung cấp nguồn tài liệu phong phú cho tác phẩm văn học, thì tác phẩm văn học, ngược lại, tăng bổ sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử qua phần tự sự có chiều sâu, qua sự cộng hưởng cảm xúc và trình bày một hay nhiều quan điểm khác với sử học truyền thống.
 
Những điều biên chép trong lịch sử không nhất thiết là sự thật, chưa chắc là chân lý. Chính văn hào người Anh thế kỷ XIX Samuel Butler đã thốt câu “Thượng đế không thể thay đổi quá khứ, nhưng sử gia thì có thể.” Napoléon Bonaparte, một người lính, một ông tướng, thì bộc trực hơn, xổ toẹt “Lịch sử là một tập hợp những điều nói láo!” Riêng đối với lịch sử Việt Nam thời cận và hiện đại thì lịch sử đôi khi chẳng qua chỉ là một văn bản tuyên truyền hay tài liệu học tập cho cán bộ đảng viên của đảng cầm quyền. Không tin tôi ư? Bạn hãy giở bộ sách nhan đề Đại Cương Lịch Sử Việt Nam do các “sử gia” Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Khánh và Nguyễn Đình Lễ biên soạn thì rõ. Bởi thế, tác phẩm văn học còn mang thêm trọng trách rất lớn. Nó tiếp nối lịch sử, vén lên cho thấy sự thật lịch sử bị che giấu dưới bức màn ý thức chính trị, thậm chí ý thức hệ. Nó khơi lại vết thương dân tộc đang dần dà chìm vào quên lãng.
 
Bạn có thể lắc đầu tỏ vẻ không đồng ý: Tại sao phải nhắc lại một vết thương đã lành? Tại sao không quên đi quá khứ và hướng về tương lai để tìm nguồn sinh lực mới cho dân tộc?
 
Tôi hoàn toàn không chia sẻ luận điểm của bạn. Những điều nhà văn Khuất Đẩu miêu thuật trong thiên truyện Người ‘Giữ Nhà Thờ Họ’ của ông là lịch sử, một lịch sử đau buồn của dân tộc, và lịch sử càng đau buồn thì càng nên nói đi nói lại về nó, càng nên ghi nhớ trong tâm trí để không bao giờ cho nó cơ hội tái diễn thêm một lần nữa. Trước Khuất Đẩu, đã có nhiều nhà văn, điển hình như Ngô Ngọc Bội, Võ Văn Trực, và ở chừng mực nào đó, Tô Hoài, nói về cuộc cách mạng đổ máu gây ra cái chết oan uổng cho hàng vạn con người. Lịch sử này bị chính sử cố ý bôi xóa, bóp méo. Chính sử thời quân chủ phong kiến cũng như thời cộng sản bây giờ được viết bởi kẻ thống trị; họ tô vẽ, sửa đổi lịch sử theo ý đồ, mục tiêu của họ, hiếm khi sự thực đen tối được tôn trọng một cách trung thực (ngoại trừ Tư Mã Thiên, và vì thế ông bị tội cung hình). Nhà văn là người dùng tài năng và quả tim mình điền vào chỗ trống, những lỗ hổng khiếm khuyết khổng lồ, do sử quan triều đình hay sử gia ăn lương Nhà nước để lại. Và như thường nghe nói, lịch sử sẽ tái diễn nếu ta lãng quên nó, ngòi bút của nhà văn giúp ta hiểu bài học lịch sử một cách thấu đáo, sâu sắc hơn. Hơn nữa, câu chuyện của nhà văn mang nặng chiều kích cảm xúc, vì đối tượng của văn học luôn là yếu tố con người, nên lịch sử được kể bởi nhà văn là một lịch sử sống, mà qua đó ta có thể hòa nhập vào các nhân vật và cảnh huống họ trải nghiệm.
 
Khuất Đẩu, qua thiên truyện vừa ‘Người Giữ Nhà Thờ Họ’, là một trong những nhà văn như thế.
 
4. Những truyện ngắn: Hiện thực hay phi thực?
Nếu truyện vừa Người giữ nhà thờ họ là chín phần hiện thực một phần phi thực thì những truyện ngắn khác của Khuất Đẩu gần như chìm đắm trong không gian phi thực, như muốn tháo gỡ mọi ràng buộc của hiện thực, dù là hiện thực văn chương, để bay bổng lên một hiện thực cao hơn, nơi có những điều mà chỉ có thể được truyền tải, giải mã bằng một giấc mơ.
 
Tính phi thực trong văn chương cho phép người viết phản ánh bản chất đa diện của trải nghiệm con người. Bằng cách xem cái phi thực là một phần của hiện thực, trộn lẫn phi thực vào hiện thực, tác giả gửi gắm được vào tác phẩm của mình những sự thật của cảm xúc sâu thẳm, đồng thời thách thức những nhận thức thông thường và tôn vinh sự phong phú của trí tưởng tượng cùng sự đa dạng văn hóa.
 
Khuất Đẩu đã làm được như vậy trong những truyện ngắn của ông, những truyện như: Những con đom đóm; Cha chung; Những hạt nút áo; Chiếc mặt nạ; Thư gửi người tình trăm tuổi; Tiểu công chúa; Bóng tháp; Vua Tango, v.v…, mỗi truyện đều có một mô-típ phi thực làm chủ đạo cho suy nghiệm, ý tưởng và hàm nghĩa, dẫn dắt người đọc truy tìm một ý nghĩa nào đó cho cuộc nhân sinh.
 
Truyện Vua Tango thuật chuyện một người đàn ông, trước cuộc đổi đời lịch sử, là một tay chơi khét tiếng, một “ông hoàng của các vũ trường”, nhưng khi thất trận và thất thế, anh xung phong đẫn vợ con lên vùng Kinh tế mới kiếm sống. Lên vùng đất hoang vu, anh không làm ruộng làm vườn kiếm kế sinh nhai mà chỉ trồng thuốc lá và pha chế cà phê, bởi anh nghiện nặng hai thứ đó. Anh có vẻ sống ung dung một mình trong căn chòi lụp sụp, vợ con ở nơi khác, dưới thị trấn làm ăn lẻ. Anh tiếp người bạn cũ (người kể chuyện) bằng một tách cà phê đậm đà nguyên vẹn hương vị thuở xa xưa.
 
Tuy lấy bối cảnh hiện thực làm phông cho câu chuyện, tác giả đã không cho phần tự sự dừng lại ở bên này đường biên mà đẩy nó vào vòng tròn huyễn mộng của phi thực khi cho Vua Tango chết đột ngột trong lúc đang làm cái việc mà anh yêu thích nhất: nhảy một đỉệu Tango, tại bữa tiệc trùng phùng hội ngộ với những người ngày xưa là học trò của anh.
 
Trong suy nghĩ của riêng tôi, đây là một truyện ngắn mang tính phi lý, nói cách khác, nó là sự xung đột giữa con người đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống với một thế giới tàn bạo đến độ đóng băng. Nó là thân phận con người bị bánh xe lịch sử nghiền nát. Nhưng thay vì khuất phục và cam chịu, nhân vật của Khuất Đẩu đối mặt với sự phi lý bằng cách ngửng đầu lên thách thức nó. A, mày đày đọa thể xác và tâm hồn tao ư? Tao đếch sợ! Tao vẫn cứ làm những điều tao thích, mày làm gì được tao? Cuộc sống thiếu ý nghĩa khách quan không bắt buộc ta phải tuyệt vọng mà thay vào đó, nó mời gọi ta hãy sống trọn vẹn bất chấp chính sự phi lý đó. Cuộc sống vốn đầy dẫy mâu thuẫn và những điều phi lý, mà phi lý nhất là chiến tranh. Theo quan điểm của nhà văn kiêm triết gia Albert Camus thì phản ứng thích hợp đối với sự phi lý là hãy sống cho có mục đích và mãnh liệt, hầu tạo ra ý nghĩa của riêng ta trong một vũ trụ không có ý nghĩa nào.
 
Nhìn từ khía cạnh phi-triết, cái chết của “Vua Tango” là cái chết lãng mạn, chân phúc, thật đẹp. Một cái chết khác, đẹp và lãng mạn không kém, là cái chết của người đàn bà trong truyện Bóng tháp. Người đàn bà có chồng tử trận trong chiến tranh (vâng, chiến tranh là nỗi ám ảnh khôn nguôi trong toàn bộ sáng tác của Khuất Đẩu), và một hôm, khi cuộc chiến đã tàn, cô đi bốc mộ xác người chồng, bỏ vào một chiếc thùng xốp và vác nó suốt ba chặng đường dài – một chuyến tàu hỏa, một chuyến xe hơi, và một đoạn đường đi bộ – để đem bộ hài cốt về giao tận tay người bên gia đình chồng trong một làng thôn hẻo lánh. Suốt mười năm cô sống trong mong đợi, đợi ngày hoàn tất nhiệm vụ vô cùng khó khăn đó. Trong thời gian đó, cô gặp người khác, một người từ nước ngoài về và anh ta tha thiết muốn cô chắp nối lại mối lương duyên với anh ta trong tháng ngày còn lại. Câu chuyện sẽ tầm thường biết mấy nếu tác giả cho người đàn bà ra về với một tâm trạng nhẹ nhõm, hân hoan, đầu óc vẽ ra hình ảnh và ước vọng tương lai sinh sống tại nước ngoài với người chồng mới. Không, rất may, nó không mắc phải nhược điểm ấu trĩ đó. Khuất Đẩu là một cây bút lão luyện, thẩm thấu rất rõ giá trị văn chương, và phần kết câu chuyện là đoạn văn tả cảnh người đàn bà tự trầm xuống dòng sông thật đẹp, đẹp đến não nùng:
 
“Nàng tìm cách xuống sông. Những hòn đất rơi lõm bõm làm mặt sông nhăn nhúm run rẩy. Khi nước ngập đến cổ, nàng dừng lại. Đợi cho mặt nước lặng yên, nàng ngắm cái bóng tháp đựng đầy trong lòng sông. Ngọn tháp như được lau rửa, thắm đỏ đẹp lạ lùng. Nàng há miệng ra uống vào một ngụm. Cả bầu trời xanh trong vắt, cả ngọn đồi tròn trĩnh và cả ngọn tháp đỏ rực như mới xây, chui tuột vào bụng nàng. Một sức nặng không con số nào đo được kéo nàng xuống sát đáy. Trên cao, một con chim bói cá đâm bổ xuống như một mũi lao, rồi chỉ trong chợp mắt, mang lên một chú cá cuống quýt quẫy cái đuôi óng ánh bạc. Mặt trời lặn xuống thật nhanh như có ai đó thò tay đánh cắp.”
 
Thiên truyện chấm dứt ngay đó, và không ai hiểu nguyên do động lực nào khiến người đàn bà tìm cái chết tại dòng sông. Tại sao cô chết trong khi tương lai đời sống tốt đẹp hơn đang chờ đón cô ở chân trời phía trước mặt. Cô không thể sống vì chồng cô không còn tại thế với cô nữa ư? Không đâu. Cô đã sống được mười năm trời sau cái chết đau đớn của chồng mình. Hay là cô mang sẵn trong lòng ý nguyện chết theo chồng một khi đưa được hài cốt anh về nhà? Không thấy tác giả nói gì về điều đó, và tôi cũng chẳng muốn tin như vậy, bởi nó có vẻ “trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh làm câu trau mình, quốc văn giáo khoa thư” lắm, nó không có chỗ đứng trong một thiên truyện có tính cách tân như truyện Khuất Đẩu.
 
Cũng như không ai hiểu nguyên do động lực nào khiến nàng Anna Karenina của Tolstoy gieo mình quyên sinh trước đầu máy chiếc tàu hỏa, người đàn bà của Khuất Đẩu nhìn thấy cái đẹp diễm ảo của cái bóng ngọn tháp khi nước sông ngập đến cổ cô. Cái chết đẹp như ngọn tháp, và có sự tương quan kỳ lạ, thậm chí ma mị, giữa hai sự vật tưởng chừng chẳng liên hệ gì đến nhau đó. Và đó là cái đẹp của văn chương khi được bao phủ bởi lớp sương mù của khí hậu phi thực đầy mộng ảo.
 
Ở một thiên truyện khác, Những con đóm đóm, người đàn bà lẽ ra phải đi tìm cái chết thì lại hồi tỉnh, hồi tâm và hồi sinh. Cô tìm ra con đường sống cho mình sau những trầm luân của kiếp người khi bị dìm xuống tận đáy bùn đen nhơ nhớp. Cô là gái điếm, một thứ đĩ rạc rài, tiếp khách làng chơi trong những ống bi bên vệ đường ngoài đồng ruộng. Cô có đứa con trai còn bé rất đĩnh ngộ, nhưng chẳng may nó xấu số chết sớm. Cô tin là linh hồn đứa bé biến thành con đom đóm và một đêm nọ trong lúc cô đang tiếp khách trong ống bi thì một con đom đóm bay vào khiến cô thốt nhiên tỉnh ngộ và cô vùng lên chạy như điên dại ra biển. Cô chạy ra biển không phải để tự trầm xuống mặt nước mà để gột rửa bùn nhơ trong tâm hồn cô.
 
Ta phải hiểu đó là giây phút khải thị. Con đom đóm, theo niềm tin của người đàn bà trong truyện, và hầu hết dân gian, là linh hồn người chết, chính là một biểu tượng ám chỉ ánh sáng hy vọng, một thứ ánh sáng tuy chập chờn yếu ớt nhưng đầy ân phúc bao dung. Nó là hy vọng được cứu chuộc và vẫn được sống như một con người, bởi sống như con người, cho trọn kiếp, là cái gì cực kỳ khó khăn.
 
Tương tự như thiên truyện vừa ‘Người Giữ Nhà Thờ Họ’, ở những truyện ngắn, tác giả không sử dụng thủ pháp Hiện thực Huyền ảo, không có những chi tiết miêu thuật thế giới hoang đường, siêu nhiên; nó cũng không phải là giấc mơ trôi ra từ tiềm thức hoặc vô thức của trường phái Siêu thực, mà chỉ khéo léo trộn lẫn tự sự phi thực vào tự sự hiện thực như một cảnh ngộ tình cờ, khó có thể xảy ra trên đời, nhưng không phải tuyệt đối không thể xảy ra, như những truyện ngắn ‘Tiểu Công Chúa’, ‘Cha Chung’…
 
 Truyện ‘Tiểu Công Chúa’ thuật câu chuyện một lão họa sĩ già vẽ những bức tranh tháp bay. Truyện ngắn này hàm chứa quan điểm của tác giả về nghệ thuật thị giác:
 
“Chẳng phải là mơ sao mà đồng hồ báo thức lại mềm hẳn ra như sắp chảy, một con dê mà cũng biết kéo vĩ cầm… Đột nhiên tôi thấy mình ngộ ra: vẽ, không phải kỳ khu như một thợ thủ công mà phải biết chơi với sắc màu như đứa bé chơi đùa trên cát…”
 
Hiển nhiên, trong đoạn văn trên, Khuất Đẩu muốn nhắc tới hai nhà danh họa nửa đầu thế kỷ XX: Salvador Dalí và Marc Chagall, vốn là những họa sĩ tiên phong định hình cho luồng gió mới trong nghệ thuật hội họa Hiện đại Tây phương, và trong lúc đọc, tôi không thể không nhớ đến câu nói rất nổi tiếng của Pablo Picasso: “Tôi mất bốn năm để vẽ như Raphael, nhưng phải mất cả đời để vẽ như một đứa trẻ”.
 
Sự thú vị khi đọc truyện Khuất Đẩu là những chỗ tinh tế như thế.
 
5.
Lịch sử hình như đè nặng ngòi bút của nhà văn Khuất Đẩu. Với Huyền Trân Công chúa, truyện vừa thứ hai trong tập truyện, ông bơi ngược dòng lịch sử bảy trăm năm về thời Nhà Trần để dựng lại câu chuyện nàng công chúa nổi tiếng nhất lịch sử Việt Nam: Huyền Trân.
 
Hình như Khuất Đẩu không hài lòng với những điều biên chép trong chính sử: “Vì sao một vì vua anh minh và nhân hậu như Trần Nhân Tông lại đem con gái yêu của mình gả bán cho Chế Mân? Trần Khắc Chung là ai mà sau khi cứu được công chúa lại cùng nàng tư tình trên biển gần cả năm mới về?” Ông không ngần ngại đưa ra hai nghi vấn như thế, và đây chính là tiền đề cho câu chuyện ông muốn thuật lại.
 
Phải chăng chữ nghĩa do sử quan Nhà Trần viết, “Anh Tông được tin ấy sai Trần Khắc Chung giả mượn tiếng vào thăm để cứu công chúa. Nhân đó Khắc Chung cùng nàng tư thông trên biển” đã khiến Khuất Đẩu bất bình, và ông thấy cần phải viết thiên truyện này để cho thấy cái nhìn của ông sử quan nào đó chưa hẳn là đúng? Cái từ “tư thông”, nặng như búa tạ, sắc như lưỡi gươm đao phủ, là nỗi nhục oan uổng và oan khiên cho một nàng công chúa đã quên mình hy sinh vì lợi ích quốc gia. Nàng có tội tình gì, nếu không muốn nói là có công rất lớn đối với đất nước Đại Việt, mà phải chịu tiếng xấu nghìn thu như thế?
 
Khuất Đẩu nhất định không chịu tin lời vu oan giá họa hàm hồ của lão sử quan già nua khệnh khạng trọng nam khinh nữ cổ hủ triều Trần. Trong Lời phi lộ của thiên truyện, ông viết:
“Quê tôi gần thành Đồ Bàn. Cái kinh đô đã từng in dấu chân của Huyền Trân qua bao cuộc biển dâu giờ chỉ còn lại một bờ thành cũ bằng đất và tháp Cánh Tiên. Ngọn tháp đẹp nhất trong các ngọn tháp của xứ Chămpa, vẫn đứng sừng sững cùng với thời gian. Phải chăng vì có bóng dáng của Huyền Trân nên nó vẫn sáng long lanh như một khối ngọc khổng lồ. Ngọn tháp đẹp đến nỗi dù ở xa tận xứ Trầm Hương này, tôi vẫn thấy nó chiếu sáng từng đêm. Đó là cái Đẹp đã cứu rỗi cả một dân tộc.”
 
 Trong mắt nhìn của Khuất Đẩu, công chúa Huyền Trân là biểu tượng cho cái Đẹp cao cả. Nàng là công chúa, cành vàng lá ngọc, nhưng lại thích cưỡi ngựa bắn cung và có lòng nhân hậu thương người, nhất là người dân nghèo khổ trong xã hội. Khi về xứ Chiêm làm vương hậu một quốc gia, tuy không lớn mạnh bằng Đại Việt nhưng hùng cứ một phương một cõi, nàng được thần dân xứ này yêu mến y như thuở còn ở quê nhà. Nàng yêu thương Chế Mân vì thấy ông vua này cũng là bậc anh hùng chứ không phải “thằng Mán thằng Mường” như những kẻ xấu mồm xấu miệng mỉa mai xách mé.
 
Khuất Đẩu tuyệt đối không có cái nhìn khinh bỉ đối với Chế Mân và dân tộc Chiêm Thành nói chung. Theo ông, đó là một dân tộc hiền hòa, hồn nhiên, chân thật, và có nền văn minh, văn hóa rực rỡ với hàng trăm ngọn tháp tuyệt đẹp được dựng lên khắp nơi trong xứ sở. Vẫn theo ngòi bút của Khuất Đẩu thì Huyền Trân về với Chế Mân được một năm, có thai trong bụng, nhưng chẳng may Chế Mân bất ngờ tử nạn trong một cuộc săn voi, và theo phong tục xứ Chiêm nàng phải chết theo chồng trên giàn hỏa thiêu. Nhưng vì đang có thai nên nàng được tạm hoãn, và nhân dịp đó, Trần Khắc Chung, theo lệnh của triều đình Nhà Trần, giả mượn tiếng viếng tang lễ Chế Mân, lập kế bắt công chúa đem đi.
 
Đây là đoạn Khuất Đẩu đi chệch ra khỏi chính sử. Trong truyện, công chúa Huyền Trân sau khi thoát khỏi thành Đồ Bàn được Trần Khắc Chung đưa đến một hòn đảo nhỏ ngoài biển Đông, tại đây nàng hạ sinh đứa bé, nhưng đứa bé chết lúc ra đời. Sau đó nàng bị Trần Khắc Chung cưỡng bức. Khuất Đẩu vẽ hình ảnh Trần Khắc Chung là một vị tướng hèn hạ, lỗ mãng, dung tục, tham sắc, và chẳng hề có mối tình lãng mạn nào giữa ông ta và công chúa, chẳng hề có chuyện “tư tình, tư thông, tư thiếc” như chính sử biên chép.
 
Bị Trần Khắc Chung cưỡng bức, tại sao Huyền Trân không tự kết liễu đời mình, chết theo chồng? Tại sao nàng vẫn về lại Thăng Long, lên núi Yên Tử thăm phụ hoàng Nhân Tông, lúc đó đã là một nhà tu, nhưng nàng không chịu đi tu, mà tiếp tục sống trong hoang lạnh cho đến cuối đời? Khuất Đẩu kết thúc thiên truyện ở đó mà không cho chúng ta câu trả lời.
 
Nhưng câu trả lời có quan trọng lắm không? Sự thật là không ai biết nàng sống như thế nào sau khi về lại đất Đại Việt. Theo dã sử và thần tích sau này thì nàng lên chùa tu ở núi Trâu Sơn theo di mệnh của vua Nhân Tông. Điều ấy chưa hẳn là chính xác, có thể do người đời sau thêu dệt. Liệu nàng có lấy một người chồng khác hay về phủ Thiên Trường sống ẩn dật ngày ngày quét dọn ngôi nhà tế tự của dòng tộc họ Trần?
 
Dù thế nào chăng nữa thì Khuất Đẩu vẫn nhìn thấy một Huyền Trân “đẹp long lanh như tháp Cánh Tiên giữa phế tích Đồ Bàn” như trong lời Kết của thiên truyện.
 
Trở lại với quyết định của vua Nhân Tông gả Huyền Trân cho vua Chiêm, Khuất Đẩu có ý chê trách vua Nhân Tông, một vì vua “anh minh và nhân hậu, mà lại đem con gái yêu của mình gả bán cho vua nước Chiêm” như ông viết trong Lời phi lộ. Tôi thì nghĩ ngược lại. Theo tôi, vua Nhân Tông đã rất sáng suốt, khôn ngoan và nhân hậu khi đem con gái yêu của mình gả cho Chế Mân!
 
Sau hai cuộc chiến tranh khốc liệt với quân Nguyên và mặc dù đánh đuổi được quân xâm lăng ra khỏi bờ cõi, đất nước Đại Việt lúc đó đã kiệt quệ lắm rồi, dân tình thống khổ vì chiến tranh, và sách lược đối ngoại tốt nhất là tìm cách hòa hiếu với quốc gia ở phương Nam hầu tránh nạn đao binh không cần thiết. Trong thời gian chín tháng viếng thăm Chiêm Thành, Nhân Tông nhìn thấy tiềm lực của vương quốc này, họ không hèn yếu như nhiều người ở Thăng Long, do mặc cảm tự tôn, từng lạc quan đánh giá một cách sai lạc. Và quả nhiên như thế, sau Nhân Tông, Đại Việt đã khốn đốn nhiều phen với Chế Bồng Nga, một hậu duệ của Chế Mân. Chính vua Duệ Tông bị tử trận tại thành Đồ Bàn, và thành Thăng Long bị Chế Bồng Nga đem quân ra công phá ba lần.
 
Hôn nhân, dù là dị chủng, giữa các vương triều thời quân chủ phong kiến vốn là phương sách ngoại giao hữu hiệu, vua Nhân Tông đã không bỏ lỡ cơ hội để bảo đảm hòa bình cho Đại Việt, ít nhất trong một thời gian vài ba mươi năm, hầu dành thời gian tái thiết quốc gia, lấy lại sinh lực dân tộc. Và thêm mối lợi to, nghìn dặm đất hai châu Ô-Rí (một dải đất bao gồm hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị ngày nay) từ nay thuộc về Đại Việt mà không mất một mũi tên, không đổ một giọt máu. Vua Nhân Tông quả là một nhà lãnh đạo tài giỏi và ngài đã đặt quyền lợi quốc gia lên trên tình cảm gia đình, dòng tộc.
 
Khuất Đẩu khi viết thiên truyện này không có ý đồ viết lại lịch sử. Ông chỉ muốn làm công việc duy nhất là cố tẩy xóa cái từ “tư thông” tai ác ghi trong chính sử, cho chính ông mà thôi, bởi ông nhìn thấy cái Đẹp của Huyền Trân công chúa. Và cũng bởi thế, truyện hiền lành, cận nhân tình, hướng thiện. Với thiên truyện này, Khuất Đẩu không có những ẩn dụ tinh sắc và tinh tế của Nguyễn Huy Thiệp (do sống cả đời dưới bóng đen che phủ của cái-gọi-là Hiện thực Xã hội chủ nghĩa nên không thoát được cái vòng kim cô mà Czeslaw Milosz gọi là tâm thức ngục tù); nó cũng thiếu cái tàn nhẫn phi lý đặc trưng của Trần Vũ (do căm ghét giai cấp thống trị nên không ngần ngại giải thiêng, dung tục hóa các thần vị anh hùng). Nhưng Khuất Đẩu có cái nhìn nhân bản, và đó chính là điểm mạnh làm nền tảng cho ngòi bút của ông.
 
6.
Truyện Khuất Đẩu, dù là truyện ngắn hay truyện vừa, mở ra trong tâm tư người đọc nhiều liên tưởng bát ngát; bên dưới lớp vỏ thô nhám, sần sùi, đôi khi tàn bạo, khốc liệt, là những chua xót, ngậm ngùi cho thân phận con người, những thân phận bị chôn vùi dưới con trốt xoáy của lịch sử và dòng đời. Đọc Khuất Đẩu không phải để tìm kiếm câu trả lời cho những vấn nạn nhân sinh, nhà văn không đưa ra đáp án, lại càng không rao giảng đạo đức, thậm chí một lời an ủi cũng không.
 
Tác phẩm văn học, khác với một cuốn sách sử học, chính trị học, tâm lý học, xã hội học, v.v… ở chỗ nó khám phá những tình huống, bình thường và phi thường, để có thể đào sâu vào những trải nghiệm phổ quát của con người như tình yêu, sự mất mát, cái chết, ý nghĩa cuộc sống, các mối quan hệ, tính đạo đức cũng như phi đạo đức, những xung đột, niềm vui, nỗi đau khổ và sự phức tạp của cảm xúc. Nó chiêm nghiệm cách thế mỗi cá nhân điều hướng những chủ đề này trong bối cảnh cuộc sống và xã hội của họ, đưa ra những nhân vật và tình huống dễ đồng cảm, và gây được tiếng vang sâu thẳm trong lòng người đọc. Nó va chạm và trăn trở những vấn đề của muôn kiếp trước, của nghìn kiếp sau chứ không phải nhất thời, vì vậy, nó không bao giờ trở nên cũ kỹ, lỗi thời. Trang sách có thể úa vàng rách nát nhưng những con chữ trên mặt sách vẫn nóng hôi hổi như vừa được viết ra với dòng máu sục sôi.
 
Tôi tin là Khuất Đẩu đã làm được điều đó qua tập truyện ‘Người Giữ Nhà Thờ Họ’ và những truyện khác của ông.
 
TRỊNH Y THƯ
(1/2025)