Sunday, April 30, 2023

CHỐNG GẬY ĐẾN THĂM NHAU

Tạp ghi của Khuất Đẩu
 
Nhà văn Kiệt Tấn. Đinh Cường vẽ

Khuất Đẩu & Kiệt Tấn
 
Năm năm rồi cách biệt, không phải từ khi em lấy chồng, mà từ lúc ông bạn đồng niên Kiệt Tấn khệnh khạng một mình bay về Paris và cố thủ trên tầng thứ 15 của một cao ốc ở ngoại ô với nỗi thao thức không biết em điên xõa tóc Evelyne có còn sống hay đã chết, tiếp đó là dịch cúm Tàu may mà không dính chấu, nhưng rồi tuổi cùng lực kiệt lại phải đẩy xe lăn cho vợ, mãi đến đầu tháng tư năm nay mới bay về Sài Gòn lục tỉnh, để thăm lại chiến trường (tình ái) xưa, nơi có em Tuyết bán nước mía đã từng lăn lóc yêu nhau trên bờ sông Cổ Chiên mà không sợ rớt xuống sông ướt cái quần nylon.
 
Năm năm rồi, bao nhiêu người cùng tuổi đã chết như Trương Thìn, Pélé, và mới đây là Đặng Tiến, nhưng tôi thà sống bầm dập chứ không chịu chết chỉ để gặp cho bằng được con hải cẩu già nọ. Tôi đã định chống gậy leo lên xe lửa để vào gặp chàng nhưng bà vợ chưa chịu già nhất định không cho đi, vì không chỉ nửa phần bên dưới có hư hao như cụ Trần Văn Khê dưới cái nhìn của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc mà đến cả “một chăm phần chăm em ơi” hư hết cả rồi dù chưa thối rữa!
Thì thôi, đành nằm (thiệt) mà chờ vậy.
 
Lữ Kiều mới đây đã sang Lào tìm tới Cánh Đồng Chum, chui vào chum đá thò đầu ra chụp hình cứ như cụ rùa ở hồ Hoàn Kiếm, rồi lại xuống suối tắm (không tiên) cùng các nàng tiên tóc vàng trời Tây, trông hãy còn sung lắm, nên dù có phải ngồi 9 tiếng đồng hồ trên xe để ra chơi Ninh Hòa, cũng đâu có khó khăn gì. Nhưng chống gậy đi một mình thì được chứ bảo chăm sóc (dù là bác sĩ), cậu Sáu Tấn Bạc Liêu thì không kham nổi. May mà có chàng Duy đang tuổi “gió heo may” dù mới tự mình làm gãy xương bánh chè, bảo chuyện khó nhất là xuất bản sách cho Kiệt Tấn còn mần được, nhằm nhò gì chuyện phò tá cho chàng ra thăm miền Trung.
 
Than ôi, đúng là Trời (chứ không phải đảng) có mắt, nên ba cụ già sống dai đến bốn phần tư thế kỷ và tuổi cọng lại cũng đến một phần tư thiên niên kỷ gặp được nhau, sướng còn hơn tổng thống Ba Lan gặp tổng thống Zelensky.
 
Câu chào đầu tiên của Kiệt Tấn, là “chưa chịu chết hả?”. Đáp: vẫn chưa! Kiệt Tấn cười: “Thế thì tốt”. Giống như TT Ba Lan hỏi TT Ucraina “chưa chịu đầu hàng hả”. Đáp: Không bao giờ!”
 
Rượu vang đỏ thứ thiệt của Mỹ rót vào ly thủy tinh trong vắt của Đức, cụng ly mừng tuổi trời cho nghe cái boong thật “đã”. Rồi đó, cá ngừ tươi rói kho keo, cháo lươn dẻo quẹo do bà vợ chưa chịu già đem lên thơm phức. Các cụ tha hồ “xơi” tha hồ uống, khề khà chuyện văn nghệ văn gừng, mãi đến khi chàng Duy lên tiếng giục mới chịu về khách sạn.
 
Mặc dù nằm ở ngã ba nhưng không phải “ngã ba sung sướng” vì nữ chủ nhân không cho nai móng đỏ ra vào, khách sạn tuy chỉ có 3 sao nhưng rất yên tĩnh, nên các cụ đánh một giấc đến hơn 8 giờ sáng mới chịu thức dậy.
 
Bắt đầu một ngày mới là ăn sáng với bánh ướt nóng nhà quê giữa trung tâm phố thị rồi đi uống cà phê cách xa đến hơn chục cây số. Một nơi mà hơn 40 năm trước chỉ toàn núi rừng heo hút đêm đêm rền vang tiếng pháo 155 ly bắn qua từ quân trường Dục Mỹ, nơi những người dân Nha Trang thua cuộc bị những người thắng cuộc mời ra định cư với tên gọi mỹ miều là kinh tế mới. Thủa còn đủ sức chạy xe Honda chứ không phải thủa “làm thơ yêu em” tôi thường chở em (không còn) nhỏ lên đây qua 9 con dốc bập bềnh hao hao giống núi rừng Đà Lạt, chỉ khác là đi dưới cơn gió Lào nóng hừng hực chứ không phải dưới sương mù lành lạnh.
 
Nơi đây có một quán cà phê dễ thương tên Gió Núi. Nữ chủ quán (đã chết) bán mỗi ngày đến mấy trăm ly cho những người trồng mía khi đường cát sau 1975 rất có giá vì không nhập đường Cuba và cấm cả đường La Hai ở Phú yên vào. Cả một vùng rừng núi bạt ngàn trồng toàn mía sau khi những người di dân bắt buộc phải phá rừng lấy củi đốt than đưa xuống Ninh Hòa hay vào Nhatrang để đổi lấy gạo muối. Ngày đó, có những cảnh trông thấy ứa nước mắt: cảnh cha kéo con đẩy, hay con kéo mẹ đẩy những cái cộ chất đầy củi hoặc than, từ nửa đêm đã thúc dậy, mắt nhắm mắt mở, ì ạch leo qua 9 con dốc, nghiêng ngã qua những con đường đất lầy lội, đến sáng sớm mới tới được chợ Ninh Hòa, thì bị quản lý thị trường hốt, đành bóp bụng đói uống nước lã kéo xe không trở về! Đó cũng là thời nhiều người bỏ nước ra đi, chưa tới được bến bờ của tự do đã phải chui vào bụng cá sau khi bị hải tặc cướp phá và làm nhục. Ôi đất nước tôi, kiếp nạn này phải chăng là do cha ông ta đã gây nên hận Đồ Bàn!
 
Đã đến giờ ăn trưa, tôi đưa các cụ về lại phố thị, vào một quán cơm có tên rất gợi cảm là Lò Gạch cũ (nhưng không bán cháo hành), gợi nhớ đến Chí Phèo nhưng Thị gì đó chứ không phải Thị Nở. Quầy trét bằng đất sét, giữa xếp đầy củi gộc, nhưng bên trong có phòng VIP, máy lạnh đèn chùm khá sang. Quán chỉ bán cơm, không bán đồ nhậu nên không có tiếng “dô! dô!”, rất dễ chịu. Một đĩa cá kho, một đĩa thịt rim mặn, một bát gà nấu lá giang, một tô canh tập tàn, một đĩa rau luộc. Tất cà đều cùng một giá 8 chục ngàn.  Rất dễ ăn, như một bữa cơm trong gia đình. Nghe đâu chủ quán là người Sài Gòn biết cách kinh doanh, nên quán ngày càng đông khách. Nhưng cũng tại Sài Gòn, Lữ Kiều bảo, một quán có tên là Thị Nở, mở ra chưa đầy tháng đã ngỏm cù đeo.
 
Lẽ ra tôi phải đưa hai cụ xuống Dốc Lết tắm biển, ăn tôm hùm, nhưng cả người đã mỏi rụi, âm thầm đau nhức không chịu nổi, nên đành nhờ chàng Duy đưa đi, hẹn tối mai uống một bữa nữa ở hầm rượu vang.
 
Hầm rượu vang là tên một nhà hàng kín đáo biệt lập nằm cách cảng Hòn Khói chừng hơn cây số, chỉ thấy biển xa xa chứ không nghe tiếng sóng. Quán rất bề thế, có cả một gian mà bốn bức tường chất đầy rượu vang Pháp, Mỹ, Úc, Chilê…thứ thiệt. Ghế bàn đều thiết kế bằng những mảnh gỗ trông giống như lấy ra từ những thùng đựng rượu vang đã cũ. Quán rất vắng khách, có lẽ chủ quán chỉ muốn bày ra chơi đễ giữ đất hay để chờ thời đường cao tốc nối từ Ban mê thuộc xuống tận cảng. Khi đó chỉ cần một vài tàu viễn dương cập bến, thủy thủ lên bờ đổ vào quán là sống khỏe.
 
Giờ, là nơi các cò đất tới lui, các giao kèo làm ăn bạc tỷ được ký kết, cũng là nơi mà một vài cặp tình nhân lãng mạn ngồi đối mặt nhau, giữa là một chai vang đỏ vừa mới khui và một cây đèn bạch lạp đang cháy. Cũng là nơi các cụ già trên tám mươi chống gậy đến với nhau chắc là lần cuối trước khi đi vào xứ sở của cõi trời quên!
 
Dù tới Hầm rượu vang, nhưng để phòng hờ chưa chắc rượu ở đó có ngon không, nên Kiệt Tấn bảo tôi mang theo chai vang Ý. Tới nơi, giữa bốn bức tường đầy rượu, Kiệt Tấn chọn một chai của Úc bảo Duy khui để ngửi mùi, nếm rồi chắp chắp, sau cùng là gật đầu ô kê. Tôi bảo, chỉ vì Úc đòi điều tra con virut ở Vũ Hán mà Tầu cộng trả đũa bằng cách cấm nhập khẩu rượu vang làm Úc chới với.
 
Thây kệ Tập Cận Bình. Cụng ly nào! Cụng, nhưng nghe “cạch” chứ không “boong”, chắc là ly made in Chợ lớn!
 
Cua, tôm, cá thì ăn đã đời rồi. Giờ uống để chia tay mà chắc là không bao giờ gặp lại nữa nên chỉ gọi một đĩa xà lách trộn và khoai tây chiên.
Không bin rịn, không ngậm ngùi, mặc dù có nhắc đến Tương Biệt Dạ của Huyền Kiêu. Lữ Kiều nói, thôi bỏ hết, giờ nói chuyện tình cho nó trẻ ra.
 
Chuyện tình thì ai qua được Kiệt Tấn. Tôi hỏi: Trong những chuyện ông kể tôi tin là thật, nhưng chắc cũng có đôi chỗ không thật, có thể là do kết cấu, do ngại đụng chạm đến ai…
Không, chẳng có gì đụng chạm. Viết về một ai đó, tôi phải nói tên thật, đổi tên khác không cách gì viết được, như Tuyết, như Diane, như Evelyne.
Thế, chuyện cắt tóc của anh, xe lông của nàng cũng thiệt sao?
Thiệt chớ, tôi cất trong hộc bàn, một hôm bà xã tôi lục tìm gì đó, mở gói giấy ra thấy rõ cớ sự bã nổi tam bành quậy tá lả một trận!
Hỏi: Bã có đốt hay vứt đi không?
Không. Bã tôn trong sự riêng tư. Chỉ quậy thôi.
Thế mà tôi cứ tưởng ông phịa ra để mỉa mai chuyện cắt tóc xe tơ của các cụ xưa. Còn anh Lộc, ổng có giận không?
Chắc có, giờ ổng ở Canada không thèm hỏi nói gì tôi. Bị em cướp người yêu mà sao không giận.
Tôi đâu có cướp. Chả là thế này, lúc còn trẻ thiếu đàn bà là tôi như thiếu mất nửa người, không học hành, làm việc gì được. Khi qua Pháp chơi với Lộc, tôi buồn mốn khóc. Một hôm Lộc đi đâu đó, thấy tôi buồn ủ buồn ê, nàng rủ tôi xuống hầm nghe nhạc. Tại đó nàng bỗng hôn tôi tới tấp rồi tới bến luôn. Các nàng khác cũng vậy, thấy tôi hạp nhãn là nhào vô. Mà đã nhào vào thì tới luôn chớ không giáo đầu giáo đuôi gì cả.
Với em điên xỏa tóc, tôi nói, thì rõ ràng là anh có tán tỉnh, rủ nàng xuống phố mút cà rem.
Không phải tán tỉnh mà cảm ơn vì nhờ nàng mà tôi hết điên. Người con gái đó bị cha hiếp mà mẹ không bênh vực lại ghen nên nàng nổi điên, còn chút yêu đời nào mà xáp vào tôi, chỉ ngồi mút cà rem là khá lắm rồi.
Ôi chao, tôi kêu lên, viết về ông tới đoạn này tôi cũng muốn nổi điên và nếu có một người điên với mái tóc phương đông đà đuột, tôi sẵn lòng mua cả thùng cà rem để cả hai cùng mút. Trái ngược với ông, truyện của tôi toàn hư cấu, có một chút thật nào là hỏng ngay.
 
Cả ba cùng cười.
 
Tôi lại nói: Anh bảo anh không yêu, chỉ biết làm tình như con hải cẩu động dục, chỉ nghe kể thôi (chứ không thấy) mà Ngyễn Mộng Giác hơi thở đã phải rướn cong, thảo nào các bà muốn làm mẫu nghi thiên hạ định kiện anh ra tòa vì tội xúc phạm phụ nữ.
Tôi không biết thế nào là tình yêu, anh nói: thật đấy, như trong Bến đò trao thơ, chẳng qua tôi và em còn quá nhỏ, trao thơ bậy bạ vậy thôi. Lúc gặp Tuyết tôi đã đậu Tú tài, được Lộc cho chiếc vespa cũ hãy còn le lói lắm, bị đám cao bồi ruộng chận đường gây sự, Tuyết đã la lên không được đánh anh ấy, ngu sao đánh người có tú tài 2? Thấy chưa, nàng đã có ý trao thân cho người học giỏi, tôi dại gì mà không nhận.
Hai cụ cùng cười, có cả nhà tôi nửa tin nửa ngờ, nhưng rất vui, có vẻ trẻ ra như hồi mười lăm mười bảy.
 
Với tôi, anh nói tiếp, nếu có tình yêu và tình dục, thì cả hai cũng chỉ là một. Yêu mà không làm tình may ra chỉ có nhà tu, mà tôi, dù theo mẹ đi chùa nhưng không bao giờ muốn trở thành thầy tu. Ai sao tôi không biết, với tôi chỉ có thương. Vì thương nên tôi nhớ mãi Tuyết dù nàng đã lấy chồng và đã chết khi chưa già. Và tôi cũng đã nhét một phong bì đựng 3000 đổng hồi đó to lắm hết nửa tháng lương Lộc cho qua khe cửa tồi tàn bên đường xe lửa, nhà của một cô cave mà vì nóng giận chưa mần ăn chi được đã nổi giận đùng đùng bỏ đi, bên tai còn vọng lại tiếng nàng kêu thê thiết như tiếng còi tàu.
Có lẽ là vậy, tôi nói, anh thương con vịt vàng bị xe nhà binh Pháp cán, thương bà cụ Bắc kỳ di cư, thương bà mẹ bán cà rem, thương bà bán đậu phộng lép, thương ông bán dây chằng làm bằng ruột xe hơi, thương em điên xỏa tóc, thương nụ cười tre trúc của mẹ, tình thương của anh rất nhiều mầu sắc, nhưng toàn là những hạng người nghèo, không được đẹp. 
 
Rượu trong chai đã cạn, thôi chia tay từ đây, nhưng chắc còn bịn rịn, nên lấy cớ đi xem Ninh Hòa by night, hai cụ lại theo tôi lên Ninh Hòa ăn kem ở Inka. Kem xong đã 10 giờ đêm. Các cụ về Dốc Lết, nằm nghe sóng vỗ. Thương cho các cụ ngày mai lại phải ngồi 9 tiếng để vào Sài Gòn và thương cho mình, từ đây mồ côi bạn!
 
Hôm nay ngồi ghi lại những dòng này mà buồn muốn khóc. Đọc truyện xưa thấy các cụ lúc ấy chắc hơn sáu mươi chống gậy đến thăm nhau, cứ tưởng là chuyện hiếm. Không ngờ, nay tôi và hai cụ, một từ Sài Gòn, một từ Paris, tiếc là cụ Lữ Quỳnh đã về Mỹ, nếu không thế nào cũng theo ra, thương ôi, những ông già bát thập gặp nhau phều phào mà vui đáo để. Uống một chút rượu, kể cho nhau nghe vài chuyện bâng quơ, còn hơn là đứng trước mộ đọc điếu văn hay khóc bằng câu đối.
 
Giữa lúc thế giới khùng điên sắp bước vào thế chiến thứ ba, trong khi khoa học tiến những bước vượt thời gian giúp con người sống ảo mà như thật, ngay cả yêu nhau. Nhưng tình bạn, nhất là tình già là sống thật chứ không ảo, nhất là khi chống gậy đến thăm nhau.
 
Xin cảm ơn hai bạn già đã không quản đường xa gối mỏi lặn lội cả ngàn cây số đến thăm tôi, xin cảm ơn những chiếc gậy đã nâng đỡ các cụ khỏi nghiêng ngã, và xin cảm ơn cuộc đời đã cho tôi gặp được những người bạn quý.
KHUẤT ĐẨU
23/4/2023
 
Ba ông bạn già.
Kiệt Tấn. Khuất Đẩu. Lữ Kiều


ĐOẠN GHI BUỔI TRƯA MÙA ĐÔNG

nguyễnxuânthiệp


Buổi trưa
nằm bên cửa sổ. thở hương nắng
chợt tiếng dương cầm. của cháu sherry. vẳng tới
và tôi như thấy lại
khu vườn. nguyệt lãng. với tiếng chim
NXT

Saturday, April 29, 2023

NHÀ NGÓI ĐỎ TRONG KÝ ỨC HỖN MANG

Trương Vũ


Chân dung Trương Gia Vy và Nguyễn Xuân Hoàng.
Sơn dầu Trương Thị Thịnh
 
Cách đây hơn hai tuần, tôi nhận được tin chị Trương Gia Vy ra đi. Chị là hiền thê của nhà giáo/nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Anh cũng đã ra đi, trước chị gần chín năm. Chuyện tình của họ được biết nhiều trong giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật và báo chí. Họ lấy nhau năm 1973, được tiếng là người đẹp lấy người đẹp, và có với nhau bốn con. Tôi quen chị Vy qua Nguyễn Xuân Hoàng. Chị là một phụ nữ dễ mến, tận tụy với chồng con ngay cả trong thời gian mang bệnh, mà là một bạo bệnh. Tin chị ra đi, dù là tin buồn nhưng bạn bè mừng cho chị chấm dứt những đau đớn thể xác kéo dài hàng chục năm. Trên FaceBook, tôi có ghi vài giòng chữ này: “Mừng cậu Hoàng gặp lại người tình năm xưa”. “Cậu Hoàng” là chữ NXH thường dùng cho mình trong những trò chuyện thân mật với bạn bè.
Nguyễn Xuân Hoàng là một bạn vong niên của tôi, thuộc lớp trên ở trung học Võ Tánh, Nha Trang. Anh tốt nghiệp Sư Phạm Triết, Viện Đại Học Đà Lạt. Sau khi ra trường dạy Triết ở trung học Ngô Quyền, một năm sau chuyển về dạy ở Pétrus Ký cho đến 1975. Anh chị và các cháu sang Mỹ năm 1985 theo diện đoàn tụ gia đình, định cư ở San Jose từ đó cho đến ngày mất. Tuy xuất thân nhà giáo nhưng NXH dấn thân vào văn học và báo chí nhiều hơn. Anh từng đảm nhiệm những vai trò quan trọng trong các tạp chí văn chương hay báo chí nổi tiếng như Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21, Người Việt, Viet Mercury, Viet Tribune, v.v. Anh được nể trọng, được biết đến như một nhà văn hơn nhà giáo. Anh viết nhiều, xuất bản nhiều. Những tác phẩm chính: Mù Sương (tuyển tập truyện ngắn, 1966), Sinh Nhật (tuyển tập truyện ngắn, 1968), Ý Nghĩ Trên Cỏ (tiểu luận, 1971), Khu Rừng Hực Lửa (truyện dài, 1972), Kẻ Tà Đạo (truyện dài, 1973), Bất Cứ Lúc Nào Bất Cứ Ở Đâu (tùy bút, 1974), Người Đi Trên Mây (truyện dài, 1987), Sa Mạc (truyện dài, 1989), Căn Nhà Ngói Đỏ (tạp ghi, 1989), Bụi Và Rác (truyện dài, 1996), v.v.
Năm 1994, khi làm đồng Chủ Biên tuyển tập văn chương chiến tranh The Other Side of Heaven, tôi chọn truyện ngắn Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự của NXH, biên tập đôi chút, nhờ Thái Tuyết Quân chuyển ngữ, rồi đưa vào tuyển tập. Theo tôi, đây là truyện ngắn hay nhất của NXH, xây dựng một nửa từ hư cấu một nửa từ cuộc đời thật. Tôi thích câu kết:
“… Vào những buổi sáng cuối tuần, đi bách bộ trong khu công viên Mile Square Park ở Quận Cam, tôi như thấy mình đang trở lại thời sống với cha ở một vùng núi miền Trung. Buổi sáng sớm rừng còn đầy sương mù, gió thổi luồn qua những vòm cây lạnh. Trên những ngọn cây cao, tôi nghe tiếng chim kêu từng hồi. Giẫm trên những ngọn cỏ ướt sương, bập bập điếu thuốc lá chưa kịp khô, tôi thấy mình già hẳn. Như giờ đây, gần bốn mươi năm sau tôi thấy tôi mới già bằng thuở đó.” (Only on the weekends, as I perform my ritual in strolling in Mile Square Park, am I reminded that part of my childhood I spent with my father in the mountains of Central Vietnam. As on many autumn mornings in the highlands, the sunrise uncovered a forest thick with white fog. The wind billowed through the cold trees, touching off the melancholic calls of the birds. Walking over ground covered with glittering dew, puffing on a damp cigarette, I had felt old. Now, forty years later, I am just as old as I was then.)
Khi tham gia vào những sinh hoạt văn học, tôi có nhiều liên hệ và gần gũi với NXH. Tuy nhiên, tôi trở thành bạn thân của anh lại do những yếu tố khác. Do chia sẻ với nhau nhiều kỷ niệm sâu đậm về thời thơ ấu. Do cái “chất Nha Trang” của NXH. Cái “chất Nha Trang” của những học sinh hiền lành tỉnh nhỏ nhưng muốn vươn mình lên để đuổi theo những đổi thay của một thế giới đang hồi sinh sau thế chiến. Và, do tình yêu dành cho một thành phố mà ở đó cả hai chúng tôi cùng lớn lên, và bây giờ, cùng ở quá xa. Cùng muốn trở về nhưng cùng đương đầu với bao mâu thuẩn. Những mâu thuẩn của tôi có khác, nhưng tôi hiểu và chia sẻ được với anh, cả cái ngọt ngào lẫn cay đắng trong tình yêu đó. Hãy đọc vài câu trong bài Nha Trang Hang Động Tuổi Thơ của NXH:
“Tôi sẽ trở lại thành phố đó.
Nơi tôi đã chào đời, lớn lên và sống những ngày ấu thơ
buồn thảm.
Quê hương của những hàng cây muồng hoa vàng nghệ
Ảm đạm xấu xí, lùn thấp và rất ít bóng mát
Nơi có bãi cát vàng chạy dài mút mắt và rừng dương xanh
rợp lá không hơi hám người
Tôi sẽ trở lại thành phố đó chớ!
Tại sao không?
Chắc thế nào tôi cũng sẽ phải trở về
Nơi có ngôi nhà mái ngói màu đỏ
Có những giọt nước mắt lặng lẽ của mẹ tôi
Có mùi rượu nồng nặc của cha tôi
Có nỗi đau của một đứa bé tự ôm hôn vết thương
trên da thịt mình
…..”
Nha Trang cũng là một hang động tuổi thơ của tôi. Dù có khác.
Anh chị NXH là một trong rất ít cặp vợ chồng được chị tôi, hs Trương Thị Thịnh vẽ chân dung cho cả hai. Chân dung anh được thực hiện tại nhà tôi, vào mùa hè 2008, nhân một họp mặt bạn bè ra mắt hai tập thơ của Hải Phương. Tôi không biết chị Thịnh vẽ TGV ở đâu nhưng tôi đoán là tại căn hộ của chị Thịnh ở San Jose, bốn năm trước đó. Khi đến chơi nhà anh Hoàng, tình cờ thấy bức chân dung của chị tôi vội chụp dù không đủ ánh sáng và thiếu khoảng cách.
Ở San Jose, thỉnh thoảng anh chị Hoàng đến chơi với gia đình con gái tôi, Trương Lê Bảo Trâm. Vào khoảng giửa năm 2012, cháu Bảo Trâm báo cho tôi biết bác Hoàng thố lộ với cháu là bác sẽ ra đi sớm. Tôi không tin lắm vì trước đó thấy anh còn rất khỏe, rất vui vẻ với bạn bè. Sau này mới hay, anh chỉ mới biết mình mang trọng bệnh trước đó không lâu, một chứng ung thư xương rất khó chữa. Khi gặp lại anh, thấy thần sắc thay đổi không ngờ. Từ đó, mỗi lần về San Jose, vợ chồng tôi đều đến thăm anh chị.  Vài tuần trước khi anh mất, tôi đi cùng anh chị Hải Phương + Quận đến. Chị Quận mang cho anh tô bún mà anh thích nhất, anh rất vui, ăn ngon lành, rất hồn nhiên, rất dễ thương. Hải Phương có chụp ảnh tôi với NXH. Bức ảnh đó, cho đến nay, tôi không muốn đưa bất cứ ai xem. Anh mất ngày 13 tháng 9, 2014.
Một thời gian sau khi NXH ra đi, nhân dọn dẹp tủ sách, thấy rớt ra tuyển tập Căn Nhà Ngói Đỏ, tôi lật ra xem lại. Nhiều hình ảnh trở về trong ký ức. Tôi nhớ đến thời học trung học, vói bài tản văn của Jean Jacques Rousseau “Si j’étais riche” (Nếu Tôi Giàu). Đại khái, “Nếu tôi giàu… tôi sẽ có một căn nhà nhỏ trên một sườn đồi ở nhà quê… mái nhà lợp bằng ngói đỏ… Nếu gần đó có một nông phu, buổi chiều đi làm về sau một ngày nặng nhọc với đồng áng, tôi sẽ mời anh vào uống với tôi một ly vang, để làm nhẹ chút nào gánh nặng của anh… và tôi có thể tự nhủ…mình vẫn còn là một Con Người.” Tôi cũng nhớ lại thời sinh hoạt Hướng Đạo, thường đạp xe đi lên đi xuống con đường Nha Trang - Diên Khánh. Hai bên đường còn nhiều ruộng nương và xa xa có vài căn nhà ngói đỏ. Tôi nhớ Nguyễn Xuân Hoàng. Tôi nhớ “hang động tuổi thơ’. Tôi nhớ chuyện này, chuyện kía, người này, người nọ. Lẫn lộn nhau. Một ký ức hổn mang. Hôm đó, tôi lấy sơn vẽ lên bố, một bức tranh trừu tượng, mang tựa đề “Nhà Ngói Đỏ Trong Ký Ức Hỗn Mang”. Bức tranh đó được chụp lại và post lên nhiều tạp chí mạng, nhưng không hiểu sao tôi không tin cho chị Vy biết và cũng không email cho chị hình bức tranh.
Vài tháng sau, khi về San Jose, hai vợ chồng tôi đến thăm chị. Chị cho biết có thấy trên mạng bức tranh đó với lời ghi “Tưởng nhớ Nguyễn Xuân Hoàng’, và chị đã cho in ra trên giấy để làm kỷ niệm. Tôi cảm động nhưng cũng khá ngượng về sự vô tình rất vô duyên của mình.
Chúng tôi vẫn thỉnh thoảng đến thăm chị hoặc gặp chị trong những họp mặt với bạn bè chị Thịnh. Ai cũng cảm phục khả năng chịu đựng và sức mạnh tinh thần của chị vì biết bệnh chị trầm kha và kéo dài quá lâu. Lần cuối cùng đến thăm, chi đã bệnh nặng lắm, phải nằm trên giường tiếp khách. Nhưng, vẫn nói người vui vẻ một cách tỉnh táo như mọi khi.
Chị Trương Gia Vy mất ngày 9 tháng 4 năm 2023 tại San Jose, California.
TRƯƠNG VŨ
Virginia, ngày 24 tháng 4, 2023
 
 

NHÀ NGÓI ĐỎ TRONG KÝ ỨC HN MANG
tưởng nhớ Nguyễn Xuân Hoàng
sơn dầu trên ván ép
Trương Vũ thực hiện năm 2016

 

 

  

Thursday, April 27, 2023

QUÊ HƯƠNG TRONG NỖI NHỚ

Khê Kinh Kha
 
 

Tháng tư, cúi đầu, nhớ
những đoạn đường đã qua
những bờ sông, ngọn cỏ
những lũy tre, bờ đê
 
tháng tư, âm thầm, nhớ
những vầng trăng xa xưa
năm tháng giờ héo úa
như cánh đồng cháy khô
mẹ gìa như lá thu
em thơ như cỏ dại
bạn bè như bèo trôi
tháng ngày như độc dược
tưới vào giữa tim tôi
quê hương, quê hương ơi!
tháng tư, gục đầu, tủi
ôi cuối đời rồi sao
quê hương ai thay đổi
tình người ai vá khâu
 
tháng tư, ngậm ngùi, khóc
quê hương trong nỗi nhớ
đoạn trường trong nước mắt
như sóng trên đại dương
như mưa giữa Trường Sơn
như nước giòng Cửu Long
như rêu xanh Nội Thành
như điêu tàn Tháp Chàm
như Đà Lạt Than Thở
như niềm đau Vọng Phu
tình em dù mặn mà
lòng mẹ dù bao la
con thơ như nụ hoa
không xóa nỗi xót xa
 
tháng tư, ôm mặt, khóc
quê hương, quê hương ơi!
tháng ngày theo gío bay
trăm năm rồi cũng hết
về đâu hồn ta ơi?
về dâu hồn ta ơi?
KHÊ KINH KHA
 
  

Tuesday, April 25, 2023

ĐỒNG VĂN

Hoàng Xuân Sơn
 
Tranh Ái Lan Công Tôn
 
đồng lan
                         đồng thảo
khúc
              nào
cùng ngân lên một điệu chào
mân côi
gối lên niềm gối
              à                      ơi
hôn lên chua xót nghe trời *
lạnh
tay
gợn buồn
của ngón heo may
hồng miên thu thảo
muộn ngày đơm hoa
áo sen bay rợp mấy tòa
khúc lan dần hiện nữa qua sông chiều
đồng tình
với mộ hoang liêu
tóc xanh kỳ nữ
ít nhiều thương tâm
 
@
h.x.s
18avril23
*em hôn lên tay mình để chua xót tình trần  [tcs ]
 
 

UKRAINE. TRẺ EM, NHÀ THƠ, TU SĨ, VÀ HÒA BÌNH

Phan Tấn Hải
 
Sunflowers for Ukraine
Cuộc chiến tại Ukraine đã kéo dài hơn một năm. Chính xác, tính từ ngày quân Nga tràn ngập tiến vào Ukraine ngày 24/2/2022, là khoảng một năm và hai tháng. Những con số thương vong, tan tác ngày càng tăng thêm. Cuộc chiến chưa biết tới bao giờ sẽ ngưng. Những cơ quan có trách nhiệm như Liên Hiệp Quốc, các hội chăm sóc thiếu nhi, các tu sĩ tôn giáo, và ngay các bậc cha mẹ trong gia đình cũng tự suy nghĩ, rằng phải nói gì cho trẻ em để hiểu được rằng cần phải có tình thương yêu mới xây dựng được thế giới an toàn bền vững. Và phía ngược lại, các em đang nói gì với người lớn về thế giới đau đớn này, vì lỗi đâu phải ở các em?
Người ta chưa thế biết chính xác những con số chết và bị thương đối với chiến binh hai nước Ukraine và Nga, vì những con số này là bí mật, và khi đưa ra hiển nhiên là có yếu tố tuyên truyền. Chỉ có thể đoán là mỗi bên, chiến binh cả chết và bị thương hẳn là ở 6 hàng số, nghĩa là, ít nhất 100.000 chiến binh thương vong.
Tương tự, chết và bị thương về phía thường dân cũng dị biệt, vì con số chính quyền Ukriane đưa ra cũng khác với con số Nga đưa ra. Phía Liên Hiệp Quốc lập hồ sơ theo dõi lại chỉ đếm được những con số có thể xác minh, phần người mất tích thì không bao giờ biết được.
Liên Hiệp Quốc đưa ra thống kê, tính từ ngày 24/2/2022 tới ngày 9/4/2023, thiệt hại về thường dân là: 8,490 người chết, và 14,244 người bị thương.
Phía chính quyền Ukraine, đưa ra con số từ văn phòng Công tố tội phạm chiến tranh là ước tính 100.000 thường dân đã chết, tính từ 24/2/2022 tới 23/2/2023. Con số bị thương hiển nhiên là nhiều hơn.
Phía chính quyền Hoa Kỳ, đưa ra con số 40.000 thường dân Ukraine đã chết và bị thương, tính từ 24/2/2022 tới 9/11/2022.
Trong tuần đầu tiên của cuộc xâm lược, LHQ báo cáo có hơn một triệu người tị nạn đã chạy ra khỏi Ukraine; con số này sau đó đã tăng lên hơn 8 triệu vào ngày 31/1/2023. Tính ra, ước chừng 8 triệu người Ukraine đã phải di dời, chạy loạn trong nội vi lãnh thổ Ukraine vào tháng 6/2022 và có hơn 8,1 triệu người đã rời khỏi Ukraine vào tháng 3/2023. Hầu hết những người tị nạn là phụ nữ, trẻ em, người già hoặc người khuyết tật.
Hầu hết nam công dân Ukraine từ 18 đến 60 tuổi đều bị từ chối xuất cảnh khỏi Ukraine, theo lệnh tổng động viên, trừ khi họ chịu trách nhiệm cấp dưỡng tài chính cho 3 đứa con trở lên, hoặc là cha đơn thân hoặc là cha mẹ/người giám hộ của trẻ em khuyết tật. Nhiều nam giới Ukraine, bao gồm cả nam thanh thiếu niên, đã chọn ở lại Ukraine một cách tự nguyện để tham gia kháng chiến.
Catherine Russell, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), nói rằng những con số không nói lên được mặt thực của chiến tranh, vì có những vết thương kéo dài suốt đời: “Đằng sau mỗi con số là một gia đình tan vỡ và thay đổi mãi mãi. Thật đau lòng. Cuối cùng, trẻ em và gia đình cần sự bình yên, và điều đó sẽ không sớm xảy ra.”
Nhưng, trẻ em nhìn thế nào về thế giới hư vỡ của chúng ta? Một số trẻ em Ukraine đã dùng thơ và họa để nói lên ước vọng hòa bình. Nhiều cơ quan cấp Bộ của Ukraine cùng hợp tác với hội từ thiện về nghệ thuật thiếu nhi Lviv Children's Gallery Charity Foundation đã mở ra cuộc thi vẽ, lấy tên là Diễn đàn quốc tế “Giá vẽ vàng 2023” (International Forum “Golden Easel 2023”) trong đó sẽ dùng tất cả những đóng góp từ thiện để hỗ trợ trẻ em của cuộc chiến ở Ukraine. Lviv là một thành phố phía Tây Ukraine, nơi bình yên nhất trước giờ tại Ukraine, vì chiến tranh tập trung ở Miền Đông và Miền Nam Ukraine. Nếu bạn là trẻ em, bất kể ở nơi nào trên thế giới, bạn đều có quyền gửi họa phẩm dự thi qua mạng. Nếu trong nhà bạn có trẻ em, hãy khuyến khích các em vẽ tranh dự thi. Hãy kêu gọi các em lên tiếng về thế giới này.
Chương trình thi “Giá vẽ vàng 2023” có mục tiêu thu hút càng nhiều quốc gia càng tốt để hiểu được sự khủng khiếp của chiến tranh trên lãnh thổ của Ukraine, để hỗ trợ Ukraine và cho thế giới thấy nghệ thuật của trẻ em trong cuộc đấu tranh cho một bầu trời hòa bình trên trái đất… dự kiến bán đấu giá các tác phẩm dành cho trẻ em để gây quỹ cho Quân Lực Ukraine; dự kiến tổ chức các cuộc triển lãm tại Ukraine và nước ngoài. Người tham gia cuộc thi sẽ là trẻ em toàn cầu từ 4 đến 17 tuổi. Xin xem chi tiết và gửi tranh vào trang này:
https://artclass.lviv.ua/en/golden-easel-2022/
HÌNH 01:
Tranh của 6 trẻ em dự thi giải “Golden Easel 2023.”
 
Bây giờ là tháng 4. Hẳn nhiều bạn còn nhớ rằng chúng ta vừa trải qua Ngày Thơ Thế Giới (World Poetry Day), theo truyền thống là ngày 21/3 hàng năm trong các chương trình của UNICEF. Trong ngày 21/3/2023 vừa qua, để kỷ niệm Ngày Thơ Thế Giới, hàng trăm trẻ em và thanh thiếu niên trên khắp thế giới đã gửi lên những bài thơ nêu lên trải nghiệm của các em về chiến tranh, và để kêu gọi hòa bình, như một phần trong sáng kiến Những bài thơ vì Hòa bình (Poems for Peace initiative) của UNICEF.
Năm 2023 là năm thứ tư của chương trình này, Những bài thơ vì hòa bình đã tìm cách đưa lên tiếng nói của những người trẻ sống ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và ghi lên hy vọng của họ về hòa bình ở quê nhà. Các bài thơ thể hiện nhiều chủ đề chung, tuy ghi về cách chiến tranh ảnh hưởng đến trẻ em, nhưng cũng bao gồm một cảm giác hy vọng khác biệt về tương lai. Sáng kiến này ban đầu do UNICEF giới thiệu hồi năm 2020 nhằm đưa ra tiếng nói của trẻ em và thanh niên trong quá trình xây dựng hòa bình.
Kể từ khi bắt đầu sáng kiến, UNICEF đã nhận được hàng ngàn bài thơ của trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 8 đến 24 tuổi và đã chấp nhận các bài dự thi từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm Afghanistan, Burkina Faso, Ethiopia, Iraq, Mali, Myanmar, Nigeria, Somalia, Nam Sudan, Sudan, Syria và Yemen. Năm nay, hơn 1.700 bài dự thi đã được nhận từ trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi chiến tranh ở Ukraine. Đó là một cách để UNICEF làm nổi bật sức mạnh và lòng dũng cảm phi thường của những người trẻ tuổi, những người trực tiếp biết cảm giác phải sống chung với bạo lực, sợ hãi, bấp bênh; những người đã bị tổn thương khi bị chia cắt khỏi nhà, bạn bè và trường học; những đứa trẻ khao khát một tương lai ổn định hơn.
Nơi đây, chúng ta sẽ dịch một bài thơ của cô bé Maria, 12 tuổi. Hồi tháng 5/2022, cô bé Maria cùng với mẹ rời bỏ thành phố Odessa, Miền Đông Ukraine. Bây giờ hai mẹ con đang tỵ nạn Bucharest, Romania, nơi họ dự định ở cho tới khi cuộc chiến ở Ukraine kết thúc.
 
HÌNH 2:
Cô bé Maria, 12 tuổi, rời bỏ Ukraine và đang tỵ nạn ở Romania,
một trong 1.700 trẻ em sáng tác thơ, gửi về UNICEF
cho chương trình “Poems for Peace.”
 
Bài thơ của cô bé Maria được viết như một bức thư gửi tới người cha, dưới góc nhìn của một đứa trẻ bảy tuổi sắp trải qua một mất mát to lớn, trích dịch theo bản Anh văn như sau:
.
Ba thương yêu ơi, ba có nhớ hôm nay là ngày gì không?
Hôm nay là sinh nhật con. Lần thứ bảy!
Tại sao con không nhận được thư?
Nhớ nhé, hãy viết cho con chút gì vui đi!
Ba thương yêu ơi, con nghe bà nội nói gì đó về ba,
Như thể ba sẽ không về nhà nữa, nhưng điều đó có đúng không?
Nhưng không còn lá thư nào từ ba tới nữa
Bởi vì nơi nào đó trên một cánh đồng xa,
Nơi phủ đầy khói đen,
Một người lính đang nằm chết, người đầy máu...
.
Không phải chỉ Liên Hiệp Quốc mới chú ý tới trẻ em trong chiến tranh. Nhà  thơ Hoa Kỳ Nancy Kangas cũng có chương trình riêng. Sau ba mươi năm làm quản thủ thư viện, và sau khi chứng kiến giáo dục nghệ thuật từ từ biến mất khỏi các trường học ở Mỹ trong nhiều thập niên, nhà thơ Nancy Kangas bắt đầu hướng dẫn một chương trình đọc và làm thơ với tư cách là nghệ sĩ nội trú tại một trường mầm non ở Columbus, Ohio.  
 
HÌNH 3
Nhà  thơ Hoa Kỳ Nancy Kangas 
 
Và sau gần một thập niên dạy thơ cho trẻ nhỏ — và để trẻ em dạy cho mình thi pháp của thực tại được nhìn bằng đôi mắt trong sáng nhất — nhà thơ Kangas đã hợp tác với nhà làm phim tài liệu Josh Kun trong dự án Preschool Poets (Các Nhà Thơ Mầm Non), mời các nghệ sĩ thiếu nhi từ khắp nơi trên thế giới tham gia. Nhiều bài thơ trẻ em gửi về đã cho thấy những cảm xúc dị thường. Kangas đã chọn ra 8 bài thơ ưa thích, trong đó có bài thơ của cô bé Brayden nhan đề “Bullets” (Những viên đạn). Bài thơ này dịch như sau.
 
NHỮNG VIÊN ĐẠN
thơ của Brayden
  .
Thế giới ơi, hãy ngồi xuống
và hãy thư giãn
để không còn những cơn giông.
Cây ơi, hãy tô màu cho lá.
Hãy thư giãn, mọi người ơi. Hãy ngủ đi.
Hãy thư giãn, bầy sói ơi. Hãy nằm xuống bên các cội cây.
Những viên đạn từ các nòng súng ơi, hãy thư giãn,
Hãy ngưng bắn vào người.
Lửa ơi, hãy ăn củi nhé.
.
Stas Santimov – một họa sĩ người Ukraine, cũng chuyên về sáng tác phim hoạt hình – đã chọn bài thơ “Những viên đạn” của cô bé Brayden, qua giọng đọc Miracle, để làm thành 1 phim ngắn nơi đây:
https://www.preschoolpoets.org/poems
.
Và rồi thế giới của các nhà thơ sáng tác bằng tiếng Nga, trong và ngoài lãnh thổ Nga, nghĩ gì về cuộc chiến tại Ukraine? Bạn biết rồi. Báo chí hàng ngày không bận tâm về những gì các nhà thơ viết. Họ ưu tiên chạy theo tường trình các buổi họp báo của các Tổng Thống, hay ở mức độ tệ hơn, một số nhà báo chỉ ưa rình rập chụp hình và loan tin về các chuyện giựt gân. Bởi vậy, phong trào Các Nhà Thơ Chống Putin (Poets Against Putin) không được bao nhiêu người biết tới. Họ là các nhà thơ sáng tác bằng tiếng Nga. Họ sống cả trong và ngoài nước Nga, và họ làm thơ kêu gọi hòa bình cho Ukraine.
 
Một nhóm 5 học giả đã chuyển ngữ nhiều bài thơ sang tiếng Anh, và được nhà biên tập Julia Nemirovskaya đưa vào một tuyển tập thơ, nhan đề “Disbelief: 100 Russian Anti-War Poems” (Không tin nổi: 100 bài thơ Nga phản chiến). Nhà xuất bản trình bày rằng: “Tuyển tập song ngữ này là một nhánh của Dự án Kopilka, một kho lưu trữ trực tuyến các bài thơ phản chiến của các nhà thơ dùng tiếng Nga hiện đang sống ở Nga, Ukraine, Mỹ, Israel và các quốc gia khác. Kopilka có nghĩa là 'ngân hàng tiền xu' (‘coin bank’), và nhà thơ người Mỹ gốc Nga Julia Nemirovskaya, người khởi xướng dự án, đã mô tả nó giống như 'ném một đồng xu nhỏ vào một kopilka lớn hơn: nỗ lực tập thể để đánh bại Putin'. Trang web của Dự án Kopilka có tác phẩm của hơn hai trăm nhà thơ; tuyển tập này bao gồm bảy mươi bài thơ trong số này, trình bày nhiều điểm nhìn.”

HÌNH 4
Bìa tuyển tập thơ “Disbelief: 100 Russian Anti-War Poems.”
 
Trong tuyển tập, có một bài thơ của thi sĩ Vera Pavlova, được Andrei Burago dịch qua tiếng Anh, và nơi đây chúng ta trích dịch như sau:
 
Đừng nói rằng bạn bắn vào không trung.
Viên đạn sẽ tìm thấy mục đích của nó.
Nhắm lên cao, bạn giết một thiên thần,
Nhắm xuống thấp, bạn tàn sát một xác chết.
Một con chim, một con thỏ, một chuột đồng.
Viên đạn sẽ tìm thấy con mồi của nó.
Hãy nghe lời mẹ, trốn vào một cái hầm,
Quăng khẩu súng trường của bạn đi. 
.
Một trong những bài thơ đau lòng trong tuyển tập là bài ‘War is a Train’ ('Chiến tranh là một chuyến tàu') của thi sĩ Galina Itskovich, cũng là một nhà trị liệu tâm lý người Ukraine hiện đang sống ở New York. Bài thơ nói về cô con gái đang cố gắng giúp đỡ mẹ mình, một bà cụ mắc chứng mất trí nhớ, nhưng luôn luôn nghĩ tới chiến tranh là chuyện của năm 1941, khi cụ bà là một bé gái sống trong hoảng loạn kinh hoàng. Năm 1941, Ukraine còn nằm trong Liên bang Xô viết, dưới sự cai trị tàn bạo của Stalin. Tháng 6/1941, Đức xâm lăng Liên Xô, dẫn tới cuộc chiến tranh thế giới khốc liệt nhiều năm.
 
Mỗi buổi sáng, bắt đầu từ thứ Năm,
Tôi nói với mẹ tôi rằng chiến tranh đã bùng nổ ra.
Mỗi lần, mẹ đều ngạc nhiên –
vì chiến tranh thuộc về thời thơ ấu của mẹ,
không có thứ gọi là chiến tranh dành cho người lớn.
Đây không phải là tuyên truyền của Nga, đây là
     chứng mất trí nhớ đơn thuần –
một ơn phước được quên đi bất cứ thứ gì quá lớn
và quá đáng sợ.
Nó chìm lại vào Chủ nhật. Mẹ bắt đầu tìm kiếm mẹ ruột của mẹ,
để khóc vì kinh hoàng,
để cầu xin và vụng về nói về một cơn hoảng loạn mù quáng.

Làm ơn, đừng lớn lên, mẹ ơi,
đừng tiếp tục câu chuyện này vào thứ Hai,
đừng sống trong sợ hãi vào thứ Ba,
hãy dừng lại và ở trong năm 1941 của mẹ,
để con không bao giờ phải ra đời
gặp phải nỗi kinh hoàng của chính con,
nỗi sợ chết người dai dẳng đó
trên khuôn mặt của các trẻ em vừa được cứu
ra khòi thành phố Bucha
một ơn phước được quên đi bất cứ thứ gì quá lớn
và quá đáng sợ.
.
Trong cuộc chiến xâm lược của Nga tại Ukraine, hẳn là trong hàng ngũ chiến binh Nga cũng có một số Phật tử. Nhưng nổi bật trong tháng 4/2023 là trường hợp một chiến binh Nga vừa thọ tam quy ngũ giới của nhà Phật xong, liền chính thức tuyên bố lập trường phản chiến. Và anh chấp nhận bị trừng phạt.
Đó là trường hợp của Trung úy Dmitry Vasilets, người bị kết án 2 năm và 5 tháng tù sau khi một tòa án quân sự Nga ở vùng Murmansk kết tội anh không tuân theo mệnh lệnh trong tác chiến, theo tin của thông tấn Meduza. Người chiến binh 27 tuổi đã từ chối quay trở lại chiến tranh sau khi chuyển sang Phật giáo.
Trung úy Vasilets nói với báo Novaya Gazeta vào tháng 12/2022, và được dịch bởi mạng Meduza, về những gì anh suy nghĩ sau khi trở thành Phật tử: “Thật vô nghĩa khi giết người. Điều này sẽ không giúp được gì mà chỉ nhân lên thêm nhiều đau khổ và hủy diệt, khiến tình hình trở nên tệ hại hơn. Chúng ta chỉ nên chiến đấu với sự nỗi giận bên trong nội tâm mình, thay vì kẻ thù.”
Khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga, Vasilets đã theo đơn vị được đưa tới Ukraine với mục đích mà anh ta được kể là huấn luyện diễn tập. Anh nói với hãng tin này: “Tôi nghĩ nhiều người trong chúng tôi đã hình dung rằng nó sẽ giống như Crimea - rằng mọi thứ sẽ diễn ra trong hòa bình. Lúc đầu, tôi có cảm giác không thực, như thể bị mắc kẹt trong một trò chơi điện tử hoặc trong một bộ phim.” Vasilets được nghỉ phép 15 ngày sau năm tháng phục vụ, trong thời gian đó, anh đã đến thăm mộ những người bạn quân đội đã chết của mình. Trung úy Vasilets cũng gặp một trong những người bạn của mình đến thăm Cộng hòa Buryatia ở phía đông Siberia, nơi có truyền thống Phật giáo Tây tạng ảnh hưởng mạnh. Cha mẹ người bạn đã đưa cho Vasilets một xâu chuỗi hạt mala dùng trong các nghi lễ cầu nguyện. Sau đó, Vasilets chấp nhận lời dạy của Đức Phật và nhận ra rằng không có lý do gì để chiến đấu nơi chiến trường Ukraine.
Vào tháng 8/2022, Vasilets thông báo với cấp trên của mình qua một lá thư rằng anh sẽ không trở lại chiến trường. Vasilets một lần nữa được lệnh quay trở lại quân ngũ vào tháng 9/2022, nhưng lại bị từ chối. Trong cùng tháng đó, Putin đã phê chuẩn việc sửa đổi Bộ luật Hình sự của Nga, trong đó sẽ phạt tù lên đến ba năm đối với những quân nhân “từ chối tuân theo mệnh lệnh của sĩ quan cấp cao trong thời gian thiết quân luật hoặc tham gia chiến đấu.” Vào tháng 10/2022, Vasilets bị truy tố tội từ chối tuân theo mệnh lệnh trong khi chiến đấu. Vào ngày 7 tháng 4/2023, Vasilets bị kết tội và bị kết án tại một khu định cư thuộc địa. Anh nói với Novaya Gazeta vào tháng 12/2022: “Tôi biết mình sẽ phải ngồi tù. Tôi có quyền lựa chọn và tôi đã chọn.”

HÌNH 5
Trung úy Dmitry Vasilets sau khi trở thành Phật tử đã từ chối
trở lại chiến trường, và chấp nhận án tù.
 
Một trường hợp khác. Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Cộng hòa Kalmykia thuộc Nga đầu tháng 10/2022 đã trở thành vị giáo chủ tôn giáo đầu tiên ở Nga công khai lên án chiến tranh ở Ukraine. Vị lạt ma này được gọi là Telo Tulku Rinpoche, còn được gọi là Erdni Ombadykov, theo truyền thuyết ngài là một vị tái sanh nhiều đời để hoạt động trong cương vị tăng sĩ.
Đức pháp chủ PG tại Cộng hòa Kalmykia đã nói trong một cuộc phỏng vấn với một blogger người Nga trên YouTube rằng ngài ủng hộ Ukraine vì chính Nga đã tấn công lãnh thổ của Ukraine: “Tôi nghĩ [chiến tranh] là sai; không ai cần cuộc chiến này. Tất cả chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, tất cả chúng ta đều muốn chung sống hòa bình, mỗi quốc gia đều muốn phát triển. Tôi nghĩ rằng phía Ukraine, tất nhiên, đúng – họ đang bảo vệ quốc gia, vùng đất, sự thật, hiến pháp, con người của họ. Rất khó để nói và chấp nhận rằng Nga đúng. Rất khó để nói như vậy, và đây là điều tôi không thể [nói] như thế.”
Telo Tulku Rinpoche cũng nói rằng ngài trước đó đã tránh bày tỏ suy nghĩ về cuộc chiến ở Ukraine vì “không muốn làm tổn hại mối quan hệ giữa chính quyền và Phật tử” mặc dù ngài nói thêm rằng các nhà lãnh đạo Phật giáo công khai ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine không thể tin tưởng một cách chân thành. trong những gì họ đã nói nếu họ là Phật tử thực sự. Telo Tulku Rinpoche hiện đang ở Mông Cổ, nơi ngài đang giúp đỡ hàng ngàn người Kalmyk chạy trốn khỏi Nga sau khi Tổng Thống Putin phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine vào cuối tháng 2/2022.
Lượng người Nga chạy ra khỏi Nga vào Mông Cổ, chủ yếu là người gốc Kalmyk, Buryat và Tyvan, đã tăng mạnh trong những ngày sau khi Tổng thống Putin hôm 21/9/2022 tuyên bố động viên để đưa thêm lính vào tham chiến ở Ukraine. Kalmyks ở phía tây nam của Nga và Buryats ở Siberia hầu hết là các nhóm dân tộc nói tiếng Mông Cổ theo đạo Phật.
 
HÌNH 6
Telo Tulku Rinpoche, Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Cộng hòa Kalmykia thuộc Nga,
công khai lên án cuộc chiến ở Ukraine. Ngài đang lưu vong ở Mông Cổ.
 
Lập trường chính thức của Giáo hội Chính thống giáo Nga là ủng hộ chính quyền Nga và cuộc chiến bành trướng lãnh thổ của Putin. Nhưng vẫn có những tiếng nói lương tâm từ một số tu sĩ. Linh mục Chính thống giáo Maxim Nagibin đã bị lên án và cô lập trong ngôi làng của mình ở miền nam nước Nga kể từ khi ngài thuyết giảng tại nhà thờ địa phương St. Michael the Archangel trong lễ Phục sinh, nơi linh mục lên án chiến tranh Ukraine là một “tội ác.”
LM Nagibin, 38 tuổi, nói với báo The Moscow Times: “Tôi muốn bày tỏ quan điểm của mình cho mọi người nghe, muốn chia sẻ nỗi đau trong tâm hồn tôi. Nhưng, thật không may, không phải ai cũng nghe thấy tôi và do vậy đã có những hậu quả.”
Vị linh mục đến từ vùng Krasnodar là một trong số ít các nhân vật tôn giáo Nga thách thức chính quyền tôn giáo — và thế tục — bằng cách lên án Điện Kremlin vì cuộc chiến xâm lược Ukraine. Những người dám lên tiếng như vậy — dù là Ky tô giáo, Phật giáo, Do Thái hay Hồi giáo — không chỉ phải đối mặt với sự tẩy chay trong cộng đồng địa phương của họ, mà còn bị tước bỏ chức vụ và thậm chí bị truy tố. Một số đã trốn khỏi đất nước.
 
HÌNH 7
Linh mục Chính thống giáo Maxim Nagibin.

Sau bài giảng phản chiến của mình, Linh mục Nagibin cho biết ngài được triệu tập để nói chuyện với các sĩ quan từ Sở An ninh Liên bang (FSB). LM Nagibin cũng đã bị báo cáo cho cả cảnh sát địa phương và giáo hội trung ương ở Moscow. Vào tháng 10, LM Nagibin bị truy tố tội vi phạm luật kiểm duyệt thời chiến, nhưng được trắng án vì đã hết thời hiệu. Có vẻ như tòa án Nga cũng nhẹ tay với các linh mục.
Tương tự như LM Nagibin, linh mục Chính thống giáo Ioann Burdin từ vùng trung tâm Kostroma đã thuyết giảng phản chiến trong những ngày đầu của cuộc giao tranh. Sau đó, ngài bị kết án theo luật kiểm duyệt thời chiến và bị phạt 35.000 rúp (501 USD). Tháng sau, ngài từ chức linh mục quản xứ. Cả Nagibin và Burdin đều thuộc nhóm 293 giáo sĩ Chính thống giáo đã ký một bức thư ngỏ vào tháng 3/2023 kêu gọi “tất cả những ai có trách nhiệm vào việc chấm dứt cuộc chiến huynh đệ tương tàn ở Ukraine hãy thực hiện một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.”
Tất cả những ai có trách nhiệm chấm dứt cuộc chiến huynh đệ tương tàn ở Ukraine? Thực tế, chỉ có một mình Tổng Thống Putin thôi. Và có thể, phần nào, có một người có thể thuyết phục Putin ngưng chiến: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng ông Tập lại có lập trường ủng hộ Nga để chống Hoa Kỳ, và để dọn đường chuẩn bị xâm chiếm Đài Loan.
May mắn, vẫn còn các nhà thơ dám nói, dám viết. Và một số nhà thơ Trung Quốc lên tiếng rất sớm, như trường hợp thi sĩ Yu Xiuhua. Theo một bài viết của nhà văn và là dịch giả nổi tiếng Berlin Fang, hiện cư ngụ ở Texas, trên trang báo Medium ngày 28/2/2022 về một bài thơ của Yu Xiuhua (余秀), có thể đọc thêm âm Hán Việt là Dư Tú Hoa. Bản thân nhà thơ Yu Xiuhua (1976-) cũng là một trường hợp dị thường của văn học Trung Hoa. Họ Yu là nhà thơ nơi nông thôn vắng lặng, sống tại một ngôi làng nhỏ ở Hồ Bắc, Trung Quốc. Chị bị bệnh bị suy não (cerebral palsy) gây khó khăn trong việc nói chuyện, nhưng vẫn sử dụng những bài thơ của mình để thể hiện những suy nghĩ độc đáo một cách táo bạo.
Vào ngày 27/2/2022 -- tức là, chưa tới ba ngày, sau khi Putin đưa quân Nga vào Ukraine tấn công nhiều mặt trận -- nhà thơ Yu Xiuhua đã viết một bài thơ, và bài thơ này đã gây sóng gió đối với cư dân mạng Trung Quốc đang chia rẽ mạnh mẽ để ủng hộ Ukraine hoặc Nga. Có một điểm để suy nghĩ nữa: bài thơ được Berlin Fang dịch ra có nhan đề “I pray for my poem to stop a tank” (Tôi cầu nguyện cho thơ tôi chặn được một chiếc xe tăng) có thể làm nhiều người nhớ tới hình ảnh chàng thanh niên biểu tình năm 1989 đứng ra chận xe tăng ở Thiên An Môn, Bắc Kinh. Nhưng như dường, nhà thơ Yu Xiuhua không biết hoặc không ám chỉ gì về chuyện đó.
 
TÔI CẦU NGUYỆN CHO THƠ TÔI CHẶN ĐƯỢC MỘT CHIẾC XE TĂNG
---- thơ Dư Tú Hoa
Tôi cầu nguyện cho thơ tôi chặn được một chiếc xe tăng
Một bài thơ đầy nước mắt xua đuổi quân thù
Tôi cầu nguyện cho hoa chặn những viên đạn
Có lẽ một số hoa cẩm chướng, để an ủi một người mẹ
  
Tôi cầu nguyện cho mặt trời tỏa sáng
Trên tất cả mọi người
Ra khỏi hầm trú ẩn
Để chạm vào mùa xuân, mùa xuân đã đầy vết sẹo
Nhưng vẫn mãi mãi cố gắng nở hoa
  
Những cuộc chia tay định mệnh đó
Xin cho anh bớt nỗi buồn
Nhưng tràn đầy tự do, với niềm vui
Tôi cầu nguyện cho một ngày cho trẻ em
Bước ra ngoài và lang thang khắp đường phố
  
Tôi cầu nguyện cho hòa bình!
Tôi cầu nguyện cho kẻ thù đang mang lưỡi lê
Được nghe gọi tên mẹ của họ
Và tên của những người vợ, những đứa con của họ
  
Tôi cầu nguyện cho những kẻ xâm lược
Nghĩ đến danh dự
Để trân trọng tất cả các sinh mạng
Một thường dân, một người lính
 
Tôi cầu nguyện cho trái đất rắc rối này
Xin cho trời nắng
Không có xấu hổ lớn hơn một cuộc xâm lược
Và không có tội ác nào lớn hơn là chiến tranh
 
Và nơi đây tôi
đang cầu nguyện cho hòa bình
 
Ngày 27 tháng 2 năm 2022
 
Và bây giờ là chuyện về một họa sĩ rất trẻ người Ukraine: cậu bé Maxym chỉ mới 11 tuổi khi chiến tranh bùng nổ. Trang UNICEF USA ngày 24/8/2022 nói về cậu bé rất mực tài năng này. Cậu bé vẽ rất nhiều trong nhiều tháng sống dưới hầm trú bom đạn. Thống kê tháng 8/2022 ghi rằng khoảng 2/3 trẻ em Ukraine buộc phải chạy ra khỏi nhà để hoặc rời nước, hoặc là sống dưới các hầm trú để tiếp tục hứng những trận mưa đạn của Nga.
 
HÌNH 8
Một bức vẽ năm 2022 của cậu bé Maxym, khi cậu 11 tuổi.
 
UNICEF đã dùng các bức vẽ của cậu bé Maxym, ghép cùng các bức vẽ của các trẻ em Ukraine khác để nối thành chuỗi và làm thành một đoạn phim ngắn. Chỉ tính riêng về số lượng trẻ em còn ở trong Ukraine bây giờ là khoảng 5.2 triệu em đang cần sự trợ giúp nhân đạo của quốc tế. Và cuộc chiến chưa biết bao giờ thì ngưng lại.
 
Video tranh vẽ của các em dài 1:38 phút được UNICEF đưa lên nơi đây:
https://youtu.be/ufGa4Ml93W0
 
Bao giờ sẽ im tiếng súng trên chiến trường Ukraine, vẫn chưa ai biết. Nhưng đối với rất nhiều trẻ em Ukraine, có thể sẽ tới một tuổi nào đó trong đời, các em sẽ thấy thời gian đã ngừng lại ở năm 2022, khi những trận mưa bom đầu tiên bắt đầu dội xuống các thành phố Ukraine. Hệt như bà cụ trong một bài thơ dẫn trên, chỉ còn nhớ rằng thời gian đã ngừng vào năm 1941, khi cụ bà là một cô bé kinh hoàng, hốt hoảng, chạy đi tìm mẹ giữa mưa bom.
PTH