Tạp
ghi của Khuất Đẩu
Nhà văn Kiệt Tấn. Đinh Cường
vẽ
Năm
năm rồi cách biệt,
không phải từ khi em lấy chồng, mà từ lúc ông bạn đồng niên Kiệt Tấn khệnh khạng
một mình bay về Paris và cố thủ trên tầng thứ 15 của một cao ốc ở ngoại ô với nỗi
thao thức không biết em điên xõa tóc Evelyne có còn sống hay đã chết, tiếp đó
là dịch cúm Tàu may mà không dính chấu, nhưng rồi tuổi cùng lực kiệt lại phải đẩy
xe lăn cho vợ, mãi đến đầu tháng tư năm nay mới bay về Sài Gòn lục tỉnh, để
thăm lại chiến trường (tình ái) xưa, nơi có em Tuyết bán nước mía đã từng lăn
lóc yêu nhau trên bờ sông Cổ Chiên mà không sợ rớt xuống sông ướt cái quần nylon.
Năm
năm rồi, bao nhiêu người cùng tuổi đã chết như Trương Thìn, Pélé, và mới đây là
Đặng Tiến, nhưng tôi thà sống bầm dập chứ không chịu chết chỉ để gặp cho bằng
được con hải cẩu già nọ. Tôi đã định chống gậy leo lên xe lửa để vào gặp chàng
nhưng bà vợ chưa chịu già nhất định không cho đi, vì không chỉ nửa phần bên dưới
có hư hao như cụ Trần Văn Khê dưới cái nhìn của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc mà đến cả
“một chăm phần chăm em ơi” hư hết cả rồi dù chưa thối rữa!
Thì
thôi, đành nằm (thiệt) mà chờ vậy.
Lữ
Kiều mới đây đã sang Lào tìm tới Cánh Đồng Chum, chui vào chum đá thò đầu ra chụp
hình cứ như cụ rùa ở hồ Hoàn Kiếm, rồi lại xuống suối tắm (không tiên) cùng các
nàng tiên tóc vàng trời Tây, trông hãy còn sung lắm, nên dù có phải ngồi 9 tiếng
đồng hồ trên xe để ra chơi Ninh Hòa, cũng đâu có khó khăn gì. Nhưng chống gậy
đi một mình thì được chứ bảo chăm sóc (dù là bác sĩ), cậu Sáu Tấn Bạc Liêu thì
không kham nổi. May mà có chàng Duy đang tuổi “gió heo may” dù mới tự mình làm
gãy xương bánh chè, bảo chuyện khó nhất là xuất bản sách cho Kiệt Tấn còn mần
được, nhằm nhò gì chuyện phò tá cho chàng ra thăm miền Trung.
Than
ôi, đúng là Trời (chứ không phải đảng) có mắt, nên ba cụ già sống dai đến bốn
phần tư thế kỷ và tuổi cọng lại cũng đến một phần tư thiên niên kỷ gặp được
nhau, sướng còn hơn tổng thống Ba Lan gặp tổng thống Zelensky.
Câu
chào đầu tiên của Kiệt Tấn, là “chưa chịu chết hả?”. Đáp: vẫn chưa! Kiệt Tấn cười:
“Thế thì tốt”. Giống như TT Ba Lan hỏi TT Ucraina “chưa chịu đầu hàng hả”. Đáp:
Không bao giờ!”
Rượu
vang đỏ thứ thiệt của Mỹ rót vào ly thủy tinh trong vắt của Đức, cụng ly mừng
tuổi trời cho nghe cái boong thật “đã”. Rồi đó, cá ngừ tươi rói kho keo, cháo
lươn dẻo quẹo do bà vợ chưa chịu già đem lên thơm phức. Các cụ tha hồ “xơi” tha
hồ uống, khề khà chuyện văn nghệ văn gừng, mãi đến khi chàng Duy lên tiếng giục
mới chịu về khách sạn.
Mặc
dù nằm ở ngã ba nhưng không phải “ngã ba sung sướng” vì nữ chủ nhân không cho
nai móng đỏ ra vào, khách sạn tuy chỉ có 3 sao nhưng rất yên tĩnh, nên các cụ
đánh một giấc đến hơn 8 giờ sáng mới chịu thức dậy.
Bắt
đầu một ngày mới là ăn sáng với bánh ướt nóng nhà quê giữa trung tâm phố thị rồi
đi uống cà phê cách xa đến hơn chục cây số. Một nơi mà hơn 40 năm trước chỉ
toàn núi rừng heo hút đêm đêm rền vang tiếng pháo 155 ly bắn qua từ quân trường
Dục Mỹ, nơi những người dân Nha Trang thua cuộc bị những người thắng cuộc mời
ra định cư với tên gọi mỹ miều là kinh tế mới. Thủa còn đủ sức chạy xe Honda chứ
không phải thủa “làm thơ yêu em” tôi thường chở em (không còn) nhỏ lên đây qua
9 con dốc bập bềnh hao hao giống núi rừng Đà Lạt, chỉ khác là đi dưới cơn gió
Lào nóng hừng hực chứ không phải dưới sương mù lành lạnh.
Nơi
đây có một quán cà phê dễ thương tên Gió Núi. Nữ chủ quán (đã chết) bán mỗi
ngày đến mấy trăm ly cho những người trồng mía khi đường cát sau 1975 rất có
giá vì không nhập đường Cuba và cấm cả đường La Hai ở Phú yên vào. Cả một vùng
rừng núi bạt ngàn trồng toàn mía sau khi những người di dân bắt buộc phải phá rừng
lấy củi đốt than đưa xuống Ninh Hòa hay vào Nhatrang để đổi lấy gạo muối. Ngày
đó, có những cảnh trông thấy ứa nước mắt: cảnh cha kéo con đẩy, hay con kéo mẹ
đẩy những cái cộ chất đầy củi hoặc than, từ nửa đêm đã thúc dậy, mắt nhắm mắt mở,
ì ạch leo qua 9 con dốc, nghiêng ngã qua những con đường đất lầy lội, đến sáng
sớm mới tới được chợ Ninh Hòa, thì bị quản lý thị trường hốt, đành bóp bụng đói
uống nước lã kéo xe không trở về! Đó cũng là thời nhiều người bỏ nước ra đi,
chưa tới được bến bờ của tự do đã phải chui vào bụng cá sau khi bị hải tặc cướp
phá và làm nhục. Ôi đất nước tôi, kiếp nạn này phải chăng là do cha ông ta đã
gây nên hận Đồ Bàn!
Đã
đến giờ ăn trưa, tôi đưa các cụ về lại phố thị, vào một quán cơm có tên rất gợi
cảm là Lò Gạch cũ (nhưng không bán cháo hành), gợi nhớ đến Chí Phèo nhưng Thị
gì đó chứ không phải Thị Nở. Quầy trét bằng đất sét, giữa xếp đầy củi gộc,
nhưng bên trong có phòng VIP, máy lạnh đèn chùm khá sang. Quán chỉ bán cơm,
không bán đồ nhậu nên không có tiếng “dô! dô!”, rất dễ chịu. Một đĩa cá kho, một
đĩa thịt rim mặn, một bát gà nấu lá giang, một tô canh tập tàn, một đĩa rau luộc.
Tất cà đều cùng một giá 8 chục ngàn. Rất
dễ ăn, như một bữa cơm trong gia đình. Nghe đâu chủ quán là người Sài Gòn biết
cách kinh doanh, nên quán ngày càng đông khách. Nhưng cũng tại Sài Gòn, Lữ Kiều
bảo, một quán có tên là Thị Nở, mở ra chưa đầy tháng đã ngỏm cù đeo.
Lẽ
ra tôi phải đưa hai cụ xuống Dốc Lết tắm biển, ăn tôm hùm, nhưng cả người đã mỏi
rụi, âm thầm đau nhức không chịu nổi, nên đành nhờ chàng Duy đưa đi, hẹn tối
mai uống một bữa nữa ở hầm rượu vang.
Hầm
rượu vang là tên một nhà hàng kín đáo biệt lập nằm cách cảng Hòn Khói chừng hơn
cây số, chỉ thấy biển xa xa chứ không nghe tiếng sóng. Quán rất bề thế, có cả một
gian mà bốn bức tường chất đầy rượu vang Pháp, Mỹ, Úc, Chilê…thứ thiệt. Ghế bàn
đều thiết kế bằng những mảnh gỗ trông giống như lấy ra từ những thùng đựng rượu
vang đã cũ. Quán rất vắng khách, có lẽ chủ quán chỉ muốn bày ra chơi đễ giữ đất
hay để chờ thời đường cao tốc nối từ Ban mê thuộc xuống tận cảng. Khi đó chỉ cần
một vài tàu viễn dương cập bến, thủy thủ lên bờ đổ vào quán là sống khỏe.
Giờ,
là nơi các cò đất tới lui, các giao kèo làm ăn bạc tỷ được ký kết, cũng là nơi
mà một vài cặp tình nhân lãng mạn ngồi đối mặt nhau, giữa là một chai vang đỏ vừa
mới khui và một cây đèn bạch lạp đang cháy. Cũng là nơi các cụ già trên tám
mươi chống gậy đến với nhau chắc là lần cuối trước khi đi vào xứ sở của cõi trời
quên!
Dù
tới Hầm rượu vang, nhưng để phòng hờ chưa chắc rượu ở đó có ngon không, nên Kiệt
Tấn bảo tôi mang theo chai vang Ý. Tới nơi, giữa bốn bức tường đầy rượu, Kiệt Tấn
chọn một chai của Úc bảo Duy khui để ngửi mùi, nếm rồi chắp chắp, sau cùng là gật
đầu ô kê. Tôi bảo, chỉ vì Úc đòi điều tra con virut ở Vũ Hán mà Tầu cộng trả
đũa bằng cách cấm nhập khẩu rượu vang làm Úc chới với.
Thây
kệ Tập Cận Bình. Cụng ly nào! Cụng, nhưng nghe “cạch” chứ không “boong”, chắc
là ly made in Chợ lớn!
Cua,
tôm, cá thì ăn đã đời rồi. Giờ uống để chia tay mà chắc là không bao giờ gặp lại
nữa nên chỉ gọi một đĩa xà lách trộn và khoai tây chiên.
Không
bin rịn, không ngậm ngùi, mặc dù có nhắc đến Tương Biệt Dạ của Huyền Kiêu. Lữ
Kiều nói, thôi bỏ hết, giờ nói chuyện tình cho nó trẻ ra.
Chuyện
tình thì ai qua được Kiệt Tấn. Tôi hỏi: Trong những chuyện ông kể tôi tin là thật,
nhưng chắc cũng có đôi chỗ không thật, có thể là do kết cấu, do ngại đụng chạm
đến ai…
Không,
chẳng có gì đụng chạm. Viết về một ai đó, tôi phải nói tên thật, đổi tên khác
không cách gì viết được, như Tuyết, như Diane, như Evelyne.
Thế,
chuyện cắt tóc của anh, xe lông của nàng cũng thiệt sao?
Thiệt
chớ, tôi cất trong hộc bàn, một hôm bà xã tôi lục tìm gì đó, mở gói giấy ra thấy
rõ cớ sự bã nổi tam bành quậy tá lả một trận!
Hỏi:
Bã có đốt hay vứt đi không?
Không.
Bã tôn trong sự riêng tư. Chỉ quậy thôi.
Thế
mà tôi cứ tưởng ông phịa ra để mỉa mai chuyện cắt tóc xe tơ của các cụ xưa. Còn
anh Lộc, ổng có giận không?
Chắc
có, giờ ổng ở Canada không thèm hỏi nói gì tôi. Bị em cướp người yêu mà sao
không giận.
Tôi
đâu có cướp. Chả là thế này, lúc còn trẻ thiếu đàn bà là tôi như thiếu mất nửa
người, không học hành, làm việc gì được. Khi qua Pháp chơi với Lộc, tôi buồn mốn
khóc. Một hôm Lộc đi đâu đó, thấy tôi buồn ủ buồn ê, nàng rủ tôi xuống hầm nghe
nhạc. Tại đó nàng bỗng hôn tôi tới tấp rồi tới bến luôn. Các nàng khác cũng vậy,
thấy tôi hạp nhãn là nhào vô. Mà đã nhào vào thì tới luôn chớ không giáo đầu
giáo đuôi gì cả.
Với
em điên xỏa tóc, tôi nói, thì rõ ràng là anh có tán tỉnh, rủ nàng xuống phố mút
cà rem.
Không
phải tán tỉnh mà cảm ơn vì nhờ nàng mà tôi hết điên. Người con gái đó bị cha hiếp
mà mẹ không bênh vực lại ghen nên nàng nổi điên, còn chút yêu đời nào mà xáp
vào tôi, chỉ ngồi mút cà rem là khá lắm rồi.
Ôi
chao, tôi kêu lên, viết về ông tới đoạn này tôi cũng muốn nổi điên và nếu có một
người điên với mái tóc phương đông đà đuột, tôi sẵn lòng mua cả thùng cà rem để
cả hai cùng mút. Trái ngược với ông, truyện của tôi toàn hư cấu, có một chút thật
nào là hỏng ngay.
Cả
ba cùng cười.
Tôi
lại nói: Anh bảo anh không yêu, chỉ biết làm tình như con hải cẩu động dục, chỉ
nghe kể thôi (chứ không thấy) mà Ngyễn Mộng Giác hơi thở đã phải rướn cong, thảo
nào các bà muốn làm mẫu nghi thiên hạ định kiện anh ra tòa vì tội xúc phạm phụ
nữ.
Tôi
không biết thế nào là tình yêu, anh nói: thật đấy, như trong Bến đò trao thơ,
chẳng qua tôi và em còn quá nhỏ, trao thơ bậy bạ vậy thôi. Lúc gặp Tuyết tôi đã
đậu Tú tài, được Lộc cho chiếc vespa cũ hãy còn le lói lắm, bị đám cao bồi ruộng
chận đường gây sự, Tuyết đã la lên không được đánh anh ấy, ngu sao đánh người
có tú tài 2? Thấy chưa, nàng đã có ý trao thân cho người học giỏi, tôi dại gì
mà không nhận.
Hai
cụ cùng cười, có cả nhà tôi nửa tin nửa ngờ, nhưng rất vui, có vẻ trẻ ra như hồi
mười lăm mười bảy.
Với
tôi, anh nói tiếp, nếu có tình yêu và tình dục, thì cả hai cũng chỉ là một. Yêu
mà không làm tình may ra chỉ có nhà tu, mà tôi, dù theo mẹ đi chùa nhưng không
bao giờ muốn trở thành thầy tu. Ai sao tôi không biết, với tôi chỉ có thương.
Vì thương nên tôi nhớ mãi Tuyết dù nàng đã lấy chồng và đã chết khi chưa già.
Và tôi cũng đã nhét một phong bì đựng 3000 đổng hồi đó to lắm hết nửa tháng
lương Lộc cho qua khe cửa tồi tàn bên đường xe lửa, nhà của một cô cave mà vì
nóng giận chưa mần ăn chi được đã nổi giận đùng đùng bỏ đi, bên tai còn vọng lại
tiếng nàng kêu thê thiết như tiếng còi tàu.
Có
lẽ là vậy, tôi nói, anh thương con vịt vàng bị xe nhà binh Pháp cán, thương bà
cụ Bắc kỳ di cư, thương bà mẹ bán cà rem, thương bà bán đậu phộng lép, thương
ông bán dây chằng làm bằng ruột xe hơi, thương em điên xỏa tóc, thương nụ cười
tre trúc của mẹ, tình thương của anh rất nhiều mầu sắc, nhưng toàn là những hạng
người nghèo, không được đẹp.
Rượu
trong chai đã cạn, thôi chia tay từ đây, nhưng chắc còn bịn rịn, nên lấy cớ đi
xem Ninh Hòa by night, hai cụ lại theo tôi lên Ninh Hòa ăn kem ở Inka. Kem xong
đã 10 giờ đêm. Các cụ về Dốc Lết, nằm nghe sóng vỗ. Thương cho các cụ ngày mai
lại phải ngồi 9 tiếng để vào Sài Gòn và thương cho mình, từ đây mồ côi bạn!
Hôm
nay ngồi ghi lại những dòng này mà buồn muốn khóc. Đọc truyện xưa thấy các cụ
lúc ấy chắc hơn sáu mươi chống gậy đến thăm nhau, cứ tưởng là chuyện hiếm.
Không ngờ, nay tôi và hai cụ, một từ Sài Gòn, một từ Paris, tiếc là cụ Lữ Quỳnh
đã về Mỹ, nếu không thế nào cũng theo ra, thương ôi, những ông già bát thập gặp
nhau phều phào mà vui đáo để. Uống một chút rượu, kể cho nhau nghe vài chuyện
bâng quơ, còn hơn là đứng trước mộ đọc điếu văn hay khóc bằng câu đối.
Giữa
lúc thế giới khùng điên sắp bước vào thế chiến thứ ba, trong khi khoa học tiến
những bước vượt thời gian giúp con người sống ảo mà như thật, ngay cả yêu nhau.
Nhưng tình bạn, nhất là tình già là sống thật chứ không ảo, nhất là khi chống gậy
đến thăm nhau.
Xin
cảm ơn hai bạn già đã không quản đường xa gối mỏi lặn lội cả ngàn cây số đến
thăm tôi, xin cảm ơn những chiếc gậy đã nâng đỡ các cụ khỏi nghiêng ngã, và xin
cảm ơn cuộc đời đã cho tôi gặp được những người bạn quý.
KHUẤT
ĐẨU
23/4/2023
Ba ông bạn già.
Kiệt Tấn. Khuất Đẩu. Lữ
Kiều
No comments:
Post a Comment